Tóm tắt: Vào các thế kỷ XVI, XVII, Hội An (Quảng Nam) là một thương cảng
quốc tế vô cùng sầm uất thu hút thương nhân từ khắp nơi trên thế giới đổ về để thu
mua hàng hóa. Trong khi đó, ở châu Âu, Bồ Đào Nha cùng với hạm đội hùng mạnh của
mình đã khám phá thành công tuyến đường hàng hải mới đến Ấn Độ, Đông Nam Á và
Viễn Đông. Như một cơ duyên lịch sử, cùng với chính sách mở cửa của chúa Nguyễn,
Hội An đã trở thành một trong những địa điểm đầu tiên ở Đàng Trong thiết lập quan hệ
thương mại và truyền giáo với người Bồ Đào Nha. Trong phạm vi của bài nghiên cứu
này, chúng tôi muốn phân tích hoạt động thương mại và truyền giáo của Bồ Đào Nha
ở Hội An từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XVII. Trên cơ sở đó, chúng tôi lý giải một số nguyên
nhân thúc đẩy sự phát triển của các hoạt động này ở cảng thị Hội An trong một thời kỳ
lịch sử nhiều biến động.
10 trang |
Chia sẻ: thanhle95 | Lượt xem: 1 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Hoạt động thương mại và truyền giáo của Bồ Đào Nha ở Hội An (Thế kỷ XVI - XVII), để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
63
HOẠT ĐỘNG THƯƠNG MẠI VÀ TRUYỀN GIÁO
CỦA BỒ ĐÀO NHA Ở HỘI AN (THẾ KỶ XVI - XVII)
Nguyễn Thị Vĩnh Linh1
Tóm tắt: Vào các thế kỷ XVI, XVII, Hội An (Quảng Nam) là một thương cảng
quốc tế vô cùng sầm uất thu hút thương nhân từ khắp nơi trên thế giới đổ về để thu
mua hàng hóa. Trong khi đó, ở châu Âu, Bồ Đào Nha cùng với hạm đội hùng mạnh của
mình đã khám phá thành công tuyến đường hàng hải mới đến Ấn Độ, Đông Nam Á và
Viễn Đông. Như một cơ duyên lịch sử, cùng với chính sách mở cửa của chúa Nguyễn,
Hội An đã trở thành một trong những địa điểm đầu tiên ở Đàng Trong thiết lập quan hệ
thương mại và truyền giáo với người Bồ Đào Nha. Trong phạm vi của bài nghiên cứu
này, chúng tôi muốn phân tích hoạt động thương mại và truyền giáo của Bồ Đào Nha
ở Hội An từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XVII. Trên cơ sở đó, chúng tôi lý giải một số nguyên
nhân thúc đẩy sự phát triển của các hoạt động này ở cảng thị Hội An trong một thời kỳ
lịch sử nhiều biến động.
Từ khóa: Thương mại, Truyền giáo, Bồ Đào Nha, Hội An.
1. Mở đầu
Là một trong những quốc gia tiên phong của thời đại khám phá (Discovery age),
thế kỷ XVI, XVII, Bồ Đào Nha đã khai mở thành công tuyến thương mại biển độc
quyền qua mũi Hảo Vọng dựa trên hệ thống thương điếm phân bố dọc duyên hải Phi
châu, Ấn Độ, Đông Nam Á đến Viễn Đông. Song song với hoạt động giao thương, công
cuộc truyền giáo của các giáo đoàn dưới sự bảo trợ của Hoàng gia Bồ Đào Nha cũng
gặt hái được nhiều thành quả khi ba giáo phận Goa (Ấn Độ), Malacca (Đông Nam Á)
và Macao (Trung Quốc) lần lượt ra đời. Đại Việt - một quốc gia nằm trên tuyến thương
mại nội Á - bắt đầu có quan hệ với thương nhân người Bồ từ đầu thế kỷ XVI. Các sự
kiện lịch sử cũng ghi nhận ảnh hưởng của Bồ Đào Nha ở Việt Nam trên cả hai phương
diện thương mại và truyền giáo. Trong công cuộc truyền giáo của các giáo đoàn Bồ Đào
Nha ở Việt Nam, Faifo - Hội An2 là một trong những địa điểm đóng vai trò không thể
thay thế và được xem là một trong những “cái nôi” khai sinh chữ Quốc ngữ.
2. Nội dung
1. TS., Đại học Quảng Nam.
2. Qua từng thời kỳ lịch sử, Hội An có nhiều tên gọi khác nhau như: Faifo, Hoài Phố, Bô, Hải Phố, Hổ
Bi, Cổ Trai, Cổ Tam, Phuy PhôTên gọi "Hội An" xuất hiện đầu tư trong văn thư lịch sử là vào khoảng
1630-1635 trên bản đồ Đỗ Công Luân tức Đỗ Bá vẽ, được in trên sách "Thiên Nam Tứ Chí Lộ Đồ Thư"
ở thời nhà Lê vào khoảng 1630-1653 đã ghi lần đầu tiên địa danh "Hội An Phố".Trong bài nghiên cứu
này, tôi mạn phép dùng tên gọi Hội An để chỉ đô thị - thương cảng Hội An với một không gian địa lý
rộng lớn gồm: cửa biển, tiền cảng, các bến chợ mà trong thời kỳ lịch sử này thường được các thương
nhân châu Âu gọi là Faifoo hay Faifo.
64
HOẠT ĐỘNG THƯƠNG MẠI VÀ TRUYỀN GIÁO CỦA BỒ ĐÀO NHA...
2.1. Dấu ấn của những cuộc tiếp xúc đầu tiên
Sau chuyến viễn chinh của Vasco da Gama (1460-1524), Hoàng gia Bồ Đào Nha
đẩy mạnh hơn nữa quá trình khám phá Ấn Độ dương bằng việc xác lập thương điếm
quan trọng tại Goa và Diu (Ấn Độ) vào đầu thế kỷ XVI. Từ hai căn cứ này, Bồ Đào Nha
hướng sự chú ý đến Đông Nam Á - một trong những trung tâm hương liệu của toàn thế
giới. Với chiến lược: “để giành được ưu thế về thương mại ở Ấn Độ Dương thì điều
nhất thiết là phải chiếm và kiểm soát được các vị trí chiến lược chủ yếu và thúc đẩy hoạt
động buôn bán có thể cung cấp thu nhập đủ để duy trì sức mạnh không gì cưỡng lại
được” [6; 218], Afonso de Albuquerque (1453 - 1515) - Phó vương Bồ Đào Nha tại Ấn
Độ quyết định xâm chiếm Malacca (lúc này đang nằm dưới quyền thống trị của Sultan
Mahmud Shah (1488-1511)) vào năm 1511. Sau nhiều trận chiến quyết liệt, đến ngày
24/8/1511, Malacca đã nằm dưới quyền khống chế của Bồ Đào Nha. B.W.Diffie và
G.D.Winius trong cuốn “Foundations of the Portuguese Empire 1415-1580” ca ngợi:
“Việc chiếm đóng một thành phố thương mại lớn nhất của châu Á với lực lượng gần 900
người Bồ Đào Nha và 200 binh lính người Ấn Độ như là một sự kiện trong lịch sử các
cuộc viễn chinh của người châu Âu vào không hề gây ấn tượng ít hơn việc xâm chiếm
Tenochtitlan của Hernando Cortés” [1; 256].
Việc xác lập thành công quyền thống trị ở Malacca đã tạo điều kiện thuận lợi cho
hạm đội thương thuyền Bồ Đào Nha xâm nhập vào Đông Nam Á, tìm kiếm tuyến hải
thương đến Trung Quốc. Lần theo những dấu vết của lịch sử, chúng tôi bắt gặp rải rác
một số tư liệu có đề cập về những cuộc tiếp xúc đầu tiên của Bồ Đào Nha với Hội An
(lúc này thường được gọi là vịnh Cochinchina hay Faifoo - Faifo).
Vào tháng 2/1516, Phó vương Bồ Đào Nha ở Ấn Độ đã cử một hạm đội do Fernão
Peres de Andrade3 chỉ huy khởi hành từ Goa. Sau khi dừng lại ở Malacca, đến tháng 8,
ông cho tàu cập bến ở vịnh Cochinchina. Tuy nhiên, do gặp phải gió ngược chiều nên
họ chỉ lưu lại đây vài ngày rồi trở lại Malacca [10; 337]. Đây có lẽ chính là sự kiện mà
Li Tana dẫn lại ý kiến của Manguin đề cập đến trong tác phẩm “Xứ Đàng Trong, Lịch
sử Kinh tế - Xã hội Việt Nam thế kỷ 17 và 18”: “Bồ Đào Nha có cuộc tiếp xúc đầu
tiên với người Việt vào năm 1516,...” [15; 120]. Đến năm 1523, nhà hàng hải Duarte
Coelho Pereira4 (1485 - 1554) là người Bồ Đào Nha đầu tiên đặt chân đến vùng đất
“Cochinchina” (Đàng Trong) khi cho tàu qua Cửa Hàn (Đà Nẵng) và ghé vào Cù Lao
Chàm (Pulo Champeiló). Tại đây, ông đã cho dựng một cây thánh giá có khắc chữ INRI
3. Ông là một thuyền trưởng, dược sĩ và là nhà ngoại giao của Bồ Đào Nha trong thời kỳ đất nước này
bắt đầu khám phá và xây dựng mạng lưới thương điếm của mình trên toàn châu Á. Ông đã tham gia vào
những cuộc xâm chiếm của người Bồ Đào Nha ở Chaul (1506), Calicut, và Goa (1510). Sau khi đóng
vai trò tích cực trong việc đánh bại lực lượng Hồi vương Malacca (1511), ông được cử làm đại sứ của
Estado da India để tiến hành thiết lập quan hệ thương mại với Trung Quốc. Trong chuyến hải hành của
mình đến Trung Quốc, ông đã ghé vào vịnh Cochinchina.
4. Ông là một quý tộc và là nhà chỉ huy quân sự đầy tài năng người Bồ Đào Nha. Trong những năm 1516
- 1517, ông trở thành đại sứ được vua Bồ Đào Nha cử đến thiết lập quan hệ với Xiêm và Trung Quốc.
65
NGUYỄN THỊ VĨNH LINH
(là những ký tự viết tắt cho câu viết tiếng Latinh: Ieus Nazarenus Rex Iudaeorum, nghĩa
là: “Jesus người Nazareth, Vua dân Do Thái”), tên của ông và năm ông đến [9; 632].
Phải hơn mười lăm năm sau đó (1540), một thương thuyền Bồ Đào Nha khởi hành từ
Patani (Malaya) dưới sự chỉ huy của thuyền trưởng Antonie de Faria (? - 1548) mới ghé
vào thương cảng Hội An cho lần tiếp xúc thứ ba. Fernão Mendes Pinto (1510 - 1583)
- một trong những thành viên tham gia thủy thủy đoàn đã ghi lại hành trình đáng nhớ
này trong cuốn Du ký Peregrinacao5 với nhiều thông tin thú vị về Cù lao Chàm và Hội
An: “Ngày thứ Tư tiếp theo, chúng tôi rời khỏi sông Varela - thường được biết đến với
tên gọi Tinacoreu, và tại đây hoa tiêu nghĩ rằng tốt nhất họ nên đến Pulo Champeilo
(Cù Lao Chàm), là một hòn đảo không có cư dân cư trú nằm ngay lối vào của vịnh
Cochinchina tại 14 độ 1/3 vĩ độ Bắc” [9, 74]. Sau khi vào bên trong thương cảng, ông
bắt gặp “một hạm đội thuyền lớn và rất hùng dũng khoảng 40 chiếc, mỗi chiếc trong số
đó có từ 2 đến 3 tổ quạ trên cột buồm, và sợ rằng đó là một trong những dấu hiệu riêng
của đội thuyền thuộc chính quyền bản địa...” [9; 75]. Đến cảng thị “là một thị xã có diện
tích vừa phải với trên 30.000 cư dân được bao bọc bởi tường thành xây bằng gạch có
các tháp canh và thành lũy bố trí bên trong, một vòng thành ngoài và 2 con hào chạy
vòng quanh [9; 75].
Những thông tin này đã đem lại cho người đọc hình dung ban đầu về một Hội An
- thường được gọi là Faifoo hoặc Cochin-china Bay vào thế kỷ XVI. Đây là địa điểm
thương thuyền Bồ Đào Nha ghé vào để lấy nước ngọt, củi đốt và dừng nghỉ chân trong
chuyến hải thương từ Goa (Ấn Độ) đến các thương điếm tại Trung Quốc và Nhật Bản.
Mặc dù các cuộc tiếp xúc này diễn ra không thường xuyên nhưng cũng đặt cơ sở quan
trọng cho sự phát triển hoạt động giao thương ở giai đoạn tiếp sau.
2.2. Thương mại của người Bồ Đào Nha ở Hội An (thế kỷ XVI - XVII)
Trong thực tế, người Bồ Đào Nha đã quan tâm đến Hội An sau khi thương điếm
Macao chính thức được xác lập vào năm 1557. Sự phong phú của các chủng loại hàng
hóa đã trở thành một hấp lực lớn của thương cảng Hội An: “Hàng hóa sản xuất ở các
phủ Thăng Hoa, Điện Bàn, Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Bình Khang và dinh Nha Trang,
đường thủy, đường bộ, đi thuyền, đi ngựa, đều hội tập ở phố Hội An...” [15; 117-118].
Và chính Christophoro Borri trong Bản tường trình “Xứ Đàng Trong năm 1621” đã
nhận xét: “Hải cảng đẹp nhất, nơi tất cả người ngoại quốc đều tới và cũng là nơi có hội
chợ danh tiếng chính là hải cảng thuộc tỉnh Quảng Nam. Người ta cập bến bằng hai
cửa biển: một gọi là Turon (Đà Nẵng) và một gọi là Pulluciambello (Hội An) [5; 91].
Thế nhưng, trong những năm cuối thế kỷ XVI, hoạt động giao thương của Bồ Đào Nha
ở Hội An vẫn không có nhiều khởi sắc.
Động lực thúc đẩy sự liên kết thương mại giữa Bồ Đào Nha và Hội An đến từ
một thế lực khác nằm ngoài lãnh thổ Việt Nam - thương nhân Nhật Bản và thương nhân
5. Là tên cuốn du ký do Fernão Mendes Pinto viết khi tham gia chuyến viễn chinh từ Ấn Độ đến Viễn
Đông. Cuốn sách này chính thức được xuất bản vào năm 1614 - khoảng 30 năm sau khi Pinto qua đời.
66
HOẠT ĐỘNG THƯƠNG MẠI VÀ TRUYỀN GIÁO CỦA BỒ ĐÀO NHA...
Trung Quốc. Hai cộng đồng thương nhân này tập trung sinh sống ở Hội An do nhiều
nguyên nhân khác nhau. Phần lớn thương nhân Thiên Chúa giáo Nhật Bản di cư đến
thương cảng này như một sự trốn chạy khỏi sắc lệnh “cấm đạo” của Mạc phủ (1614)6.
Phát hiện ra sự tập trung đông đúc và thường xuyên của thương nhân Nhật Bản tại Hội
An, chính quyền Bồ Đào Nha tại Macao nhận thấy sự cần thiết phải duy trì sự hiện diện
và phát triển buôn bán tại hải cảng này. Và vì vậy, năm 1615, các linh mục dòng Tên Bồ
Đào Nha cũng đến đây với mục đích: “chăm sóc đời sống của tín đồ Nhật Bản, những
người hàng năm đều từ Nhật Bản đến Cochin-china để buôn bán, và nhiều người trong
số họ sẽ trú đông ở đây trong một hay nhiều năm để thiết lập quan hệ giao thương tốt
hơn với người Cochin-china” [12]. Khi nền thương mại với Nhật Bản hoàn toàn chấm
dứt vào năm 1639, thương nhân Bồ Đào Nha ở Macao chịu sức ép ngày càng gay gắt
do sự thiếu hụt nguồn hàng hóa cung cấp cho thị trường Trung Quốc cũng như sự cạnh
tranh mạnh mẽ của Đông Ấn Hà Lan (VOC). Vì thế, Hội An ngày càng đóng vai trò
quan trọng trong chiến lược thương mại của người Bồ Đào Nha ở Macao. Cũng trong
thời điểm lịch sử đó, quyết định chấm dứt chính sách “hải cấm” sau gần 200 năm duy trì
(1567) của hoàng đế Minh Mục Tông đã trở thành động lực quan trọng thúc đẩy người
Hoa khôi phục lại mạng lưới giao thương trên biển Đông. Thế nhưng, việc họ quyết
định định cư tại Hội An lại đến từ cuộc chiến Minh - Thanh (1618 - 1683). Quá trình
nhập cư này diễn ra theo hai xu hướng chính: hoặc thành lập các bang theo ngôn ngữ
gốc, hoặc nhập tịch và xin các chúa Nguyễn thành lập Minh Hương xã. Sự hình thành
và phát triển của hai cộng đồng thương nhân Nhật Bản và Trung Hoa không những
khiến cho thương mại đường biển trở nên sầm uất mà còn trở thành nhân tố nổi bật thu
hút các thương nhân người Bồ Đào Nha từ Macao.
Cùng với chính sách thương mại “cởi mở” của các chúa Nguyễn, đến đầu thế
kỷ XVII, “người Bồ cùng với người Nhật là thương nhân nước ngoài chủ yếu của thị
trường Hội An” [16; 98]. Theo đó, “họ di chuyển theo hành trình của gió mùa, từ
tháng 3 đến tháng 9 là sáu tháng gió thổi từ Tây Nam lên Bắc, từ tháng 9 đến
tháng 12 là ba tháng gió thổi từ Đông Bắc xuống Nam, đó chính là hải trình của
các đoàn thuyền buôn. Các thương gia vào đây để mua thêm thực phẩm tươi để
dự trữ cho các chuyến hải trình từ Hội An đi Macao khoảng 9 ngày, hoặc từ Hội
An đi Malaya khoảng 20 ngày” [8; 32]. Như vậy, thời điểm mở ra các cuộc giao
dịch tại Hội An gần trùng với dịp Tết Nguyên đán kéo dài trong 6 hay bảy tháng
(từ tháng 2 đến tháng 9 dương lịch).
Mặt hàng chính trong tuyến giao thương này khá phong phú: “thuyền của họ chủ
yếu từ Macao đến đầu kỳ mậu dịch mang theo các hàng đồ sành, đồ sứ, bạc thoi, diêm
sinh, lưu huỳnh, chì kẽm, vải nỉ màu xanh, đỏ...Trong số hàng hóa thu được lãi cao nhất
6. Mạc phủ ban hành sắc lệnh trục xuất thừa sai vào ngày 27/1/1614. Theo sắc lệnh này, tất cả các thừa
sai ở Nhật Bản buột phải tập trung tại Nagasaki để chuẩn bị cho việc trục xuất và đến cuối năm 1614,
hầu như tất cả các nhà thờ đều bị đóng cửa hoặc phá hủy hoàn toàn.
67
NGUYỄN THỊ VĨNH LINH
là các hợp kim. Người Bồ mua tổ yến, trầm hương, vải lụa, tơ, gỗ quý, quế, đường...
chở về Macao hay Malacca. Họ chịu một khoảng thuế thương chính cao nhất trong các
thương thuyền đến Hội An” [16; 98-99]. Hơn nữa, thương nhân Bồ Đào Nha cực kỳ ưa
chuộng các mặt hàng xứ Quảng: “dân bản xứ có thói quen mang đến vào lúc ấy các sản
phẩm trong xứ: sợi tơ sống và tơ đã chuốt, gỗ tốt đóng đồ đạc, gỗ trầm hương, đường,
xạ hương, quế, hồ tiêu, gạo” [3; 35]. Không chỉ quan tâm đến các mặt hàng phổ biến,
thương nhân Bồ (từ kinh nghiệm của thương nhân người Hoa) đặc biệt quan tâm đến
kỳ nam hương: “Kỳ nam hương màu đen, có dầu và giá 50 cruzados một catty nơi
người Bồ Đào Nha, trong khi tại chính nơi sản xuất, nó trị giá ngang với bạc, bao
nhiêu kỳ nam hương là bấy nhiêu bạc” [15; 135]. Bên cạnh đó, đồng tiền, vàng thỏi
và bạc cũng được thương nhân Bồ Đào Nha quan tâm: “Vào năm 1615, họ đã xuất khẩu
120.000 taels tiền đồng đến Cochinchina và bán được với giá 180.000 taels” [11;118].
Ở chiều ngược lại, mặt hàng của Bồ Đào Nha mà chính quyền nhà Nguyễn ưa
chuộng nhất là vũ khí (đặc biệt là đại bác). Cuộc chiến tranh Trịnh - Nguyễn (1627-
1672) đã trở thành cơ hội tốt thúc đẩy giao thương của người Bồ ở Hội An. Chúa
Nguyễn rất mong muốn mua được loại “súng đồng tốt nhất tại phía Đông” từ xưởng
đúc của người Bồ Đào Nha ở Macao (1627-1680). Khi Borri đến Cochinchina (1617-
1622) dưới thời Sãi Vương Nguyễn Phúc Nguyên (1613 - khoảng 60 súng đại bác lớn
nhất được bố trí trong cung điện nhà vua (chúa Nguyễn Phúc Nguyên)” [7; 1263]; “Nhà
vua có một ngàn hai trăm khẩu đại bác, tất cả đều bằng đồng, trong số này người ta
thấy nhiều khẩu có kích thước khác nhau, mang huy hiệu của Tây Ban Nha và Bồ Đào
Nha...” [15; 69]. Và “ngoài biển họ chiến đấu trên thuyền như đã nói, mỗi thuyền có
súng đại bác và nhiều súng musqueton” [5; 84]. Đặc biệt, João da Crux (1610 - 1682)
- một thợ đúc đại bác người Bồ Đào Nha đã phục vụ cho chúa Nguyễn từ những năm
1650 đến khi ông qua đời. Những đóng góp của Crux đã góp phần quan trọng cải thiện
kỹ thuật đúc súng thần công của người Việt.
Hoạt động thương mại của người Bồ Đào Nha ở Hội An tuy không thể so sánh
với Macao hay Malacca nhưng cũng đạt nhiều thành tựu. Quan hệ giao thương hòa
bình giữa hai bên là một đặc điểm quan trọng trong hoạt động của người Bồ Đào Nha ở
Hội An. Từ phía chính quyền bản địa, chúa Nguyễn (Nguyễn Phúc Nguyên) ưu ái cho
thương nhân Bồ Đào Nha nhiều nhất. Chúa chủ động cấp đất cho người Bồ xây dựng
trụ sở buôn bán và tạm trú như trường hợp của người Hoa và người Nhật. “Fernando
da Costa là vị sứ thần được chúa Nguyễn nể trọng nên đã trục xuất thương nhân Hà
Lan theo yêu cầu của Costa vì sự cạnh tranh của hai đối thủ phương Tây này tại Hội
An vào đầu thế kỷ XVII” [2; 73]. Tuy nhiên khác với người Hà Lan hay Anh sau này, Bồ
Đào Nha không thiết lập đại lý thương mại và chỉ thuê văn phòng và nơi cư trú trong
khoảng thời gian thu mua hàng hóa tại Faifo-Hội An. Theo nhiều nguồn tài liệu, “văn
phòng” của người Bồ Đào Nha lớn hơn tất cả những ngôi nhà khác tại Hội An với mặt
trước để kinh doanh, mặt sau là nơi chứa hàng hóa và sinh hoạt [13; 157]. Do đó, người
Bồ Đào Nha cũng chỉ sử dụng môi giới hay đại diện đứng ra để mua các loại hàng hóa
68
HOẠT ĐỘNG THƯƠNG MẠI VÀ TRUYỀN GIÁO CỦA BỒ ĐÀO NHA...
cần thiết mà thôi.
Thế nhưng, sau giai đoạn buôn bán tương đối ngắn ngủi ở Hội An, đến nửa cuối
thế kỷ XVII, cùng với sự xuất hiện của người Hà Lan, sự suy yếu của mạng lưới thương
điếm Bồ Đào Nha trên toàn châu Á, hoạt động thương mại của Bồ Đào Nha ở Hội An
cũng đi dần vào con đường suy tàn và chấm dứt.
2.3. Hoạt động truyền giáo của các giáo sĩ Bồ Đào Nha ở Hội An (thế kỷ XVI
- XVII)
Song hành với hoạt động thương mại, các linh mục dòng Tên Bồ Đào Nha (the
Jesuits) cũng mở rộng công cuộc truyền giáo của mình đến Hội An. Theo chân các giáo
dân người Nhật Bản di cư đến Hội An sau sắc lệnh “cấm đạo” năm 1614 của Mạc Phủ,
“ngày 6/1/1615, ba tu sĩ dòng Tên là hai L.m Francesco Buzomi (Ý), Diego Carvalho
(Bồ Đào Nha) và thầy Antonio Dias (Bồ Đào Nha), đáp tàu buôn Bồ Đào Nha từ Áo
Môn đi Đàng Trong và tới Cửa Hàn ngày 18/1/1615. Sau đó mấy tháng, các ông đến ở
Hội An” [4, tr.24]. Khi đến đây, các linh mục đã “làm thánh lễ với số dân Nhật Bản và
1 năm sau họ đã cải giáo được 300 người Việt xung quanh khu vực này” [16, tr.270].
Năm 1615 đi vào lịch sử truyền giáo của người Bồ Đào Nha như mốc thời gian chính
thức đánh dấu sự thành lập cư sở Hội An - cư sở chính thức đầu tiên của Dòng Tên
(the Jesuits) ở Việt Nam7. Nhận thấy tiềm năng của Hội An, trong những năm tiếp theo,
giáo phận Macao liên tiếp gửi đến Hội An thêm nhiều nhà truyền giáo thuộc Dòng Tên
(the Jesuits), bao gồm: hai giáo sĩ Francisco Barreto và Francisco de Pina (1617); phái
đoàn gồm giáo sĩ Pedro Marquez làm tuyên uý và Christofo Borri (1618); 4 giáo sĩ
Giovani de Leira (người Ý), Romano Niti (Nhật Bản), Emmanuel Borges và Emmanuel
Fernandez đến Hội An năm 1622.
Năm 1624, đánh dấu một giai đoạn quan trọng trong công cuộc truyền bá Thiên
Chúa giáo tại Hội An với sự xuất hiện một đoàn truyền giáo gồm 6 giáo sĩ do Gabriel
Mattos cầm đầu (trong đó có Alexandre de Rhodes). Đến năm 1625, tổng số Jésuites
hữu ở Đàng Trong là 15 thì ở Hội An có 6, năm 1625, các giáo dân được rửa tội là 325
người [8, tr. 65]. Năm 1628, giáo sĩ “Gaspar de Amaral cùng với 2 người Nhật gốc Bồ
Đào Nha là Michael Machi và Matthias Machide” [18, tr.118] và năm 1636 linh mục
Antonio Barbosa đến Hội An. Vai trò của giáo đoàn này được thể hiện thông qua linh
mục Gaspa de Amaral và Antonio Barbosa - những người có vị trí quan trọng trong tiến
trình sáng tạo nên chữ Quốc ngữ ở Việt Nam. Hoạt động thường xuyên và tích cực của
Dòng Tên ở Hội An đã đem đến cho công cuộc truyền giáo nơi đây nhiều thành tựu nổi
bật. Cho đến trước khi Hội truyền giáo Thừa sai Paris (MEP) thay thế vai trò của các
linh mục Bồ Đào Nha tại Hội An thì “trong những năm từ 1615 - 1665, ở Hội An có 3
cộng đoàn theo đạo Thiên Chúa gồm cộng đoàn người Nhật, cộng đoàn người Hoa và
cộng đoàn người Việt. Mỗi cộng đoàn có cơ sở thờ tự riêng.” [17].
7. Hai cư sở còn lại là: Nước Mặn (1618) và Thanh Chiêm (1623).
69
NGUYỄN THỊ VĨNH LINH
Để lý giải nguyên nhân khiến Hội An trở thành một trong những trung tâm truyền
giáo quan trọng ở khu vực Viễn Đông, chúng ta cần nhận thức đầy đủ về bối cảnh lịch
sử của khung thời gian này. Từ sau khi nắm được quyền bảo trợ hoạt động truyền giáo,
người Bồ Đào Nha cũng được Giáo hoàng chính thức thừa nhận quyền sở hữu của họ
trên tất cả các vùng đất đai mà họ khai phá được từ sau cuộc phát kiến địa lý của Vasco
da Gama. Sự kết hợp giữa thế quyền và thần quyền, giữa “hạt tiêu và linh hồn” là đặc
trưng chung của đế quốc Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha vào thời điểm lịch sử này. Với
mục đích xây dựng một đế chế mậu dịch hàng hải, người Bồ Đào Nha đã tiến hành xâm
chiếm những vị trí chiến lược nằm ven biển, kết nối giao thương và nắm độc quyền việc
buôn bán hương liệu và truyền giáo từ Ấn Độ - Đông Nam Á - Trung Quốc - Nhật Bản.
Vì thế, Hội An - với vị trí địa chính trị quan trọng, là một trong những thương cảng mà
thương nhân Trung Quốc, Nhật Bản thường xuyên lui tới và có quan hệ thương mại
nhộn nhịp với Ấn Độ và Đông Nam Á rất thích hợp để Bồ Đào Nha