Khái quát Họ tên Việt Nam

Tên người Việt Nam được các nhà nghiên cứu cho rằng bắt đầu có từ thế kỷ 2 trước Công nguyên và càng ngày càng đa dạng hơn, trong khi đó có ý kiến khác cho rằng: "sớm nhất Việt Nam có tên họ vào khoảng đầu Công Nguyên". Không có một nguyên tắc chung nào trong việc đặt tên, nhưng đối với tâm lý của người Việt Nam,

pdf15 trang | Chia sẻ: nyanko | Lượt xem: 1614 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Khái quát Họ tên Việt Nam, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Khái quát Họ tên Việt Nam Tên người Việt Nam được các nhà nghiên cứu cho rằng bắt đầu có từ thế kỷ 2 trước Công nguyên và càng ngày càng đa dạng hơn, trong khi đó có ý kiến khác cho rằng: "sớm nhất Việt Nam có tên họ vào khoảng đầu Công Nguyên". Không có một nguyên tắc chung nào trong việc đặt tên, nhưng đối với tâm lý của người Việt Nam, việc đặt tên rất quan trọng vì mỗi cái tên gắn chặt với mỗi con người suốt đời. Có thể căn cứ vào đặc điểm, giới tính, hoàn cảnh gia đình, dòng họ, quê hương, xã hội và cả ước vọng của người đặt tên gửi gắm vào cái tên nào đó. Tên người Việt Nam gồm có 3 phần chính: Họ + Tên Đệm + Tên Chính thường được chọn lựa khá kỹ về mặt ngữ âm và ngữ nghĩa, dùng để phân biệt người này với người khác. Ngày nay, không ít người Việt đặt tên cho con theo tiếng nước ngoài. Tìm hiểu tên họ Việt Nam, ta cần hiểu các vấn đề: (a) định nghĩa tên họ, (b) số tên họ tại Việt Nam, (c) nguồn gốc tên họ tại Trung Quốc, (d) nguồn gốc tên họ tại Việt Nam, (e) các hình thức tên họ Việt Nam, (f) sự biến đổi tên họ. Định nghĩa tên họ Việt ngữ có bốn từ chỉ tên họ: Tính, Thị, Tộc và Họ. Trong bốn từ trên, họ là từ Nôm, còn ba từ kia là Hán Việt. Những tiếng ấy ai cũng hiểu, nhưng cũng nên dựa vào sách vở để có một định nghĩa rõ ràng. Việt Nam Tự Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức định nghĩa Họ: Gia tộc do một ông tổ gây ra. Trong một họ thường chia ra làm nhiều chi, họ nội, họ ngoại. Người cùng gia tộc gọi là người cùng họ. Về chữ Tính, Từ Điển Hán Việt của Đào Duy Anh định nghĩa như sau: Tính: họ. Nước ta mỗi người có mỗi họ như Lê, Nguyễn, PhạmCòn chữ Tính, Thị nghĩa là: Họ. Nước Tàu, đời Tam Đại, đàn ông xưng là thị, đàn bà xưng là tính. Ở nước ta, đàn bà xưng là thị. Cụ Thiều Chửu, trong Hán Việt Từ Điển, giải thích: Tính: họ. Con cháu gọi là tử tính, thứ dân gọi là bách tính. Thị là họ, ngành họ, tên đời, tên nước đều đệm chữ thị ở sau như Vô Hoài Thị, Cát Thiên Thị. Về chữ Tộc, cụ giải thích: loài giống, dòng dõi. Con cháu cùng liên thuộc với nhau gọi là tộc. Cùng một họ với nhau gọi là tộc. Loài, bụi, đám, 100 nhà là một tộc. Riêng chữ tính còn cho ta biết thêm chi tiết về lịch sử tên họ thời cổ đại. Giáo sư Phan Văn Các ở Viện Hán Nôm tại Việt Nam, dựa vào Thuyết Văn Giải Tự của Trung Quốc, giải thích về chữ tính: “Nhân sinh dĩ vi tính tòng nữ sinh”. Mọi người đều biết thời cổ đại xa xưa, loài người đã trải qua chế độ thị tộc mẫu hệ, trong đó chế độ hôn nhân là ngoại tộc quần hôn. Cả một tốp những người nam giới cùng lứa tuổi của thị tộc A được đưa đến thị tộc B là chồng của cả một tốp người nữ cùng lứa. Con đẻ ra tất nhiên không biết bố mà chỉ sống với mẹ. Đó là nguyên nhân chính dẫn tới việc tạo ra chữ tính bằng cách ghép chữ nữ với chữ sinh[1]. Theo cách hiểu phổ thông của dân gian, tên họ là thành phần đứng đầu của tên, và nếu định nghĩa theo chức năng thì tên họ là tên để chỉ một gia tộc phụ hệ gồm những người cùng liên hệ huyết thống xa gần với nhau. Về cách dùng các từ ngữ trên, dân gian thường dùng hai từ Tộc và Thị để viết gia phả: Nguyễn Phước Tộc Lược Biên,Trần Tộc, Lê Tộc, Lê Thị Gia Phả. Chữ Tính thường đi chung với tính danh, bách tính. Như vậy, với Việt ngữ, Tính, Thị, Tộc có nghĩa là tên họ, giống như Anh ngữ dùng các từ: Surname, Last name, Family name để chỉ tên họ. Số tên họ tại Việt Nam Trước khi tìm hiểu số tên họ Việt Nam, ta cần biết số tên họ tại Trung Quốc vì tên họ của nước này có ảnh hưởng đến tên họ người Việt. Ðồng thời ta cũng nên biết số tên họ tại Nhật Bản để có tài liệu so sánh. 1. Số Tên Họ Tại Trung Quốc: Dân số Trung Quốc, vào năm 2000 là trên 1200 triệu, nhưng người ta chưa biết Trung Quốc có bao nhiêu tên họ. Sau đây là những con số của các học giả: Bộ Khang Hy Tự Điển ra đời năm 1716 liệt kê 40,000 chữ, trong đó có 4000 chữ thông dụng, 2000 tên họ, và 30,000 chữ không dùng vào đâu[2]. Theo Bách Khoa Từ Điển Britannica, Trung Quốc đã phát triển hệ thống tên họ từ thế kỷ thứ 4 trước Công Nguyên, và số họ thông dụng hiện nay giảm bớt còn khoảng 200. Cũng theo tài liệu này, Đại Hàn có hơn 300 tên họ và phổ biến nhất là họ Kim, Park, Yi[3]. Theo Laio Fu Peng[4], số tên họ tại Trung Quốc đã tăng dần theo thời gian lịch sử. Ðời Ngũ Đế, tức thời sơ sử, Trung Quốc chỉ có 23 tên họ. Đời Hán có khoảng 130. Sang đời Đường (618-917) có gần 400. Đến đời Tống (960-1279) tên họ tăng lên 2300. Ðời Nguyên (1276-1368) có 3736 tên họ. Đời Minh (1368-1644) số tên họ là 4600. Đời nhà Thanh (1644-1912) số tên họ là 5000. Tác giả Lin Shan[5] dựa vào tài liệu Bách Gia Tính, viết thời Bắc Tống (960-1127) ghi nhận thời đó Trung Quốc có 438 họ, trong đó 408 họ đơn, 30 họ kép. Wilkinson–Endymion[6] trích tài liệu của Trịnh Tiều trong tác phẩm Thông Chí viết năm 1149, ghi nhận có 2117 tên họ. Mã Tuấn Lâm, trong Văn Hiến Thông Khảo, liệt kê 3736 tên họ[7]. Morton H. Fried, trong luận án tựa đề Distribution of Family Names in Taiwan, đệ trình tại phân khoa Xã Hội Học, viện Đại Học Đài Bắc, trích tài liệu của Vương Khâu trong Văn Hiến Thông Khảo, cho biết Trung Quốc có 4657 tên họ. Đặng Hiến Kình[8], trong Trung Quốc Tánh Thị Tập xuất bản năm 1971 tại Đài Bắc, cho rằng Trung Quốc có 3484 họ đơn, 2032 họ kép, 146 họ ba chữ, tổng cộng là 5662 tên họ. Theo Hoàng A Tân, Trung Quốc có 3300 họ đơn, 2000 họ kép, 120 họ ba chữ, 6 họ bốn chữ, 2 họ năm chữ[9]. Hai tác giả Trần Minh Nguyên và Vương Tống Hổ soạn từ điển Trung Quốc Tính Thị Đại Toàn, liệt kê 5600 tên họ. Tóm lại, theo đa số tác giả, hiện nay Trung Quốc với trên 1 tỷ người có ít nhất 5500 tên họ. Về sự phân phối tên họ tại Trung Quốc, năm 1982, chính quyền Trung Quốc thực hiện cuộc kiểm kê dân số và theo kết quả cuộc kiểm kê này, các họ có đông người nhất là họ Lý chiếm 7.8% dân số, tức khoảng 87 triệu người, họ Vương 7.4 % tức 80 triệu, họ Trương 7.5% tức 70 triệu, họ Lưu 60 triệu, và họ Trần 50 triệu. Cả 5 họ trên chiếm tỷ lệ 1/3 dân số Trung Quốc, tức khoảng 360 triệu người. Nhưng nếu tính 100 họ có đông người thì các họ này chiếm 99% dân số Trung Quốc. Tại Đài Loan, các họ phổ biến nhất là Trần, Lâm, Hoàng, Trương, Lý, Vương, Lưu, Dương. Tám họ trên chiếm 52% dân số Ðài Loan[10]. 2. Số Tên Họ Tại Nhật Bản: Theo nhà tính danh học Elsdon C. Smith[11], Nhật Bản xưa kia chỉ có hai họ là Kabane và Uji. Vua dùng hai họ này để ban cho một số ít công thần. Đến thời Minh Trị Thiên Hoàng (1867-1912), nhà vua ra lệnh mọi người phải lấy tên họ. Dân chúng Nhật thường lấy tên làng làm tên họ nên có khi cả làng chỉ có một họ. Ngày nay, Nhật Bản có khoảng 10,000 tên họ. 3. Số Tên Họ Tại Việt Nam: Việt Nam là nước đa sắc tộc. Vào năm 2000, dân số hơn 80 triệu, trong đó 88% là người Kinh, tức Việt., còn lại là các sắc dân thiểu số. Hiện nay, các nhà nghiên cứu, kể cả chính quyền, chưa có con số thống kê chính thức về tên họ, chỉ có những con số của một vài tác giả. Dĩ nhiên, những con số này không phản ảnh đúng tình hình tên họ. Muốn có danh sách đầy đủ, ta phải cậy nhờ vào chính quyền qua các cuộc kiểm kê dân số. Vào năm 1949, ông Nguyễn Bạt Tụy, trong bài Tên Người Việt Nam, cho biết có 308 tên họ[12]. Ông Bình Nguyên Lộc liệt kê 147 tên họ[13]. Ông Dã Lan viết có chừng 300 họ. Ông Vũ Hiệp viết: Khối người kinh có khoảng 150 tên họ, không kể các dân tộc thiểu số thì chưa có thống kê rõ về con số dòng họ, có lẽ độ 109 dòng họ của dân tộc thiểu số mà thôi[14]. Giáo sư Nguyễn Đình Hòa, trong bài Vietnamese Names and Titles, cho biết Việt Nam có khoảng 300 họ. Giáo sư dựa vào tài liệu của nhà địa lý học Pierre Gourou cho rằng đồng bằng Bắc Việt có 202 dòng họ[15]. Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy cho là Việt Nam có khoảng 300 tên họ, nhưng thông dụng chỉ khoảng vài mươi[16]. Giáo sư Hà Mai Phương và Bảng Phong, trong bài Lược Khảo Về Tên, Họ Người Việt Nam đưa ra danh sách 351 tên họ[17]. Năm 1992 , Tiến sĩ Lê Trung Hoa, trong sách Họ Và Tên Người Việt Nam, tạm đưa ra danh sách 931 họ[18]. Tại các nước tây phương, nhờ các cuộc kiểm kê dân số, người ta biết được có bao nhiêu tên họ, họ nào ở đâu có đông người, và mỗi họ chiếm bao nhiêu phần trăm dân số. Ngoài ra, các nhà tính danh học tây phương còn biết được lịch sử, ý nghĩa và xuất xứ của đa số tên họ. Đối với Việt Nam, chúng tôi thiết nghĩ, sau mỗi cuộc kiểm kê dân số, chính quyền nên để ý đến vấn đề thống kê tên họ. Với cá nhân, khi làm công tác nghiên cứu này, lẽ ra chúng tôi phải đến mọi vùng đất nước, nhất là các vùng có người thiểu số để thu thập dữ kiện. Tuy nhiên, vì hoàn cảnh chưa cho phép, nên xin tạm đưa ra danh sách tên họ, dựa trên tài liệu thâu thập được trong thực tế và trong sách vở. Ước mong quý vị thức giả, nhất là các nhà dân tộc học, xin để ý đến vấn đề ý nghĩa và xuất xứ tên họ để một khi có đủ tài liệu, ta biết được lịch sử, ý nghĩa, và sự phân phối các dòng họ Việt Nam như thế nào. Ðể độc giả biết các sắc tộc tại Việt Nam có họ như thế nào, chúng tôi liệt kê tên họ theo sắc tộc. Chọn lựa này giúp độc giả biết mỗi sắc tộc có họ gì, nhưng cũng dễ làm ta lẫn lộn người sắc tộc này với sắc tộc khác, vì nhiều sắc tộc khác nhau có cùng họ. Ví dụ: sắc tộc Bố Y, Thổ, Trung Hoa, Kinh (Việt) đều có họ Phan. Sắc tộc Bố Y, Cao Lan, Chàm, Trung Hoa, Kinh đều có họ Dương, rất nhiều sắc tộc có họ Hoàng v.v Theo Vietgle (còn tiếp) Nguồn tham khảo: [1] Dẫn theo Vũ Hiệp. Tìm Hiểu Nguồn Gốc Và Sự Phát Triển Một Số Dòng Họ Tiêu Biểu Của Người Việt Nam. Tập San Thế Kỷ 21, số 148, tháng 8 năm 2001, California, tr. 20- 21. [2] Lưu Khôn. Tự Học Chữ Hán. Sàigòn, 1968, tr. 8. [3] Britannica. Sđd. Tr. 732. [4] Ðài Loan Bách Tích Nguyên Lưu. Ðài Bắc, 1990, tr. 13. [5] Lin Shan. What’s in Chinese Names. Federal Publications, Singapore, 1988, tr. 16. [6] Wilkinson-Endymion. The History of Imperial China. Harvard University Press, 1973, tr. 126. [7] Wilkinson- Endymion. Sđd. Tr. 126 [8] Ðặng Hiến Kình. Trung Quốc Tính Thị Tập. Ðài Bắc, 1971, tr. 65-68. [9] Hoàng A Tân. Tánh Thị Dữ Hoàng Tánh Nguyên Lưu Khảo. Ðài Bắc, 1965, tr. 132. [10] Liao Fu Peng. Sđd. Tr. 14. [11] Elsdon C. Smith. The StorySđd. 152. [12] Nguyễn Bạt Tụy. Tlđd. Tr. 49. [13] Bình Nguyên Lộc. Nguồn Gốc Mã Lai Của Dân Tộc Việt Nam. Lá Bối, Sàigòn 1971. tr. 707-708. [14] Vũ Hiệp. Tlđd. Tr. 21 [15] Nguyễn Ðình Hòa. Vietnamese Names and Titles. Selection of Readings on Social Cultural Values. San Jose City College, 1990, tr. 19. [16] Nguyễn Ngọc Huy. Tên HọSđd. Tr. 160. [17] Hà Mai Phương & Bảng Phong. Lược Khảo Về Tên, Họ Người Việt Nam. Phụ đính trong tác phẩm của Nguyễn Ngọc Huy. TênSđd. Tr. 258-270. [18] Lê Trung Hoa. Họ Và Tên Người Việt Nam. Khoa Học Xã Hội, Hà Nội 2002. tr. 46.
Tài liệu liên quan