Sự thành lập triều Nguyên (Trung Quốc) qua một số tác phẩm sử học Việt Nam thời phong kiến

Tóm tắt. Theo quan điểm của sử gia phong kiến Việt Nam, sự thiết lập của triều Nguyên trải qua một quá trình từ thế lực phong kiến tồn tại ngang hàng, chia sẻ quyền lực với triều Nam Tống đến một triều đại phong kiến độc lập duy nhất kế tiếp triều Nam Tống cai quản lãnh thổ Trung Quốc. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng nguyên nhân triều Nguyên có thể tiêu diệt được triều Nam Tống vì vua Nam Tống đã không thuận theo đạo trời. Ý kiến khác lại khẳng định, chính đặc trưng về tổ chức chính trị, hoạt động kinh tế, quân sự là ba nhân tố quan trọng quyết định sự thay thế của triều Nguyên đối với triều Nam Tống.

pdf7 trang | Chia sẻ: thanhle95 | Lượt xem: 130 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Sự thành lập triều Nguyên (Trung Quốc) qua một số tác phẩm sử học Việt Nam thời phong kiến, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE Social Science, 2013, Vol. 58, No. 2, pp. 100-106 This paper is available online at SỰ THÀNH LẬP TRIỀU NGUYÊN (TRUNG QUỐC) QUAMỘT SỐ TÁC PHẨM SỬ HỌC VIỆT NAM THỜI PHONG KIẾN Nguyễn Thu Hiền Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội Tóm tắt. Theo quan điểm của sử gia phong kiến Việt Nam, sự thiết lập của triều Nguyên trải qua một quá trình từ thế lực phong kiến tồn tại ngang hàng, chia sẻ quyền lực với triều Nam Tống đến một triều đại phong kiến độc lập duy nhất kế tiếp triều Nam Tống cai quản lãnh thổ Trung Quốc. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng nguyên nhân triều Nguyên có thể tiêu diệt được triều Nam Tống vì vua Nam Tống đã không thuận theo đạo trời. Ý kiến khác lại khẳng định, chính đặc trưng về tổ chức chính trị, hoạt động kinh tế, quân sự là ba nhân tố quan trọng quyết định sự thay thế của triều Nguyên đối với triều Nam Tống. Từ khóa: triều Nguyên (1260 - 1368), triều Trần (1226 - 1400), sử học phong kiến Việt Nam. 1. Mở đầu Trong lịch sử tồn tại từ năm 1226 đến năm 1400, triều Trần có mối quan hệ bang giao chủ yếu với triều Nguyên. Sử gia phong kiến Việt Nam qua một số tác phẩm sử học đã thể hiện những quan niệm khác nhau về mốc thời gian thành lập cũng như nguyên nhân thành lập triều Nguyên. Quan niệm của các sử gia Việt Nam trong thời kì lịch sử trên đã phản ánh cách đánh giá và nhìn nhận của các vương triều phong kiến Việt Nam trong đó có vương triều Trần về sự thành lập của triều Nguyên. Điều này tác động đến sự phân chia các giai đoạn lịch sử khi nghiên cứu hoạt động bang giao của vương triều Trần đối với triều Nguyên. 2. Nội dung nghiên cứu 2.1. Khái quát về nguồn tư liệu sử dụng trong bài viết Tác giả lựa chọn 6 tác phẩm sử học Việt Nam được biên soạn từ thế kỉ XIV đến đầu thế kỉ XX trong thời kì phong kiến làm nguồn tư liệu nghiên cứu chính trong bài viết này. Ngày nhận bài 7/7/2012. Ngày nhận đăng 20/1/2013. Liên lạc Nguyễn Thu Hiền, e-mail: hiennt@hnue.edu.vn 100 Sự thành lập triều Nguyên (Trung Quốc) qua một số tác phẩm sử học Việt Nam... Đó là các tác phẩm An Nam chí lược, Đại Việt sử ký toàn thư, Đại Việt sử ký tiền biên, Việt sử tiêu án, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Việt sử yếu. Sáu tác phẩm này chia thành 2 nhóm: nhóm công trình biên niên sử mang tính chất là các bộ quốc sử và nhóm công trình biên niên sử mang tính chất cá nhân. Dưới đây chúng tôi giới thiệu những nét cơ bản nhất về các tác phẩm sử học trên theo thứ thự thời gian: An Nam chí lược là cuốn sử hoàn thành vào khoảng đầu thế kỉ XIV do Lê Tắc biên soạn. Tác phẩm gồm 20 quyển ghi chép về lịch sử Việt Nam từ khởi thủy đến đầu thế kỉ XIV theo từng chủ điểm như: phần chép việc các sứ giả nhà Nguyên được cử sang An Nam (quyển 3), các bài biểu của vua Trần gửi sang nhà Nguyên. . . Đại Việt sử ký toàn thư do Ngô Sĩ Liên và các sử thần triều Lê biên soạn. Cuốn sử ghi chép về lịch sử nước Việt Nam từ thời Hồng Bàng đến năm 1675. Thời gian biên soạn tác phẩm này kéo dài từ cuối thế kỉ XV đến cuối thế kỉ XVII trên cơ sở kế thừa những tác phẩm sử học của nhiều tác giả khác. Việt sử tiêu án do Ngô Thì Sĩ biên soạn. Cuốn sử gồm 10 quyển được viết vào những năm 1772 – 1775, là thời gian ông bị cách chức quan. Tác phẩm ghi chép lịch sử Việt Nam từ thời Hồng Bàng đến ngoại thuộc nhà Minh với những bình luận đánh giá sắc sảo. Tuy nhiên cuốn sử này không ghi rõ thời gian cụ thể của các sự kiện mà chỉ viết theo thế thứ của các triều vua. Đại Việt sử ký tiền biên được hoàn thành vào năm 1800, dưới triều Tây Sơn. Bộ sử gồm có 17 tập là công trình biên soạn của sử gia Ngô Thì Sĩ sau được con là Ngô Thì Nhậm tu đính. Tác giả bàn đến sự thiết lập của triều Nguyên khi viết về triều vua Trần Thái Tông và Trần Nhân Tông phần Bản kỷ quyển V. Khâm định Việt sử thông giám cương mục do Quốc sử quán triều Nguyễn thực hiện từ năm 1856 đến năm 1881, in xong vào năm 1884, gồm 52 quyển. Những sự kiện viết về sự thành lập triều Nguyên, trong cuốn sử được thể hiện ở phần Chính biên quyển VII ghi chép từ năm 1259 đến năm 1294. Việt sử yếu là tác phẩm do Hoàng Cao Khải biên soạn hoàn thành vào năm 1914. Tác phẩm mang đậm dấu ấn cá nhân của tác giả từ cách bố cục nội dung đến những nhận định về nhiều sự kiện đã diễn ra trong lịch sử. Tác giả phân tích khá kỹ nguyên nhân triều Nam Tống suy vong và sự thiết lập triều Nguyên ở chương thứ 9 tiết thứ 2 quyển II. 2.2. Triều Nguyên là một thế lực phong kiến tồn tại song song với triều Nam Tống trong giai đoạn 1260 - 1279 Quan điểm trên được thể hiện rất rõ trong cách chép sử theo lối biên niên của các bộ sử Đại Việt sử ký toàn thư, Đại Việt sử ký tiền biên và Khâm định Việt sử thông giám cương mục. Điểm đặc biệt của các bộ sử trên là khi viết về các triều vua phong kiến của Việt Nam bên cạnh niên hiệu của vị vua Việt Nam đều có chua thêm niên hiệu của các vị vua Trung Quốc tương ứng. Ví dụ như năm 1226, được ghi là Kiến Trung năm thứ hai và Tống Bảo Khánh năm thứ 2. Khi chép những sự kiện diễn ra dưới triều Trần từ năm 101 Nguyễn Thu Hiền 1226 đến năm 1259, các tác phẩm sử học phong kiến trên chỉ sử dụng niên hiệu của vua nhà Nam Tống song song với niên hiệu của vua Trần. Nhưng khi chép về các năm 1260 – 1278, trong các tác phẩm này lại sử dụng đến ba niên hiệu: một niên hiệu của vua Trần, một niên hiệu của vua Nam Tống ( ) và một niên hiệu của vua Nguyên ( ). Vào khoảng thế kỉ XVII- XVIII, trong tác phẩm Đại Việt sử ký toàn thư và Đại Việt sử ký tiền biên bắt đầu từ năm 1260, sử gia phong kiến Việt Nam đồng thời sử dụng niên hiệu của triều Nguyên với niên hiệu của triều Nam Tống. Viết về năm 1260: Đại Việt sử ký toàn thư dùng niên hiệu của vua Nam Tống là Tống Cảnh Định năm thứ ba trước rồi đến niên hiệu của vua Nguyên là Nguyên Thế Tổ Hốt Tất Liệt Trung Thống năm thứ 1; Đại Việt sử ký tiền biên dùng cụm từ “Tống Cảnh Định năm thứ nhất, Nguyên Thế Tổ, Hốt Tất Liệt năm thứ nhất” [2;347]. Điều đó cho thấy các sử gia triều Lê quan niệm rằng từ năm 1260, cục diện Trung Quốc có sự tồn tại song song của hai thế lực Nam Tống và triều Nguyên cùng chia nhau cai trị đất nước. Sử gia triều Lê quan niệm từ năm 1260, triều Nguyên thực sự đã trở thành như một đối trọng với triều Nam Tống trong việc kiểm soát lãnh thổ Trung Quốc. Đến thế kỉ XIX, trong tác phẩm Khâm định Việt sử thông giám cương mục, sử gia triều Nguyễn lại cho rằng phải từ năm 1271 với việc lấy quốc hiệu là “Đại Nguyên” ( ) mới là mốc đánh dấu sự xuất hiện của tên gọi “Nguyên”. Năm 1261, sử gia triều Nguyễn dùng niên hiệu là “Tống, năm Cảnh Định thứ hai; Mông Cổ, năm Trung Thống thứ 2” [5;487]. Năm 1271, Khâm định Việt sử thông giám cương mục chép sự kiện “Năm ấy, Mông Cổ đổi quốc hiệu là Đại Nguyên” [5;500]. Vì vậy từ năm 1272, sử gia triều Nguyễn mới bắt đầu dùng từ “Nguyên” ( ) kèm theo niên hiệu của vua Nguyên bên cạnh niên hiệu của triều Nam Tống. Cụ thể như, năm 1272 được chú thích thêm là “Tống, năm Hàm Thuần thứ 8; Nguyên, năm Chí Nguyên thứ 9” [5;500]. Dù sử dụng cụm từ khác nhau nhưng chúng ta thấy rằng trong 3 tác phẩm sử học trên, sử gia phong kiến triều Hậu Lê, triều Nguyễn của Việt Nam đều khẳng định rằng từ năm 1260, cục diện chính trị của Trung Quốc đã có sự thay đổi. Triều Nam Tống không còn là một vương triều phong kiến duy nhất cai quản lãnh thổ Trung Quốc. Triều Nam Tống buộc phải đối mặt với sự thật khi quyền lực bị chia sẻ từ một thế lực mới nổi dưới sự lãnh đạo của Hốt Tất Liệt. Trong Việt sử yếu, Hoàng Cao Khải gián tiếp phản ánh tình trạng trên thông qua sự kiện năm 1260: “Thế Tổ Mông Cổ sai sứ thần sang thông hiếu với nước ta. Vua quan nước ta cũng lấy lễ nghi đối đãi với sứ thần Mông Cổ như đối đãi với sứ thần nhà Tống. Vì vậy nước ta mới có việc “lưỡng cống luân vãng” là hai lần luân phiên đi cống, nghĩa là đi cống hiến nhà Tống lại đi cống hiến Mông Cổ” [1;203]. Bắt đầu từ năm 1280 cho đến năm 1367, trong Đại Việt sử ký toàn thư, Đại Việt sử ký tiền biên và Khâm định Việt sử thông giám cương mục đều sử dụng duy nhất niên hiệu 102 Sự thành lập triều Nguyên (Trung Quốc) qua một số tác phẩm sử học Việt Nam... tương ứng của các vua triều Nguyên bên cạnh niên hiệu của vua Trần. Sử gia phong kiến Việt Nam cho rằng triều Nguyên chính thức trở thành một vương triều phong kiến duy nhất nắm quyền cai trị trên lãnh thổ Trung Quốc từ năm 1280. Nhận thức đúng đắn về những diễn biến chính trị của Trung Quốc chi phối rất lớn đến những chính sách của các triều đại phong kiến Việt Nam. Giai đoạn 1260 - 1279, khảo sát các bộ sử trên cho thấy “mật độ” vua Trần cử sứ giả sang diện kiến Nguyên Thế Tổ Hốt Tất Liệt khá dày đặc vào các năm 1261, 1262, 1263, 1266, 1269, 1272, 1275, 1278. Trong khi đó mối quan hệ với triều Nam Tống lại khá mờ nhạt với hai sự kiện vào năm 1273 và 1274. Triều Trần đã rất ý thức về sự lớn mạnh của thế lực mới cùng với “dự cảm” sự suy vong đang gần kề của triều Nam Tống. Từ sau năm 1279 cho đến trước năm 1368, triều Trần xác định triều Nguyên là đối tượng quan trọng và chủ yếu nhất trong quan hệ bang giao. Như vậy, qua cách ghi chép sự kiện lịch sử, sử gia phong kiến Việt Nam trong các bộ quốc sử đã nhìn nhận sự xuất hiện của triều Nguyên trong lịch sử Trung Quốc trước hết là một thế lực song song tồn tại với triều Nam Tống (giai đoạn 1260 - 1278) và tiếp đó trở thành một vương triều phong kiến duy nhất ở Trung Quốc (giai đoạn 1279 - 1368). 2.3. Về nguyên nhân triều Nguyên thay thế triều Nam Tống Năm 1279, các tác phẩm sử học phong kiến Việt Nam dù do Quốc sử quán hay cá nhân chịu trách nhiệm biên soạn đều ghi sự kiện diệt vong hoàn toàn của triều Nam Tống. Đại Việt sử ký toàn thư ghi rằng: “Quân Nguyên đánh úp quân Tống ở Nhai Sơn, quân Tống thua, Tả thừa tướng nhà Tống là Lục Tú Phu cõng vua Tống nhảy xuống biển chết; hậu cung và các quan chết theo rất nhiều. Qua 7 ngày xác nổi lên mặt nước biển đến hơn 10 vạn người. Xác vua Tống cũng ở đấy. Thế là ứng điềm sao sa xuống biển. Năm ấy nhà Tống mất” [2;493-494]. Việt sử tiêu án ghi rằng: “Niên hiệu Thiệu Bảo thứ nhất, người Nguyên đánh nhà Tống, Thừa tướng nhà Tống là Lục Tú Phu cõng vua Tống nhảy xuống biển mà bị chết đuối đến hơn 10 vạn người. Năm ấy nhà Tống mất nước” [4;218]. Việt sử yếu chép rằng: “Năm 1279 dương lịch tức là năm đầu niên hiệu Thiệu Báu vua Trần Nhân Tông, tức năm thứ 16 niên hiệu Chí Nguyên Thế Tổ nhà Nguyên, nước Mông Cổ đã diệt được nhà Tống” [1;205]. Lí giải về nguyên nhân triều Nguyên thay thế triều Nam Tống lại có sự khác nhau giữa các sử gia phong kiến Việt Nam. Cách lí giải thứ nhất được đa số sử gia phong kiến Việt Nam thống nhất đó là vì triều Tống không tuân theo “mệnh trời”. Sử thần Ngô Sĩ Liên cho rằng: “Trong khoảng trời đất chỉ có âm dương hai khí mà thôi. Người làm vua lòng trung hòa thì trời đất định vị, muôn vật sinh dục mà khí tiết điều hòa. Nếu khí âm thịnh mà phạm bậy đến khí dương, thì trời đất tất vì người làm vua mà báo trước việc biến. Cho nên biến báo ra trước mà ứng nghiệm sau. Đương bấy giờ, nào nhật thực, nào mặt trời lay động, đất toạc, mưa đá, sao 103 Nguyễn Thu Hiền sa đều là khí âm thịnh hơn khí dương, đó là triệu chứng không phải tôi con mưu hại vua cha, thì là Di Địch xâm lấn Trung Quốc. Phàm người làm vua một nước, kính cẩn sự răn bảo của trời, lo lắng hết việc của người, là cái đạo vãn hồi tai biến của trời vậy. Nhà Tống đã không thể vãn hồi được tai biến của trời. . . ” [2;494]. Ngô Sĩ Liên cho rằng nguyên nhân suy vong của triều Tống xuất phát từ chính triều Tống mà chưa đề cập đến nguyên nhân từ phía triều Nguyên. Với cách lập luận như trên, sử gia Ngô Sĩ Liên đã lấy thuyết “thiên mệnh” của tư tưởng Nho giáo làm cơ sở để lí giải sự suy vong của triều Nam Tống. Từ đó sử gia Ngô Sĩ Liên khẳng định nguyên nhân sâu xa là vua Nam Tống đã không kính cẩn theo sự răn bảo của trời, không thuận theo mệnh trời cho nên mới bị triều Nguyên lật đổ. Các hiện tượng tự nhiên như nhật thực, mưa đá, sao sa. . . theo quan điểm của sử gia Ngô Sĩ Liên là nguyên nhân trực tiếp là điềm báo trước của trời về sự suy vong của triều Nam Tống. Cách lí giải này mang tính phổ biến khi sử gia Ngô Sĩ Liên đề cập đến nhiều hiện tượng khác trong lịch sử. Cụ thể như khi bàn về sự thiết lập triều Trần năm 1226, trên cơ sở sự suy vong của triều Lý, sử gia viết: “Tam đại xưa lấy được thiên hạ là vì lòng nhân, cho nên những vua có đức lớn mà không làm nhiều việc ác quá lắm thì trời chưa bao giờ vội dứt. Nhà Hạ nếu không có Kiệt, nhà Thương nếu không có Trụ thì phúc trời truyền nối có lẽ cũng chưa hết” [2;437]. Hay sự kiện thượng hoàng Trần Thái Tông băng hà vào ngày 1 tháng 4 (âm lịch) năm Đinh Sửu 1277, sử gia Ngô Sĩ Liên có nhắc đến điềm báo “Trước là thượng hoàng đến đường, chợt thấy con rết bò trên áo ngự, thượng hoàng sợ lấy tay phủi đi, con rết rơi xuống đất có tiếng kêu, nhìn xem thì cái đinh sắt. Bói toán là điềm về năm Đinh” [2;488]. Nhận biết điềm báo của trời về một hiện tượng sắp diễn ra theo sử gia Ngô Sĩ Liên không phải là sự suy diễn mà có cơ sở riêng mà theo quan điểm của sử gia thì đó thực sự là “sự học về sấm ký thuật số” [2;489]. Đến đầu thế kỉ XX, sử gia Hoàng Cao Khải đã đưa ra những lập luận thuyết phục lí giải về sự thiết lập của triều Nguyên từ chính sức mạnh của thế lực này trong quá trình từ một bộ lạc ở phía bắc Trung Quốc đến khi trở thành “cường thịnh như đại bang” [1;203]. Sức mạnh này được “giải mã” thông qua với ba nguyên nhân. Nguyên nhân thứ nhất là do Mông Cổ tổ chức một đại hội quý tộc gọi là “khố lí nhĩ thái”. Nguyên nhân thứ hai là “Nhân dân Mông Cổ, lúc còn thiếu thời, đều lấy việc tập bắn và đi săn làm nghề nghiệp, cho nên ngành kỵ binh của họ rất tinh tường” [1;204]. Nguyên nhân thứ ba là tổ chức quân đội rất chặt chẽ của người Mông Cổ cho nên “các tướng hiệu của Mông Cổ đều có khí phách kiêu hùng lẫm liệt không chịu để cho bất kì ai xúc phạm đến danh dự của họ cũng như Tổ quốc của họ” [1;204]. So với các sử gia phong kiến Việt Nam trước đó, quan điểm của Hoàng Cao Khải đã thể hiện tính khách quan và khoa học khi lí giải nguyên nhân triều Nguyên thiết lập xuất phát từ thực tiễn lịch sử. Tuy nhiên ý kiến của Hoàng Cao Khải vẫn chưa thực sự toàn diện. Bởi lẽ nếu chỉ tìm nguyên nhân triều Nguyên thiết lập dựa trên cơ sở sức mạnh quân sự thì sẽ phiến diện. Triều Nguyên sở dĩ giành thắng lợi trước triều Nam Tống bởi lẽ Nam Tống vào cuối thế kỉ XII đầu thế kỉ XIII đã rơi vào khủng hoảng với tình trạng kiêm tính ruộng đất diễn ra phổ biến, kỉ cương triều chính rối loạn, quyền 104 Sự thành lập triều Nguyên (Trung Quốc) qua một số tác phẩm sử học Việt Nam... bính đều nằm trong tay gian thần như Giả Tự Đạo, Trần Nghi Trung. Nhiều đại thần triều Nam Tống chỉ mong cầu hòa hơn là tổ chức kháng chiến chống xâm lược. Quan điểm của sử gia phong kiến Việt Nam về nguyên nhân thiết lập triều Nguyên có sự chuyển biến từ thế kỉ XVII cho đến đầu thế kỉ XX. Từ đầu thế kỉ XII cho đến thế kỉ XIX, sử gia phong kiến Việt Nam vẫn “trung thành” với cách lí giải lấy yếu tố bên ngoài “mệnh trời” là nguyên nhân cơ bản nhất dẫn tới thiết lập triều Nguyên. Đến đầu thế kỉ XX, sử gia phong kiến Việt Nam lại phân tích những ưu thế nổi bật của Mông Cổ trong đời sống sinh hoạt thường nhật đến cách thức tổ chức quân đội, tổ chức chính trị. So sánh với quan điểm của sử gia phong kiến Trung Quốc thể hiện trong các cuốn sử như Nguyên sử (do sử gia triều Nguyên biên soạn xong vào năm 1369), Tân Nguyên sử (do Kha Thiệu Văn hoàn thành năm 1919) về sự thiết lập triều Nguyên, chúng ta nhận thấy có một số điểm tương đồng. Sử gia phong kiến Trung Quốc cũng nhấn mạnh ưu thế về quân sự như lực lượng, chiến thuật tác chiến là nhân tố quyết định thắng lợi của Mông Cổ trong quá trình thôn tính lãnh thổ Trung Quốc. Đồng thời sử gia Trung Quốc dựa vào thuyết “thiên mệnh” để khẳng định sự thay thế tất yếu của triều Nguyên đối với triều Nam Tống. Bên cạnh đó, sử gia phong kiến Trung Quốc đã phân tích sự suy yếu của triều Nam Tống là một nguyên nhân quan trọng đưa đến sự thiết lập triều Nguyên. 3. Kết luận Khi nhìn nhận lại quan niệm của sử gia phong kiến Việt Nam về sự thiết lập triều Nguyên thông qua một số tác phẩm sử học từ thế kỉ XIV đến đầu thế kỉ XX, chúng ta thấy có một số điểm khá thú vị. Triều Nguyên là một vương triều phong kiến có quan hệ trực tiếp và chủ yếu nhất với triều Trần (1226 - 1400) trong lịch sử Việt Nam. Trong các tác phẩm sử học được biên soạn trong thời kì phong kiến, sử gia Việt Nam đã thể hiện quan niệm riêng về sự thiết lập triều Nguyên. Theo sử gia phong kiến Việt Nam dù ở tác phẩm mang tính quốc sử hay tác phẩm sử học do cá nhân biên soạn đều cho rằng triều Nguyên xuất hiện trong đời sống chính trị của Trung Quốc trước hết với tư cách là một thế lực chia sẻ quyền lực cai quản lãnh thổ Trung Quốc từ năm 1260. Năm 1271 danh hiệu “Đại Nguyên” ra đời nhưng theo sử gia phong kiến Việt Nam mốc thời gian này chưa khẳng định sự tồn tại với tư cách là một thế lực phong kiến nắm quyền cai trị tuyệt đối trên lãnh thổ Trung Quốc của triều Nguyên. Phải đến năm 1279 với sự suy vong hoàn toàn của triều Nam Tống, sử gia phong kiến Việt Nam cho rằng đây mới chính là sự kiện mang tính bước ngoặt đánh dấu sự thiết lập triều Nguyên trên cương vị một vương triều phong kiến nối tiếp triều Nam Tống trong lịch sử phong kiến Trung Quốc. Lí giải sự thiết lập triều Nguyên, sử gia phong kiến Việt Nam từ thế kỉ XVII đến thế kỉ XIX chịu sự chi phối rất lớn của hệ tư tưởng Nho giáo khi lấy thuyết “thiên mệnh” làm cơ sở lập luận chính. Sử gia Ngô Sĩ Liên là người đầu tiên đưa ra quan điểm này trong tác phẩm Đại Việt sử ký toàn thư và đến Đại Việt sử ký tiền biên sử gia Ngô Thì Sĩ vẫn tiếp 105 Nguyễn Thu Hiền tục nhấn mạnh lại. Cách lí giải từ “mệnh trời” và những điềm báo theo sấm ký là những hạn chế mang tính thời đại của sử gia phong kiến Việt Nam. Tuy nhiên đến đầu thế kỉ XX, trong Việt sử yếu, sử gia Hoàng Cao Khải đã trình bày quan điểm cá nhân của mình về sự thiết lập triều Nguyên từ những tổ chức chính trị, quân sự của triều Nguyên từ khi còn là một bộ lạc du mục. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Hoàng Cao Khải, 2007. Việt sử yếu. Nxb Nghệ An. [2] Ngô Sĩ Liên và các sử thần triều Lê, 2004. Đại Việt sử ký toàn thư, tập 1. Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội. [3] Ngô Thì Sĩ, 1997. Đại Việt sử ký tiền biên. Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội. [4] Ngô Thì Sĩ, 2001. Việt sử tiêu án. Nxb Thanh niên, Hà Nội. [5] Quốc sử quán triều Nguyễn, 1998. Khâm định Việt sử thông giám cương mục. Nxb Giáo dục, Hà Nội. [6] Lê Tắc, 2002. An Nam chí lược. Nxb Lao động – Trung tâm Văn hóa ngôn ngữ Đông Tây, Hà Nội. ABSTRACT Vietnamese historians disagree about the establishment of the Yuan dynasty According to Vietnamese feudal historians, the establishment of the Yuan dynasty was very complex. First, the Yuan dynasty was seen as being as powerful as the Song dynasty. And, it did control the entirety of China from a certain time until 1368. Vietnamese historians of the feudal era did not agree about when the Yuan dynasty was established. Some said that God played an important role in the decline of the Song dynasty. Others thought that politics, economics, and military strength might have had something to do with why the Yuan dynasty came into power. 106