Làng hát Tuồng Dương Cốc

Ở tỉnh Hà Tây có một ngôi làng được mệnh danh là “làng hát tuồng”. Đến đây, người ta được chứng kiến một năng khiếu đặc biệt của những “nghệ sĩ nông dân”. Ban ngày họ là những người nông dân chăm chỉ cày cuốc trên ruộng đồng, màn đêm buông xuống bước lên sân khấu họ trở thành những diễn viên tuồng thực thụ

pdf9 trang | Chia sẻ: nyanko | Lượt xem: 1444 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Làng hát Tuồng Dương Cốc, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Làng hát Tuồng Dương Cốc Ở tỉnh Hà Tây có một ngôi làng được mệnh danh là “làng hát tuồng”. Đến đây, người ta được chứng kiến một năng khiếu đặc biệt của những “nghệ sĩ nông dân”. Ban ngày họ là những người nông dân chăm chỉ cày cuốc trên ruộng đồng, màn đêm buông xuống bước lên sân khấu họ trở thành những diễn viên tuồng thực thụ Những người dân làng Dương Cốc, xã Đồng Quang (huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây) biểu diễn tuồng trên sân khấu bằng niềm đam mê và cả truyền thống quê hương. Có người nói, dân Dương Cốc sinh ra là để hát tuồng. Dòng máu đam mê nghệ thuật tuồng của người dân Dương Cốc vẫn chảy trong huyết quản từ thế hệ này sang thế hệ khác. Thời thế tạo “làng Tuồng” Dương Cốc từ xưa đã nổi tiếng là một “làng ca hát” của xứ Đoài. Dấu ấn về một làng quê yên ả đậm chất Bắc Bộ với chiếu chèo, với những giọng hát à í a ngân nga chốn sân đình từ những năm tháng “ngày xửa ngày xưa” cho đến hôm nay vẫn còn được lưu giữ. Nó thể hiện ở việc người dân Dương Cốc không chỉ có năng khiếu hát dân ca mà còn có một tình yêu kỳ lạ dành cho các loại hình nghệ thuật truyền thống. Từ những năm 50 của thế kỷ trước, ngôi làng này đã có những đội văn nghệ chuyên hát chèo, cải lương. Đến năm 1967, Nhà hát Tuồng Đào Tấn (nay là Nhà hát Tuồng Trung ương) sơ tán về Dương Cốc tránh cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ thì năng khiếu ấy như được tiếp thêm một nguồn sinh lực. Những nghệ sĩ kỳ cựu của nhà hát vẫn còn nhớ rất rõ họ được đón tiếp nồng nhiệt thế nào khi về với Dương Cốc. Họ trở thành những thượng khách trong suốt 8 năm ròng lưu trú ở đây. Dân làng dành một khu đất công ở vị trí đẹp nhất làng để làm lán trại cho các diễn viên, nghệ sĩ tập luyện, biểu diễn và sinh hoạt. Trang phục và đạo cụ biểu diễn cũng được dân làng cất giữ như những báu vật. Từ người lớn cho đến trẻ em ai cũng yêu quý những nghệ sĩ tuồng. Ban đầu họ đi xem biểu diễn, rồi cái “máu tuồng” ngấm vào người lúc nào không hay. Thế rồi, những bài học thực tế được các diễn viên, đạo diễn truyền lại cho bất kể những ai có lòng ham mê. Họ lên sân khấu diễn tuồng như những diễn viên thực thụ trong sự ngỡ ngàng của chính những nghệ sĩ chuyên nghiệp. Người Dương Cốc kể rằng, thời ấy tuy nghèo khó nhưng là thời vui nhất của cả làng. Không khí tuồng lúc nào cũng tràn ngập khắp các ngõ xóm. Tiếng trống, tiếng ca trong các vở tuồng lúc nào cũng vang khắp sân đình, trong từng mái nhà, thậm chí trên cả cánh đồng. Tuồng “se duyên” đôi lứa Ở Dương Cốc, có nhiều cặp vợ chồng được tuồng “se duyên”. Nhiều người đến với tuồng tìm thấy một lúc hai tình yêu, một dành cho tuồng và một dành cho “một nửa” của mình. Đã có 6, 7 cặp nam thanh nữ tú nên vợ nên chồng từ đội tuồng Dương Cốc. Với họ tuồng không chỉ là sở thích, đam mê mà còn là máu thịt. Cặp vợ chồng Minh Hảo- Huy Thường tham gia vào đội tuồng từ năm 1972. Thời ấy, cả hai ở độ tuổi thanh niên đều vì yêu thích nghệ thuật tuồng mà tham gia nhưng không ngờ tuồng còn cho họ nhiều hơn thế. Ông Thường kể: “Thời ấy tôi nghèo lắm nhưng được đội tuồng bao bọc. Các bậc cha chú trong đội tuồng vun vén cho hạnh phúc của tôi và bà nhà. Từ cặp đào- kép ăn ý trong đội chúng tôi trở thành vợ chồng. Một mái ấm hạnh phúc hôm nay là do tuồng se duyên cả đấy!”. Đội tuồng Dương Cốc với vở Nắng soi dòng suối Păng Pơi, giành giải vàng tại Hội diễn Tuồng không chuyên toàn quốc tại Bình Định (2006) Hai vợ chồng họ còn nhớ rất nhiều kỷ niệm sâu sắc, khi nhà hát tuồng tuyển sinh, cả hai vợ chồng đều trúng tuyển. Do hoàn cảnh khó khăn nên chỉ ông Thường được đi học. Chỉ trong 6 tháng, với sự chăm chỉ và năng khiếu đặc biệt ông Thường đã lĩnh hội được toàn bộ những kỹ năng của một diễn viên chuyên nghiệp. Ông lại trở về làng quê cùng vợ con xây đắp cho tổ ấm “do tuồng se duyên” đến tận hôm nay. Đến nay vợ chồng ông đã sở hữu trong tay không dưới 50 tấm bằng khen, huy chương qua các hội diễn. Tre già mà măng chưa mọc Năm 2003, tại Khánh Hòa, lần đâu tiên Hội diễn Tuồng không chuyên toàn quốc được tổ chức. Đội tuồng thôn Dương Cốc giành giải vàng với vở tuồng lịch sử Trần Bình Trọng trong sự ngỡ ngàng của các đội bạn và cả những nghệ sĩ tuồng chuyên nghiệp. Khi mới nghe về việc Hà Tây cử một đội tuồng... cấp thôn đi dự hội diễn, các đội bạn đều cười khẩy. Nhưng những gì mà các “nghệ sĩ nông dân Dương Cốc” thể hiện trên sân khấu khiến mọi người phải thán phục. Nối tiếp thành công ấy, vở Nắng soi dòng suối Păng Pơi giành giải vàng năm 2006 ở Bình Định không còn làm nhiều người bất ngờ. Trên đất của Đào Tấn, quê hương của nghệ thuật tuồng, CLB Tuồng thôn Dương Cốc vẫn khẳng định được “thương hiệu” của mình. Học tuồng đã khó nhưng giữ ngọn lửa đam mê còn khó hơn. Đất tuồng Bình Định có đến 16 đội tuồng không chuyên, có dàn diễn viên đồng đều, hát hay, múa giỏi nhưng nhìn những đồng nghiệp ở Dương Cốc nhiều người cũng phải ngả mũ kính phục. Lòng đam mê nghệ thuật của người dân Dương Cốc là một thứ “tài sản” được truyền từ đời này sang đời khác. Thế hệ nối tiếp thế hệ, tre già măng mọc. Những vở tuồng, tích tuồng vẫn như một dòng suối nuôi dưỡng tâm hồn của thế hệ trẻ Dương Cốc. Tuồng truyền thống, tuồng lịch sử, tuồng hiện đại đều được yêu thích. Có gia đình đã ba thế hệ tham gia đội tuồng, hai vợ chồng cùng ở trong đội tuồng. Có những cụ cao niên như cụ Nguyễn Văn Khảm (96 tuổi) dù mắt mờ chân chậm, không còn đủ sức đứng trên sân khấu nhưng thỉnh thoảng vẫn ra đình làng xem thế hệ cháu, chắt biểu diễn. Cụ Nguyễn Ngọc Bình ở vào tuổi 75 vẫn tham gia vào dàn nhạc của CLB Tuồng. Đến nay cụ đã có thâm niên 40 năm là thành viên CLB, đúng bằng với số tuổi của CLB. Năm 2007 này, đội tuồng Dương Cốc tròn 40 tuổi. Trong bối cảnh các đoàn tuồng chuyên nghiệp còn gặp khó khăn thì những nghệ sĩ nông dân ở Dương Cốc cũng không có mong muốn gì hơn là ngọn lửa đam mê tiếp tục cháy trong lớp trẻ. Để CLB tuồng có thể “chạy” phải có dàn nhạc, phục trang và đạo cụ. Tất cả những thứ đó đều do một tay những thành viên CLB xoay xở. Những chuyến lưu diễn trong ngoài tỉnh không phải lúc nào “cát-sê” cũng đủ để tái đầu tư cho nghệ thuật. Mặc dù Sở VHTT tỉnh Hà Tây, Nhà hát Tuồng Trung ương đã dành tuồng Dương Cốc những sự hỗ trợ cả về tài chính lẫn nghệ thuật nhưng nếu không có tình yêu, sự đam mê thì tuồng Dương Cốc không thể sống đến ngày hôm nay. Đạo điễn Lưu Ngọc Nam (Nhà hát Tuồng Trung ương) là người gắn bó và dàn dựng nhiều vở cho CLB Tuồng Dương Cốc từ những ngày đầu nói: “Khó khăn lớn nhất của việc bảo tồn tuồng Dương Cốc hiện nay là có quá ít mầm non. Những bạn trẻ mê tuồng như Nguyễn Thị Hoa, Nguyễn Thị Thanh, Nguyễn Thị Quý của đội tuồng chưa nhiều và cũng cần phải được đưa đi đào tạo bài bản...”.