Lịch sử của nước hoa

Nước hoa đã trở thành một nét văn hoá trong lịch sử văn minh loài người kể từ thời cổ đại. Không chỉ nước hoa mà ngay cả những chiếc chai nhỏ xinh đựng nó cũng ẩn chứa nhiều câu chuyện thú vị.

pdf26 trang | Chia sẻ: nyanko | Lượt xem: 1632 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Lịch sử của nước hoa, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Lịch sử của nước hoa Nước hoa đã trở thành một nét văn hoá trong lịch sử văn minh loài người kể từ thời cổ đại. Không chỉ nước hoa mà ngay cả những chiếc chai nhỏ xinh đựng nó cũng ẩn chứa nhiều câu chuyện thú vị... Nước hoa thời cổ đại Lọ nước hoa cổ xưa nhất được tìm thấy trong những cổ vật của người Ai Cập. Họ sử dụng những chiếc lọ làm bằng đá và thạch cao để giữ cho nước hoa được mát và không bị rò ra ngoài. Những bình gốm nhỏ bằng đất sét hình người và muông thú cũng dùng để đựng nước hoa. Nhiều chai được tìm thấy trong những ngôi mộ cổ. Theo văn hoá của người Ai Cập cổ đại, nước hoa là một phần quan trọng trong những cúng vật được chôn theo người chết. Những chiếc lọ này làm bằng gỗ với nhiều ngăn để đựng các loại nước hoa có mùi hương khác nhau. Những chai thuỷ tinh bắt đầu xuất hiện từ thế kỷ 15 trước công nguyên. Những chai này được chế tác khá tinh xảo vì không hề có bong bóng li ti trong thành thuỷ tinh và trọng lượng cũng rất nhẹ. Càng về sau, những chai thuỷ tinh được tìm thấy càng có màu sáng trong hơn. Lọ nước hoa cổ được tìm thấy trong một lăng mộ ở Palestine là chiếc lọ đầu tiên được chế tác theo kiểu cổ thon dài. Những lọ nước hoa lớn nhất được tìm thấy trong lăng mộ vì người ta tin rằng nước hoa sẽ xua đi mùi xác mục ruỗng. Người Hy Lạp cổ đại nổi tiếng với những chiếc lọ được chế tác tinh xảo, từng chiếc được sơn tỉ mẩn theo hình con người và muông thú. Họ sử dụng những chiếc bát nhỏ có nắp để đựng những loại nước thơm rẻ tiền. Cuộc cách tân về thiết kế bắt đầu khi con người biết cách chế tác thuỷ tinh, ban đầu là thuỷ tinh đen, những chiếc lọ hình con thú, chùm nho, hoa quả, vỏ sò hay con cá... Người Roma sử dụng những viên đá quý đã khoét rỗng để đựng những thứ nước hoa quý giá nhất. Nước hoa ở Châu Âu thời kỳ đầu Người Châu Âu dùng nhiều chất liệu để đựng nước hoa như thuỷ tinh, vàng, bạc, sứ, đá quý và vỏ ốc. Nước hoa lúc này thường được dùng ở dạng trầm hương. Những bình đựng hương trầm được treo trong phòng bởi những sợi dây cột từ trên mái nhà xuống, lơ lửng trong không gian toả ra mùi hương thơm ngát. Trông nó như những quả lắc đu đưa. Ở thời đó, những nơi quý phái, sang trọng và nghiêm trang đều có những bát trầm hương như thế. Những bình đựng nước hoa khi đó được thiết kế rất tinh xảo và sáng tạo, người ta đeo chúng lên người như một thứ phục trang đi kèm. Những viên đá quý khoét rỗng đựng nước hoa sẽ được gắn lên váy áo. Những đôi khuyên tai bạc chứa những giọt tinh dầu. Và rất nhiều những trang sức khác như vòng cổ, thắt lưng, hay nhẫn ngày đó cũng đều được chế tác làm sao đựng được nước hoa và các loại tinh dầu. Những chai nước hoa khi đó được làm bằng tay bởi các nghệ nhân, thợ kim hoàn, thợ chế tác đá quý. Rất nhiều những đồ cổ tìm thấy xứng đáng được coi là tác phẩm nghệ thuật, ngày đó, người ta còn trưng bày những lọ nước hoa trong nhà, trên bàn như những vật trang trí. Những hộp nhỏ bằng gỗ được tạo ra để đựng những miếng xốp thấm đẫm nước hoa. Những hộp này đựng vừa túi áo và người ta có thể mang ra dấp một chút lên cổ bất cứ lúc nào. Những lọ nước hoa bằng sứ bắt đầu được sử dụng từ thế kỷ 13. Chúng được thiết kế cầu kỳ. Có những bình gốm lớn chuyên đựng những lọ nước hoa nhỏ, một chiếc phễu và một lọ để pha trộn. Ngày đó, các loại tinh dầu được bán riêng lẻ, tinh dầu quế, tinh dầu hoa hồng, hoa ly... Người dùng sẽ mua những lọ tinh dầu riêng lẻ để mang về tự trộn theo tỷ lệ và phong cách của mình. Tinh dầu nước hoa lúc này được bán với giá rẻ trong những chiếc lọ khá đơn giản. Người dùng sẽ tự đặt mua những chiếc lọ tinh xảo được chế tác cầu kỳ để làm lọ "xịn" của riêng mình. Nước hoa thế kỷ 19 Phong cách thiết kế các chai nước hoa thay đổi rất nhiều kể từ cuối thế kỷ 19. Nó chịu ảnh hưởng bởi phong cách nghệ thuật hiện đại đương thời với mô típ tĩnh vật, hoa lá. Những lọ nước hoa phổ biến nhất thời kỳ này được làm bằng thuỷ tinh với lớp vỏ bọc bằng đồng mạ vàng, trạm khắc tinh xảo hoặc những hộp gỗ khắc hình hoa lá. Sau đó, những lọ thuỷ tinh được cắt gọt mài dũa thành nhiều góc cạnh trông như những viên đá quý bắt đầu nổi lên. Nắp của chúng được bọc bằng đồng, khảm rất nhiều chi tiết cầu kỳ. Những chiếc lọ quý giá này đôi khi còn được mạ vàng trên thân chai. Năm 1910 khi ngành tâm lý học phát triển, nhiều loại nước hoa bắt đầu ra đời với công thức phức tạp và những cái tên mới lạ. Nước hoa bắt đầu nổi lên như một cách để người ta thể hiện địa vị và quyền lực của bản thân. Những loại nước hoa khác nhau được dùng vào những thời điểm khác nhau, những mùa khác nhau và dành cho những tuýp người khác nhau. Trung tâm nước hoa lúc này nằm ở Pháp. Những mẫu sành điệu và thời thượng nhất bắt đầu ở đây. Có thể kể ra một số chai gây tiếng vang thời kỳ đó như That is why I loved Rosine (Đó là lý do tại sao tôi yêu Rosine) với hình một cái lọ hoa có nút chai nằm ẩn dưới một chùm hoa bằng lụa. Chai Lily of the Valley (Thung lũng huệ tây) được chế tác trên nền sứ trắng muốt và một dải ruy-băng trắng thắt ở cổ. Những thiết kế độc đáo và cái tên quyến rũ khiến các bà các cô thời đó "phát sốt". Nam giới cũng bắt đầu được các nhà sản xuất nước hoa chú ý với sự ra đời của chai The Gentleman's Handkerchief (Chiếc khăn tay của quý ông) với kiểu dáng cách tân - lọ hình tam giác với những hình xoắn ốc vẽ ở mỗi mặt. Những lọ nước hoa sáng tạo khác có thể kể ra trong thời kỳ này gồm có Revived (Hồi sinh) làm theo hình một bình đựng cà phê. Nước hoa sẽ toả ra từ vòi ấm. Chai Illusion (Ảo ảnh) có vỏ ngoài bằng bạc đúc hình ngọn hải đăng.. Ngành công nghiệp nước hoa thực sự bắt đầu từ năm 1906 khi nhà sản xuất nước hoa Francois Coty quyết định tạo ra những lọ nước hoa xinh đẹp và giá đắt hơn nhiều so với trước đây. Tới năm 1910, xu hướng nghệ thuật phương Đông được yêu chuộng ở Pháp với các thiết kế quần áo, nội thất và cả nước hoa đều bị ảnh hưởng ít nhiều. Thời kỳ này những hương liệu phương Đông được sử dụng chủ yếu để tạo ra các loại nước hoa. Chai thủy tinh thời kỳ này đã đạt tới một chuẩn mực mới với vỏ thủy tinh trong suốt ở phần thân chai, những lớp thủy tinh màu lấp lánh ở phần nắp chai và vòi xịt nạm vàng. Tới giai đoạn này, các nhà sản xuất đã sử dụng hình dáng chai để diễn đạt phần nào mùi hương bên trong. Nước hoa đầu thập kỷ 30 của thế kỷ 20 Sau chiến tranh thế giới thứ nhất, lính Mĩ quay về nước mang theo rất nhiều nước hoa mua từ Paris. Các công ty sản xuất nước hoa tại Mĩ nhanh chóng mọc lên đáp ứng nhu cầu mới của người dân. Những nhà sản xuất nước hoa đầu tiên ở Mĩ không có nhiều kiến thức về sản xuất nước hoa chất lượng cao nhưng họ hiểu rất rõ phong cách và thị hiếu của từng nhóm khách hàng mà điều này là vô cùng quan trọng đối với sự thành công của nước hoa. Một số chai đầu tiên được sản xuất tại Mĩ đã gây tiếng vang lớn, có thể kể tới Masque Rouge (Son môi vũ nữ) với hình dáng thiết kế rất hiện đại - vỏ màu đỏ, chai thủy tinh màu đen vảy những hạt bụi vàng. Chai Arlequinade được thiết kế dựa trên hình ảnh của nhân vật huyền thoại trong cổ tích Hy Lạp – anh hùng Héc-quin. Chai Bakanir là một trong những chai đắt nhất trong lịch sử nước hoa với vỏ chai làm bằng sứ trắng, bọc xung quanh bằng da thú, trang trí đẹp mắt. Ngoài ra, còn có chai “Silver Butterfly” (Cánh bướm bạc) đựng trong những viên đá tự nhiên màu hồng lựu khoét rỗng hình lục lăng sáu cạnh. Nó được khảm một lớp vỏ bạc, bọc bên ngoài. Chai Astris có hình ngôi sao cũng được khảm vỏ bạc bên ngoài. Chai Channel No 5 ra đời năm 1921 chứng kiến cuộc cách tân mới trong ngành sản xuất nước hoa cả về nội dung và hình thức. Chai được thiết kế đơn giản với mùi hương có phần nam tính nhưng thích hợp cho cả nữ giới. Nước hoa ở thập kỷ 40 của thế kỷ 20 Suy thoái kinh tế ở thời kỳ này khiến thị trường nước hoa bị ảnh hưởng mạnh. Các chai nước hoa được sản xuất giản dị, chủ yếu làm bằng công nghệ dây chuyền để giảm nhân công. Thiết kế chai nước hoa thời kỳ này chịu ảnh hưởng của nền điện ảnh Hollywood với sự xa hoa phù phiếm của những thành phố lớn. Mô típ hoa lá đã bị quên lãng. Chai Je Reviens có hình dáng giống như một tòa nhà cao tầng với lớp vỏ thủy tinh màu xanh da trời đậm. Nút cổ chai làm bằng thủy tinh da trời nhạt tượng trưng cho bầu trời. Chai Normandie sản xuất năm 1935 phác họa hình con thuyền Normandie nổi tiếng thời đó. Bên trong chiếc hộp hình thuyền là chai nước hoa tạc từ đá quý tự nhiên. Đây là món quá được tặng cho những vị khách ở khoang hạng nhất khi con thuyền lần đầu hạ thủy. Nước hoa ở thập kỷ 50 của thế kỷ 20 Chiến tranh thế giới thứ hai ảnh hưởng lớn tới sự phát triển của ngành công nghiệp nước hoa. Sau khi chiến tranh kết thúc, nó ngay lập tức được hồi sinh với những bước tiến mới. Christian Dior và Nina Ricci nhanh chóng trở thành những ông hoàng bà hoàng trong lĩnh vực này. “Miss Dior” dành mùi hương thanh nhã cho các quý cô với vỏ chai làm bằng đá tự nhiên thiết kế thanh tao và sang trọng. Nina Ricci nổi tiếng với mùi hương quyến rũ nữ tính và lãng mạn. Chai L’Air du Temps có hình ảnh mặt trời lóe sáng. Nút cổ chai là hình con chim bồ câu, thắt một dải lụa trắng vẽ hình cô gái và cánh bồ câu đang bay. Chai được đặt trong chiếc hộp hình lồng chim bọc lụa vàng, bên trong có một chiếc đèn nhỏ phát sáng màu vàng đúng theo ý tưởng mặt trời. Nước hoa ở thập niên 60 của thế kỷ 20 Nước hoa thời kỳ này mang xu hướng lãng mạn. Chai Monsieur Marquay khắc họa người đàn ông lịch lãm đội mũ thắt nơ với bộ ria được yêu chuộng thời kỳ đó. Chai được tạc trên nền sứ trắng. Christian Dior cho ra “Diorissimo” năm 1956 vẫn với chất liệu đá tự nhiên quen thuộc tạc hình một chiếc bình hai quai với nắp chai là hình bó hoa mạ vàng. Magie sản xuất bởi Lancome năm 1950 là món quà phổ biến trong dịp Giáng sinh năm đó với thân chai hình sao đặt trong hộp bọc lụa hoặc da thuộc. Nước hoa hiện đại Những chai nước hoa thời hiện đại được tạo cảm hứng từ vẻ đẹp tự nhiên của con người hoặc từ những khối hình học đơn giản nhưng được mài cắt công phu. Khi điều kiện kinh tế dư giả, khách hàng bắt đầu có nhã hứng sưu tập nước hoa, những chai sành điệu nhất vẫn thuộc về Pháp. Giờ đây, khách hàng chọn nước hoa không chỉ vì mùi hương mà còn vì độ tinh xảo của chai để bộ sưu tập của họ thêm đa dạng và ấn tượng.