Cuộc sống vẫn đang tiếp diễn, nhưng trong đó có bao vấn đề gay go, rắc rối, hiểm nguy đang âm ỉ hoặc đã bộc phát ra (đói rét, bịnh tật, âu lo, nghi nan, tị hiềm, chia rẽ, hận thù, khủng bố, chiến tranh…). Con người vẫn đang sống với nhau nhưng trong đó luôn hục hặc, xung đột và chưa bao giờ là thực lòng với nhau, cho đến muốn trấn áp, thủ tiêu lẫn nhau. Sự hiện hữu của con người dường như ngày càng mất hết sự tự chủ. Với dòng xoáy của cuộc sống hiện đại, nhiều con người ta trở thành những người máy, tính khí trở nên cộc cằn, đầy căng thẳng và phiền muộn, thậm chí lạnh lùng và rất tàn bạo. Nguyên nhân chính của những nỗi khổ này không phải là do ta có mặt trong cuộc sống hiện đại, cũng không phải là do ta chưa đạt tới kỉ nguyên hạnh phúc, mà do trái tim con người ta ngày càng trở nên khô cằn sỏi đá, bầu năng lượng yêu thương ngày bị vơi kiệt đi; thay vào đó là thành trì bản ngã được giáo dục, được xây dựng một cách tinh vi và chắc chắn. Điều đó gây nên sự chia rẽ, manh mún và cuộc sống không thể nào được trọn vẹn.
Những vấn đề trên thật nghiêm túc và thật lớn lao. Nhưng thiết nghĩ rằng chỉ cần lắng nghe trái tim, một khi trái tim được rộng mở, thì toàn bộ cuộc sống trở nên tốt đẹp và hài hòa một cách tự nhiên. Chỉ cần một tình yêu thương chân thật thôi thì cũng đủ cho mỗi cá thể tìm lại được dòng năng lượng tươi mát có khả năng trị bệnh cho mình đồng thời cũng giúp cho mọi người trên thế giới dễ dàng nắm tay và vui sống với nhau.
Giáo lý căn bản của con đường tâm linh nảy sinh từ trong trái tim chúng ta. Khi trái tim trở thành vị đạo sư và mang lại cho chúng ta lòng tự tin, thì cuộc sống trở nên ý nghĩa và mãn nguyện. Tới lúc này thì những thú vui và cảm xúc khác đều không thể nào so sánh được. Đây là lý do đầy cảm hứng cho người viết thực hiện đề tài “Lòng từ bi trong cuộc sống”.
Khi lòng từ bi được đề cập đến là khi chúng ta đã có cái nhìn lại con đường tâm linh và đã có cái nhìn tích cực đến với cuộc đời. Giáo lý từ bi là giáo lý sống động, tích cực và bao trùm trọn vẹn ý nghĩa tinh thần nhập thế. Cho nên nói đến từ bi, nói đến hạnh phúc chân thực thì trước hết mỗi cá thể phải tự mở rộng lòng yêu thương của mình chẳng những đối với đồng loại mà còn cả động, thực vật…
34 trang |
Chia sẻ: oanh_nt | Lượt xem: 2072 | Lượt tải: 1
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Luận văn Lòng từ bi trong cuộc sống, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Luận văn tốt nghiệp
LÒNG TỪ BI TRONG CUỘC SỐNG
Thích Thông Nhã
DẪN NHẬP
Cuộc sống vẫn đang tiếp diễn, nhưng trong đó có bao vấn đề gay go, rắc rối, hiểm nguy đang âm ỉ hoặc đã bộc phát ra (đói rét, bịnh tật, âu lo, nghi nan, tị hiềm, chia rẽ, hận thù, khủng bố, chiến tranh…). Con người vẫn đang sống với nhau nhưng trong đó luôn hục hặc, xung đột và chưa bao giờ là thực lòng với nhau, cho đến muốn trấn áp, thủ tiêu lẫn nhau. Sự hiện hữu của con người dường như ngày càng mất hết sự tự chủ. Với dòng xoáy của cuộc sống hiện đại, nhiều con người ta trở thành những người máy, tính khí trở nên cộc cằn, đầy căng thẳng và phiền muộn, thậm chí lạnh lùng và rất tàn bạo. Nguyên nhân chính của những nỗi khổ này không phải là do ta có mặt trong cuộc sống hiện đại, cũng không phải là do ta chưa đạt tới kỉ nguyên hạnh phúc, mà do trái tim con người ta ngày càng trở nên khô cằn sỏi đá, bầu năng lượng yêu thương ngày bị vơi kiệt đi; thay vào đó là thành trì bản ngã được giáo dục, được xây dựng một cách tinh vi và chắc chắn. Điều đó gây nên sự chia rẽ, manh mún và cuộc sống không thể nào được trọn vẹn.
Những vấn đề trên thật nghiêm túc và thật lớn lao. Nhưng thiết nghĩ rằng chỉ cần lắng nghe trái tim, một khi trái tim được rộng mở, thì toàn bộ cuộc sống trở nên tốt đẹp và hài hòa một cách tự nhiên. Chỉ cần một tình yêu thương chân thật thôi thì cũng đủ cho mỗi cá thể tìm lại được dòng năng lượng tươi mát có khả năng trị bệnh cho mình đồng thời cũng giúp cho mọi người trên thế giới dễ dàng nắm tay và vui sống với nhau.
Giáo lý căn bản của con đường tâm linh nảy sinh từ trong trái tim chúng ta. Khi trái tim trở thành vị đạo sư và mang lại cho chúng ta lòng tự tin, thì cuộc sống trở nên ý nghĩa và mãn nguyện. Tới lúc này thì những thú vui và cảm xúc khác đều không thể nào so sánh được. Đây là lý do đầy cảm hứng cho người viết thực hiện đề tài “Lòng từ bi trong cuộc sống”.
Khi lòng từ bi được đề cập đến là khi chúng ta đã có cái nhìn lại con đường tâm linh và đã có cái nhìn tích cực đến với cuộc đời. Giáo lý từ bi là giáo lý sống động, tích cực và bao trùm trọn vẹn ý nghĩa tinh thần nhập thế. Cho nên nói đến từ bi, nói đến hạnh phúc chân thực thì trước hết mỗi cá thể phải tự mở rộng lòng yêu thương của mình chẳng những đối với đồng loại mà còn cả động, thực vật…
Giới hạn của đề tài này chỉ tìm hiểu và diễn đạt tâm thái từ bi, trình bày một số khía cạnh có liên quan giữa tinh thần từ bi và đời sống hiện đại, dựa trên cơ sở giới luật và giáo lý từ bi trong một số kinh điển thuộc hệ Nikàya và hệ Mahàyàna; ngoài ra còn dựa theo một số cách diễn đạt của các vị hiền nhân mà tình yêu thương của họ đã trở thành lẽ sống thực sự trên cuộc đời này.
Với nhan đề trên, đề tài này nhằm thực hiện nhiệm vụ là cho biết cụ thể tinh thần từ bi như thế nào, sau đó lồng tinh thần từ bi vào cuộc sống hiện đại bằng cách trình bày phương pháp khai mở tâm từ và áp dụng lòng từ bi vào thực tiễn. Cho nên, khi tiến hành thực hiện đề tài người viết đã sử dụng phương pháp phân tích, phương pháp tổng hợp, phương pháp liên ngành. Việc nêu ra các phương pháp trên chỉ là tương đối, bởi một phần chúng tách bạch, một phần chúng được đan xen. Tất cả đều nhằm mục đích giải quyết đề tài.
Đề tài này trước hết trình bày tinh thần từ bi trung thành theo kinh điển, sau đó tìm sự liên quan mật thiết giữa tinh thần từ bi với một số mặt của đời sống nên phạm vi tham khảo là kinh điển và một số sách báo có liên quan đến đề tài.
Đời sống tinh thần lạc quan sẽ giúp cho tâm lý và sinh lý hài hòa. Tình yêu thương giữa con người và con người, giữa con người và môi sinh sẽ tạo nên một tổng thể nhịp nhàng, nên nếu áp dụng thỏa đáng vấn đề đặt ra sẽ rất có ý nghĩa về mặt khoa học.
Người viết cho rằng đề tài từ bi thì không còn là mới mẽ trong kinh luận Phật giáo và trong các trường Phật học, nhưng nó luôn luôn mới mẽ và rất cần thiết cho cuộc sống hiện tại. Bởi lẽ từ bi chính là sự sống chứ không phải là giáo thuyết. Hơn nữa lòng từ bi không chỉ để áp dụng cho Phật tử mà là cho tất cả mọi người trên trái đất; bởi ai ai cũng muốn sự hòa bình, mong được thương yêu và cần cầu hạnh phúc.
Đề tài từ bi được thực hiện sau đây chỉ nằm trong tầm mức hiểu biết giới hạn và trong khả năng nổ lực có thể thực hiện được, cho nên chưa thể nói lên hết được tính phi thường và mầu nhiệm của nó. Bởi nói đến từ bi là nói đến tâm thức vô lượng (2 trong 4 tâm vô lượng: Từ, Bi, Hỷ, Xả); tất nhiên công năng và diệu dụng của nó sẽ là vô bờ bến. Quá trình thực nghiệm từ bi để đạt đến sức mạnh siêu phàm là một hành trình miệt mài đầy nhiệt huyết.
Người viết đã cố gắng hết sức để tìm hiểu và diễn đạt luận văn cho suông sẻ, nhưng với kiến thức hạn hẹp nên chắc chắn có những khiếm khuyết. Kính mong quý giáo thọ sư từ bi mẫn giáo.
Cuối cùng, người viết kính tri ân HT Thích Minh Châu-Viện Trưởng Viện Đại Học Vạn Hạnh, quý giáo thọ sư, huynh đệ, thân quyến và tất cả mọi loài hữu tình cũng như vô tình trong pháp giới vạn loại này. Kính chúc sức khỏe đến tất cả, ước mong mọi người luôn an trú trong tình yêu thương và có được cuộc sống hòa bình, an lạc.
NỘI DUNG
CHƯƠNG 1 : TỪ BI TRONG GIÁO LÝ ĐẠO PHẬT
1.1. KHÁI NIỆM TỪ BI
1.1.1. Hiểu từ bi theo Thắng Pháp Tập Yếu Luận [3, 40 ]
Từ (Mettà) có gốc từ ngữ căn mida là làm cho dịu, thương yêu. Chính là sự mong ước, khẩn nguyện cho hết thảy chúng sanh an lành. Mettà không phải là tình thương vật chất, cũng không phải là cảm tình riêng tư. Mettà bao trùm toàn thể chúng sanh không trừ một ai. Cùng tột của Mettà là sự thể nhập bản ngã với tất cả chúng sanh (Sabbatthtà).
Thực ra, tâm từ không có tâm riêng biệt trong các loại tâm . Tâm từ này là một trong những phận sự biết đối tượng của tâm sở vô sân (Adosacetasika). Tâm sở vô sân thuộc loại tâm sở tịnh hảo (sobhanacetasika) đồng sanh với tất cả tịnh hảo tâm. Nếu nó đồng sanh với tịnh hảo tâm không biết đến đối tượng chúng sanh là đáng yêu, đáng mến, đáng kính thì tâm vô sở sân ấy không gọi là tâm từ. Nếu biết đối tượng chúng sanh đáng yêu, đáng mến, đáng kính thì tâm sở vô sân ấy gọi là tâm từ.
Bi (Karunà), từ ngữ căn Kar (làm) + Unà là cái làm cho tâm sở người thiện thêm rung động trước sự đau khổ của chúng sanh; cái làm tiêu tan sự đau khổ của chúng sanh. Đặc tính của karunà là thương xót trước sự đau khổ của người khác, cầu mong diệt trừ sự đau khổ của người khác.
Cả từ và bi đều đi chung với chữ Citta: Tâm, sự hiểu biết.
Đối tượng của tâm “Từ” là chúng sanh đáng yêu, đáng mến, đáng kính (piyamanapasattapannatti); Còn đối tượng của tâm “Bi” là chúng sanh đang bị đau khổ (dukkhitasattapanntti).
Nếu xét theo tâm lí riêng, thì tâm “Từ” và tâm “Bi” không bao giờ đi đôi, không đồng sanh với nhau, bởi vì chúng có đối tượng chúng sanh khác nhau. Cho nên khi nào có tâm “Từ” thì không có tâm “Bi”; ngược lại khi nào có tâm “Bi” thì không có tâm ‘Từ”. Nhưng nếu xét theo tâm lí chung thì “Từ” và “Bi” đều không câu hữu với “Xả” vì chúng lấy chúng sanh làm đối tượng, nên không khởi trong các siêu thế tâm vì siêu thế tâm lấy Niết Bàn làm đối tượng.
1.1.2. Hiểu từ bi theo Thanh Tịnh Đạo Luận [2, 523 ]
Có thể phân tích tóm lược từ bi theo Thanh tịnh Đạo Luận như sau:
Về ý nghĩa: từ có nghĩa là hòa tan, hóa giải những uẩn kết; bi là tiêu hủy những nỗi khổ của người khác.
Về đặc tính: từ đem lại sự an lạc, làm cho ác tâm lắng dịu; bi có đặc tính làm giảm bớt đau khổ và triệt tiêu sự tàn bạo.
Về mục đích: từ diệt tâm sân; bi ngăn tâm ác.
Về chướng ngại: tham là chướng ngại gần của từ, sân là chướng ngại xa của từ; liên hệ với gia đình là chướng ngại gần của bi, tàn bạo là chướng ngại xa của bi.
Về giới hạn: từ là cơ sở cho sự giải thoát nhờ tịnh hướng; bi là điểm tựa căn bản cho không vô biên xứ.
1.1.3. Từ bi theo Kinh Đại Bảo Tích [23, 306]
1.1.3.1 Chúng sanh duyên từ : Từ bi là lòng thương tất cả chúng sanh theo lẽ thường.
1.1.3.2. Pháp duyên từ : Là kết quả của việc chứng ngộ được tính vô ngã pháp, là quả vị của tất cả những vị Thanh văn, Duên giác và Bồ Tát bước vào địa vị thứ nhất của thập địa.
1.1.3.3. Vô duyên từ : Là tấm lòng thương yêu vô phân biệt, vô điều kiện của một vị Phật.
1.1.4. Hiểu theo lối chiết tự chữ Hán [16, 284]
Chữ từ (慈), trên là chữ tư (玆) nói theo văn bạch thoại là chữ như thị ( 如是), nghĩa là như vậy; dưới là chữ tâm (心). Từ là tâm như vậy. Tâm như vậy là khi thấy niềm vui hay nỗi khổ của người khác, đều có sự cảm nhận tương đương như vậy. Khi thấy người khác vui thì cầu mong cho mọi người có niềm vui. Khi người khác khổ thì mong muốn cho họ chấm dứt sự khổ.
Chữ Bi (悲), trên là chữ phi(非), là không phải; dưới là chữ tâm (心). Bi là chữ phi tâm (非心). Phi tâm là không ngừng cải cách, chuyển hóa cái tâm phân biệt, ích kỉ của ta. Khiến cái tâm đó tiếp cận với “cái tâm như vậy”, tâm có khả năng cảm nhận niềm vui sướng cũng như nỗi khổ đau của người khác. Khi ấy chúng ta mới có được lòng từ bi đích thực. Nếu như không biến đổi được, hoặc không tìm ra được “cái tâm như vậy” thì lòng từ bi của chúng ta sẽ không được chân thật. “Cái tâm như vậy” chính là chân tâm, là Phật tánh, là bản thể thanh tịnh của chúng sanh.
1.1.5. Hiểu từ bi theo nhân gian
Trong nhân gian chữ từ bi được hiểu là lòng thiện, lòng thương người, thương vật, không có tính vị kỷ và nhất là hay giúp đỡ người khác lúc khó khăn. Khi những hoàn cảnh cùng khổ xảy ra thì người ta mong ước có vị Bụt với tấm lòng từ bi hiện ra. Cửa chùa được người đời gọi là “cửa từ bi”, bóng dáng của một vị sư được gọi là “bóng từ bi”, lòng hiền từ hay giúp đỡ người khác gọi là lòng từ bi, thậm chí đôi mắt từ bi, đôi môi từ bi. Nói chung những gì có tính năng giúp đỡ hoặc đem niềm vui đến cho người khác đều được gọi là từ bi. Như vậy chữ từ bi là thuần của Phật giáo và được ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp vào tâm trí nhân gian. Nó là niềm tin, là một điều gì đó hiền lành, thân thiện.
Như vậy “Từ”ụ, “Bi” vừa là một loại tâm vừa là một loại nhận thức để hành động, vừa là một biểu tượng đẹp đẽ. Cho nên nó vừa là pháp tu tập cho bản thân để thăng hoa tâm linh vừa là pháp hành động để lợi ích cho tha nhân, và cũng vừa là lẽ sống cao đẹp, hạnh phúc cho mọi người.
Nhận thấy sự hổ tương mật thiết có tính lợi tha của “Từ” và “Bi” nên Phật giáo Đại thừa đã nêu cao giá trị của chúng thành tinh thần “từ bi” chung trong công cuộc cứu nhân độ thế. Cho nên từ bi thường được hiểu trong tinh thần: “Từ năng dữ lạc, bi viết độ sanh; từ bi nhị tự diệt thiên khiên”; hay “từ năng dữ nhất thiết chúng sanh chi lạc, bi năng bạt nhất thiết chúng sanh chi khổ”. Nghĩa là đặc tính của từ bi thì rất dịu mát, hiền từ, hay mang sự an ổn đến cho chúng sanh. Bởi vì nó có tính tích cực trong việc chia sẻ khổ đau với chúng sanh; mong tất cả được sống an lành và hạnh phúc.
Từ bi là cho không nhận, không bị cưỡng bách phải cho, không vì tự ngã, danh tiếng mà cho… Trong Phật giáo, tâm từ bi được đánh giá là tâm lí tối thượng, hành động từ bi là hành động thiện tích cực nhất trong mọi hành động. Bản chất từ bi là vẽ đẹp, là niềm hạnh phúc cao thượng nhất. Từ bi là suối nguồn tươi mát, là nền tảng căn bản cho con đường tâm linh.
1.2 . TINH THẦN TỪ BI TRONG KINH ĐIỂN PHẬT GIÁO
Lòng vị tha, yêu sự sống là tinh thần cao đẹp nhất mà hầu hết các tôn giáo thường đề cập trong giáo điển của mình. Tinh thần vị tha theo đạo Phật không dừng lại ở mức độ yêu thương con người mà mở rộng đến tất cả muôn loài. Đạo Phật thường được gọi là “Đạo từ bi”, bởi lẽ giáo lý và hành động thiết thực của nó mang đến sự an vui, an ổn cho hết thảy chúng sinh. Đạo Phật lấy cuộc đời làm tâm điểm để tu tập và thăng hoa tâm linh. Giáo lý Từ bi bắt mạch từ chính cuộc sống, nó được khai triển trong nhiều khía cạnh khác nhau để cho con người có cái nhìn toàn bộ hơn và thương mến cuộc sống này hơn.
1.2.1. Tình yêu thương và sự hiểu biết
Từ bi trước tiên phải có tầm nhìn và hiểu biết rộng đến tất cả chúng sanh. Trong bài “Kinh Từ Bi”[4, 29-506], giáo lý đạo Phật đã cho chúng ta cái nhìn rộng lớn về nhiều dạng thức chúng sanh ở nhiều thế hệ khác nhau; để từ đó chúng ta mới có cơ sở mà trải rộng lòng yêu thương đến vô cùng vô tận:
“Mong tất cả những ai
Hữu tình có mạng sống
Kẻ yếu hay kẻ mạnh
Không bỏ sót một ai
Kẻ dài hay kẻ lớn
Trung, thấp loài lớn, nhỏ
Loài được thấy, không thấy
Loài sống xa, không xa
Các loài hiện đang sống
Các loài sẽ được sanh
Sống hạnh phúc an lạc.”
“Đoạn kinh trên là lời nguyện ước đừng loài nào sát hại loài nào, đừng ai coi nhẹ tính mạng của ai, đừng ai vì giận hờn và ác tâm mà mong cho ai đau khổ và khốn đốn.
Giáo lý đạo Phật thì rất nhiều, nhưng tựu trung chỉ nằm trong ba điểm chính: Bi, Trí, Dũng. Trí là sự hiểu biết rộng lớn. Nhờ sự hiểu biết rộng lớn đó mà lòng thương yêu được sáng suốt và không bị dục trói buộc. Dũng cũng là một đức tính tích cực. Lòng Dũng của đạo Phật một mặt là chiến thắng dục vọng của tự thân, một mặt là xả bỏ cả bản thân mình mà cứu độ chúng sanh. Một cách nhìn khác, chúng ta thấy giáo lý đạo Phật rất logich trong tinh thần Vô ngã - Vị tha. Nhờ vô ngã mà hoa từ bi nở ra và dâng hương sắc cho đời.
1.2.2. Tình thân thuộc đại đồng
Đức Phật thường khuyên các đệ tử tránh nghiệp binh đao, sát hại, ngược lại nên khai mở và nuôi dưỡng lòng từ. Vì sao thế ? “Bởi vì tất cả chúng sanh từ vô thỉ đến nay thường là lục thân quyến thuộc với nhau, xả báo thân rồi theo các thân cầm thú. Bồ Tát thấy chúng sanh đều là thân thuộc, cho đến khởi từ niệm, tưởng họ như con mình. Tất cả thịt chúng sanh đều là tinh huyết ô uế tạo thành, người cầu thanh tịnh làm sao nở ăn thịt. Người tu hành từ bi tâm, trì chú thuật, cầu giải thoát, thú hướng đại thừa, nếu ăn thịt thì tất cả người, trời cho đến các chúng sanh cũng tránh xa người ấy” [12]. Không ăn thịt là một lẽ, ngược lại còn yêu thương vô hạn đối với chúng sanh.
Được gọi là từ bi, khi nào lòng yêu thương không có sự chiếm hữu hay vụ lợi. Tuy nhiên lòng yêu thương đó phải chân thành và nồng ấm:
Như tấm lòng người mẹ
Đối với con của mình
Trọn đời luôn che chở
Con độc nhất mình sanh
Cũng vậy đối tất cả
Các hữu tình chúng sanh
Hãy tu tập tâm ý
Không hạn lượng rộng lớn
Hãy tu tập từ tâm
Trong tất cả thế giới…
[4, 29]
Ơũ đoạn kinh từ bi này, chúng ta thấy lòng từ bi phải được thể hiện như tấm lòng người mẹ đem thân mạng ra che chở, bảo bọc cho đứa con duy nhất của mình. Cũng vậy, khi thực hành bồ tát đạo, chúng ta hãy đem lòng từ bi mà thương xót tất cả mọi loài.
Động lực chủ yếu nhất dẫn đến việc sát sanh chính là miếng ăn: thứ nhất do bản năng, thứ hai là do quan niệm “vật dưỡng nhơn”. Kinh Thủy Sám [10] nói “chỉ vì ba tấc lưỡi mà gây không biết bao tội lỗi”. Bởi vì chỉ có ba tấc lưỡi mà chúng sanh ăn thịt lẫn nhau, chiến tranh và thù hận lẫn nhau. Từ vô lượng kiếp đến nay chúng ta ăn thịt chúng sanh có thể xương chất thành núi. Do vậy, giới thứ ba trong kinh Phạm Võng [24] cấm hành vi ăn thịt như sau: “Là Phật tử, tất cả thịt của mọi loài chúng sanh đều không được ăn, luận về người ăn thịt mất lòng từ bi, dứt giống Phật tánh, tất cả chúng sanh thấy đều tránh xa, người ăn thịt mắc vô lượng tội lỗi. Vì thế Phật tử không được ăn thịt chúng sanh, nếu cố ăn, Phật tử này phạm tội khinh cấu.”
Trong kinh Lăng Nghiêm cho chúng ta thấy cụ thể nghiệp nhân sát sanh như “thợ săn, đồ tể giăng lưới bắt chim cá”, thì “những người ác này” sẽ nhận lấy một nghiệp quả là: “Loài chó thấy cũng kinh sợ, sủa cắn, các loài cầm thú thấy đều chạy trốn. Người này dứt hơi thở cũng như quỷ la-sát, đến đây ắt để giết ta. Vì để giữ gìn thân mạng, tất cả chúng đều chạy trốn”. Nhưng nghiệp quả đáng sợ nhất mà trong kinh Lăng Nghiêm [12, 364], Đức Phật dạy ngài A-Nan là: “Người ăn thịt, giả sử khai mở tâm như tam ma địa, đều là quỷ la-sát rốt ráo quả báo quyết chắc phải sa vào biển sanh tử, làm sao có thể ra khỏi ba cỏi được?”
1.2.3. Giới luật bảo vệ lòng từ bi
Giới luật đầu tiên mà Phật chế ra là cấm sát sanh. Kinh Phạm Võng cho rằng giữ giới để phát triển lòng từ bi là điều kiện tiên quyết cho những ai muốn đi theo con đường Bồ Tát. Giới đầu tiên của kinh Phạm Võng cấm giết hại chúng sinh dù bất cứ hình thức nào. “Nếu Phật tử, hoặc tự giết, hoặc bảo người giết, phương tiện giết, khen ngợi giết, thấy giết vui theo, nhẫn đến dùng bùa chú để giết, nhân giết, duyên giết, cách thức giết, nghiệp giết, cho đến tất cả loài hữu tình đều không được giết, là Phật tử, lẽ ra phải khởi lòng từ bi, lòng hiếu thuận, lập thệ cứu giúp tất cả chúng sanh, mà trái lại phóng tâm giết hại chúng sanh. Bồ Tát này phạm tội ba-la-di”.
Chủ trương của Phật là bất hại đối với động vật cũng như thực vật. Bất hại ở đây không có nghĩa là không đụng chạm đến, mà có nghĩa là không tàn hại và phá huỷ. Trong kinh Thừa Tự thuộc Trung Bộ kinh I [5], đức Phật dạy đệ tử không nên đổ đồ ăn dư thừa trên cỏ xanh và trong nước có côn trùng. Ngài dạy đệ tử xuất gia phải dùng vải lọc nước để tránh giết hại các sinh vật. Đức Phật cũng dạy các tỳ kheo không nên đi ra ngoài lúc mùa mưa, vì tránh giẫm đạp trên cây cỏ và côn trùng nẩy nở. Ở đây chúng ta thấy tinh thần từ bi được ý thức hết sức cao độ. Tất nhiên một con người sống thì không thể là bất động. Sự giữ giới và ý thức như đã nói ở trên là không tàn hại chứ không phải là không đụng chạm. Chỉ có điều mọi sinh hoạt của một tỳ kheo đối với cuộc sống nên nhẹ nhàng, tiết chế và không gây tổn hại cho ai:
“Như ong lấy mật hoa,
không tổn hại hương sắc,
Cũng vậy, vị sa - môn
ra vào làng vô hại.”
[9, pc 9]
Thấy rỏ một số nguyên nhân có thể dẫn đến sự tổn hại lớn về lòng từ bi, nên giới 32 của kinh Phạm Võng chế rằng: “Là Phật tử, không được chứa hay buôn bán dao, gậy, cung tên, những khí cụ sát sanh; không được dùng cân non, giạ thiếu để đong; không được nương thế lực quan quyền mà lấy tài vật của người; không được ác tâm trói buộc người, phá hoại việc thành công của người; không được nuôi mèo, heo, chồn, chó… Nếu cố làm các điều trên, Phật tử này phạm tội khinh cấu. Những hành vi trên thường xuất phát từ lòng tham, ác dễ ngăn ngại tâm linh.
1.2.4 . Tình thương yêu xóa bỏ hận thù
Quán chiếu sâu xa về ân oán tình thù trong thế gian, giới 21 trong kinh Phạm Võng dạy rõ: “Không được đem giận trả giận, đem đánh trả đánh, dù anh em trong lục thân hoặc quốc chủ bị người khác giết cũng chẳng được báo thù, vì giết sanh mạng để báo thù sanh mạng đó là việc không thuận với hiếu đạo…”. Và vì “trong thế gian này không thể lấy oán mà trừ được oán, chỉ lấy nhẫn mới trừ được oán”. Thậm chí đức Phật còn dạy: “Với người dữ, ta nên ở lành; với người câu nệ, ta không nên câu nệ; với người gian tham, ta chớ nên gian tham. Lấy từ bi đáp lại nộ khí; lấy thành thực đáp lại điêu ngoa”. Điều đó không phải chỉ là vấn đề ngôn ngữ, mà thực sự phải thể hiện được khi đối diện với hoàn cảnh thực tế. Giả sử, người khác lăng mạ, đánh đập, phá hoại và cướp bóc mình thì mình cũng không ôm tâm niệm oán hận vào lòng; ngược lại xả bỏ tâm niệm ấy thì sự giận tự nhiên tan biến.
Một tâm lý khác liên quan và tổn hại lớn đến lòng từ bi nữa là tự phát động chiến tranh. Mạnh Tử [ 17, 138] có nói về việc vô cớ gây chiến tranh là tổn hại rất lớn về người và của. Hình thức này mang đến sức huỷ hoại và đau khổ cho con người rất lớn. Nhưng kết quả của nó thì sao?. Kinh Tương Ưng [7, 102] nói rằng:
“Thắng trận sanh thù oán
bại trận sanh khổ đau.
Ai bỏ thắng bỏ bại
tịnh tịch hưởng an lạc”
1.2.5. Sám hối và phát từ bi tâm
Nếu đã tạo nghiệp sát sanh rồi thì vẫn có những phương pháp hóa giải để khỏi đánh mất lòng từ bi. Theo kinh Thuỷ Sám và Lương Hoàng Sám [14], sám hối là phương pháp khả dĩ nhất để chấm dứt những ác nghiệp đã gây, đang gây và sẽ gây. Sám hối giữ được thiện tâm trong lòng và có thể phát khởi được từ bi tâm. Tất cả chúng sanh đều tham sống, sợ chết; bất cứ ai cũng đau đớn khi bị người khác hành quyết, thế mà từ vô lượng kiếp đến nay ta mê muội hoặc là làm ngơ, giả điếc trước đau đớn của chúng sanh để rồi dùng sức mạnh của mình tha hồ bắt bớ, mổ xẻ và ăn thịt. Khi biết được sự giả man của mình, khi thấy được tính vô cảm và cái ngã tội lỗi của mình là khi chúng ta biết bắt đầu ăn năn và sám hối.
Aên năn và sám hối khác hẳn với mặc cảm vì lỗi lầm trong đời sống của chúng ta. Chúng