1. Mở đầu
Ngành thủy sản nói chung và nuôi trồng thủy sản nói riêng ở Sóc Trăng ngày càng
giữ vị trí quan trọng trong cơ cấu giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản, từ 21,7% năm
2000 lên 45,2% năm 2010. Việc phát triển mạnh nuôi trồng thủy sản góp phần chuyển
dịch cơ cấu nông nghiệp, nông thôn, xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm cho người lao động.
Tuy nhiên, hoạt động nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn
và hạn chế, do vậy, việc đề xuất các giải pháp nhằm phát triển bền vững ngành nuôi trồng
thủy sản ở tỉnh Sóc Trăng là rất quan trọng và cần thiết.
7 trang |
Chia sẻ: thanhle95 | Lượt xem: 218 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Một số giải pháp phát triển ngành nuôi trồng thuỷ sản tỉnh Sóc Trăng, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE
Social Sci., 2012, Vol. 57, No. 2, pp. 146-152
MỘT SỐ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN
NGÀNH NUÔI TRỒNG THUỶ SẢN TỈNH SÓC TRĂNG
Trịnh Văn Thơm
Trường Cao đẳng Sư phạm Sóc Trăng
E-mail: trinhvanthom83@gmail.com
Tóm tắt. Nuôi trồng thủy sản là một ngành kinh tế quan trọng của tỉnh Sóc Trăng.
Tuy nhiên, sự phát triển của ngành hiện vẫn chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có.
Do vậy, việc đề xuất các giải pháp cho sự phát triển bền vững của ngành nuôi trồng
thủy sản ở tỉnh Sóc Trăng là một vấn đề có ý nghĩa quan trọng và cần thiết.
Từ khóa: Nuôi trồng thủy, giải pháp, phát triển bền vững, nguồn nhân lực, chính
sách, thị trường tiêu thụ.
1. Mở đầu
Ngành thủy sản nói chung và nuôi trồng thủy sản nói riêng ở Sóc Trăng ngày càng
giữ vị trí quan trọng trong cơ cấu giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản, từ 21,7% năm
2000 lên 45,2% năm 2010. Việc phát triển mạnh nuôi trồng thủy sản góp phần chuyển
dịch cơ cấu nông nghiệp, nông thôn, xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm cho người lao động.
Tuy nhiên, hoạt động nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn
và hạn chế, do vậy, việc đề xuất các giải pháp nhằm phát triển bền vững ngành nuôi trồng
thủy sản ở tỉnh Sóc Trăng là rất quan trọng và cần thiết.
2. Nội dung nghiên cứu
2.1. Điều kiện và hiện trạng phát triển nuôi trồng thủy sản ở Sóc Trăng
2.1.1. Các điều kiện tự nhiên và kinh tế - xã hội
- Sóc Trăng có diện tích tự nhiên 331,2 nghìn ha (năm 2010), trong đó có trên 100
nghìn ha có khả năng phát triển nuôi trồng thủy sản; địa hình bằng phẳng với độ cao trung
bình từ 0,5 đến 1m so với mực nước biển thuận lợi cho việc dẫn nước vào đồng ruộng, ao,
hồ để phát triển nuôi trồng thủy sản. Tỉnh còn có trên 72 km bờ biển, với 3 cửa sông lớn
là Định An, Trần Đề và Mỹ Thanh hình thành nên lưu vực rộng lớn thuận lợi trong nuôi
trồng thủy sản. Bờ biển của tỉnh được phù sa bồi lắng hàng năm, với hơn 50.000 ha đất
bãi bồi, khoảng 5.000 ha rừng ngập mặn ven biển cùng với hệ thống kênh rạch trong nội
địa đã tạo cho Sóc Trăng có nguồn thủy sản khá phong phú và đa dạng [3].
Khí hậu gió mùa cận xích đạo, nhiệt độ trung bình 26,80C; độ ẩm trung bình 83,4%,
lượng mưa trung bình hàng năm đạt 1840mm cùng với hệ thống sông ngòi, kênh rạch
146
Một số giải pháp phát triển ngành nuôi trồng thuỷ sản tỉnh Sóc Trăng
chằng chịt là điều kiện thuận lợi căn bản nhất để tỉnh Sóc Trăng đẩy mạnh phát triển nuôi
trồng thủy sản.
Hệ sinh thái phong phú với 260 loài thủy sản nước ngọt, trong đó có khoảng 57 loài
có giá trị kinh tế; thủy sản nước lợ và mặn với trên 320 loài tôm cá và nhuyễn thể. Các
loại khác bao gồm nghêu, sò, ghẹ, cua biển. . . [2].
- Sóc Trăng có quy mô dân số nhỏ, 1,3 triệu người (năm 2010) với gần 59% dân số
trong độ tuổi lao động. Khu vực nông - lâm - thủy sản chiếm 64,2% lao động đang làm
việc trong các ngành kinh tế (năm 2010), trong đó riêng lao động thủy sản chiếm 40,9%
[5]. Chất lượng nguồn lao động của tỉnh tuy còn thấp nhưng đang dần được cải thiện.
Công tác thủy lợi luôn được quan tâm để đảm bảo điều kiện tốt nhất cho hoạt động
nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh như đầu tư xây dựng hệ thống kênh, mương và cảng
biển Trần Đề, Định An. . .
Khoa học công nghệ và công nghiệp chế biến ngày càng được đầu tư để phát triển
nuôi trồng thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa.
Thị trường tiêu thụ trong và ngoài tỉnh khá rộng lớn, ngoài ra, hàng hóa thủy sản
của tỉnh còn có cơ hội để mở rộng hơn nữa thị trường tiêu thụ ở nước ngoài.
2.1.2. Hiện trạng phát triển nuôi trồng thủy sản
a. Những kết quả đạt được
Nuôi trồng thủy sản chiếm vị trí quan trọng trong sản xuất thủy sản nói chung của
tỉnh Sóc Trăng. Năm 2010. Nuôi trồng thủy sản chiếm 69,4% sản lượng thủy sản và 87 %
giá trị sản xuất.
Trong những năm qua, diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản tăng khá nhanh, từ
41,4 nghìn ha năm 2000 lên 66,3 nghìn ha năm 2005, đến năm 2010 tăng lên 71,5 nghìn
ha (chiếm 27% đất nông nghiệp). Trong đó, diện tích nuôi tôm chiếm 66,5% với mô hình
nuôi tôm công nghiệp và bán công nghiệp [6].
Bảng 1. Sản lượng nuôi trồng thủy sản
tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2000 – 2010 [5, 6]
Năm Tổng số Sản lượng nuôi trồng chia ra:
(tấn) Tôm nuôi Cá nuôi Thủy sản khác
2000 15.422 11.143 3.173 1.106
2005 71.708 42.837 28.151 720
2009 141.592 60.548 80.964 80
2010 98.493 60.830 37.490 173
Cùng với việc mở rộng diện tích nuôi trồng, nuôi thâm canh cũng đã được chú trọng.
Tỉnh đã tập trung xây dựng các mô hình nuôi trồng thủy sản có hiệu quả; tổ chức hàng
trăm lớp tập huấn kỹ thuật cho nông dân; xây dựng các điểm trình diễn, phổ biến các loại
tài liệu, tờ rơi, tổ chức thông tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng..., góp
phần mang lại hiệu quả cao hơn trong sản xuất và cải thiện đời sống.
147
Trịnh Văn Thơm
Sản lượng nuôi trồng thủy sản tăng lên rất nhanh, từ 15.422 tấn năm 2000 lên 71.708
tấn năm 2005 và đạt 98.493 tấn năm 2010, chiếm 5,1% vùng Đồng bằng sông Cửu Long
và 3,6% cả nước, đứng thứ 9/13 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long và 9/63
tỉnh, thành phố cả nước. Trong đó, tôm nuôi chiếm 61,8%, cá nuôi chiếm 38,1%.
Tỉnh Sóc Trăng phát triển nuôi trồng thủy sản đồng bộ trên cả 3 vùng: nước mặn,
nước lợ và nước ngọt. Hình thức nuôi cũng đã có những thay đổi và ngày càng đa dạng,
nhiều mô hình nuôi mới được áp dụng vào thực tế đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, như
các mô hình đa ngành lúa – cá, lúa – cá – vịt, lúa – cá – cây ăn quả. . .
Bên cạnh việc đẩy mạnh nuôi cá tra, cá basa, tôm càng xanh, trong những năm gần
đây tỉnh đã khuyến khích hướng nuôi các loài khác có giá trị kinh tế cao như: rắn, ba ba,
cá sấu. . . Hình thức nuôi chủ yếu trong hầm hay ao, đầm...
Giá trị sản xuất ngành nuôi trồng thủy sản tỉnh Sóc Trăng tăng nhanh, từ 1.432,1 tỉ
đồng năm 2000 lên 10.170,7 tỉ đồng năm 2010 (giá thực tế). Thu nhập bình quân/ha diện
tích nuôi thủy sản nước lợ (tôm sú) đạt trên 100 triệu đồng, thu nhập bình quân/ha nuôi
cá da trơn dọc sông Hậu đạt trên 200 triệu đồng, thu nhập bình quân/ha nuôi cá kết hợp
trồng lúa đạt trên 40 triệu đồng. Giá trị xuất khẩu thủy sản tăng từ 160 triệu USD năm
2000 lên 394,4 triệu USD vào năm 2010, với sản lượng thủy sản xuất khẩu là 46.360 tấn,
tăng gấp 2,5 lần.
b. Những tồn tại
- Tỉnh Sóc Trăng đã hình thành vùng sản xuất thủy sản hàng hóa tập trung nhưng
quy mô còn nhỏ, công nghiệp chế biến phát triển chậm. Việc ứng dụng khoa học - công
nghệ để tạo ra hoạt động nuôi trồng sạch, có năng suất, chất lượng và hiệu quả mới dừng
lại ở mô hình, chưa được triển khai rộng rãi.
- Cơ sở vật chất kỹ thuật, kết cấu hạ tầng nông thôn tuy có được cải thiện nhưng
chưa đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất thủy sản hiện tại, nhất là việc lưu thông và tiêu
thụ hàng hóa. Đây là một thách thức lớn khiến cho thủy sản tỉnh Sóc Trăng chưa phát huy
hết tiềm năng của mình.
- Quy mô và nguồn đầu tư còn hạn chế, chưa thu hút các nguồn đầu tư từ bên ngoài
cho phát triển thủy sản.
- Cơ cấu loài nuôi chưa đa dạng làm tăng tính rủi ro và giảm tính đa dạng sinh học
của hệ sinh thái. Kĩ thuật sản xuất giống sạch bệnh, sản xuất thức ăn và công nghệ xử lí
môi trường còn hạn chế... Do vậy, một số sản phẩm thủy sản nuôi trồng chưa đáp ứng được
yêu cầu về chất lượng (lượng thuốc kháng sinh dư thừa trong sản phẩm thủy sản vượt quá
tiêu chuẩn cho phép. . . ), chưa có được những sản phẩm có chất lượng cao và khối lượng
đủ lớn cho xuất khẩu.
- Quản lí và tổ chức dịch vụ hậu cần cho nghề nuôi trồng thủy sản còn yếu.
Thị trường tiêu thụ của các sản phẩm thủy sản nuôi trồng thiếu ổn định; giá cả biến
động bất thường gây khó khăn cho việc quy hoạch vùng nuôi.
148
Một số giải pháp phát triển ngành nuôi trồng thuỷ sản tỉnh Sóc Trăng
2.2. Các giải pháp phát triển nuôi trồng thủy sản
Mặc dù hoạt động nuôi trồng thủy sản tỉnh Sóc Trăng đã đạt được những thành tựu
nhất định, song với những tồn tại kể trên, chúng tôi đề xuất một số giải pháp sau:
2.2.1. Đào tạo nguồn nhân lực
Nguồn nhân lực đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội
nói chung và nuôi trồng thủy sản nói riêng. Vì thế cần hết sức coi trọng việc đào tạo và
phát triển nguồn nhân lực.
- Tiến hành rà soát, sắp xếp, đào tạo và đào tạo lại lực lượng cán bộ khoa học kĩ
thuật và cán bộ quản lí, đặc biệt là đội ngũ cán bộ quản lí ở tầm vĩ mô, đồng thời phải
củng cố tăng cường cán bộ chuyên môn nghiệp vụ cho các xã, ấp - là những nơi trực tiếp
sản xuất.
- Có chính sách đãi ngộ cụ thể nhằm bồi dưỡng, thu hút nguồn lao động có tay nghề
và các nhà quản lí giỏi về công tác tại tỉnh. Khuyến khích phát triển nhân lực ở các vùng
nông thôn để trực tiếp tham gia chỉ đạo sản xuất.
- Tăng dần tỉ lệ lao động được qua đào tạo nghề trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản
thông qua việc mở rộng các trung tâm dạy nghề dưới mọi hình thức. - Chuyển dịch cơ cấu
lao động, thu hút một phần lao động từ nông nghiệp sang các hoạt động có liên quan đến
ngành thủy sản.
- Tăng cường công tác tập huấn, mở các lớp huấn luyện cho nông dân thông qua
chương trình khuyến nông, khuyến ngư.
2.2.2. Huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn đầu tư
Việc thực hiện các mục tiêu phát triển nuôi trồng thủy sản phụ thuộc rất lớn vào
nguồn vốn và hiệu quả của việc sử dụng đồng vốn. Vì vậy tỉnh cần:
- Huy động tối đa nguồn vốn trong nhân dân bằng các hình thức: trái phiếu quốc
gia, huy động vốn tín dụng, vốn cổ phần. . . Đồng thời cần khuyến khích để người dân tự
đầu tư mở rộng sản xuất theo mô hình kinh tế trang trại, gia trại, phát triển các dịch vụ
nông nghiệp và chế biến thuỷ sản.
- Sử dụng tối ưu nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, của địa phương để thực hiện các
nhiệm vụ trọng tâm về xây dựng cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao công
nghệ, phát triển thị trường nông thôn. . .
- Xúc tiến các chương trình hợp tác và tranh thủ các nguồn đầu tư nước ngoài, nhất
là đầu tư vào công nghiệp chế biến thủy sản đông lạnh xuất khẩu, chế biến thức ăn.
- Khuyến khích, thu hút đầu tư bằng việc xây dựng hoàn chỉnh hệ thống cơ sở hạ
tầng, xây mới và nâng cấp mạng lưới giao thông vận tải, điện, thông tin liên lạc,. . .
- Tăng cường các biện pháp tạo vốn từ quỹ đất. Đây sẽ là một nguồn thu quan trọng,
cần tiến hành điều chỉnh giá đất và thuế sử dụng đất và diện tích mặt nước cho phù hợp.
- Sử dụng tiết kiệm và có hiệu quả nguồn vốn trên cơ sở đầu tư có trọng tâm, trọng
điểm. Chú trọng ưu tiên cho các mục tiêu trọng yếu như: nuôi trồng các loài thủy sản có
chất lượng cao phục vụ xuất khẩu; đổi mới công nghệ đặc biệt là công nghệ sản xuất giống
149
Trịnh Văn Thơm
và các khâu sau thu hoạch,. . .
2.2.3. Phát triển và ứng dụng các tiến bộ khoa học - công nghệ
- Trên cơ sở tăng cường năng lực hoạt động của các trung tâm kỹ thuật thủy sản cần
đẩy mạnh ứng dụng các giống mới có năng suất cao, phẩm chất tốt vào sản xuất rộng. Đặc
biệt cần chú trọng khảo nghiệm, lựa chọn để đưa giống mới, sản phẩm mới phù hợp với
mô hình sản xuất và điều kiện cụ thể của từng vùng thủy sản trong tỉnh.
- Tích cực thực hiện nhân giống, tuyển chọn và lai tạo các loại giống có năng suất,
giá trị kinh tế cao, sạch bệnh nhằm đảm bảo cung ứng đầy đủ số lượng và chất lượng cho
nhu cầu trên địa bàn trong và ngoài tỉnh, nhất là chú trọng các đối tượng chủ chốt mà tỉnh
có lợi thế so sánh như tôm sú, tôm càng xanh, cá tra, cá ba sa, cá rô phi đơn tính... Bên
cạnh đó cũng cần coi trọng việc đa dạng hóa loài nuôi nhằm giảm bớt tính rủi ro trong
phát triển nuôi trồng thủy sản.
- Phối hợp với các trường đại học, viện nghiên cứu để tập trung nghiên cứu, sản
xuất giống thủy sản phù hợp với điều kiện sinh thái của tỉnh.
- Đẩy mạnh công tác đăng kí thương hiệu, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các công
trình khoa học về sản xuất giống thủy sản.
2.2.4. Giải pháp về thị trường
Thị trường là một trong những nhân tố quan trọng để thúc đẩy ngành thủy sản phát
triển. Vì vậy cần thực hiện:
- Tổ chức các hoạt động đồng bộ như tiếp thị, quảng cáo, thiết lập mạng lưới phân
phối và tìm kiếm thị trường tiêu thụ thủy sản. Tăng cường các hình thức liên doanh, liên
kết, tiêu thụ sản phẩm với các đối tác có kinh nghiệm và truyền thống với từng loại hàng,
từng khu vực thị trường. Có chính sách khuyến khích, hỗ trợ công tác xúc tiến thương mại
với các thị trường xuất khẩu. Coi trọng phát triển thị trường nội tỉnh và các thị trường lân
cận, đặc biệt thị trường Thành phố Hồ Chí Minh trong tiêu thụ các sản phẩm tươi sống,
sản phẩm chất lượng cao. Đồng thời hướng mạnh tới thị trường xuất khẩu. - Mở rộng và
nâng cao hiệu quả hoạt động của các chợ đầu mối tiêu thụ thủy sản trên địa bàn tỉnh.
- Công khai cung cấp những thông tin về kinh tế, thương mại của tỉnh cho bên ngoài,
đồng thời phải tổ chức tốt việc thu thập và cung cấp thông tin kinh tế trong và ngoài nước
cho các doanh nghiệp trong tỉnh. Phát triển các tổ chức làm dịch vụ thăm dò, nghiên cứu,
giới thiệu thị trường và bạn hàng thùy sản.
- Đầu tư đối với các doanh nghiệp, trang trại lớn có khả năng tổ chức tiêu thụ, chế
biến hoặc xúc tiến các đầu mối tiêu thụ.
- Khuyến khích người nuôi trồng tham gia và hoạt động hữu hiệu trong các hiệp hội
sản xuất kinh doanh, các hợp tác xã, các doanh nghiệp để gắn kết sản xuất và tiêu thụ.
- Có chính sách trợ giá linh hoạt, chủ động, nhạy bén để giúp nông dân ổn định sản
xuất trước những biến động bất lợi về giá cả các mặt hàng thủy sản.
150
Một số giải pháp phát triển ngành nuôi trồng thuỷ sản tỉnh Sóc Trăng
2.2.5. Củng cố và xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển nuôi trồng thủy sản
Việc xây dựng cơ sở hạ tầng như giao thông, thủy lợi. . . có vai trò hết sức quan
trọng đối với phát triển thủy sản bởi đây là yếu tố vật chất tạo điều kiện trực tiếp cho sự
phát triển của ngành:
- Quy hoạch mạng lưới thủy lợi phải được tiến hành song song với quy hoạch vùng
nuôi trồng thủy sản nhằm tạo diện tích mặt nước và chủ động cấp nước cho nuôi trồng
thủy sản.
- Đầu tư nâng cấp, cải tạo mở rộng mạng lưới giao thông thủy, bộ, tạo thuận lợi cho
việc thu mua và tiêu thụ thủy sản nuôi trồng trên địa bàn tỉnh.
- Cần huy động mọi nguồn lực trong việc xây dựng các công trình thuỷ lợi theo
phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”.
- Chú trọng phát triển công nghiệp chế biến và nhanh chóng ứng dụng công nghệ
chế biến sạch vào sản xuất, tạo thị trường tiêu thụ ổn định, góp phần nâng cao giá trị sản
phẩm thủy sản nuôi trồng.
2.2.6. Giải pháp về chính sách phát triển nông nghiệp
Đối với sự phát triển nuôi trồng thủy sản, tỉnh cần chú ý các chính sách chủ yếu sau:
- Chính sách đất đai: đảm bảo tính pháp lý cho các chủ thể sử dụng đất nuôi trồng
thủy sản trong quá trình chuyển đổi cơ cấu sản xuất để các chủ sở hữu có thể yên tâm và
mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất một cách chủ động, hiệu quả.
- Chính sách về thuế: Tiếp tục xây dựng và hoàn chỉnh luật về thuế và biểu giá thuế
đối với việc sử dụng diện tích mặt đất và nước phục vụ nuôi trồng thủy sản một cách hợp
lí trên cơ sở đánh giá đúng lợi thế so sánh giữa các vùng đất, nước khác nhau.
- Chính sách khuyến nông: Đẩy mạnh công tác khuyến ngư, xây dựng mô hình
khuyến ngư tổng hợp theo hướng khép kín từ khâu cung cấp giống, chuyển giao kỹ thuật,
cách nhận biết và phòng trừ dịch bệnh đến khâu thu hoạch, chế biến, quảng bá, giới thiệu
sản phẩm, định hướng tiêu thụ.
Thành lập các trạm khuyến ngư cấp huyện ở tất cả các huyện. Mỗi ấp nên có một
mô hình trình diễn mẫu cho nhân dân làm theo. Tăng cường tổ chức tham quan mô hình
gần tương đồng ở vùng hoặc tỉnh lân cận (có thể do người nông dân tự túc về kinh phí).
2.2.7. Khai thác sử dụng hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường
- Trong quá trình khai thác, sử dụng tài nguyên phát triển nuôi trồng thủy sản cần
tôn trọng đặc điểm và điều kiện sinh thái, lấy sinh thái làm nền tảng vững chắc nhất cho
nuôi trồng thủy sản là mô hình lâm - nông kết hợp, nuôi thủy sản - rừng, nhà vườn VAC...
sẽ góp phần bảo vệ tốt môi trường.
- Trồng rừng phân tán dọc theo các bờ kênh cấp và thoát nước ở các vùng nuôi, vừa
để chống lở bờ vừa giảm thiểu ô nhiễm nước thải vùng nuôi.
- Coi trọng biện pháp nuôi xen ghép và luân canh để đảm bảo tính đa dạng sinh học,
giảm thiểu rủi ro vì sự phát triển bền vững của ngành.
- Áp dụng hệ thống xử lí nước thải đạt tiêu chuẩn trong nuôi trồng thuỷ sản, tăng
151
Trịnh Văn Thơm
cường hệ thống quan trắc và cảnh báo môi trường, nhất là ở khu nuôi thuỷ sản thâm canh.
- Tổ chức mạng lưới cảnh báo môi trường, kiểm soát giống và dư lượng hóa chất
trong sản phẩm thủy sản nuôi. Tổ chức mạng lưới các trạm kiểm dịch giống và dư lượng
hóa chất ở mỗi địa bàn nuôi. Kiểm soát triệt để các loại hóa chất và thức ăn dùng trong
nuôi trồng thủy sản. Thực hiện xử lí đối với những doanh nghiệp, cá nhân cố tình phát tán
bệnh và thải chất thải cũng như hóa chất độc hại cho thủy sản ra môi trường nuôi.
3. Kết luận
Nuôi trồng thủy sản đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu nông - lâm - thủy sản nói
riêng và cơ cấu kinh tế nói chung của tỉnh Sóc Trăng. Đẩy mạnh phát triển nuôi trồng thủy
sản không những góp phần khai thác hiệu quả những tiềm năng sẵn có về tự nhiên, kinh tế
- xã hội trên địa bàn tỉnh mà còn góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế, giải quyết
việc làm, xoá đói giảm nghèo và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, đưa nông nghiệp
Sóc Trăng tiến lên sản xuất hàng hoá lớn. Muốn vậy tỉnh Sóc Trăng cần nhanh chóng thực
hiện đồng bộ các giải pháp nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành nuôi trồng thủy sản
một cách hiệu quả và bền vững.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] 1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp,
2004. Quy hoạch chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông lâm nghiệp vùng Đồng bằng Sông
Cửu Long. Hà Nội.
[2] Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Sóc Trăng, 2005. Báo cáo chuyên đề chuyển
dịch cơ cấu sản xuất sang nuôi trồng thủy sản Sóc Trăng. Sóc Trăng.
[3] Ban Tuyên giáo tỉnh Sóc Trăng, 2011. Tình hình phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Sóc
Trăng năm 2010. Sóc Trăng.
[4] Cổng thông tin điện tử Sóc Trăng, 2011. Sóc Trăng hơn 1550 tỷ đồng đầu tư cho các
dự án thuộc chương trình nuôi trồng thủy sản. Sóc Trăng.
[5] Cục Thống kê Sóc Trăng 2006, 2011. Niên giám thống kê Sóc Trăng 2005, 2010.
[6] Tổng cục thống kê 2006, 2011. Niên giám thống kê Việt Nam 2005, 2011.
[7] Lê Thông (chủ biên), 2011. Việt Nam, các tỉnh và thành phố. Nxb Giáo dục Việt Nam,
Hà Nội.
[8] Hoàng Thị Việt Hà, 2008. Các giải pháp phát triển ngành nuôi trồng thủy sản tỉnh
Đồng Tháp. Trường Đại học Đồng Tháp, Đồng Tháp.
ABSTRACT
Means to develop aquaculture in Soc Trang province
Aquaculture plays a vital role in the economic development of Soc Trang province.
However, the development of this branch is not equal to its strong potential. Therefore,
suggestingmeans to further sustainable development of aquaculture in Soc Trang province
is essential, meaningful and necessary.
152