Một số nội dung cơ bản về giá trị nhân văn trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Thái ở Sơn La

Tóm tắt. Bài báo chỉ ra những hình thức thờ cúng tổ tiên của người Thái ở Sơn La như: Tục cúng cơm tuần theo thường lệ (Pạt tôông toi mự vên lâng pạt); Tục cúng tuần mùa kiếm được (Pạt tôông mua ha đảy); Tục cúng nhà (Xên hươn). Trên cơ sở đó làm rõ các giá trị nhân văn trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Thái ở Sơn La là: nhắc nhở con, cháu nhớ về gốc rễ, cội nguồn; giáo dục con cháu lòng biết ơn tổ tiên; củng cố và thắt chặt quan hệ cộng đồng gia đình, dòng tộc và bản mường; giúp thế hệ trẻ thêm tự hào và niềm tin vào tương lai.

pdf6 trang | Chia sẻ: thanhle95 | Lượt xem: 286 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Một số nội dung cơ bản về giá trị nhân văn trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Thái ở Sơn La, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE Interdisciplinary Sci., 2014, Vol. 59, No. 6, pp. 84-89 MỘT SỐ NỘI DUNG CƠ BẢN VỀ GIÁ TRỊ NHÂN VĂN TRONG TÍN NGƯỠNG THỜ CÚNG TỔ TIÊN CỦA NGƯỜI THÁI Ở SƠN LA Dương Văn Mạnh Phòng Công tác Chính trị - Quản lí sinh viên, Đại học Tây Bắc Tóm tắt. Bài báo chỉ ra những hình thức thờ cúng tổ tiên của người Thái ở Sơn La như: Tục cúng cơm tuần theo thường lệ (Pạt tôông toi mự vên lâng pạt); Tục cúng tuần mùa kiếm được (Pạt tôông mua ha đảy); Tục cúng nhà (Xên hươn). Trên cơ sở đó làm rõ các giá trị nhân văn trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Thái ở Sơn La là: nhắc nhở con, cháu nhớ về gốc rễ, cội nguồn; giáo dục con cháu lòng biết ơn tổ tiên; củng cố và thắt chặt quan hệ cộng đồng gia đình, dòng tộc và bản mường; giúp thế hệ trẻ thêm tự hào và niềm tin vào tương lai. Từ khóa: Giá trị nhân văn, Người Thái, Sơn La, Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. 1. Mở đầu Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên có vị trí hết sức đặc biệt trong đời sống tinh thần của dân tộc Việt Nam, là một trong các thành tố tạo nên bản sắc văn hóa Việt Nam. Thờ cúng tổ tiên là một hình thức tín ngưỡng có cơ sở là lòng thành kính, nhớ ơn về những người đã có công sinh thành, dưỡng dục, là đạo lí:“ uống nước nhớ nguồn” ăn sâu trong tiềm thức của mỗi con người Việt Nam. Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Thái cũng thể hiện đạo lí ấy và mang tính nhân văn sâu sắc, giữ một vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của người Thái ở Sơn La - một trong 54 dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Có nhiều công trình nghiên cứu về người Thái, văn hoá Thái nói chung nhưng chưa có công trình nào nghiên cứu về giá trị nhân văn trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Thái ở Sơn La. 2. Nội dung nghiên cứu 2.1. Các hình thức thờ cúng tổ tiên của người Thái ở Sơn La Từ xa xưa người Thái ở Sơn La thờ cúng tổ tiên trên cơ sở quan niệm về sinh - tử, rằng: người ta ai cũng có sinh, có tử. Cuộc sống trên trần gian có người sống ngắn, chết non, chết sớm, có người sống lâu, chết ở độ tuổi khác nhau. Tuy nhiên, con người có điểm Ngày nhận bài: 28/3/2014. Ngày nhận đăng: 18/6/2014. Tác giả liên lạc: Dương Văn Mạnh, e-mail: duongvanmanh1987@gmail.com 84 Một số nội dung cơ bản về giá trị nhân văn trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên... giống nhau là khi sống thì làm người, khi chết thành ma. Theo quan niệm của người Thái: “Con người, ai cũng có phần thể xác và phần hồn vía. Hồn vía là tinh thần của con người, gắn với đời người. Hồn vía mạnh thì người cường tráng, hồn vía tinh thì người thông thái, hồn vía yếu thì người kém trí, hồn vía xa thân thể người ta thành ra yếu đau. Khi chết hồn vía lìa khỏi xác”[1, tr.453]. Chết là hết một đời người, thể xác không còn, nhưng phần hồn vẫn còn. “Hồn lìa xác đi sống nơi thế giới hư vô gọi là sống kiếp khác trên cõi Mường Phi - thế giới hồn ma và quỷ sứ”[1, tr 454]. Với người Thái ở Sơn La, thờ cúng tổ tiên để tỏ lòng thành kính, biết ơn của con cháu đối với cha mẹ, ông bà cụ kị đã khuất và người khai phá tạo mường, lập bản. Đồng thời, nó cũng quy định trách nhiệm của con cái vởi tổ tiên. Bởi mỗi con người sinh ra, ai cũng có cha mẹ, ông bà, cụ kị của mình. Khi lớp người trước mất đi, các con cháu đời sau nối tiếp. Do đó để tưởng nhớ và tỏ lòng biết ơn người Thái ở Sơn La thường thực hiện nghi lễ thờ cúng tổ tiên. Thờ cúng tổ tiên của người Thái ở Sơn La được thực hiện ở các hình thức cúng cơm tuần (Pạt tôông toi mự vên lâng pạt), cúng tuần mùa kiếm được (Pạt tôông mua ha đảy) và cúng nhà (Xên hươn). - Cúng cơm tuần theo thường lệ (Pạt tôông toi mự vên lâng pạt) Theo lịch của người Thái, một tuần có mười ngày (Mâng, Pấc, Cắt, Khối, Huộng, Tắu, Cá, Cáp, Hặp, Hai). Mỗi gia đình theo thường lệ của cha ông xưa cúng cơm tuần ngày nào, sau này con cháu cứ giữ đúng ngày cúng đó không thay đổi. Cứ mười ngày cúng cơm tuần một lần. Đến ngày cúng cơm tuần của gia đình, chủ nhà thay nước mới vào ống nước. Cơm canh bình thường, trong nhà có cái gì cúng cái đó, không cần cỗ bàn to, không mời thầy cúng. Tuy nhiên, mâm cơm cúng phải tinh tươm, không xuềnh xoàng quá. Cơm canh nấu chín sắp xếp đầy đủ đặt vào mâm gỗ có bốn chân, hai nam giới là con cháu bưng đến chỗ cúng. Người con trai cả trong gia đình rót rượu ra chén thờ, đặt cạnh mâm một chai rượu, hai ếp cơm xôi mở nắp ra. Thắp hương hoặc một ngọn đèn nhỏ. Trưởng nam (chủ nhà) mặc áo dài, quần trắng, chít khăn đen (khăn pău) ngồi thụp xuống (không được ngồi ghế), ngồi khấn: Trình tổ tiên hôm nay, ngày. . . cúng cơm tuần, con cháu nấu cơm canh đã chín, mời hồn cụ, ông, bà, bố mẹ và anh em rủ nhau đông đủ về xơi. Xơi rồi xin hãy phù hộ cho con, cháu, chắt: Làm gì được nấy Trông cậy gì cho thành Độ trì cho con cháu Tốt lành toàn gia Khỏe mạnh cả nhà Khấn xong cúi đầu một lễ, đứng dậy, một lát sau vào hắt chén rượu cúng sàn nhà rồi bưng cơm ra cho con cháu ăn. - Tục cúng tuần mùa kiếm được (Pạt tôông mua ha đảy) Ngoài cúng cơm tuần thường lệ ra, khi đến mùa cơm mới, năm sản xuất gặp mưa thuận gió hòa, ruộng, nương tươi tốt, thu hoạch tương đối khá, chăn nuôi được nhiều trâu, 85 Dương Văn Mạnh bò, lợn, gà, vịt, thả được nhiều cá, bán được tiền. Có trường hợp người chủ gia đình đi buôn bán gặp may mắn kiếm được chút lãi, có tiền v.v. . . đó là “mùa kiếm được”. Mâm cỗ cúng tuần mùa kiếm được khá hơn cúng cơm tuần thường lệ nhưng kém hơn cúng nhà. Trong lễ cúng tuần mùa kiếm được, gia chủ có sửa soạn lễ vật từ hôm trước bao gồm thịt lợn, thịt gà, rượu, cơm mới (hoặc cơm gạo trắng), bánh chưng, bánh kẹo, nước uống, trầu cau. . . Khi chuẩn bị đồ cúng xong, sắp vào mâm gỗ có bốn chân, cao chừng bốn mươi phân, hai người bưng đến góc thờ “Cọ hoóng” cúng tổ tiên. Chủ gia đình, mặc quần trắng, áo dài đen bằng vải thô nhuộm chàm đen, vấn khăn đen cuộn trên đầu, đến nơi thờ, thắp đèn hoặc nến sáp ong, châm hương rồi rót rượu vào các chén rượu cúng, ngồi xổm (có người trịnh trọng quỳ xuống) khấn tổ tiên: Hôm nay ngày. . . tháng. . . năm . . . (theo lịch Thái) Con cháu đã nấu chín thức ăn xếp vào mâm, mời hồn (khi sống gọi theo họ tên, khi cúng mời người chết, người Thái gọi thêm tiếng Hồn “Lẳm”) ba đời đã khuất về xơi đông đủ. Mời tổ tiên ăn xong, nhắc tổ tiên hãy phù hộ, độ trì cho con, cháu, chắt làm ruộng, làm nương cho được mùa. Khi cúng, người Thái xưa thường khấn tổ tiên phù hộ con cháu cày cấy được mùa cả lúa ruộng và lúa nương. Hàng hóa bán ra thu được tiền. Con cháu cầu khấn tổ tiên phù hộ cho việc chăn nuôi thuận lợi, nuôi được nhiều lợn, gà, vịt. . . cùng với đại gia súc ngựa, trâu, bò... Với tục cúng tuần mùa kiếm được, người Thái tin sẽ được ông bà, cha mẹ mình bảo vệ cho con cháu, chống các ma quỷ ác khác đến quấy nhiễu. Lời cúng có câu: Ma tà gì muốn hại con cháu hãy mắng Quỷ dịch gì muốn hại con cháu hãy ngăn Phù hộ cho nhiều con sẽ được ăn nhiều mâm Độ trì cho nhiều cháu, nhiều chắt mới được ăn nhiều lớp Mời hồn cha mẹ, ông bà cụ nội, các cụ nội về xơi Xơi rồi hãy phù hộ, độ trì cho con cháu Tốt lành toàn gia Mạnh khỏe cả nhà - Tục cúng nhà (Xên hươn) Đối với các gia đình ăn nên làm ra, người Thái đen cúng “Xên hươn” mỗi năm một lần. Nếu chưa đủ tiền của, người ta cúng tuần theo mức mùa kiếm được, khất lại tổ tiên phù hộ sao cho con cháu làm ăn khá hơn nữa, con cháu mới đủ khả năng lo cúng “Xên hươn” tạ ơn. Hàng năm, người ta thường cúng Xên hươn sau từng mùa thu hoạch lúa, vào khoảng từ tháng mười cho đến hết Tết âm lịch, khi chậm có thể kéo sang tới tháng giêng đầu xuân năm sau. Trước ngày cúng, gia đình phải chuẩn bị đầy đủ. Tùy khả năng kinh tế của từng nhà, cúng lớn mời nhiều người trong vùng, cúng vừa chỉ mời dân trong bản, cúng nhỏ mời họ hàng và đại diện dân bản. Khi công việc chuẩn bị cho tục cúng “Xên hươn” xong thì chọn ngày, mời thầy mo đến cúng. Ngày cúng, sắp đủ mâm cỗ đặt vào góc thờ “Cọ hoóng” rồi ông thầy mo ngồi cúng. Thầy mo gọi hồn các tổ tiên của gia chủ về dự cỗ cúng: 86 Một số nội dung cơ bản về giá trị nhân văn trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên... Hỡi! cắt tầu lá lấp Trải tầu lá non Tung lời hay ý đẹp với trời Không gọi chẳng biết mặt Không nói chẳng rõ tên Mo gọi tên tổ tiên từ ba đời người đã khuất, họ tên, ông bà và các cụ nội của gia chủ cùng anh em họ hàng bên nội về dự cỗ cúng. Mo gọi các hồn về nhà, dù gia chủ không ốm đau cũng giao hẹn với các hồn tổ tiên hãy phù hộ cho con cháu được luôn mạnh khỏe. Cúng cầu cho gia chủ làm ăn luôn gặp mọi sự may mắn, tốt lành. Lời cúng của ông mo có câu: Chủ áo, làm gì được nấy Mong muốn gì cho thành Gọi các hồn vào nhà rồi, mo sắp xếp mời các hồn ngồi vào mâm cỗ theo thứ bậc: Ai tới trước ngồi chờ Đến sau ngồi phía cuối Hỡi hồn thiêng, từ xa hãy nhích lại gần Ngồi ở phía dưới hãy nhích lên trên Mời ăn từng món, mo gắp mỗi thứ trong mâm cỗ một miếng thả vào lỗ thờ, gọi là bón hồn tổ tiên của gia chủ: Hãy há miệng cho mo tôi gắp buông Hãy mở bộ hàm cho mo tôi gắp bón Cúng mời cha mẹ, ông bà, các cụ nội của gia chủ xong, mo cũng mời đến các hồn họ hàng: Mời ba mươi hồn trong họ cùng về xơi Hãy hội tụ mười hồn hai họ cùng về xơi Hãy tiếp ba mươi hồn cùng về xơi Hãy cùng đủ tên mọi con cháu họ về xơi Mời xong lại nhắc các hồn được ăn rồi hãy nhớ phù hộ cho gia chủ được mạnh khỏe, ăn nên làm ra. Lời cúng có câu: Hãy phù hộ Bộ răng thấp cắm liền lợi chớ lung lay Răng bằng tắp đen nhánh nhuộm “chi” Gia chủ, người được hưởng cơm gạo của nhiều ruộng Được ăn cá sông suối lạ nhiều nơi Hoa quả lạ, trứng và nhiều món Hãy phù hộ Sinh mạng cùng số phận của gia chủ Mạng sống của người nơi trần gian hãy cường thịnh Mo cúng nói với tổ tiên gia chủ còn phù hộ cho trâu, bò, lợn, gà, vịt dưới gầm sàn 87 Dương Văn Mạnh được chóng lớn, không bị ốm đau dịch bệnh và ngày càng chóng lớn. Ngoài ra, Mo có phần cúng cho các nàng dâu trong gia đình gọi là mâm cơm riêng của các con cháu dâu mời tổ tiên nhà chồng. Có riêng phần cúng kể việc nấu rượu khó nhọc, từ lúc giã gạo, ủ men, cất rượu, việc làm vất vả con cháu mới có rượu mời tổ tiên, gọi là đoạn cúng “Mời rượu bát to”. Khi có “Xên hươn”, người Thái ở Sơn La mời hồn tổ tiên về xơi cỗ, cuối buổi cúng, Mo phải cúng cơm rượu tiễn đưa đi, đưa lại trở về nơi thế giới “Mường phi” (thế giới ma) của các hồn. Ngoài việc cúng tổ tiên ở ba hình thức chủ yếu trên người Thái ở Sơn La còn cúng tổ tiên thông qua tết “Xíp xí”, cúng “Xên bản”, cúng “Then”. Dù cúng tổ tiên ở hình thức nào thì tính nhân văn người Thái ở Sơn La cũng được thể hiện một cách khá sâu sắc, sinh động. 2.2. Tính nhân văn trong cúng tổ tiên của người Thái ở Sơn La Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Thái ở Sơn La có tính nhân văn sâu sắc. Thông qua cúng giỗ tổ tiên, người Thái ở Sơn La thể hiện cách ứng xử đẹp mang tính nhân văn trong cuộc sống. Điều đó được thể hiện ở chỗ: i) Thờ cúng tổ tiên của người Thái ở Sơn La nhắc nhở con, cháu hướng nhớ về cội nguồn, khơi dậy đạo lí uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây của người Việt Nam. Con cháu không nhớ đến công ơn tổ tiên chính là quên mất nguồn gốc bao đời của mình. Thờ cúng tổ tiên thể hiện lòng tri ân đối với công ơn của tổ tiên (ông bà, cha mẹ) và nhớ công ơn người khai phá tạo mường, lập bản. ii) Việc thờ cúng tổ tiên của người Thái ở Sơn La có ý nghĩa thiết thực, sâu sắc, giúp cha mẹ giáo dục con cháu lòng biết ơn tổ tiên, dòng họ, bản mường của mình, học tập tấm gương, đạo đức, nhân cách trong sáng, tinh thần lao động cần cù, vượt qua bao khó khăn, gian khổ của tổ tiên. iii) Việc thờ cúng tổ tiên của người Thái ở Sơn La nhằm củng cố và thắt chặt quan hệ cộng đồng gia đình, dòng tộc và bản mường. Điều đó không chỉ là nhu cầu tâm linh mà còn tạo sự đồng thuận, thắt chặt tình đoàn kết các thành viên trong đời sống thế tục. iv) Thờ cúng tổ tiên của người Thái ở Sơn La góp phần khơi dậy lòng tự hào về tổ tiên để làm tốt hơn nữa công việc hôm nay. v) Việc thờ cúng tổ tiên của người Thái ở Sơn La có ý nghĩa tích cực, lâu dài, giúp thế hệ trẻ có niềm tin vào tương lai, trên cở sở quá khứ tốt đẹp của tổ tiên. Thông qua nghi lễ thờ cúng tổ tiên của người Thái ở Sơn La, mỗi cá nhân lại có dịp suy nghĩ về cuộc sống của bản thân, nhắc nhở họ cần có tư cách đạo đức tốt hơn, cố gắng làm tròn trách nhiệm được giao phó, làm tốt nghĩa vụ người con trong gia đình, người công dân của đất nước để không phụ lòng mong muốn của tổ tiên. 3. Kết luận Như vậy, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Thái ở Sơn La là một loại hình tín ngưỡng dân gian, gắn liền với tập tục văn hoá, đạo đức trên cơ sở của niềm tin cho rằng tổ tiên đã chết vẫn che chở, phù giúp cho con cháu, mường bản trong cuộc sống hiện tại. 88 Một số nội dung cơ bản về giá trị nhân văn trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên... Thờ cúng tổ tiên của người Thái ở Sơn La tuy nghi lễ đơn sơ, mộc mạc, nhưng lại hàm chứa tính nhân văn sâu sắc được cả cộng đồng dân tộc Thái ở Sơn La thừa nhận và duy trì trở thành phong tục, tập quán, lối sống, mang bản sắc văn hoá riêng. Thông qua nghi lễ thờ cúng tổ tiên, người Thái ở Sơn La tin rằng tổ tiên gia đình, dòng tộc, người khai phá tạo mường, lập bản là linh thiêng, ở cõi vĩnh hằng nhưng vẫn sống cạnh, phù hộ cho con cháu, mường bản khi gặp rủi ro, ân thưởng cho con cháu, mường bản khi làm điều thiện và cũng quở trách con cháu, mường bản khi làm điều ác. Nếu biết hạn chế những biểu hiện tiêu cực như mê tín, phiền hà, tốn kém. . . trong các hình thức thờ cúng tổ tiên thì ý nghĩa tốt đẹp, tích cực, lâu dài của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Thái ở Sơn La mãi là nét đẹp trong sinh hoạt văn hoá cộng đồng mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc cần được bảo tồn và phát huy trong xu hướng hội nhập và phát triển hiện nay. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Quán Vi Miên, 2012. Văn hóa Thái Nghệ An, Nxb Lao động. Hà Nội. [2] Trần Đăng Sinh, 2001. Những khía cạnh triết học trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt ở đồng bằng Bắc Bộ hiện nay. Luận án tiến sĩ Triết học, Hà Nội. [3] Trần Hữu Tiến, 2012. Dân tộc trong lịch sử và trong thời đại nay. Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. [4] Ngô Đức Thịnh, Cầm Trọng, 2012. Luật tục Thái ở Việt Nam. Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội. [5] Nguyễn Hữu Thức, 2012. Di sản văn hóa phi vật thể của người Thái ở Mai Châu. Nxb Lao động, Hà Nội. ABSTRACT Human values in ancestor worship of the Thai people in Son La This essay describes ancestor worship among the Thai people in Son La. Practices include ’rice worship a week in routine’ (Pạt tôông toi mự vên lâng pạt); ‘worship in a good harvest season’ (Pạt tôông mua ha đảy) and ‘house worship (Xên hươn). The writer wants to describe the human values involved in ancestor worship of the Thai in Son La, such acts serving to remind children to remember their roots and feel grateful to their clan’s ancestors; to strengthen family, clan, community and village ties; and to encourage young people to feel pride and confidence. 89