Tóm tắt. Năng lực tự quản lí quá trình đào tạo là một năng lực nghề nghiệp quan
trọng của người giảng viên đại học, nhất là trong điều kiện đào tạo theo hệ thống
tín chỉ. Năng lực này được thể hiện trong các công việc cụ thể của quá trình đào tạo
như: viết đề cương môn học, tổ chức dạy học, kiểm tra, đánh giá. Để nâng cao chất
lượng giáo dục đại học cần phải nâng cao năng lực nghề nghiệp của người giảng
viên, trong đó có năng lực tự quản lí quá trình đào tạo.
6 trang |
Chia sẻ: thanhle95 | Lượt xem: 173 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Một số vấn đề lí luận về năng lực tự quản lí quá trình đào tạo của giảng viên đại học trong đào tạo theo học chế tín chỉ, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE
2012, Vol. 57, No. 5, pp. 167-172
MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÍ LUẬN VỀ NĂNG LỰC TỰ QUẢN LÍ
QUÁ TRÌNH ĐÀO TẠO CỦA GIẢNG VIÊN ĐẠI HỌC
TRONG ĐÀO TẠO THEO HỌC CHẾ TÍN CHỈ
Phan Thị Tâm
Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh
Email: phantamktv@yahoo.com.vn
Tóm tắt. Năng lực tự quản lí quá trình đào tạo là một năng lực nghề nghiệp quan
trọng của người giảng viên đại học, nhất là trong điều kiện đào tạo theo hệ thống
tín chỉ. Năng lực này được thể hiện trong các công việc cụ thể của quá trình đào tạo
như: viết đề cương môn học, tổ chức dạy học, kiểm tra, đánh giá. Để nâng cao chất
lượng giáo dục đại học cần phải nâng cao năng lực nghề nghiệp của người giảng
viên, trong đó có năng lực tự quản lí quá trình đào tạo.
Từ khóa: Năng lực, tự quản lí, tín chỉ, đào tạo.
1. Đặt vấn đề
Giáo dục đại học Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển đổi từ phương thức đào
tạo theo niên chế học phần sang học chế tín chỉ (HCTC), với mục tiêu là tạo một học chế
mềm dẻo hướng về sinh viên để tăng cường tính chủ động và khả năng cơ động của sinh
viên, đảm bảo sự liên thông dễ dàng trong quá trình học tập và tạo ra những sản phẩm có
tính thích ứng cao với thị trường sức lao động trong nước. Đồng thời, trong xu thế toàn
cầu hóa, đào tạo theo HCTC làm cho hệ thống giáo dục đại học nước ta hội nhập với khu
vực và thế giới. Đào tạo theo HCTC là một trong bảy bước đi quan trọng trong lộ trình
đổi mới giáo dục đại học giai đoạn 2006 - 2020.
Dù theo phương thức đào tạo nào thì năng lực sư phạm của giảng viên vẫn được coi
là yếu tố trực tiếp quyết định chất lượng đào tạo của nhà trường đại học. Một trong những
thành tố quan trọng cấu thành năng lực của giảng viên đó là năng lực tự quản lí quá trình
đào tạo. Vậy năng lực tự quản lí quá trình đào tạo của giảng viên đại học trong đào tạo
theo HCTC được thể hiện như thế nào? Bản chất của nó là gì? Chúng tôi bước đầu xin
trình bày một số vấn đề lí luận về năng lực tự quản lí quá trình đào tạo của người giảng
viên qua một số công việc cụ thể.
167
Phan Thị Tâm
2. Nội dung nghiên cứu
2.1. Về năng lực tự quản lí quá trình đào tạo của giảng viên Đại học Sư
phạm
Giảng viên Đại học Sư phạm có ba chức năng chính là dạy học, giáo dục và nhà
nghiên cứu khoa học.
Chức năng quan trọng và tiên quyết đối với một giảng viên đại học là dạy học và
giáo dục. Một giảng viên giỏi trước hết phải là một người hoàn thành tốt nghiệm vụ giảng
dạy và giáo dục sinh viên. Muốn vậy họ phải hội đủ các yếu tố cơ bản như kiến thức
chuyên sâu về chuyên môn giảng dạy, có kiến thức về chương trình đào tạo, có kiến thức
và kĩ năng dạy học, kiến thức về môi trường giáo dục, hệ thống giáo dục, mục tiêu giáo
dục v.v...
Còn với chức năng nghiên cứu khoa học, thông qua các đề tài khoa học, viết bài
hội thảo, tạp chí..., họ nghiên cứu giải thích hay dự báo các vấn đề của tự nhiên và xã hội
loài người, nghiên cứu ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học vào thực tiễn đời sống
mà đặc biệt là thực tiễn giáo dục, nghiên cứu tìm kiếm các giải pháp nâng cao chất lượng
hoạt động giáo dục đào tạo v.v...
Ngoài ra, giảng viên Đại học Sư phạm còn có thể tham gia công tác quản lí, hành
chính, các tổ chức đoàn thể - xã hội, tư vấn học tập và hướng dẫn thực tập cho sinh viên.
Với những chức năng đó cho thấy khối lượng công việc mà giảng viên phải đảm
nhiệm là rất nhiều. Bởi vậy trong trường đại học giảng viên khó có thể hoàn thành nhiệm
vụ được nếu họ không biết lập kế hoạch, tổ chức thực hiện và đánh giá kết quả hoạt động
của mình một cách khoa học và hiệu quả, đây là những biểu hiện căn bản của năng lực tự
quản lí quá trình đào tạo.
Năng lực tự quản lí quá trình đào tạo của giảng viên sư phạm được hiểu là năng lực
tổ chức, quản lí hoạt động đào tạo một cách khoa học, hợp lí và hiệu quả.
- Năng lực tổ chức hoạt động đào tạo, thể hiện người giảng viên biết tổ chức và cổ
vũ tập thể cũng như cá nhân sinh viên thực hiện các nhiệm vụ khác nhau của công tác dạy
học và giáo dục ở trên lớp và ngoài giờ lên lớp; đoàn kết sinh viên thành một tập thể thống
nhất, lành mạnh có kỉ luật, có nề nếp đảm bảo cho mọi hoạt động của tập thể lớp diễn ra
thuận lợi; đồng thời, liên kết và phối hợp các lực lượng giáo dục thực hiện đúng mục tiêu
đào tạo.
- Năng lực quản lí hoạt động đào tạo: Biểu hiện ở khả năng lập kế hoạch, tổ chức,
chỉ đạo và kiểm tra hoạt động đào tạo của bản thân người giảng viên. Các yếu tố này liên
quan mật thiết với nhau giúp người giảng viên hoàn thành tốt chức năng nhiệm vụ của
mình.
Để hình thành năng lực tự quản lí quá trình đào tạo, người giảng viên cần phải biết
168
Một số vấn đề lí luận về năng lực tự quản lí quá trình đào tạo của giảng viên đại học...
cụ thể những công việc của mình phải làm trong quá trình đào tạo. Sau đây chúng tôi liệt
kê một số công việc cụ thể của người giảng viên trong đào tạo theo HCTC.
2.2. Công việc của một giảng viên Đại học Sư phạm khi chuyển sang đào
tạo theo học chế tín chỉ
Giảng viên là yếu tố cơ bản quyết định thành bại của nền giáo dục đại học. Chuyển
sang đào tạo theo HCTC là phương thức đào tạo cho phép sinh viên đạt được văn bằng đại
học qua việc tích lũy các loại tri thức giáo dục khác nhau được đo lường bằng một đơn vị
xác định, căn cứ trên khối lượng lao động học tập trung bình của một sinh viên, gọi là tín
chỉ. Tín chỉ là khối lượng học tập gồm 1 tiết học lí thuyết (50 phút) trong 1 tuần và kéo
dài 1 học kỳ (15-18 tuần). Các tiết học loại khác như: thực tập thí nghiệm, đi thực địa, vẽ,
nhạc, thực hành nghệ thuật, thể dục..., cứ 3 tiết trong 1 tuần (kéo dài 1 học kỳ) được tính
một tín chỉ. Ngoài ra, để chuẩn bị cho 1 tiết lên lớp, sinh viên phải bỏ ra ít nhất 2 giờ làm
việc ở ngoài lớp. Như vậy, lao động học tập của sinh viên có một phần “nổi” tính theo tiết
học ở lớp và một phần “chìm” là thời gian tự học ngoài giờ lên lớp.
Để đảm bảo chất lượng đào tạo, giảng viên phải làm việc rất nhiều như: viết đề
cương môn học; tổ chức giảng dạy theo chương trình môn học; hướng dẫn sinh viên học
tập, thảo luận, thực hành; hướng dẫn và quản lí việc tự học của sinh viên và kiểm tra đánh
giá kết quả học tập cho sinh viên. Cụ thể:
- Viết đề cương môn học: Trước khi lên lớp, giảng viên phải biên soạn đề cương
môn học nộp cho khoa (bộ môn) để làm căn cứ cho hệ thống quản lí theo dõi, kiểm tra
việc thực hiện của giảng viên, đồng thời nó được phát cho sinh viên trước hoặc ngay trong
buổi lên lớp đầu tiên để sinh viên học tập. Đề cương môn học gồm các nội dung chủ yếu
như: thông tin về môn học, thông tin về giảng viên, giáo trình và tài liệu tham khảo, mục
tiêu và nội dung tóm tắt môn học, lịch học, chủ đề các buổi học và kế hoạch kiểm tra, quy
định hành chính đối với môn học và phương pháp đánh giá kết quả học tập.
Tài liệu này phản ánh rõ nét năng lực sư phạm của người giảng viên. Đặc biệt các
bài tập, nội dung hay tình huống thảo luận cần được chuẩn bị kĩ lưỡng, gắn với thực tiễn,
có như vậy mới kích thích được hứng thú, tính tích cực, độc lập, sáng tạo trong học tập
cho sinh viên.
Tổ chức dạy học: Trên lớp học, ngoài việc truyền đạt kiến thức, giảng viên còn tổ
chức hướng dẫn sinh viên học tập, làm bài tập, thí nghiệm, thảo luận... Họ không truyền
thụ đầy đủ các kiến thức trong giáo trình, tài liệu tham khảo mà thực hiện việc hướng dẫn
sinh viên tích lũy kiến thức, kĩ năng và nâng cao hứng thú học tập. Cụ thể:
- Giải thích những vấn đề mà giảng viên cho là sinh viên sẽ gặp khó khăn khi tự
đọc, tự nghiên cứu giáo trình, tài liệu;
- Nhấn mạnh những vấn đề mà sinh viên cần chú ý trong giáo trình và tài liệu tham
khảo mà giảng viên đã yêu cầu sinh viên đọc;
169
Phan Thị Tâm
- Hướng dẫn sinh viên thảo luận những vấn đề trong những tài liệu mà sinh viên đã
đọc, hoặc những bài nghiên cứu mà giảng viên yêu cầu mỗi sinh viên thực hiện;
- Theo dõi các ý kiến thảo luận của sinh viên, qua đó uốn nắn, giải thích những nội
dung sinh viên hiểu chưa đúng;
- Giới thiệu các nhà khoa học và những vấn đề học thuật đang được tranh luận,
những vấn đề cần được nghiên cứu liên quan đến ngành học;
- Thông qua giờ lên lớp và thảo luận để đánh giá thái độ và kết quả học tập trên lớp
và tự học ở nhà của sinh viên cũng như kiến thức mà sinh viên thu nhận được, đồng thời
công bố cho sinh viên biết ý kiến đánh giá của mình;
- Hướng dẫn sinh viên những điều cần chú ý khi làm thí nghiệm, đi thực tập, thực
tế v.v... Sinh viên sẽ học tập theo sự hướng dẫn, kiểm tra, đánh giá của giảng viên.
Như vậy cùng với việc truyền đạt kiến thức, giảng viên tập trung lao động của mình
vào việc hướng dẫn và giao nhiệm vụ cho sinh viên tự tìm kiếm kiến thức ở ngoài giờ lên
lớp. Do vậy họ cần bồi dưỡng cho sinh viên năng lực tự học, tạo điều kiện cho họ phát
triển tư duy sáng tạo, rèn luyện kĩ năng thực hành và khả năng vận dụng kiến thức và thực
tiễn.
Bên cạnh đó giảng viên còn được xem là cố vấn cho quá trình học tập, người tham
gia vào quá trình học tập. Khi giảng bài cũng như khi hướng dẫn thảo luận, giảng viên
phải chọn những vấn đề cốt lõi, quan trọng để trình bày nhằm tạo cho sinh viên nền tảng
tiếp thu và khám phá kiến thức mới, đồng thời giao cho sinh viên những nhiệm vụ mà họ
có thể tự hoàn thành được để chiếm lĩnh kiến thức, kĩ năng mới. Giảng viên hoạt động
nhưng là một thành viên tham gia vào quá trình học tập ở trên lớp với các nhóm sinh viên.
Họ trở thành nguồn tham khảo và giúp sinh viên tháo gỡ những khó khăn trong quá trình
học tập và nghiên cứu. Trong quá trình đó, giảng viên hiểu và chia sẻ những khó khăn và
trách nhiệm học tập với sinh viên.
Trao đổi với sinh viên: Thông qua trang web cá nhân hoặc email, giáo viên có
nhiệm vụ giải quyết các vấn đề mà sinh viên trao đổi liên quan đến việc hoàn thành nhiệm
vụ học tập của họ.
Tổ chức kiểm tra - đánh giá kết quả học tập: Việc kiểm tra đánh giá kết quả học
tập của sinh viên trong HCTC không chỉ bằng các bài kiểm tra, bài thi kết thúc môn học
mà đánh giá cả quá trình. Nhiệm vụ của giảng viên là:
- Đánh giá các hoạt động trên lớp (số buổi có mặt, thái độ theo dõi bài giảng, thảo
luận);
- Đánh giá việc tự học ở nhà (qua nội dung phát biểu thảo luận trên lớp, thời gian
và chất lượng hoàn thành bài tập ở nhà do giảng viên giao);
- Đánh giá các hoạt động trong phòng thí nghiệm, đi thực tế; và đánh giá bài thi kết
thúc môn học.
170
Một số vấn đề lí luận về năng lực tự quản lí quá trình đào tạo của giảng viên đại học...
Giảng viên phải trả bài kiểm tra, bài tập nghiên cứu của sinh viên và có nhận xét
về các bài làm đó. Do vậy để đánh giá đúng thực chất năng lực học tập môn học của sinh
viên thì nhiệm vụ của nhiệm vụ của giảng viên không hề đơn giản.
Với một số nhiệm vụ hết sức cơ bản nêu trên, có thể cho thấy để dạy học tín chỉ
thực sự có hiệu quả thì một trong những yếu tố quan trọng là giảng viên cần có năng lực
tự quản lí quá trình đào tạo của mình.
2.3. Một số biểu hiện năng lực tự quản lí quá trình đào tạo của giảng viên
Đại học Sư phạm khi chuyển sang đào tạo theo HCTC
Hiện nay đã có nhiều trường Đại học Sư phạm chuyển đổi sang phương thức đào
tạo theo HCTC. Một số trường đã tận dụng được những lợi thế của phương thức đào tạo
này và các giảng viên cũng đã có những bước chuyển mình cho phù hợp với yêu cầu của
quá trình đào tạo mới. Như trên đã phân tích, năng lực tự quản lí quá trình đào tạo của
giảng viên được thể hiện qua các công việc cụ thể. Thực tế cho thấy, năng lực tự quản lí
quá trình đào tạo của giảng viên được thể hiện trong các công việc đào tạo cụ thể như sau:
- Về đề cương môn học: Đa số giảng viên viết đề cương môn học mang tính hình
thức, chưa đầu tư sâu vào việc thiết kế hệ thống các bài tập, tình huống thảo luận nhằm
đạt được mục đích hình thành năng lực học tập sáng tạo cho sinh viên. Việc lập kế hoạch
chi tiết cho hoạt động đào tạo gần như chưa được thực hiện
- Về tổ chức dạy học: Việc dạy học trên lớp của giảng viên đã bao quát kiến thức
cơ bản của môn học theo đề cương quy định, tuy nhiên chủ yếu vẫn là dạy học truyền
thống bằng phương pháp thuyết trình, phát vấn. Nhiều giảng viên cho rằng khi chuyển đổi
chương trình sang hệ thống tín chỉ thì nội dung không giảm mà số giờ lên lớp giảm (1
tín chỉ tương đương 1,5 đơn vị học trình) thì họ thuyết trình mà vẫn chưa chuyển tải hết
nội dung môn học thì còn đâu thời gian mà tổ chức cho sinh viên làm bài tập, thảo luận.
Những nội dung được quy định cho tự học thì sinh viên cũng “tự học” theo đúng nghĩa
đen của nó mà họ chưa nhận được sự hướng dẫn cụ thể từ phía giảng viên. Bên cạnh đó, ở
một số trường hệ thống phòng học chức năng, thư viện, sách tham khảo chưa phong phú
làm cho giảng viên chưa thực sự khắc phục khó khăn để đổi mới dạy học.
- Về kiểm tra – đánh giá: Điểm môn học là điểm trung bình các điểm kiểm tra quá
trình, điểm bài tập, điểm thảo luận, điểm thi kết thúc... Tuy nhiên, tự làm các công việc
này giảng viên sẽ rất vất vả và rất mất thời gian, cộng với một số lí do khác như chế độ
chưa thoả đáng, giờ dạy nhiều nên nhiều giảng viên rất ít khi chấm bài tập và bài tự học
của sinh viên.
Như vậy, nhìn từ thực tiễn thì hoạt động đào tạo của của giảng viên chưa đạt được
hiệu quả cao như mong đợi. Bên cạnh những lí do khách quan khác thì do họ thiếu năng
lực tự quản lí quá trình đào tạo của bản thân là một trong những nguyên nhân quan trọng.
Do vậy, giảng viên Đại học Sư phạm cần phải được rèn luyện để nâng cao năng lực này.
171
Phan Thị Tâm
Từ những vấn đề nêu trên, có thể khẳng định rằng, phát triển năng lực nói chung và
năng lực tự quản lí quá trình đào tạo nói riêng cho giảng viên cần phải được đặt lên hàng
đầu thì giáo dục đại học Việt Nam mới có thể nâng cao được chất lượng và hiệu quả đào
tạo.
3. Kết luận
Đã có nhiều trường đại học trong cả nước chuyển đổi phương thức đào tạo theo
HCTC, song thực tế có thể nhận thấy rằng sự chuyển đổi chưa toàn diện ở tất cả các mặt
của quá trình đào tạo. Một trong những yếu tố quan trọng quyết định đến chất lượng đào
tạo tín chỉ là năng lực sư phạm của giảng viên, gồm cả năng lực chuyên môn, nghiệp vụ,
năng lực tự quản lí quá trình đào tạo... Để giáo dục đại học nước ta phát triển theo đúng
mục tiêu mà Đảng và Nhà nước đã xác định thì việc nghiên cứu nhằm phát triển năng lực
giảng viên, trong đó có năng lực tự quản lí quá trình đào tạo trong đào tạo theo HCTC
đang là vấn đề cấp thiết, có í nghĩa lí luận và thực tiễn cao.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Lê Thị Bừng (chủ biên), 2001. Các thuộc tính tâm lí điển hình của nhân cách, Nxb
ĐHSP.
[2] Lê Thạc Cán, 2006. Tổ chức giảng dạy và học tập theo chương trình định sẵn và theo
học chế tín chỉ. Hội thảo toạ đàm về đào tạo theo tín chỉ ở ĐHQGHN.
[3] Nguyễn Văn Khải, 2006. Đào tạo giáo viên theo hệ thống tín chỉ ở trường Đại học Sư
phạm. Kỉ yếu Hội thảo VUN, Đà Nẵng.
[4] Mai Trọng Nhuận, 2006. Định hướng triển khai tổ chức đào tạo theo hệ thống tín chỉ
ở ĐHQGHN. Hội thảo toạ đàm về đào tạo theo tín chỉ ở ĐHQGHN.
[5] Lâm Quang Thiệp, 2006. Về việc áp dụng học chế tín chỉ trên thế giới và ở Việt Nam.
Hội thảo tọa đàm về đào tạo theo tín chỉ ở ĐHQGHN.
ABSTRACT
Some theoretical problems capability self - management
process training of lecturer in the credit system training
Self-management training needs to be carried out by lecturers, especially when teaching
is done in a credit-based system. This ability should be one goal of the training process,
along with writing a syllabus, taking tests and undergoing evaluations. To improve the
quality of higher education it is necessary to first improve the teaching skills of faculty
members, including the ability to teach self-management.
172