Trong hệ thống các giá trị mà nhân loại đã tạo ra, quyền con người có vị trí quan trọng, vừa là mục tiêu, động lực, vừa là điều kiện thúc đẩy sự phát triển của các giá trị còn lại. Tôn trọng và thúc đẩy việc bảo đảm quyền con người đã trở thành xu thế tất yếu mang tính toàn cầu, theo đó, giáo dục quyền con người (giáo dục nhân quyền) cũng trở thành yêu cầu bức thiết, mang tính thời đại.
Giáo dục quyền con người là hoạt động có định hướng, có tổ chức, có mục đích của chủ thể giáo dục tác động lên đối tượng giáo dục nhằm hình thành ở họ tri thức về quyền con người để biết tự mình bảo vệ quyền của mình và tôn trọng quyền của người khác phù hợp với các yêu cầu, đòi hỏi của các chuẩn mực trong pháp luật quốc tế và pháp luật quốc gia về quyền con người.
Có thể khẳng định, Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền năm 1948 đã đặt nền móng cho hoạt động giáo dục quyền con người trên toàn thế giới. Ngay trong lời nói đầu của Tuyên ngôn đã viết: “Đại hội đồng Liên hợp quốc tuyên bố bản Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền là mục tiêu chung cho tất cả các dân tộc và các quốc gia phải phấn đấu đạt tới để nhằm mục đích cuối cùng là mỗi cá nhân, mỗi tổ chức xã hội, luôn luôn ghi nhớ bản Tuyên ngôn bằng giáo dục và giảng dạy sẽ nỗ lực thúc đẩy tôn trọng đối với các quyền và những tự do cơ bản”(1).
6 trang |
Chia sẻ: thuychi16 | Lượt xem: 1181 | Lượt tải: 1
Bạn đang xem nội dung tài liệu Một số vấn đề về giáo dục quyền con người ở Việt Nam hiện nay, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Một số vấn đề về giáo dục quyền con người ở Việt Nam hiện nay
Trong hệ thống các giá trị mà nhân loại đã tạo ra, quyền con người có vị trí quan trọng, vừa là mục tiêu, động lực, vừa là điều kiện thúc đẩy sự phát triển của các giá trị còn lại. Tôn trọng và thúc đẩy việc bảo đảm quyền con người đã trở thành xu thế tất yếu mang tính toàn cầu, theo đó, giáo dục quyền con người (giáo dục nhân quyền) cũng trở thành yêu cầu bức thiết, mang tính thời đại.
Giáo dục quyền con người là hoạt động có định hướng, có tổ chức, có mục đích của chủ thể giáo dục tác động lên đối tượng giáo dục nhằm hình thành ở họ tri thức về quyền con người để biết tự mình bảo vệ quyền của mình và tôn trọng quyền của người khác phù hợp với các yêu cầu, đòi hỏi của các chuẩn mực trong pháp luật quốc tế và pháp luật quốc gia về quyền con người.
Có thể khẳng định, Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền năm 1948 đã đặt nền móng cho hoạt động giáo dục quyền con người trên toàn thế giới. Ngay trong lời nói đầu của Tuyên ngôn đã viết: “Đại hội đồng Liên hợp quốc tuyên bố bản Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền là mục tiêu chung cho tất cả các dân tộc và các quốc gia phải phấn đấu đạt tới để nhằm mục đích cuối cùng là mỗi cá nhân, mỗi tổ chức xã hội, luôn luôn ghi nhớ bản Tuyên ngôn bằng giáo dục và giảng dạy sẽ nỗ lực thúc đẩy tôn trọng đối với các quyền và những tự do cơ bản”(1).
Việc giáo dục quyền con người được thực hiện ở các cấp độ khác nhau, với nhiều hình thức, phương pháp đa dạng, phong phú, tùy thuộc vào điều kiện cụ thể của mỗi quốc gia, và chịu sự tác động của nhiều nhân tố. Sự khác biệt về điều kiện lịch sử, kinh tế, văn hoá, xã hội dẫn đến mỗi quốc gia có cách tiếp cận, phạm vi, mức độ, phương pháp và hình thức giáo dục về quyền con người khác nhau.
1. Những nhân tố ảnh hưởng đến giáo dục quyền con người ở Việt Nam
Thứ nhất, là một nước xã hội chủ nghĩa với chế độ chính trị có một đảng duy nhất lãnh đạo, nên Việt Nam luôn là địa chỉ để các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền, công kích, bôi nhọ, áp đặt các quan điểm chính trị phản động, hòng chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, kích động các phần tử bất mãn tập hợp lực lượng chống phá, hòng lật đổ chế độ. Do đó, cần phải có quan điểm chỉ đạo đúng đắn, kịp thời, để một mặt, ngăn chặn các hành vi phá hoại; mặt khác, ngăn chặn tâm lý né tránh, coi nhân quyền là vấn đề nhạy cảm dẫn đến không chú trọng thúc đẩy giáo dục nhân quyền, và hệ lụy tất yếu của nó là công chúng sẽ không hiểu đầy đủ về bản chất quyền con người, về quan điểm, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước Việt Nam về quyền con người.
Thứ hai, quan điểm của Đảng và Nhà nước Việt Nam về quyền con người cũng có ảnh hưởng, tác động trực tiếp đến đối tượng, nội dung, hình thức, phương pháp giáo dục quyền con người. Có thể khẳng định, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn “kết hợp tính phổ biến và tính đặc thù của quyền con người trong nhận thức và giải quyết các vấn đề về quyền con người”; “quyền con người có tính giai cấp, đồng thời là một giá trị nhân loại, quyền con người và quyền dân tộc cơ bản là thống nhất; “quyền con người phụ thuộc vào trình độ phát triển kinh tế, xã hội, văn hoá và truyền thống của dân tộc”, “Quyền con người, quyền công dân phải được chế độ pháp luật bảo vệ”(2). Tuy nhiên, các quan điểm này trên thực tế vẫn chưa được truyền tải một cách đầy đủ, rộng rãi, thường xuyên đến mọi đối tượng trong xã hội, do giáo dục quyền con người vẫn chưa được chú trọng đầy đủ, chưa được mở rộng cả về đối tượng, phạm vi, cấp độ giáo dục.
Thứ ba, yếu tố lịch sử - văn hoá cũng tác động không nhỏ đến giáo dục quyền con người ở Việt Nam. Các phong tục, tập quán lạc hậu, những quan niệm về đạo đức, lễ giáo phong kiến còn mang đậm dấu ấn và ảnh hưởng lâu dài trong đời sống của nhân dân Việt Nam, có tác động sâu sắc đến nhận thức về quyền con người và giáo dục về quyền con người, trong đó có giáo dục về tư tưởng bình quyền, bình đẳng giới.
Thứ tư, quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền ở Việt Nam đặt ra yêu cầu cấp bách phải tăng cường công tác giáo dục quyền con người. Vì, cùng với giáo dục pháp luật và các dạng giáo dục khác, giáo dục quyền con người trực tiếp góp phần tạo ra các nội dung, giá trị của Nhà nước pháp quyền, đảm bảo cho Nhà nước pháp quyền Việt Nam hình thành trong thực tiễn. Thực hiện tốt giáo dục quyền con người còn giúp cho quá trình này được rút ngắn và đi đúng hướng, tránh được những lệch lạc, phiến diện trong việc xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam.
Thứ năm, trong xu thế hội nhập và phát triển hiện nay, khi khoa học công nghệ đang phát triển mạnh mẽ, bên cạnh mặt tích cực, còn nhiều tác động tiêu cực như sự phức tạp, nhiễu loạn của thông tin đa chiều, đặc biệt là các thông tin liên quan đến quyền con người dẫn đến sự chệch hướng trong nhận thức về quyền con người của một bộ phận không nhỏ công chúng, đặc biệt là giới trẻ dễ bị ảnh hưởng của thiên hướng đề cao chủ nghĩa cá nhân vị kỷ, thoát ly môi trường xã hội, chỉ muốn hưởng thụ, mà không biết cống hiến.
Như vậy, việc nhận diện đầy đủ các yếu tố tác động đến giáo dục quyền con người để có định hướng, quan điểm chỉ đạo trong việc xây dựng và thực hiện một chiến lược tổng thể về giáo dục quyền con người ở Việt Nam hiện nay, góp phần quan trọng thúc đẩy việc tôn trọng và bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mọi công dân.
2. Thực trạng giáo dục quyền con người ở Việt Nam
Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể trong lĩnh vực giáo dục quyền con người, quyền công dân; đặc biệt là việc giáo dục quyền trẻ em theo nội dung Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em (CRC), giáo dục quyền phụ nữ theo nội dung công ước của Liên hợp quốc về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử phụ nữ.
Đảng, Nhà nước đã đề ra chủ trương, chính sách và có sự quan tâm chỉ đạo thực hiện hoạt động giáo dục quyền con người, quyền công dân ở Việt Nam, đặc biệt là sự quan tâm chỉ đạo trong các hoạt động giáo dục quyền trẻ em, quyền phụ nữ. Sự quan tâm chỉ đạo này của Đảng, Nhà nước thể hiện cụ thể trong việc thành lập các cơ quan chuyên trách nhà nước về nghiên cứu quyền con người, các cơ quan chuyên trách về quyền phụ nữ, quyền trẻ em; đào tạo đội ngũ cốt cán về vấn đề này; chỉ đạo xây dựng các chương trình hành động quốc gia về quyền phụ nữ, quyền trẻ em. Những kết quả đạt được trong việc giáo dục quyền phụ nữ, quyền trẻ em ở Việt Nam đã mang đến cách nhìn mới của thế giới và khu vực đối với Việt Nam, từ đó tạo ra khả năng thuận lợi hơn cho Việt Nam trong hội nhập khu vực và quốc tế.
Hoạt động giáo dục quyền con người, quyền công dân ở Việt Nam trong thời gian qua đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức về giá trị của hoạt động này trong việc hình thành nhân cách người Việt Nam trong chủ nghĩa xã hội, và sự cần thiết phải tăng cường các hoạt động này trong thời gian tới. Đồng thời, việc giáo dục quyền con người, quyền công dân cũng làm tăng nhu cầu xây dựng hệ thống pháp luật Việt Nam phù hợp với các quy định của công ước quốc tế về quyền con người.
Bên cạnh những thành tựu đạt dược, giáo dục quyền con người, quyền công dân ở nước ta trong thời gian qua cũng bộc lộ và phát sinh những tồn tại sau:
Việt Nam đã phê chuẩn hoặc gia nhập 10 điều ước quốc tế về nhân quyền và nhiều công ước do Tổ chức lao động quốc tế (ILO) thông qua. Tuy nhiên, trong thực tế Việt Nam mới chỉ tập trung giáo dục, tuyên truyền, phổ biến hai công ước là: "Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ" (công ước CEDAW) và Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em (công ước CRC). Nhưng ngay cả trong giáo dục quyền phụ nữ, quyền trẻ em dù đã có rất nhiều cố gắng như vậy, thì vẫn còn những tồn tại. Chẳng hạn, việc giáo dục quyền phụ nữ mới chủ yếu dừng lại ở cán bộ làm công tác quản lý, hội đoàn và một số vùng có điều kiện thuận lợi, mà chưa được thực hiện sâu rộng trong toàn thể xã hội, nhất là đối với phụ nữ ở vùng sâu, vùng xa và phụ nữ dân tộc thiểu số. Việc tuyên truyền, giáo dục, chủ yếu được thực hiện theo từng đợt, thiếu tính thường xuyên, liên tục.
Ở một số cơ quan chức năng, một bộ phận cán bộ còn mang nặng ý thức ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ kinh phí từ bên ngoài, chưa tích cực chủ động, chưa có sự quan tâm đúng mức, chưa phối hợp chặt chẽ, chủ động để thực hiện tốt các hoạt động tuyên truyền giáo dục quyền phụ nữ, quyền trẻ em theo mục tiêu mà các kế hoạch hành động quốc gia đã đề ra.
Giáo dục quyền công dân tuy đã được quy định trong Hiến pháp và pháp luật nhưng trên thực tế, việc triển khai chưa được thực hiện một cách đầy đủ, rộng rãi và thường xuyên; chưa gắn kết với nhau.
Hệ thống các phương tiện thông tin đại chúng có vai trò hết sức quan trọng trong hoạt động giáo dục quyền con người, nhưng còn khá thụ động. Các nguồn lực dành cho công tác giáo dục quyền con người chưa được thoả đáng, do vậy, hoạt động này còn bị hạn chế về kết quả.
3. Một số giải pháp thúc đẩy giáo dục quyền con người ở Việt Nam hiện nay
Một là, biên soạn giáo trình, sách và tài liệu giáo dục cho từng nhóm đối tượng giáo dục cụ thể.
Hiện nay, chúng ta chưa có giáo trình chung, thống nhất; chưa có đầy đủ tài liệu cho việc giáo dục quyền con người, quyền công dân theo từng nhóm đối tượng. Vì thế, rất cần phải xây dựng các tài liệu giáo dục quyền con người, quyền công dân cho từng nhóm chủ thể, từng nhóm đối tượng giáo dục cụ thể, trên cơ sở tính hệ thống, tính liên thông của tài liệu và đảm bảo gắn kết cả nội dung giáo dục quyền con người và nội dung giáo dục quyền công dân.
Hai là, đưa chương trình giáo dục quyền con người, quyền công dân vào hệ thống giáo dục nhà nước
Việc này vừa đảm bảo tính thống nhất, tính liên thông của chương trình, vừa đảm bảo tính chủ động, thường xuyên, liên tục, rộng khắp trong cả nước, tránh tình trạng phụ thuộc vào các dự án, nguồn tài chính..., đồng thời đảm bảo trách nhiệm của cả chủ thể và đối tượng tham gia hoạt động giáo dục này. Khi đưa dạng giáo dục này vào giảng dạy chính thức, nội dung của nó có thể được lồng ghép, tích hợp trong nội dung giảng dạy của các môn học khác có liên quan như giáo dục đạo đức, giáo dục công dân, giáo dục chính trị tư tưởng, giáo dục pháp luật...Chẳng hạn, có thể xem xét, tổ chức lại thời gian và nội dung môn học Giáo dục công dân, chuyển thành bộ môn Giáo dục quyền con người, quyền công dân. Đưa môn học này vào chương trình chính khóa từ cấp tiểu học đến cấp trung học phổ thông; hệ đại học. Đưa môn học quyền con người vào một số trường đại học có các bậc hệ đào tạo chuyên và không chuyên luật.
Đối với hệ đào tạo cán bộ, quản lý thuộc Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, cần tổ chức và biên soạn lại tập bài giảng về quyền con người, đảm bảo truyền tải không những quan điểm của các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm của Đảng, Nhà nước ta về quyền con người mà còn cung cấp phương pháp luận; các quan điểm khác nhau về nhân quyền trong lịch sử và đương đại; các chuẩn mực nhân quyền quốc tế trong sự đối chiếu, so sánh rất cụ thể với các quy định pháp luật của Nhà nước ta. Trên cơ sở đó, giúp học viên nắm được những điểm tiến bộ, sự phù hợp của pháp luật Việt Nam về quyền con người với pháp luật quốc tế.
Ba là, xác định đúng các hình thức, phương pháp giáo dục phù hợp với từng đối tượng
Xây dựng các hình thức, phương pháp giáo dục riêng, thích hợp với điều kiện, khả năng của từng đối tượng giúp việc truyền tải nội dung giáo dục một cách sinh động, phù hợp, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ áp dụng ngay vào thực tiễn cuộc sống. Đối với dân tộc thiểu số, cần dịch nội dung giáo dục sang tiếng dân tộc. Dân tộc có chữ viết thì thực hiện cả dịch viết và dịch nói, dân tộc không có chữ viết thì diễn giải nội dung giáo dục bằng chính ngôn ngữ của họ. Đội ngũ tuyên truyền, giáo dục cho dân tộc thiểu số chính là những già làng, trưởng bản, những cán bộ người dân tộc đã được đào tạo trở thành cốt cán. Hình thức giáo dục có thể thông qua các hoạt động văn hóa của làng, xã, bằng tranh ảnh, panô, áp phích, tờ rơi, đài truyền thanh, đài phát thanh truyền hình, phim và các loại hình nghệ thuật khác.
Bốn là, đào tạo đội ngũ cốt cán, giáo viên chuyên trách
Đây là điều kiện bắt buộc để có thể đưa nội dung giáo dục về quyền con người vào giảng dạy chính thức trong hệ thống giáo dục. Trước mắt, có thể đào tạo giáo viên chuyên trách từ đội ngũ giáo viên đang dạy các môn có liên quan và đây sẽ là những giáo viên chuyên trách cho cả môn học này chứ không chỉ tạm thời, kiêm nhiệm. Đội ngũ giáo viên này phải được đào tạo ở tất cả các cấp, các hệ thống trường học trong hệ thống giáo dục nhà nước. Giáo dục về quyền con người có mối quan hệ mật thiết với giáo dục chính trị, tư tưởng, giáo dục pháp luật, do đó, về chiến lược có thể đào tạo đội ngũ giáo viên chuyên trách từ nguồn sinh viên tốt nghiệp các trường luật, chính trị.
Năm là, tăng cường hoạt động thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng
Để hỗ trợ cho các hình thức, phương pháp giáo dục, cần tăng cường đầu tư, đẩy mạnh hơn nữa hoạt động tuyên truyền, thông tin về quyền con người, quyền công dân trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nhà nước cần có chính sách đầu tư nguồn lực, kỹ thuật thích hợp cho các cơ quan thông tin tuyên truyền, đặc biệt là các cơ quan phát thanh, truyền hình, báo chí để các cơ quan này có điều kiện thuận lợi thực hiện hoạt động của mình. Đồng thời, các cơ quan thông tin đại chúng cần coi hoạt động tuyên truyền, giáo dục quyền con người là trách nhiệm, nghĩa vụ của mình, từ đó xây dựng các chuyên mục, chương trình thường xuyên, liên tục và rộng khắp cho hoạt động này.
Sáu là, bảo đảm các điều kiện kinh phí, vật chất phục vụ hoạt động giáo dục quyền con người quyền công dân
Để tạo ra được nguồn lực cần thiết đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ của hoạt động giáo dục quyền con người, quyền công dân trong thời gian tới, hằng năm, Nhà nước cần có kế hoạch phân bổ một khoản kinh phí thích ứng cho hoạt động tuyên truyền giáo dục, hội thảo khoa học về quyền con người.
Giáo dục quyền con người ở Việt Nam có vai trò đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp giáo dục - đào tạo thế hệ trẻ; đối với sự nghiệp xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; là cơ sở để quần chúng nhân dân hình thành nhận thức đúng đắn về quyền con người, củng cố niềm tin của quần chúng đối với Đảng, Nhà nước; chống lại những hoạt động lợi dụng chiêu bài "nhân quyền" của một số nước phương Tây và các thế lực phản động, thù địch chống phá công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam./.
(1) Các Văn kiện quốc tế về Quyền con người, Nxb CTQG, H, 1998, tr. 63. (2) Trung tâm Nghiên cứu Quyền con người, Giáo trình Lý luận về quyền con người, Học viện CTQG Hồ Chí Minh, H, 2002, tr. 242 – 255.
Nguyễn Thị Báo