Một vài đặc điểm của ngôn ngữ hội thoại dạy học ở bậc trung học cơ sở

Tóm tắt. Qua ngữ liệu thực tế được khảo sát, bài viết chỉ ra một vài đặc điểm của ngôn ngữ hội thoại dạy học ở bậc trung học cơ sở (THCS). Đó là ngôn ngữ hội thoại dạy học mang đặc điểm của ngôn ngữ nói (sử dụng các yếu tố cận ngôn, ngoại ngôn, các yếu tố dư – lặp, các yếu tố tỉnh lược. . . ) nhưng không phải là ngôn ngữ nói đơn thuần mà là ngôn ngữ nói theo qui thức (cách thức xưng hô, cách thức tương tác, nói cái được chuẩn bị trước. . . ); ngôn ngữ hội thoại dạy học có sự đan xen giữa ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết trong quá trình hành chức (chủ đề giao tiếp, số lượng các thuật ngữ khoa học.).

pdf7 trang | Chia sẻ: thanhle95 | Lượt xem: 195 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Một vài đặc điểm của ngôn ngữ hội thoại dạy học ở bậc trung học cơ sở, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE Social Sci., 2012, Vol. 57, No. 2, pp. 15-21 MỘT VÀI ĐẶC ĐIỂM CỦA NGÔN NGỮ HỘI THOẠI DẠY HỌC Ở BẬC TRUNG HỌC CƠ SỞ Nguyễn Thị Hồng Ngân Trường Đại học Sư phạm Hà Nội E-mail: ngangocsp@yahoo.com.vn Tóm tắt. Qua ngữ liệu thực tế được khảo sát, bài viết chỉ ra một vài đặc điểm của ngôn ngữ hội thoại dạy học ở bậc trung học cơ sở (THCS). Đó là ngôn ngữ hội thoại dạy học mang đặc điểm của ngôn ngữ nói (sử dụng các yếu tố cận ngôn, ngoại ngôn, các yếu tố dư – lặp, các yếu tố tỉnh lược. . . ) nhưng không phải là ngôn ngữ nói đơn thuần mà là ngôn ngữ nói theo qui thức (cách thức xưng hô, cách thức tương tác, nói cái được chuẩn bị trước. . . ); ngôn ngữ hội thoại dạy học có sự đan xen giữa ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết trong quá trình hành chức (chủ đề giao tiếp, số lượng các thuật ngữ khoa học...). Từ khóa: Hội thoại dạy học, ngôn ngữ viết, ngôn ngữ nói, qui thức, hành chức. 1. Mở đầu Hội thoại dạy học là sản phẩm tương tác trực tiếp giữa giáo viên và học sinh trên lớp học xung quanh nội dung bài học. Trong kiểu tương tác này, ngôn ngữ được các nhân vật hội thoại sử dụng như một trong các công cụ quan trọng nhất. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ chỉ ra một vài điểm cơ bản của ngôn ngữ hội thoại dạy học thông qua ngữ liệu khảo sát thực tế. Đối tượng mà chúng tôi khảo sát là ngôn ngữ mà giáo viên và học sinh sử dụng trên lớp học, là các môn học chính khóa như Toán học, Vật lí, Lịch sử, Ngữ văn, Sinh học, Địa lí. . . ở bậc THCS. 2. Nội dung nghiên cứu Có một thực tế là “khi quan sát các hoạt động ngôn ngữ ở các ngữ cảnh khác nhau chúng ta phát hiện có các khác biệt trong lựa chọn kiểu loại ngôn ngữ cho phù hợp với kiểu loại ngữ cảnh trong đó nó được sử dụng” [dt8; 35]. Sự khác nhau này tạo nên ngữ vực (register) riêng cho từng kiểu giao tiếp. Theo M.A.K. Halliday có 3 kiểu ngữ vực là ngữ vực qui thức, ngữ vực thân tình và ngữ vực phi qui thức. Dựa vào các nhân tố giao tiếp, mối quan hệ vị thế giữa giáo viên và học sinh, chúng tôi xác định được ngữ vực hội thoại dạy học sử dụng là ngữ vực qui thức. 15 Nguyễn Thị Hồng Ngân 2.1. Ngôn ngữ hội thoại dạy học là ngôn ngữ nói mang tính qui thức 2.1.1. Ngôn ngữ hội thoại dạy học là ngôn ngữ nói Khi xác định ngôn ngữ của hội thoại nói chung, Nguyễn Đức Dân khẳng định “Đó là khẩu ngữ - thứ ngôn ngữ xã hội sinh động và cũng rất chuẩn mực [2;77]. Theo đó, ngôn ngữ dùng trong giao tiếp dạy học được xác định là ngôn ngữ nói nhưng đó là ngôn ngữ nói theo qui thức. Là ngôn ngữ nói nhưng ngôn ngữ hội thoại dạy học là không phải là nói theo phong cách của khẩu ngữ tự nhiên (nói tức thì) mà là ngôn ngữ nói đã có sự chuẩn bị - nói cái đã được viết ra (giáo án, sách giáo khoa). Trước hết, ngôn ngữ nói hội thoại dạy học có sự hỗ trợ của các yếu tố ngoại ngôn, cụ thể là các yếu tố phi ngôn và cận ngôn. “Các yếu tố ngoại ngôn (paralinguistic) xuất hiện song song với ngôn ngữ nói, hòa lẫn vào ngôn ngữ nói và cùng ngôn ngữ nói hình thành nên một hệ thống giao tiếp trọn vẹn” [1;356]. Các cử chỉ, điệu bộ, biểu hiện của khuôn mặt, cơ thể,. . . chính là các yếu tố cận ngôn (ngữ điệu lên giọng, hạ giọng, gằn giọng, kéo dài giọng nói...). Các yếu tố này có quan hệ qua lại, tương hỗ với nhau để làm tăng hiệu quả giao tiếp. Trong hội thoại dạy học, các yếu tố ngoại ngôn không chỉ được coi là phương tiện giao tiếp hỗ trợ đắc lực cho ngôn ngữ mà trong nhiều trường hợp nó còn có vai trò thay thế, bổ sung hoặc làm rõ sắc thái và ý nghĩa của ngôn ngữ: khi hỏi giáo viên lên giọng cuối câu, khi đồng tình, khẳng định ý kiến của học sinh có thể gật đầu đi kèm hoặc thay thế cho được, tốt, được rồi. . . ; ánh mắt động viên, khích lệ thay vì nói em cứ bình tĩnh trả lời, em cố gắng lên. . . ; lắc đầu thay vì chưa chấp nhận kết quả trả lời của học sinh. . . Đặc biệt, trong hội thoại dạy học, các yếu tố phi ngôn còn có vai trò điều tiết chuỗi ngôn từ. Thông qua chúng, các nhân vật hội thoại có thể biết được khi nào cần nói, khi nào được phép nói, khi nào không cần nói, khi nào đến lượt nói và khi nào chưa đến lượt nói. . . Trên lớp học, khi giáo viên giảng bài thì học sinh im lặng và ngược lại. Tuy nhiên, trong giao tiếp “mặt đối mặt”, người im lặng không phải là người ngoài cuộc. Thái độ, cử chỉ, nét mặt của giáo viên và học sinh là những yếu tố có vai trò điều chỉnh ngược (back – channel) tới quá trình hội thoại. Nó có vai trò khuyến khích lượt lời được tiếp tục hay chuyển hướng hoặc dừng lại. Chúng mang các thông điệp: người nói đang chú ý theo dõi lượt lời của người nghe thông qua ánh mắt chăm chú, gật đầu. . . ; người nói đang gặp khó khăn trong việc tiếp nhận lượt lời của người nghe biểu hiện qua cái nhíu mày, nhăn trán, đăm chiêu. . . ; người nói không chú ý đến lượt lời của người nghe bộc lộ qua ánh mắt hờ hững, ngáp, nhắm mắt. . . Có thể khẳng định rằng, giao tiếp sư phạm sẽ không thể mang lại hiệu quả tối ưu khi thiếu các yếu tố phi ngôn này. Biểu hiện của ngôn ngữ nói trong hội thoại dạy học thể hiện ở lớp tình thái từ - một lớp từ đặc biệt trong tiếng Việt có vai trò bộc lộ thái độ, cảm xúc của người nói đối với người nghe và đối với nội dung giao tiếp. Các tình thái từ được giáo viên và học sinh sử dụng vào việc hình thành các hành động nói như: hỏi, cầu khiến, chất vấn, bộc lộ cảm xúc, khẳng định, phủ định... và qua đó bộc lộ nhiều màu sắc tình cảm khác nhau. Sắc thái 16 Ngôn ngữ hội thoại dạy học ấy có thể là mỉa mai (Học bài chỉ dừng lại ở cái việc xem mỗi trong sách giáo khoa thôi à?), bác bỏ (Vớ vẩn. Không nhìn đầu bài cho cái gì à?), khuyên nhủ (Cho nên đừng bao giờ coi thường người lao động chân tay nhé), hỏi - yêu cầu (Gì nữa nào? Em cứ nói đi!), dặn dò (Nhớ cho tôi nhá!.), yêu cầu (Thu gọn đi, sao con lại để thế này). Các ngữ liệu trên cho thấy, các phát ngôn chứa tình thái từ có vai trò tạo ra các hành động nói khác nhau, sắc thái khác nhau trong các ngữ cảnh khác nhau. Mục đích của các hành động này có thể là trực tiếp hoặc gián tiếp tùy thuộc vào từng tình huống cụ thể. Bên cạnh vai trò hình thành các hành động nói, tình thái từ còn là phương tiện bộc lộ thái độ cảm xúc rất đa dạng. Chẳng hạn, tình thái từ ạ vốn được người có vị thế giao tiếp thấp nói với người có vị thế cao hơn mình nhưng trong hội thoại dạy học, tình thái từ này được dùng theo hai chiều: học sinh đối với thầy cô và thầy cô đối với học sinh. Học sinh dùng tình thái từ ạ thể hiện sự tôn kính, lễ phép đối với thầy cô còn thầy cô dùng tình thái từ này trong các phát ngôn tương tác với học sinh với sắc thái lịch sự phù hợp với kiểu giao tiếp qui thức. Vai trò bộc lộ cảm xúc của các nhân vật giao tiếp và hình thành các hành động nói còn được biểu hiện qua các quán ngữ tình thái: đừng bao giờ. . . , lấy đâu ra. . . , thế sao được. . . , sao lại. . . , làm gì có. . . , có thế mà. . . ; các thán từ: trời ơi là trời!, trời ơi!, trời đất!. . . Một biểu hiện rõ nét mang tính khẩu ngữ của ngôn ngữ hội thoại dạy học là sự xuất hiện với tần suất rất lớn các yếu tố dư – lặp, những từ đưa đẩy và cấu trúc tỉnh lược. Ở đây cần phân biệt cách nói lặp khẩu ngữ và phép lặp liên kết các phát ngôn. Phép lặp liên kết các phát ngôn là cách thức dùng ở hai phát ngôn liền nhau một tổ hợp từ hay một cấu trúc ngữ pháp với mục đích liên kết hai phát ngôn lại với nhau. Nếu như phép lặp là một cách nói có dụng ý tích cực thì việc tồn tại các yếu tố lặp trong hội thoại dạy học là một cách diễn đạt không cố ý. Là kiểu giao tiếp “mặt đối mặt” nên các nhân vật hội thoại nói chung và hội thoại dạy học nói riêng đều không có sự chuẩn bị trước về mặt ngôn ngữ, không có thời gian hiệu chỉnh lời nói của mình. Đó chính là “mảnh đất màu mỡ” để các yếu tố “rườm ngôn” hay các yếu tố dư – lặp xuất hiện. Nói như Hữu Đạt: “Ở đâu có phong cách ngôn ngữ tự nhiên thì ở đó có hiện tượng này. Kể cả những người có năng lực nói tốt nhất như nhà văn, nhà giáo, nhà lí luận vẫn không tránh được nét dư lặp trong giao tiếp khẩu ngữ” [3;109]. Các yếu tố dư – lặp trong hội thoại dạy học mà chúng tôi khảo sát được như thì, là, mà là, ờ, thế thì, à. . . Cùng với đó, yếu tố lặp cũng xuất hiện với tần suất lớn. Yếu tố lặp ở đây có thể là một từ, một cụm từ thậm chí cả một cấu trúc cú pháp. Việc nhấn đi nhấn lại cấu trúc hay tổ hợp lặp có vai trò xoáy sâu thêm câu hỏi cho học sinh dễ nắm bắt được điểm hỏi để trả lời. Ví dụ: . GV: Xong cái ý này, (xong ý này). Bây giờ chúng ta hãy xem xem, nào, với học sinh (thì) người ta cho rằng lao động là đủ. (À, xin lỗi) chỉ cần học tập là đủ, không cần phải lao động tự giác sáng tạo, đúng hay sai? Đúng hay sai ạ? Nào, có ai có ý kiến không ạ? Theo em thì đúng hay sai? Người ta cho rằng (là) như vậy (thì) đúng hay sai? Tuy nhiên, các yếu tố dư – lặp trong ngôn ngữ nói không gây nhiễu thông tin và gây cảm giác nhàm chán như hiện tượng dư lặp trong ngôn ngữ viết. Ngôn ngữ nói không có 17 Nguyễn Thị Hồng Ngân khả năng lưu trữ nên các thông tin dễ bị “xóa nhòa” nên việc nhắc đi nhắc lại là cần thiết. Trong hội thoại dạy học, những yếu tố dư – lặp tồn tại như các yếu tố phụ trợ có vai trò khẳng định nhấn mạnh các thông tin, xoáy sâu vào các ý trọng tâm của câu hỏi giúp học sinh nắm được thông tin chính để trả lời. Bên cạnh hiện tượng dư - lặp, trong hội thoại dạy học còn xuất hiện các kết cấu tỉnh lược. Nhìn trên bề mặt có vẻ hai hiện tượng này mâu thuẫn nhau bởi khi tham gia giao tiếp, con người luôn hướng tới một cách nói tối ưu bằng cách với một lượng tin nhỏ nhất nhưng đạt được hiệu quả giao tiếp lớn nhất. Nói ngắn gọn, nói thẳng vào đề tài được coi là tiêu chí của hội thoại. Rõ ràng, đây không phải là sự mâu thuẫn của hiện tượng “thừa – thiếu” mà là sự thống nhất trong sự biểu đạt ngôn ngữ nói. Nguyên nhân của hiện tượng dư, lặp trong diễn đạt là do áp lực thời gian trong việc tìm, sắp xếp các yếu tố ngôn ngữ sao cho mạch lạc. Còn hiện tượng tỉnh lược, đó là hiện tượng loại bỏ bớt một số thành phần trong phạm vi cú pháp và lớn hơn là trong diễn ngôn mà giáo viên không muốn nhắc lại một yếu tố nào đó trong kết cấu phát ngôn. Trong cấu trúc câu, yếu tố bị tỉnh lược thường là các thông tin cũ đã được nhắc đến ở các phát ngôn trước đó. Với sự hỗ trợ của các yếu tố phi ngôn và ngữ cảnh, khẩu ngữ thiên về sử dụng các kết cấu không đầy đủ nhưng vẫn đảm bảo thông tin khi giao tiếp. Có thể coi đây là qui luật bù trừ cân bằng lại khoảng thời gian giao tiếp khi nó buộc phải chấp nhận các yếu tố dư – lặp trên đây. Trong hội thoại dạy học, do vị thế giao tiếp cao hơn nên giáo viên thường sử dụng các kết cấu tỉnh lược khi giao tiếp với học sinh: . GV: Cô gợi ý các con nhé. Các con đọc trong sách giáo khoa, cho cô biết có bao nhiêu nguyên tố hóa học và nguyên tố nào là lớn nhất? HS: Hidro ạ. GV: Nào, đọc đi. GV: Thứ nhất là có bao nhiêu nguyên tố, và phân bố như thế nào, nào cô mời bạn, bạn cho cô biết nào! HS: Em thưa cô là có 110 nguyên tố hóa học ạ. GV: Có bao nhiêu ? HS: Dạ, 110 nguyên tố ạ. Ngay cả học sinh, mặc dù vị thế giao tiếp thấp hơn nhưng vẫn sử dụng các kết cấu tỉnh lược khi giao tiếp. Và từ sự hỗ trợ của ngữ cảnh, cả học sinh và giáo viên đều nắm bắt được yêu cầu của vấn đề và nội dung kiến thức nên mục đích giao tiếp vẫn thành công. Tóm lại, là một kiểu giao tiếp trực tiếp có tính tương tác cao nên hội thoại dạy học mang nhiều đặc điểm của ngôn ngữ nói. Tính chất khẩu ngữ của hội thoại dạy học được biểu hiện ở các yếu tố phi ngôn ngữ, ở hệ thống tình thái từ giàu sắc thái biểu cảm, ở những cấu trúc tỉnh lược và ở các yếu tố rườm ngôn. Tất cả tạo nên sự “lệch chuẩn” rất thú vị của hội thoại dạy học - một kiểu hội thoại theo qui thức điển hình. 18 Ngôn ngữ hội thoại dạy học 2.1.2. Ngôn ngữ hội thoại dạy học là ngôn ngữ nói theo qui thức Trước hết, tính chất qui thức được qui định một cách rõ ràng thông qua các nghi thức giao tiếp - “những qui tắc ứng xử lời nói mang đặc trưng của từng dân tộc được dùng trong các tình huống có người đối thoại đang tiếp xúc và giao tiếp với giọng điệu được chọn phù hợp với hoàn cảnh giao tiếp” [6;57]. Đó là các nghi thức chào gặp mặt, chào chia tay, cảm ơn, xin lỗi. . . Bên cạnh những nghi thức phổ quát này, mỗi nhóm xã hội khác nhau của mỗi dân tộc khác nhau sẽ tồn tại những nghi thức khác nhau. Dựa vào các nhân tố giao tiếp, có thể thấy rằng giao tiếp dạy học thuộc kiểu giao tiếp qui thức điển hình. Đầu tiên phải đề cập đến là nghi thức xưng hô. Trong hội thoại dạy học, nghi thức xưng hô của cả giáo viên và học sinh đều chịu sự chế định của môi trường rộng là ngữ cảnh văn hóa – xã hội và môi trường hẹp là không gian lớp học. Không gian giao tiếp này buộc cả người có vị thế cao và người có vị thế thấp đều phải lựa chọn các từ xưng hô thích hợp. Hệ thống từ xưng hô trong tiếng Việt rất phong phú nhưng giao tiếp dạy học giữa giáo viên và học sinh ở bậc THCS chỉ sử dụng một số cặp xưng hô mang tính khuôn mẫu. Đó là cặp từ xưng hô có sự phân biệt địa vị trên và địa vị dưới. Học sinh luôn ý thức được vị thế giao tiếp yếu của mình nên luôn luôn sử dụng các từ xưng hô bậc dưới trong khi đó, giáo viên ở vị trí giao tiếp mạnh nên có nhiều lựa chọn hơn trong hệ thống các từ xưng hô, từ là phạm vi sử dụng rộng rãi hơn. Tính chất qui thức trong hội thoại dạy học còn biểu thị qua các hành động ngôn ngữ có tính lịch sự. Để giao tiếp với thầy cô, học sinh thường dùng các biểu thức thưa gửi, các hành động nói có cấu trúc đầy đủ như: Em thưa thầy/ cô, thưa thầy, thưa cô + mệnh đề + ạ. Cách nói này cho thấy tính chất trang trọng của giao tiếp sư phạm đồng thời thấy được sự khác biệt về vị thế giữa người nói và người nghe. Giao tiếp qui thức còn bắt buộc cả giáo viên và học sinh phải giữ gìn thể diện khi tham gia tương tác. Hội thoại dạy học là kiểu giao tiếp trực diện, mặt đối mặt nên xuất hiện nhiều hành động nói có nguy cơ đe dọa thể diện như mệnh lệnh, cầu khiến, phê bình, chê. . . Để đảm bảo nguyên tắc lịch sự, giáo viên phải có các chiến lược ngôn ngữ giảm thiểu sự áp đặt và tăng cường sự tôn trọng đối với học sinh. Ví dụ, khi yêu cầu một hành động hay phát vấn một nội dung hỏi giáo viên ít sử dụng các động từ cầu khiến mang tính áp đặt cao như đề nghị, yêu cầu, bắt. . . mà thiên về sử dụng các vị từ phụ có ý nghĩa cầu khiến mang tính lịch sự như “X. . . có thể + V giúp, giùm, hộ, cho. . . cô/ thầy được không. . . ?”. Tuy nhiên, lịch sự không có nghĩa là quá khiêm nhường hay nhún nhường. Những phát ngôn sau dù lịch sự song không được chấp nhận trong hội thoại dạy học (X làm ơn/ có thể làm ơn trả lời câu hỏi này được không; Không hiểu X có thể trả lời câu hỏi này cho cô được không?; X trả lời câu hỏi này cho cô với!...).Theo khảo sát của chúng tôi, để điều hành hoạt động dạy học, sự xuất hiện của mẫu câu cầu khiến dùng các động từ mang tính áp đặt cao như yêu cầu, đề nghị (Yêu cầu cả lớp trật tự!; Đề nghị cả lớp tập trung lên bảng!. . . ) có nhưng không nhiều như các câu cầu khiến sử dụng phó từ chỉ ý cầu khiến để giảm thiểu tính áp đặt của kiểu hành động nói này. Bên cạnh đó, để đảm bảo tính lịch sự, hành động cảm ơn luôn luôn được giáo viên 19 Nguyễn Thị Hồng Ngân sử dụng cho dù học sinh có đáp ứng được thông tin mà câu hỏi yêu cầu hay không. 2.2. Ngôn ngữ hội thoại dạy học có sự giao thoa giữa ngôn ngữ nói với ngôn ngữ viết M.A.K. Halliday đã xác định được ba kiểu ngữ vực là ngữ vực qui thức, ngữ vực thân tình và ngữ vực phi qui thức, song, trong mọi lĩnh vực giao tiếp ít khi có sự phân chia rạch ròi bởi trong quá trình hành chức, chúng có thể xâm nhập, đan xen và chuyển hóa cho nhau. “Ngữ vực qui thức cũng có sự đan xen của nhiều phong cách khác nhau” [1;28]. Mục đích của hội thoại dạy học chính là truyền đạt kiến thức các môn khoa học tự nhiên và khoa học xã hội với các mức độ từ đơn giản đến chuyên sâu tùy từng cấp học. Theo Hữu Đạt, ngôn ngữ của kiểu giao tiếp khoa học như tọa đàm, thảo luận khoa học, giảng dạy trong nhà trường. . . là biến thể của ngôn ngữ viết. “Ngôn ngữ nói của nó thực chất là những biến dạng của ngôn ngữ viết được thể hiện dưới dạng âm thanh” và “khi giảng người nói chỉ thể hiện dưới dạng âm thanh mà thôi” [3;194]. Về một góc độ nào đấy, giáo viên không hoàn toàn chủ động về nội dung kiến thức cần truyền đạt (do bị qui định bởi chương trình giảng dạy) nhưng họ lại hoàn toàn chủ động về mặt ngôn ngữ truyền đạt. Họ sử dụng các phương tiện ngôn ngữ một cách linh hoạt sao cho vừa đảm bảo tính qui thức đồng thời mang lại hiệu quả tiếp nhận kiến thức cao nhất cho học sinh. Vì lẽ đó, ngôn ngữ được sử dụng trong hội thoại dạy học là ngôn ngữ nói nhưng là “nói cái được viết ra” hay “nói cái được chuẩn bị sẵn”. Vậy, “cái được viết ra” ở đây là gì? Hay nói cách khác, những đặc điểm của ngôn ngữ viết trong hội thoại dạy học là gì? Trước hết đó là chủ đề giao tiếp. Chủ đề giao tiếp trong hội thoại dạy học là những kiến thức khoa học được cụ thể hóa thành các bài học có trong sách giáo khoa của học sinh và trong giáo án của giáo viên. Hệ thống kiến thức này lại được truyền đạt trong lớp học – một không gian giao tiếp mang tính qui thức mà ở đó mọi cấp độ ngôn ngữ đều bị ánh xạ bởi hoàn cảnh giao tiếp đặc thù này. Nếu như trong hội thoại đời thường, các chủ đề giao tiếp thường linh hoạt thì chủ đề giao tiếp trên lớp học xoay quanh các vấn đề khoa học đã được qui định theo chương trình đào tạo. Những kiến thức khoa học này mang tính trí tuệ, tính logic và tính khái quát trừu tượng. Vì lẽ đó, ta bắt gặp số lượng lớn các thuật ngữ liên quan đến từng môn học, các từ thường được dùng theo nghĩa đen, trung hòa về màu sắc biểu cảm như phân số, tích số, hình chóp, phương trình. . . ; ẩn dụ, hoán dụ, ngữ cảnh, ẩn dụ, hoán dụ. . . ; di truyền, biến dị, đồng hóa, dị hóa, đột biến, gen. . . ; phân tử, nguyên tử, hóa trị, ion. . . Đó là những từ biểu đạt những khái niệm khoa học chuyên ngành mang dung lượng thông tin logic lớn, có tính trừu tượng và tính trí tuệ rất cao. Cái được chuẩn bị trước ở đây chính là nội dung giao tiếp được giáo viên chuẩn bị trước bằng ngôn ngữ viết. Khi tổ chức cho học sinh lĩnh hội kiến thức trên lớp thì họ lại sử dụng đa dạng các kiểu câu: câu hỏi, câu cầu khiến, câu cảm thán, câu khẳng định, câu trần thuật. . . trong các tình huống khác nhau. 20 Ngôn ngữ hội thoại dạy học 3. Kết luận Rõ ràng, qua thực tế ngữ liệu, có thể thấy rằng, ngôn ngữ hội thoại dạy học là kiểu ngôn ngữ giao tiếp mang tính qui thức, có nét tự nhiên, sinh động, biến hóa của ngôn ngữ nói nhưng cũng rất chính xác, trừu tượng và chặt chẽ khi trình bày các vấn đề khoa học thuộc ngôn ngữ viết. Sự giao thoa này cho thấy sự vận động, chuyển hóa của các yếu tố ngôn ngữ trong quá trình hành chức đồng thời cũng chỉ ra được những nét riêng biệt, mới lạ của ngôn ngữ giao tiếp dạy học – kiểu giao tiếp quen thuộc này. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Đỗ Hữu Châu, 2001. Đại cương ngôn ngữ học, tập 2 - Ngữ dụng học. Nxb Giáo dục, Hà Nội. [2] Nguyễn Đức Dân, 1998. Ngữ dụng học, tập 1. Nxb Giáo dục, Hà Nội. [3] Hữu Đạt, 2000. Phong cách học và các phong cách chức năng tiếng Việt. Nxb Văn hóa Thông tin. [4] Nguyễn Chí Hòa, 2009. Khẩu ngữ tiếng Việt và kĩ năng rèn luyện giao tiếp. Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội. [5] Đinh Trọng Lạc, 1994. Phong cách học văn bản. Nxb Giáo dục, Hà Nội. [6] Tạ Thị Thanh Tâm, 2009. Lịch sự trong giao tiếp tiếng Việt. Nxb Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh. [7] Trần Ngọc Thêm, 1981. Bước đầu nghiên cứ hiện tượng tượng viết tắt, nói tắt trong tiếng Việt, Một số vấn đề ngôn ngữ học Việt Nam. Nxb Đại học và THCN, Hà Nội. [8] Nguyễn Xuân Thơm, 2001. Các yếu tố ngôn ngữ trong đàm phán thương mại Việt - Mĩ (đối chiếu Anh – Việt). Luận án tiến sĩ, Trường ĐHKHXH&NV ABSTRACT Some characteristics of conversational language teaching in secondary school Through actual corpus survey, this article outlines some characteristics of conver- sational language lessons in secondary school. This manner of teaching imparts charac- teristics of the spoken language (paralinguistic, residual elements residual, iteration, the strategy elements ellipsis) and includes informal conversatio
Tài liệu liên quan