Tóm tắt. Một trong những nguyên nhân dẫn đến việc dạy học các học thuyết kinh
tế của chủ nghĩa Mác – Lênin còn nhiều hạn chế là các bài giảng còn mang nặng
tính kinh viện, chưa thực sự đề cao tính thực tiễn. Bài viết này muốn nêu lên một số
biện pháp nâng cao tính thực tiễn trong dạy học phần này nhằm góp phần nâng cao
chất lượng dạy học các môn lý luận Mác – Lênin ở các trường đại học, cao đẳng
nước ta hiện nay.
5 trang |
Chia sẻ: thanhle95 | Lượt xem: 254 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Nâng cao tính thực tiễn trong dạy học các học thuyết kinh tế của chủ nghĩa Mác – Lênin ở các trường đại học, cao đẳng, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE
Educational Sci. 2012, Vol. 57, No. 4, pp. 159-163
NÂNG CAO TÍNH THỰC TIỄN TRONG DẠY HỌC
CÁC HỌC THUYẾT KINH TẾ CỦA CHỦ NGHĨA
MÁC – LÊNIN Ở CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC, CAO ĐẲNG
Trần Thị Mai Phương
Đại học Sư phạm Hà Nội
E-mail: maiphuongktct@yahoo.com
Tóm tắt. Một trong những nguyên nhân dẫn đến việc dạy học các học thuyết kinh
tế của chủ nghĩa Mác – Lênin còn nhiều hạn chế là các bài giảng còn mang nặng
tính kinh viện, chưa thực sự đề cao tính thực tiễn. Bài viết này muốn nêu lên một số
biện pháp nâng cao tính thực tiễn trong dạy học phần này nhằm góp phần nâng cao
chất lượng dạy học các môn lý luận Mác – Lênin ở các trường đại học, cao đẳng
nước ta hiện nay.
Từ khóa: học thuyết kinh tế, chủ nghĩa Mác – Lênin, tính thực tiễn, dạy học, nâng
cao, đặc điểm, nội dung.
1. Mở đầu
Nội dung môn Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin ở các trường
Đại học, cao đẳng, phần Học thuyết kinh tế của chủ nghĩa Mác – Lênin về phương thức
sản xuất tư bản chủ nghĩa có vai trò quan trọng đối với việc trang bị cho người học những
kiến thức và kĩ năng tư duy kinh tế trong nền kinh tế thị trường, hiểu khái quát quy luật
hình thành, phát triển của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, lấy đó làm cơ sở để hiểu
rõ hơn đường lối, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và nhà nước ta, giúp
người học có thêm kĩ năng sống, hình thành thế giới quan, nhân sinh quan tốt đẹp phù hợp
với hoàn cảnh kinh tế - xã hội hiện nay [1]. Tuy nhiên, việc dạy học mảng kiến thức này ở
các trường đại học, cao đẳng nước ta hiện đang gặp không ít khó khăn và chưa đạt được
hiệu quả như mong muốn. Nguyên nhân căn bản dẫn đến điều này xuất phát từ nội dung
và phương pháp dạy học môn học còn chưa thực sự phù hợp. Vì vậy, trong bài viết này
chúng tôi muốn nêu lên một số điểm cần chú ý nhằm nâng cao tính thực tiễn trong dạy
học các “học thuyết kinh tế của chủ nghĩa Mác – Lênin” góp phần nâng cao hiệu quả dạy
học môn Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin ở các trường đại học, cao
đẳng, đáp ứng yêu cầu giáo dục đào tạo đội ngũ lao động mới chất lượng cao có những
hiểu biết về kinh tế và có kĩ năng sống trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ
nghĩa ở nước ta hiện nay.
159
Trần Thị Mai Phương
2. Nội dung nghiên cứu
2.1. Đặc điểm nội dung mảng kiến thức “Học thuyết kinh tế của chủ nghĩa
Mác - Lênin về phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa”
Học thuyết kinh tế của chủ nghĩa Mác – Lênin về phương thức sản xuất tư bản chủ
nghĩa bao gồm học thuyết giá trị, học thuyết giá trị thặng dư của C. Mác và học thuyết
về chủ nghĩa tư bản độc quyền và chủ nghĩa tư bản độc quyền nhà nước của V.I. Lênin.
Nội dung các học thuyết này bao quát những nguyên lý cơ bản nhất của chủ nghĩa Mác –
Lênin về phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa và cũng có thể coi đây là những nguyên
lý cơ bản nhất về sự hình thành, phát triển nền kinh tế thị trường:
- Học thuyết giá trị cung cấp cho người học những kiến thức cơ bản chung nhất về
nền sản xuất hàng hoá.
- Học thuyết giá trị thặng dư cho người học thấy được những quan hệ kinh tế mới,
những quá trình kinh tế mang tính quy luật trong nền sản xuất hàng hoá đã phát triển ở
một trình độ cao - sản xuất hàng hoá tư bản chủ nghĩa.
- Học thuyết về chủ nghĩa tư bản độc quyền và chủ nghĩa tư bản độc quyền nhà nước
nghiên cứu những nấc thang trong quá trình phát triển và điều chỉnh của chủ nghĩa tư bản
cả về lực lượng sản xuất lẫn quan hệ sản xuất để thích ứng với những biến động mới về
kinh tế - chính trị thế giới từ đầu thế kỷ XX đến nay.
2.2. Những điểm cần chú ý để nâng cao tính thực tiễn trong quá trình dạy
học phần kiến thức này
* Cần giới thiệu cho người học thấy được sự cần thiết phải học tập các học thuyết
kinh tế về phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa của chủ nghĩa Mác- Lênin
Ngay khi bắt đầu môn học, giáo viên cần giới thiệu đặc điểm nội dung môn học,
xác định rõ học thuyết kinh tế của chủ nghĩa Mác – Lênin về phương thức sản xuất tư bản
chủ nghĩa là hệ thống các nguyên lý cơ bản về sự hình thành, phát triển nền kinh tế thị
trường tư bản chủ nghĩa. Tuy chúng được nghiên cứu từ thế kỷ trước nhưng những giá trị
thực tiễn của chúng vẫn còn nguyên vẹn đến ngày hôm nay.
Đất nước ta đang trong quá trình hình thành, phát triển kinh tế thị trường định hướng
xã hội chủ nghĩa, là những người lao động mới chuẩn bị tham gia vào nền kinh tế này mỗi
sinh viên phải trang bị cho mình những kiến thức căn bản về kinh tế thị trường, về các
mối quan hệ kinh tế, những quy tắc vận hành của nó, các quá trình có tính quy luật trong
quá trình hình thành và phát triển của nền kinh tế thị trường để từ đó hiểu biết hơn bản
chất của nền kinh tế tư bản chủ nghĩa, nắm rõ được cơ sở của những đường lối, chính sách
phát triển kinh tế xã hội của Đảng và nhà nước ta, hiểu và biết vận dụng những kiến thức
về kinh tế thị trường được học này vào thực tiễn sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của bản
thân, gia đình, đơn vị và toàn xã hội qua đó hình thành thế giới quan, nhân sinh quan đúng
đắn, phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội hiện nay [4].
160
Nâng cao tính thực tiễn trong dạy học các học thuyết kinh tế của Chủ nghĩa Mác – Lênin...
Với những gợi mở như vậy người học sẽ thấy được những giá trị thực tế của việc
học tập các học thuyết kinh tế này và tự xác định sự cần thiết phải học tập. Tránh tình
trạng để các em hiểu việc học tập các học thuyết kinh tế của chủ nghĩa Mác – Lênin về
phương thức tư bản chủ nghĩa là những lý luận chính trị mang tính kinh điển khô khan,
hơn nữa lại nghiên cứu về chủ nghĩa tư bản nên không có liên quan nhiều đến bản thân và
hiện thực cuộc sống nên không có hứng thú học tập, nghiên cứu.
* Cần giúp người học hiểu và thấy rõ giá trị thực tiễn trong từng đơn vị kiến thức
Học thuyết kinh tế của chủ nghĩa Mác – Lênin về phương thức sản xuất tư bản chủ
nghĩa là hệ thống các lý luận kinh tế được đúc kết từ muôn vàn các quan hệ kinh tế, các
quá trình kinh tế trong nền kinh tế thị trường để hình thành nên các phạm trù, khái niệm,
quy luật kinh tế mang tính phổ biến, bản chất nhất, chung nhất nên chúng thường mang
tính trừu tượng hoá cao như phạm trù giá trị, giá trị thặng dư, lợi nhuận bình quân, quy
luật giá trị. . . [2]. Vì thế, hiểu được đúng các kiến thức này đã khó và biết vận dụng chúng
một cách hiệu quả vào những hoạt động thực tiễn của mỗi người lại càng khó hơn.
Do vậy, khi dạy học các phạm trù, khái niệm, quy luật kinh tế trong các học thuyết
kinh tế cần làm cho chúng trở nên gần gũi, dễ hiểu bằng cách diễn đạt ngắn gọn cùng với
những dẫn chứng thực tế để phân tích và hình thành khái niệm.
Chẳng hạn, với vấn đề “tiền biến thành tư bản”, thay vì so sánh điểm khác nhau
giữa 2 công thức T- H - T’và H - T - H’ một cách khá phức tạp như giáo trình, chúng ta có
thể diễn đạt bằng một câu chuyện thực tế là “tiền mà chúng ta vừa nghiên cứu ở chương
trước cũng giống như tiền đang ở trong túi mỗi chúng ta bây giờ chỉ làm chức năng là
phương tiện lưu thông H –T –H’ mà thôi nhưng nếu tiền đó được mang ra đầu tư để sản
xuất, kinh doanh nó sẽ vận động theo công thức T – H –T’ để mang lại một khoản giá trị
lớn hơn mà ta gọi là giá trị thặng dư”. Vậy tiền nào có khả năng hoạt động theo kiểu như
vậy để tạo ra giá trị thặng dư cho chủ của nó sẽ là tư bản và người nào biết làm cho tiền
của mình trở thành tư bản thì người đó chính là nhà tư bản”.
Điều quan trọng tiếp theo là thông qua việc nghiên cứu các phạm trù, khái niệm,
quy luật kinh tế đó phải rút ra được những ý nghĩa thực tiễn cũng như cách thức vận dụng
những kiến thức đó vào thực tiễn.
Ví dụ khi nghiên cứu về “hàng hoá sức lao động”, mỗi nội dung nói về vấn đề này
đều có những ý nghĩa thực tiễn sâu sắc gần gũi với mỗi sinh viên mà giáo viên cần khai
thác như:
- Khái niệm “sức lao động” cho thấy sức lao động bao gồm cả thể lực và trí lực nên
khi tuyển dụng lao động nhà quản lý quan tâm đến cả trình độ chuyên môn lẫn sức khoẻ,
thể chất người lao động (nhất là chiều cao, cân nặng, tố chất hoạt bát nhanh nhẹn. . . ” nên
các em cần phải quan tâm rèn luyện nâng cao cả trình độ chuyên môn lẫn thể lực.
- Thể lực và trí lực luôn tiềm ẩn trong mỗi người và chỉ thể hiện ra khi người ta lao
động nên bằng cấp, những kiến thức có được trong quá trình học tập vẫn chỉ là tiềm năng,
quan trọng hơn là phải thể hiện nó ra bằng những kĩ năng, khả năng làm việc thông qua
161
Trần Thị Mai Phương
những hành động cụ thể nên các em cần phải chú ý học đi đôi với hành, rèn luyện kĩ năng
sống, kĩ năng giao tiếp, kĩ năng làm việc. . .
- Nghiên cứu về điều kiện để sức lao động trở thành hàng hoá cho thấy người ta chỉ
bán sức lao động (tức là đi làm thuê) khi được tự do thân thể và không tự mình tổ chức
được sản xuất kinh doanh, qua đây có thể gợi mở khuyến khích các em cần tích cực trang
bị những kiến thức cho mình và nếu có năng lực, có đủ điều kiện thì cần mạnh dạn tự tin
tổ chức sản xuất kinh doanh tạo ra việc làm cho bản thân và nhiều người khác mà không
trông chờ ỷ lại vào những chỗ làm việc ở các cơ quan nhà nước như quan niệm trước đây
của một số người.
- Nghiên cứu về giá trị sử dụng của hàng hoá sức lao động cho thấy khi làm thuê
cho người khác, người lao động không chỉ tạo ra tiền công cho mình mà còn tạo ra giá trị
thặng dư cho chủ. Ở đơn vị kiến thức này không nên dừng lại ở việc chỉ ra bản chất bóc
lột của nhà tư bản mà cần khai thác ý nghĩa thực tiễn của nó là Đảng và nhà nước ta đang
khuyến khích kinh tế tư nhân phát triển, khuyến khích mọi người làm giàu chính đáng. Bí
quyết trở thành giàu có của các ông chủ chính là biết đầu tư tổ chức sản xuất kinh doanh
trong đó sử dụng nhiều nhân công lao động có chất lượng vừa tạo ra việc làm, thu nhập
cho người lao động, vừa có thu nhập cho bản thân, gia đình và cao hơn là biết dùng những
khoản tiền lời lãi đó để đóng góp cho xã hội như đóng thuế, làm từ thiện. . .
Ví dụ trên cho thấy nếu có sự quan tâm đầu tư gắn lý luận với thực tiễn, giáo viên
hoàn toàn có thể làm cho các kiến thức trong học thuyết kinh tế của chủ nghĩa Mác –Lênin
trở nên gần gũi, sống động và hấp dẫn đối với người học.
* Phát huy tính tích cực của người học trong việc học tập và ứng dụng các kiến
thức vào thực tiễn cuộc sống
Để sinh viên có nhiều hứng khởi và tiếp thu tốt các kiến thức môn học, giáo viên
cần sử dụng nhiều biện pháp phát huy tính tích cực của người học như tổ chức thảo luận
nhóm, đàm thoại với người học trong quá trình giảng bài, giao bài tập tìm hiểu các vấn đề
về thị trường trong thực tế để sinh viên thực hiện theo nhóm hoặc từng cá nhân như: khảo
sát, tìm hiểu về chợ ở địa phương; tập phân tích tình hình biến động giá cả của một mặt
hàng cụ thể; tổ chức tham quan, tìm hiểu một số cơ sở sản xuất ở địa phương. . . để lôi
cuốn sinh viên vào học tập và hình thành những kĩ năng ban đầu về phân tích thị trường;
tổ chức các buổi thảo luận về các chủ đề như vận dụng các quy luật kinh tế đã học vào
thực tế hay liên hệ các quá trình kinh tế có tính quy luật để hình thành và phát triển kinh tế
thị trường tư bản chủ nghĩa đối với việc phát triển kinh tế thị trường ở nước ta hiện nay. . .
Ngoài việc vận dụng các kiến thức đã học đối với cuộc sống đời thường các giáo
viên cũng cần quan tâm đến đối tượng đào tạo và chú ý lấy những ví dụ hay liên hệ vận
dụng với những điều có liên quan mật thiết đến ngành nghề các em đang được đào tạo.
162
Nâng cao tính thực tiễn trong dạy học các học thuyết kinh tế của Chủ nghĩa Mác – Lênin...
3. Kết luận
Trên đây là một số điểm cần chú ý nhằm nâng cao tính thực tiễn trong quá trình dạy
học các học thuyết kinh tế của chủ nghĩa Mác – Lênin. Hy vọng những ý kiến của chúng
tôi là những gợi mở góp phần nâng cao chất lượng dạy học môn Những nguyên lý cơ bản
của chủ nghĩa Mác – Lênin ở các trường đại học và cao đẳng.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Bộ Giáo dục và Đào tạo, 2007. Giáo trình Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa
Mác – Lênin. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
[2] Bộ Giáo dục và Đào tạo, 2003. Giáo trình Kinh tế chính trị Mác – Lênin. Nxb Chính
trị Quốc gia, Hà Nội.
[3] Nguyễn Việt Dũng (chủ biên), 1999. Phương pháp dạy học kinh tế chính trị ở đại học,
cao đẳng. Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội.
[4] Trần Thị Mai Phương, 2009. Dạy học kinh tế chính trị theo phương pháp tích cực.
Nxb Đại học Sư phạm Hà Nội.
ABSTRACT
Enhancing the practicality in teaching Marxist – Leninist theories
at universities and colleges
One of the reasons for the drawbacks in teaching Marxist – Leninist economic the-
ories is that the practicality of the lessons is not paid adequate attention to and not im-
plemented effectively. This paper presents some measures to enhance the practicality in
teaching and learning this part, contributing to better quality of teaching and learning
reasoning sciences at universities and colleges in our country today.
163