Năng lực giáo viên trong bối cảnh mới và một số biện pháp góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng giáo viên

Tóm tắt. Trong bài viết này, tác giả trình bày một số năng lực giáo viên trong bối cảnh mới, theo hướng tiếp cận đề án đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo: Năng lực hiểu biết HS, cách học và sự phát triển của HS; Năng lực dạy học bộ môn; Năng lực giáo dục thông qua dạy học bộ môn; Năng lực dạy học phân hoá; Năng lực quản lí lớp học; Năng lực đánh giá. Tiếp đó, các tác giả đề xuất một số giải pháp, theo đó, các cơ sở đào tạo, ngành giáo dục có thể tham khảo góp phần đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên trong bối cảnh mới. Các biện pháp này là kết quả tổng kết quá trình thực hiện nghiệp vụ điều hành, tổ chức các hoạt động đào tạo nghiệp vụ sư phạm tại trường ĐHSP Hà Nội, đồng thời, nó cũng là kết quả của những khảo cứu một số cách thức tổ chức, đào tạo giáo viên của một số nước tiên tiến.

pdf6 trang | Chia sẻ: thanhle95 | Lượt xem: 81 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Năng lực giáo viên trong bối cảnh mới và một số biện pháp góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE Educational Science in Mathematics, 2014, Vol. 59, No. 2A, pp. 151-156 This paper is available online at NĂNG LỰC GIÁO VIÊN TRONG BỐI CẢNHMỚI VÀ MỘT SỐ BIỆN PHÁP GÓP PHẦN NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG GIÁO VIÊN Nguyễn Văn Thái Bình1, Đỗ Thị Trinh2, Nguyễn Tiến Trung3 1Phòng Đào tạo, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2Khoa Toán, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Thái Nguyên 3Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Tóm tắt. Trong bài viết này, tác giả trình bày một số năng lực giáo viên trong bối cảnh mới, theo hướng tiếp cận đề án đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo: Năng lực hiểu biết HS, cách học và sự phát triển của HS; Năng lực dạy học bộ môn; Năng lực giáo dục thông qua dạy học bộ môn; Năng lực dạy học phân hoá; Năng lực quản lí lớp học; Năng lực đánh giá. Tiếp đó, các tác giả đề xuất một số giải pháp, theo đó, các cơ sở đào tạo, ngành giáo dục có thể tham khảo góp phần đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên trong bối cảnh mới. Các biện pháp này là kết quả tổng kết quá trình thực hiện nghiệp vụ điều hành, tổ chức các hoạt động đào tạo nghiệp vụ sư phạm tại trường ĐHSP Hà Nội, đồng thời, nó cũng là kết quả của những khảo cứu một số cách thức tổ chức, đào tạo giáo viên của một số nước tiên tiến. Từ khóa: năng lực giáo viên; đào tạo giáo viên; bồi dưỡng giáo viên. 1. Mở đầu Theo [6], Đảng ta chỉ rõ, mục tiêu cụ thể đối với giáo dục phổ thông “tập trung phát triển trí tuệ, thể chất, hình thành phẩm chất, năng lực công dân, phát hiện và bồi dưỡng năng khiếu, định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chú trọng giáo dục lí tưởng, truyền thống, đạo đức, lối sống, ngoại ngữ, tin học, năng lực và kĩ năng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn”, “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ các yếu tố cơ bản của giáo dục, đào tạo theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực của người học”, theo đó: “Trên cơ sở mục tiêu đổi mới giáo dục và đào tạo, cần xác định rừ và cụng khai mục tiêu, chuẩn đầu ra của từng bậc học, môn học, chương trình, ngành và chuyờn ngành đào tạo. Coi đó là cam kết bảo đảm chất lượng của cả hệ thống và từng cơ sở giáo dục và đào tạo; là căn cứ giám sát, đánh giá chất lượng giáo dục, đào tạo. Đổi mới chương trình nhằm phát triển năng lực và phẩm chất người học, hài hòa đức, trí, thể, mĩ; dạy người, dạy chữ và dạy nghề. Đổi mới nội dung giáo dục theo hướng tinh giản, hiện đại, thiết thực, phù hợp với lứa tuổi, trình độ và ngành nghề; tăng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn,...” Liên hệ: Nguyễn Tiến Trung, e-mail: trungnt@hnue.edu.vn 151 Nguyễn Văn Thái Bình, Đỗ Thị Trinh và Nguyễn Tiến Trung Như vậy, phát triển năng lực là định hướng phù hợp đối với nền giáo dục Việt Nam trong bối cảnh mới. Theo đó, ngành giáo dục nói chung, các trường đại học, cao đẳng đào tạo giáo viên nói riêng cần có những điều chỉnh nhất định để đảm bảo đầu ra của mình - giáo viên - đáp ứng được yêu cầu giảng dạy mới. Điều này là một yêu cầu thực tiễn không chỉ dành cho các đơn vị đào tạo giáo viên mà còn là bài toán đặt ra đối với ngành Giáo dục. Hiện nay, nhiều GV không được chuẩn bị để đối phó với nhiệm vụ mới, bối cảnh mới với sự tiến bộ của giáo dục nói riêng, xã hội nói chung. Nhiều GV được tuyển dụng biết ít hoặc không biết được những vấn đề cơ bản về trẻ em, chương trình giảng dạy, ... một cách sâu sắc, đặc biệt là vùng núi, vùng khó khăn. Và ngay cả khi họ đã được chuẩn bị trong quá khứ thì không phải mọi sự chuẩn bị đó có thể đáp ứng được nhu cầu cho một nền giáo dục tiến bộ, phát triển sôi động như hiện nay [1]. Nhiều lí thuyết dạy học tiến bộ được vận dụng trong dạy học, sự ứng dụng công nghệ thông tin một cách thực thụ trong dạy học vẫn còn diễn ra với quy mô, mức độ rất khiêm tốn [3,4]. Trong bài viết này, chúng tôi đề xuất một số nội dung liên quan đến năng lực giáo viên và đào tạo theo hướng phát triển năng lực giáo viên. Các đề xuất này là kết quả tổng kết quá trình thực hiện nghiệp vụ điều hành, tổ chức các hoạt động đào tạo nghiệp vụ sư phạm tại trường ĐHSP Hà Nội, đồng thời, nó cũng là kết quả tìm hiểu một số cách thức tổ chức, đào tạo giáo viên của một số nước tiên tiến, trong đó có Mĩ. Những đề xuất được trình bày với mong muốn, căn cứ vào thực tiễn tìm hiểu thực tiễn đào tạo giáo viên, hoạt động giảng dạy của giáo viên trong nhà trường phổ thông. 2. Nội dung nghiên cứu 2.1. Một số năng lực của giáo viên trong bối cảnh mới Trong nhiều năm vừa qua, ngành giáo dục nói chung, các cơ sở đào tạo giáo viên nói riêng đều đã có những quy chuẩn của riêng mình xác định các nội dung đào tạo giáo viên (hiện nay là một hệ thống quy định các tín chỉ chung, tín chỉ riêng cho đào tạo giáo viên từng bộ môn). Tuy vậy, trong bối cảnh mới, tiếp cận với các lí thuyết giáo dục hiện đại, phù hợp với sự tiến bộ không ngừng của xã hội, cần có cách tiếp cận năng lực trong việc đào tạo giáo viên. Theo [1-4], hiện nay trên thế giới tập trung vào một số năng lực của giáo viên mà chúng tôi sẽ trình bày dưới đây. Đó là những năng lực cơ bản cần bồi dưỡng và đánh giá ở giáo viên, góp phần nâng cao chất lượng dạy học, giáo dục. Ở một khía cạnh nào đó, các năng lực chúng tôi kể dưới đây đã và đang được đào tạo, bồi dưỡng trong các cơ sở đào tạo giáo viên. Tuy vậy, việc nêu tên, xác định là mục tiêu, góp phần sâu sắc thêm các nội dung đào tạo vẫn là một công việc cần thiết. Năng lực hiểu biết HS, cách học và sự phát triển của HS: GV cần phải hiểu biết học sinh của mình về năng lực (theo môn học); kĩ năng; thái độ; các năng lực xã hội chung và cả hoàn cảnh gia đình. Hiện nay, do điều kiện xã hội, nhiều giáo viên không có nhiều thời gian cho việc tìm hiểu gia đình học sinh, không có điều kiện đánh giá học sinh (bằng chứng là trong học bạ hay sổ liên lạc của học sinh chúng tôi thấy không nhiều sự khác biệt về nội dung đánh giá theo thời gian và từng cá nhân học sinh). Tiếp đó, để thực hiện tốt nhiệm vụ dạy học, GV cần phải nắm được cơ sở tâm lí, giáo dục học của sự phát triển, học tập của HS. Ngoài ra, cần phải nắm được thói quen học tập, phong cách học tập mang tính địa phương và cá nhân của học sinh, tập thể học sinh. Chẳng hạn, thói quen học tập của học sinh nông thôn khác với học sinh ở thành phố, cách học của học sinh này thì thường khác với cách học của học sinh khác ở mỗi môn học. 152 Năng lực giáo viên trong bối cảnh mới và một số biện pháp góp phần nâng cao... Năng lực dạy học bộ môn: Có thể nói rằng, chúng ta rất quen với cách dạy - học trong đó giáo viên trình bày nội dung dạy học, giúp học sinh ghi nhớ, hướng dẫn học sinh thực hành rồi tổ chức cho học sinh làm bài tập. Những hiểu biết cần thiết về chương trình của giáo viên cần được thể hiện là nắm vững chương trình môn học, tính logic và sư phạm của các nội dung dạy học quy định trong chương trình, tính liên thông và sự tích hợp các môn học, biết cách soạn và thực hiện các giáo án giảng dạy một cách có hệ thống, được phản ánh tốt trong các hoạt động tại lớp và trong đánh giá. Trong quá trình dạy học, GV cần phải là người chủ động trong việc sử dụng các phương pháp, phương tiện, kĩ thuật dạy học trong việc tổ chức các hoạt động học tập của học sinh theo quy mô lớn (cả một cấp học, năm học) và cả quy mô nhỏ hơn (một chương, một chủ đề, một tiết học). Họ cần phải là người nắm được một cách chung nhất, khi dạy nội dung dạy học nào, nên sử dụng các phương pháp, phương tiện, kĩ thuật dạy học nào cho có hiệu quả cao nhất. Một yêu cầu quan trọng, đáp ứng nhu cầu dạy học tích hợp hiện nay, là GV phải có năng lực dạy học tích hợp: Nắm được chương trình, cách dạy học tích hợp đối với môn học mình phụ trách. Năng lực giáo dục thông qua dạy học bộ môn: Chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng, dạy học mỗi bộ môn là góp phần vào giáo dục nhân cách con người nói chung, đáp ứng nhu cầu của xã hội. Do đó, trong quá trình dạy học, người thầy phải chú ý đến nhiều mục đích khác nhau: dạy tri thức và kĩ năng học tập; hướng nghiệp; định hướng và xây dựng trách nhiệm công dân; góp phần rèn luyện kĩ năng sống; bồi dưỡng thế giới quan và nhân sinh quan khoa học. Theo chúng tôi, hiện nay nhiều GV ít có điều kiện quan tâm tới lãnh vực này. Thường thì giáo viên dạy học bộ môn phó thác việc giáo dục đạo đức, lối sống, thế giới quan, nhân sinh quan nói chung, giáo dục hướng nghiệp, giáo dục công dân cho các GV dạy các môn Giáo dục công dân, giáo viên chủ nhiệm. Thực tiễn này có nhiều nguyên nhân khách quan khác nhau, chẳng hạn như quy định chương trình khiến GV dành hầu hết thời gian cho việc dạy-học các tri thức, rèn luyện kĩ năng bộ môn. Tuy vậy, chính các môn học, riêng nó, có thể góp phần giáo dục những kĩ năng tư duy đặc thù, có thể vận dụng nhiều trong đời sống, có khả năng bồi dưỡng nhân sinh quan cho học sinh mà nhiều khi các giáo viên dạy Giáo dục công dân không hoặc không thể khai thác hấp dẫn được. Năng lực dạy học phân hoá: Trong bối cảnh hiện nay, người giáo viên phải đối mặt với một nền giáo dục ưu tiên phát triển con người một cách tối đa: khi đó GV phải dạy học theo năng lực của mỗi học sinh. Như vậy, GV cần đánh giá được năng lực của mỗi học sinh trong lớp, có phương án dạy học riêng trong một phương án dạy học tổng thể chung cho cả lớp học với các trình độ năng lực, thái độ khác nhau (chưa kể tới các khác biệt bao hàm trong khái niệm giáo dục đặc biệt). GV cũng phải tính tới kế hoạch dạy học trong đó còn có sự khác biệt về văn hoá: học sinh có thể đến từ các vùng miền khác nhau, dân tộc khác nhau. GV cũng cần xây dựng nên một bản đồ dạy học (trong đó chứa đựng các thông tin sư phạm chi tiết về mỗi học sinh của lớp theo tiến trình thời gian: họ và tên, gia đình, địa chỉ, nghề nghiệp bố mẹ, đánh giá về năng lực và kĩ năng theo từng giai đoạn, ...). Năng lực quản lí lớp học: Việc quản lí lớp học được hình dung như là việc thiết lập và thực hiện các nội quy và quy tắc ứng xử trên lớp. Chúng tôi cho rằng, hiện nay, chúng ta có những nội quy và quy tắc ứng xử khá chặt chẽ trong nhà trường. Nhưng cần phải bàn tới hai điều: Thứ nhất, cần thiết lập các nội quy và quy tắc ứng xử sao cho tôn trọng hơn nữa tự do cá nhân, hướng tới đào tạo những con người tự do, dân chủ. Nghĩa là, các quy tắc ứng xử, nội quy cần điều chỉnh mối quan hệ giữa thầy và trò trong nhà trường sao cho phát huy được sự độc lập, dân chủ và tương tác hai chiều. Điều này cũng đã được chứng minh là tích cực cho sự phát triển của học sinh, chẳng 153 Nguyễn Văn Thái Bình, Đỗ Thị Trinh và Nguyễn Tiến Trung hạn trong quá trình nhận thức năng động và sinh động của họ. Thứ hai, nội quy và các quy tắc ứng xử cần phải được tôn trọng trong thực hiện với sự gương mẫu của GV, cần phải được sự xây dựng và góp ý của học sinh chứ không phải là sự áp đặt không phải lúc nào cũng đầy đủ căn cứ của nhà trường và GV. Chẳng hạn như việc điều chỉnh các mối quan hệ giữa học sinh với HS, giữa học sinh với tập thể lớp, ... và ngay cả mối quan hệ giữa GV và HS là những mối quan hệ mà chủ thể HS tham gia, cần phải có ý kiến một cách chung nhất của họ trong quá trình thiết lập và thực hiện. Tất cả những việc này được thực hiện với mục tiêu xây dựng một môi trường học tập tích cực và dân chủ, học sinh được là chủ thể trong quá trình học tập, trong mối quan hệ trong xã hội thu nhỏ là nhà trường và lớp học, để họ thể hiện hết được năng lực của mình. Về vấn đề này, chúng tôi cũng nhận thấy rằng, hiện nay, xã hội nhà trường mặc dù xây dựng một hệ thống quy tắc ứng xử chặt chẽ nhưng có phần chưa gắn liền với thực tiễn cuộc sống. Điều này gây ra một sự đối lập không cần thiết ở một số lãnh vực nào đó giữa đời sống nhà trường và đời sống xã hội. Chẳng hạn, chúng ta thường coi mọi ý kiến phản đối, trái chiều của học sinh đối với thầy cô là sai, là không thể chấp nhận, HS không dám hoặc ít nhất không dám trực tiếp nói lên ý kiến, tình cảm của mình. Một trong những cách có thể được thực hiện là lấy ý kiến dân chủ của HS trong việc xây dựng các quy định, nội quy trong nhà trường, bởi họ là chủ thể đa số trong các quan hệ xã hội trong xã hội nhà trường. Năng lực đánh giá: Năng lực đánh giá của GV được thể hiện qua hai phần riêng biệt: năng lực đánh giá học sinh và năng lực đánh giá quá trình dạy học. Năng lực đánh giá HS giúp GV đánh giá học sinh ở trình độ hiện tại, quá trình học tập và kết quả học tập. Khi đó, GV cần đánh giá được năng lực hiện tại của học sinh, đối chiếu với năng lực quy định trong mục tiêu dạy học, đánh giá quá trình học tập của học sinh, đánh giá các kết quả đạt được và so sánh nó với quy định năng lực đạt được của chuẩn chương trình. Năng lực này giúp GV có điều kiện đánh giá lại quá trình đánh giá HS của mình; đánh giá lại quá trình dạy học làm cơ sở rút kinh nghiệm, điều chỉnh cho chính mình trong quá trình dạy học tiếp theo. Từ việc trình bày một số năng lực của GV ở trên và các nghiên cứu, khảo sát một số tư liệu về công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, chúng tôi đề xuất một số biện pháp góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng giáo viên. 2.2. Một số biện pháp góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng giáo viên 2.2.1. Đối với các cơ sở đào tạo giáo viên - Cần phải xác định mối liên hệ giữa mục tiêu đào tạo con người nói chung, đào tạo HS nói riêng, với mục tiêu đào tạo giáo viên để xác định các năng lực giáo viên trong bối cảnh mới. Nghĩa là, căn cứ vào chuẩn đầu ra của học sinh, phải xác định lại, điều chỉnh chuẩn đầu ra của đào tạo giáo viên. Theo chúng tôi, cần có nhiều nhất các tiêu chí có thể đánh giá tốt, có thể lượng hoá được. - Từ việc xác định chuẩn năng lực đầu ra của giáo viên, xác định các nội dung đào tạo giáo viên. Nghĩa là, cần xác định rõ đào tạo giáo viên là đào tạo một nghề. Nghề này có đặc thù về năng lực chuyên môn và các kĩ năng nghề nghiệp. Chẳng hạn, theo như khảo sát chương trình chi tiết giáo dục đại học (theo học chế tín chỉ) ngành đào tạo sư phạm toán (Trình độ đào tạo Đại học; Mã ngành: D140209; Loại hình đào tạo: Chính quy; trường ĐHSP Hà Nội) thì có tổng số 39 tín chỉ đào tạo về tâm lí học, giáo dục học, lí luận dạy học bộ môn, phương pháp và phương tiện dạy học 154 Năng lực giáo viên trong bối cảnh mới và một số biện pháp góp phần nâng cao... bộ môn, ... trong tổng số 130 tín chỉ. Trong số 29 tín chỉ đó, có 15 tín chỉ đào tạo về lí luận (trong đó có 4 tín chỉ tự chọn), có 14 tín chỉ đào tạo thực hành như thực tập sư phạm, kĩ năng giao tiếp sử dụng phần mềm toán, khai thác công nghệ thông tin trong toán (trong đó có 6 tín chỉ tự chọn). Như vậy, chúng tôi nhận thấy rằng có ít tín chỉ dành cho đào tạo nghề. Với mục tiêu đào tạo những GV có tay nghề hơn là những cử nhân sư phạm nghiên cứu, cần đào tạo theo hướng tăng thêm một số tín chỉ dành cho đào tạo nghề, sao cho quá trình đào tạo nghề phải gắn dài hơn nữa với nhà trường phổ thông. - Cũng cần xác định rõ hơn, giáo viên dạy học ở phổ thông với giáo viên dạy học ở đại học, cao đẳng mà từ đó xác định lại các nội dung đào tạo cho phù hợp. Điều này tránh được cái thừa và cái thiếu trong giáo dục. Chẳng hạn, cần có những nội dung đào tạo sao cho có cái nhìn từ toán học cao cấp, soi sáng một số vấn đề toán học sơ cấp; có sự liên thông, liên hệ giữa các môn học và phân môn trong chương trình dạy học ở phổ thông; có sự liên thông giữa các cấp trong quá trình đào tạo. - Giáo dục tầm nhìn, kĩ năng giáo dục chung và kĩ năng giáo dục thông qua môn học, đáp ứng yêu cầu đào tạo con người mới hội nhập và khẳng định mình. - Tăng cường đào tạo các kĩ năng nghề nghiệp thông qua thực hành dạy học. Điều này cần phải có sự phối hợp của các chuyên gia dạy học trong đào tạo giáo viên. Họ là những giáo viên giỏi, nhiều kinh nghiệm trong quá trình dạy học bộ môn. Hiện nay, với kinh phí hạn chế chi cho đội ngũ GV hướng dẫn thực tập ở các nhà trường rất hạn chế, nên không khai thác được hết tiềm năng của đội ngũ giáo viên giàu kinh nghiệm ở các nhà trường. - Đào tạo giáo viên theo hướng giúp GV chủ động tiếp cận, khai thác, xử lí thông tin trong dạy học, trong tiếp thu, trong đổi mới quá trình dạy học. 2.2.2. Đối với ngành giáo dục Cần tạo cơ chế đổi mới theo hướng nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo giáo viên: - Xác định năng lực HS làm một cơ sở quan trọng cho việc xác định năng lực dạy học của GV, từ đó xác định mục tiêu đào tạo giáo viên. - Xác định công tác bồi dưỡng thường xuyên giáo viên là một công tác quan trọng, cần phải đầu tư nhân lực và tài chính mạnh mẽ hơn nữa sao cho: bồi dưỡng thường xuyên giáo viên và kiểm tra-đánh giá là công tác không kém quan trọng hơn đào tạo giáo viên. - Thành lập một cơ quan độc lập quản lí, cấp chứng chỉ đảm bảo chất lượng giáo viên, đảm bảo tính chính xác cho quá trình nâng lương giáo viên theo từng năm, xác định theo chứng chỉ. Đây là bộ phận độc lập, hoạt động chuyên môn giáo dục và giảng dạy chứ không phải là bộ phận có chức năng quản lí nhà nước. Chúng ta có thể hình dung như một tổ chức độc lập cấp chứng chỉ đánh giá năng lực ngôn ngữ theo khung tham chiếu châu Âu (CEFR) dành cho các giáo viên dạy tiếng Anh hiện nay. - Xây dựng cơ chế, quy trình cố vấn dạy học theo hướng: Phổ biến các kinh nghiệm giảng dạy (bài giảng, video, ...) một cách rộng rãi, góp phần nâng cao chất lượng dạy học. - Tổ chức đánh giá tập sự, yêu cầu đối với giáo viên tập sự cao hơn. Bởi lẽ, đây là đội ngũ năng động nhất, có cơ hội nhiều nhất tiếp cận với những phương pháp, kĩ thuật dạy học mới, nhiều hoài bão, ước mơ trong nghề nghiệp của mình. Điều này giúp họ sẽ nỗ lực nhiều, có nhiều đóng góp và hoạt động thiết thực cho đổi mới quá trình dạy học. 155 Nguyễn Văn Thái Bình, Đỗ Thị Trinh và Nguyễn Tiến Trung - Tăng kinh phí cho đào tạo giáo viên. Chẳng hạn có học bổng dành cho việc đào tạo giáo viên chất lượng cao. Một nguồn kinh phí có thể được lấy ra từ việc đánh giá nhu cầu giáo viên, thống kê số giáo viên đào tạo, lấy lại toàn bộ số kinh phí đào tạo thừa (nếu có) chi cho việc đào tạo giáo viên theo nhu cầu xã hội. 3. Kết luận Hướng tới mục tiêu giáo dục là phát triển năng lực của học sinh, chúng ta cần cải tiến việc đào tạo giáo viên theo hướng phát triển năng lực. Trên cơ sở xác định một số năng lực cơ bản cần đào tạo, bồi dưỡng cho GV, các cơ sở đào tạo giáo viên, ngành giáo dục cần có những điều chỉnh và quyết sách phù hợp để đào tạo và bồi dưỡng được một lớp giáo viên mới, sẵn sàng và đủ sức đối phó với những thách thức của giáo dục trong bối cảnh mới. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Viện Hàn lâm giáo dục quốc gia Mĩ, 2011. Người thầy giỏi ở mọi lớp học. Nxb Trẻ. [2] Viện Hàn lâm giáo dục quốc gia Mĩ, 2011. John Dewey về giáo dục. Nxb Trẻ. [3] Robert J. Marzano, 2011. Nghệ thuật và khoa học dạy học. Nxb Giáo dục Việt Nam. [4] Robert J. Marzano, 2011. Quản lí hiệu quả lớp học (Người dịch: Phạm Trần Long). Nxb Giáo dục Việt Nam. [5] Phòng Đào tạo, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, 2012. Chương trình chi tiết giáo dục đại học (theo học chế tín chỉ), trình độ đào tạo Đại học, ngành Sư phạm Toán, loại hình chính quy, mã ngành D140209. [6] Đảng Cộng sản Việt Nam, 2013. Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. ABSTRACT The teaching capacity of new teachers and ways to improve the quality of teacher training and education in general In this article, the author presents teacher capacity in the context of a project approach towards radical innovations, comprehensive education and training with a focus on understanding student learning and development;the ability to teach a subject; and the ability to manage a class and make an assessment. The authors propose a number of solutions, in which, the training facilities, the education sector can refer to innovate and contribute to improving the quality of teacher training in the new context. These measures are derived from actual management processes and organization of pedagogic training activities at Hanoi National University of Education and at universities in some other countries. 156