Khi phân tích nghĩa của từ, chúng ta đã tạm thời cô lập hoá hai bình diện ngôn
ngữ và lời nói để xem xét nghĩa của từ trong ngôn ngữ như một hệ thống tĩnh.
Còn một vấn đề nữa là trong hoạt động ngôn ngữ thì về phương diện nghĩa, từ
sẽ như thế nào?
Tuy ngôn ngữ và lời nói không tách biệt nhau, nhưng về nguyên tắc nghiên
cứu, nhiều khi sự cô lập hoá tạm thời như vậy vẫn là cần thiết và hữu ích.
1. Khi từ đi vào hoạt động ngôn ngữ, nghĩa của nó được hiện thực hoá, cụ thể
hoá và được xác định. Lúc đó, các thành phần nghĩa trong cơ cấu nghĩa của từ
sẽ giảm dần tính trừu tượng và khái quát đến mức tổi thiểu để đạt tới tính xác
định, tính cụ thể ở mức tối đa.
9 trang |
Chia sẻ: tranhoai21 | Lượt xem: 1875 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Nghĩa của từ trong hoạt động ngôn ngữ, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Nghĩa của từ trong hoạt động ngôn ngữ
Khi phân tích nghĩa của từ, chúng ta đã tạm thời cô lập hoá hai bình diện ngôn
ngữ và lời nói để xem xét nghĩa của từ trong ngôn ngữ như một hệ thống tĩnh.
Còn một vấn đề nữa là trong hoạt động ngôn ngữ thì về phương diện nghĩa, từ
sẽ như thế nào?
Tuy ngôn ngữ và lời nói không tách biệt nhau, nhưng về nguyên tắc nghiên
cứu, nhiều khi sự cô lập hoá tạm thời như vậy vẫn là cần thiết và hữu ích.
1. Khi từ đi vào hoạt động ngôn ngữ, nghĩa của nó được hiện thực hoá, cụ thể
hoá và được xác định. Lúc đó, các thành phần nghĩa trong cơ cấu nghĩa của từ
sẽ giảm dần tính trừu tượng và khái quát đến mức tổi thiểu để đạt tới tính xác
định, tính cụ thể ở mức tối đa.
Ví dụ, từ "chân" trong tiếng Việt, với tư cách là đơn vị của ngôn ngữ có 6
nghĩa khác nhau (theo Từ điển tiếng Việt. H., 1988). Cơ cấu đó đã được xây
dựng nên một cách khái quát, và khi nhận thức từ này dưới dạng một từ của
ngôn ngữ, từ từ điển, thì người ta hướng đến nó như một cái nhìn tổng thể
chung. Chỉ khi nào đi vào những phát ngôn cụ thể như:
– Mong cho chân cứng đá mềm.
– Chân đi chữ bát, mắt thì hướng thiên.
– ...
thì một trong 6 nghĩa của từ này mới được bộc lộ, được cụ thể hoá và được xác
định. Chính vì không bị ràng buộc cố định vào một hoặc một phạm vi sự vật
nào đó nên các đơn vị từ ngữ mới có được khả năng hoạt động rộng rãi và trở
nên có tính khái quát cao, để rồi, khi đi vào hoạt động trong văn bản mới trở
thành cụ thể và xác định.
2. Mặt khác, cũng trong hoạt động ngôn ngữ, đồng thời với sự giảm thiểu tính
khái quát thì từ lại có thể được gia tăng những sắc thái mới, nội dung mới do
chính sự vật mà nó biểu thị đem lại. Chẳng hạn, xét các từ máu, lửa, rũ, bùn
trong câu:
"Nước Việt Nam từ máu lửa
Rũ bùn đứng dậy sáng loà". (Nguyễn Đình Thi)
Ở đây, các từ nêu trên không chỉ đơn thuần mang các nội dung ngữ nghĩa vốn
có của chúng nữa. Chúng đã mang những sắc thái mới, sắc thái bổ sung mà chỉ
trong những bối cảnh sử dụng như ở diễn từ (discourse) này mới có được. Các
biểu vật máu, lửa, bùn,... không phải chỉ là máu, lửa và bùn như trong từ điển
chỉ ra, giải thích nữa.
Cái gọi là các nghĩa ngữ cảnh của từ đã được xây dựng và nảy sinh trong
những điều kiện như vậy. Và cái gọi là các phép ẩn dụ, hoán dụ tu từ học cũng
được thực hiện trên cơ sở đó. Ví dụ:
Ông đã ngủ một giấc 30 năm, rồi đến khi đất nước hoàn toàn giải phóng ông
mới bừng tỉnh.
Trong giao tiếp, nhiều khi nghĩa ngữ cảnh, nghĩa lâm thời, nghĩa được hiểu
ngầm, hiểu lại,... nhờ các thủ pháp tu từ, mới chính là cái quan trọng hàng đầu,
nhất là trong khi xây dựng, tiếp nhận và phân tích các diễn từ, các văn bản
nghệ thuật.
Ví dụ 1. Số từ 100 trong câu ca dao:
Yêu nhau vạn sự chẳng nề
Một trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng
không còn là số đếm đúng 100 nữa. Nó đã mang nghĩa nhiều và chỉ được nhận
thức với ý nghĩa đó mà thôi.
Ví dụ 2. Các từ ngày mai, nhen, lửa, tia, hồng trong đoạn văn sau đây cũng
vậy. Chúng không còn chỉ biểu thị nghĩa trực tiêp như trong từ điển nữa. Đó
chỉ là các nghĩa cơ sở, làm nền tảng cho người ta nhận thức các nghĩa chuyển
tiếp xa hơn:
"Tôi muốn nói với các em một điều: các em ngày mai lớn lên, ai chẳng có một
sự nghiệp? Và trong số các em sao lại chẳng có những anh hùng? Khi ấy, hãy
nhìn lại mà xem, trong sự nghiệp mà chúng ta đã làm, đừng bao giờ quên một
tia lửa hồng mà người thầy giáo thân yêu của chúng ta đã nhen lên trong lòng
chúng ta ngay từ những ngày thơ ấu" (Xuân Trình).
3. Các từ kết hợp vớ nhau theo quy tắc ngữ pháp và ngữ nghĩa, bộc lộ khả năng
kết hợp từ vựng và kết hợp ngữ pháp của mình, nhưng hai loại quy tắc này
không phải bao giờ cũng song hành với nhau.
a – Có những câu hoàn toàn đúng về mặt ngữ pháp, nhưng lại không chấp nhận
được về mặt ngữ nghĩa hoặc logic (trong điều kiện thông thường). Ví dụ:
– "Những tư tưởng xanh lục không màu đang ngủ một cách giận dữ" (N.
Chomsky)
– "Thóc giống cắn chuột trong bồ
Hàng trăm lá mạ đuổi vồ con trâu". (ca dao)
b – Ngược lại, có những câu lại chứa những kết hợp từ được chấp nhận, được
hiểu về mặt ngữ nghĩa, nhưng rõ ràng là có cái gì đó bất thường về ngữ pháp.
Ở đây, từ dã có những biến động, thậm chí biến động rất quan trọng về bản
chất từ vựng ngữ nghĩa cũng như bản chất ngữ pháp của mình. Hiện tượng vẫn
quen gọi là lâm thời chuyển nghĩa từ loại, cũng như việc sử dụng từ vốn thuộc
phạm trù này trong ý nghĩa, chức năng của từ thuộc phạm trù khác,... là những
ví dụ chứng minh cho tính linh động như thế.
Chẳng hạn:
– "Tôi thấy chúng tôi thay đổi. Tiếng nói khác đi. Mặt hơi trứng cá" (Nam
Cao).
– "Tôi ra con xe. Tôi nhảy con mã sang bên này. Tôi vào tướng thì bên kia hết
chiếu."
c – Khi kết hợp với nhau, các từ chẳng những phải tuân theo quy tắc ngữ pháp
mà còn phải tuân theo quy tắc ngữ nghĩa. Chung phải tương hợp với nhau về
nghĩa.
Người ta coi hai từ A và B là tương hợp với nhau về nghĩa khi A đòi hỏi ở B
một nghĩa tố s thì B không được chứa và cho xuất hiện nghĩa tố đối lập -s, và
ngược lại.
Vậy một kết hợp từ sẽ được coi là đúng hay sai tuỳ theo nó có thoả mãn điều
kiện nêu trên hay không. Ví dụ:
– "Một con chó ốm". Câu đúng, vì:
"chó": động vật...
"ốm": trạng thái... động vật
– "Một con chó chết đang thở gấp". Câu sai vì:
"chó": động vật...
"chết": mất khả năng trao đổi chất
"thở": hoạt động trao đổi chất
Vậy chứng tỏ rằng khi hai từ A và B kết hợp với nhau thì chúng phải cùng
chứa một nghĩa tố giống nhau.
Tuy nhiên, thực tế vẫn có những kết hợp bất thường mà lại chấp nhận được và
được coi là hay, bởi đó là những câu, những kết hợp đòi hỏi phải có sự hiểu lại,
hoặc chúng được tạo dựng nhờ các thủ pháp tu từ như: nhân hoá, vật hoá hoặc
cố tình vi phạm nguyên tắc tương hợp về nghĩa để gây hiệu quả tu từ.
Ví dụ 1. "Thầy lí vội sủa lên mấy tiếng. Anh chồng bèn lấy thước phang cho
một trận." (Văn học dân gian)
Từ "sủa" chỉ kết hợp với "chó", nhưng ở đây, "thầy lí" đã được vật hoá, và câu
trên được chấp nhận.
Ví dụ 2. Trong các câu sau đây, những thuộc tính của người đã được gán cho
chó và cào cào theo lối nhân hoá để trong kết hợp từ, sự tương hợp về nghĩa
vẫn được bảo đảm.
– "Nhưng kẻ lên tiếng trước nhất là con Mực (...) Nó đứng lặng vẫy đuôi, đầu
cúi xuống, hai mắt nhèm ươn ướt nhìn đất như tủi phận." (Nam Cao)
– "Những chị cào cào trong làng ra, mĩ miều áo đỏ áo xanh mớ ba mớ bảy,
từng bước chân chầm chậm, khoan thai, khuôn mặt trái xoan như e thẹn, như
làm dáng, như ngượng ngùng." (Tô Hoài)
Ví dụ 3. Xét các câu sau:
"Đời y sẽ mốc lên, sẽ gỉ đi, sẽ mòn, sẽ mục ra ở một xó nhà quê (...) Rồi y sẽ
chết mà chưa làm gì cả, chết mà chưa sống! (...) Chết là thường, Chết ngay lúc
sống mới thật là nhục nhã." (Nam Cao)
Ở đây, để hiểu được người nói (tác giả) muốn nói gì, cần có sự "hiểu lại" biểu
vật và biểu niệm của từ: sống và chết. Chúng đã có sự xê dịch. Cần phải hiểu
sống trong kết hợp chết mà chưa sống có nghĩa là sống mà như chưa sống hoặc
không phải là sống; chết trong kết hợp chết ngay trong lúc sống có nghĩa là
chưa chết mà như đã chết rồi.
Biểu niệm trong các từ đó, ở trường hợp cụ thể này là quan niệm về ý nghĩa
của cái chết và cái sống trong cuộc đời con người chứ không còn là biểu niệm
hay biểu vật thông thường vốn có của chúng nữa. Chính tác giả Nam Cao đã
trình bày: "Làm để có ăn, ăn để sống, sống để đợi chết,... cả cuộc đời chỉ thu
gọn vào mấy việc đó thôi ư? (...) Sống để làm một cái gì đẹp hơn nhiều, cao
quý hơn nhiều. Mỗi người sống, phải làm thế nào cho phát triển đến tận độ
những khả năng của loài người chứa đựng ở trong mình. Phải gom góp sức lực
của mình vào công cuộc tiến bộ chung. Mỗi người chết đi phải để lại một chút
gì cho nhân loại. Có thú vị gì là cái lối sống co quắp vào mình, cái lối sống quá
ư loài vật, chẳng còn biết một việc gì ngoài cái việc kiếm thức ăn đổi vào cái
dạ dày" (Xem Hoàng Phê. Ngôn ngữ, số 3–4/1981).
Ví dụ 4. Những câu như sau đây đã được tạo dựng bằng sự vi phạm nguyên tắc
tương hợp nghĩa để gây hiệu quả tu từ.
"Nhiều anh con trai làng thấy cố có sắc lại có vốn, muốn hỏi cô làm vợ để
được cưới cả cô lẫn cái vốn của cô." (Nam Cao)
Ở đây, từ "cưới" có nghĩa tố "động vật" đòi hỏi bộ ngữ của nó phải đáp ứng
nghĩa tố. Thế nhưng từ "vốn" lại bộc lộ nghĩa tố "bất động vật". Nguyên tắc
tương hợp nghĩa đã được vi phạm một cách cố ý để gây hiệu quả tu từ là sự
mỉa mai.
Như đã nói, khi đến với ngữ nghĩa là chúng ta bước sang một phạm vi dường
như không bờ bến của những ý kiến và những vấn đề. Những điều trình bày
trên đây hoàn toàn không phải là đã đủ cho nó, dù mới chỉ nói về nghĩa của từ,
chưa kể đến nghĩa của câu. Tuy nhiên, trong khuôn khổ của từ vựng ngữ nghĩa,
việc làm quen với những vấn đề như vậy, vẫn là cần thiết để chuẩn bị cho việc
tiếp xúc với những giáo trình về ngữ nghĩa sâu hơn sau này.