Cha tôi sinh năm Nhâm Tý 1912. Nhà văn Đặng Thai Mai sinh năm 1902, hơn
cha tôi vừa tròn chục tuổi. Sự chênh lệch tuổi tác này không phải là nhỏ, nhưng cũng
không là quá lớn. Nếu so với một số người được coi là “cùng trang lứa”, như nhà văn
Nguyễn Đình Thi, họa sĩ Dương Bích Liên, cha tôi còn chênh tuổi hơn. Hai ông nghệ sĩ
này cũng sinh năm Tý, nhưng kém cha tôi vừa tròn một giáp. Vậy mà giữa cha tôi với
các ông, hầu như không hề có sự cách biệt về tuổi tác. Cha tôi luôn xưng với các ông là
anh-tôi, ngược lại cũng vậy. Thậm chí nhiều khi họ còn xưng tên với nhau nữa, như
giữa những người bạn đồng niên. Họa sĩ Dương Bích Liên trong một bức thư gửi cha
tôi, sau khi ký tên, còn kèm theo mấy chữ “Bạn yêu Tưởng”. Nhà văn Nguyễn Đình Thi
cũng trong một bức thư đã gọi cha tôi là Hòa và xưng là Học (bí danh của hai ông hồi
kháng chiến).
8 trang |
Chia sẻ: tranhoai21 | Lượt xem: 1416 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Nhà văn Đặng Thai Mai với cha tôi - Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Nhà văn Đặng Thai Mai với cha
tôi - Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng
Cha tôi sinh năm Nhâm Tý 1912. Nhà văn Đặng Thai Mai sinh năm 1902, hơn
cha tôi vừa tròn chục tuổi. Sự chênh lệch tuổi tác này không phải là nhỏ, nhưng cũng
không là quá lớn. Nếu so với một số người được coi là “cùng trang lứa”, như nhà văn
Nguyễn Đình Thi, họa sĩ Dương Bích Liên, cha tôi còn chênh tuổi hơn. Hai ông nghệ sĩ
này cũng sinh năm Tý, nhưng kém cha tôi vừa tròn một giáp. Vậy mà giữa cha tôi với
các ông, hầu như không hề có sự cách biệt về tuổi tác. Cha tôi luôn xưng với các ông là
anh- tôi, ngược lại cũng vậy. Thậm chí nhiều khi họ còn xưng tên với nhau nữa, như
giữa những người bạn đồng niên. Họa sĩ Dương Bích Liên trong một bức thư gửi cha
tôi, sau khi ký tên, còn kèm theo mấy chữ “Bạn yêu Tưởng”. Nhà văn Nguyễn Đình Thi
cũng trong một bức thư đã gọi cha tôi là Hòa và xưng là Học (bí danh của hai ông hồi
kháng chiến)...
Với nhà văn Đặng Thai Mai thì lại khác. Thời kỳ Mặt trận Dân chủ cuối những
năm 1930, khi cha tôi đến với phong trào Truyền bá quốc ngữ, bắt đầu bằng việc uốn
nắn cho những người thất học tập viết chữ i chữ t, thì nhà văn Đặng Thai Mai chính là
một trong những người sáng lập ra phong trào này; khi cha tôi mới kiếm được chân thư
ký sở Đoan (sở thuế quan) của chính quyền bảo hộ, còn đang lo lập thân, tìm con đường
đi cho mình, thì ông Đặng Thai Mai là người được Đảng Cộng sản giới thiệu tranh cử
vào Viện Dân biểu Trung Kỳ... Nhưng chính sự cách biệt về danh phận mới là điều đáng
nói. Khi ấy ông Đặng Thai Mai đã là người có uy tín lớn trong xã hội, là một cây bút có
tên tuổi, một học giả uyên thâm, vị giáo sư đáng kính của trường Thăng Long được quốc
dân trông cậy. Còn cha tôi mới đang âm thầm đến với văn chương, thậm chí còn chưa có
sách. Những bài tiểu luận, những tiểu thuyết lịch sử ông đăng nhiều kỳ trên Tri Tân,
thực ra mới chỉ được biết đến trong giới khảo cứu hơn là văn chương.
Dẫu sao cha tôi vẫn kiên trì con đường đi của mình và, cái gì đến đã đến, cuối
năm 1943 ông gia nhập tổ chức Văn hóa cứu quốc. Chắc chắn giờ đây, giữa cha tôi và
nhà văn Đặng Thai Mai đã có những mối liên hệ mật thiết, vì cả hai ông đều chịu sự
lãnh đạo của đoàn thể và đều có chung một mục đích: phấn đấu cho nền văn hóa mới,
nền văn hóa “dân tộc, đại chúng, khoa học” của nước Việt Nam tự do tương lai...
Tháng 1-1945, cha tôi đi các tỉnh Nam Định, Hải Phòng tham gia các hoạt động
của Hội Truyền bá quốc ngữ và phổ biến bản Đề cương văn hóa của Đảng. Tại một
trong những hoạt động ấy, ông được nhà văn Đặng Thai Mai tặng cho một cuốn Lỗ
Tấn mới xuất bản. Cha tôi đã rất cảm kích và không quên ghi trong nhật ký rằng ông
“lấy làm vinh hạnh lắm” (27-1-1945). Cũng khoảng thời gian này, cha tôi có cuốn Đêm
hội Long Trì vừa in ra – cuốn sách đầu tiên của ông. Sách in đã xấu, bìa lại quê mùa,
khiến ông phẫn uất định không biếu các bạn bè cuốn truyện “thảm thương” ấy (chữ dùng
của cha tôi trong nhật ký). Không biết về sau cha tôi có đổi ý hay không, song tôi nghĩ,
việc nhận cuốn sách tặng của một bậc tiền bối như nhà văn Đặng Thai Mai, chắc chắn đã
đem lại cho ông cảm giác tự tin hơn.
Cách mạng tháng Tám thành công, nhà văn Đặng Thai Mai và cha tôi cùng được
giao phó nhiều trọng trách của Hội Văn hóa cứu quốc. Nhưng cũng như trước đấy, nhà
văn Đặng Thai Mai, với uy tín trước quốc dân của mình, được bầu vào nhiều cương vị
quan trọng, còn cha tôi thường là đứng đằng sau, với cương vị khiêm tốn hơn, lo tổ
chức, triển khai các hoạt động văn hóa nói chung và của Hội Văn hóa cứu quốc nói
riêng. Hai ông đã có nhiều dịp làm việc với nhau, khi tại Đại hội Văn hóa toàn quốc, khi
trong thành phần Việt Minh đoàn của Quốc hội, khi thì cha tôi cùng nhà thơ Tố Hữu
mới ở miền Trung ra, đến nhà ông Đặng Thai Mai bàn bạc công việc... Một sự kiện lớn
đến với cha tôi vào giữa năm 1946 – năm Dân quốc đầu tiên. Đầu tháng Tư, vở kịch Bắc
Sơn của ông được công diễn tại Nhà hát lớn Thủ đô. Vở kịch đã gây tiếng vang lớn,
được công chúng tán thưởng, báo chí quan tâm, ý kiến khen chê có đủ. Có báo khẳng
định “Bắc Sơn xứng đáng là vở kịch cách mạng thành công nhất từ trước tới nay”, có
báo thậm chí còn cho rằng “Bắc Sơn mở ra một nền kịch mới”, có báo thì lại chê thậm
tệ, rằng “tác giả có vẻ cẩu thả vội vàng trong khi cấu tạo hai vai chính của vở kịch” (hai
nhân vật Thái và Ngọc), rằng “kỹ thuật cấu tạo của tác giả thô sơ quá”... Một tháng rưỡi
sau, nhà văn Đặng Thai Mai gặp cha tôi tỏ ý khen Bắc Sơn và cho rằng vở kịch cũng có
những cái mới. Sau đó, trong một bài viết có tính tổng kết – Tình hình văn học Việt Nam
sau cuộc Cách mạng tháng Tám, ông có dành cho tác phẩm của cha tôi vài dòng đánh
giá: “Người ta đã nói nhiều đến tập kịch Bắc Sơn của Nguyễn Huy Tưởng. Ý kiến các
nhà phê bình cũng khá phân vân. Sự trái ngược giữa các lời bình phẩm về giá trị tập Bắc
Sơn theo ý tôi, chỉ tố cáo một sự thực: ngòi bút của Nguyễn Huy Tưởng còn tiềm tàng
những khả năng hiện còn chưa khai phá hết” (Tiên phong, số đặc biệt ra ngày 19-8-
1946).
Ý kiến này của nhà văn Đặng Thai Mai cũng khá đồng nhất với cách nhận định
của nhà văn Nguyễn Đình Thi, người viết lờiTựa cho cuốn sách được in ít lâu sau đó:
“Bắc Sơn là một bước đầu, một sự tìm tòi và một thí nghiệm... Cuộc tìm tòi của Nguyễn
Huy Tưởng đã làm vững thêm lòng tin chung của chúng tôi và của những người rất
đông, với chúng tôi hiện đang cùng cảnh ngộ”.
Có thể nhận thấy tính khách quan và sự cẩn trọng ở những lời nhận xét nói trên.
Nhà văn Đặng Thai Mai và nhà văn Nguyễn Đình Thi, với cha tôi, cùng là chỗ đồng chí
với nhau. Thành công của bạn cũng có thể xem là thành công của mình. Song các ông
lại là những người mang trọng trách dẫn đạo trong công cuộc xây dựng nền văn hóa
mới. Một sự bất cẩn trong khen chê, nhất là khen nhau, rất dễ gây cảm giác là vơ vào, là
các ông muốn nói gì cũng được. Tuy nhiên, sự nỗ lực của bạn thì rất đáng ghi nhận; bên
cạnh nhiều đóng góp tích cực khác nó còn khích lệ, động viên chính các ông nữa.
*
Những năm kháng chiến, cha tôi và nhà văn Đặng Thai Mai ít có dịp gặp nhau.
Nhật ký của cha tôi hầu như không có dòng nào nói đến ông Mai. Điều này có thể là do
địa bàn công tác. Cha tôi đi kháng chiến ở Việt Bắc. Nhà văn Đặng Thai Mai làm Chủ
tịch Ủy ban hành chính và kháng chiến Thanh Hóa. Mùa thu năm 1951, cha tôi đại diện
cho Hội Văn nghệ Việt Nam vào dự Hội nghị Văn nghệ Liên khu 3, cũng không có dịp
gặp ông Mai. Có thể lúc này, nhà văn Đặng Thai Mai đã chuyển hẳn sang công tác giáo
dục nên giữa hai ông lại thêm sự cách biệt về lĩnh vực công tác. Hòa bình lập lại, trở về
Thủ đô giải phóng, hai ông dường như cũng ít có dịp gặp gỡ nhau. Sau khi các hội văn
học nghệ thuật chuyên ngành được thành lập, cha tôi tuy vẫn còn trong Ban chấp hành
Hội Nhà văn Việt Nam, nhưng thực tế đã thôi công tác lãnh đạo, để được chuyên tâm
sáng tác. Nhà văn Đặng Thai Mai thì đảm đương trọng trách Chủ tịch Hội Liên hiệp văn
học nghệ thuật Việt Nam. Công việc bộn bề, mỗi người mỗi khoảnh, nếu hai ông ít có
điều kiện giao thiệp âu cũng là điều dễ hiểu.
Cuối năm 1958, nhà văn Đặng Thai Mai cho ra chuyên luận Văn thơ Phan Bội
Châu. Đây được coi là một trong những trước tác quan trọng nhất của nhà nghiên cứu
giai đoạn sau Cách mạng. Sách ra, ông có tặng cha tôi một cuốn. Việc tặng sách giữa các
nhà văn, xem ra cũng là chuyện bình thường. Việc đề tặng bên trong mới là điều đáng
nói. Và đây là những lời nhà văn Đặng Thai Mai gửi tới cha tôi. Cũng không nhiều nhặn
gì, tất cả chỉ vẻn vẹn mấy chữ: “Tặng Huy Tưởng - Thân ái - 12/58 - ký Đặng Thai
Mai”. Dẫu đã biết sự quý trọng nhau giữa các nhà văn trước đây, tôi vẫn rất cảm động
trước hai chữ “Thân ái” ông Đặng Thai Mai dành cho cha tôi. Nhưng điều còn bất ngờ
hơn lại là ở cách gọi. Ông không gọi cha tôi là đồng chí, là anh, là bạn, cũng không viết
trang trọng đầy đủ cả họ tên. Mà đơn giản là “Huy Tưởng” như những người bạn thân
thiết nhất của cha tôi vẫn nói, vẫn gọi, vẫn muốn biểu hiện sự quý mến đối với ông.
Ngược dòng thời gian, tôi nhớ tới một đoạn nhật ký, cũng không dài dòng gì, cha
tôi ghi lại cuộc nói chuyện với nhà văn Đặng Thai Mai. Có thể nói mà không sợ sai
rằng, nhà văn Đặng Thai Mai và cha tôi là những người đặc biệt quan tâm đến vấn đề
văn hóa, hai ông mang trong mình vốn hiểu biết sâu sắc về cả hai nền văn hóa phương
Đông và phương Tây, với các nét phổ quát, đặc trưng và khu biệt. Ngày 10-7-1956,
nhân bàn về tính cách các dân tộc, trong đó có Nhật Bản, một đất nước luôn luôn có suy
nghĩ và người dân có đời sống trí thức dồi dào, nhà văn Đặng Thai Mai đã có một nhận
xét đáng chú ý như cha tôi đã ghi lại: “dân tộc Việt Nam là một dân tộc trẻ con”, vì
“động cái gì cũng ngạc nhiên, cũng cười”.
Có thể trước đó nhiều chục năm, thi sĩ Tản Đà đã có lúc thốt lên: “Dân hai mươi
triệu ai người lớn – Nước bốn nghìn năm vẫn trẻ con”; câu thơ đó quá nổi tiếng khiến
cho một người đọc nhiều như cha tôi khó mà không biết cho được. Song điều nhận xét
nói trên của một bậc học giả như nhà văn Đặng Thai Mai rõ ràng vẫn đặt ra cho cha tôi
nhiều sự phân vân, như ông sẽ còn trở đi trở lại vấn đề này trong nhật ký. Tuy nhiên,
điều chúng tôi muốn nói ở đây là vì sao nhà văn Đặng Thai Mai lại chia sẻ những suy
nghĩ có thể nói là khá nhạy cảm ấy với cha tôi, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng? Thiết
nghĩ, câu chuyện giữa hai ông hoàn toàn có nguyên do của nó. Nhà văn Đặng Thai Mai
là nhà nghiên cứu hàng đầu của Việt Nam về tác gia Lỗ Tấn của Trung Quốc, người cả
đời cầm bút không khen dân mình lấy một lời, nhưng luôn là nhà văn được nhân dân
Trung Quốc yêu quý nhất. Là người am hiểu Lỗ Tấn đến chân tơ kẽ tóc, nhà văn Đặng
Thai Mai hiểu rằng, Lỗ Tấn phải yêu nước đến chừng nào mới đau đớn đến thế trước
những cái kém, cái dở của dân tộc mình. Và tiên sinh đã kiên quyết vạch trần những
cái yếu kém ấy trên cái cơ thể đang cần được uốn nắn hơn là vuốt ve, theo kiểu “thuốc
đắng dã tật”! Cha tôi, như giờ đây chúng ta được biết qua nhật ký của ông, cũng suốt
đời băn khoăn về dân tộc mình. Ngay ở tuổi mười tám đôi mươi, ông đã viết: “Người
không biết lịch sử nước mình là một con trâu đi cày ruộng. Cày với ai cũng được, mà
cày ruộng nào cũng được” (Nhật ký 13-1-1932). Nhà văn Đặng Thai Mai gắn bó với
cha tôi có thể không nhiều, nhưng tâm huyết của bạn đối với lịch sử, văn hóa dân tộc
thì chắc chắn ông quá biết. Nếu như ông có chọn cha tôi để giãi bày suy nghĩ của
mình, âu cũng là sự tự nhiên thôi.
Tuy vậy, dường như cha tôi đã không tán đồng ông Mai hoàn toàn. Nhật ký cha
tôi ghi lại chuyện ấy sau đó có viết: “Chưa chắc dân tộc ta là một dân tộc trẻ con, như
Đặng Thai Mai nói”. Song ngay ở sự không tán đồng này vẫn chỉ là “chưa chắc” thôi.
Bởi bản thân cha tôi cũng nhận thấy ở dân ta thực tế có những biểu hiện “trẻ con” thật,
như ông sẽ viết tiếp: “Chúng ta còn thấp kém về trình độ văn hóa. Những vấn đề trí thức
chưa làm cho ta suy nghĩ. Cho nên còn sốc nổi. Và tài bắt chước. Chúng ta chưa suy
nghĩ sâu, thâu thái mau, nhưng vì cái vốn còn ít, nên cái gì ở ngoài là ta theo cả”. (Liệu
có cần phải kể ra đây những cái của nước ngoài được du nhập một cách thiếu chọn lọc
vào nước ta những năm gần đây – từ thời trang đến lối sống, thậm chí cả cách nói vay
mượn từ ngữ nước ngoài – để minh họa cho điều nhận xét có tính dự báo của hai ông khi
ấy?).
Tiên trách kỷ, hậu trách nhân, vấn đề nhà văn Đặng Thai Mai nêu ra trong câu
chuyện với cha tôi cũng là những điều ông không thôi suy nghĩ về chính bản thân mình,
hay những người có trách nhiệm như mình. Ông từng tự nhủ: “Ta chẳng ở trong cái mớ
người Việt Nam còn thấp kém hay sao?” (Nhật ký 7-7-1956). Với trách nhiệm của người
cầm bút, ông không dám có tham vọng quá to tát kiểu như cải tạo xã hội, cải tạo con
người – điều mà người ta vẫn hay nêu thành sứ mệnh của nhà văn. Mấu chốt của vấn đề
đặt ra với nhà văn, theo ông, chỉ đơn giản là bày tỏ thái độ: “Vấn đề là ở thái độ. Thái độ
của người bảo vệ chế độ. Cholokhov nói biết bao nhiêu cái xấu, mà cả tác phẩm nói lên
bao nhiêu cái tinh thần Xô viết mà ai cũng yêu”. Với suy nghĩ ấy, ít ngày sau ông đặt bút
viết tùy bút Một ngày chủ nhật, nêu những sai lầm trong cải cách ruộng đất với thái độ
xây dựng chân thành, mong sao góp một tiếng nói phản biện xã hội để cùng nhau suy
nghĩ sửa sai, chấn chỉnh lại cuộc đời. Ở thời điểm đó bài tùy bút đã bị phê phán rất nặng,
rằng tác giả nhìn đâu cũng chỉ thấy có rác rưởi. Đấy cũng là thời kỳ diễn ra vụ việc
“Nhân văn Giai phẩm” và nhiều vấn đề phức tạp khác nữa trong đời sống đất nước. Sau
một đợt đấu tranh tư tưởng kéo dài trong giới văn nghệ, quãng giữa năm 1958, cha tôi đi
thực tế lao động ở Điện Biên...
Sau hơn bốn tháng trở lại sống với những cán bộ, chiến sĩ như ngày nào ông từng
lăn lộn, gắn bó trong kháng chiến, cha tôi đi thực tế về, trong lòng có thanh thản hơn.
Chắc chắn ông đã rất vui khi nhận cuốn sách tặng từ nhà văn Đặng Thai Mai, cuốnVăn
thơ Phan Bội Châu với lời đề “Tặng Huy Tưởng – Thân ái” như trên đã nói. Cuốn sách
đã sờn mòn, có lẽ đã được người nhận đọc không chỉ một lần...
*
Kết thúc bài viết này về Giáo sư Đặng Thai Mai với cha tôi, tôi xin được bày tỏ
lời cám ơn với những người con của Giáo sư; các anh chị là những người lớn tuổi hơn
tôi nhiều và cũng đi trước tôi nhiều trong những công việc như thế này, nhưng đã tỏ ra
đặc biệt quan tâm đến bài viết của tôi. Bài viết này, thoạt đầu tôi vẫn nghĩ chỉ là đề cập
đến một phần rất nhỏ trong toàn bộ cuộc đời và sự nghiệp của Giáo sư Đặng Thai Mai
cũng như cha tôi – đó là mối quan hệ trực tiếp giữa hai ông trong những năm tháng cùng
hoạt động văn hóa và cách mạng, và qua đó, phần nào cho thấy sự gắn bó về tinh thần
giữa hai nhân cách có nhiều sự đồng cảm hơn là người ta vẫn nghĩ. Và như vậy, hi vọng
nó sẽ góp phần bổ sung được chút gì đấy cho bức chân dung vốn đã quá phong phú của
mỗi ông, được dựng nên bởi rất nhiều cây bút có uy tín suốt nhiều chục năm qua. Không
ngờ, các anh chị đã rất chú ý đến bài viết của tôi, hơn thế nữa, còn giúp cho nhiều ý kiến
cũng như thông tin thêm về các ông, dù tôi đã có biết hay chưa, dù tôi có thể sử dụng,
tham khảo cho bài viết của mình hay không... Phải chăng đây chính là thái độ nghiêm
túc, tác phong cẩn trọng trong công việc mà các anh chị đã thừa hưởng được từ cha
mình, Giáo sư Đặng Thai Mai. Phải chăng tôi cũng như một trong không ít trường hợp
được các anh chị chia sẻ mối quan tâm thật đáng trân trọng về người cha đáng kính của
mình, dẫu rằng bài viết của tôi chỉ đề cập đến một khía cạnh rất nhỏ về ông và cha tôi.
Về phần mình tôi chỉ xin thổ lộ một điều rằng, đã lâu lắm rồi kể từ khi theo đuổi công
việc tìm hiểu về cha mình từ góc độ một người con, ngõ hầu hiến cho bạn đọc được đôi
điều ít biết hoặc chưa biết về ông như một con người bình thường trong mối quan hệ với
vợ con, bạn bè..., ít có khi nào tôi nhận được sự quan tâm nhiều đến như thế cho một
công việc tự thấy là rất khiêm tốn như bài viết này – bài viết chủ yếu dựa trên sự hiểu
biết gián tiếp về hai ông, thông qua các trang tư liệu có được và nhiều hơn, thông qua
cách hiểu chủ quan của một kẻ hậu sinh. Mặc dù đã hết sức cố gắng, tôi biết nó còn xa
mới đáp ứng được mong muốn của nhiều người. Dẫu sao, tôi cũng xin được một lần nữa
cám ơn sự quan tâm của gia đình Giáo sư Đặng Thai Mai dành cho bài viết của tôi, và,
đặc biệt, xin được thay mặt cha tôi cám ơn bác Mai về những tình cảm thâm trầm của
bác dành cho cha tôi lúc sinh thời – những tình cảm đã thôi thúc tôi mạnh dạn viết bài
này...