Nhan đề tác phẩm văn học và dạy học sinh đọc văn từ nhan đề tác phẩm

Tóm tắt. Nhan đề tác phẩm là một tín hiệu nghệ thuật quan trọng hàm ẩn thông điệp của nhà văn và những tầng nghĩa sâu xa của tác phẩm. Nhan đề là một đầu mối dẫn dắt, điều chỉnh cách đọc; khơi gợi hứng thú và thúc đẩy động cơ ứng đáp sáng tạo ở người đọc. Trên cơ sở lí thuyết về cấu tạo, chức năng tiêu đề văn bản, bài viết đi sâu khảo sát, hệ thống hoá các dạng cấu trúc - ý nghĩa của nhan đề các tác phẩm văn học Việt Nam, từ đó gợi mở một số cách thức ứng đáp tác phẩm từ kênh nhan đề nhằm nâng cao hiệu quả cảm thụ và phát triển tư duy bậc cao cho học sinh.

pdf9 trang | Chia sẻ: thanhle95 | Lượt xem: 186 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Nhan đề tác phẩm văn học và dạy học sinh đọc văn từ nhan đề tác phẩm, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE Interdisciplinary Science, 2013, Vol. 58, No. 1, pp. 70-78 This paper is available online at NHAN ĐỀ TÁC PHẨM VĂN HỌC VÀ DẠY HỌC SINH ĐỌC VĂN TỪ NHAN ĐỀ TÁC PHẨM Hoàng Thị Mai Khoa Khoa học Xã hội, Trường Đại học Hồng Đức Thanh Hóa Tóm tắt. Nhan đề tác phẩm là một tín hiệu nghệ thuật quan trọng hàm ẩn thông điệp của nhà văn và những tầng nghĩa sâu xa của tác phẩm. Nhan đề là một đầu mối dẫn dắt, điều chỉnh cách đọc; khơi gợi hứng thú và thúc đẩy động cơ ứng đáp sáng tạo ở người đọc. Trên cơ sở lí thuyết về cấu tạo, chức năng tiêu đề văn bản, bài viết đi sâu khảo sát, hệ thống hoá các dạng cấu trúc - ý nghĩa của nhan đề các tác phẩm văn học Việt Nam, từ đó gợi mở một số cách thức ứng đáp tác phẩm từ kênh nhan đề nhằm nâng cao hiệu quả cảm thụ và phát triển tư duy bậc cao cho học sinh. Từ khóa: Nhan đề, cấu trúc, chức năng, ứng đáp, đọc văn. 1. Đặt vấn đề Nhan đề (hay tiêu đề) tác phẩm là một đại lượng nghệ thuật quan trọng, một thành phần thiết yếu cấu thành tác phẩm. Trong nhiều trường hợp, nhan đề hàm chứa một quy ước ngầm của tác giả trong mối tương quan với các quy ước ngầm khác trong tác phẩm để tạo nên một chỉnh thể nghệ thuật đặc sắc. Nhan đề không chỉ cung cấp cho người đọc một đầu mối để thấu hiểu chủ ý của nhà văn mà còn gợi mở những cách tiếp cận khác nhau đối với những bí ẩn và giá trị của tác phẩm, khơi gợi hứng thú thẩm mĩ, sự tò mò trí tuệ ở người đọc. Chú ý giải mã chức năng, ý nghĩa của nhan đề tác phẩm, vì vậy là một thủ pháp khả thi để tiếp cận giá trị, ý nghĩa tác phẩm trong tính đa dạng và chiều sâu vốn có của nó. Tuy nhiên, trong thực tế cảm thụ và giảng dạy văn học, việc ứng đáp (response) với tiêu đề tác phẩm hoặc chưa được chú ý đúng mức, hoặc có lúc còn gò ép sao cho trùng với dụng ý nhà văn, nội dung văn bản và cách hiểu của thầy, làm hạn chế khả năng sáng tạo ở học sinh (HS). Received February 2, 2011. Accepted April 26, 2012. Contact Hoang Thi Mai, e-mail address: hoangmai.hdu@gmail.com 70 Nhan đề tác phẩm văn học và dạy học sinh đọc văn từ nhan đề tác phẩm Trên cơ sở lí thuyết về cấu tạo, chức năng tiêu đề văn bản, bài viết tập trung khảo sát, hệ thống hoá các dạng cấu trúc - ý nghĩa của nhan đề các tác phẩm văn học Việt Nam, từ đó gợi mở một số vấn đề về cách thức hướng dẫn HS ứng đáp với nhan đề tác phẩm trong quá trình đọc văn nhằm nâng cao hiệu quả cảm thụ thẩm mĩ. 2. Nội dung nghiên cứu 2.1. Cấu trúc - ý nghĩa của nhan đề tác phẩm văn học 2.1.1. Khái quát chung về cấu trúc - ý nghĩa của nhan đề tác phẩm Theo Roland Barthes, một nhan đề cùng một lúc có nhiều ý nghĩa, trong đó ít nhất có hai ý nghĩa: 1) cái mà nó thông báo, và 2) bản thân sự thông báo. “Nói cách khác, tiêu đề luôn có một chức năng kép: sở biểu (enunciative) và sở chỉ (deictic)” [6]. Theo Gérard Genette, nhan đề tác phẩm văn học có 4 chức năng cơ bản: 1). để nhận diện hoặc phân biệt tác phẩm này với một tác phẩm khác, 2). thể hiện nội dung khái quát của tác phẩm, 3). gây ấn tượng nổi bật với độc giả, 4). chỉ ra loại hình hoặc thể loại của văn bản [3]. Sau G. Genette, một số nhà nghiên cứu đã cụ thể hoá các chức năng, ý nghĩa của nhan đề tác phẩm, tuy nhiên, theo tác giả bài viết, lí thuyết của G. Genette đã khái quát được các dạng cấu trúc - chức năng cơ bản của nhan đề tác phẩm văn học. Vận dụng lí thuyết của ông, phần sau của bài viết sẽ khảo sát, phân tích, hệ thống hoá dạng nhan đề các tác phẩm văn học Việt Nam trong sự liên hệ với các tác phẩm văn học thế giới, từ đó gợi mở cho HS hướng ứng đáp tác phẩm từ việc giải mã nhan đề văn bản. 2.1.2. Nhan đề các tác phẩm văn học trung đại Theo lí thuyết của G. Genette [3], nhan đề các tác phẩm văn học trung đại thể hiện rõ 2 chức năng đầu tiên: nhận diện và thể hiện nội dung khái quát của tác phẩm. Về cấu tạo, nhan đề tác phẩm văn học trung đại thường dài hơn so với tác phẩm văn học hiện đại; nó có thể là một mệnh đề hoặc một câu hoàn chỉnh, chẳng hạn: Thiền uyển tập anh ngữ lục (Khuyết danh), Truyền kì mạn lục (Nguyễn Dữ), Vũ trung tuỳ bút (Phạm Đình Hổ), Chinh phụ ngâm khúc (Đặng Trần Côn), Đoạn trường tân thanh (Nguyễn Du), Cuối xuân tức sự (Nguyễn Trãi)... Về nội dung, nhan đề tác phẩm văn học trung đại vừa nêu nội dung vừa chỉ ra hình thức thể loại, kiểu sáng tác, tình huống, bối cảnh sáng tác của tác phẩm. Chẳng hạn, đi kèm các cụm từ ngữ chỉ nội dung là các từ ngữ chỉ thể loại như: hịch, cáo, chiếu, tấu, văn tế, truyện, chí, phú, thi (tập); các từ chỉ kiểu, tình huống sáng tác như: tức cảnh, tức sự, ngẫu hứng, mạn lục, mạn hứng, mộng lục, ngôn hoài, cảm hoài, mạn thuật, trần tình, tự thuật, tự thán, ngôn chí... Ngoài ra, nhan đề tác phẩm văn học trung đại thường đơn nghĩa, hoặc nói lên cái “chí”, hoặc phản ánh thực tại theo tinh thần “thực lục, sử luận”. Mối quan hệ giữa nghĩa của tiêu đề và nghĩa của văn bản, nói theo cách của các nhà kí hiệu học là “mối quan hệ 71 Hoàng Thị Mai song phương: nghĩa của văn bản gợi ra nghĩa của tiêu đề và ngược lại” [2;94]. Nó khác hẳn tính đa nghĩa, hàm ngôn, biểu tượng trong nhan đề các tác phẩm văn học lãng mạn, hiện thực sau này. Kiểu cấu trúc này cũng khá phổ biến trong văn học Trung đại các nước khu vực văn hoá chữ Hán, chẳng hạn: Thái bình ký (Taiheiki) (Nhật Bản), Tư mỹ nhân khúc của Chong Chol (Triều Tiên), Tiễn đăng tân thoại của Cù Hựu, Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân (Trung Quốc), v.v... Tất nhiên, có thể tìm thấy tính hàm ngôn, đa nghĩa, biểu tượng trong một số tác phẩm, chẳng hạn Mời trầu, Bánh trôi nước (Hồ Xuân Hương)..., nhưng nhìn chung, thi pháp nhan đề tác phẩm văn học trung đại chủ yếu mang tính thông tin sự kiện, hiện thực (thông tin không mã hoá) và tính công thức khá rõ. Nó phù hợp với tính quy phạm, tính công thức, khuôn sáo của đặc điểm loại hình, thi pháp văn học trung đại. 2.1.3. Nhan đề các tác phẩm văn học lãng mạn và hiện thực Tên các tác phẩm văn học lãng mạn và hiện thực thể hiện rõ nhất chức năng thứ 2 và 3 theo khái quát của G. Genette [3]. Về cấu tạo, chúng thường có cấu trúc ngắn gọn, không chỉ thể loại, kiểu sáng tác, cũng không có mô hình cố định. Để nhấn mạnh sự biểu đạt và gây ấn tượng mạnh đối với người đọc, các tác giả thường hay sử dụng từ đa nghĩa, các kí hiệu, biểu tượng hoặc biện pháp tỉnh lược tối đa để đặt tên cho tác phẩm. Về nội dung, tiêu đề tác phẩm văn học lãng mạn và hiện thực khá đa dạng trong cách thể hiện, có thể khái quát thành một số dạng cơ bản sau: a) Dạng tiêu đề mang thông tin sự kiện, hiện thực: Ở loại này, tiêu đề thường đưa tin, báo tin cho người đọc về một sự kiện, chi tiết, tình huống hiện thực sẽ được kể hoặc diễn ra trong tác phẩm, chẳng hạn: Đây mùa thu tới (Xuân Diệu), Chợ Tết (Đoàn Văn Cừ), Chữ người tử tù (Nguyễn Tuân), Vợ chồng A Phủ (Tô Hoài), Dấu chân người lính (Nguyễn Minh Châu),... b) Dạng thể hiện độ nén, sự cô đọng, hàm súc nội dung chủ đề, cảm hứng chủ đạo của tác phẩm, chẳng hạn: Mòn mỏi (Thanh Tịnh), Tương tư (Nguyễn Bính), Đoạn tuyệt (Nhất Linh), Ngậm ngùi (Huy Cận); Bước đường cùng (Nguyễn Công Hoan), Tắt đèn (Ngô Tất Tố), Sống mòn (Nam Cao), Đất nước đứng lên (Nguyên Ngọc), Việt Nam máu và hoa (Tố Hữu),... c) Dạng hàm chứa những thông tin đã được mã hoá về tác phẩm: Ở đây, thông tin đã được trừu tượng hoá thành các kí hiệu, biểu tượng, các “mã” bí ẩn, chẳng hạn: Màu thời gian (Đoàn Phú Tứ), Bến Mi Lăng (Yến Lan), Thơ điên (Hàn Mặc Tử), Hái theo mùa (Chế Lan Viên), Đám cưới không có giấy giá thú (Ma Văn Kháng),... d) Dạng lấy tên nhân vật trung tâm, nhân vật chính làm tiêu đề với chức năng chính là thông báo câu chuyện sẽ xoay quanh nhân vật đó, chẳng hạn Tố Tâm (Hoàng Ngọc Phách), Chí Phèo, Lang Rận (Nam Cao), Mẫn và tôi (Phan Tứ), Mẹ Tơm, Mẹ Suốt (Tố Hữu),... e) Dạng thể hiện dòng cảm xúc miên man, một thủ pháp gợi mở tâm tư, dùng cái 72 Nhan đề tác phẩm văn học và dạy học sinh đọc văn từ nhan đề tác phẩm “không” để làm nổi bật cái “có” như: Vô đề, Không đề,... g) Dạng câu hỏi tu từ, chẳng hạn Ai đã đặt tên cho dòng sông? (Hoàng Phủ Ngọc Tường), Hỏi? Đáp, Ai? Tôi? (Chế Lan Viên),... Có thể thấy, nhan đề các tác phẩm văn học lãng mạn và hiện thực đã vượt khỏi tính công thức của văn học trung đại, đa dạng và gắn với thi pháp, cá tính sáng tạo của nhà văn. Ngòi bút say mê “thuật chuyện đồng quê” bằng thơ của Đoàn Văn Cừ được thể hiện khá rõ qua hệ thống tiêu đề có tính mô tả (Chợ tết, Đám cưới mùa xuân, Đám hội, Trăng hè) rất khác với hệ thống tiêu đề thường bị tỉnh lược tối đa, giàu tính biểu tượng và triết lí, phù hợp phong cách triết luận, suy tưởng trong thơ Chế Lan Viên (Ánh sáng và phù sa, Rễ... hoa, Từ đất đến bình, Nợ, Sử, Ai? Tôi?...). Có thể dễ dàng liên tưởng đến kiểu cấu trúc và chức năng tương tự trong nhan đề các tác phẩm văn học lãng mạn và hiện thực thế giới như: Những người khốn khổ (V. Hugo), Tấn trò đời (Honoré de Balzac), Đêm địa ngục (Arthur Rimbaud), Tội ác và hình phạt (F. Dostoievski), Chiến tranh và hoà bình (L. Tolstoi), Chuông nguyện hồn ai (E. Hemingway),... Tuy nhiên, dù có tính biểu tượng hoặc mang thông tin đã được mã hoá cẩn trọng, song, nhan đề các tác phẩm văn học hiện thực và lãng mạn nhìn chung vẫn giữ được mối dây liên hệ tương đối rõ ràng với nội dung văn bản, vẫn có xu hướng phụ hoạ thuận chiều cho nghĩa văn bản, nó khác hẳn mối quan hệ “lỏng lẻo”, “đối nghịch” ở các tác phẩm được viết theo khuynh hướng hiện đại và hậu hiện đại sau này. 2.1.4. Nhan đề các tác phẩm được sáng tác theo khuynh hướng hiện đại và hậu hiện đại Tên các sáng tác theo khuynh hướng này thể hiện rõ nhất chức năng thứ 3 - chức năng gây ấn tượng nổi bật với độc giả theo lí luận của G. Genette. Không phải tất cả, nhưng nhiều nhan đề tác phẩm văn học hiện đại và hậu hiện đại hàm chứa những quy ước đã được mã hoá một cách đầy bí ẩn trong mối tương quan với các quy ước ngầm khác trong tác phẩm. Về cấu tạo, chúng cũng rất đa dạng, không có một mô hình cố định. Về nội dung, nếu ở các tác phẩm văn học trung đại, lãng mạn và hiện thực, nghĩa của nhan đề có xu hướng “thuận theo” nghĩa của văn bản; mối quan hệ giữa nghĩa của tiêu đề và nghĩa của văn bản là tương đối rõ ràng, thuận chiều thì ở các tác phẩm được sáng tác theo khuynh hướng hiện đại và hậu hiện đại, nghĩa của nhiều nhan đề có vẻ không ăn nhập gì với nghĩa văn bản; “lời” của nhan đề có vẻ “bơ vơ”, “lạc loài”, “trật khớp” hoàn toàn với nghĩa của văn bản [4]; mối quan hệ giữa nghĩa nhan đề và nghĩa văn bản có vẻ rất tuỳ hứng, lỏng lẻo. Chẳng hạn, nếu tiêu đề Thơ duyên (Xuân Diệu) được phụ hoạ thuận chiều bởi các từ ngữ, hình ảnh gần nghĩa trong văn bản như nhánh duyên, cặp, anh - em, rung động nỗi thương yêu...; Sống mòn (Nam Cao) được tiếp nối và làm rõ bởi nhiều câu từ gần nghĩa và các số phận, cuộc đời mòn mỏi “không lối thoát” trong văn bản thì ngược lại, nghĩa của nhiều tiêu đề trong tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài “ra mặt chống lại” 73 Hoàng Thị Mai nghĩa của văn bản. Không có vua (Nguyễn Huy Thiệp) không đề cập đến chuyện triều đình, chính sự mà chỉ là sự lắp ghép ào ạt hàng loạt sự kiện lặt vặt thường ngày trong một gia đình bình thường; Con thú lớn nhất (Nguyễn Huy Thiệp) không mô tả bóng dáng của bất kì một con thú nào theo nghĩa thông thường; Đời thế mà vui (Nguyễn Huy Thiệp) nhưng từ đầu đến cuối chỉ có vài thân phận sứt mẻ, lạc loài và kết thúc bằng cái chết trong nỗi cô đơn quánh đặc của một đứa bé 6 tuổi ngày mai bắt đầu đến trường. Thiên Sứ (Phạm Thị Hoài) gợi mở về một thế giới bồng lai tiên cảnh nhưng rốt cuộc chỉ thấy một một cõi nhân gian vô hồn, vô cảm, loài người chỉ còn là những “Homo - A” và “ Homo - Z”;Man Nương (Phạm Thị Hoài) gợi một hình ảnh đẹp, lãng mạn nhưng thực tế chỉ có câu chuyện tình thê thảm... Tương tự, Lâu đài (F. Kafka) dự báo vẻ kì bí, thâm trầm của một nền văn hoá nhưng nội dung chỉ là hành trình chạy vạy quyền ngụ cư hợp pháp trong làng của một anh chàng đo đạc; Nữ ca sĩ hói đầu (E. Ionesco) là những câu chuyện lan man, có dấu hiệu loạn thần kinh của một cặp vợ chồng già; Ôi! Những ngày tươi đẹp (S. Beckett) là một câu cảm thán hoan hỉ hoàn toàn ngược nghĩa với khung cảnh trơ trụi trên bãi biển với một người đàn bà đang bị đụn cát nhấn chìm dần,... Như vậy, nhìn trên phương diện câu chữ, có một sự vênh lệch đáng ngờ, một “khoảng cách thẩm mĩ” rõ rệt giữa nghĩa của văn bản với nhan đề của nó. Ở đây, một nhan đề không thể bao quát tất cả các tầng nghĩa sâu xa của tác phẩm mà chỉ gợi ra một nét nghĩa sâu xa nhất định nào đó. Tiếp cận nhan đề, vì vậy cũng có nhiều con đường, đa dạng và không đơn giản. 2.2. Ứng đáp với tác phẩm văn học từ kênh nhan đề 2.2.1. Giải mã nhan đề như một đầu mối để thấu hiểu chủ ý nhà văn, chủ đề của văn bản “Chủ ý” của nhà văn, theo Antoine Compagnon là “vai trò của tác giả, quan hệ của văn bản với tác giả, trách nhiệm của tác giả đối với nghĩa và ý nghĩa của văn bản” [1;63]. Theo A. Tsekhov, nếu phủ nhận ý đồ sáng tạo của nhà văn thì cũng có nghĩa rằng, người nghệ sĩ sáng tác dưới ảnh hưởng của sự kích động [5;11]. Chủ ý của tác giả, cách nhà văn hiểu tác phẩm của họ không phải là tiêu chí duy nhất nhưng là tiêu chí quan trọng để cắt nghĩa, đánh giá tác phẩm của chính họ. Chủ đề tác phẩm văn học, theo M. Gorki, được hình thành từ ý đồ của nhà văn, là “cái tư tưởng manh nha trong kinh nghiệm của tác giả, do cuộc sống gợi lên, làm tổ trong kho ấn tượng của anh ta, nhưng chưa định hình và đòi hỏi thể hiện thành hình tượng, thức tỉnh nhà văn, kêu gọi anh ta lao động để tạo dựng hình thức cho nó” [7;195-196]. Tất nhiên, về bản chất, tác phẩm văn học có nhiều hơn một chủ đề, tuy nhiên, chủ đề được “manh nha từ trong kinh nghiệm của tác giả” là một thành phần thiết yếu tạo nên đời sống lịch sử của tác phẩm. Chủ ý của tác giả, chủ đề của văn bản được thể hiện qua giọng điệu, kết cấu, những 74 Nhan đề tác phẩm văn học và dạy học sinh đọc văn từ nhan đề tác phẩm lời tuyên ngôn trực tiếp và các đoạn trữ tình ngoại đề của tác giả, lời của nhân vật chính, quan điểm xử lí các sự kiện, tình huống... Và tất nhiên, không thể không nhắc tới nhan đề như một trong những yếu tố thể hiện đậm đặc nhất chủ ý nhà văn và chủ đề của văn bản. Xuân Diệu từng phát biểu, đại ý, các nhà văn khi đặt tên cho tác phẩm cũng phải trăn trở tựa như cha mẹ đặt tên cho con. Ngoài việc cho nó một cái tên để gọi, nhan đề tác phẩm thường là nơi thể hiện tập trung cảm hứng chủ đạo của nhà văn, nội dung tư tưởng của tác phẩm; niềm kì vọng về sự tri âm của độc giả, lời nhắn gửi, những suy tư sâu kín về cuộc đời, con người. Giải mã nhan đề, vì vậy là một con đường để thấu hiểu chủ ý nhà văn và làm sáng tỏ chủ đề văn bản. Để đạt được điều đó, có thể hướng dẫn HS đặt ra và giải đáp một số câu hỏi cơ bản sau: - Chọn nhan đề này để đặt cho tác phẩm, tác giả muốn nhắn gửi/ làm nổi bật điều gì? Dụng ý/ chủ ý/ ẩn ý của tác giả? Những yếu tố, chi tiết, câu văn nào có thể chứng minh điều đó? - Có mối liên hệ nào giữa nhan đề với số phận nhân vật/ các biểu tượng/ cách kết cấu, bố cục các chương/ cách mở đầu, kết thúc tác phẩm,...? Những yếu tố, chi tiết nào làm bằng chứng? - Có nghịch lí, mâu thuẫn/ mối quy ước ngầm nào giữa nhan đề với chủ ý tác giả, chủ đề chính của văn bản không? Ý nghĩa của sự nghịch lí, mâu thuẫn/ quy ước ngầm đó?... 2.2.2. Giữ mối dây liên hệ với nhan đề như một biện pháp tự điều chỉnh, hướng dẫn cách cắt nghĩa, đánh giá tác phẩm Nhan đề là một sự định hướng, một dấu hiệu chỉ ra tác phẩm, sau đó, sẽ được mang nghĩa như thế nào. Theo S.J.Wilsmore, “nhan đề đôi khi hướng dẫn sự cắt nghĩa tác phẩm, điều chỉnh cách nghe, cách nhìn, cách đọc của chúng ta về tác phẩm và chỉ ra con đường giúp ta có thể lĩnh hội đúng về nó” [8;403-404). Điều này có thể chứng minh được, chẳng hạn: Nếu nhan đề “Chiếc thuyền ngoài xa” gợi suy ngẫm về cách nhìn nhận cuộc đời, con người trong tính đa chiều, phức tạp của nó; nhưng giả sử Nguyễn Minh Châu lại thay bằng “Bãi xe tăng gỉ” thì sự cảm thụ có thể sẽ đi sâu vào nỗi đau, cuộc sống lam lũ, bế tắc sau chiến tranh; và hoặc giả nhà văn lại chọn tiêu đề “Người đàn bà hàng chài” thì sự đọc có thể sẽ đặt trọng tâm vào thân phận người phụ nữ hoặc vẻ đẹp của con người và cuộc đời ẩn sau cái vẻ bề ngoài sần sùi, thô kệch... Như vậy, giữ mối dây liên hệ với nhan đề tác phẩm luôn cho chúng ta một gợi ý, một hoa tiêu cần thiết để điều chỉnh và tự điều chỉnh cách hiểu, cách cắt nghĩa của chúng ta về tác phẩm sao cho có sức thuyết phục hơn. Với các tác phẩm văn học trung đại, tuy có tính quy phạm, công thức, nhưng ở một mức độ nhất định, tiêu đề cũng cho người đọc một xuất phát điểm để cắt nghĩa tác phẩm từ điểm nhìn, hoàn cảnh, tình huống sáng tác; lưu ý người đọc tiếp cận tác phẩm theo đúng đặc trưng thể loại, đồng thời trên cơ sở đó có thể nhận ra sự phá cách của tác giả trong khuôn khổ thi pháp truyền thống. Với các tác phẩm lãng mạn, hiện thực, hiện đại và hậu hiện đại, mỗi tác phẩm có cả 75 Hoàng Thị Mai một hệ đề tài, trong đó có đề tài chính bao trùm văn bản và đề tài phụ thể hiện qua một nhóm nhân vật, sự kiện, tình tiết. Tuy nhiên, nhan đề trong nhiều trường hợp sẽ là hoa tiêu gợi ý người đọc suy ngẫm sâu hơn về một vấn đề then chốt trong văn bản. Chẳng hạn, Chí Phèo đề cập đến nhiều vấn đề như: số phận cùng quẫn của người nông dân, mâu thuẫn giữa địa chủ và những người cùng đinh, tình yêu của những kẻ khốn khổ...; nhưng nhan đề Chí Phèo luôn dẫn dắt người đọc suy ngẫm sâu hơn về bi kịch tha hoá, bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người của Chí Phèo. Để hiệu chỉnh cách cảm thụ, người đọc có thể dựa vào nhan đề tác phẩm và tự kiểm chứng qua các câu hỏi: Nhan đề này có gợi ý gì về tư tưởng, chủ đề của văn bản? Cách hiểu/ cách lí giải này có đi quá xa hoặc mâu thuẫn với những gì mà nhan đề văn bản gợi ý không?... 2.2.3. Xem xét quá trình đặt tên cho sáng tác như một phần cấu thành đời sống lịch sử của tác phẩm Một trong những điểm tựa giúp người đọc nhận thức thấu đáo tác phẩm, theo S. J. Wilsmore là bởi vì “sự tồn tại của nó có một nguồn gốc đặc biệt, một lịch sử cụ thể đủ làm nên một diện mạo riêng” mà “hành động đặt tên cho tác phẩm nghệ thuật nhìn chung là một phần cấu thành lịch sử nhân dạng của nó” [8;403]. Lịch sử văn học từng ghi lại không ít trường hợp tác giả đã phải lao tâm khổ tứ đi tìm cho đứa con tinh thần của mình một tiêu đề ưng ý. Mỗi lần thay đổi tên gọi là một lần chủ ý của tác giả có đổi mới, và tất nhiên nó cũng làm thay đổi cách cảm, hiểu của người đọc. Xem xét quá trình đặt tên cho sáng tác (nếu có), vì vậy cũng là một con đường tiếp cận giá trị tác phẩm, góp phần làm phong phú ý nghĩa, đời sống lịch sử của tác phẩm văn học. Cách thức thông thường là hướng dẫn HS so sánh các tiêu đề mà nhà văn từng “nghĩ ra”, lí giải vì sao tác giả đã đặt là (A), rồi lại đổi thành (B) và cuối cùng chọn tiêu đề (C). Chẳng hạn: Nam Cao có ẩn ý gì khi đặt tên tác phẩm của mình là Cái lò gạch cũ? Đổi Cái lò gạch cũ thành Đôi lứa xứng đôi, nhà xuất bản nhằm mục đích gì? Cái tên Đôi lứa xứng đôi có vẻ rất hợp thời, có khả năng thu hút mạnh mẽ trí tò mò của công chúng nhưng tại sao Nam Cao cuối cùng đã chọn Chí Phèo - một nhan đề có vẻ quá đơn giản như vậy? 2.2.4. Xem xét hệ tiêu đề như một kênh khám phá quá trình vận động của tư tưởng nghệ thuật; đặc điểm sáng tác, thi pháp, cá tính sáng tạo của nhà văn Toàn bộ sáng tác của một nhà văn - đặc biệt là nhà văn hiện thực, lãng mạn, hiện đại và hậu hiện đại - tạo thành một chỉnh thể thống nhất, thể hiện rõ hành trình tư tưởng nghệ thuật, đặc điểm, thi pháp sáng tác của nhà văn. Là một thành tố cấu thành tác phẩm, nhan đề cũng góp phần quan trọng vào việc cá tính hoá sáng tác. Người học có thể dựa vào hệ nhan đề tác phẩm để khám phá bước đường nhận thức, tư tưởng, các giai đoạn cũng như đặc điểm sáng tác của nhà văn, chẳng hạn: - Đặc điểm cấu trúc, chức năng của hệ thống nhan đề trong sáng tác của Tố Hữu? 76 Nhan đề tác phẩm văn học và dạy học sinh đọc văn từ nhan đề tác phẩm Nhan đề các tập thơ, từ Từ ấy, Việt Bắc, Ra trận, Gió lộng, Máu và hoa cho đếnMột tiếng đờn có vai trò gì