Những tương đồng giữa văn học Việt Nam trong và ngoài nước từ sau năm 1975 đến nay

Tóm tắt. Bài viết chỉ ra những điểm tương đồng giữa văn học Việt Nam ở trong và ngoài nước từ sau năm 1975 đến nay ở những phương diện: tương đồng về tiến trình vận động; tương đồng trong cảm hứng thiết tha với những giá trị thuộc về bản sắc dân tộc; và tương đồng trong những nỗ lực làm mới nghệ thuật văn chương. Qua những phân tích, kiến giải cụ thể, chúng tôi muốn đưa ra triển vọng hợp lưu cho hai khu vực văn học này.

pdf9 trang | Chia sẻ: thanhle95 | Lượt xem: 171 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Những tương đồng giữa văn học Việt Nam trong và ngoài nước từ sau năm 1975 đến nay, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE 2012, Vol. 57, No. 10, pp. 127-135 NHỮNG TƯƠNG ĐỒNG GIỮA VĂN HỌC VIỆT NAM TRONG VÀ NGOÀI NƯỚC TỪ SAU NĂM 1975 ĐẾN NAY Nguyễn Thị Tuyết Nhung Trường Đại học Sư phạm Hà Nội E-mail: nguyennhungvnh@gmail.com Tóm tắt. Bài viết chỉ ra những điểm tương đồng giữa văn học Việt Nam ở trong và ngoài nước từ sau năm 1975 đến nay ở những phương diện: tương đồng về tiến trình vận động; tương đồng trong cảm hứng thiết tha với những giá trị thuộc về bản sắc dân tộc; và tương đồng trong những nỗ lực làm mới nghệ thuật văn chương. Qua những phân tích, kiến giải cụ thể, chúng tôi muốn đưa ra triển vọng hợp lưu cho hai khu vực văn học này. Từ khóa: Tương đồng, văn học Việt Nam, văn học hải ngoại, tiến trình vận động, bản sắc dân tộc, nghệ thuật văn xuôi. 1. Mở đầu Văn học của một dân tộc được ví như một dòng sông lớn, có nhiều nhánh, nhiều ngả rẽ. Khi thì dòng sông ấy ngoặt vào những cánh rừng xanh rậm rạp; lúc lại len lỏi trên những khe ngách của núi đá cao. Dòng sông ấy khi thì chảy băng băng trên những dòng mạch chính; lúc lại âm thầm tách rẽ vào những ngõ ngách quanh co, hoặc đến những nơi xa xôi, heo hút,. . . Văn học Việt Nam cũng có thể được ví như dòng sông ấy. Song song cùng dòng văn học dân gian, dòng văn học viết Việt Nam từ thế kỉ X đến nay đã trải qua nhiều khuất khúc, thăng trầm, đặt trong những hoàn cảnh lịch sử - xã hội khác nhau. Và cũng chính những biến động của lịch sử đã hình thành nên những nhánh, những mạch rẽ ngay trên sinh thể dòng mạch chính của văn học viết Việt Nam. Đó là những hiện tượng thơ văn sáng tác bằng chữ Nôm, đặt cạnh văn học chính thống thời trung đại - văn học viết bằng chữ Hán. Đó là một bộ phận văn học sáng tác ở các đô thị miền Nam Việt Nam từ 1954 đến 1975 đã từng bị “bỏ quên”. Ngoài ra, còn có một mảng ghép đa dạng, phong phú và phức tạp của văn học sáng tác bằng tiếng Việt ở nước ngoài trải dài trong tiến trình lịch sử dân tộc. Mảng văn học hải ngoại này là một sinh thể hiện hữu, sống động, không thể phủ nhận. Và theo sự quan sát của chúng tôi, văn học Việt Nam trong nước và hải ngoại từ sau năm 1975 đến nay, do những nguyên nhân khách quan và chủ quan, hữu thức và vô thức, có những điểm tương đồng khá thú vị. 127 Nguyễn Thị Tuyết Nhung 2. Nội dung nghiên cứu 2.1. Tương đồng trong tiến trình vận động Trong bài viết Thử tìm một lối tiếp cận văn học sử về 25 năm văn học Việt Nam hải ngoại 1975-2000, nhà phê bình văn học Thụy Khuê đưa ra nhận định: “Hai mươi nhăm năm. Một phần tư thế kỷ. Khi nhìn lại chặng đường vừa qua của văn học Việt Nam, người ta nhận thấy do một tình cờ, một định mệnh hay một thần giao cách cảm nào đó, dòng văn học của người Việt sống ở nước ngoài có những lưu lượng ghềnh thác, chung nhịp với dòng văn học đổi mới ở trong nước” [4]. Văn học Việt Nam trong nước sau chiến thắng 30/4/1975 thường được chia thành ba chặng chính. Chặng thứ nhất là 10 năm văn học sau chiến tranh (1975-1985), được coi là chặng khởi động. Thời kì này, văn học Việt trong nước chủ yếu vẫn trượt theo quán tính cũ mà tính sử thi là khuynh hướng bao trùm. Bên cạnh đó, đã xuất hiện những mầm mống của đổi mới văn học, biểu hiện trong những tác phẩm viết về những thời điểm nóng bỏng, khốc liệt, gay cấn nhất của chiến tranh như Trong cơn gió lốc (Khuất Quang Thụy), Năm 75 họ đã sống như thế (Nguyễn Trí Huân), Họ cùng thời với những ai (Thái Bá Lợi), Đất trắng - tập 1 (Nguyễn Trọng Oánh),. . . ; hoặc trong những tác phẩm viết về buổi giao thời từ chiến tranh sang hòa bình như Miền cháy (Nguyễn Minh Châu), Những khoảng cách còn lại (Nguyễn Mạnh Tuấn); những sáng tác mang khuynh hướng hướng về đời sống thế sự - đạo đức như Cha và con và. . . , Gặp gỡ cuối năm, Thời gian của người (Nguyễn Khải), Bức tranh (Nguyễn Minh Châu), Đứng trước biển, Cù lao Tràm (Nguyễn Mạnh Tuấn),Mùa lá rụng trong vườn (Ma Văn Kháng),. . . Đó là trong lãnh địa văn xuôi. Còn trong thơ, không thể không nhắc đến sự xuất hiện của hàng loạt những trường ca của Thanh Thảo, Hữu Thỉnh, Nguyễn Đức Mậu, Nguyễn Duy, thơ của Ý Nhi,. . . Trên sân khấu kịch nói, Lưu Quang Vũ trở thành một hiện tượng chói sáng với những vở kịch tấn công trực diện vào những vấn đề nhức nhối của đời sống, chuẩn bị tích cực cho cuộc chuyển mình mạnh mẽ của văn học khi bước vào thời kì đổi mới. Trên bình diện ý thức nghệ thuật, tháng 11/1978, trên báo Văn nghệ Quân đội có bài viết tựa đề Viết về chiến tranh của Nguyễn Minh Châu, ngụ ý phê bình nền văn học miền Bắc trước 1975 và Việt Nam sau 1975, chưa có tiểu thuyết thực sự về chiến tranh. Rồi ngày 9/6/1979, trên tờ Văn nghệ số 23, Hoàng Ngọc Hiến có bài triết luận tựa đề Về một đặc điểm của văn học nghệ thuật ở ta trong giai đoạn vừa qua, chứng minh tính cách “phải đạo” của nền văn học trong nước. Hai tiểu luận này, theo Thụy Khuê, được coi là “những bài viết khai quang cho nền văn học đổi mới trong nước” [4]. Trong khi đó, ở hải ngoại, một nền văn học lưu vong cũng được hình thành ở những bước sơ khởi. Tuy nhiên, không phải đến năm 1975 mới xuất hiện văn học hải ngoại. Thực ra, dòng văn học này đã có những người tiên phong từ thời trung đại (thơ ca đi sứ), đến thời hiện đại (những sáng tác của Phan Bội Châu, Nguyễn Ái Quốc khi xuất dương cứu nước vào đầu thế kỉ XX). Sau đó, nó rơi vào một khoảng “chân không” từ những năm 20, 30 đến giữa những năm 70 của thế kỉ XX. Chỉ đến sự kiện 30/4/1975 - với chiến thắng lịch sử của nhân dân Việt Nam trước chính quyền Mĩ - Ngụy, đó mới thực sự là một “cú 128 Những tương đồng giữa văn học Việt Nam trong và ngoài nước từ sau năm 1975 đến nay huých lịch sử” mở ra những chuyển biến mạnh mẽ trong cuộc đời của một bộ phận người Việt ở miền Nam Việt Nam, đồng thời cũng tạo sinh một dòng văn học bên ngoài lãnh thổ Việt Nam, tập trung chủ yếu ở Bắc Mỹ - nơi một số lượng lớn người Việt di tản. Thời kì đầu tiên này được các nhà văn, nhà nghiên cứu văn học hải ngoại gọi bằng những tên gọi khác nhau. Nguyễn Mộng Giác gọi là “thời kì chập chững bàng hoàng” (1975-1980) [2]. Nguyễn Hữu Nghĩa gọi là “giai đoạn khai phá” (1976-1979) [6]. Thụy Khuê gọi là “thời kì phôi thai” (1975-1981) [4]. Thời kì này, sáng tác văn học ở hải ngoại còn lẻ tẻ, rải rác, chủ yếu viết về những tâm tình buồn nhớ, những hoài niệm, hồi cố về quê hương xa cách (thơ Minh Đức Hoài Trinh, Cao Tần, tạp ghi, tùy bút và tiểu thuyết Nguyên vẹn của Võ Phiến, tập truyện ngắn Xứ sấm sét của Võ Đình,. . . ). Những tờ báo chủ yếu chuyên chở sinh hoạt văn học trong thời kỳ đầu là các tờ Đất Mới, Hồn Việt và Văn học nghệ thuật, trong đó có một nội dung quan trọng là chiếc cầu nối giữa kẻ ở và người đi, là nơi chuyên chở tin tức giữa người xa xứ 11/76. Đó là những nhà xuất bản chủ trương in sách mới. Đồng thời, cơ sở Đại Nam, cũng thuộc những nhà xuất bản ra đời sớm nhất, hoạt động từ tháng 7/76 và sau đó, Sống Mới, Xuân Thu là những nhà chủ trương in lại sách cũ miền Nam và văn học tiền chiến. Có thể nói, xuất bản và báo chí là những tiền đề vật chất thiết yếu của một nền (dòng) văn học sơ khai. Mặc dù những sáng tác văn học thời kì đầu của dòng văn học hải ngoại còn thưa thớt, nhưng có thể nói, đó là nỗ lực đáng ghi nhận của những con người nặng lòng với ngôn ngữ dân tộc, dù sống trong tình cảnh bơ vơ, tuyệt vọng, hoang mang tột cùng nơi đất khách vẫn âm thầm gìn giữ và nhen nhóm ngọn lửa tình yêu đối với tiếng nói, chữ viết Việt Nam. Thời kì thứ 2, ở văn học Việt trong nước, được coi là cao trào của đổi mới văn học, tính từ năm 1986 đến đầu những năm chín mươi của thế kỉ XX. Với văn học hải ngoại, thời kì tiếp theo của chặng khởi đầu được gọi là “thời kì chuyển tiếp trỗi dậy nhờ cuộc vượt biên đưa tới nhiều người viết” (1979-1982), sau đó là “thời kì phát triển và định hình” (1982-1990) (theo Nguyễn Mộng Giác) [2]; hay là “thời kì phát triển” (1980-1985) (theo Nguyễn Hữu Nghĩa) [6] và 1982-1990 (theo Thụy Khuê) [4]. Như vậy, nếu văn học đổi mới trong nước lấy mốc của thời kì phát triển là năm 1986 - năm diễn ra Đại hội Đảng lần thứ VI, thì với văn học hải ngoại, thời kì phát triển đẩy lên sớm hơn khoảng 5 năm. Tác nhân chính của sự phát triển mạnh mẽ, rầm rộ ở văn học hải ngoại những năm này chính là cuộc vượt biển “vĩ đại và bi thương” (Nguyễn Mộng Giác) của hàng mấy trăm ngàn con người Việt Nam quyết tâm đi tìm tự do. Nhà văn Vũ Khắc Khoan đã gọi phong trào vượt biển những năm 78, 79 của thế kỉ XX là “một luồng sinh khí mới thổi lên tự biển Thái Bình” [2]. Cuộc vượt biển đã cung cấp cho các văn nghệ sĩ - những người trong cuộc, chất liệu tươi mới, sống động nhất về kí ức kinh hoàng, về những ngày tháng cận kề giữa cái sống và cái chết, địa ngục và thiên đường,. . . Những cuốn hồi kí và tiểu thuyết - tự truyện ra đời ghi lại thảm cảnh của “thuyền nhân”, dựng nên bức tranh toàn mảng màu đỏ của máu và màu đen của bóng tối, của sự tàn ác, ghê sợ, những tai họa kinh hoàng, những cảnh tượng thê thảm khi con người không còn được sống và đối xử như con người. Một loạt những sáng tác của Nguyễn Mộng Giác, Cao Xuân Huy, Hoàng Khởi Phong, Thế Giang, Duyên Anh, Nhật Tiến, Nguyễn Tường Bách,. . . dung hợp trong đó những ký ức, kinh nghiệm, tâm tư trĩu nặng của con người trong những thăng trầm của cuộc chiến 129 Nguyễn Thị Tuyết Nhung tranh, rồi cuộc sống tù đày, trại cải tạo sau 1975, và cả thảm cảnh “thuyền nhân” cũng như những ngày sống trên đất mới (ví dụ như: Đại học máu (Hà Thúc Sinh), Mùa biển động (Nguyễn Mộng Giác), Ngày N+ (Hoàng Khởi Phong), Tháng 3 gãy súng (Cao Xuân Huy), Đồi Fanta (Duyên Anh), Thằng người có đuôi (Duyên Anh). . . ). Văn học hải ngoại thời kì này thực sự được coi là một thứ vũ khí sắc bén “hướng vào vận nạn đất nước” (Mai Thảo). Nhà văn tự nguyện cầm bút viết với thôi thúc nhập cuộc, "hợp nhập trường kỳ vào đại thể quê hương” (Mai Thảo). Sự hăm hở nhập cuộc đó đã tạo nên một thời kì văn học hải ngoại phát triển rầm rộ cả về lượng và chất, không chỉ có sự đua nở của hàng trăm tờ báo mà còn cả sự phong phú đặc biệt là của thể văn xuôi (tùy bút, hồi kí, truyện ngắn, tiểu thuyết,. . . ). Tương ứng với thời kì này, văn học đổi mới trong nước không thể không ghi nhận đóng góp của các phóng sự, kí của Hồ Trung Tú, Phùng Gia Lộc, Minh Chuyên, Võ Văn Trực, Trần Huy Quang, Hoàng Minh Tường,. . . như là những nhân tố mạnh mẽ mở ra dòng văn học chống tiêu cực. Với tính chất nhạy bén và đòi hỏi sự trung thực cao của thể loại, những tác phẩm kí và phóng sự vào giữa những năm 80 của thế kỉ XX đã mổ xẻ, phanh phui mặt trái, mặt bất cập của cơ chế cũ và đời sống mới. Tinh thần “nhập cuộc”, “xung kích” của các nhà báo, nhà văn gợi cho chúng ta nghĩ đến những sáng tác hiện thực nghiêm nhặt về chiến tranh, trại cải tạo, “thuyền nhân”,. . . trong sáng tác của các nhà văn hải ngoại đầu những năm 80 của cùng thế kỉ. Nhưng rồi khi nhu cầu đáp ứng tính thời sự nóng hổi qua đi, văn học đổi mới trong nước lại đi vào chiều sâu với cảm hứng “nhận thức lại quá khứ” (sáng tác của Lê Lựu, Nguyễn Khắc Trường, Bảo Ninh, Dương Hướng, ...), đồng thời phát hiện và trình bày tư tưởng, thái độ trước những biến chuyển của đời sống xã hội, lịch sử và khám phá những chiều kích bên trong của con người (sáng tác của Mai Ngữ, Nguyễn Quang Thân, Ma Văn Kháng, Nguyễn Bản, Tạ Duy Anh, Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Phạm Hoa, Hòa Vang,. . . ). Đổi mới văn học trong nước thời kì này chủ yếu dồn vào những tư tưởng, quan niệm mới mẻ, mang tính đối thoại trong quan niệm nghệ thuật về hiện thực và con người. Thời kì thứ 3 của văn học Việt Nam thời đổi mới được một số nhà nghiên cứu tính từ đầu những năm 90 trở đi. Thời kì này, văn học dường như trầm xuống, lắng xuống, chuyển từ những phát ngôn mới mẻ, độc đáo về tư tưởng sang những cách tân, thể nghiệm về hình thức. Nguyễn Xuân Khánh, Võ Thị Hảo đã khoác cho tiểu thuyết lịch sử truyền thống một diện mạo mới, sinh động với kỹ thuật trần thuật từ nhiều điểm nhìn đầy biến hóa và phương thức huyền thoại hóa. Bên cạnh sự “phá cách đến phá phách” của các nhà thơ trẻ như Vi Thùy Linh, Phan Huyền Thư, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Văn Cầm Hải, nhóm Ngựa trời, Mở miệng,. . . là nỗ lực làm mới thể loại và khát vọng giới thiệu với công chúng cá tính sáng tạo độc đáo của các cây bút văn xuôi như Hồ Anh Thái, Tạ Duy Anh, Y Ban, Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Ngọc Tư, Đỗ Hoàng Diệu, Nguyễn Nguyên Phước, Nguyễn Thế Hoàng Linh,. . . Với văn học hải ngoại, thời kì thứ 3 mà Nguyễn Mộng Giác gọi là “thời kì phát triển và định hình” kéo dài từ 1982 đến 1990 [2], Nguyễn Hữu Nghĩa gọi là “giai đoạn kiện toàn” (1986-1990) [6], còn Thụy Khuê gọi là “thời kì hòa hợp” (1991-2000) [4]. Tinh 130 Những tương đồng giữa văn học Việt Nam trong và ngoài nước từ sau năm 1975 đến nay thần “hòa hợp”, theo Thụy Khuê, được đánh dấu từ sự ra đời của tạp chí Hợp Lưu (tháng 10/1991) với chủ trương là diễn đàn phổ biến các tác phẩm văn chương hiện tại ở trong và ngoài nước, “tạo một nhịp cầu thông cảm, một diễn đàn trao đổi ý kiến nhiều khi tưởng chừng cách biệt, vô phương tiếp cận hay hoà giải”, với sự “vững tin ở tính chất bẩm sinh hướng thiện và khả năng vượt qua lỗi lầm dĩ vãng của nhân loại để cùng hướng về một tương lai tốt đẹp hơn” (Thư tòa soạn, Hợp Lưu số 93, tháng 10/2008). Cùng hướng với Hợp Lưu, một số các tờ báo khác ra đời: Tháng 6/1992, nhóm Trân Sa, Tư Đồ Tuệ, Hà Trọng Vũ ở Toronto, Canada, xuất bản tạp chí Trăm Con. Mùa thu năm 94, tạp chí Thơ số 1 ra đời, 4 tháng một lần với nhóm Khế Iêm, Đỗ Khiêm, Phan Tấn Hải, Chân Phương, Nguyễn Hoàng Nam, Trầm Phục Khắc,... mong mỏi tìm một hướng đi mới cho thơ. Đầu năm 1998, tạp chí Việt, một năm hai kỳ, do Nguyễn Hưng Quốc chủ trương, phát hành tại Úc. Nhiều tờ báo khác xuất hiện tại Đông Âu [ Dẫn theo 4]. Cũng như văn học trong nước từ 1990 trở đi, văn học Việt ở hải ngoại dường như đã đi qua thời kì phát triển rầm rộ, sôi nổi với nhiệt huyết phơi bày quá khứ, tấn công vào những bất công, khắc chế một thời (theo quan điểm của một số người sáng tác), để rồi chuyển từ những bức xúc chính trị sang những băn khoăn triết học về con người và đời sống. Nhà văn hải ngoại dường như đã thoát dần khỏi tình trạng “ăn bóng” của quá khứ để dần hướng ngòi bút vào đời sống thực tại, nhận thức được “lưu vong” không chỉ là trạng thái hiện tồn của một bộ phận người Việt bị đẩy lìa khỏi quê hương mà đó còn là thân phận của nhân sinh, nhân loại. Những tiểu thuyết Quyên, tập truyện ngắn Vàng xưa (Nguyễn Văn Thọ), Và khi tro bụi, Mưa ở kiếp sau (Đoàn Minh Phượng), Phố Tàu, Paris 11 tháng 8, T. mất tích, Vân Vy (Thuận), truyện ngắn của Mai Ninh, Miêng, Phan Việt,. . . đã phần nào hòa âm với những tác phẩm văn học trong nước của Tạ Duy Anh, Hồ Anh Thái, Nguyễn Bình Phương, Đặng Thân, Nguyễn Quang Lập,. . . ở cảm thức về thân phận con người thời hiện đại. Đồng thời, văn học hải ngoại thời kì này cũng thể hiện những thể nghiệm, cách tân về hình thức nghệ thuật theo hướng hậu hiện đại. Như vậy, ở những chặng nào đó của quá trình vận động, phát triển, do sự tương đồng về điều kiện tư tưởng, tinh thần (tôn trọng, khuyến khích sự cởi mở, tự do về tư tưởng và tinh thần dân chủ hóa toàn xã hội) và điều kiện văn hóa (sự giao lưu văn hóa toàn cầu, xu hướng tiếp thu văn hóa phương Tây mạnh mẽ), văn học Việt trong và ngoài nước từ sau năm 1975 có những điểm gặp gỡ, tương đồng. 2.2. Tương đồng trong cảm hứng thiết tha với những giá trị thuộc về bản sắc dân tộc Bản sắc của một dân tộc, trước hết, kết lắng trong ngôn ngữ của dân tộc ấy. Còn nhớ, trong lịch sử 1000 năm Bắc thuộc, con người Việt Nam vẫn sử dụng tiếng nói của dân tộc mình như một hình thức chống lại sự “đồng hóa” văn hóa của người phương Bắc. Đến 10 thế kỷ văn học trung đại, trải qua nhiều triều đại phong kiến, dù bước đầu sử dụng chữ Hán làm văn tự chính trong các văn bản mang tính hành chính, “công cụ”, nhưng người Việt vẫn tiếp tục sáng tạo ra chữ Nôm như một thứ ngôn ngữ riêng mang hồn dân tộc để ghi lại những tâm tư, cảm xúc, suy nghĩ của chính mình. Và bước sang thế 131 Nguyễn Thị Tuyết Nhung kỷ XX, lấy ngôn ngữ thuộc ngữ hệ latin làm chữ quốc ngữ, bao thế hệ con người Việt Nam đã yêu quý nó, coi nó như là “tấm lụa bạch hứng hồn dân tộc” (Hoài Thanh), vừa gìn giữ, bảo vệ nó trước cơn lốc Âu hóa từ Pháp thổi đến, vừa tiếp tục mài giũa, trau chuốt nó, tạo nên những tác phẩm nghệ thuật tuyệt vời. Văn học Việt ở hải ngoại từng bị coi là một bộ phận tách lìa khỏi cơ thể văn chương dân tộc Việt. Nhưng, nếu nhìn một cách khách quan, “cái phần thừa”, “bỏ đi” ấy vẫn có một mối liên hệ sâu xa về máu huyết với văn học chính mạch trong nước. Bởi trước hết, nó được viết bằng một tình yêu đau đớn và khắc khoải đối với chữ viết, ngôn ngữ dân tộc: tiếng Việt. Đó là hành trang văn hóa mà mỗi người Việt xa quê, dù với lý do nào, cũng đều mang theo, nâng niu, gìn giữ. Nói như Minh Đức Hoài Trinh, "văn hóa, ngôn ngữ quy định cả một kiếp người" [2]. Những người Việt sau sự biến tháng 4 năm 1975 rời nước theo hình thức di tản (tị nạn chính trị), rồi đến hàng nghìn người vượt biển để đi tìm chân trời mới tự do, và cả những người sau này rời nước đi du học, làm việc, xuất khẩu lao động,. . . , trong hoàn cảnh phải thích nghi với môi trường mới, văn hóa mới, rồi gánh nặng mưu sinh giữa nơi đất khách, vậy mà họ vẫn sử dụng tiếng Việt trong cuộc sống và nhất là để dấn thân trên những trang viết, đó là một nỗ lực lớn. Nỗ lực ấy không đơn giản chỉ là sự “vận công” của ý chí mà hơn hết là một tình yêu sâu sắc, một sự gắn bó máu thịt và một nhiệt tình không cần đền đáp. Đúng như Nguyễn Hưng Quốc đã nhận xét: “lựa chọn viết bằng tiếng Việt là một lựa chọn sinh tử”, bởi nhà văn phải “chặt hết chiếc cầu nối người Việt lưu vong với cộng đồng người bản xứ, với thế giới, với thế hệ đồng hương lớn lên trên xứ người”. “Viết văn không còn là một nghề nghiệp hay một danh phận mà trở thành một cách hành lạc đau đớn của những người bị bất lực” [7]. Vì thế, cũng theo Nguyễn Hưng Quốc, “nền văn học lưu vong nào cũng là nền văn học yêu nước, trước hết là tình yêu đối với ngôn ngữ dân tộc” [7]. Không chỉ thế, tình cảm thiết tha với bản sắc dân tộc của nhà văn còn được biểu hiện ở lòng gắn bó sâu nặng với cảnh sắc, phong vị cũng như nếp sinh hoạt, lối cảm, lối nghĩ của con người Việt Nam ở mỗi vùng quê hương, xứ sở. Từ năm 1986, do chính sách mở cửa, hội nhập với thế giới bên ngoài và đường lối công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, có lẽ, chưa có thời kì nào, vấn đề nông thôn và việc bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc lại được đặt ra gay gắt, nóng bỏng như thế trong xã hội Việt Nam. Cơn gió hiện đại hóa thổi qua lũy tre làng Việt Nam, len lỏi vào mọi ngóc ngách từ đời sống sinh hoạt cho đến tận tâm tư, suy nghĩ, điệu rung cảm của người dân. Trước hoàn cảnh ấy, chúng ta lại càng yêu mến, trân trọng hơn những vần thơ mang âm hưởng dân gian - hiện đại, hướng đến những vẻ đẹp tự nhiên mà sâu xa của nông thôn Việt Nam của Nguyễn Duy, Phạm Công Trứ, Đồng Đức Bốn,. . . Hay những trang văn của Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Huy Thiệp, Mạc Can, Dạ Ngân, Nguyễn Ngọc Tư,. . . lại đưa ta đến với không gian đặc trưng của ba miền Bắc, Trung, Nam với đầy đủ những khung cảnh, con người, cuộc sống nơi đó, dung dị, mộc mạc mà không kém phần thâm trầm, sâu sắc. Nói về bản sắc dân tộc trong văn học Việt ở hải ngoại, không thể không nhắc đến 132 Những tương đồng giữa văn học Việt Nam trong và ngoài nước từ sau năm 1975 đến nay mảng văn học viết theo khuynh hướng “hoài cảm, hoài niệm quê hương”. Quê hương luôn xuất hiện trong trang viết của những người tha hương khi thì như một miền nhớ thương đau đáu, lúc lại là một khoảng mờ đầy bí ẩn, mời gọi sự trở về, khám phá. Có lẽ, càng xa quê, qua lăng kính của không gian vời vợi và thời gian dằng dặc, mỗi nhà văn càng cảm hiểu đến tận cùng phần gốc gác máu thịt mà mình khó có thể với tới, chạm đến. Vậy nên chưa bao giờ trong văn học Việt Nam lại xuất hiện nhiều đến thế hình ảnh đặc trưng của những vùng miền trên đất nước Việt Nam. Đó là hình ảnh của xứ Huế nên thơ, trầm mặc ngàn đời trong sáng tác của Nguyễn M