Tóm tắt. Viên chức làm công tác thiết bị dạy học (TBDH) có vai trò rất quan trọng trong
quản lí, sử dụng các TBDH một cách khoa học, hiệu quả ở trường phổ thông. Tuy nhiên,
tỉ lệ khá cao viên chức làm công tác này ở trường THCS tại hai tỉnh Quảng Nam và Đà
Nẵng là giáo viên kiêm nhiệm, không được đào tạo chính quy về chuyên ngành công tác
thiết bị dạy học, gây ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả quản lí, sử dụng, bảo quản, bảo
dưỡng các thiết bị dạy học ở trường phổ thông. Bài báo đề xuất mô hình bồi dưỡng các
kĩ năng sử dụng TBDH môn Vật lí cho các viên chức kiêm nhiệm làm công tác TBDH ở
trường THCS. Kết quả thực nghiệm bồi dưỡng cho 149 viên chức làm công tác nàytại hai
tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng cho thấy: Học viên đều hình thành được các kĩ
năng cơ bản trong sử dụng các TBDH môn Vật lí (thông qua hoàn thành tốt các yêu cầu
đặt ra trong mỗi hoạt động bồi dưỡng). Thông qua ý kiến phản hồi, có tới 98% người học
đánh giá mô hình bồi dưỡng là hợp lí, hiệu quả và đạt được mục tiêu khóa học. Mô hình
bồi dưỡng có thể mở rộng áp dụng trong các khóa bồi dưỡng về TBDH các môn học khác,
các khóa chuyên đề bồi dưỡng giáo viên phổ thông đáp ứng chương trình phổ thông mới
trong thời gian tới.
9 trang |
Chia sẻ: thanhle95 | Lượt xem: 315 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Phát triển kĩ năng sử dụng thiết bị dạy học bộ môn Vật lí cho viên chức làm công tác thiết bị dạy học ở trường trung học cơ sở, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE DOI: 10.18173/2354-1075.2016-0174
Educational Sci., 2016, Vol. 61, No. 8B, pp. 187-195
This paper is available online at
PHÁT TRIỂN KĨ NĂNG SỬ DỤNG THIẾT BỊ DẠY HỌC BỘ MÔN VẬT LÍ
CHO VIÊN CHỨC LÀM CÔNG TÁC THIẾT BỊ DẠY HỌC
Ở TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ SỞ
Phùng Việt Hải, Nguyễn Nhật Quang, Lê Thị Minh Phương
Khoa Vật lí, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng
Tóm tắt. Viên chức làm công tác thiết bị dạy học (TBDH) có vai trò rất quan trọng trong
quản lí, sử dụng các TBDH một cách khoa học, hiệu quả ở trường phổ thông. Tuy nhiên,
tỉ lệ khá cao viên chức làm công tác này ở trường THCS tại hai tỉnh Quảng Nam và Đà
Nẵng là giáo viên kiêm nhiệm, không được đào tạo chính quy về chuyên ngành công tác
thiết bị dạy học, gây ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả quản lí, sử dụng, bảo quản, bảo
dưỡng các thiết bị dạy học ở trường phổ thông. Bài báo đề xuất mô hình bồi dưỡng các
kĩ năng sử dụng TBDH môn Vật lí cho các viên chức kiêm nhiệm làm công tác TBDH ở
trường THCS. Kết quả thực nghiệm bồi dưỡng cho 149 viên chức làm công tác nàytại hai
tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng cho thấy: Học viên đều hình thành được các kĩ
năng cơ bản trong sử dụng các TBDH môn Vật lí (thông qua hoàn thành tốt các yêu cầu
đặt ra trong mỗi hoạt động bồi dưỡng). Thông qua ý kiến phản hồi, có tới 98% người học
đánh giá mô hình bồi dưỡng là hợp lí, hiệu quả và đạt được mục tiêu khóa học. Mô hình
bồi dưỡng có thể mở rộng áp dụng trong các khóa bồi dưỡng về TBDH các môn học khác,
các khóa chuyên đề bồi dưỡng giáo viên phổ thông đáp ứng chương trình phổ thông mới
trong thời gian tới.
Từ khóa: Bồi dưỡng, kĩ năng, thiết bị dạy học, thí nghiệm môn vật lí, trung học cơ sở.
1. Mở đầu
Viên chức làm công tác thiết bị dạy học (TBDH) có vai trò rất quan trọng trong quản lí, sử
dụng các TBDH một cách khoa học, hiệu quả ở trường phổ thông. Công việc này đòi hỏi người
viên chức phải có kĩ năngcơ bản như: quản lí, sử dụng, bảo quản, bảo dưỡng và sửa chữa một số
lỗi đơn giản các TBDH. . . , có thể hỗ trợ giáo viên (GV) trong quá trình hướng dẫn học sinh (HS)
thực hành thí nghiệm tại tất cả các môn học ở trường phổ thông. Để thực hiện được các nội dung
trên, người viên chức làm công tác TBDH phải được đào tạo một cách chính quy, chuyên nghiệp,
đặc biệt phải có sự am hiểu về các thiết bị dạy học của từng môn học.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, tỉ lệ khá cao các viên chức làm công tác TBDH
ở trường THCS trên địa bàn Quảng Nam và Đà Nẵng không được đào tạo chính quy về chuyên
ngành công tác thiết bị dạy học, họ chủ yếu là các giáo viên kiêm nhiệm được các cấp quản lí cho
đi bồi dưỡng ngắn hạn về công tác quản lí TBDH. Tuy nhiên, cách thức bồi dưỡng hiện nay cho
nhóm đối tượng này hoặc còn nặng về trình bày lí thuyết mang tính chuyên sâu mà thiếu tính thực
Ngày nhận bài: 5/8/2016. Ngày nhận đăng: 25/9/2016.
Liên hệ: Phùng Việt Hải, e-mail: viethai8090@gmail.com
187
Phùng Việt Hải, Nguyễn Nhật Quang, Lê Thị Minh Phương
hành hoặc trình bày riêng rẽ giữa lí thuyết và thực hành, gây ra tâm lí “mệt mỏi” cho người được
bồi dưỡng, các kĩ năng cơ bản rất khó hình thành, do đó hiệu quả bồi dưỡng chưa cao.
Nghiên cứu về phát triển kĩ năng sử dụng thiết bị thí nghiệm trong dạy học vật lí có thể kể
đến các tác giả Phạm Xuân Quế [1], Phạm Kim Chung, Tôn Quang Cường [2]. Trong các nghiên
cứu, các tác giả đã đưa ra quy trình bồi dưỡng và đánh giá kĩ năng sử dụng thí nghiệm trong dạy
học vật lí cho đối tượng là các sinh viên ngành sư phạm vật lí. Tuy nhiên, theo chúng tôi, việc
áp dụng các quy trình trên sẽ gặp nhiều khó khăn trong bồi dưỡng các kĩ năng cơ bản về quản lí
TBDH nói chung (TBDH môn Vật lí nói riêng) cho đối tượng là các giáo viên kiêm nhiệm công
tác TBDH ở trường THCS hiện nay. Trong nghiên cứu này, chúng tôi đề xuất mô hình và tổ chức
bồi dưỡng để phát triển các kĩ năng sử dụng TBDH môn Vật lí cho các viên chức kiêm nhiệm làm
công tác TBDH ở trường THCS.
2. Nội dung nghiên cứu
2.1. Một số khái niệm cơ bản
Thiết bị dạy học: TBDH là một bộ phận của cơ sở vật chất trường học, bao gồm những đối
tượng vật chất được thiết kế sư phạm mà GV sử dụng để điều khiển hoạt động nhận thức của HS;
đồng thời là nguồn tri thức, là phương tiện giúp HS lĩnh hội tri thức, hình thành kĩ năng đảm bảo
cho việc thực hiện mục tiêu dạy học [3].
Đặc biệt TBDH có ý nghĩa phương pháp luận sâu sắc là ở chỗ: nếu sử dụng TBDH có hiệu
quả sẽ góp phần quan trọng nhất không những trong việc hình thành tư duy khoa học cho HS mà
còn góp phần phát triển kĩ năng nghề nghiệp của chính người GV. Cùng với sách giáo khoa, thiết
bị dạy học là phương tiện lao động sư phạm không thể thiếu để GV và HS phối hợp tổ chức các
hoạt động dạy học và tiến hành một cách hợp lí, có hiệu quả quá trình dạy học ở các môn học, cấp
học [4].
Viên chức làm công tác TBDH: Người viên chức làm công tác TBDH là người quản lí
trực tiếp hệ thống TBDH của nhà trường (thẩm định chất lượng TBDH nhập, sắp xếp, bảo quản,
bảo dưỡng...) [3].
Người GV cần sử dụng tốt TBDH để dạy tốt một môn học, còn người viên chức làm công
tác TBDH cần hiểu biết (kể cả sử dụng) hệ thống TBDH của nhiều môn học để phục vụ có hiệu
quả cho các GV bộ môn khi lên lớp; hơn nữa họ còn có vai trò của người quản lí trực tiếp toàn bộ
hệ thống TBDH trong toàn trường.
Các yêu cấu đối với viên chức làm công tác TBDH: Theo [3], viên chức làm công tác
quản lí TBDH cần đảm bảo những yêu cầu về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ sau: Biết sử dụng
các thiết bị, máy móc; có khả năng lắp đặt các dụng cụ thí nghiệm một cách thành thạo; có khả
năng quản lí, sắp xếp hệ thống các TBDH trong trường theo phương châm “dễ tìm, dễ thấy, dễ
lấy”; có khả năng tổ chức hoạt động trong phòng thí nghiệm/phòng thực hành/phòng học bộ môn;
có khả năng lên kế hoạch cho một buổi thí nghiệm; lường trước những sự cố có thể xảy ra trong
quá trình HS làm thí nghiệm; chuẩn bị các phương tiện, dụng cụ, thuốc men để xử lí các sự cố nếu
xảy ra; biết hướng dẫn sử dụng thiết bị khi cần thiết; biết sửa chữa những thiết bị đơn giản; biết tổ
chức làm thiết bị đơn giản với vật liệu dễ kiếm ở địa phương.
2.2. Các kĩ năng cần hình thành cho viên chức làm công tác thiết bị dạy học
môn vật lí
Từ các yêu cầu đối với viên chức làm công tác TBDH kết hợp khảo sát thăm dò ý kiến của
các học viên tham gia bồi dưỡng tại 2 tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng sau bồi dưỡng,
188
Phát triển kĩ năng sử dụng thiết bị dạy học bộ môn Vật lí cho viên chức làm công tác thiết bị...
chúng tôi xác định bảy kĩ năng cơ bản cần hình thành cho các viên chức làm công tác TBDH trong
môn vật lí ở trường THCS, được thể hiện qua hình 1:
Hình 1. Các kĩ năng cần hình thành cho viên chức làm công tác TBDH môn vật lí
Trong bảy kĩ năng trên thì các kĩ năng 1, 2, 3, 5 được xác định là các kĩ năng quan trọng
nhất, cần đươc hình thành cho người học trong quá trình bồi dưỡng.
2.3. Đề xuất mô hình bồi dưỡng các kĩ năng sử dụng TBDH môn Vật lí cho các
viên chức làm công tác TBDH
Với mục tiêu phát triển các kĩ năng sử dụng TBDH môn Vật lí ở mục 2.2, trên cơ sở tìm
hiểu đặc điểm đối tượng bồi dưỡng, thời lượng cho phép của khóa tập huấn (tại trường đại học Sư
phạm Đà Nẵng, phát triển kĩ năng sử dụng TBDH môn Vật lí là một mô đun trong chương trình
bồi dưỡng có thời lượng 10 tiết), chúng tôi đã xây dựng mô hình bồi dưỡng dưới dạng chuỗi các
hoạt động liên tiếp, mỗi hoạt động hướng đến một kĩ năng cần hình thành. Cụ thể là:
Hoạt động 1: Nhận biết và ghi nhớ các thiết bị thí nghiệm môn Vật lí
(thời gian: 40 phút thực hiện + 20 phút trình bày)
Chuẩn bị:
Các thiết bị (12 thiết bị) từ 12 bộ thí nhiệm khác nhau được đánh số được để ngẫu nhiên tại
bàn.
Nhiệm vụ:
- Đọc lướt mục 1. 2. Nhận biết các dụng cụ, thí nghiệm thực hành vật lí THCS.
- Học viên đi xung quanh bàn quan sát, từ đó xác định tên của từng thiết bị thí nghiệm, tên bài
TN, lớp và mục đích thí nghiệm.
Hình thức làm việc: Cá nhân + Nhóm
Yêu cầu sản phẩm và trình bày:
Nhóm thảo luận, ghi kết quả dưới dạng bảng tổng hợp. Mỗi cá nhân sẽ trình bày nội dung 1
thiết bị trước lớp.
189
Phùng Việt Hải, Nguyễn Nhật Quang, Lê Thị Minh Phương
Hoạt động 2: Thực hành sử dụng một số thiết bị đo lường môn Vật lí cấp THCS
(thời gian: 70 phút thực hiện + 20 phút trình bày)
Chuẩn bị:
Bố trí các dụng cụ trên các (4) bàn – tương ứng 4 góc, mỗi bàn 2 thiết bị: Cân robecvan, ampe
kế, vôn kế chỉ kim, một máy biến áp học sinh, đồng hồ đo điện đa năng loại kim, loại số, 2 lực
kế, 1 nhiệt kế và các thiết bị cần đo: pin, điện trở, dây nối mạch, vật nặng. . .
Nhiệm vụ:
- Nghiên cứu tài liệu mục 2. 2. Sử dụng một số dụng cụ thí nghiệm đặc trưng môn Vật lí cấp
THCS.
- Chia lớp thành 4 nhóm lần lượt ngồi tại 4 góc để:
+ Quan sát thiết bị, từ đó xác định chức năng thiết bị, giá trị tối đa, tối thiểu thiết bị đo được;
nguyên tắc đo của thiết bị, các chú ý khi sử dụng thiết bị an toàn.
+ Thực hành sử dụng thiết bị.
(thời gian cho mỗi nhóm là 15 phút)
- Sau đó, các nhóm xoay vòng đến các góc còn lại để thực hiện tiếp nhiệm vụ.
Yêu cầu sản phẩm và trình bày:
Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ ghi trên giấy/bảng phụ.
Biểu diễn cách sử dụng 1 thiết bị theo yêu cầu (mỗi cá nhân trình bày và biểu diễn 1 dụng cụ
thí nghiệm).
Hoạt động 3: Thực hành bố trí, tháo một số bộ thí nghiệm vật lí
(thời gian: 60 phút thực hiện + 10 phút thi lắp TN)
Chuẩn bị thiết bị: Các thiết bị thí nghiệm các bộ sau:
Bài 53. Sự phân tích ánh sáng trắng – Vật lí 9
Bài 12. Độ to của âm – Vật lí 7
Bài 40. Hiện tượng khúc xạ ánh sáng – Vật lí lớp 9
Bài 17. Sự phụ thuộc của cường độ dòng điện vào hiệu điện thế hai đầu dây dẫn – vật lí 9.
Các bài thí nghiệm trên được bố trí tại 4 bàn.
Nhiệm vụ:
- Quan sát lại tài liệu mục 1.2. ứng với 4 bài thí nghiệm.
- Học viên chia thành 4 nhóm lần lượt ngồi tại 4 bàn để:
+ Nhận dạng từng thiết bị trong bộ TN.
+ Thực hành lắp ráp bộ TN, kiểm tra lại mạch thông qua đối chiếu tài liệu.
+ Vận hành thí nghiệm để lấy 1 lần kết quả (nếu cho phép)
+ Tháo rời các thiết bị như ban đầu, xếp gọn gàng.
(thời gian cho mỗi nhóm là 15 phút).
- Sau đó, các nhóm xoay vòng đến các bàn còn lại để thực hiện tiếp nhiệm vụ.
Yêu cầu sản phẩm và trình bày:
Bốn nhóm cử 4 đại diện để thi việc cùng lắp đặt 1 bộ TN. Đội thắng là đội bố trí được TN
nhanh nhất, chính xác nhất và gọn gàng, khoa học nhất.
190
Phát triển kĩ năng sử dụng thiết bị dạy học bộ môn Vật lí cho viên chức làm công tác thiết bị...
Hoạt động 4: Thực hiện một số thí nghiệm vật lí điển hình
(thời gian 30 thực hành + 20 phút trình bày)
Chuẩn bị thiết bị: Các thiết bị thí nghiệm các bộ sau:
Bài 12– Vật lí 6. Thực hành xác định khối lượng riêng của viên sỏi
Bài 11– Vật lí 7. Thực hành xác định độ cao của âm
Bài 3 – Vật lí 8: Thí nghiệm chuyển động đều, không đều
Bài 46– Vật lí 9. Thực hành: Đo tiêu cự của thấu kính hội tụ
Các bài TN trên được bố trí tại 4 bàn.
Nhiệm vụ:
- Nghiên cứu tài liệu phần 3. Hướng dẫn thực hiện một số bộ TN thực hành tiêu biểu (trang 44).
- Chia lớp thành 4 nhóm lần lượt ngồi tại 4 bàn để:
+ Nhận dạng từng thiết bị trong bộ TN.
+ Thực hành lắp ráp bộ TN, kiểm tra lại mạch thông qua đối chiếu tài liệu.
+ Thực hiện các phép đo theo hướng dẫn.
+ Xử lí kết quả đo.
Yêu cầu sản phẩm và trình bày:
- Báo cáo kết quả đo được trước lớp trên bảng phụ/giấy ghi.
- Biểu diễn thao tác tiến hành TN (nếu có yêu cầu).
Hoạt động 5: Phát hiện sai hỏng và sửa chữa một số thiết bị thí nghiệm vật lí
(thời gian 60 phút)
Chuẩn bị thiết bị:
Máy biến áp, đồng hồ đo điện dạng kim, lực kế, dây nối, đồng hồ đo vạn năng bị lỗi.
Nhiệm vụ:
- Học viên thảo luận toàn lớp về một số sai hỏng của các thiết bị thí nghiệm vật lí phổ biến ở
trường THCS.
- Sau đó, làm việc theo nhóm, xác định các lỗi của từng thiết bị đã cho sẵn và:
+ Đưa ra phương án sửa chữa thiết bị.
+ Thực hiện việc sửa chữa (nếu cho phép).
Yêu cầu sản phẩm và trình bày:
Trình bày các nội dung trên trước lớp.
Có thể thấy rằng, trong mô hình bồi dưỡng này, người học được hoạt động, được đặt vào
vị trí trung tâm của mỗi hoạt động, GV chỉ đóng vai trò tổ chức và định hướng và hỗ trợ. Một
điểm quan trọng nữa là giảng viên không trình bày lại các vấn đề lí thuyết (điều thường làm cho
người học cảm thấy dễ bị mệt mỏi, căng thẳng) mà các nội dung lí thuyết được lồng ghép thành
các nhiệm vụ bộ phận tương ứng trong mỗi hoạt động, qua đó rèn luyện kĩ năng tự đọc, làm việc
nhóm.
2.4. Thực nghiệm sư phạm và kết quả
2.4.1. Mục đích thực nghiệm
Nhằm đánh giá kết quả của mô hình bồi dưỡng đề xuất trong việc hình thành các kĩ năng
sử dụng các thiết bị dạy học môn Vật lí cho các viên chức làm công tác TBDH ở trường THCS.
191
Phùng Việt Hải, Nguyễn Nhật Quang, Lê Thị Minh Phương
2.4.2. Đối tượng và thời gian thực nghiệm
- Thực nghiệm bồi dưỡng được tiến hành theo hợp đồng đào tạo với tổng số 149 viên chức
làm công tác TBDH ở tỉnh Quảng Nam (2 lớp) và thành phố Đà Nẵng (1 lớp). Với lớp ở tỉnh Quảng
Nam, học viên tham gia còn có các viên chức làm công tác TBDH ở cấp Tiểu học.
- Thời gian thực nghiệm: từ tháng 01/2016 đến tháng 06/2016.
2.4.3. Cách thức tiến hành
- Tìm hiểu đối tượng được bồi dưỡng thông qua phỏng vấn nhanh, làm cơ sở phân loại và
chia nhóm, trong đó chúng tôi chú ý đến các viên chức có chuyên môn Vật lí.
- Chia nhóm sao cho các viên chức có chuyên môn Vật lí sẽ là “hạt nhân” của mỗi nhóm
(trong trường hợp có đủ số lượng).
- Thực hiện bồi dưỡng theo mô hình đề xuất (thông qua các hoạt động).
- Khảo sát tác động của hoạt động bồi dưỡng trên người học thông qua phiếu đánh giá.
Một số hình ảnh thực nghiệm được thể hiện qua hình 2 (a, b,c, d).
Hình 2.a: Bố trí không gian lớp học Hình 2.b: Học viên tìm kiếm thông tin để thực
hiện hoạt động 1
Hình 2.c: Học viên đang trình bày nguyên tắc
đo của đồng hồ đo điện vạn năng số trong hoạt
động 2
Hình 2.d. Học viên thực hành
lắp mạch điện trong hoạt động 3
2.4.4. Kết quả và thảo luận
- Đánh giá mức độ thực hiện các nhiệm vụ (hình thành các kĩ năng cơ bản)
Các nhóm đều cơ bản hoàn thành được nhiệm vụ đặt ra trong mỗi hoạt động theo đúng yêu
cầu. Đó là, nhận diện được các thiết bị thí nghiệm và lập được bảng tổng hợp về tên các thiết bị thí
nghiệm, bài thí nghiệm và tác dụng của thí nghiệm trong hoạt động 1 (thể hiện qua hình 3), trình
192
Phát triển kĩ năng sử dụng thiết bị dạy học bộ môn Vật lí cho viên chức làm công tác thiết bị...
bày được nguyên tắc đo của các dụng cụ thí nghiệm đặc trưng môn Vật lí ở hoạt động 2 (hình 2.c),
lắp được một số thí nghiệm điển hình trong hoạt động 3 (hình 2.d), thực hiện được bốn thí nghiệm
vật lí điển hình (hoạt động 4) . . .
Hình 3. Trích kết quả thực hiện nhiệm vụ trong hoạt động 1 của một nhóm
- Đánh giá về thái độ, sự tham gia của người học trong thực hiện các nhiệm vụ
Điều chúng tôi thấy thành công nhất trong quá trình bồi dưỡng là không khí lớp học rất sôi
nổi, thân thiện, các học viên tích cực trong thực hiện các nhiệm vụ được giao. Cụ thể là: học viên
quan sát rất kĩ thiết bị, chụp hình thiết bị làm cơ sở đối chiếu với tài liệu, từ đó xác định được tên
thiết bị nhanh chóng trong hoạt động 1 (hình 2.b); tranh luận sôi nổi về tác dụng của thiết bị; các
thành viên trong nhóm thay nhau luyện tập việc sử dụng các dụng cụ đo (lực kế, cân khối lượng,
đo điện áp, dòng điện. . . ) trong hoạt động 2; tập trung, chăm chú theo dõi các học viên khác báo
cáo, biễu diễn thí nghiệm trước toàn lớp trong hoạt động 3; kể được một số sai hỏng thường gặp
của một số thiết bị thí nghiệm vật lí khác và kinh nghiệm khắc phục, sửa chữa nó trong quá trình
học viên công tác ở hoạt động 5. . . Đặc biệt, với cách lập nhóm như trên, các viên chức có chuyên
môn vật lí trong mỗi nhóm đã phát huy được vai trò “hạt nhân” để hướng dẫn, giải thích, huấn
luyện cho các thành viên khác không có chuyên môn vật lí có thể hiểu và cùng thực hiện được từng
nhiệm vụ trong mỗi hoạt động.
- Đánh giá về mức hợp lí, hiệu quả của mô hình bồi dưỡng đã thực hiện
Để đánh giá sơ bộ về sự hợp lí, hiệu quả của mô hình bồi dưỡng đã thực hiện nhằm hình
thành các kĩ năng sử dụng TBDH môn Vật lí, chúng tôi lấy ý kiến phản hồi của 149 viên chức
tham gia bồi dưỡng, kết quả tổng hợp được thể hiện qua hình 4:
Từ hình 4, có thể thấy rằng có tới 98% học viên đánh giá mô hình bồi dưỡng ở mức 1 và 2
(từ mức hợp lí, hiệu quả và đạt được mục tiêu khóa học trở lên), không học viên nào đánh giá ở
mức độ 4 (không hợp lí, không hiệu quả, không đạt được mục tiêu khóa học).
Từ phân tích kết quả định tính và định lượng thấy rằng, mô hình bồi dưỡng đề xuất đã phát
triển được các kĩ năng sử dụng các thiết bị dạy học môn Vật lí cho các viên chức làm công tác
TBDH ở trường THCS.
193
Phùng Việt Hải, Nguyễn Nhật Quang, Lê Thị Minh Phương
Hình 4. Kết quả phản hồi của người học về mức hợp lí, hiệu quả của mô hình bồi dưỡng
3. Kết luận
Xuất phát từ bài toán thực tiễn về việc bồi dưỡng các kĩ năng sử dung TBDH cho các viên
chức làm công tác TBDH ở trường THCS, đặc biệt là các viên chức kiêm nhiệm tại địa phương,
chúng tôi đã xác định được bảy kĩ năng cơ bản cần hình thành cho các viên chức làm công tác
TBDH trong môn vật lí ở trường THCS. Trên cơ sở đó, xây dựng mô hình bồi dưỡng các kĩ năng
đó bằng việc tổ chức một chuỗi năm hoạt động dạy học. Kết quả thực nghiệm bồi dưỡng cho 149
viên chức kiêm nhiệm làm công tác TBDH ở trường THCS tại hai tỉnh Quảng Nam và thành phố
Đà Nẵng cho thấy: Học viên đều hình thành được các kĩ năng cơ bản trong sử dụng các TBDH
môn Vật lí (thông qua hoàn thành tốt các yêu cầu đặt ra trong mỗi hoạt động bồi dưỡng), không
khí lớp học sôi nổi, thân thiện, các học viên tích cực trong thực hiện các nhiệm vụ. Thông qua ý
kiến phản hồi, có tới 98% người học đánh giá mô hình bồi dưỡng là hợp lí, hiệu quả và đạt được
mục tiêu khóa học. Mô hình bồi dưỡng trên sẽ được chúng tôi tiếp tục nghiên cứu, áp dụng trong
các khóa bồi dưỡng về thiết bị thí nghiệm môn Vật lí ở cấp THPT, các chuyên đề bồi dưỡng giáo
viên phổ thông đáp ứng chương trình phổ thông mới trong thời gian tới.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Phạm Xuấn Quế, 2011. Phát triển kĩ năng sử dụng thiết bị dạy học cho sinh viên ngành sư
phạm vật lí ở các trường đại học sư phạm. Báo cáo tổng kết đề tài KHCN Cấp Bộ, Hà Nội.
[2] Phạm Kim Chung, Tôn Quang Cường, 2011. Rèn luyện kĩ năng dạy học thí nghiệm cho sinh
viên sư phạm thuộc khối ngành KHTN. Tạp chí Khoa học, ĐHQGHN.
[3] Cục nhà giáo và cán bộ quản lí cơ sở giáo dục, 2014. Tài liệu bồi dưỡng viên chức làm công
tác thiết bị dạy học ở trường THCS. Nxb Giáo dục Việt Nam.
[4] Chu Mạnh Nguyên. Đội ngũ viên chức làm công tác thiết bị dạy học nhóm nguồn
nhân lực giáo dục cần được xây dựng và phát triển. Hiệp hội TBGD Việt Nam
(
[5] Trương Thị Thảo, 2015. Thực trạng và giải pháp sử dụng thiết bị dạy và học môn Hóa học
trong việc đổi mới phương pháp giảng ở các trường trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh
Thái Nguyên. Đề tài NCKH Cấp Đại học Thái Nguyên.
194
Phát triển kĩ năng sử dụng thiết bị dạy học bộ môn Vật lí cho viên chức làm công tác thiết bị...
[6] Bộ giáo dục và đào tạo, 2012. Tài liệu hướng dẫn thí nghiệm Vật lí 6. Nxb Giáo dục Việt
Nam.
[7] Bộ giáo dục và đào tạo, 2012. Tài liệu hướng dẫn thí nghiệm Vật lí 7. Nxb Giáo dục Việt
Nam.
[8] Bộ giáo dục và đào tạo, 2012. Tài liệu hướng dẫn thí nghiệm Vật lí 8. Nxb Giáo dục Việt
Nam.
[9] Bộ giáo dục và đào tạo, 2012. Tài liệu hướng dẫn thí nghiệm Vật lí 9. Nxb Giáo dục Việt
Nam.
ABSTRACT
Developing the using physical teaching equipment skill for officers, who are working in
teaching equipment in secondary schools
Phung Viet Hai, Nguyen Nhat Quang, Le Thi Minh Phuong
Department of Physics, University of Education, University of Da Nang
Teaching equipment officials have a very important role in the management and using of
teaching equipment in high schools. In Da Nang and Quang Nam, the majority of employees,
who are working in teaching equipment in secondary schools are part-time teachers, they are
not formally trained on the work of teaching equipment. This caused a big influence to effect