Tóm tắt. Hành động nói là một trong những vấn đề cơ bản của Ngữ dụng học. Việc
đưa những thành tựu nghiên cứu của Ngữ dụng học vào dạy học trong nhà trường
phổ thông chính là thể hiện tinh thần dạy học tiếng theo quan điểm giao tiếp. Bài
báo này dựa vào quan điểm của Canale & Swain (1980) và Bachman (1990) về
khái niệm “năng lực giao tiếp” để xây dựng hệ thống bài tập về hành động nói với
4 loại: bài tập phát triển năng lực ngữ pháp, bài tập phát triển năng lực văn bản, bài
tập phát triển năng lực hành ngôn, bài tập phát triển năng lực ngôn ngữ xã hội, bài
tập phát triển năng lực chiến lược. Xây dựng một hệ thống bài tập tiếng Việt hợp
lí, có định hướng rõ ràng sẽ góp phần đạt được mục tiêu dạy học của môn học Ngữ
văn ở bậc THCS tốt hơn. Đó là hình thành và rèn luyện cho các em năng lực giao
tiếp, thể hiện ở việc sử dụng thành thạo các kĩ năng nghe, nói, đọc, viết.
7 trang |
Chia sẻ: thanhle95 | Lượt xem: 197 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Phát triển năng lực giao tiếp cho học sinh qua các bài tập về hành động nói trong chương trình Ngữ văn Lớp 8, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE
2012, Vol. 57, No. 10, pp. 59-65
PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC GIAO TIẾP CHO HỌC SINH QUA CÁC BÀI TẬP
VỀ HÀNH ĐỘNG NÓI TRONG CHƯƠNG TRÌNH NGỮ VĂN LỚP 8
Lê Thị Minh Nguyệt
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
E-mail: nguyetleminhdhsphn@gmail.com
Tóm tắt. Hành động nói là một trong những vấn đề cơ bản của Ngữ dụng học. Việc
đưa những thành tựu nghiên cứu của Ngữ dụng học vào dạy học trong nhà trường
phổ thông chính là thể hiện tinh thần dạy học tiếng theo quan điểm giao tiếp. Bài
báo này dựa vào quan điểm của Canale & Swain (1980) và Bachman (1990) về
khái niệm “năng lực giao tiếp” để xây dựng hệ thống bài tập về hành động nói với
4 loại: bài tập phát triển năng lực ngữ pháp, bài tập phát triển năng lực văn bản, bài
tập phát triển năng lực hành ngôn, bài tập phát triển năng lực ngôn ngữ xã hội, bài
tập phát triển năng lực chiến lược. Xây dựng một hệ thống bài tập tiếng Việt hợp
lí, có định hướng rõ ràng sẽ góp phần đạt được mục tiêu dạy học của môn học Ngữ
văn ở bậc THCS tốt hơn. Đó là hình thành và rèn luyện cho các em năng lực giao
tiếp, thể hiện ở việc sử dụng thành thạo các kĩ năng nghe, nói, đọc, viết.
Từ khóa: Ngữ dụng học, dạy học tiếng Việt.
1. Mở đầu
Giao tiếp (GT) vốn là một chức năng làm tiền đề khách quan cho sự phát sinh và
phát triển ngôn ngữ. Ngôn ngữ ra đời không có mục đích tự thân mà nhằm đáp ứng nhu
cầu GT giữa con người trong cộng đồng xã hội, một nhu cầu mang tính bẩm sinh của
con người. Con người có thể GT bằng nhiều phương tiện, nhiều kênh giao tiếp khác nhau
nhưng ngôn ngữ là phương tiện GT trọng yếu nhất. Dạy học ngôn ngữ theo quan điểm GT
là một xu hướng hiện đại được nhiều nước thực hiện từ rất lâu và đã đạt được những thành
tựu không thể phủ nhận.
Hành động nói (HĐN) là phần học mới được đưa vào chương trình Ngữ văn THCS.
HĐN là một trong những vấn đề cơ bản của Ngữ dụng học. Việc đưa những thành tựu
nghiên cứu của Ngữ dụng học vào dạy học trong nhà trường phổ thông chính là thể hiện
tư tưởng dạy học tiếng theo quan điểm GT, nâng cao năng lực sử dụng tiếng Việt, phát
triển lời nói cho học sinh (HS). Tuy nhiên, hệ thống bài tập phần này trong sách giáo khoa
vẫn còn nghèo nàn, chưa đáp ứng được tốt nhất mục tiêu của việc dạy tiếng Việt trong nhà
trường là trang bị cho học sinh các tri thức và kĩ năng tiếng Việt để các em có thể sử dụng
thành thạo tiếng Việt làm công cụ tiếp nhận và diễn đạt mọi kiến thức khoa học trong nhà
59
Lê Thị Minh Nguyệt
trường cũng như đáp ứng mọi nhu cầu GT thực tiễn ngoài xã hội. Vì thế cần thiết phải
xây dựng một hệ thống bài tập tiếng Việt ở THCS có định hướng rõ ràng nhằm phát triển
năng lực giao tiếp (NLGT) cho HS.
2. Nội dung nghiên cứu
2.1. Năng lực giao tiếp và các thành tố của năng lực giao tiếp
Khái niệm “năng lực ngôn ngữ” (laguage competence) và “năng lực giao tiếp”
(communicative competence) đã được các nhà ngôn ngữ học sử dụng nhiều thế kỉ nay
nhưng cũng là một trong những thuật ngữ gây tranh cãi nhiều nhất. Có thể kể đến tên
tuổi các nhà nghiên cứu: Chomsky (1965), Campbell & Wales (1970), Hymes (1972). . .
Ở đây chúng tôi dựa vào quan điểm của Canale & Swain (1980) và Bachman (1990) để
làm sáng rõ nội hàm khái niệm NLGT. Canale & Swain cho rằng NLGT được cấu thành
từ ba thành tố: năng lực ngữ pháp (Grammatical competence), năng lực ngôn ngữ xã hội
(Sociolinguistic competence) và năng lực chiến lược (Strategic competence). Bachman đã
đưa ra khung lí thuyết về NLGT ngôn ngữ trong đó có ba thành tố chính là: năng lực ngôn
ngữ, năng lực chiến lược và cơ chế tâm sinh lí. Ông cho rằng thành tố năng lực ngôn ngữ
trong khung lí thuyết của mình có nhiều điểm tương đương với khái niệm NLGT của các
nhà nghiên cứu khác. Năng lực này bao gồm 2 loại năng lực chính là: năng lực tổ chức
(Organizational competence), và năng lực dụng học (Pragmatic competence). Nhà nghiên
cứu Vũ Thị Thanh Hương trong bài viết “Từ khái niệm năng lực giao tiếp đến vấn đề dạy
và học tiếng Việt trong nhà trường phổ thông hiện nay” [2] đã tổng kết khá toàn diện quan
điểm của các nhà nghiên cứu ngôn ngữ trên thế giới, kết hợp các mô hình lí thuyết và chỉ
ra: để hình thành và phát triển năng lực GT ngôn ngữ, người nói cần phải có năng lực ngữ
pháp (tri thức về hệ thống ngôn ngữ), năng lực văn bản (tri thức về hệ thống liên kết các
đơn vị ngôn ngữ thành các phát ngôn nói và viết), năng lực hành ngôn (tri thức về việc
các khía cạnh chức năng của ngôn ngữ, về việc gửi và nhận các thông điệp có mục đích),
năng lực ngôn ngữ xã hội (tri thức về việc sử dụng ngôn ngữ phù hợp với cảnh huống và
quy ước xã hội), năng lực chiến lược (tri thức về việc lựa chọn và thực hiện các chiến lược
ngôn ngữ để điều hoà những sự đụng độ trong giao tiếp). Từ gợi ý này, chúng tôi thấy rằng
để hình thành NLGT cho học sinh, chương trình cần lựa chọn, xây dựng nội dung lí thuyết
và hệ thống bài tập tiếng Việt nhằm phát triển đủ bốn thành tố trong NLGT cho học sinh.
2.2. Nội dung dạy học bài “Hành động nói” trong chương trình Ngữ văn 8
Khi chúng ta nói năng là chúng ta hành động, chúng ta thực hiện một loại hành
động đặc biệt mà phương tiện là ngôn ngữ. Đó chính là hành vi ngôn ngữ. J. L. Austin
cho rằng có ba loại hành vi ngôn ngữ lớn: hành vi tạo lời (locutionary act), hành vi mượn
lời (perlocutionary act) và hành vi ở lời (illocutionary act). Khái niệm HĐN mà học sinh
học ở bậc THCS là hành vi ở lời tức là hành động được thực hiện bằng lời nói nhằm mục
đích nhất định. Bài HĐN được dạy ở chương trình Ngữ văn 8 trong hai tiết với chuẩn kiến
thức, kĩ năng như sau:
60
Phát triển năng lực giao tiếp cho học sinh qua các bài tập về hành động...
Chủ đề:
Hoạt động giao tiếp Mức độ cần đạt Ghi chú
Hành động nói
(HĐN) - Hiểu thế nào là HĐN
- Nhận biết được câu thể hiện
HĐN và mục đích của HĐN
ấy trong văn bản
-Biết được một số kiểu HĐN
thường gặp: hỏi, trình bày,
điều khiển, hứa hẹn, đề nghị,
bộc lộ cảm xúc
-Biết cách thực hiện mỗi
HĐN bằng kiểu câu phù hợp
Trong sách giáo khoa Ngữ văn 8 tập 2, có 8 bài tập của phần HĐN. Trong đó có 5
bài lấy ngữ liệu từ các văn bản văn học, chỉ có 3 bài nói tới các tình huống GT cụ thể trong
đời sống của học sinh. Rõ ràng, số lượng bài tập như vậy vừa ít lại vừa nghèo nàn, chưa
đáp ứng được một cách tốt nhất mục tiêu mà bài học đề ra. Vì thế cần thiết phải bổ sung
thêm các bài tập về HĐN, hướng đến phát triển các thành tố trong NLGT cho học sinh.
2.3. Nguyên tắc xây dựng hệ thống bài tập HĐN nhằm phát triển NLGT
cho HS
2.3.1. Xây dựng hệ thống bài tập cần đảm bảo mục tiêu chương trình môn Ngữ văn
hình thành NLGT cho HS; đảm bảo chuẩn kiến thức, kĩ năng của bài học. Theo quan
điểm của lý thuyết hoạt động GT, hệ thống bài tập tiếng Việt được xác định là phương tiện
thực hành nhằm tạo dựng và phát triển năng lực sử dụng tiếng Việt của HS.
2.3.2. Để phát triển được năng lực GT cho HS, một nguyên tắc quan trọng là phải
hướng vào và phát triển đầy đủ cả bốn thành tố trong NLG
Theo tác giả Vũ Thị Thanh Hương [2], để đảm bảo được quan điểm GT trong dạy
học, nội dung tiếng Việt được đưa vào giảng dạy trong chương trình phổ thông phải phủ
đầy các thành tố nội dung của mô hình lí thuyết về NLGT đang được chấp nhận và sử
dụng rộng rãi ở phương Tây. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng khi xây dựng các bài tập tiếng
Việt cho một bài học cụ thể, vẫn rất cần thiết phải phát triển đầy đủ cả bốn thành tố trong
NLGT. Hay nói cách khác, người xây dựng bài tập phải phân loại, quy loại được hệ thống
bài tập đó dưới ánh sáng của khái niệm “NLGT”.
2.3.3. Hệ thống bài tập HĐN phải lấy hành động ngôn ngữ làm cơ sở; các ngữ liệu
cần được lấy từ thực tế giao tiếp sinh động của HS
Có thể nói, đây là một nguyên tắc chưa thực sự được coi trọng trong việc xây dựng
hệ thống bài tập tiếng Việt trong sách giáo khoa ở nhà trường phổ thông nói chung và
trong bài HĐN nói riêng. Vì thế các bài tập trong sách giáo khoa hiện nay vẫn tương đối
61
Lê Thị Minh Nguyệt
“tĩnh”, chưa thực sự hấp dẫn, hứng thú với HS. Do đó rất cần thiết phải có một hệ thống
bài tập HĐN đa dạng, phong phú hơn và mang “hơi thở cuộc sống” tức là gần gũi, phục
vụ cho thực tế giao tiếp ngoài đời sống của HS. Eddy Roulet từng nói: “Cần phải giả định
một cách tất nhiên việc từ bỏ các quá trình theo hình tuyến và nguyên khối và tạo ra một
tài liệu giảng dạy thích đáng với một công cụ mềm dẻo trong đó tất cả các đơn vị tri thức
được xác định theo chức năng xử lí ngữ cảnh.” (Dẫn theo Trương Dĩnh [2; 23])
2.3.4. Bài tập HĐN cần đảm bảo các nhân tố trong hoạt động GT, đặc biệt là nhân
tố ngữ cảnh, nhân tố văn hoá
Bởi vì các HĐN được chi phối bởi những quy tắc đã được xã hội ước chế. Các nhà
nghiên cứu đều khẳng định rằng NLGT bao gồm sự hiểu biết không chỉ là mã ngôn ngữ
mà cả việc nói cái gì, nói với ai, nói như thế nào cho phù hợp với tình huống GT cụ thể.
Quy tắc văn hoá xã hội chỉ rõ NLGT bao hàm cả những kiến thức xã hội, văn hoá, những
hiểu biết phong phú khác của con người. Vì vậy, hệ thống bài tập về HĐN ở THCS cần
hướng học sinh đến các quy ước văn hóa.
2.4. Các bài tập HĐN nhằm phát triển NLGT cho HS
Từ khái niệm “NLGT” đã và đang được các nhà nghiên cứu thừa nhận rộng rãi trên
thế giới, chúng tôi thấy rằng để hình thành năng lực giao tiếp cho học sinh, cần xây dựng
hệ thống bài tập tiếng Việt với 4 loại:
- Bài tập phát triển năng lực ngữ pháp (1)
- Bài tập phát triển năng lực văn bản (2)
- Bài tập phát triển năng lực hành ngôn (3)
- Bài tập phát triển năng lực ngôn ngữ xã hội (4)
- Bài tập phát triển năng lực chiến lược (5)
Năng lực ngữ pháp được hình thành trong một quá trình lâu dài nên ở đây chúng tôi
chỉ đưa ra cách xây dựng hệ thống bài tập phần hành động nói cho học sinh THCS ở dạng
(2), (3), (4), (5).
2.4.1. Bài tập phát triển năng lực văn bản
Năng lực văn bản là tri thức về hệ thống liên kết các đơn vị ngôn ngữ thành các phát
ngôn nói và viết. Với dạng bài tập này, HS phải biết cách kết hợp các HĐN (dùng trực tiếp
hay gián tiếp) để tạo thành một văn bản tương đối hoàn chỉnh.
Ví dụ 1: Em hãy hoàn thành đoạn đối thoại sau:
- Cháu chào bác! Cháu xin lỗi bác, đây có phải nhà của bạn Dũng không ạ?
-. . .
- Cháu tên là Sơn, bạn cùng lớp với Dũng. Cháu đến để mượn Dũng mấy quyển
sách ạ.
( Đây là dạng bài tập vận dụng sáng tạo: cho trước một số yếu tố, HS viết tiếp để
hoàn thành một cuộc đối thoại. Khi thực hiện bài tập này, HS phải căn cứ vào nội dung ở
62
Phát triển năng lực giao tiếp cho học sinh qua các bài tập về hành động...
lời thoại đứng trước và nội dung của lời thoại đứng sau để tạo nên một cuộc đối thoại có
liên kết chặt chẽ. Giáo viên có thể cho HS đóng vai để thực hiện bài tập)
Ví dụ 2: Phân tích sự liên kết về HĐN trong đoạn hội thoại sau:
- Chết rồi! Chiều nay em gái tớ từ quê lên chơi. Tớ phải ra bến xe đón nó, nhưng
chiều nay tớ phải đi học tiếng Anh.
- Lát nữa tớ về quê rồi. Ngày mai là đám cưới chị họ tớ.
(Hai lượt thoại trên đều là câu trần thuật với HĐN là trình bày nhưng thực chất
chúng được liên kết với nhau bằng cặp HĐN gián tiếp: hành vi nhờ - hành vi từ chối.)
2.4.2. Bài tập phát triển năng lực hành ngôn
Bài tập rèn, phát triển năng lực hành ngôn là dạng bài tập giúp học sinh có tri thức
về chức năng của ngôn ngữ, như chức năng thể hiện tư tưởng, điều chỉnh, khám phá, tưởng
tượng. Dạng bài tập này giúp học sinh sử dụng đúng chức năng của ngôn ngữ nhằm đạt
được mục đích GT cụ thể. Mỗi HĐN có thể được thực hiện bằng kiểu câu có chức năng
chính phù hợp với hành động đó (cách dùng trực tiếp) hoặc bằng kiểu câu khác (cách dùng
gián tiếp).
Ví dụ1: Trong đoạn thoại dưới đây, câu nào được sử dụng theo lối gián tiếp? Chỉ ra
hành động nói của câu đó.
Con: Mẹ ơi, mẹ Linh mới mua cho bạn ấy một cái xe đạp máy, tiện lợi lắm mẹ ạ.
Mẹ: Bây giờ thì mẹ chưa mua cho con được.
(Xét về mặt hình thức, lời phát ngôn của người con thuộc loại câu trần thuật: kể lại
việc mẹ bạn Linh mới mua cho bạn ấy một cái xe đạp máy. Nhưng mục đích là hành động
điều khiển, đề nghị: muốn mẹ mua cho một cái xe đạp máy.)
Ví dụ 2:
Nối lời nói ở bên trái và mục đích giao tiếp ở bên phải cho phù hợp.
1. Con xin chú! A. Lời cảm ơn khi được đón tiếp chu đáo.
2. Bác quá khen. B. Lời cảm ơn khi nhận quà.
3. Bác bày vẽ quá! C. Lời cảm ơn khi được khen.
4. Không có bác thì không biết em sẽ ra sao. D. Lời cảm ơn khi được giúp đỡ.
5. Tôi vô tâm quá!
(Người Việt Nam có nhiều cách cảm ơn khác nhau tuỳ vào từng trường hợp cụ thể.
Như vậy, để thể hiện hành động cảm ơn, có thể dùng nhiều câu với những mục đích nói
khác nhau. Đáp án là: 1.B, 2.C, 3.A, 4.D)
2.4.3. Bài tập phát triển năng lực ngôn ngữ xã hội
Bài tập phát triển năng lực ngôn ngữ xã hội là dạng bài tập nhằm giúp học sinh sử
dụng ngôn ngữ cho phù hợp với cảnh huống, quy ước văn hoá. Quy tắc văn hoá xã hội sẽ
chỉ rõ những cách mà các phát ngôn được sản sinh và tiếp nhận.
63
Lê Thị Minh Nguyệt
Ví dụ 1: Các phát ngôn sau đều có mục đích là lời chào. Em hãy chỉ ra sự khác
nhau giữa các lời chào đó.
(1) (HS gặp thầy cô trong trường) - Em chào thầy ạ.
(2) (Hai bác hàng xóm nhìn thấy nhau trong khu tập thể) - Bác đi đâu đấy? Bác ăn
cơm chưa?
(3) - Xin phép bác cháu về.
(Trong khi người phương Tây phân biệt chi tiết lời chào theo thời gian trong ngày,
người Việt lại phân biệt lời chào theo quan hệ xã hội, lời chào gặp mặt với lời chào chia
tay. Câu (1) là lời chào gặp mặt, quan hệ giữa người chào và người được chào là vai duới,
vai trên, thể hiện sự tôn trọng; câu (2) là lời chào với những người đã quen biết từ trước
với sắc thái thân mật; câu (3) là lời chào chia tay của người vai dưới với người trên.
Ví dụ 2: Nhân dịp sinh nhật, em được chị gái tặng một cuốn sách mà em rất thích.
Em sẽ nói thế nào để bày tỏ tình cảm của mình mà không phải dùng từ “cảm ơn” với chị.
(Với bài tập này, học sinh có thể đưa ra nhiều phát ngôn khác nhau để bộc lộ cảm
xúc. Đây là trường hợp một hành động “cảm ơn” có thể được thực hiện bằng nhiều kiểu
câu khác nhau. Như là: Ôi, chị thật là tuyệt vời!; Ôi tuyệt quá, sao chị lại biết em thích
cuốn sách này vậy?... )
2.4.4. Bài tập phát triển năng lực chiến lược
Bài tập phát triển năng lực chiến lược nhằm củng cố và phát triển cho học sinh
những chiến lược giao tiếp bằng lời hoặc phi lời để cân bằng hay giảm nhẹ tác động xấu
của việc phá vỡ cuộc GT. Theo Bachman, năng lực này liên quan trực tiếp đến sự thông
minh của nguời tham gia GT. Nó có thể là quá trình tạo lập văn bản như lập kế hoạch,
kiểm soát, hoàn tất và sửa chữa.
Ví dụ 1: Buổi đầu tiên em tham gia câu lạc bộ tiếng Anh của trường nhưng lại quên
cây bút ở nhà. Em sẽ chọn cách nào sau đây để mượn bút của một người bạn mà em không
quen?
A. Không nói gì hết, lục túi xách của bạn.
B. Tớ quên cái bút ở nhà rồi.
C. Này, cho tớ mượn cái bút nhé. Đừng có mà ki bo.
D. Đưa cho tôi một cái bút nhanh lên!
E. Bạn ơi, bạn có thể cho tớ mượn cái bút một lúc được không?
(Đáp án là E. Người nói dùng câu hỏi để gián tiếp thực hiện hành động mượn một
cách lịch sự, phù hợp với đối tượng giao tiếp là người bạn lần đầu gặp.)
Ví dụ 2: Em nhận được một bức thư tỏ tình của người bạn trai thân thiết đang học
cùng lớp. Em không muốn như vậy nhưng lại sợ bạn tổn thương. Nếu phải đối thoại trực
tiếp, em sẽ nói thế nào để đạt được hiệu quả giao tiếp mà vẫn tế nhị? Em hãy phân tích
hành động nói của các câu đó.
(Học sinh có thể đưa ra nhiều câu nói khác nhau để đạt được mục đích giao tiếp.
64
Phát triển năng lực giao tiếp cho học sinh qua các bài tập về hành động...
Sau đó chỉ ra hành động nói của các câu đó. Ví dụ: Cảm ơn cậu đã dành tình cảm đặc biệt
cho mình. Mình nghĩ chúng mình sẽ mãi mãi là những người bạn tốt. Đây là câu trần thuật
nhưng mục đích chính trong hoàn cảnh này lại là sự từ chối.)
3. Kết luận
Hệ thống bài tập HĐN được xây dựng nhằm phát triển các thành tố của NLGT. Xây
dựng một hệ thống bài tập tiếng Việt hợp lí, có định hướng rõ ràng sẽ góp phần đạt được
mục tiêu dạy học của môn học Ngữ văn một cách tốt nhất. Đó là hình thành và rèn luyện
cho các em NLGT, thể hiện ở việc sử dụng thành thạo các kĩ năng nghe, nói, đọc, viết.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Trương Dĩnh, 1992. Giao tiếp ngôn ngữ và vấn đề dạy bản ngữ. Tạp chí Nghiên cứu
giáo dục, số 5.
[2] Vũ Thị Thanh Hương, 2006. Từ khái niệm năng lực giao tiếp đến vấn đề dạy và học
tiếng Việt trong nhà trường phổ thông hiện nay. Tạp chí Ngôn ngữ số 4.
[3] Bachman L., 1990. Fundamental Considerations in Language Testing. Oxford: Ox-
ford University Press.
[3] Canale M., Swain M., 1980. Theoretical bases of communicative approaches to sec-
ond language teaching and testing. Applied Linguistic, 1.
ABSTRACT
Increasing communication competence of 8th grade students
through the use of a system of speech exercises
In this paper, the perspectives of Canale & Swain (1980) and Bachman (1990) on
the concept of "communicative competence" are referred to in order to build an system of
five types of speech exercises: Grammatical competence development exercises, Textual
competence development exercises, Illocutionary competence development exercises, So-
ciolinguistic competence development exercises and Strategic competence development
exercises. Creating an exercise system which is suitable for Vietnamese students would
contribute to greater achievements in Literature. The goal is to train students to have
greater communicative competence and have hightened listening, speaking, reading and
writing skills.
65