Quá trình hiện đại hoá văn học Trung Quốc trong tiếp nhận ở Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX

TÓM TẮT Quá trình hiện đại hoá văn học ở Trung Quốc và Việt Nam diễn ra gần như đồng thời, từ cuối thế kỉ XIX đến những thập niên đầu thế kỉ XX. Bài viết khảo sát sự tiếp nhận quá trình hiện đại hoá văn học Trung Quốc ở Việt Nam giai đoạn cuối thế kỉ XIX – đầu thế kỉ XX nhằm góp phần hiểu thêm quan hệ văn hoá giữa hai nước trong bối cảnh mới, tìm hiểu những điểm tương đồng và khác biệt trong quá trình hiện đại hoá văn học giữa hai nước và góp phần rút ra một số bài học về hiện đại hoá văn học trong thời kì hiện đại.

pdf7 trang | Chia sẻ: thanhle95 | Lượt xem: 483 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Quá trình hiện đại hoá văn học Trung Quốc trong tiếp nhận ở Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
15 TAÏP CHÍ ÑAÏI HOÏC SAØI GOØN Soá 9 - Thaùng 4/2012 QUÁ TRÌNH HIỆN ĐẠI HOÁ VĂN HỌC TRUNG QUỐC TRONG TIẾP NHẬN Ở VIỆT NAM NỬA ĐẦU THẾ KỈ XX NGUYỄN VĂN HIỆU(*) TÓM TẮT Quá trình hiện đại hoá văn học ở Trung Quốc và Việt Nam diễn ra gần như đồng thời, từ cuối thế kỉ XIX đến những thập niên đầu thế kỉ XX. Bài viết khảo sát sự tiếp nhận quá trình hiện đại hoá văn học Trung Quốc ở Việt Nam giai đoạn cuối thế kỉ XIX – đầu thế kỉ XX nhằm góp phần hiểu thêm quan hệ văn hoá giữa hai nước trong bối cảnh mới, tìm hiểu những điểm tương đồng và khác biệt trong quá trình hiện đại hoá văn học giữa hai nước và góp phần rút ra một số bài học về hiện đại hoá văn học trong thời kì hiện đại. Từ khoá: hiện đại hoá, văn học, thế kỉ, quá trình, tiếp nhận, Trung Quốc ABSTRACT The process of literary modernization in China and in Vietnam took place almost simultaneously from the end of the 19th century to the early decades of the 20th century. The research paper aims to investigate the reception of Chinese literary modernization process in Vietnam in the period from the end of the 19th century to the beginning of the 20th century so as to get a better understanding of the cultural relationship between the two countries in the new context as well as to find out the differences and similarities of the process of literary modernization of the two countries. The paper also expects to draw some lessons on the literary modernization in modern time. Key words: modernization, literature, century, process, reception, China 1. DẪN NHẬP Trong nửa đầu thế kỉ XX, quá trình hiện đại hoá văn học ở Trung Quốc diễn ra khá sôi nổi, gắn với bối cảnh chung của văn hoá khu vực dưới sức tác động ngày càng mạnh mẽ của văn hoá, văn minh phương Tây từ nửa sau thế kỉ XIX. Trong tính lịch sử cụ thể của nó, quá trình này được hiểu là quá trình xây dựng nền văn học mới theo hướng thoát khỏi phạm trù văn học trung đại để từng bước đi vào phạm trù văn học hiện đại. (*) TS, Trường Đại học KHXH & NV - Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh Những biểu hiện đầu tiên của quá trình hiện đại hoá văn học ở Trung Quốc xuất hiện từ những năm cuối thế kỉ XIX – đầu thế kỉ XX, khi một số trí thức Trung Quốc bắt đầu quan tâm đến vai trò của đại chúng, chủ trương cải cách văn tự, đổi mới tiểu thuyết, dịch thuật tinh hoa văn hoá, văn học nước ngoài. Đến giữa thập niên thứ hai của thế kỉ XX, quá trình này thể hiện rõ nét qua chủ trương của tờ Tân Thanh niên do Trần Độc Tú sáng lập (1915) với tôn chỉ “dân chủ”, “khoa học”, phản đối nền văn học cũ, đề xướng văn học mới và nhất là sau các cuộc vận động: Tân văn học (Hồ Thích chủ xướng, 1917)(1) và Ngũ Tứ vận 16 động (1919)(2). Từ các cuộc vận động này, nền văn học mới Trung Quốc xuất hiện nhiều tên tuổi lớn có tiếng vang trên văn đàn thế giới như Lỗ Tấn, Quách Mạt Nhược, Tào Ngu... Là một nước có quan hệ văn hoá, văn học lâu đời với Trung Quốc và cũng đang trong tiến trình hiện đại hoá văn học dân tộc, văn học nước ta trong giai đoạn này tiếp nhận như thế nào và tiếp nhận được những gì từ những cuộc vận động văn hoá, văn học ở Trung Quốc? Nghiên cứu quá trình hiện đại hoá văn học Trung Quốc trong việc tiếp nhận ở Việt Nam sẽ góp phần làm rõ đặc điểm của quá trình hiện đại hoá văn học ở hai nước trong bối cảnh hiện đại hoá văn hoá ở khu vực, đồng thời góp phần tìm hiểu sự chuyển biến về văn hoá, văn học giữa hai nước trong bối cảnh mới. Chúng tôi giới hạn vấn đề trong khoảng nửa đầu thế kỉ XX vì quan hệ văn hoá, văn học giữa hai nước từ nửa sau thế kỉ XX, đúng hơn là từ 1945, đã có những chuyển biến mới về chất và quá trình hiện đại hoá văn học của hai nước, hiểu theo nghĩa là quá trình vận động theo hướng học theo mô hình văn học phương Tây, cũng kết thúc vào khoảng thời gian này. 2. TỪ NHỮNG TIẾNG VỌNG MƠ HỒ Trong khoảng thời gian văn học Trung Quốc có những chuyển biến mạnh mẽ với sự phát triển của nền văn học mới, ở ta cũng có phong trào vận động xây dựng nền “Quốc văn mới” lấy quốc ngữ làm phương tiện, chú trọng khảo cứu, dịch thuật tinh hoa văn hoá Đông – Tây. Riêng đối với văn học Trung Quốc, chúng ta đã dịch hầu hết các tác phẩm văn học cổ điển Trung Quốc, dịch cả tác phẩm của Từ Trẩm Á – một tác giả viết theo lối diễm tình có ảnh hưởng khá sâu đậm đến sáng tác và đời sống tiếp nhận văn học ở nước ta trong thập niên 1920. Tuy nhiên suốt thời gian khá dài, quá trình hiện đại hoá văn học Trung Quốc hầu như không được biết đến ở nước ta. Có chăng cũng chỉ là những tiếng vọng mơ hồ. Theo hồi ức của Vũ Ngọc Phan, năm 1931 ông có dịch in truyện Khổng Ất Kỉ của Lỗ Tấn trên tạp chí Pháp Việt số 59 (1- 12-1931). Tuy vậy, bấy giờ ông không biết Lỗ Tấn là ai và không phiên âm được tên tác giả Lousin thành Lỗ Tấn, còn tên truyện thì phiên âm thành Khổng Sĩ Khí. Có tình trạng như vậy vì Vũ Ngọc Phan chuyển dịch từ một bản Pháp văn trong Anthologie des conteurs Chinois (Tuyển tập truyện ngắn Trung Quốc) xuất bản ở Paris năm 1930(3). Trong những năm 30 và đầu những năm 40 của thế kỉ XX, cũng xuất hiện một số bài viết nói đến nền văn học mới Trung Quốc như: Nguồn gốc văn học nước nhà và nền văn học mới của Lê Dư trên Nam Phong tạp chí số 190 (1933), Cuộc vận động Tân văn hoá ở Trung Quốc của Trực Tâm trên Phụ nữ tân văn số 248 (1934), Văn mới của người Tàu của Nguyễn Tiến Lãng trên Nam Phong tạp chí số 210 (1934), Trên đàn văn học thế giới, văn học Trung Hoa ở địa vị nào? của Phan Khôi trên Đông Dương tạp chí số 28 (1937), Nhớ lại Lỗ Tấn và lối văn bạch thoại nước Tàu của Quán Chi trên Trung Bắc chủ nhật số 61 (1941) Các bài viết trên chỉ giới thiệu sơ bộ về cái lợi của việc dùng văn bạch thoại thay cho văn ngôn, đánh dấu bước chuyển biến mới trong văn học Trung Quốc. Lê Dư trong bài viết kể trên, cho rằng cuộc vận động văn học ở Trung Quốc chỉ là chuyện ngôn ngữ, văn tự nên coi đó là “cha ông ta đã làm trước Tàu ngót nghìn năm rồi” và ông không thể chịu được “lối thơ mới của Hồ Thích không vần, không 17 luật”(4) ; Nguyễn Tiến Lãng trong bài viết của mình có nhắc đến Từ Chi Ma, Quách Mạt Nhược, Lão Xá, Mao Thuẫn, Đinh Linh và tác phẩm “Đời Ahy” (tức AQ chính truyện của Lỗ Tấn) nhưng cũng chỉ ở mức nêu tên tác giả, tên tác phẩm, xác định cái lợi của việc dùng văn bạch thoại và giới thiệu để người đọc “Xem qua đủ thấy người Tàu biết nhận cái ảnh hưởng của Thái Tây về hình thức cũng như về tinh thần”(5). Các bài viết của Trực Tâm, Phan Khôi, Quán Chi cũng không vượt quá việc nhìn nhận tiến bộ của văn học Trung Quốc về phương diện ngôn ngữ, văn tự. Phan Khôi điểm qua cái lợi của văn bạch thoại ở chỗ “viết và nói có một” và văn bạch thoại là “văn học sống” để từ đó dự báo văn học Trung Quốc từ một vị trí kém cỏi hẳn sẽ có một địa vị trên văn đàn thế giới(6), còn Quán Chi ghi nhận sự thắng lợi của lối văn bạch thoại của Trung Quốc nhờ công “của Lỗ Tấn với các bạn đồng chí đối với văn học và dân gian giáo dục nước Tàu”(7). Quả thật, đến đầu thập niên 1940, nước ta không có nhiều thông tin và cũng không nắm được thực chất của quá trình hiện đại hoá văn học Trung Quốc với tư cách là cuộc “vận động đấu tranh về nội dung văn học trong thời kì 1917 – 1927 bắt đầu với cuộc “cách mạng văn học” và chuyển lần tới vận động “văn học cách mạng”(8). Thậm chí, có người như Hoài Thanh còn cho rằng: “Trung Quốc hiện đại không có gì nữa, chỉ có cách phải quay về những cái đẹp cổ xưa như sứ Giang Tây, thơ Đường”(9). 3. ĐẾN Ý THỨC NGHIÊN CỨU, GIỚI THIỆU Trước tình hình như có một “khoảng trắng” trong quan hệ văn hoá, văn học Việt – Trung đương đại, Đặng Thai Mai – một trí thức yêu nước vốn có nhiều “cơ duyên” với văn hoá Trung Quốc qua nhịp cầu Lỗ Tấn(10) - đã quyết định giới thiệu nền văn học mới Trung Quốc, để qua đó, góp phần tác động đến lớp thanh niên và cả giới sáng tác văn học “đang đi vào lĩnh vực cá nhân chủ nghĩa, than khóc, mơ mộng, bi lụy, an bài”(11). Ông nêu rõ điều này trong Lời giới thiệu cuốn Tạp văn trong văn học Trung Quốc ngày nay (1945) : “Giới thiệu “Tạp văn trong văn học Trung Quốc ngày nay” cùng các độc giả nước ta, chúng tôi rất mong rằng các bạn thanh niên nếu ai có chí hướng “từ đời sống đại chúng bước vào lĩnh vực văn nghệ” sau này, sẽ nhận rõ mục đích và ý nghĩa văn học đại chúng trong một thời kì lịch sử Trung Quốc. Một nền „nghệ thuật vị nhân sinh‟ không bao giờ khinh miệt tính cách thời sự của văn nghệ”(12). Đặng Thai Mai mở đầu cho việc nghiên cứu, giới thiệu văn hoá, văn học hiện đại Trung Quốc bằng hiện tượng Lỗ Tấn, bởi theo ông, Lỗ Tấn không chỉ là người có tâm hồn đồng điệu mà “đằng sau Lỗ Tấn còn có cả một tư trào văn học, một cuộc đấu tranh, một thời đại oanh liệt với nhiều nhà văn khác nữa”(13). Tác phẩm đầu tiên của Lỗ Tấn được ông chọn giới thiệu là bài thơ Người với thời gian, in trong mục Danh văn ngoại quốc, báo Thanh nghị số 23/1942. Ông giới thiệu Lỗ Tấn là “một nhà nghệ thuật tân tiến của nước Tàu” và hẹn sẽ dịch, giới thiệu AQ chính truyện, giảng văn thơ Lỗ Tấn để người đọc Việt Nam có dịp “hiểu” và “gặp” một văn hào lớn của thế giới(14). Sau Người với thời gian, trong năm 1942 và 1943, cũng trên Thanh nghị, Đặng Thai Mai giới thiệu Lỗ Tấn khá đều đặn với nhiều thể loại như Bóng từ giã người (thơ – Thanh nghị số/1942), Người qua đường (kịch – Thanh nghị số 26/1942), 18 Khổng Ất Kỉ (truyện ngắn – Thanh nghị số 28/1943), AQ chính truyện (tiểu thuyết – Thanh nghị số từ số 33 đến 44/1943, Vì sao tôi viết truyện AQ chính truyện (tạp văn – Thanh nghị số 48/1943), Chó, mèo, chuột (tạp văn – Thanh nghị số 50/1943). Nhà nghiên cứu còn viết một khảo luận công phu về Lỗ Tấn (Thanh nghị các số 45, 46, 47/1943). Năm 1944, ông tập hợp lại thành tập sách dày dặn Lỗ Tấn – Thân thế, văn nghệ, gồm 220 trang. Trong đó, phần khảo luận về thân thế, địa vị Lỗ Tấn trên văn đàn Trung Quốc 50 trang, còn lại là tác phẩm Lỗ Tấn tuyển dịch. Ngoài Lỗ Tấn, Đặng Thai Mai còn dịch và giới thiệu kịch của Trần Lâm, Tào Ngu (hai vở nổi tiếng Lôi vũ và Nhật xuất) trên Thanh nghị; viết bài giới thiệu về Những bước đầu tiên trong cuộc vận động Tân văn hoá của Trung Quốc (Văn mới số 1/1944), khảo luận về Địa vị văn hoá Trung Quốc trong học thuật của nước ta sau này (Thanh Nghị đặc san, số 2/1945)... Về mặt tiếp nhận, Đặng Thai Mai nhận thức sâu sắc về các cuộc vận động tân văn hoá, văn học và địa vị của nền văn học mới Trung Quốc dẫn đến ý thức giới thiệu nền văn học này ở nước ta. Ngoài ra, có thể thấy, những nghiên cứu, giới thiệu của nhà nghiên cứu này đã đem đến một luồng sinh khí mới trong đời sống tiếp nhận văn hoá, văn học ở nước ta. Trương Chính ghi nhận: “Lúc này trên thị trường sách đang lưu hành các bản dịch của Tản Đà, Đào Trinh Nhất, Trúc Khê, Nhượng Tống về văn học Trung Quốc ở những thời đại xa xưa, thực tình chúng tôi không mấy thiết tha với những tác phẩm đượm mùi phục cổ ấy. Còn như Lỗ Tấn, Tào Ngu, là những nhà văn hiện đại mà lại tiến bộ, tác phẩm của họ chứa chan sinh khí”(15). Cũng theo Trương Chính, vào khoảng 1945 – 1946, nhờ bản dịch Lôi vũ của Đặng Thai Mai, “làng kịch của ta vốn rời rạc, bỗng hoạt động hẳn lên như con bệnh được tiếp máu. Tôi vẫn thường tự nói với mình rằng, sở dĩ công chúng Việt Nam hoan nghênh nhiệt liệt Tào Ngu như thế là có phần đóng góp của ông Đặng Thai Mai. Và phần đóng góp đó không phải là nhỏ”(16). Trong Lời nói đầu bản dịch kịch Lôi Vũ viết vào tháng 6 năm 1945, sau in trong cuốn Lôi vũ do nhà sách Đại Chúng xuất bản năm 1946, Đặng Thai Mai cũng viết: “Trong lúc phiên dịch tác phẩm đầu tiên của Tào Ngu, chúng tôi đã được nhiều bạn đọc tỏ ý hoan nghênh. Nhiều bạn thanh niên ngỏ ý muốn đem Tào Ngu để giới thiệu lên sân khấu nước ta nữa”(17). Ý kiến của Trương Chính và Đặng Thai Mai phần nào cho thấy tác động tích cực về nhiều phương diện của việc giới thiệu văn học Trung Quốc và tình hình tiếp nhận quá trình hiện đại hoá của nền văn học mới Trung Quốc ở nước ta trong thập niên cuối của nửa đầu thế kỉ XX. 4. MỘT VÀI NHẬN ĐỊNH Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu thông tin hoặc không quan tâm đến quá trình hiện đại hoá văn hoá, văn học trong đời sống tiếp nhận ở Việt Nam trong thời gian khá dài, tính đến đầu thập kỉ 40 của thế kỉ XX. Trước hết là chuyện ngôn ngữ, văn tự. Nhận định của Lê Dư thật ra không phải không có cơ sở. Vận động Tân văn học ở Trung Quốc khởi đầu bằng việc cải cách văn tự, điều mà ở nước ta đã thực hiện khá sớm ở Nam Kì lục tỉnh và đặc biệt sôi nổi, có tính cách mạng trong phong trào Duy Tân đầu thế kỉ XX. Đến thập niên thứ hai của thế kỉ XX, chữ quốc ngữ đã thực sự có vị trí chính thức trên phạm vi toàn quốc và thể hiện ưu thế rõ rệt của mình trong sáng 19 tác văn chương, sinh hoạt học thuật. Mặt khác, nền văn học mới của Trung Quốc được viết bằng bạch thoại trong khi người Việt trước đó chỉ học cổ văn. Bạch thoại hiện đại cũng không giống hẳn bạch thoại đời trước như lối văn trong Thuỷ hử, Tây du... Thứ hai là tình trạng kiểm duyệt. Ở nước ta từ rất sớm, chính quyền thực dân đã đặc biệt chú ý đến kiểm duyệt thông tin từ Trung Quốc, nhất là từ sau bài học thời kì “Tân thư”. Theo Đặng Thai Mai, “từ đầu năm 1910 trở đi, chúng đã rào đón rất gắt không cho tư tưởng mới của Trung Quốc lọt vào đất nước Việt Nam này nữa. Chúng đã kiểm duyệt từng tờ báo, từng tạp chí mà người Hoa kiều mang theo để đọc Bộ sách Cộng hoà quốc văn là một cuốn sách dạy cho học sinh Trung Quốc tập đọc và tập viết văn “mới”. Nhưng chính phủ Đông Dương cũng cấm lưu hành một tập trong số đó, chỉ vì trong đó có bài tập đọc có mấy câu về vận động giải phóng dân tộc bị áp bức”(18). Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa hơn cả, theo chúng tôi, xuất phát từ nhận thức của trí thức Việt Nam về “Trung Hoa đương đại” và về quá trình hiện đại hoá văn hoá, văn học dân tộc. Từ cuối thế kỉ XIX, Trung Quốc không còn là “mẫu hình” trong nhận thức của người Việt, nếu không nói đó là biểu hiện của một thế giới cũ kĩ, già nua khi so sánh với mẫu hình phương Tây. Đến đầu thập kỉ 40 của thế kỉ XX, quan niệm hiện đại hoá học thuật ở nước ta vẫn là “mượn cái phương pháp khoa học của Tây phương mà nghiên cứu các vấn đề có liên lạc đến nền văn hoá của nước mình” như Dương Quảng Hàm xác định(19). Những thành tựu của nền văn học mới ở nước ta cũng được nhìn nhận chủ yếu từ ảnh hưởng của văn học phương Tây chứ không phải từ Trung Quốc như ý kiến của Hội Thống Vũ Văn Lợi: “Theo ngu ý, thì những tiểu thuyết xuất bản từ 1924 đến nay (Cảnh thu di hận, Kim Anh lệ sử, Tố Tâm v.v) đều do những cây bút mới viết ra, chịu ảnh hưởng của văn chương Pháp thì có, chứ không hề chịu một chút ảnh hưởng nào của những cuốn truyện dịch của Tàu”(20). Thêm vào đó, từ đầu những năm 1930, văn học nước ta đã tương đối hội đủ những điều kiện để trở thành một nền văn học hiện đại. Chủ trương “Tự lực mình làm ra những sách có giá trị về văn chứ không phiên dịch sách nước ngoài, nếu những sách này có tính cách văn chương thôi”(21) của nhóm Tự lực văn đoàn cũng là tinh thần chung của nhiều cây bút đương thời và là chủ trương hợp lí, phù hợp với yêu cầu khẳng định mình của một nền văn học mới, hiện đại. Năm 1942, Hoài Thanh – Hoài Chân đã cho ra mắt Thi nhân Việt Nam, tổng kết và giới thiệu một thời đại trong thi ca (1932 – 1941) và Vũ Ngọc Phan trình làng công trình đồ sộ Nhà văn hiện đại (4 tập, in lần lượt từ 1942 đến 1945). Không chỉ không quan tâm đến văn học mới Trung Quốc, những năm 1930, giới nghiên cứu và độc giả ở nước ta còn “xao lãng” cả văn học cổ điển Trung Quốc, đến mức Á Nam Trần Tuấn Khải phải than: “ai nấy cũng chỉ đua nhau khuynh hướng về cái học tân thời Đến nỗi bao nhiêu những cái hay cái giỏi của áng văn chương Trung Quốc ngày xưa không còn có địa vị nào xuất hiện ra nơi học giới”(22). Tuy nhiên, cũng từ cuối những năm 1930, với sự thắng lợi của Mặt trận Bình dân bên Pháp (1936) và sự thành lập Mặt trận Nhân dân Đông Dương (Mặt trận Bình dân) ở nước ta (1938), sách báo Trung Quốc qua Việt Nam có phần dễ dàng hơn. Đồng thời, đó là sự xuất hiện của những trí thức yêu 20 nước có khuynh hướng cách mạng đặc biệt quan tâm đến “nền văn học chiến đấu, đại chúng và hiện thực”(23) của Trung Quốc, tiêu biểu là Đặng Thai Mai, dẫn đến sự xuất hiện của một số công trình nghiên cứu, giới thiệu văn học hiện đại Trung Quốc ở nước ta vào những năm đầu thập kỉ 40 của thế kỉ XX như đã kể trên. Tiếp nhận văn học mới ở Trung Quốc qua giới thiệu, nghiên cứu của Đặng Thai Mai cho thấy đây chưa phải là chuyện xuất phát từ nhu cầu nội tại của hiện đại hoá văn học dân tộc mà trước hết là từ yêu cầu xây dựng một nền văn học có tính chiến đấu, đại chúng và hiện thực, gắn với bối cảnh lịch sử - cụ thể của xã hội Việt Nam trước Cách mạng tháng 8/1945. Quá trình tiếp nhận nền văn học mới của Trung Quốc ở Việt Nam trong nửa đầu thế kỉ XX cũng phần nào cho thấy sự chuyển biến trong quan hệ văn hoá, văn học giữa hai nước trong bối cảnh cùng tiếp xúc và chịu sự tác động mạnh mẽ của văn hoá, văn minh phương Tây. Ở cả hai nước đều xuất hiện nhu cầu hiện đại hoá văn hoá nói chung, hiện đại hoá văn học nói riêng, nhưng mối quan tâm đến văn hoá, văn học Trung Quốc ở Việt Nam đã khác xa với truyền thống. Đây cũng là hiện tượng có tính tất yếu khi một nền văn học đang vươn ra khỏi phạm vi khu vực đậm màu sắc văn học trung đại để đi vào con đường có tính quốc tế hoá, từng bước hoà nhịp vào phạm trù văn học hiện đại. Chú thích: (1) Huỳnh Minh Đức (1972), Hồ Thích và cuộc vận động tân văn học, Trung tâm học liệu – Bộ Giáo dục, Sài Gòn. (2) Viện Khoa học xã hội Việt Nam & Viện Nghiên cứu Trung Quốc (2004), Phong trào Ngũ Tứ 85 năm nhìn lại, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội. (3) Vũ Ngọc Phan (1965), “Hồi ức về phê bình văn học trước Cách mạng tháng Tám”, Tạp chí Văn học (số 9). (4) Lê Dư (1933), “Nguồn gốc của văn học nước nhà và nền văn học mới”, Nam phong tạp chí (số 190), tr. 399 – 408. (5) Nguyễn Tiến Lãng (1934), “Văn mới của người Tàu”, Nam phong tạp chí (số 210), tr. 318 – 333. (6) Phan Khôi (1937), “Trên đàn văn học thế giới, văn học Trung Hoa ở địa vị nào ?” Đông Dương tạp chí (số 28), tr. 19 – 20. (7) Quán Chi (1941), “Nhớ lại Lỗ Tấn và lối văn bạch thoại nước Tàu”, Trung Bắc chủ nhật (số 61), tr. 24 – 25. (8) Đặng Thai Mai, Lược sử Trung Quốc hiện đại (tâp 1), Nxb Sự thật, Hà Nội, 1958, tr. 98 – 99. (9) Đặng Thai Mai (1997), Đặng Thai Mai toàn tập (tập 4), Nxb Văn học, Hà Nội, tr. 694. (10) Đặng Thai Mai (1994), “Mấy điều nhớ lại trên đường tiếp xúc với văn học Trung Hoa” (1959), trong Xã hội sử Trung Quốc, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, tr. 283 – 314. (11) Đặng Thai Mai (1997), Toàn tập (tập 4), Nxb Văn học, Hà Nội, tr. 389. 21 (12) Đặng Thai Mai (1997), Toàn tập (tập1), Nxb Văn học, Hà Nội, tr. 594. (13) Đặng Thai Mai (1994), Xã hội sử Trung Quốc, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, tr. 310. (14) Đặng Thai Mai (1942), “Một bài thơ Lỗ Tấn”, Thanh nghị (số 23), tr. 16. (15) Trương Chính (1997), Tuyển tập Trương Chính, (tập 2), Nxb Văn học, Hà Nội, tr. 299 – 300. (16) Thuý Toàn (biên soạn) (1996), Dịch văn học và văn học dịch, Nxb Văn học, Hà Nội, tr. 92. (17) Đặng Thai Mai (1997), Toàn tập (tập 1), Nxb Văn học, Hà Nội, tr. 393. (18) Đặng Thai Mai (1998), Toàn tập (tập3), Nxb Văn học, Hà Nội, tr. 1000. (19) Dương Quảng Hàm (1968), Việt Nam văn học sử yếu, Bộ Giáo dục – Trung tâm học liệu xuất bản, Saigon, tr. 461. (20) Hội Thống Vũ Văn Lợi (1941), “Đọc Đại Việt văn học lịch sử của Nguyễn Sĩ