Tóm tắt. Bài báo trình bày quy trình hướng dẫn sinh viên vận dụng phần mềm
Yenka, một trong những phòng thí nghiệm ảo miễn phí để thiết kế tư liệu dạy học
hóa học liên quan đến các phản ứng vô cơ cũng như điện hóa học trong chương
trình hóa học THPT thông qua học phần Ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy
học hóa học ở trường phổ thông. Kết quả thực nghiệm cho thấy quy trình bước đầu
mang lại hiệu quả đối với sinh viên sư phạm Hóa học trường Đại học Sư phạm TP.
Hồ Chí Minh.
9 trang |
Chia sẻ: thanhle95 | Lượt xem: 319 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Quy trình hướng dẫn sinh viên sư phạm sử dụng phần mềm Yenka để thiết kế thí nghiệm hóa học ảo, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE
Educational Sci. 2012, Vol. 57, No. 4, pp. 93-101
QUY TRÌNH HƯỚNG DẪN SINH VIÊN SƯ PHẠM SỬ DỤNG
PHẦNMỀM YENKA ĐỂ THIẾT KẾ THÍ NGHIỆM HÓA HỌC ẢO
Thái Hoài Minh
Trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh
E-mail: minhth@hcmup.edu.vn
Tóm tắt. Bài báo trình bày quy trình hướng dẫn sinh viên vận dụng phần mềm
Yenka, một trong những phòng thí nghiệm ảo miễn phí để thiết kế tư liệu dạy học
hóa học liên quan đến các phản ứng vô cơ cũng như điện hóa học trong chương
trình hóa học THPT thông qua học phần Ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy
học hóa học ở trường phổ thông. Kết quả thực nghiệm cho thấy quy trình bước đầu
mang lại hiệu quả đối với sinh viên sư phạm Hóa học trường Đại học Sư phạm TP.
Hồ Chí Minh.
Từ khóa: Phòng thí nghiệm hóa học ảo, phần mềm Yenka, sinh viên sư phạm hóa
học.
1. Mở đầu
Một trong những hướng ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học hóa học ở
trường phổ thông là sử dụng các thí nghiệm được mô phỏng trên máy tính hay còn gọi
là thí nghiệm ảo [2]. Có thể thiết kế các thí nghiệm ảo một cách thủ công bằng các phần
mềm thiết kế hoạt hình chuyên dụng như Macromedia Flash hay vận dụng các hiệu ứng
hoạt hình trong phần mềm trình chiếu Powerpoint. Tuy nhiên để tiết kiệm thời gian, giáo
viên (GV) có thể sử dụng các phòng thí nghiệm ảo đặc thù cho từng bộ môn, nơi có cung
cấp đầy đủ các dụng cụ, hóa chất và công cụ để trình chiếu, biểu diễn theo kịch bản của
người thiết kế.
Hiện nay, việc thiết kế và sử dụng các mô phỏng thí nghiệm hóa học ở trường phổ
thông chưa được phổ biến do một số nguyên nhân như mô phỏng có sẵn không phù hợp
với mục đích dạy học, trình độ tin học và thời gian còn hạn chế hoặc do GV e ngại học
sinh không tin tưởng thí nghiệm ảo bằng thí nghiệm thật [1]. Vì vậy, việc trang bị cho
sinh viên (SV) sư phạm hóa học kĩ năng thiết kế và sử dụng mô phỏng thí nghiệm hóa học
từ phòng thí nghiệm ảo là cần thiết. Bài báo giới thiệu quy trình hướng dẫn sinh viên sư
phạm của Khoa Hóa học trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh rèn luyện các
kĩ năng vận dụng phần mềm Yenka qua học phần Ứng dụng công nghệ thông tin trong
dạy học Hóa học ở trường phổ thông với phòng thí nghiệm hóa học ảo thuộc phần mềm
Yenka.
93
Thái Hoài Minh
2. Nội dung nghiên cứu
2.1. Tổng quan về phần mềm Yenka
Yenka, tiền thân là Crocodile Clips, là một phần mềm cung cấp các phòng thí
nghiệm ảo có thể vận dụng trong dạy học các môn Toán, Lý, Hóa, Kỹ thuật và Tin học [3].
Với phòng thí nghiệm ảo này, GV và HS có thể sử dụng ngay những bài học được thiết
kế sẵn trong thư viện hoặc biên soạn lại theo ý thích, hoặc cũng có thể thiết kế những thí
nghiệm, mô hình theo ý tưởng riêng của mình.
Các bài học được thiết kế sẵn trong phần mềm và sắp xếp theo các chủ đề. Mỗi bài
học thường có các thành phần cơ bản là dụng cụ, hóa chất để thực hiện thí nghiệm, hướng
dẫn thực hiện và các câu hỏi liên quan đến thí nghiệm đó. Phần lớn các bài học liên quan
đến thí nghiệm vô cơ và điện hóa. Các chủ đề này đều có thể vận dụng trong dạy học hóa
học ở trường trung học phổ thông, ví dụ chủ đề về tốc độ phản ứng (reaction rates), dung
dịch (water and solution), nhận biết (identifying substances) hay bảng tuần hoàn (periodic
tables),. . . Ưu điểm của các bài học này là GV có thể sử dụng ngay mà không mất thời
gian đầu tư về kịch bản thí nghiệm. Tuy nhiên các hướng dẫn hay hệ thống câu hỏi đều
được thể hiện bằng tiếng Anh nên cần Việt hóa, điều chỉnh để phù hợp hơn với chương
trình hóa học phổ thông ở Việt Nam.
Người dùng cũng có thể hoàn toàn tự thiết kế theo kịch bản riêng của mình với bộ
dụng cụ, hóa chất, công cụ trình chiếu được cung cấp sẵn trong thư viện. Bộ dụng cụ gồm
các dụng cụ cơ bản để thực hiện thí nghiệm như ống nghiệm, bình tam giác, bình cầu, bếp
điện, đèn Bunsen, phễu lọc,. . . Thư viện hóa chất khá phong phú với các axit, bazơ, muối,
kim loại, khí, các chất chỉ thị thông dụng. Có thể điều chỉnh các thông số như độ mịn hóa
chất, khối lượng (đối với hóa chất rắn) hay nồng độ, thể tích hóa chất (đối với hóa chất
dạng dụng dịch) sao cho phù hợp với mỗi thí nghiệm. Các công cụ trình chiếu như chèn
hình ảnh, câu hỏi trắc nghiệm, khung chỉ dẫn, đồ thị,. . . sẽ góp phần làm thí nghiệm sinh
động và trực quan hơn.
Có thể sử dụng phần mềm Yenka để nghiên cứu các thí nghiệm vô cơ và các vấn đề
liên quan đến điện hóa học như pin điện và điện phân. Sử dụng phần mềm Yenka có thể
đem lại cho GV các thuận lợi như:
- GV không mất nhiều thời gian để chuẩn bị dụng cụ, hóa chất, làm thử. Mô phỏng
thí nghiệm có thể sử dụng lại nhiều lần.
- Thí nghiệm ảo không gây độc hại, nguy hiểm cho GV và HS. Vì vậy, có thể biểu
diễn các thí nghiệm mà GV không thể làm thực tế trong lớp học.
- GV có thể lặp lại hoặc tạm dừng thí nghiệm khi cần nhấn mạnh các điểm quan
trọng.
- GV có thể điều chỉnh được tốc độ thí nghiệm nên thuận lợi trong việc nghiên cứu
các thí nghiệm xảy ra quá chậm hoặc quá nhanh.
94
Quy trình hướng dẫn sinh viên Sư phạm sử dụng phần mềm Yenka...
- GV có thể biểu diễn hình ảnh vĩ mô và vi mô của phản ứng hóa học.
- GV có thể thiết kế các thí nghiệm ảo với hiệu ứng sinh động, từ đó có thể mang
lại hứng thú học tập cho học sinh.
2.2. Quy trình hướng dẫn sinh viên vận dụng phần mềm Yenka trong dạy
học hóa học ở trường phổ thông
Chúng tôi đã hướng dẫn sinh viên (SV) sử dụng phần mềm Yenka để thiết kế và vận
dụng thí nghiệm hóa học ảo thông qua quy trình gồm năm bước như sau:
* Bước 1: Tìm hiểu phần mềm
Giảng viên giới thiệu lịch sử phát triển phần mềm, cách khởi động chương trình,
giao diện chương trình, cửa sổ làm việc cũng như các công cụ thiết yếu cùng hệ thống các
bài học có sẵn trong chương trình. Một vài thí nghiệm liên quan đến chương trình hóa học
phổ thông được hiệu chỉnh hoặc thiết kế mới hoàn toàn để người học có thể hình dung
được những sản phẩm được thiết kế từ phần mềm.
* Bước 2: Làm theo mẫu
SV thiết kế lại hai thí nghiệm ảo đã được xem biểu diễn theo hướng dẫn của giảng
viên. Thông qua hai thí nghiệm này, SV biết cách sử dụng các hóa chất, dụng cụ và công
cụ trình diễn trong thư viện.
Thí nghiệm 1: Ảnh hưởng của chất xúc tác đến tốc độ phản ứng
- Mô tả thí nghiệm: Điều chế khí oxi từ phản ứng phân hủy hidro peoxit. So sánh
lượng khí oxi thoát ra khi sử dụng và không sử dụng xúc tác là mangan đioxit.
- Mục đích thí nghiệm: Thông qua thí nghiệm này SV rèn các kĩ năng hiệu chỉnh
thí nghiệm đã được thiết kế sẵn cho phù hợp với mục đích dạy học và sử dụng đồ thị, một
công cụ trình chiếu giúp minh họa sự biến đổi của các đại lượng trong thí nghiệm.
Hình 1. Thí nghiệm chứng minh chất xúc tác
ảnh hưởng đến tốc độ phản ứng
Thí nghiệm 2: Điều chế oxi trong phòng thí nghiệm
- Mô tả thí nghiệm: Điều chế khí oxi trong phòng thí nghiệm bằng sự nhiệt phân
95
Thái Hoài Minh
kali pecmanganat. Thu oxi vào ống nghiệm bằng phương pháp đẩy nước và thử sự có mặt
của oxi trong ống thu khí bằng tàn đóm đỏ.
- Mục đích thí nghiệm: Thông qua thí nghiệm này, SV rèn các kĩ năng: sử dụng các
dụng cụ thí nghiệm như ống nghiệm, ống thu khí, chậu thủy tinh, đèn Bunsen, tàn đóm
đỏ; sử dụng hóa chất trong thư viện để thực hiện thí nghiệm; sử dụng những công cụ trình
chiếu như bảng hướng dẫn, các nút chức năng như dừng, quay lại (refresh).
Hình 2. Thí nghiệm điều chế oxi bằng phương pháp đẩy nước
Sau khi tự thiết kế thí nghiệm, giảng viên yêu cầu SV thảo luận và đề xuất hình thức
sử dụng cũng như các lưu ý khi sử dụng thí nghiệm ảo trong dạy học hóa học ở trường
phổ thông.
Tương tự như thí nghiệm thực tế, có thể sử dụng thí nghiệm ảo theo hình thức GV
biểu diễn, HS biểu diễn hay HS thực hành. Các thí nghiệm có thể sử dụng để khai thác
kiến thức mới, rèn kĩ năng, củng cố hoặc kiểm tra đánh giá. Do những thí nghiệm ảo
không gây độc và nguy hiểm đến HS nên GV có thể thiết kế các thí nghiệm kèm hướng
dẫn và hệ thống câu hỏi phù hợp để HS tự nghiên cứu và chuẩn bị bài trước khi đến lớp.
Tuy có nhiều ưu điểm vượt trội nhưng các thí nghiệm ảo không thể thay thế thí nghiệm
thực. Chỉ nên sử dụng thí nghiệm ảo đối với những thí nghiệm không thể tiến hành ngay
tại lớp, hoặc những thí nghiệm mà HS cần quan sát ở mức độ vi mô.
* Bước 3: Vận dụng sáng tạo
Sau khi giới thiệu và hướng dẫn SV cách sử dụng phần mềm, giảng viên giao bài
tập về nhà cho các nhóm SV. Mỗi nhóm SV sẽ thiết kế một thí nghiệm ảo trong chương
trình hóa học phổ thông bằng phần mềm Yenka đồng thời xây dựng hoạt động dạy học có
sử dụng thí nghiệm đó. Thời gian thực hiện bài tập là một tuần. Kết quả đánh giá bài tập
là một trong những điểm thành phần của học phần.
Để hỗ trợ SV tìm hiểu thêm những dụng cụ và hóa chất trong phòng thí nghiệm ảo,
chúng tôi đã thiết kế bảng tra cứu hóa chất, dụng cụ đã được dịch sang tiếng Việt.
* Bước 4: Trình diễn - Đánh giá
Sau một tuần thực hiện bài tập, các nhóm SV báo cáo sản phẩm trước lớp. Giảng
viên và các SV khác sẽ đánh giá, góp ý, nhận xét các thí nghiệm ảo đã được thiết kế bằng
phần mềm Yenka. Sản phẩm được đánh giá dựa trên các tiêu chí:
96
Quy trình hướng dẫn sinh viên Sư phạm sử dụng phần mềm Yenka...
- Thí nghiệm phù hợp với mục đích dạy học và nội dung chương trình hóa học phổ
thông.
- Thí nghiệm được thiết kế đẹp, thuận tiện khi sử dụng.
- Hoạt động dạy học đề xuất hợp lý, có thể vận dụng vào thực tế giảng dạy ở trường
phổ thông.
* Bước 5: Rút kinh nghiệm
Các nhóm sinh viên chỉnh sửa thí nghiệm ảo đã thiết kế theo ý kiến phản biện của
GV và các SV khác để hoàn thiện sản phẩm của nhóm. Các thí nghiệm ảo sau khi chỉnh
sửa sẽ được chia sẻ để làm tư liệu dạy học tham khảo cho toàn lớp.
2.3. Thực nghiệm sư phạm
2.3.1. Phương pháp và đối tượng thực nghiệm
Nghiên cứu được tiến hành trong thời gian ba tháng giảng dạy học phần ‘Ứng dụng
tin học trong dạy học hóa học ở trường phổ thông’ ở học kì II năm học 2010 - 2011.
Nghiên cứu sử dụng phương pháp định tính thông qua sản phẩm của sinh viên và phiếu
phản hồi học phần trên một nhóm đối tượng bao gồm 36 sinh viên K34 (2 nhóm) thuộc
khoa Hóa đại học Sư phạm TP. HCM.
2.3.2. Kết quả và thảo luận
* Đánh giá về sản phẩm của sinh viên
Sau một tuần thực hiện, 100% nhóm SV đều hoàn thành nhiệm vụ được giao. Một
số nhóm SV chọn phương án hiệu chỉnh bài học có sẵn để phù hợp nội dung dạy học ở
trường phổ thông, một số nhóm khác lại xây dựng những kịch bản thí nghiệm hoàn toàn
mới. Một số thí nghiệm do các nhóm sinh viên xây dựng như sau:
Ví dụ 1. Thí nghiệm chứng minh nồng độ ảnh hưởng đến tốc độ phản ứng (Dùng
cho bài Tốc độ phản ứng, Hóa học lớp 10)
Thí nghiệm này được hiệu chỉnh từ bài học có sẵn trong thư viện.
- Mô tả thí nghiệm: Điều chế khí CO2 bằng cách cho canxi cacbonat tác dụng với
dung dịch axit clohidric. So sánh lượng khí thu được từ ba thí nghiệm với nồng độ dung
dịch HCl khác nhau bằng cách so sánh độ phồng của bong bóng gắn trên đầu mỗi ống
nghiệm.
- Hoạt động dạy học:
+ GV mở tập tin có bộ dụng cụ thí nghiệm đã thiết kế sẵn.
+ SV giới thiệu bộ dụng cụ thí nghiệm, viết phương trình hóa học xảy ra trong thí
nghiệm.
+ SV dự đoán sự khác nhau về tốc độ thoát khí trong ba ống nghiệm chứa các dung
dịch axit HCl có nồng độ khác nhau.
97
Thái Hoài Minh
+ SV đề nghị phương án để kiểm chứng dự đoán.
GV gợi ý SV sử dụng bong bóng để quan sát tốc độ thoát khí. Quả bóng đỏ sẽ được
gắn vào đầu ống dẫn khí của ống nghiệm mà tốc độ phản ứng lớn nhất, quả bóng xanh
lá cây vào đầu ống dẫn khí của ống nghiệm mà tốc độ phản ứng bé nhất, quả bóng xanh
dương vào đầu ống dẫn khí của ống nghiệm còn lại.
+ SV sử dụng sử dụng máy tính để gắn quả bong theo suy đoán, sau đó nhấp chuột
vào nút để quan sát hiện tượng thí nghiệm.
+ SV nêu hiện tượng quan sát được, kiểm chứng lại dự đoán và rút ra kết luận về sự
ảnh hưởng của nồng độ đến tốc độ phản ứng.
Hình 3. Thí nghiệm chứng minh
ảnh hưởng của nồng độ đến tốc độ phản ứng
Ví dụ 2. Thí nghiệm minh họa tính dẫn điện của dung dịch chất điện ly (dùng cho
bài Sự điện ly, Hóa học lớp 11)
Thí nghiệm này được xây dựng hoàn toàn mới.
Mô tả thí nghiệm: Cho chất lỏng vào chậu thủy tinh. Thử tính dẫn điện của dung
dịch trên bằng cách đóng khóa và quan sát đèn. Đèn sẽ sáng khi dung dịch dẫn điện.
- Hoạt động dạy học:
+ GV mở tập tin có bộ dụng cụ thí nghiệm thử tính dẫn điện của dung dịch đã thiết
kế sẵn.
+ SV giới thiệu bộ dụng cụ thí nghiệm.
Bộ dụng cụ thí nghiệm gồm một chậu thủy tinh, một nguồn điện nối với đèn và hai
thanh kim loại ở hai cực. Các hóa chất chuẩn bị trong khay đựng là: Nước, dung dịch HCl,
dung dịch NaOH, muối ăn, và đường glucozơ ở dạng rắn.
+ SV tiến hành thí nghiệm thử tính dẫn điện của muối ăn rắn, đường rắn, dung dịch
muối ăn, dung dịch glucozơ, dung dịch HCl và dung dịch NaOH rồi ghi kết quả thí nghiệm
vào phiếu học tập.
+ SV thực hiện thí nghiệm thử tính dẫn điện một lần nữa, nhưng xem biểu diễn ở
mức độ vi mô phân tử bằng cách nhấp vào biểu tượng Atom Viewer . Từ đó rút ra sự khác
nhau ở mức độ vi mô giữa những dung dịch dẫn điện và không dẫn điện.
98
Quy trình hướng dẫn sinh viên Sư phạm sử dụng phần mềm Yenka...
GV gợi ý trong dung dịch dẫn điện có hiện tượng phân tử phân ly thành các tiểu
phân mang điện tích chuyển động tự do gọi là ion.
+ SV kết luận về nguyên nhân tính dẫn điện của các dung dịch và hình thành khái
niệm về chất điện ly.
Hình 4. Thí nghiệm về tính dẫn điện của các dung dịch
Ví dụ 3.Dán nhãn phù hợp cho các dung dịch H2SO4, KCl, Na2CO3, KNO3, Na2SO4
đựng trong các lọ mất nhãn (dùng cho bài luyện tập cuối chương Oxi - Lưu huỳnh, Hóa
học lớp 10)
Thí nghiệm này được xây dựng hoàn toàn mới.
Mô tả thí nghiệm: Nhận biết các dung dịch đựng trong các lọ mất nhãn bằng thuốc
thử phù hợp. Bài tập này giúp SV hình dung quy trình thực hiện một bài tập nhận biết
trong thực tế.
Hoạt động dạy học:
- GV chia thành nhóm nhỏ khoảng 4 - 5 SV. Các nhóm nhận nhiệm vụ: Dán nhãn
phù hợp vào năm lọ hóa chất mất nhãn chứa các dung dịch H2SO4, KCl, Na2CO3, KNO3,
Na2SO4.
- Các nhóm giải quyết nhiệm vụ theo trình tự các bước:
+ Bước 1: Lập kế hoạch để giải quyết nhiệm vụ bằng cách lựa chọn các hóa chất và
dụng cụ cần thiết cũng như trình tự tiến hành thí nghiệm.
Trong thí nghiệm này cần dùng các dụng cụ ống nghiệm sạch, ống hút nhỏ giọt; các
hóa chất là dung dịch HCl, giấy quỳ tím, dung dịch BaCl2, dung dịch AgNO3.
+ Bước 2: SV lấy hóa chất, dụng cụ từ thư viện phần mềm ra màn hình.
+ Bước 3: SV thực hiện các thao tác để nhận biết các dung dịch theo kế hoạch đã
lập. Gắn nhãn phù hợp cho các lọ mất nhãn và ghi lại kết quả.
- Các nhóm báo cáo kết quả.
- GV tổng kết nhiệm vụ, liên hệ đến các bài tập nhận biết thực tế trong phòng thí
nghiệm.
Thông qua báo cáo các sản phẩm thí nghiệm ảo, chúng tôi nhận thấy rằng các em
đã biết cách sử dụng phần mềm để thiết kế thí nghiệm ảo và bước đầu xây dựng được các
99
Thái Hoài Minh
hoạt động dạy học phù hợp với nội dung dạy học hóa học ở trường phổ thông. Sinh viên
không chỉ sử dụng thí nghiệm ảo để minh họa kiến thức mà còn thiết kế hoạt động dạy
học để học sinh tự khai thác hoặc củng cố kiến thức hóa học từ các thí nghiệm này.
* Đánh giá kết quả từ phiếu khảo sát
Có 36 phiếu phản hồi được phát ra và 35 phiếu được thu về. Kết quả thống kê các
ý kiến về nội dung sử dụng phần mềm Yenka để thiết kế thí nghiệm hóa học cho kết quả
như sau:
Stt Nội dung Đồng ý Không chắc Khôngđồng ý
1
Kĩ năng thiết kế và sử dụng thí nghiệm
ảo cần thiết đối với giáo sinh và giáo
viên hóa học.
100% 0% 0%
2
Phần mềm Yenka có các công cụ phù
hợp để thiết kế thí nghiệm hóa học ảo.
91,4% 8,6% 0%
3
Quy trình hướng dẫn sử dụng phần
mềm Yenka để thiết kế thí nghiệm hóa
học ảo hợp lý và hiệu quả.
97,1% 2,9% 0%
4
Tôi có kĩ năng thiết kế và sử dụng thí
nghiệm hóa học ảo sau khi hoàn thành
học phần.
91,4% 8,6% 0%
5
Tôi sẽ sử dụng phần mềm Yenka để
thiết kế thí nghiệm hóa học ảo dùng
trong việc dạy học của tôi sau này.
85,7% 11,4% 2,9%
Kết quả thống kê cho thấy rằng tất cả sinh viên đều nhận thấy tầm quan trọng của
kĩ năng thiết kế thí nghiệm hóa học ảo. Hầu hết các sinh viên đều đánh giá cao quy trình
hướng dẫn sử dụng phần mềm Yenka để thiết kế các thí nghiệm hóa học ảo phù hợp với
chương trình hóa học phổ thông. Trong mục ý kiến khác, một số sinh viên đề nghị cần có
văn bản hay đoạn phim hướng dẫn sử dụng phần mềm cụ thể do thời gian hướng dẫn tại
lớp còn hạn chế. Một số sinh viên khác cho rằng cần giới thiệu thêm một số phần mềm
khác để sinh viên có nhiều sự lựa chọn hơn khi muốn thiết kế thí nghiệm hóa học ảo.
Tóm lại, kết quả báo cáo sản phẩm và phiếu phản hồi sau học phần cho thấy tính
khả thi và hiệu quả của quy trình rèn luyện kĩ năng thiết kế và sử dụng thí nghiệm ảo hóa
học cho sinh viên. Tuy nhiên, cần bổ sung các tài liệu tham khảo để người học có thể tự
nghiên cứu và rèn luyện cách sử dụng các phần mềm thiết kế thí nghiệm hóa học ảo khác.
3. Kết luận
Với lượng hóa chất và dụng cụ phong phú, có thể sử dụng phần mềm Yenka để thiết
kế hầu hết các thí nghiệm vô cơ trong chương trình hóa học trung học phổ thông. Tuy
100
Quy trình hướng dẫn sinh viên Sư phạm sử dụng phần mềm Yenka...
nhiên không nên lạm dụng mà chỉ sử dụng các thí nghiệm hóa học ảo đối với những thí
nghiệm phức tạp, tốn nhiều thời gian chuẩn bị và thực hiện, độc hại, nguy hiểm. Phần
mềm này có thể sử dụng để hướng dẫn SV thực hành trong phòng thí nghiệm hoặc GV có
thể thiết kế thành các bài học để SV tự nghiên cứu. Các thí nghiệm được thiết kế hợp lý,
khoa học, hình ảnh đẹp, sinh động từ phòng thí nghiệm hóa học ảo Yenka sẽ là công cụ
hỗ trợ tốt cho quá trình dạy học Hóa học ở trường phổ thông.
Kết quả thực nghiệm sư phạm cũng cho thấy với quy trình hướng dẫn đề nghị, SV
đã vận dụng được các ưu điểm của phần mềm để thiết kế các thí nghiệm ảo phù hợp với
chương trình phổ thông. Thông qua quá trình thực nghiệm chúng tôi cũng nhận thấy rằng
để SV vận dụng tốt phần mềm trong dạy học hóa học ở trường phổ thông, bên cạnh rèn
luyện các kĩ năng tin học, SV cần được trang bị các kiến thức về nghiệp vụ sư phạm liên
quan để có thể thiết kế các hoạt động dạy học có sử dụng thí nghiệm ảo một cách hiệu
quả.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Crispen Bhukuvhani, Lovemore Kusure, Violet Munodawafa, Abel Sana, and Isaac
Gwizangwe Bindura University of Science Education, Zimbabwe, 2010. Pre-service
Teachers’ use of improvised and virtual laboratory experimentation in Science teach-
ing. International Journal of Education and Development using Information and Com-
munication Technology 6.4 : 27-38.
[2] Slavko KOCIJANCIC, and Colm O’SULLIVAN, 2004. Real or Virtual Laboratories
in Science Teaching – is this Actually a Dilemma?. Informatics in Education 3.2 : 239-
250.
[3] www.yenka.com
ABSTRACT
Using Yenka to create virtual experiments for pre-service chemistry teachers
This article discusses about the instruction of using Yenka, a free virtual lab, to
design teaching materials in inorganic and electrochemistry at high school level for pre-
service chemistry teachers at Ho Chi Minh City University of Education throughout the
course Applying Information Technology in teaching chemistry at high school. The peda-
gogical experiment results proved the effectiveness and feasibility of this process.
101