Tóm tắt. Để tìm hiểu tác động của supe lân, phân lân nung chảy và photphorit đến
sự tích lũy photpho trong cây lúa, chúng tôi tiến hành một thí nghiệm trong chậu
tại vườn Thực nghiệm thuộc khoa Sinh học, trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Mỗi
chậu thí nghiệm chứa 10 kg đất phù sa sông Hồng đã được phơi khô trong không
khí. Lượng phân bón cho mỗi chậu thí nghiệm là 2,7 g phân hữu cơ, 1,25 g supe
lân, 1,45 g phân lân nung chảy và 1,45 g photphorit. Mỗi công thức thí nghiệm
được lặp lại bốn lần. Các chậu thí nghiệm được bố trí hoàn toàn ngẫu nhiên. Kết
quả nghiên cứu cho thấy photpho phân bố không đều trong cây. Ở giai đoạn đẻ
nhánh khoảng 60% photpho trong cây được tích lũy ở thân. Ở giai đoạn trổ bông
một phần photpho trong thân lá được vận chuyển đến bông. Ở giai đoạn thu hoạch
phần lớn photpho được tích lũy trong hạt. Trong 3 loại phân bón sử dụng trong thí
nghiệm, supe lân có tác động tích cực nhất đến sự tích lũy photpho trong cây, tiếp
đó là phân lân nung chảy và cuối cùng là photphorit.
7 trang |
Chia sẻ: thanhle95 | Lượt xem: 509 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Sự tích lũy photpho trong cây lúa dưới tác động của supe lân, phân lân nung chảy và photphorit, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE
Natural Sci., 2013, Vol. 58, No. 3, pp. 69-75
This paper is available online at
SỰ TÍCH LŨY PHOTPHO TRONG CÂY LÚA DƯỚI TÁC ĐỘNG
CỦA SUPE LÂN, PHÂN LÂN NUNG CHẢY VÀ PHOTPHORIT
Vũ Văn Hiển1 và Phạm Việt Hà2
1Khoa Sinh học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
2 Trường THPT Lý Thường Kiệt, Gia Lâm, Hà Nội
Tóm tắt. Để tìm hiểu tác động của supe lân, phân lân nung chảy và photphorit đến
sự tích lũy photpho trong cây lúa, chúng tôi tiến hành một thí nghiệm trong chậu
tại vườn Thực nghiệm thuộc khoa Sinh học, trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Mỗi
chậu thí nghiệm chứa 10 kg đất phù sa sông Hồng đã được phơi khô trong không
khí. Lượng phân bón cho mỗi chậu thí nghiệm là 2,7 g phân hữu cơ, 1,25 g supe
lân, 1,45 g phân lân nung chảy và 1,45 g photphorit. Mỗi công thức thí nghiệm
được lặp lại bốn lần. Các chậu thí nghiệm được bố trí hoàn toàn ngẫu nhiên. Kết
quả nghiên cứu cho thấy photpho phân bố không đều trong cây. Ở giai đoạn đẻ
nhánh khoảng 60% photpho trong cây được tích lũy ở thân. Ở giai đoạn trổ bông
một phần photpho trong thân lá được vận chuyển đến bông. Ở giai đoạn thu hoạch
phần lớn photpho được tích lũy trong hạt. Trong 3 loại phân bón sử dụng trong thí
nghiệm, supe lân có tác động tích cực nhất đến sự tích lũy photpho trong cây, tiếp
đó là phân lân nung chảy và cuối cùng là photphorit.
Từ khóa: Tích lũy, photpho, supe lân, lân nung chảy, photphorit, cây lúa.
1. Mở đầu
Vai trò của photpho trong cơ thể thực vật nói chung và cây lúa nói riêng rất quan
trọng và đa dạng. Photpho tham gia vào cấu trúc nhiều chất hữu cơ quan trọng như AND,
ARN, photphoprotein, photpholipit. . . Photpho là thành phần không thể thiếu được của
nhiều chất hữu cơ quan trọng điều tiết các quá trình trao đổi chất và năng lượng như các
hợp chất cao năng (ATP, ADP. . . ), các coenzim (NAD, NADP, FAD,. . . ) [8]. Các vai trò
sinh lí, hóa sinh nêu ở trên có liên quan chặt chẽ với lượng photpho tích lũy trong cây.
Trong số các nguyên tố dinh dưỡng cần thiết đối với cây lúa, photpho chiếm vị trí thứ
hai sau nitơ. Vì vậy, trên thế giới đã có khá nhiều công trình nghiên cứu về dinh dưỡng
photpho của cây lúa được công bố. Năm 1981, Shouichi Y. đã công bố những thông tin về
Ngày nhận bài: 25/1/2013. Ngày nhận đăng: 22/5/2013.
Tác giả liên lạc: Vũ Văn Hiển, địa chỉ e-mail: hienvv@hnue.edu.vn
69
Vũ Văn Hiển và Phạm Việt Hà
hiệu lực của phân lân đối với lúa [11]. Hirata H (1982) công bố kết quả nghiên cứu về tác
động của việc bón thiếu lân và kali đến dịch tiết của rễ cây lúa mì và lúa gạo [6]. Kết quả
nghiên cứu về hấp thụ và tích lũy photpho trong cây lúa được tìm thấy trong công trình
của Yashuco Sasaki and Hiroshi Hirata năm 1995 [14]. . . Ở nước ta cũng đã có một số
công trình nghiên cứu về dinh dưỡng photpho của cây lúa được công bố trong các tài liệu
[1, 4, 5, 7, 9, 10]. Tuy nhiên, những nghiên cứu ở nước ta mới chỉ tập trung vào hướng tìm
hiểu ảnh hưởng của phân lân đến các chỉ tiêu sinh lí sinh trưởng, năng suất và chất lượng
lúa gạo. Những nghiên cứu về sự xâm nhập và tích lũy photpho trong các cơ quan khác
nhau của cây lúa còn rất ít. Nghiên cứu sự tích lũy photpho trong cây giúp ta biết được
khả năng sử dụng phân lân của cây, từ đó đề xuất biện pháp sử dụng phân bón một cách
có hiệu quả. Bài báo này trình bày kết quả nghiên cứu ban đầu của chúng tôi về sự tích
lũy photpho trong cây lúa giống Khang dân 18 dưới tác động của supe lân, phân lân nung
chảy và photphorit.
2. Nội dung nghiên cứu
2.1. Phương pháp nghiên cứu
* Bố trí thí nghiệm:
Thí nghiệm được tiến hành trong chậu sứ có dung tích 10 kg đất. Đất thí nghiệm là
đất phù sa sông Hồng trồng lúa được lấy ở hợp tác xã Thượng Cát, Từ Liêm, Hà Nội. Thí
nghiệm được tiến hành với các công thức sau (lượng phân bón cho 1 chậu):
Công thức 1: Nền - 2,7 g phân hữu cơ + 0,87 g urê + 0,2 g KCl;
Công thức 2: Nền + 1,25 g supe lân;
Công thức 3: Nền + 1,45 g lân nung chảy;
Công thức 4: Nền + 1,45 g photphorit.
(Lượng phân bón tương đương với 8 tấn phân hữu cơ + N120 + P60 + K30kg/ha).
Thí nghiệm được nhắc lại 4 lần. Thí nghiệm được tiến hành trong hai vụ : vụ mùa
năm 2009 và vụ xuân năm 2010, tại vườn Thực nghiệm, khoa Sinh học, trường Đại học
Sư phạm Hà Nội.
* Lấy mẫu phân tích:Mẫu phân tích được lấy ở 3 giai đoạn: đẻ nhánh, trổ bông và
thu hoạch. Mỗi chậu thí nghiệm lấy một cây làm mẫu phân tích.
* Chỉ tiêu nghiên cứu và phương pháp xác định:
- Hàm lượng photpho trong cây được xác định bằng phương pháp so màu.
- Hệ số sử dụng phân bón được xác định dựa vào công thức:
Hệ số sử dụng phân bón (%) =
Lượng phân bón cây hấp thụ
Lượng phân bón được bón vào đất
x 100
* Xử lí kết quả thí nghiệm: Số liệu thí nghiệm được xử lí theo phương pháp thống
kê dành cho nghiên cứu nông nghiệp [3].
70
Sự tích lũy photpho trong cây lúa dưới tác động của supe lân, phân lân nung chảy và photphorit
2.2. Kết quả nghiên cứu và thảo luận
2.2.1. Sự tích lũy photpho trong cây
Kết quả nghiên cứu ảnh hưởng của supe lân, lân nung chảy và photphorit đến sự
tích lũy photpho trong cây được trình bày trong Bảng 1.
Bảng 1. Sự tích lũy photpho trong cây (% chất khô)
Công
thức Giai đoạn đẻ nhánh Giai đoạn trổ bông Giai đoạn thu hoạch
Thân Lá Thân Lá Bông Thân Lá Hạt
CT1 0,24dc 0,15dc 0,20dc 0,13dc 0,16dbc 0,09dc 0,06c 0,24d
CT2 0,30a 0,19a 0,25a 0,17a 0,21a 0,14a 0,08a 0,35a
CT3 0,27bc 0,17b 0,22bc 0,15bc 0,18bcd 0,12ba 0,07bac 0,31b
CT4 0,26cbd 0,16cb 0,21cbd 0,14cbd 0,17cbd 0,11cbd 0,07bac 0,30cb
LSD05 0,02 0,01 0,02 0,01 0,02 0,02 0,01 0,03
CT: Công thức
Số liệu trong Bảng 1 cho thấy ở các công thức bón supe lân, lân nung chảy, lượng
photpho tích lũy trong thân lá cao hơn lượng photpho tích lũy trong thân lá ở công thức
nền. Ở công thức bón photphorit, lượng photpho tích lũy trong cây không khác biệt so với
công thức nền. Chênh lệch về lượng photpho tích lũy trong cây ở hai công thức này không
có ý nghĩa thống kê.
Ở giai đoạn đẻ nhánh lượng photpho trong thân dao động từ 0,24% đến 0,30% chất
khô, lượng photpho tích lũy trong lá biến động trong phạm vi 0,15% - 0,19% chất khô.
Khoảng 60% photpho được tích lũy trong thân, phần còn lại (khoảng 40%) được tích lũy
trong lá và rễ. Kết quả nghiên cứu tương tự cũng thấy được trong những công trình nghiên
cứu của Yasuko Sasaki và Hiroshi Hirata [14], Vũ Văn Hiển [4].
Ở giai đoạn trổ bông lượng photpho tích lũy trong thân, lá (0,20% - 0,25% và
tương ứng là 0,13% - 0,17%) thấp hơn lượng photpho tích lũy trong thân, lá ở giai đoạn đẻ
nhánh. Ở giai đoạn này, một phần photpho trong thân, lá được vận chuyển tới bông. Lượng
photpho tích lũy trong bông lúa dao động từ 0,16% - 0,21% chất khô. Lượng photpho tích
lũy trong bông lúa ở các công thức bón supe lân và lân nung chảy đều cao hơn so với công
thức nền. Trong khi đó, hàm lượng photpho trong bông lúa ở công thức bón photphorit
chỉ tương đương với hàm lượng photpho trong bông lúa ở công thức nền.
So với giai đoạn đẻ nhánh và giai đoạn trổ bông, lượng photpho tích lũy trong thân
lá ở giai đoạn thu hoạch đạt giá trị thấp nhất. Hàm lượng photpho trong thân thay đổi từ
0,09% đến 0,14% chất khô, trong lá từ 0,06% đến 0,08% chất khô. Ở các công thức bón
supe lân và lân nung chảy, lượng photpho tích lũy trong thân, lá đều cao hơn so với lượng
photpho tích lũy trong thân, lá ở công thức nền với xác suất 95%. Khác biệt về lượng
photpho tích lũy trong thân, lá ở công thức bón photphorit và công thức nền không có ý
nghĩa thống kê. Ở giai đoạn thu hoạch, phần lớn lượng photpho tích lũy trong cây được
vận chuyển đến hạt. Hàm lượng photpho trong hạt dao động từ 0,24% - 0,35% chất khô. Ở
71
Vũ Văn Hiển và Phạm Việt Hà
tất cả các công thức có bón phân lân, lượng photpho tích lũy trong hạt đều cao hơn so với
lượng photpho tích lũy trong hạt ở công thức nền. Lượng photpho tích lũy trong hạt đạt
giá trị lớn nhất ở công thức bón supe lân (0,35% chất khô), tiếp đó là công thức bón lân
nung chảy (0,31% chất khô). Ở công thức bón photphorit, lượng photpho tích lũy trong
hạt tương đương với lượng photpho tích lũy trong hạt ở công thức nền.
Trong ba loại phân bón sử dụng trong thí nghiệm, supe lân có tác động tích cực nhất
đến sự tích lũy phopho trong cây. Bón photphorit, lượng photpho tích lũy trong cây thấp
nhất.
Supe lân là loại phân bón dễ tan trong nước. Hiệu lực của supe lân cao nhất ở những
loại đất có phản ứng trung tính [12]. Đất thí nghiệm là đất phù sa trung tính sông Hồng
[13].Trong điều kiện này, supe lân hòa tan mạnh và photpho trong phân bón được cây hấp
thụ một cách dễ dàng. Lân nung chảy là loại phân bón có phản ứng sinh lí trung tính. Hiệu
lực của lân nung chảy cao nhất ở những loại đất có phản ứng chua nhẹ. Trong môi trường
trung tính hoặc kiềm, photpho trong lân nung chảy ít nhiều được chuyển hóa thành dạng
PO3−4 khó hòa tan nên cây khó sử dụng được photpho trong phân bón [13]. Photphorit là
loại phân lân tự nhiên có thành phần chính là Ca3(PO4)2 khó hòa tan. Ở đất có phản ứng
chua, loại phân bón này cho hiệu quả cao. Ở đất có phản ứng trung tính như đất phù sa
sông Hồng, photpho trong photphorit rất khó tan nên cây rất khó sử dụng được photpho.
Đây chính là nguyên nhân giải thích vì sao lượng photpho tích lũy trong cây ở các công
thức bón supe lân cao nhất và ở công thức bón photphorit thấp nhất trong số ba loại phân
bón sử dụng trong thí nghiệm.
2.2.2. Hệ số sử dụng phân bón
Hệ số sử dụng phân phân bón được hiểu là tỉ lệ giữa lượng phân bón cây hút được
và lượng phân bón được bón vào đất. Như vậy, lượng photpho tích lũy trong cây lúa phản
ánh khả năng sử dụng photpho trong phân lân của cây. Hệ số sử dụng phân hóa học ở
nước ta còn rất thấp. Hệ só sử dụng phân đạm chỉ đạt 35%, - 50%, hệ số sử dụng phân
lân là 20%, - 30%. Phân kali có hệ số sử dụng cao hơn chút ít: 40%, - 60% [2]. Điều này
có nghĩa là khoảng 50%, - 65% lượng phân đạm, 70%, - 80% lượng phân lân và 40%, -
60% lượng phân kali bón vào đất cây không sử dụng được. Tính toán hệ số sử dụng supe
lân, lân nung chảy và hệ số sử dụng của photphorit của cây lúa chúng tôi thu được số liệu
trong Bảng 2.
Bảng 2. Hệ số sử dụng supe lân, phân lân nung chảy và photphorit
Vụ đông Vụ xuân Trung bình
Phân bón năm 2009 năm 2010 của hai năm
(%) (%) (%)
Supe lân 25,6 27,5 26,6
Lân nung chảy 23,1 24,7 23,9
Photphorit 21,3 22,4 21,8
Số liệu trong Bảng 2 cho thấy hệ số sử dụng supe lân là 25,6%, - 27,5% với giá trị
72
Sự tích lũy photpho trong cây lúa dưới tác động của supe lân, phân lân nung chảy và photphorit
trung bình là 26,6%. Hệ số sử dụng của lân nung chảy là 23,1%, - 24,7% và hệ số sử dụng
photphorit là 21,3%, - 22,4%. Ở ba loại phân bón sử dụng trong thí nghiệm, cây lúa sử
dụng phopho trong supe lân tốt nhất, sau đó đến lân nung chảy. Hệ số sử dụng photpho
trong photphorit thấp nhất. Nguyên nhân của hiện tượng này có liên quan đến khả năng
hòa tan của các loại phân bón sử dụng trong thí nghiệm. Như đã trình bày ở trên, supe lân
là loại phân bón dễ hòa tan nhất trong số ba loại phân bón nghiên cứu. Vì vậy, photpho
trong supe lân được cây hấp thụ tốt nhất nên hệ số sử dụng loại phân bón này cao nhất.
Ngược lại, photphorit có độ hòa tan kém nhất, cây khó sử dụng được photpho trong phân
bón. Điều này làm cho hệ số sử dụng photphorit thấp nhất.
Số liệu trong Bảng 2 cũng cho thấy hệ số sử dụng phân bón ở vụ xuân cao hơn vụ
mùa. Như ta đã biết, ở vụ mùa cây lúa sinh trưởng, phát triển trong điều kiện nóng, ẩm,
nhiệt độ tương đối cao. Trong điều kiện này các quá trình chuyển hóa, phân hủy chất hữu
cơ trong đất diễn ra mạnh mẽ, lượng chất dinh dưỡng được giải phóng ra nhiều cung cấp
cho cây. Vì vậy, cây ít sử dụng nguồn dinh dưỡng do phân bón cung cấp làm cho hệ số
sử dụng phân bón ở vụ mùa thấp. Ngược lại, ở vụ xuân nhiệt độ thấp, các quá trình phân
hủy chất hữu cơ trong đất diễn ra với tốc độ chậm, lượng chất dinh dưỡng giải phóng ra
để cung cấp cho cây bị hạn chế. Vì vậy, cây phải sử dụng nguồn dinh dưỡng bổ sung qua
phân bón. Điều này dẫn đến hệ số sử dụng phân bón ở vụ xuân cao hơn so với vụ mùa.
2.2.3. Năng suất lúa
Năng suất cây trồng là kết quả tương tác của nhiều yếu tố: tính chất đất, giống cây
trồng, điều kiện thời tiết, chế độ chăm sóc, phân bón. . . Khả năng của cây lúa sử dụng
chất dinh dưỡng trong đất, trong phân bón (hay nói cách khác là hệ số sử dụng phân bón)
là một trong số những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất. Năng suất lúa dưới tác
động của supe lân, phân lân nung chảy và photphorit được trình bày trong Bảng 3.
Bảng 3. Năng suất lúa dưới tác động của supe lân, phân lân nung chảy và photphorit
Công thức Vụ đông năm 2009 Vụ xuân năm 2010
g/chậu % so với nền g/chậu % so với nền
CT1 17,5d 100,0 18,1d 100,0
CT2 21,4a 122,3 22,6a 124,9
CT3 20,1ba 115,1 21,9ba 121,4
CT4 18,6cd 106,3 19,4cd 107,2
LSD05 1,3 - 1,5 -
Số liệu trong Bảng 3 cho thấy bón phân lân làm tăng năng suất lúa 15,1% đến 22,3%
so với nền ở vụ mùa năm 2009 và từ 21,4% đến 24,9 ở vụ xuân năm 2010. Trong ba loại
phân bón sử dụng trong thí nghiệm, supe lân làm tăng năng suất lúa mạnh nhất (22,3 và
24,9). Phân lân nung chảy làm tăng năng suất lúa 15,1 ở vụ mùa năm 2009 và 21,4 ở vụ
xuân 2010. Bón photphorit, năng suất lúa tăng được 6,3 - 7,2% so với nền. Song, mức
tăng năng suất này không đáng tin cậy (không có ý nghĩa thống kê).
73
Vũ Văn Hiển và Phạm Việt Hà
3. Kết luận
- Photpho trong cây lúa phân bố không đều. Ở giai đoạn sinh trưởng sinh dưỡng,
khoảng 60% lượng photpho trong cây tập trung trong thân. Ở giai đoạn sinh trưởng sinh
thực, một phần photpho trong thân lá được vận chuyển đến bông. Ở giai đoạn thu hoạch
phần lớn photpho được tích lũy trong hạt.
- Trong ba loại phân bón sử dụng trong thí nghiệm, supe lân có ảnh hưởng tích cực
nhất đến sự hấp thụ và tích lũy photpho trong cây, tiếp đến là phân lân nung chảy và cuối
cùng là photphorit.
- Cây lúa sử dụng photpho trong supe lân tốt nhất, hệ số sử dụng trung bình là
26,6%. Hệ số sử dụng của phân lân nung chảy trung bình là 23,9% và của photphorit là
21,8%.
- Bón supe lân năng suất lúa tăng 22,3% - 24,9% so với nền. Bón phân lân nung
chảy năng suất lúa tăng 15,1% - 21,4%. Khi bón photphorit năng suất lúa chỉ tương đương
với năng suất ở công thức nền.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Lê Thanh Bồn, 1997. Xác định yếu tố dinh dưỡng khoáng hạn chế năng suất lúa và
hiệu quả của phân lân bón cho lúa ở đất cát biển Thừa Thiên Huế. Tạp chí Nông nghiệp
và Công nghiệp Thực phẩm, số 8 - 1997, tr. 331 - 333.
[2] Bùi Đình Dinh, 1995. Tổng quan về sử dụng phân bón ở Việt Nam. Báo cáo tại Hội
thảo quốc gia Chiến lược phân bón với đặc điểm đất Việt Nam, Hà Nội, tháng 7 - 1995,
tr.17 - 27.
[3] Gomez K.A. Gomez A.A., 1986. Statistical procedures for agricultural research.
John Wiley and sons, New York, p. 1680.
[4] Vũ Văn Hiển, 2011. Sự tích luỹ nitơ, photpho và kali trong cây lúa trồng trên đất phù
sa sông Hồng dưới tác động của chế độ phân bón khác nhau. Tạp chí Khoa học, Đại
học Sư phạm Hà Nội, Vol. 56, No. 3, 2011, tr. 93 - 99.
[5] Vu Van Hien, 2011. Influence of phosphoric fertilizer on the some physio-biochemical
parameters and rice yield cultivated on Red River Alluvial soil in Dan Phuong District,
Hanoi City. Journal of Science of HNUE, Vol. 56 No. 7, 2011, pp. 117-123.
[6] Hirata H., 1982. Effect of phosphorus and potassium deficit treatment on roots
secretion of wheat and rice seedling. Soil Sci. plant nutrition 28, pp. 543-552.
[7] Nguyễn Thị Lan, 2005.Hiệu quả của lân đến một số chỉ tiêu sinh trưởng và năng suất
lúa mùa ở tỉnh Hà Tây. Tạp chí Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp, Đại học Nông nghiệp
1 Hà Nội, số 2- 2005, tr. 1-2.
[8] Lincoln Taiz, Eduardo Zeiger, 2005. Phant Physiology. Sinaure Associate In.
Publishers Sundland Masachusettes.
[9] Nguyễn Trọng Nhương, Võ Minh Kha, 1997. Hiệu lực của phân lân trên đất phèn đã
cải tạo trồng lúa thâm canh ở huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng. Tạp chí Nông nghiệp và
Công nghiệp Thực phẩm, số 12 - 1997, tr. 542-544.
74
Sự tích lũy photpho trong cây lúa dưới tác động của supe lân, phân lân nung chảy và photphorit
[10] Mai Thành Phụng, Nguyễn Đức Thuận, 1998. Một số kết quả nghiên cứu và ứng
dụng bón phân lân cho lúa ở Đồng Tháp Mười. Tạp chí Nông nghiệp và Công nghiệp
Thực phẩm, số 5 - 1998, tr. 211-213.
[11] Shouichi Yoshida, 1981. Fundamentals of Rice crop science. IRRI, Los Banoss
Lagunna, Philippines, P.O. Box 933, Manila, Philippines pp. 156-246.
[12] Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, 2009. Hướng dẫn quản lí dinh dưỡng cho
cây lúa theo vùng đặc thù ở Việt Nam. Nxb Nông nghiệp, tr. 50-122.
[13] Viện Thổ nhưỡng Nông hoá, Vụ Khoa học và Công nghệ, 2001. Những thông tin cơ
bản về các loại đất chính Việt Nam. Nxb Thế giới, Hà Nội 2001, tr. 56-75.
[14] Yasuko Sasaki and Hiroshi Hirata. 1995. Absorption and metabolism of phosphate.
In Science of the Rice plant. Vol. two-Physiology. Food and Agriculture Police
Research Center, Tokyo, pp. 368-383.
ABSTRACT
Accumulation of phosphorus in rice plants fertilized with superphosphate,
thermophosphate and phosphorite
In order to investigate the impact of superphosphate, thermophosphate and
phosphorite on the accumulation of phosphorus in rice plants, experimental pots set up
at the Experimental Garden of the Faculty of Biology, Hanoi National University of
Education. Each pot was filled with 10 kg of air-dried Red River alluvial soil. To each
pot was added 2.7 g of organic fertilizer, 1.25 g of superphosphate, 1.45 g of thermal
phosphate or 1.45 g phosphorite. The experimental pots were arranged in a random order
with four replications per treatment. This study showed that phosphorus is irregularly
distributed in rice plants. In the tillering stage about 60% of the phosphorus in the plant
accumulates in the stems. In the flowering stage some phosphorus moves from the stems
and leaves to the panicles. In the harvest stage, most of the phosphorus is concentrated
in the grain. Of the 3 fertilizers used in this experiment, the greatest accumulation of
phosphorus occurred in plant grown in soil with superphosphate. A lesser accumulation
occurred with the use of was thermophosphate. The least accumulation of phosphorus
occurred in the rice plants grown with phosphorite. We ignored the plants that were grown
in soil with organic fertilizer.
75