Thảo mộc trong thơ vịnh vật đời Đường

Tóm tắt. Thơ vịnh vật là một loại thơ đặc biệt trong thơ ca cổ điển Trung Quốc. Có một số lượng lớn những bài thơ chuyên viết về các loại cây cối (thảo mộc) trong thơ vịnh vật. Đặc biệt, trong thơ vịnh vật đời Đường, số lượng các bài thơ viết về thảo mộc đạt được những thành tựu lớn cả về nội dung tư tưởng lẫn hình thức nghệ thuật, có ảnh hưởng sâu rộng đến thi ca các đời sau Đường và thi ca Việt Nam. Bài báo này tổng hợp, phân tích, chọn lọc một số bài thơ tiêu biểu đời Đường viết về các loại cây cối, trong đó có một số bài chưa từng được dịch ở Việt Nam.

pdf12 trang | Chia sẻ: thanhle95 | Lượt xem: 172 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Thảo mộc trong thơ vịnh vật đời Đường, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE Science Sci., 2011, Vol. 56, No. 8, pp. 50-61 THẢO MỘC TRONG THƠ VỊNH VẬT ĐỜI ĐƯỜNG Đinh Thị Hương Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông E-mail: huongdt77@yahoo.com Tóm tắt. Thơ vịnh vật là một loại thơ đặc biệt trong thơ ca cổ điển Trung Quốc. Có một số lượng lớn những bài thơ chuyên viết về các loại cây cối (thảo mộc) trong thơ vịnh vật. Đặc biệt, trong thơ vịnh vật đời Đường, số lượng các bài thơ viết về thảo mộc đạt được những thành tựu lớn cả về nội dung tư tưởng lẫn hình thức nghệ thuật, có ảnh hưởng sâu rộng đến thi ca các đời sau Đường và thi ca Việt Nam. Bài báo này tổng hợp, phân tích, chọn lọc một số bài thơ tiêu biểu đời Đường viết về các loại cây cối, trong đó có một số bài chưa từng được dịch ở Việt Nam. 1. Mở đầu Thời Đường (638 – 907) là thời kì rực rỡ của thi ca cổ điển Trung Quốc. Trong thơ vịnh vật đời Đường, thơ vịnh thảo mộc chiếm số lượng nhiều hơn cả, đặc biệt là trong thơ Vãn Đường. Điều này cũng có nhiều lí do, trong đó phải chú ý đến những thú vui tao nhã của các tao nhân mặc khách (bằng hữu tương phùng, tri âm hội ngộ, uống rượu làm thơ, ngâm vịnh cảnh vật) và cuộc sống của ẩn sĩ vì hầu hết thơ vịnh vật là sản phẩm của ẩn sĩ (các tao nhân mặc khách cũng có thể coi là một kiểu ẩn sĩ; những người ở ẩn nơi điền viên thì thường làm thơ vịnh cúc, đào, tiêu; những người ở ẩn nơi sơn lâm thì làm thơ vịnh tùng, trúc, mai, cổ thụ, trầm hương; những người tuy làm quan trong triều nhưng có nhiều điều không dám nói thì cũng giống như ở ẩn và họ có thể vịnh mẫu đơn, thược dược, hải đường, thậm chí là cả tùng, trúc, mai; những người giang hồ thì gặp gì vịnh nấy, từ những loài thảo mộc nhỏ như cánh bèo đài rêu đến những cao tùng cổ thụ; tất cả sự phong phú trong địa bàn cư trú của ẩn sĩ đã tạo nên sự phong phú cho thơ vịnh vật nói chung và thơ vịnh thảo mộc nói riêng, ngoài ra còn phải thấy rằng hầu hết kẻ sĩ trong thiên hạ đều phải bôn ba nay đây mai đó và vì thế mà họ có thể sáng tác một số lượng không ít thơ vịnh vật). Tìm hiểu thơ vịnh thảo mộc cũng là một phần tìm hiểu đời sống tư tưởng của các thi nhân, ẩn sĩ. Ta có thể thấy trong thơ vịnh vật đời Đường, thường xuất hiện một số loài thảo mộc mà chúng tôi giới thiệu dưới đây. 2. Nội dung nghiên cứu 2.1. Thơ vịnh ngô đồng 50 Thảo mộc trong thơ vịnh vật đời Đường Ngô đồng là loài cây quý, loài cây vương giả, theo truyền thuyết thì vua Phục Hy biết ngô đồng là loại cây có gỗ quý bởi thấy tinh khí của năm ngôi sao tụ lại ở cây ngô đồng, vua bèn sai người lấy gỗ ấy để chế thành một loại đàn có tên là Dao Cầm (dẫn theo [3;347]). Ngô đồng cũng là nơi đậu của phượng hoàng, và khi phượng hoàng đậu trên cành ngô đồng nghĩa là mang điềm lành, ngụ ý xuất hiện thánh nhân, minh quân. Chính vì thế thơ vịnh ngô đồng thường gắn liền với hình ảnh phượng hoàng. Đỗ Phủ đã từng ao ước được thấy cảnh phượng hoàng đậu mãi trên cành ngô đồng (bích ngô thê lão phượng hoàng chi). Đáng tiếc là điềm lành đó ít xuất hiện, hoặc là ngô đồng còn mà phượng hoàng mất, hoặc là phượng hoàng còn mà ngô đồng mất, đó cũng là sự ám chỉ thời thế đã không còn thánh nhân, minh quân. Thời Vãn Đường, nhà thơ Lý Thương Ẩn có viết bài Thục đồng (Cây ngô đồng đất Thục), vừa cảm thương thời thế (không còn minh chúa), vừa cảm thương bản thân (mất cả tri âm). Hình ảnh ngô đồng trong thi ca đời sau chủ yếu là tượng trưng cho mùa thu, do quan niệm “nhất phiến ngô đồng lạc, thiên hạ cộng tri thu – một lá ngô đồng rụng, thiên hạ biết thu sang”. 2.2. Thơ vịnh tùng Tùng là biểu tượng của đấng trượng phu cương kiện, ẩn dật chốn sơn lâm, cội rễ sâu bền. Ẩn sĩ ngồi tựa gốc tùng, nghe gió lao xao trên ngọn, tùng là bạn của mai và trúc, tạo nên tuế hàn tam hữu (ba người bạn mùa đông). Thơ vịnh tùng thường vịnh cao tùng, cổ tùng, giản tùng, tiểu tùng. Đỗ Tuân Hạc thời Vãn Đường có bài Tiểu tùng. Tự tiểu thích đầu thâm thảo lý Nhi kim tiệm giác xuất bồng cao Thời nhân bất thức lăng vân mộc Trực đãi lăng vân thủy đạo cao. (Từ nhỏ tùng đầu nhọn như kim màu xanh, thế mà nay bất ngờ đã vươn cao, thời đó người đời không biết rằng đó là loại cây có thể cao tới mây, khi đâm thẳng tới mây cao rồi mới biết đó là cao). Bài thơ này ngầm nói rằng bản chất của người quân tử trượng phu trung trực thì ngay từ nhỏ đã mang bản chất ấy rồi, giống như cây tùng từ nhỏ đã mang bản chất cao, nhưng người đời không mấy ai để ý, kể cũng đáng tiếc. 2.3. Thơ vịnh trúc Trúc là biểu trưng của người quân tử, trúc chỉ xanh tốt khi được trồng vào nơi phong thủy tốt. Trúc mọc thành khóm, thành rừng, lá nhỏ thân thẳng, măng biếc như ngọc, hứng gió chịu sương, mây che tuyết phủ. Trúc mọc đủ dầy để không cô độc, trúc mọc đủ thưa để có thể tự cường. Lòng trúc rỗng đủ để nhờ gió mà phát thanh âm, người yêu trúc có ai không yêu âm thanh của trúc. Bài thơ của Trương Nam Sử viết về trúc bằng một hình thức rất đặc biệt, thể nhất thất lệnh. 51 Đinh Thị Hương Trúc Trúc, trúc Bạt sơn, liên cốc Sơn Đông Nam, thù thảo mộc Tế diệp chi kình, sương đình lộ túc Thành lâm xứ xứ vân, trừu duẩn niên niên ngọc Thiên phong sạ khởi tranh vận, trì thủy tương hàn cánh lục Dục tầm dữu tín tiểu viên trung, nhàn đối sổ can tâm tự túc. (Trúc, trúc. Vượt núi, leo hang. Rời đông nam, cây cỏ lạ. Lá nhỏ cành thẳng, ngủ trong sương móc. Thành rừng mây phủ khắp, măng ngọc năm năm mọc. Gió trời lao xao thổi, mặt nước xanh càng xanh. Muốn tìm khe suối nhỏ, cùng trúc đủ nhàn thân). Khi miêu tả trúc, các thi nhân thường phải mượn gió, trúc nhờ gió mà động, gió nhờ trúc mà thành hình, thực là tương sinh tương đắc. 2.4. Thơ vịnh mai Trong muôn loài hoa, mai cao khiết vào bậc nhất. Nếu xét trong lịch sử thơ vịnh vật của văn học Trung Quốc thì hoa mai là loài hoa được nói đến nhiều nhất. Mai là sứ giả báo tin xuân, là loài hoa ngạo sương ngạo cốt, cho nên thơ vịnh tảo mai (mai nở sớm) cũng nhiều. Mở đầu cho thơ viết về mai nở sớm là bài Vịnh tảo mai của Hà Tốn (? – 518, tự Trọng Ngôn, người Sơn Đông, đời Nam Triều), trong đó có những câu “hàm sương đương lộ phát, ánh tuyết nghĩ hàn khai, chi hoành khước nguyệt quán, hoa nhiễu lăng phong đài” từ đó về sau nhiều người vịnh tảo mai. Thời Đường có Tề Kỷ, Trương Vị; Tề Kỷ viết “tạc dạ nhất chi khai”, Trương Vị viết “nghi thị kinh đông tuyết vị tiêu”; đó đều là những danh cú về tảo mai. Ngoài vịnh tảo mai, thơ vịnh mai còn vịnh cổ mai, lão mai (mai già), ngạn mai (mai bên bờ), lạp mai (tên một loại mai), bạch mai, hồng mai, đó là chưa kể rất nhiều những bài thơ chỉ có nhan đề là mai hoặc mai hoa. Về mặt ý nghĩa biểu trưng cho con người, mai thường là hình ảnh của cao sĩ, ẩn nhân (rất ít khi mai là hình ảnh mỹ nhân); về mặt hình tượng, mai mang vóc dáng hao gầy, là loài sơ ảnh, hoành tà, ám hương (bóng thưa, cành ngang, hương ẩn - chữ dùng của Lâm Hòa Tĩnh trong bài Sơn viên tiểu mai); mai chỉ có thể làm bạn với tùng, với trúc, với hạc (sương cầm), với tuyết, với trăng, tuyệt đối không làm bạn với những loài thảo mộc tầm thường khác; khi thưởng mai phải biết thưởng vào những khi thanh tĩnh, cao sĩ thưởng mai trên tuyết (thú đạp tuyết tầm mai), mỹ nhân thưởng mai dưới trăng, bên mai thổi trúc, bên mai làm thơ, đó thực là diệu cảnh vậy. 2.5. Vịnh cát đằng Cát đằng là loại dây leo (dây sắn) thường phải nương tựa vào loại cây khác mà sống. Từ Kinh thi đã có hình ảnh của loài dây leo này, nhưng dây leo lại phải mọc dài triền miên bên bờ sông Hoàng Hà, không nơi nương tựa, giống như sự đời ly loạn khiến cho thân phận người không chỗ nương thân, phải gọi người lạ là cha 52 Thảo mộc trong thơ vịnh vật đời Đường là mẹ là anh mà người lạ vẫn không đoái hoài (Cát lũy, Vương Phong). Thi ca đời sau thường tỉ dụ loài dây leo như thê tử của trượng phu, tuy vậy cũng có những bài có ý khác, ví như bài Thạch thượng đằng của Sầm Tham đã tỉ dụ hình ảnh cây dây leo như người có hùng tài đại chí và nếu được người khác tương trợ thì có thể đạt được những thành tựu lớn lao (Thạch thượng sinh cô đằng, nhược mạn y thạch trường, bất phùng cao chi dẫn, vị đắc lăng không thượng, hà xứ kham thác thân, vi quân trường vạn trượng – Dây sắn leo cô độc trên đá, mềm yếu triền miên bò dài nương tựa vào đá, không gặp được cành cao dẫn lối, không vươn cao lên được không gian, nếu có nơi dẫn lối để gửi thân, thì có thể vươn cao vạn trượng). 2.6. Thơ vịnh trầm hương Trầm hương (trầm thủy hương, mật hương) sắc vàng, chất nặng, thả xuống nước thì chìm, có mùi thơm đặc biệt, dùng làm hương liệu, có thể sinh kì nam, thực là loại gỗ quý; các lầu ngọc xưa có dùng lò hương (hương lô, Bác Sơn là tên một loại lò hương thời xưa) để đốt trầm hương, tỏa khói ấm áp; đáng thương người vì tham hương thơm mà bỏ mạng (ý nói việc tìm trầm). Đó là nội dung một bài thơ của La Ẩn. Hương (La Ẩn) Trầm thủy lương tài thực bách trân Bác Sơn yên noãn ngọc lâu xuân Liên quân diệc thị vô đoan vật Tham tác hinh hương vong khước thân. Sách Nam phương thảo mộc trạng của Kê Hàm đời Tấn có ghi chép về trầm hương của đất Giao Chỉ [4;129]. 2.7. Vịnh cây thu Thu là tên một loại cây, thân cao mà thẳng, sinh trưởng rất nhanh, nở hoa mùa hạ, hoa nở thành chùm, tầng tầng lớp lớp. Hàn Dũ đời Đường đã lấy hình ảnh cây thu để chỉ bản thân và những người sớm phát lộ tài năng nhưng cũng bị nhiều thứ ràng buộc, nếu có một ngày có người gỡ giúp những ràng buộc đó thì tốt biết mấy, cũng giống như nếu cây thu không bị dây leo quấn quanh mình thì có thể nở hoa tầng tầng lớp lớp. Thu (Hàn Dũ) Kỉ tuế sinh thành vi đại thụ Nhất triêu triền nhiễu khốn trường đằng Thùy nhân dữ thoát thanh la phí Khán thổ cao hoa vạn vạn tầng. (Mấy năm sinh trưởng thành đại thụ, Một sớm dây leo quấn khắp mình, Ai người gỡ giúp muôn tơ lưới, Sẽ thấy hoa cao trổ vạn tầng). 53 Đinh Thị Hương 2.8. Vịnh cổ thụ Cổ thụ là những loài mộc đã kinh qua nhiều năm sương tuyết, đã hấp thu được nhiều linh khí trời đất, thơ vịnh cổ thụ thường ẩn dụ chỉ những con người có thể làm rường cột cho nước nhà. Hàn Dũ có bài Khô thụ (Cây cổ thụ bị khô) như sau (Lão thụ vô chi diệp, Phong sương bất phúc xâm. Phúc xuyên nhân khả quá, Bì tróc nghĩ hoàn tầm. Kí thác duy triều khuẩn, Y đầu tuyệt mộ cầm. Do kham trì cải hỏa, Vị khẳng đản không tâm - Cây già không cành lá, gió sương chẳng phạm thân, lòng rỗng chứa người nghỉ, vỏ tróc kiến tìm ăn, muôn nấm nhờ kí sinh, chim chóc tuyệt không đậu, vẫn đủ để nhóm lửa, cho lòng khỏi trống không). Ngay cả khi cổ thụ đã không còn xanh tốt, thậm chí là ngay cả khi đã biến thành khô thụ thì linh khí và tác dụng của cổ thụ vẫn còn nhiều, sở dĩ như vậy không phải chỉ bản chất của cổ thụ còn vì cổ thụ may mắn được gặp người có con mắt tinh đời để ý, không đến nỗi gặp phải gặp kẻ tiều phu trong cơn bĩ cực, điều đó cũng chứng tỏ rằng chỉ có kẻ bẩm thụ nhiều linh khí mới nhận ra kẻ nhiều linh khí, cũng giống như chỉ có bậc giác ngộ mới nhận ra người giác ngộ. Cổ thụ vốn thường ở sơn lâm, dù rằng có không được người đời biết đến thì cũng vẫn còn niềm vui rằng có thể làm bạn với những loài thảo mộc khác. Nhưng cổ thụ ở bình nguyên thì khác, nếu không gặp được người có con mắt tinh tường thì coi như đã một đời uổng phí, cô độc. Cũng giống như hiền tài không có đất dùng, hào kiệt không chốn dung thân, chẳng gặp được người tiến cử lên hoàng đế, thì chỉ mong được như cổ thụ làm thuyền chở người tiên lên chơi sông Vân Hán. Vương Linh Nhiên (692 – 725) có bài Cổ mộc ngọa bình sa (Cổ mộc ngọa bình sa, Tồi tàn tuế nguyệt xa. Hữu căn hoành thủy thạch, Vô diệp phất yên hà. Xuân chí đài vi diệp, Đông lai tuyết phi hoa. Bất phùng tinh hán sứ. Thùy biện thị linh tra - Cổ thụ mọc cát bằng, năm tháng dài tàn tạ, có gốc ngang bằng nước, không lá đưa khói chiều, xuân đến rêu làm lá, thu tới tuyết làm hoa, chẳng gặp người sao hán, ai phát làm thuyền tiên). Như vậy, hình ảnh cổ thụ là hình ảnh của người có khả năng làm rường cột cho nước nhà, là hình ảnh của nhân tài ở ẩn, rất cần được người đời biết đến. 2.9. Thơ vịnh cúc Nói về cúc, phải kể đến Đào Uyên Minh, những danh cú của Đào Uyên Minh về cúc còn ảnh hưởng đến thi ca đời sau viết về cúc. Cúc mang bản chất của kẻ sĩ ẩn dật chốn điền viên, giúp người ta quên nỗi lo buồn, lánh xa thế tục. Cúc là loài hoa ngạo với sương thu, lá không bao giờ lìa cành, hoa chẳng bao giờ rơi xuống đất, có chết cũng vẫn đứng thẳng, giống như kẻ sĩ lúc nào cũng trung thành với lí tưởng. Khi muôn loài thảo mộc tiêu điều vì khí thu thì cũng là lúc cúc nở vàng lưng giậu. Cúc chỉ đẹp khi trồng bên giậu chứ không phải trồng trong chậu, cho nên Đào Uyên Minh mới viết “thái cúc đông ly hạ, du nhiên kiến Nam Sơn” (hái cúc bên giậu đông, thư thái nhìn núi Nam – núi Nam tức là núi Chung Nam, nơi mà các ẩn sĩ thường ẩn dật). Về thơ vịnh cúc đời Đường, có thể kể đến thơ của Nguyên Chẩn, Lý Thương Ẩn. Cúc được đặc biệt ca ngợi trong ngày trùng cửu (mồng chín tháng chín), ngày này các tao nhân mặc khách thường tụ họp, ngắm cúc làm thơ, 54 Thảo mộc trong thơ vịnh vật đời Đường uống rượu hoa cúc (hoàng hoa tửu), do vậy thơ về cúc ra đời trong ngày này tương đối nhiều. Đáng chú ý có hai bài thơ về hoa cúc của Hoàng Sào (? – 884), người từng làm cuộc khởi nghĩa nông dân cuối thời Đường. Hoàng Sào đã không đề cao bản tính cô độc cao khiết của cúc, cho rằng cúc có thể làm bạn với đào, và do vậy Hoàng Sào đã có một ý tưởng rất khác biệt (nếu ta được là thanh đế, tức là chúa xuân, ta sẽ báo cho hoa đào nở cùng một xứ với cúc). Đề cúc hoa (Hoàng Sào) Táp táp tây phong mãn viện tài Nhị hàn hương lãnh điệp nan lai Tha niên ngã nhược vi thanh đế Báo dữ đào hoa nhất xứ khai. (Gió thu thổi bời bời đầy sân viện, nhị hương đưa lạnh lẽo bướm khôn gần, ta nếu được là chúa xuân năm tới, báo đào hoa cùng nở ở bên thân). Dưới con mắt của Hoàng Sào, cúc cũng không còn bản tính thôn dã ẩn dật, thậm chí trong thơ viết về cúc, Hoàng Sào còn thể hiện giấc mộng hoàng kim, khiến cho thơ đầy chất kim khí, thậm chí là “sát khí” [2]. Cúc hoa (Hoàng Sào) Đãi đáo thu lai cửu nguyệt bát Ngã hoa khai thời bách hoa sát Xung thiên hương trận thấu tràng an Mãn thành tận đái hoàng kim giáp. (Câu thơ thứ nhất nói về việc đợi đến ngày mồng tám tháng chín mùa thu, tức là trước ngày trùng cửu; câu thứ hai nói khi hoa của ta tức hoa cúc nở thì cũng là lúc trăm hoa của người đã hết, câu này gợi cho người đọc liên tưởng đến câu “thử hoa khai hậu cánh vô hoa – hoa này tàn rụng chẳng còn hoa” của Nguyên Chẩn viết về cúc; câu thứ ba nói hương hoa cúc ngập đầy trường an xông thẳng ngút trời; câu thứ tư nói khắp kinh thành đầy người mang áo giáp vàng, như vậy tác giả tỉ dụ màu vàng hoa cúc là màu vàng kim giáp). Đây rõ ràng là bài thơ thác vật ngôn chí, một cái chí khác thường mà chỉ có Hoàng Sào mới dám nói và dám thực hiện. 2.10. Thơ vịnh lựu hoa Hoa lựu tuy không được nói đến nhiều trong thi ca cổ điển Trung Quốc nhưng chỉ cần một số bài thơ viết về hoa lựu cũng đã đủ làm nên ấn tượng. Xưa nay, mỗi loài hoa nở hay rụng thường muốn có người thưởng thức. Chỉ có hoa mai là dù nở ở nơi núi cao rừng sâu vẫn có thể có người tìm đến. Hoa lựu không có được diễm phúc ấy, nếu lửa lựu lập lòe ngay ở đầu tường thì may ra còn có người chiêm ngưỡng, chứ hoa lựu mà nở ở nơi chẳng có ai đi đến thì hoa lựu chỉ có thể tự sinh tự diệt, đáng tiếc vô cùng. Cũng giống như con người tài đức, nếu chẳng được ai biết đến thì quả là hoài phí biết bao. Hàn Dũ trong bài Lựu hoa đã kí thác tâm sự này của mình vào hoa lựu. 55 Đinh Thị Hương Ngũ nguyệt lựu hoa chiếu nhãn minh Chi gian thời kiến tử sơ thành Khả liên thử địa vô xa mã Điên đảo thanh đài lạc giáng anh. (Tháng năm hoa lựu chiếu chói mắt, giữa những cánh hoa đã bắt đầu thấy quả hình thành, đáng tiếc rằng nơi này không xe ngựa tới, nên hoa lựu đỏ thẫm cứ rơi đầy rêu xanh). 2.11. Thơ vịnh đào Từ trong Kinh Thi đã xuất hiện hình ảnh hoa đào (Đào yêu). Đến đời Đường thơ vịnh đào đã xuất hiện rất nhiều. Đào chẳng những là biểu tượng mùa xuân mà còn là hình ảnh mỹ nhân (sắc hồng của hoa đào và sắc hồng gương mặt mỹ nhân tương ứng với nhau, điều này thấy rõ trong bài thơ Đề đô thành nam trang của Thôi Hộ; sự mỏng manh của hoa đào tương ứng với sự mềm yếu của mỹ nhân; đào tuy nở rộ đầy cành mà chẳng mấy bữa hồng phai hương lạt, điều này tựa như sự chóng phai tàn của nhan sắc mỹ nhân; nhìn cánh đào lạc mà tưởng mỹ nhân vong; nhìn hoa đào chảy trôi như nước mà nghĩ tới tuổi xuân một đi không trở lại). Ngoài ý nghĩa này, đào còn có thể là biểu tượng của chốn bồng lai tiên cảnh (cho nên Đào Tiềm thời Ngụy Tấn mới có “đào hoa nguyên ký” nói về cảnh Lưu Nguyễn lạc vào suối hoa đào). Tuy nhiên, một số người còn có ý cho rằng đào lý (đào và mận) là những loài luôn “tiếu đông phong”, có ý cười xuân cợt gió, không thể là loài sánh ngang tùng trúc cúc mai. Bởi sự đa dạng trong biểu tượng của đào (vẻ đẹp mỹ nhân, sự vô thường, có phần phàm tục) nên các nhà thơ thiền gần như không nói đến đào, trong khi họ nói rất nhiều đến hoa mai. 2.12. Thơ vịnh liễu Trong muôn loài cây, những cây cứng quá thì dễ gãy, những cây yếu quá thì dễ nát, chỉ có cây liễu là mềm dẻo hơn cả, có thể tượng trưng cho đức nhẫn nại tùy thời, vì thế mà Bồ Tát mới dùng nhành dương liễu nhúng vào nước cam lồ đựng trong bình thanh tịnh để rảy lên chúng sinh. Giáo hóa chúng sinh, cứu vớt chúng sinh, cần phải có một sự nhẫn nại vô cùng. Trong thơ vịnh vật, liễu hầu như không có ý nghĩa Phật pháp. Các thi nhân thường vịnh liễu với ý nghĩa tượng trưng cho hình ảnh mỹ nhân hoặc tượng trưng cho sự chia li (nỗi sầu chiết liễu, điển tích liễu Chương Đài), vì thế liễu là loài cây dễ khiến người sầu cảm. Thơ Hạ Tri Chương viết về liễu “Bích ngọc trang thành nhất thụ cao,Vạn điều thùy hạ lục ti thao, Bất tri tế diệp thùy tài xuất, Nhị nguyệt xuân phong tự tiễn đao - Ngọc biếc vun thành một cột cao. Muôn mành tơ rũ ánh xanh xao. Chẳng hay lá nhỏ ai đem cắt. Gió xuân tháng hai tựa kéo đao”. Liễu là loài đáng xem cả thân, cành, hoa, lá, vóc dáng, bóng hình. Thơ vịnh liễu nhiều, thơ vịnh bông liễu (liễu nhứ) cũng nhiều, liễu nhờ gió mà động, bông liễu nhờ gió mà bay, khi la đà, khi điên cuồng, khi dập dềnh, khi trôi nổi (hình ảnh bông liễu trên mặt nước làm người ta liên tưởng đến thân phận cánh bèo). Hàn Dũ đời Đường có bài Trì thượng nhứ (Bông liễu trên ao). 56 Thảo mộc trong thơ vịnh vật đời Đường Trì thượng vô phong hữu lạc huy Dương hoa tình hậu tự phi phi Vị tương khiên chất lăng thanh kính Thấp khước vô cùng bất đắc quy. (Trong ánh chiều tà, bông liễu trên ao, sau cơn mưa nắng, tự do tự tại bay bay đùa giỡn trên mặt nước. Chẳng ngờ tư chất yếu mềm, mải mê soi mình trên gương nước, bị nước thấm ướt rất nặng, chẳng nhấc nổi mình lên trên mặt nước để trở về vị trí ban đầu nữa). Thực là một phát hiện độc đáo. 2.13. Thơ vịnh ba tiêu Ba tiêu là cây chuối. Xưa nay thi ca nói đến ba tiêu thường có hai loại, hoặc là lấy âm (tiếng mưa lộp độp trên tàu tiêu trong đêm thanh vắng), hoặc là lấy hình (vẻ tươi non của ba tiêu trong ngọn gió xuân). Tiền Hử đời Đường có bài Vị triển ba tiêu (Cây chuối còn non), tỉ dụ hình ảnh lá chuối non như ngọn nến màu xanh lạnh (chưa thắp) không có khói, như tấm lòng thơm còn cuốn lại vì sợ ngọn gió xuân lạnh, như phong thư còn ẩn giấu điều thầm kín, bị ngọn gió xuân lén mở ra xem (Lãnh chúc vô yên lục lạp can, Phương tâm do quyển khiếp xuân hàn. Nhất giam thư trát tàng hà sự, Hội bị đông phong ám sách khan - Đuốc lạnh khói không ngọn nến xanh, Lòng thơm còn cuốn sợ xuân hàn, Phong thư ẩn giấu điều chi ấy, Lén mở ra xem ngọn gió lành - Nguyễn Thị Bích Hải dịch). Bài thơ này có ảnh hưởng đến các bài thơ đời sau viết về cây chuối, ví như bài Ba tiêu của Trịnh Tiếp đời Thanh (Ba tiêu diệp diệp vị đa tình, Nhất diệp tài thư nhất diệp sinh, Tự thị tương tư trừu bất tận, Khước giao phong vũ oán thu thanh – Chuối tơ mỗi là một đa tình, Một nõn bung xòe một nhú sinh, Tự gỡ tương tư còn chửa dứt, Lại thêm mưa gió tiếng buồn tênh, Nguyễn Khắc Phi dịch). Và có lẽ cũng chính bài Vị triển ba tiêu này đã ít nhiều ảnh hưởng đến tư duy thẩm mỹ của thi nhân Nguyễn Trãi trong bài thơ Cây chuối.