Thể tài chân dung văn học trong văn xuôi Việt Nam sau 1986 - Nhìn từ đội ngũ viết chân dung

Tóm tắt. Bài viết đi sâu làm rõ bức tranh chung và những thành tựu của thể tài chân dung văn học trong văn xuôi Việt Nam sau 1986 nhìn từ đội ngũ tác giả viết chân dung. Đây là thể tài được nhiều thế hệ cầm bút quan tâm. Tuy nhiên, thành công nhất ở thể tài này vẫn là những cây bút “lớp đàn anh” như Tô Hoài, Nguyễn Đăng Mạnh, Bùi Ngọc Tấn, Vương Trí Nhàn. . . Sự thành công của họ là nhờ mối quan hệ gắn bó, sự cảm thông và thấu hiểu sâu sắc cuộc đời, cá tính sáng tạo cũng như lao động nghệ thuật của các nhà văn, đôi khi còn gắn với cả những trải nghiệm xót xa, đau đớn của chính nhà văn như người trong cuộc.

pdf6 trang | Chia sẻ: thanhle95 | Lượt xem: 180 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Thể tài chân dung văn học trong văn xuôi Việt Nam sau 1986 - Nhìn từ đội ngũ viết chân dung, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE DOI: 10.18173/2354-1067.2017-0002 Social Sci., 2017, Vol. 62, No. 2, pp. 13-18 This paper is available online at THỂ TÀI CHÂN DUNG VĂN HỌC TRONG VĂN XUÔI VIỆT NAM SAU 1986 - NHÌN TỪ ĐỘI NGŨ VIẾT CHÂN DUNG Hà Thị Kim Phượng Trường Trung học Phổ thông Gia Định, Thành phố Hồ Chí Minh Tóm tắt. Bài viết đi sâu làm rõ bức tranh chung và những thành tựu của thể tài chân dung văn học trong văn xuôi Việt Nam sau 1986 nhìn từ đội ngũ tác giả viết chân dung. Đây là thể tài được nhiều thế hệ cầm bút quan tâm. Tuy nhiên, thành công nhất ở thể tài này vẫn là những cây bút “lớp đàn anh” như Tô Hoài, Nguyễn Đăng Mạnh, Bùi Ngọc Tấn, Vương Trí Nhàn. . . Sự thành công của họ là nhờ mối quan hệ gắn bó, sự cảm thông và thấu hiểu sâu sắc cuộc đời, cá tính sáng tạo cũng như lao động nghệ thuật của các nhà văn, đôi khi còn gắn với cả những trải nghiệm xót xa, đau đớn của chính nhà văn như người trong cuộc. Từ khóa: Chân dung văn học, chân dung, đội ngũ viết chân dung. 1. Mở đầu Nguyễn Minh Châu trong một lần trả lời phỏng vấn của báo Văn nghệ đầu năm 1986 đã phát biểu: “Văn học và đời sống là hai vòng tròn đồng tâm mà tâm điểm là con người” [1]. Lấy cuộc sống con người làm đối tượng trung tâm, văn học sẽ có một điểm tựa vững chắc để chiếm lĩnh thế giới. Văn nghệ sĩ là một phần của tồn tại nhân sinh và con người, cuộc sống của họ cũng trở thành đối tượng khách quan để văn học phản ánh, khám phá. Đằng sau những trang viết của các nhà văn là tài năng, nhân cách, là những nỗi xúc động, vui buồn, đau khổ với thế thái nhân tình. Người nghệ sĩ lại vốn có tâm hồn tinh tế, nhạy cảm truớc những biến đổi của đời sống. Bởi thế, cuộc đời và sự nghiệp của các nhà văn, nhà thơ là một mảng đề tài, một mảng hiện thực phong phú, hấp dẫn để người viết khai thác, và đó cũng là đối tượng chính của thể tài chân dung văn học – một thể tài rất được quan tâm trong những năm gần đây. Các tập sách chân dung văn học tập hợp lại giống như một viện bảo tàng về các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng. Nhưng đây là các bức chân dung bằng ngôn từ, nên không chỉ có những nét vẽ về ngoại hình, khuôn mặt mà sâu xa hơn, đó là những bức chân dung tinh thần, những khắc họa về tâm hồn, nhân cách sống, những nỗi niềm buồn vui, đau khổ trên hai tư cách: tư cách con người và tư cách nhà văn. Chân dung văn học là một thể văn nằm trong loại hình kí, nhằm khắc họa cá tính, phong cách độc đáo của con người, trong đó chủ yếu là giới văn nghệ sĩ. Thể tài chân dung văn học là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa văn sáng tác và văn phê bình, giữa viết tiểu sử nhà văn với hư cấu nghệ thuật về họ. Ngày nhận bài: 15/11/2016. Ngày nhận đăng: 20/3/2017 Liên hệ: Hà Thị Kim Phượng, e-mail: kimphuongha251078@gmail.com 13 Hà Thị Kim Phượng 2. Nội dung nghiên cứu 1. Dấu ấn của thể tài chân dung văn học đã tồn tại trong văn học trung đại dưới dạng lời tựa, lời bạt cho các thi tập, văn tập, hay những lời bình về tác giả ở các thi xã, hội tao đàn... Bước sang thế kỉ XX, cùng với ảnh hưởng của văn hóa phương Tây, ý thức về con người cá nhân bắt đầu trỗi dậy, tạo tiền đề cho thể tài chân dung văn học ra đời và từng bước phát triển trong đời sống văn học Việt Nam hiện đại. Từ những năm 30 của thế kỉ XX, qua tập Phê bình và cảo luận của Thiếu Sơn (1933), chân dung văn học bắt đầu có chỗ đứng trên văn đàn văn học Việt Nam. Thiếu Sơn đã đưa ra khái niệm “Phê bình nhân vật”. Phê bình nhân vật, theo ông, là đánh giá về sự nghiệp, đóng góp của các nhà văn như Hồ Biểu Chánh, Hoàng Ngọc Phách, Tản Đà, Phan Khôi, Tương Phố. . . Trong số các bài ấy, một số bài viết có thể xem là chân dung văn học. Thời kì 1930-1945, hai cây bút nổi bật hơn cả ở thể loại chân dung văn học là nhà văn Vũ Bằng (1913-1984) và nhà thơ Nguyễn Vỹ (1912-1971). Những tác phẩm chân dung của họ đăng rải rác trên các tờ báo công khai lúc bấy giờ. Bên cạnh đó, xuất hiện dấu ấn chân dung văn học qua một số tập sách phê bình của Hoài Thanh – Hoài Chân, Trần Thanh Mại, các bài viết của Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Nguyễn Tuân... Giai đoạn từ 1945 đến 1975, do nhiều nguyên nhân về lịch sử, văn hóa, xã hội,. . . các chân dung văn học chưa thực sự có chiều sâu, còn mang đậm kiểu bài phê bình tác giả, chủ yếu đề cao nhà văn ở con người xã hội, tư cách công dân. Con người cá nhân, chiều sâu nhân cách, bi kịch cá nhân là những phương diện thường bị né tránh. Sau Đại hội Đảng lần thứ VI (1986), trong bối cảnh đổi mới, thể tài chân dung văn học thực sự khởi sắc khi nhu cầu nói lên sự thật được khuyến khích; khi các nhà văn mong muốn soi chiếu lại quá khứ, tự mổ xẻ, “bạch hóa” nhiều mặt trong đời tư, số phận của chính con người mình, tầng lớp mình. . . Thể tài chân dung văn học vì thế được khơi nguồn, được tiếp sức và để lại nhiều thành tựu đáng kể. 2. Về đội ngũ sáng tác, có thể nói, sau 1986, chân dung văn học nhận được sự quan tâm của nhiều người, nhiều giới: các nhà văn; các nhà nghiên cứu, phê bình; người thân, bạn bè văn nghệ sĩ... Số lượng các tác phẩm chân dung hoặc gần gũi với chân dung liên tục ra đời. Điểm nhìn, bút pháp các tác giả có thể khác nhau, nhưng điểm chung của các chân dung văn học có nét tương đồng: không chỉ đề cao, kính trọng, ngưỡng mộ mà còn là sự thấu hiểu, đồng cảm, sẻ chia với giới văn nghệ sĩ - từ những vất vả, gian nan của nghề nghiệp đến những nỗi đau, bi kịch của “một thời để mất”, từ những điều tốt đẹp dễ thấy đến những mặt khuất lấp, ẩn chìm không dễ nhận ra, nói ra trong nhân cách đa chiều của tầng lớp người đặc biệt này. Những người viết chân dung văn học thành công nhất ở giai đoạn sau 1986 chính là các cây bút “lớp đàn anh”, có người đã gắn bó với thể tài này từ trước 1986 như Tô Hoài, Nguyễn Đăng Mạnh. Có thể kể đến các tập chân dung văn học để lại ấn tượng sâu sắc nhất với bạn đọc: Những gương mặt của Tô Hoài (Nxb Văn học, 1988); Những kiếp hoa dại của Vương Trí Nhàn (Nxb Văn học, 1994); Một thời để mất (Nxb Hội Nhà văn, 1995), Rừng xưa xanh lá (Nxb Hội Nhà văn, 2004) của Bùi Ngọc Tấn; Nhà văn Việt Nam hiện đại chân dung và phong cách của Nguyễn Đăng Mạnh (Nxb Trẻ, 2000). . . Có thể nói người tạo ra bước ngoặc của chân dung văn học giai đoạn sau 1986 là Tô Hoài với Những gương mặt. Đây là tập chân dung viết về nhiều nhà văn nổi tiếng đã được độc giả quý mến như Nam Cao, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Bính, Nguyễn Công Hoan, Vũ Bằng. . . Có thể gọi các chân dung của Tô Hoài là hồi kí chân dung. Tô Hoài dựng chân dung bạn bè một cách chân thực, với cái nhìn thấu hiểu, đồng cảm, nhiều lúc vẫn rưng rưng xúc động dù các sự kiện đã lùi sâu vào dĩ vãng. Bên cạnh sự đề cao, ngợi ca, chỉ ra những đóng góp riêng của các nhà văn (là cách viết chân dung văn học quen thuộc ở giai đoạn trước 1986), các chân dung văn học của Tô Hoài hấp dẫn người đọc nhờ những chi tiết tươi mới về đời tư nhà văn mà ông là người 14 Thể tài chân dung văn học trong văn xuôi Việt Nam sau 1986 - nhìn từ đội ngũ viết chân dung trong cuộc hoặc chứng kiến. Đó là những chi tiết kể về sự xúc động của Nam Cao xót thương “bàn tay vợ rám nắng” [3;11] hay dành dụm “50 đồng đưa cho cô gái điếm” [3;16] sau lần “đáp tàu xuống Nam Định” trở về và viết truyện Một đời người; Chi tiết Nguyên Hồng với “cái quần nâu, tấm áo cánh mồ hôi muối ăn đã bạc cả hai vai, chiếc mũ lá cọ, đôi dép lốp”, “ba lô con cóc trên lưng, trong cặp đúp da bò nâu xỉn giữ gìn từ ngày trước cách mạng. . . xếp chồng bản thảo, lại còn lỉnh kỉnh những hộp tiêm, kim tiêm, nhiều thứ thuốc tiêm, thuốc uống, thứ cho không, thứ bán, phân minh. . . ” [3;94]; Chi tiết Nguyễn Bính với “tay chân thô rám, quềnh quàng, lúc nào cũng lừ đừ thỉnh thỉnh” [3;145] nhưng rất đa tình với hộp bánh bích quy “đựng toàn thư tình” - kỉ niệm của những mối tình lãng mạn đẫm nước mắt. . . Ngòi bút dựng chân dung tài hoa này sẽ được Tô Hoài tiếp tục trong các tập hồi kí nổi tiếng như Cát bụi chân ai (1992), Chiều chiều ( 1999). Cũng như Tô Hoài, Nguyễn Đăng Mạnh đã có những chân dung văn học từ trước 1986. Nhưng sau 1986, các chân dung của ông viết đậm chất đời thường hơn, xoáy sâu vào những bi kịch một thời của lớp người này. Đỗ Ngọc Thống nhận xét chân dung văn học của Nguyễn Đăng Mạnh “có nét uyên bác, tài hoa của Nguyễn Tuân; có tình cảm nồng nàn đắm say của Xuân Diệu; có giọng điệu mỉa mai bóng gió của Vũ Trọng Phụng; có thế giới nội cảm phức tạp, phong phú và sâu sắc của Nam Cao,... vì thế mà rất nhiều bài viết của ông gần như là những sản phẩm “đồng sáng tạo” với các nhà văn mà ông yêu thích” [13]. Điều này được thể hiện rất rõ qua Nhà văn Việt Nam hiện đại chân dung và phong cách. Ông là nhà phê bình có tài nắm được nét riêng không trộn lẫn của mỗi nhà văn. Viết về tác giả nào ông cũng chọn lọc những chi tiết rất đắt để dựng chân dung, điểm xuyết những nhận xét hóm hỉnh về tính cách, cá tính của họ. Các chân dung của ông viết, ngay từ tiêu đề đã thâu tóm được “mạch ngầm” trong cá tính sáng tạo, trong sự nghiệp nhà văn: Nguyên Ngọc – con người lãng mạn; Tô Hoài với quan niệm “con người là con người”; Quang Dũng, người thơ. Đây là những đoạn văn Nguyễn Đăng Mạnh vẽ rất đúng “thần thái” riêng của các nhà văn: - “Nguyên Ngọc không phải chỉ viết truyện sử thi, viết văn lãng mạn. Ông thật sự sống trong không khí sử thi và mang hẳn trong máu mình chất lãng mạn. Cho nên ông đã lặn lội 200 cây số Hà Nội – Tuyên Quang, rồi lại 400 cây số leo ngược mấy cái Cổng trời để tìm người con gái đã ghi vào cuốn sổ tay của mình Mùa hoa thuốc phiện cuối cùng ơi, “ Nguyên Ngọc “viết bằng lí tưởng, vì ông nhìn đời qua lí tưởng” [6;337-339]. - Tô Hoài: “ Một cái tôi khôn ngoan, tinh quái, thóc mách, lọc lõi, rất mực hiểu mình, hiểu người và có đá chút khinh bạc. Một cái tôi ý thức rất rõ về sức hấp dẫn cũng như sức mạnh của sự thật, vì thế muốn giữ thái độ khách quan, trung thực với mình, với người, cứ đều một giọng, không lên gân cốt, không cao giọng dạy đời, có gì nói thế: con người là con người, chỉ là con người thôi. Anh cũng thế, tôi cũng vậy. Nhưng điều thú vị lại là ở đó” [6;306]. Vương Trí Nhàn khá mạnh ở cách viết chân dung của một nhà phê bình. Các chân dung văn học đã đuợc Vương Trí Nhàn “soi rọi”, khắc họa duới nhiều khía cạnh khác nhau. Với sự thấu hiểu sâu sắc về nghề nghiệp, Vương Trí Nhàn vừa khẳng định đóng góp riêng của các nhà văn, nhà thơ, vừa muốn tìm ra, muốn lí giải những vấn đề liên quan đến bản chất lao động nghệ thuật của nhà văn. Có bao nhiêu nhà văn thì có bấy nhiêu cách làm viẹc, bấy nhiêu cách tiếp cận và thu hút bạn đọc. Nguyễn Khải thì “nói cũng như viết ở Nguyễn Khải bao giờ cũng là một cách thuyết phục người đọc”. Nguyễn Thành Long thì kĩ lưỡng, “mỗi câu đều đòi hỏi công sức riêng, năng luợng riêng cho nó”. Đặc biệt với nữ sĩ Xuân Quỳnh (Xuân Quỳnh – cuộc đời để lại trong thơ), tác giả đã cho ta thấy “Người ta làm thơ như thế nào?”. “Để giúp tôi “mục sở thị”, bên cạnh bài thơ, chị cho xem những quyển vở đã ghi chi chít những chữ là chữ: Chị đã nháp bài thơ ra văn văn xuôi trước khi hoàn chỉnh nó và cho nó một khuôn mặt cố định trên trang giấy”... “Lúc viết những dòng này, 15 Hà Thị Kim Phượng tôi như người phát cuồng. Cứ phải ghi bằng hết những ý nghĩ đang ào ào kéo đến không cần vần vèo gì vội. Còn sắp xếp lại, đặt vần, tôi làm sau, việc ấy đơn giản hơn”; “lúc viết như bị ám ảnh, phải viết ra bằng được mới thôi” [8; 10]. Mảng chân dung văn học của Bùi Ngọc Tấn hấp dẫn độc giả bởi họ được biết thêm nhiều sự thật khuất lấp, có khi đầy đau xót, tủi nhục của những người cầm bút. Ngoài ra, cái hấp dẫn của Bùi Ngọc Tấn còn vì ông viết bằng cả sự trải nghiệm đau đớn của “một thời để mất”. Đình Kính vốn tha thiết với nghề có thời gian buộc phải rời xa mơ ước, kiếm sống bằng nghề viết thuê. Dương Tường, Mạc Lân thì đi bán máu để kiếm sống. Chu Lai, Nguyễn Quang Thân cũng lặn lội vào những vùng rừng núi viết thuê cho một giám đốc lâm trường quốc doanh. Họ chìm trong những lo lắng tủn mủn đời thường, từng giấu vài bao thuốc lá được Quốc doanh cung cấp để đi bán kiếm tiền thêm. Nhưng rồi họ vẫn đứng vững, vẫn không từ bỏ đam mê nghề nghiệp của mình. Những đóng góp không nhỏ cho thể tài chân dung văn học của Bùi Ngọc Tấn đã minh chứng rằng thể tài này đòi hỏi ở người viết không chỉ sự thấu hiểu, sẻ chia mà còn là cả sự trải nghiệm nhiều lúc chua xót, đau đớn của người trong cuộc, người cùng cảnh ngộ với các văn nghệ sĩ. Một số tác giả khác, tuy nhập cuộc viết chân dung văn học muộn hơn nhưng cũng có những đóng góp riêng của họ. Quan điểm dân chủ, đa chiều trong nhìn nhận, đánh giá con người, quan tâm đến những chi tiết đời thường sống động, sự thấu hiểu những cô đơn, bi kịch của nhà văn trong sáng tác, giọng điệu, ngôn ngữ linh hoạt. . . là những mặt mạnh trong cách viết của các cây bút thế hệ này. Có thể kể đến Trần Đăng Khoa với Chân dung và đối thoại (1998), Phan Thị Thanh Nhàn với Sự cực đoan đáng yêu (2010), Nguyễn Quang Thiều với Người (2008), Vân Long với Những người rót biển vào chai (2010), Nguyễn Quang Lập với Bạn văn (2011), Đỗ Lai Thúy với Vẫy vào vô tận (2002), Phạm Xuân Nguyên với Nhà văn như Thị Nở (2014). . . Trước hết có thể kể đến Chân dung và đối thoại của Trần Đăng Khoa thể hiện một cách tiếp cận mới khá độc đáo với các nhà văn lớp đàn anh. Vì thế, tập sách được đón nhận với nhiều luồng ý kiến khen - chê khác nhau. Anh kính trọng nhưng không biến các bậc nhà văn tiền bối thành các tượng thờ. Anh nhìn con người với cái nhìn vừa thâm trầm vừa hài hước, anh biến cái trang nghiêm thành cái đời thường. Đúng như Nguyễn Đăng Mạnh nhận xét: “Từ đã lâu, phê bình không được cười, không được đùa (tôi không nói đùa tếu, đùa nhảm). Nay lần đầu tiên Khoa dám đùa và cũng biết đùa. Không khí phê bình nếu được thế thì cũng vui. Nó kích thích cảm hứng sáng tác cũng như phê bình” [3;150]. Tiếng cười ở đây không hề nhạo báng, hạ thấp, nó tô đậm nét riêng, nét thật của nhà văn một cách hóm hỉnh. Chẳng hạn đoạn Trần Đăng Khoa hỏi Tố Hữu về xuất xứ bài Hoan hô chiến sĩ Điện Biên: “Thực tế lúc ấy, nhìn ra xung quanh, rừng tối mù mù (...) Vậy thì loa với ai, thế mà vẫn loa kêu từng cửa (...) Làng bản đỏ đèn đỏ lửa (...). Này xem ra không thể tin cánh văn nghệ được đâu hỉ. Phịa, toàn chuyện phịa. Chỉ có điều mình phịa như thật, nên người ta tha cho” [4;16 ]; hay khi Trần Đăng Khoa khắc họa chân dung Lê Lựu như một gã nhà quê vừa khù khờ, vừa láu lỉnh: “Đó là một gã ma mãnh, quái quỷ nhưng lại mang vẻ mặt xuề xoà, chất phác của một anh nhà quê. Bởi thế, anh rất dễ thuyết phục người khác. Lê Lựu có nói dối và nói thẳng ra rằng: “Tôi đang nói dối đấy” thì người ta cũng vẫn cứ tin, chẳng ai ngờ vực cả” [4;78-79]. . . Nguyễn Quang Thiều biết cách kết hợp chân dung bằng ngôn ngữ với các bức hội họa độc đáo, đào sâu vào bản chất “người” trong nhân cách giới nghệ sĩ như tiêu đề cuốn sách của anh. Chẳng hạn, anh viết về Tố Hữu không phải ở “nhà lãnh đạo luôn kiên quyết, cứng rắn, đầy quyền uy” mà là một con người nay đã về già, đã có thêm những chiêm nghiệm khác, “một Tố Hữu của một chút cô đơn, một chút mệt mỏi, một chút dày vò, một chút yếu đuối...” [12;24]. Cũng không thể không kể đến những bức chân dung độc đáo của Nguyễn Quang Lập trong: Kí ức vụn (2009), Bạn văn (2011), và Chuyện đời vớ vẩn (2011). Anh có cách viết hài hước, dí 16 Thể tài chân dung văn học trong văn xuôi Việt Nam sau 1986 - nhìn từ đội ngũ viết chân dung dỏm, cách tiếp cận suồng sã, với ngôn ngữ đậm chất khẩu ngữ, khiến người thích thì rất thích, nhưng cũng nhiều người “không thể chịu nổi”. Kiểu tiếp cận táo bạo, giọng văn suồng sã được nhà văn Nguyễn Quang Lập đẩy tới trong hàng loạt chân dung văn học viết về nhiều nhà văn nổi tiếng như Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, Phan Tứ. . . Ngoài ra có thể kể đến một số tập chân dung khác: Phan Thị Thanh Nhàn với Sự cực đoan đáng yêu. Chị khá thành công khi khắc họa những nét “cực đoan đáng yêu” trong tính cách nhiều nhà thơ nữ bạn bè. Trần Thị Thắng có nhiều chân dung hay ở chi tiết, như chị nói: “Chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn” qua hai tập sách Con chữ soi bóng đời 1, 2 (2010). Nguyễn Quỳnh Trang với Đi về không điểm đến (2013) là một cuốn bút kí chân dung của 37 nhà văn, nhà phê bình, dịch giả, trong đó có Nguyên Ngọc, Dương Tường, Nguyễn Quý Đức, Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Thị Minh Thái. . . Phong Điệp chủ yếu quan tâm đến gương mặt và sự đóng góp của giới cầm bút trẻ. Trong Văn chương thời @ (2007), chị viết về các cây bút trẻ như Nguyễn Ngọc Tư, Đỗ Bích Thúy, Nguyễn Vĩnh Tiến, Phan Triều Hải,. . . Một số nhà nghiên cứu, phê bình cũng góp vào mảng chân dung với những tập sách được ít nhiều ghi nhận như Phạm Xuân Nguyên với Nhà văn như Thị Nở (2014), Nguyên An với Người cùng thời (2015). . . Phạm Xuân Nguyên, dùng bút pháp kí họa, dựng chân dung bằng giọng văn trân trọng, thấu hiểu nhưng pha chút tinh nghịch. Nguyên An mạnh về tư liệu, với giọng văn nhẹ nhàng, trữ tình đằm thắm. 3. Kết luận Dường như trong các bức chân dung văn học đã có một sự thay đổi trong nhìn nhận về nhà văn và sứ mệnh văn chương. Nhà văn đã không còn là “người thư kí trung thành”, “người phát ngôn của lương tâm thời đại”, “người chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng”. Nhà văn vừa muốn đại diện cho tâm trạng của số đông, nhưng họ cũng là những con người đời thường, bé nhỏ, dễ bị tổn thương. Họ có những mặt cao đẹp trong nhân cách, nhưng họ cũng có nhiều hạn chế, nhược điểm của con người nói chung. Rõ ràng, sự đổi mới của thể tài đã có sự tiếp sức của không khí dân chủ, cởi mở của xã hội. Nói đến văn chương là nói đến cá tính sáng tạo, phong cách riêng của mỗi nhà văn. Dù văn học có đổi mới đến đâu thì đời tư, cá tính, nhân cách của người nghệ sĩ vẫn được bạn đọc đặc biệt quan tâm. Mà đi sâu vào đời tư, từ góc nhìn đời tư, tiểu sử để khẳng định nhân cách, tài năng, đóng góp của nhà văn, kết hợp linh hoạt văn phê bình với văn sáng tác là thế mạnh không thể thay thế của thể tài chân dung văn học. Đấy chính là lý do để chúng ta tin rằng thể tài chân dung văn học sẽ tiếp tục phát triển và có thêm những thành tựu mới. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Nguyễn Minh Châu, Báo Văn nghệ, số ngày 5/6/1986. [2] Văn Giá, Vũ Bằng, 2002.Mười chín chân dung nhà văn cùng thời. Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội. [3] Tô Hoài, 2016. Những gương mặt, (xuất bản lần đầu năm 1988). Nxb Văn học, Hà Nội. [4] Trần Đăng Khoa, 1998. Chân dung và đối thoại. Nxb Thanh niên, Hà Nội. [5] Nguyễn Quang Lập, 2011. Bạn văn. Nxb Trẻ, Hà Nội. [6] Nguyễn Đăng Mạnh, 2000. Nhà văn Việt Nam hiện đại chân dung và phong cách. Nxb Trẻ. [7] Phạm Xuân Nguyên, 2004. Nhà văn như Thị Nở. Nxb Hội nhà văn, Hà Nội. [8] Vương Trí Nhàn, 2002. Cây bút, đời người. Nxb Trẻ, Hà Nội. 17 Hà Thị Kim Phượng [9] Nhiều tác giả, 2008. Tuyển tập 15 năm Tạp chí Văn học và Tuổi trẻ, chân dung văn học (tập 1). Nxb Giáo dục, Hà Nội. [10] Nhiều tác giả, 2008. Chân dung văn học, tập 1. Nxb Giáo dục, Hà Nội. [11] Bùi Ngọc Tấn, 2007. Rừng xưa xanh lá. Nxb Hội nhà văn, Hà Nội. [12] Nguyễn Quang Thiều, 2008. Người. Nxb Phụ nữ, Hà Nội. [13] Đỗ Ngọc Thống, 2010. “Nguyễn Đăng Mạnh: chân dung và phong cách”, www.vanhoanghean.com.vn, tháng 5/2010. [14] Tạ Tỵ, 1996. Mười khuôn mặt văn nghệ. Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội. ABSTRACT Capitalization in the state management documents Ha Thi Kim Phuong Gia Dinh High School, Ho Chi Minh city The article shows clearly the overall common picture and achievements of literary portraits in Vietnam’s prose after 1986, seen from portrait writers. This is the portrait that many writer generations are concerned. However, the most successful factors in this portrait are writers of the pioneer generation, such as To Hoai, Nguyen Dang Manh, Bui Ngoc Tan, Vuong Tri Nhan... Their success came into existence due to the relationship , sympathy and understanding that they experienced in their lives, together with their creative personality as well as the artistic labor of the writers, sometimes, the literary potraits themselves reflected deplorable sides and painful experience of the writers. Keywords: Literature portrait, Portrait, writers who depict literature portrait. 18