Tóm tắt. Vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long đã được thành
lập theo Quyết định số 492/QD-TTg của Thủ tướng Chính phủ 2009/04/16.
Đây là khu vực kinh tế quan trọng thứ tư ở nước ta, bao gồm Cần Thơ, An
Giang, Kiên Giang và Cà Mau. Bài viết này tập trung vào đánh giá tiềm
năng và lợi thế để trở thành khu vực kinh tế quan trọng. Vị trí địa lí - chính
trị - kinh tế tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển kinh tế xã hội và
quan hệ thương mại với các khu vực khác, thế mạnh trong nông nghiệp lớn
nhất và phát triển thủy sản trong nước, một số khoáng sản và các nguồn
tài nguyên thiên nhiên, du lịch tự nhiên hỗ trợ ngành công nghiệp và phát
triển du lịch tương đối phát triển cơ sở hạ tầng hệ thống đô thị và thu hút
đầu tư cũng như lao động.
7 trang |
Chia sẻ: thanhle95 | Lượt xem: 13 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Tiềm năng phát triển của vùng kinh tế trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE
Science Sci., 2011, Vol. 56, No. 8, pp. 116-122
TIỀM NĂNG PHÁT TRIỂN CỦA VÙNG KINH TẾ TRỌNG ĐIỂM
VÙNG ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG
Nguyễn Minh Tuệ và Lê Mỹ Dung∗
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
E-mail: ∗dungle128@yahoo.com.vn
Tóm tắt. Vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long đã được thành
lập theo Quyết định số 492/QD-TTg của Thủ tướng Chính phủ 2009/04/16.
Đây là khu vực kinh tế quan trọng thứ tư ở nước ta, bao gồm Cần Thơ, An
Giang, Kiên Giang và Cà Mau. Bài viết này tập trung vào đánh giá tiềm
năng và lợi thế để trở thành khu vực kinh tế quan trọng. Vị trí địa lí - chính
trị - kinh tế tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển kinh tế xã hội và
quan hệ thương mại với các khu vực khác, thế mạnh trong nông nghiệp lớn
nhất và phát triển thủy sản trong nước, một số khoáng sản và các nguồn
tài nguyên thiên nhiên, du lịch tự nhiên hỗ trợ ngành công nghiệp và phát
triển du lịch tương đối phát triển cơ sở hạ tầng hệ thống đô thị và thu hút
đầu tư cũng như lao động...
1. Mở đầu
Thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, kể từ giữa những
năm 1990, nước ta đã hình thành 3 vùng kinh tế trọng điểm (VKTTĐ): Bắc Bộ,
miền Trung và Nam Bộ. Các VKTTĐ đã bước đầu phát huy vai trò đầu tàu tăng
trưởng, có đóng góp lớn vào ngân sách, kim ngạch xuất khẩu, đi đầu trong hội nhập
kinh tế quốc tế.
Để tiếp tục hình thành các lãnh thổ trọng điểm, xuất phát từ đòi hỏi thực
tiễn phát triển kinh tế - xã hội của cả nước cũng như của vùng Đồng bằng sông Cửu
Long (ĐBSCL), VKTTĐ vùng ĐBSCL được thành lập theo quyết định 492/QĐ-
TTg ngày 16/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ. VKTTĐ vùng ĐBSCL bao gồm 4
tỉnh, thành phố là Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang và Cà Mau.
Bài báo giới thiệu tiềm năng phát triển kinh tế của VKTTĐ thứ 4 của cả nước
vừa mới hình thành.
116
Tiềm năng phát triển của vùng kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long
2. Nội dung nghiên cứu
2.1. Tiềm năng chủ yếu của VKTTĐ vùng ĐBSCL
2.1.1. Vị trí địa lí
VKTTĐ vùng ĐBSCL bao gồm 4 tỉnh, thành phố là Cần Thơ, An Giang, Kiên
Giang và Cà Mau với diện tích là 16.616,3 km2 (chiếm 5,0% diện tích cả nước và
41,0% diện tích vùng ĐBSCL), dân số đến năm 2009 là 6.233,7 nghìn người (chiếm
7,2% dân số cả nước và 32,6% dân số vùng ĐBSCL) [5].
Về phía Bắc, VKTTĐ vùng ĐBSCL giáp với Campuchia trên chiều dài đường
biên giới 260,8 km, về phía Đông Bắc giáp 2 tỉnh Đồng Tháp và Vĩnh Long, phía
Đông Nam giáp Hậu Giang và Bạc Liêu, về phía Đông trông ra vịnh Thái Lan với
chiều dài đường bờ biển 347 km và phía Nam giáp biển Đông với 107 km. VKTTĐ
vùng ĐBSCL có hai huyện đảo là Phú Quốc và Kiên Hải thuộc tỉnh Kiên Giang.
VKTTĐ vùng ĐBSCL có thành phố Cần Thơ, đô thị loại 1 trực thuộc Trung
ương, 3 thành phố (Long Xuyên, Rạch Giá, Cà Mau) và 3 thị xã (Châu Đốc, Tân
Châu, Hà Tiên).
VKTTĐ vùng ĐBSCL có vị trí đặc biệt trong phát triển kinh tế - xã hội
của vùng ĐBSCL và cả nước, hội tụ các tiềm năng phát triển to lớn, đầu mối giao
thương quan trọng bằng đường thuỷ, đường bộ và đường hàng không với các vùng
trong cả nước và với quốc tế.
VKTTĐ vùng ĐBSCL là trung tâm kinh tế lớn không chỉ riêng cho khu vực
Nam Bộ mà của cả nước, nhất là trong lĩnh vực sản xuất và chế biến nông, lâm,
thủy sản; năng lượng và du lịch. VKTTĐ này còn có nhiều điều kiện thuận lợi trong
phát triển các ngành dịch vụ như tài chính – ngân hàng, thương mại, giáo dục – đào
tạo, y tế, chuyển giao công nghệ, vui chơi giải trí. . . không chỉ cho các tỉnh, thành
phố trong VKTTĐ mà cho cả vùng ĐBSCL.
VKTTĐ vùng ĐBSCL nằm giữa một khu vực kinh tế năng động và phát triển,
bên cạnh VKTTĐ Nam Bộ, gần các nước Đông Nam Á, giáp Campuchia. . . nên
còn là cầu nối trong hội nhập kinh tế với các vùng của cả nước, với các nước trong
khu vực và giữ vị trí quan trọng về quốc phòng, an ninh của đất nước.
2.1.2. Tự nhiên
* Tài nguyên đất và nước phong phú đã tạo cho VKTTĐ tiềm năng lớn
về sản xuất lúa, nuôi trồng và khai thác thủy sản.
- Trong tổng số 1.661,63 nghìn ha đất tự nhiên của toàn VKTTĐ (năm 2009)
thì diện tích đất sản xuất nông nghiệp và thủy sản chiếm 57,8% (975,0 nghìn ha) và
chiếm 66,6% đất nông, lâm, thủy sản. Bốn tỉnh, thành phố An Giang, Kiên Giang,
Cà Mau và Cần Thơ có diện tích trồng lúa cả năm năm 2009 là 1.530, 1 nghìn ha,
chiếm 39,5% diện tích đất trồng lúa cả năm của vùng ĐBSCL và 20,6% của cả nước.
Trong đó hai tỉnh Kiên Giang và An Giang có diện tích trồng lúa đứng đầu và thứ
117
Nguyễn Minh Tuệ và Lê Mỹ Dung
2 cả nước (Kiên Giang: 622,1 nghìn ha và An Giang: 557,2 nghìn ha), đồng thời
cũng là hai tỉnh có sản lượng lúa đứng đầu cả nước (năm 2009 sản lượng lúa của
An Giang là 3,46 triệu tấn và Kiên Giang là 3,4 triệu tấn) [6].
- VKTTĐ vùng ĐBSCL tiếp giáp với ngư trường vùng biển Tây Nam, là một
trong những ngư trường trọng điểm của cả nước, có trữ lượng lớn và đa dạng các
loài hải sản. Vùng biển và thềm lục địa thuộc chủ quyền và quyền tài phán của Việt
Nam do hai tỉnh Cà Mau và Kiên Giang quản lí có diện tích khoảng 134 nghìn km2
[1]. Tiềm năng này đã giúp cho ngành khai thác thủy sản nói riêng và sản xuất thủy
sản nói chung giữ một vị trí quan trọng trong đời sống và kinh tế của nhân dân
trong VKTTĐ, cả vùng ĐBSCL và toàn quốc. Sản lượng thủy sản khai thác của
VKTTĐ năm 2009 đạt 542 nghìn tấn, chiếm 58% sản lượng thủy sản khai thác của
toàn vùng ĐBSCL và 23,8% của cả nước, trong đó Kiên Giang đứng đầu cả nước
với 351,6 nghìn tấn [5].
VKTTĐ vùng ĐBSCL còn có 453,9 nghìn ha (năm 2009) diện tích mặt nước
nuôi trồng thủy sản, chiếm 61,5% của vùng ĐBSCL và 43,4% của cả nước (trong
đó Cà Mau đứng đầu cả nước với 293,2 nghìn ha). Sản lượng nuôi trồng đạt 781,9
nghìn tấn, chiếm 41,8% của vùng ĐBSCL và 30,4% toàn quốc. Đứng đầu về sản
lượng nuôi trồng thủy sản là An Giang (287,2 nghìn tấn, chiếm 11,2% sản lượng
nuôi trồng của cả nước) [5].
* Tài nguyên khoáng sản tuy không nhiều, song có một số khoáng sản
quan trọng mang tính đặc trưng của đồng bằng, có ý nghĩa quyết định đến phát
triển kinh tế của cả vùng ĐBSCL như đá vôi, sét chịu lửa, dầu khí. . .
- Ở thềm lục địa Tây Nam thuộc vùng biển Cà Mau – Kiên Giang có nhiều
bể trầm tích có trữ lượng đáng kể về dầu khí thiên nhiên, trong đó quan trọng nhất
là bể Malay - Thổ Chu. Theo đánh giá của Petro Việt Nam, trữ lượng dầu khí của
bể này khoảng 380 triệu m3 quy đổi, riêng trữ lượng khí đã phát hiện khoảng 212
tỉ m3 [4].
- Đá vôi với trữ lượng khoảng 440 triệu tấn, chiếm 98% trữ lượng vùng ĐBSCL,
phân bố ở khu vực Hà Tiên, Kiên Lương. Đá Andezit, granit phân bố chủ yếu tại
núi Sam – Châu Đốc, Tịnh Biên, Tri Tôn, Thoại Sơn – An Giang [3]. Ngoài ra còn
có sét chịu lửa, chiếm 90% trữ lượng toàn vùng ĐBSCL, cát xây dựng, than bùn. . .
Những khoáng sản quan trọng này tạo điều kiện cho VKTTĐ vùng ĐBSCL
phát triển nền công nghiệp đa dạng, quy mô lớn, đặc biệt là công nghiệp dầu khí và
năng lượng, hoá chất, công nghiệp sản xuất xi măng và các vật liệu xây dựng, công
nghiệp đóng mới và sửa chữa tàu thuyền.
* Tài nguyên du lịch tự nhiên phong phú, đặc sắc, cơ sở để phát triển
nhiều loại hình du lịch.
- VKTTĐ vùng ĐBSCL có diện tích đất rừng 184,4 nghìn ha, chiếm 66,7%
toàn vùng ĐBSCL, chủ yếu là rừng ngập mặn và chua phèn ven biển, phân bố tập
trung ở hai tỉnh Kiên Giang (38,9% diện tích rừng của VKTTĐ và 26,0% toàn vùng
ĐBSCL) và Cà Mau (tương ứng là 53,8% và 35,9%) [5]. Rừng ngập mặn ở Cà Mau
118
Tiềm năng phát triển của vùng kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long
và Kiên Giang là kiểu rừng đặc biệt, thuộc loại quý hiếm trên thế giới với hai loài
cây gỗ chiếm ưu thế là đước và mắm. Du lịch sinh thái rừng ngập mặn là sản phẩm
đặc trưng của vùng. Trong lãnh thổ VKTTĐ có 4 Vườn quốc gia: Phú Quốc, U
Minh Thượng (Kiên Giang), Mũi Cà Mau và U Minh Hạ (Cà Mau) và 1 khu dự trữ
sinh quyển thế giới, đó là khu biển Kiên Giang với hệ sinh thái đặc trưng là rừng
tràm, rừng ngập mặn, cỏ biển, san hô. Tính đa dạng sinh học cao, đặc biệt là sự
hiện diện của các loài động, thực vật quý hiếm là điều kiện quan trọng để các vườn
quốc gia và khu dự trữ sinh quyển trở thành các điểm du lịch hấp dẫn.
- Vùng biển của địa bàn VKTTĐ có đường bờ biển dài 454 km với một số bãi
biển đẹp, nhiều bãi còn ở dạng hoang sơ, chưa bị ô nhiễm như bãi Dương, bãi Mũi
Nai (Hà Tiên), bãi Giếng, bãi Khem, bãi Thơm, bãi Cửa Cạn. . . (đảo Phú Quốc).
Các bãi biển ở Phú Quốc từng được chọn vào nhóm “bãi biển sạch và đẹp nhất thế
giới” bởi ABC News vào cuối tháng 2 năm 2009 [2]. Đây là tiềm năng lớn để hình
thành các khu du lịch biển có thể cạnh tranh được với Pattaya của Thái Lan hay
Bali của Inđônêxia.
Vùng biển ở đây còn có nhiều hòn đảo lớn, nhỏ, đại bộ phận là đảo gần bờ
như đảo Phú Quốc, hòn Chông, hòn Trẹm, hòn Phụ Tử (Kiên Giang) ; hòn Khoai,
hòn Chuối, đảo Đá Bạc (Cà Mau). . . Trên các đảo, ngoài các bãi biển đẹp còn có
phong cảnh thiên nhiên hữu tình, trong lành và những điều kiện tự nhiện thuận lợi
để phát triển các loại hình du lịch biển, đảo.
- Địa hình núi thấp là nét đặc sắc, nổi bật lên giữa vùng đồng bằng mênh
mông của miền Tây Nam Bộ ở 2 tỉnh An Giang và Kiên Giang thuộc VKTTĐ vùng
ĐBSCL. Các vùng núi với những cánh rừng xanh tốt, suối thác nên thơ, bãi biển
đẹp mở ra khả năng phát triển loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng như núi Cấm
(cao 710 m), núi Sam (228 m), núi Sập (110 m) – Ba Thê (221 m) ở An Giang, đặc
biệt là vùng Hà Tiên của Kiên Giang với nhiều núi non, hang động, nhiều hòn đảo
gần xa lại thêm chùa chiền, lăng mộ. . . được ví như Hạ Long thứ hai của Việt Nam.
Các tài nguyên du lịch tự nhiên đặc trưng lại được bổ sung, đan xen bởi tài
nguyên du lịch nhân văn, các di tích văn hoá - lịch sử, tôn giáo, tín ngưỡng, lễ hội. . .
khá hấp dẫn, phong phú, có giá trị cao về du lịch đã mở ra tiềm năng lớn về du lịch
với các loại hình du lịch sinh thái, du lịch biển, du lịch nghỉ dưỡng, tham quan các
di tích văn hoá - lịch sử, tôn giáo, tín ngưỡng và du lịch hội nghị, hội thảo.
2.1.3. Kinh tế - xã hội
* VKTTĐ vùng ĐBSCL có số dân đông, lao động dồi dào với nhiều
kinh nghiệm trong sản xuất hàng hoá.
- VKTTĐ vùng ĐBSCL có số dân (năm 2009) là 6.233,7 nghìn người, chiếm
32,6% dân số của vùng ĐBSCL, trong đó 2 tỉnh An Giang và Kiên Giang có số dân
đứng thứ 1 và 2 ở ĐBSCL. Lực lượng lao động toàn vùng năm 2009 là 3.370,9 nghìn
người, chiếm 54,1% dân số toàn VKTTĐ. Cơ cấu lao động đang làm việc trong nền
kinh tế chủ yếu là khu vực I (55,8%) và khu vực III (34,1%), khu vực II còn thấp
119
Nguyễn Minh Tuệ và Lê Mỹ Dung
(10,1%).
Bảng 1: Dân số, lao động và cơ cấu lao động năm 2009 [5, 6]
Người lao động của VKTTĐ vốn cần cù, giàu truyền thống cách mạng, thông
minh sáng tạo, có kinh nghiệm trong sản xuất hàng hoá, có thể thích ứng nhanh
nhạy với thay đổi của điều kiện sản xuất và thị trường trong thời đại khoa học –
công nghệ tiên tiến và hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng.
* Tài nguyên du lịch nhân văn phong phú, đa dạng.
Trên lãnh thổ thành phố Cần Thơ và các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Cà Mau
còn có nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng, nhiều di tích văn hoá - lịch sử, tôn
giáo, tín ngưỡng có giá trị thu hút khách du lịch như chùa Bà Chúa Xứ ở núi Sam,
Lăng Thoại Ngọc Hầu, khu lưu niệm Bác Tôn, đồi Tức Dụp. . . (An Giang) ; đền
thờ Nguyễn Trung Trực, lăng mộ dòng họ Mạc, nhà lao Cây Dừa – Phú Quốc. . .
(Kiên Giang) ; căn cứ Xẻo Đước, đình Tân Hưng. . . (Cà Mau) ; Bảo tàng Quân khu
9, tượng đài Bác Hồ, đình Bình Thủy, chùa Ông, chùa Nam Nhã. . . (Thành phố
Cần Thơ).
* Hệ thống kết cấu hạ tầng tương đối phát triển.
- Về đường bộ: Quốc lộ 1A kết nối tứ giác thành phố Cần Thơ - An Giang
- Kiên Giang - Cà Mau với các địa phương khác trong vùng ĐBSCL và với vùng
Đông Nam Bộ. Hiện nay quốc lộ 1A đoạn TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ - Cà Mau
đã được nâng cấp. Hai cầu lớn cuối cùng trên Quốc lộ 1A (Mỹ Thuận, Cần Thơ)
đã hoàn thành. Quốc lộ 91 từ thành phố Cần Thơ qua thành phố Long Xuyên đến
thị xã Châu Đốc và kết thúc tại cửa khẩu Tịnh Biên (An Giang) dài 142 km cùng
với quốc lộ 80 từ phía nam cầu Mỹ Thuận, qua Đồng Tháp sang huyện Thốt Nốt,
thành phố Cần Thơ, qua Kiên Giang đến thành phố Rạch Giá, Hòn Đất, Hà Tiên
rồi kết thúc tại cửa khẩu Xà Xía với chiều dài 213 km đã được nâng cấp.
120
Tiềm năng phát triển của vùng kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Một số tuyến đường quan trọng khác trong VKTTĐ cũng đã hoàn thành hoặc
đang triển khai như tuyến Nam sông Hậu (vừa hoàn thành 9/3/2011), tuyến N1,
N2. . .
- Về đường thủy: từ TP Hồ Chí Minh có hai tuyến đường thủy chính nối với
các địa phương trong VKTTĐ. Đó là tuyến TP Hồ Chí Minh – Kiên Lương và TP
Hồ Chí Minh – Cà Mau. Trên lãnh thổ của vùng còn có hệ thống các cụm cảng như
Cần Thơ - Cái Cui (TP Cần Thơ), cảng Mỹ Thới (An Giang), cảng Năm Căn (Cà
Mau), cảng Hòn Chông và cụm cảng đảo Phú Quốc (Kiên Giang). Trong đó cụm
cảng Cần Thơ – Cái Cui là cảng trung tâm của vùng ĐBSCL.
- Về đường hàng không: trên địa bàn VKTTĐ có 4 sân bay, đó là Cần Thơ,
Cà Mau, Rạch Giá và Dương Đông (Kiên Giang), trong đó sân bay Cần Thơ là sân
bay quốc tế. Đây cũng chính là 4 sân bay của cả vùng ĐBSCL.
Mạng lưới giao thông đường bộ, đường thủy kết hợp với đường hàng không
góp phần khai thác lợi thế để phát triển kinh tế - xã hội, an ninh và quốc phòng.
* Trong VKTTĐ đã hình thành hệ thống đô thị rộng khắp, trong
đó có thành phố Cần Thơ, đô thị loại 1, thành phố trực thuộc Trung ương và là đô
thị trung tâm của toàn vùng ĐBSCL.
Toàn VKTTĐ cho đến nay có 1 thành phố trực thuộc Trung ương, 3 thành
phố tỉnh lị (Long Xuyên, Rạch Giá, Cà Mau), 3 thị xã (Châu Đốc, Tân Châu, Hà
Tiên) và 43 thị trấn. Hệ thống đô thị phân bố tương đối đều khắp trên lãnh thổ của
vùng. Tỉ lệ dân đô thị chiếm 33,6%, cao hơn mức trung bình của ĐBSCL (22,8%)
và cả nước (29,6%) [6]. Các thành phố không chỉ là trung tâm kinh tế, mà còn là
trung tâm đào tạo nguồn nhân lực cho VKTTĐ và cho toàn vùng ĐBSCL. Vùng có
3 trường đại học: trường Đại học Cần Thơ là trường đại học trọng điểm quốc gia
đào tạo đa ngành, trường Đại học Y dược Cần Thơ và trường Đại học An Giang.
Tại các tỉnh, thành phố còn có 21 trường cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp.
Bên cạnh đó trong vùng còn có nhiều viện nghiên cứu trực thuộc các Bộ, ngành
như Viện Nghiên cứu Lúa ĐBSCL Viện Cây ăn quả miền Nam, Viện Nghiên cứu và
Phát triển hệ thống canh tác, Viện Khoa học Thủy sản, Viện Môi trường và Phát
triển bền vững. . . Các cơ sở giáo dục – đào tạo và các cơ quan nghiên cứu này sẽ
đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực có chất lượng cao cho 4 tỉnh, thành phố và cho
toàn vùng ĐBSCL. Hơn thế nữa, sự phát triển của đô thị đã tạo sức hút lớn đối với
các nhà đầu tư nước ngoài, thu hút lực lượng lao động từ nông thôn, tạo cục diện
mới cho tăng trưởng kinh tế và giao thương quốc tế.
3. Kết luận
Như vậy, với lợi thế về vị trí địa chính trị và kinh tế, tiềm năng to lớn về tự
nhiên và kinh tế - xã hội, VKTTĐ vùng ĐBSCL xứng đáng trở thành VKTTĐ thứ
4 của cả nước.
Tuy nhiên, để trở thành 1 trong 4 vùng kinh tế phát triển năng động nhất, có
121
Nguyễn Minh Tuệ và Lê Mỹ Dung
tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh, chuyển dịch cơ cấu kinh tế tích cực theo hướng
công nghiệp hoá - hiện đại hoá, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh
tế thì VKTTĐ vùng ĐBSCL phải khắc phục nhiều hạn chế, khó khăn. Đó là sự ảnh
hưởng thường xuyên của lũ lụt; chất lượng nguồn nhân lực chưa cao, chưa đáp ứng
yêu cầu trong thời kì công nghiệp hoá - hiện đại hoá; hệ thống kết cấu hạ tầng kinh
tế - xã hội chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. . .
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Lê Thông (chủ biên), Nguyễn Minh Tuệ và nnk, 2010. Việt Nam các tỉnh và
thành phố. Nxb Giáo dục Việt Nam.
[2] Nguyễn Minh Tuệ (chủ biên), 2010. Địa lí du lịch Việt Nam. Nxb Giáo dục Việt
Nam.
[3] Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Viện Chiến lược phát triển, 2009. Các vùng, tỉnh, thành
phố trực thuộc Trung ương: Tiềm năng và triển vọng đến năm 2020. Nxb Chính
trị Quốc gia, Hà Nội.
[4] Quyết định phê duyệt Đề án thành lập VKTTĐ vùng ĐBSCL của Thủ tướng
Chính phủ số 492/QĐ-TTg ngày 16/4/2009.
[5] 2010. Niên giám thống kê Việt Nam 2009. Nxb Thống kê, Hà Nội.
[6] Số liệu kinh tế xã hội ĐBSCL 2000 – 2009. Cục Thống kê TP Cần Thơ, 6/2010.
ABSTRACT
Development potentiality of the key economic region in the Mekong delta.
The key economy region of Mekong Delta has been established according to
the Decision No. 492/QD-TTg by the Prime Minister on 16.04.2009. This is the
fourth key economic region in our country, including Can Tho, An Giang, Kien
Giang and Ca Mau.
The article focuses on assessing the potentialities and advantages to become a
key economic region. It is geo-political economic position facilitating the social eco-
nomic development and trade relations with other regions; strengths in the biggest
agriculture and fishery development in the country; a number of mineral and natu-
ral resources, Nature Tourism (Eco-Tourism) supporting the industry and tourism
development; relatively developed infrastructure and urban systems attracting in-
vestors as well as increasing the labour force.
122