Tín ngưỡng Tứ Phủ trong văn hóa xứ Lạng

Tóm tắt Với đặc trưng riêng của mình, tín ngưỡng Tứ phủ ở Lạng Sơn đã góp phần làm nên diện mạo văn hóa xứ Lạng cả về phương diện lịch sử, văn hóa và tôn giáo tín ngưỡng. Điều đó được thể hiện qua sự có mặt của các di tích thờ Tứ phủ gắn với các trung tâm buôn bán của người Kinh dọc tuyến quốc lộ 1A, sự đa dạng về nguồn gốc của các ngôi đền, đặc biệt là sự thống nhất trong bài trí điện thần cũng như trong thực hành nghi lễ hầu đồng. Là một trong những cái nôi của sự hình thành tín ngưỡng tứ phủ ở miền núi, tín ngưỡng Tứ phủ ở Lạng Sơn mang đậm dấu ấn lịch sử, xã hội và văn hóa xứ Lạng, từ đó góp phần quan trọng vào việc cố kết cộng đồng, tộc người và phát triển các loại hình du lịch ở Lạng Sơn, nhất là loại hình du lịch tâm linh.

pdf8 trang | Chia sẻ: thanhle95 | Lượt xem: 141 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Tín ngưỡng Tứ Phủ trong văn hóa xứ Lạng, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
45Số 31 (Tháng 3 - 2020) TÔN GIÁO - TÍN NGƯỠNG NGHIÊN CỨUVĂ N HÓA TÍN NGƯỠNG TỨ PHỦ TRONG VĂN HÓA XỨ LẠNG1 NGUYỄN THỊ YÊN* Tóm tắt Với đặc trưng riêng của mình, tín ngưỡng Tứ phủ ở Lạng Sơn đã góp phần làm nên diện mạo văn hóa xứ Lạng cả về phương diện lịch sử, văn hóa và tôn giáo tín ngưỡng. Điều đó được thể hiện qua sự có mặt của các di tích thờ Tứ phủ gắn với các trung tâm buôn bán của người Kinh dọc tuyến quốc lộ 1A, sự đa dạng về nguồn gốc của các ngôi đền, đặc biệt là sự thống nhất trong bài trí điện thần cũng như trong thực hành nghi lễ hầu đồng. Là một trong những cái nôi của sự hình thành tín ngưỡng tứ phủ ở miền núi, tín ngưỡng Tứ phủ ở Lạng Sơn mang đậm dấu ấn lịch sử, xã hội và văn hóa xứ Lạng, từ đó góp phần quan trọng vào việc cố kết cộng đồng, tộc người và phát triển các loại hình du lịch ở Lạng Sơn, nhất là loại hình du lịch tâm linh. Từ khóa: Tín ngưỡng Tứ phủ, đền thờ Tứ phủ, văn hoá xứ Lạng, Lạng Sơn Abstract With its own characteristics, the belief in the Four Realms in Lang Son province has contributed to the cultural appearance of Lang area in aspects of history, culture and religions. This is reflected in the presence of Four Realms worshiping monuments associated with the trading centers of Kinh people along National Highway 1A, the diversity of the origins of temples, especially the unification in the decoration of the sanctuary as well as in ritual practices in Hau Dong. As one of the cradles of the formation of Four Realms belief in the mountain areas, the Four Realms belief in Lang Son bears a strong impression of history, society and culture of Lang area, thereby making an important contribution to the cohesion of community and ethnic groups and tourism development in Lang Son, especially spiritual tourism. Keywords: Belief of Four Realms, Four Realms temple, culture of Lang area, Lang Son Trong truyền thuyết về Mẫu Liễu Hạnh thì Lạng Sơn là một trong số 5 địa phương (Nam Định, Lạng Sơn, Hà Nội, Nghệ An, Thanh Hóa) được gắn với sự xuất hiện của Mẫu Liễu Hạnh. Tác phẩm Vân Cát thần nữ truyện của Đoàn Thị Điểm kể rằng: Sau khi rời trần ở làng Vân Cát (Vụ Bản, Nam Định), Mẫu Liễu Hạnh (lúc đó còn là Tiên chúa) đã biến hóa thoắt ẩn thoắt hiện, phù hộ cho cha mẹ, chồng con. Khi cha mẹ và chồng đều khuất núi, con cái thành nhân, Tiên chúa không còn vướng bận nên mới đi chu du thiên hạ, “tìm nơi danh thắng, đem cảnh núi non làm cảnh gia tiên”. Đó là nguyên cớ cho cuộc gặp gỡ kỳ lạ giữa Tiên chúa và Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan cùng đoàn sứ bộ tại một ngôi chùa cổ ở đất Lạng Sơn, nhờ đó mà ngôi chùa cổ đó đã được tu sửa lại [8, tr.445-469]. Trong thực tế, Lạng Sơn là một trong số ít tỉnh miền núi có sự hiện diện dày đặc các di tích thờ Mẫu Liễu Hạnh gắn với tín ngưỡng Tứ phủ, đồng thời là một trong những điểm đến quan trọng trong các cuộc hành hương “về với Mẫu” của các con nhang đệ tử. Bài viết bắt đầu từ việc phác thảo những nét cơ bản của tín ngưỡng Tứ phủ của Lạng Sơn, lấy đó làm cơ sở để bàn về vai trò, vị trí của tín ngưỡng Tứ phủ trong văn hóa xứ Lạng. * PGS.TS, Viện Nghiên cứu Văn hóa, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam Số 31 (Tháng 3 - 2020)46 NGHIÊN CỨUVĂ N HÓA 1. Diện mạo tín ngưỡng Tứ phủ ở Lạng Sơn 1.1. Di tích thờ Tứ phủ ở Lạng Sơn gắn với các trung tâm buôn bán của người Kinh dọc tuyến quốc lộ 1A Di tích thờ Tứ phủ ở Lạng Sơn hiện nay bao gồm rất nhiều di tích cũ (xây dựng trước năm 1945) và mới (chủ yếu xây dựng từ sau năm 2005 trở lại đây), có thể tạm phân thành hai nhóm lớn: (1) Nhóm di tích thờ Tứ phủ ở các huyện dọc tuyến quốc lộ 1A lên đến Đồng Đăng: Phần lớn các di tích được xây dựng vào những thời điểm khác nhau từ trước năm 1945 với 04 cụm di tích như sau: - Cụm di tích thuộc huyện Hữu Lũng: gồm 10 di tích dọc theo quốc lộ 1A, thuộc các xã Tân Thành, Hòa Lạc, Hòa Thắng, Hòa Sơn, thị trấn Hữu Lũng. Hầu hết đều là di tích cổ, chỉ có 01 di tích mới là đền Ba Nàng thuộc xã Cai Kinh (xây dựng sau năm 1979). Trong đó có nhiều ngôi đền nổi tiếng như đền Công đồng Bắc Lệ, đền Chầu Bé, đền Đèo Kẻng (xã Tân Thành), đền Chầu Lục, đền Quan Giám Sát (xã Hòa Lạc), đền Suối Ngang, đền Cà Phê (xã Hòa Thắng) - Cụm di tích thuộc huyện Chi Lăng: Gồm 05 di tích thuộc thị trấn Chi Lăng và thị trấn Đồng Mỏ. Nổi tiếng có đền Suối Lân (thị trấn Chi Lăng), đền Chầu Bát và đền Chầu Mười (thị trấn Đồng Mỏ). - Cụm di tích thuộc thành phố Lạng Sơn: Gồm 11 di tích cổ và 02 di tích mới. Trong 11 di tích cổ, nổi tiếng nhất là các ngôi đền nằm cạnh sông Kỳ Cùng như: đền Kỳ Cùng (phường Vĩnh Trại), đền Cửa Đông và đền Cửa Bắc - Ngũ Nhạc linh từ (phường Chi Lăng) 02 di tích mới là đền Đức Thánh Trần (phường Tam Thanh, xây dựng năm 2012) và đền Chúa Thượng Ngàn (phường Chi Lăng, xây dựng năm 2010). - Cụm di tích thuộc huyện Cao Lộc: Gồm 02 di tích đều thuộc thị trấn Đồng Đăng là đền Cô Bé mới tôn tạo năm 2009 từ miếu Cô và đền Mẫu Đồng Đăng, một ngôi đền cổ nổi tiếng nằm sát biên giới Việt - Trung. (2) Nhóm di tích thờ Tứ phủ ở các huyện khác: Theo thống kê sơ bộ, hầu hết các huyện khác trong tỉnh Lạng Sơn đều có di tích Tứ phủ, phần lớn mới được xây dựng vào những năm gần đây. Cụ thể: Huyện Lộc Bình: 02 di tích, trong đó 01 di tích mới; huyện Tràng Định: 07 di tích, trong đó 05 di tích mới; huyện Văn Lãng: 02 di tích mới; huyện Bình Gia: 01 di tích mới; huyện Bắc Sơn: 01 di tích mới2. Có thể nhận thấy điểm chung của các nhóm và cụm di tích thờ Tứ phủ ở Lạng Sơn là phần lớn đều nằm trên trục đường quốc lộ 1A, gắn với vị trí các ga xe lửa (Bắc Lệ, Đồng Mỏ, Đồng Đăng) hoặc ở các trung tâm buôn bán đông dân cư (thị trấn Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn, thị trấn Thất Khê). Đây là những tụ điểm tập trung đông người Kinh làm nghề kinh doanh buôn bán. Như vậy, sự xuất hiện các ngôi đền Tứ phủ ở Lạng Sơn có thể là gắn với sự có mặt của người Kinh làm nghề buôn bán ở đây từ những thời điểm khác nhau trong lịch sử. Điều này có liên quan đến đặc điểm Lạng Sơn là một tỉnh miền núi có con đường huyết mạch thông thương biên giới, đặc biệt là từ sau khi có tuyến đường sắt Hà Nội - Lạng Sơn. Tương truyền, tiền thân của đền Bắc Lệ là ngôi miếu thờ Mẫu Thượng ngàn, quá trình Tứ phủ hóa là vào khoảng đầu thế kỷ XX gắn với việc ra đời nhà ga Bắc Lệ [12]. Các ngôi đền mới xuất hiện gần đây phần lớn cũng là do các bà đồng người Kinh làm nghề buôn bán công đức xây dựng, chẳng hạn như các ngôi đền mới ở các xã Đề Thám và xã Kháng Chiến của huyện Tràng Định. Các bà đồng ở đây vốn là người Kinh gốc Thái Bình, làm nghề buôn bán nhỏ3. Một số huyện ở ven quốc lộ 1B như Bắc Sơn, Văn Quan (Lạng Sơn) và huyện Võ Nhai (Thái Nguyên) đều ít đền và không có các đền Tứ phủ cổ. Điều này có thể được giải thích là trước đây tuyến đường này nhiều núi non, đi lại hiểm trở, ở đèo Tam Canh thường có cướp nên thương lái người Kinh ít qua lại. 1.2. Các ngôi đền thờ Tứ phủ ở Lạng Sơn thường có nguồn gốc là di tích cổ của địa phương Đây là đặc điểm nổi bật của các di tích thờ Tứ phủ ở Lạng Sơn. Phần lớn các di tích đều 47Số 31 (Tháng 3 - 2020) TÔN GIÁO - TÍN NGƯỠNG NGHIÊN CỨUVĂ N HÓA được tôn tạo hoặc xây dựng mới trên cơ sở các ngôi miếu nhỏ của địa phương với những nguồn gốc khác nhau. Cụ thể: (1) Nhóm các ngôi đền kế thừa từ di tích thờ thần tự nhiên: Điển hình là hệ thống các ngôi đền cổ ở khu vực thành phố Lạng Sơn có nguồn gốc là thờ thần sông Kỳ Cùng như đền Kỳ Cùng, đền Cửa Đông. Các ngôi đền khác như đền Cửa Tây, đền Cửa Bắc đều có tên gọi khác là Ngũ Nhạc linh từ (đền Cửa Tây) hoặc Ngũ Nhạc từ (đền Cửa Bắc) thì lại gợi nên nguồn gốc thờ thần núi của nó, trong đó, đền Cửa Bắc cũng thờ cả thần sông Kỳ Cùng. Ngoài ra, ngôi đền Mẫu ở Đồng Đăng khởi thủy là thờ Mẫu Cửu Trùng có lẽ có nguồn gốc từ tín ngưỡng thờ Trời. (2) Nhóm các ngôi đền thờ người có công: Các ngôi đền này chiếm phần lớn trong số các đền thờ Tứ phủ ở Lạng Sơn, nhiều nhất là các ngôi đền thờ Đức Thánh Trần. Chẳng hạn, đền Đức Thánh Trần ở thị trấn Thất Khê có nguồn gốc từ ngôi miếu nhỏ thờ Hưng Đạo Đại Vương của dân phố chợ, sau được cơi nới rộng ra như hiện nay. Hoặc theo truyền lại thì đền Đức Thánh Trần ở phường Hoàng Văn Thụ (thành phố Lạng Sơn) được xây lên từ sự tranh chấp của người Kinh và người Hoa ở chợ Kỳ Lừa về việc đứng cái đối với đền Tả Phủ4 Trong khi đó, đền Đức Thánh Trần (thị trấn Bình Gia) có nguồn gốc từ một ngôi đình làng. Cổ nhất trong dạng đền này có lẽ là đền Công đồng Bắc Lệ gắn với sự tích Bà chúa Thượng Ngàn La Bình công chúa con Tản Viên Sơn Thánh, có công âm phù Lê Lợi giết giặc ngoại xâm [8, tr.222-223]. Tiếp đến là các đền Chầu Bát, Chầu Lục, Chầu Mười, đều gắn với sự tích thờ người có công đánh giặc. Ngoài ra, còn có đền Vĩnh Trại ở thành phố Lạng Sơn thờ một vị tướng thời Lê sơ có tên là Lê Công Chí, hoặc đền Cà Phê (huyện Hữu Lũng) trong hậu cung thờ mẫu bản địa có tên Đặng Thị Tươi, có lẽ là một người có công với làng Tất cả các di tích thuộc nhóm này đều phối thờ Mẫu Tứ phủ. (3) Nhóm các ngôi đền/miếu thờ “Cô”: Những ngôi đền/miếu này được lưu lại nguồn gốc linh thiêng qua truyền thuyết, hoặc qua tên gọi. Chẳng hạn, tương truyền đền Suối Ngang (huyện Hữu Lũng) thờ một cô gái chết trẻ linh thiêng, hoặc tên gọi một số ngôi đền thờ Cô Chín Thượng Ngàn như miếu Cô Chín (huyện Chi Lăng), đền Cô (phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn) đều gợi đến nguồn gốc thờ các cô gái chết trẻ. Tương tự, đền Cô (thị trấn Đồng Đăng) có nguồn gốc từ miếu Cô; đền Cô Bơ (thị trấn Lộc Bình) có nguồn gốc là miếu Cô Bơ. Gần đây có đền Ba Nàng (huyện Hữu Lũng) tương truyền thờ ba cô gái trẻ linh thiêng chết trong chiến tranh. (4) Nhóm các ngôi đền được tôn tạo từ các ngôi miếu thờ Thổ công và đình làng: Điển hình là các ngôi miếu Thổ công ở thôn Bản Nằm (xã Kháng Chiến), thôn Bản Cáu (xã Đề Thám) của huyện Tràng Định với tên gọi là “miếu Chúa Sơn Lâm”, sau khi Tứ phủ hóa thì thành nơi thờ Chúa Thượng Ngàn. Ngoài ra, còn có trường hợp đền Mẫu của thị trấn Thất Khê lúc đầu ở rìa thị trấn, sau lụt lội được dân di dời sáp nhập vào ngôi đình nhỏ và biến ngôi đình thành đền Mẫu hiện nay. Vị Thành hoàng của ngôi đình này là Quý Minh đại vương sau đó được thờ chung vào bát hương Công đồng, khi làm lễ vẫn được khấn là “Thành hoàng đại vương”. (5) Các ngôi đền xây mới hoàn toàn: Số này không nhiều, phần lớn là đền thờ Đức Thánh Trần và đền Mẫu (như đền Đức Thánh Trần và đền Mẫu của thị trấn Na Sầm, huyện Bình Gia và đền Đức Thánh Trần ở phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn). Có thể nhận thấy, sự đa dạng trong điện thờ của các ngôi đền thờ Tứ phủ ở Lạng Sơn có nguyên do từ sự đa dạng về nguồn gốc của các di tích này. Với ý nghĩa đó, chúng tôi cho rằng, rất có thể nhiều trong số 17 ngôi đền thiêng được ghi trong Lạng Sơn Đoàn thành đồ của Nguyễn Nghiễm đã được Tứ phủ hóa theo thời gian. Chính vì vậy, việc giải mã nguồn gốc các ngôi đền thờ Tứ phủ dọc quốc lộ 1A thực sự có ý nghĩa đối với việc tìm về cội nguồn lịch sử của các ngôi đền thiêng dọc tuyến đường đi sứ của các đoàn sứ bộ trong quá khứ5. Số 31 (Tháng 3 - 2020)48 NGHIÊN CỨUVĂ N HÓA 1.3. Điện thần Tứ phủ ở Lạng Sơn thể hiện sự thống nhất của mô hình Phật - Tứ phủ - Thánh Trần Sự thống nhất kết tập Phật - Tứ phủ - Thánh Trần là nét nổi bật trong bài trí điện thần của hầu hết các ngôi đền thờ Tứ phủ ở Lạng Sơn. Theo đó, bài trí chung cho điện thần của các ngôi đền Tứ phủ ở Lạng Sơn hiện nay là: * Đối với các ngôi đền thờ Tam tòa Thánh Mẫu: Phật (trên cao), Mẫu (trong cung cấm), bên ngoài thờ Công đồng, Trần Triều và các vị khác trong Tứ phú. * Đối với các ngôi đền thờ Đức Thánh Trần: Cung cấm gồm bát hương thờ Phật (trên cao) và ban thờ Đức Thánh Trần, từ cung ngoài đổ ra thờ Tam tòa Thánh Mẫu và các ban trong Tứ phủ. Có thể nhận thấy, việc kết tập Phật và Mẫu vào đền thờ Đức Thánh Trần là một nét riêng của các di tích thờ Tứ phủ ở Lạng Sơn. * Đối với các ngôi đền có bản đền là các vị thần khác trong Tứ phủ: Tùy vào quy mô, diện tích của từng ngôi đền mà việc bài trí điện thần có sự khác nhau, nhưng tựu trung, đền nào cũng hội đủ 3 yếu tố Phật - Mẫu - Thánh Trần. Chẳng hạn, ở đền Kỳ Cùng và đền Cửa Đông, ngoài cung chính thờ bản đền (Quan Lớn Tuần Tranh) người ta còn xây thêm 1 cung bên cạnh thờ Phật và Tứ phủ. Với ngôi đền mới thờ Chúa Thượng Ngàn như ở Bản Nằm (huyện Tràng Định) thì bài trí theo trục dọc, trên cao nhất là Phật, tiếp đến là Công đồng, Mẫu và tượng chúa bản đền, ban Trần Triều được xây thêm ở bên cạnh. Trừ đền Bắc Lệ có thờ thêm Phật Thích Ca còn hầu hết các đền Tứ phủ ở Lạng Sơn chỉ thờ Phật Bà Quan Âm. Tùy từng ngôi đền mà có nơi người ta đặt pho tượng Phật Bà nhỏ bằng sứ (như ở miếu Bản Nằm), có nơi đặt ảnh, có nơi đắp phù điêu (như ở đền Kỳ Cùng, đền Cửa Đông), hoặc cũng có nơi chỉ cần đặt bát hương (như ở một số đền thờ Đức Thánh Trần). Có thể nhận thấy sự kết tập thờ Phật vào điện thần Tứ phủ là hiện tượng khá phổ biến ở nhiều địa phương. Tuy nhiên, sự kết tập một cách thống nhất Phật (Phật Bà) - Tứ phủ - Thánh Trần lại là một nét riêng chỉ có ở hầu như tất cả các ngôi đền thờ Tứ phủ của Lạng Sơn. 1.4. Sự đa dạng trong thực hành nghi lễ hầu đồng Ở Lạng Sơn hiện nay vẫn tồn tại các hình thức khác nhau trong thực hành nghi lễ hầu đồng. Điều đó liên quan đến lứa tuổi và điều kiện kinh tế của người hầu đồng và nhất là còn liên quan đến địa điểm của các ngôi đền. Cụ thể, đối với những ngôi đền to nằm ở các trung tâm buôn bán sầm uất, việc thực hành nghi lễ hầu đồng giống như ở miền xuôi cả về lễ lạt, phát lộc cũng như cung văn. Tuy nhiên, đối với những ngôi đền nhỏ ở các huyện như ở Thất Khê (Tràng Định), hiện vẫn tồn tại các hình thức hầu đồng khác nhau: * Hầu vo (hầu không cung văn): Đó là các vấn hầu của lứa các bà đồng già. Do ở đây hiếm cung văn nên khi có việc gấp, không kịp đón cung văn, hoặc bởi ít kinh phí, nên để tiết kiệm, họ thường hầu vo (còn gọi là hầu chay) tức hầu không có cung văn. Thay vào đó, một bà cầm trống gõ và hát ngân nga theo nhịp các bài hát văn theo kiểu riêng. Với những vấn hầu này, lễ lạt thường đơn giản, lộc phát được đại trà cho tất cả mọi người tham dự theo một quy ước ngầm đối với các giá6. Chi phí cho một vấn hầu như vậy khoảng trên dưới 3 triệu đồng. Đây là lối hầu phổ biến trước đây, nay đã trở thành một dạng hầu theo kiểu “truyền thống” của địa phương. * Hầu có cung văn là người ở địa phương: Hiện ở Thất Khê chỉ có một vị cung văn già từ Tuyên Quang sang định cư. Ông này vừa hát vừa tự đệm đàn nguyệt nhưng không thuộc bài nên khi hát phải nhìn sách, thường chỉ được các bà đồng địa phương mời hát khi thật cần thiết. Thù lao phục vụ một vấn hầu của ông này chỉ khoảng chừng trên dưới 500 nghìn đồng. * Hầu có mời cung văn từ địa phương khác: Đó là các vấn hầu “có đầu tư”, đối tượng là lớp đồng trẻ, có điều kiện và cũng muốn “bằng bạn bằng bè”, hoặc là của các đồng vãng lai đến giải hạn cho người dân địa phương. Do ở Thất Khê không có cung văn chuyên nghiệp nên họ phải mời cung văn từ Cao Bằng xuống hoặc từ Bắc Giang lên, chi phí cho cả nhóm cung văn khoảng 5 - 6 triệu đồng, cộng với 49Số 31 (Tháng 3 - 2020) TÔN GIÁO - TÍN NGƯỠNG NGHIÊN CỨUVĂ N HÓA vàng mã (5 - 8 triệu đồng), công Tứ trụ, lễ lạt, phát lộc,... khoảng trên dưới 20 triệu đồng. Sự đa dạng trong thực hành nghi lễ hầu đồng ở các ngôi đền thờ Tứ phủ ở Lạng Sơn cho thấy bức tranh đa dạng về thành phần các ông bà đồng, qua đó phản ánh đặc điểm của thực hành nghi lễ Tứ phủ hiện nay ở Lạng Sơn. 2. Vai trò, vị trí của tín ngưỡng Tứ phủ trong văn hóa xứ Lạng Với những đặc điểm cơ bản như trên, có thể thấy, tín ngưỡng Tứ phủ đã góp phần quan trọng làm nên diện mạo của văn hóa xứ Lạng và trở thành một phần không thể thiếu của văn hóa xứ Lạng. 2.1. Phản ánh lịch sử vùng đất xứ Lạng Sự xuất hiện các di tích thờ Tứ phủ ở Lạng Sơn trước hết gắn với lịch sử vùng đất xứ Lạng, với vị thế là nơi có con đường huyết mạch xuyên biên giới, từ lâu đã được biết đến là tuyến đường đi sứ của các sứ bộ. Truyền thuyết sứ thần Phùng Khắc Khoan gặp gỡ Liễu Hạnh công chúa tại một ngôi chùa cổ ở Lạng Sơn là phản ánh sự có mặt từ rất sớm các di tích thờ Tứ phủ ở Lạng Sơn dọc tuyến đường đi sứ của các sứ thần. Cuốn Lạng Sơn Đoàn thành đồ được biên soạn vào thế kỷ XVIII cho biết Lạng Sơn khi đó có tới 17 ngôi đền thiêng. Theo lệ, trên đường đi sứ, “Quan hộ tống cùng các phu gánh được cấp tiền ở các kho bạc của trấn để chuẩn bị lễ vật yết cáo ở các đền ven đường đi như đền Quỷ Môn, đền Hổ Lao, đền Cao Bá, miếu Hội đồng, đền Pha Long, đền Kỳ Cùng, đền Phục Ba, đền Pha Duy, đền Mao Tường” [5, tr.222-223]. Trong các ngôi đền kể trên, đền Kỳ Cùng được cho là “rất linh thiêng” nên “Phàm có các đoàn đi sứ với ngựa đến đây đều phải vào yết cáo” [5, tr.224]. Như vậy, từ lâu đền Kỳ Cùng đã nổi tiếng linh thiêng gắn với hành trình đi sứ của các sứ thần. Là vùng đất biên ải, nơi từng diễn ra những cuộc giao tranh quyết liệt giữa quân đội của hai bên trong suốt chiều dài lịch sử nên Lạng Sơn cũng là nơi có nhiều đền miếu thờ các tướng sĩ. Sự xuất hiện các ngôi đền Tứ phủ như Chầu Lục, Chầu Mười, Chầu Bát,... gắn với chiến tích đánh giặc ngoại xâm ở khu vực Hữu Lũng, Chi Lăng, Đồng Mỏ chính là phản ánh một phần thực tế lịch sử đó của vùng biên ải. Mặt khác, như đã trình bày, sự có mặt các ngôi đền thờ Tứ phủ ở Lạng Sơn còn gắn bó chặt chẽ với sự ra đời tuyến đường sắt Hà Nội - Lạng Sơn, qua đó phản ánh lịch sử thông thương vùng biên mậu một thời. Theo truyền lại thì tiền thân của đền Công đồng Bắc Lệ là một am thờ nhỏ vốn là nơi thu gom các ngôi miếu ở khu vực ga Bắc Lệ, còn sự linh thiêng của am thờ được bắt đầu từ những điềm báo linh ứng cho ông ký ga họ Nguyễn ở đây. Văn bia đền Bắc Lệ khắc năm Khải Định thứ 4 (1919) cũng cho biết, trước đó, đền Bắc Lệ chỉ là một am thờ nhỏ. Năm 1919, được sự cung tiến của ông Trần Khải Bân, một người Trung Quốc sống ở Hải Phòng, cùng vợ là Nguyễn Thị Hiệp và một số thanh đồng, đền Bắc Lệ đã được xây dựng thành một ngôi nhà ba gian gồm 3 cung: đệ nhất, đệ nhị, đệ tam (cung cấm) [8, tr.186]. Cuối cùng, với ý nghĩa là “chốn tổ”, tín ngưỡng Tứ phủ ở Lạng Sơn còn góp phần phản ánh lịch sử hình thành của tín ngưỡng Tứ phủ của người Việt ở khu vực miền núi. Căn cứ vào lịch sử các ngôi đền, có thể nhận biết được sự lan tỏa của tín ngưỡng Tứ phủ với tư cách là của tín ngưỡng thương nghiệp, tới những vùng sâu, vùng xa của Lạng Sơn. Chẳng hạn, có thể nhận ra hai giai đoạn hình thành và phát triển chính của đền Công đồng Bắc Lệ: Giai đoạn một (tạm lấy mốc từ năm 1902 trở về trước) gắn với tín ngưỡng bản địa thờ bà chúa bản đền Mẫu Thượng Ngàn La Bình công chúa, thuộc tín ngưỡng nông nghiệp; giai đoạn hai (từ sau năm 1902) gắn với sự kết tập hệ thống Công đồng Tứ phủ, thuộc tín ngưỡng thương nghiệp. Lạng Sơn là một trong những tỉnh miền núi có sự giao thương buôn bán phát triển từ sớm, đặc biệt là giao thương buôn bán với nước ngoài. Vì vậy, việc tích hợp tín ngưỡng Tứ phủ của người Việt vào tín ngưỡng của địa phương để hình thành nên đền Công đồng Bắc Lệ là phản ánh sự phát triển tất yếu của kinh tế thương nghiệp của vùng đất này. Và như vậy, ngoài ý nghĩa linh thiêng được truyền tụng, đền Bắc Lệ còn phản ánh sâu sắc lịch sử hình thành, lan tỏa tín ngưỡng Tứ phủ Số 31 (Tháng 3 - 2020)50 NGHIÊN CỨUVĂ N HÓA của người Việt ở miền núi nói chung và ở Lạng Sơn nói riêng. 2.2. Phản ánh đặc điểm giao lưu hội nhập của tôn giáo tín ngưỡng xứ Lạng Với vị trí địa lý đặc biệt, xứ Lạng được các nhà nghiên cứu đánh giá là nơi mà từ thời cổ đại
Tài liệu liên quan