Tình hình sở hữu ruộng đất ở Tiền Hải (Thái Bình) nửa đầu thế kỷ XIX

1. Đặt vấn đề Tháng 9 năm 1828, huyện Tiền Hải chính thức được thành lập sau một quá trình khẩn hoang đầy gian khổ của nhân dân ta. Vậy sau khẩn hoang, ruộng đất ở vùng này thuộc về sở hữu công hay tư, là công điền hay tư điền? Và đề nghị của Nguyễn Công Trứ - người có công lãnh đạo công cuộc khẩn hoang này: “Đất đai vỡ hoang sau 3 năm thành ruộng đều chiếu theo lệ tư điền mà đánh thuế” có được chấp nhận và thực hiện trong thực tế không? Đó là những vấn đề được các nhà nghiên cứu quan tâm và tìm cách trả lời. Song trên thực tế có không ít những ý kiến khác nhau, thậm chí trái ngược. Điều đó cũng phần nào cho thấy sự phức tạp, tính đa dạng trong phương thức phân phối sở hữu ruộng đất nơi đây sau quá trình khai khẩn.

pdf6 trang | Chia sẻ: thanhle95 | Lượt xem: 17 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Tình hình sở hữu ruộng đất ở Tiền Hải (Thái Bình) nửa đầu thế kỷ XIX, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE Social Sci. Science., 2010, Vol. 55, No. 7, pp. 82-87 TÌNH HÌNH SỞ HỮU RUỘNG ĐẤT Ở TIỀN HẢI (THÁI BÌNH) NỬA ĐẦU THẾ KỶ XIX Nguyễn Thị Mỹ Hạnh Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 1. Đặt vấn đề Tháng 9 năm 1828, huyện Tiền Hải chính thức được thành lập sau một quá trình khẩn hoang đầy gian khổ của nhân dân ta. Vậy sau khẩn hoang, ruộng đất ở vùng này thuộc về sở hữu công hay tư, là công điền hay tư điền? Và đề nghị của Nguyễn Công Trứ - người có công lãnh đạo công cuộc khẩn hoang này: “Đất đai vỡ hoang sau 3 năm thành ruộng đều chiếu theo lệ tư điền mà đánh thuế” có được chấp nhận và thực hiện trong thực tế không? Đó là những vấn đề được các nhà nghiên cứu quan tâm và tìm cách trả lời. Song trên thực tế có không ít những ý kiến khác nhau, thậm chí trái ngược. Điều đó cũng phần nào cho thấy sự phức tạp, tính đa dạng trong phương thức phân phối sở hữu ruộng đất nơi đây sau quá trình khai khẩn. 2. Nội dung nghiên cứu Chúng ta có thể tạm chia thành hai luồng ý kiến khác nhau: một bên cho rằng đầu thế kỷ XIX, ở Tiền Hải chỉ tồn tại công điền thổ (khác với Kim Sơn là tư điền quân cấp); còn một bên thì khẳng định ở Tiền Hải, ngay từ buổi đầu khai khẩn, chế độ tư hữu đã xuất hiện song song với chế độ ruộng công. Đại diện cho luồng ý kiến thứ nhất phải kể đến Văn Tân, Nguyễn Văn Đa, Vũ Huy Phúc. Văn Tân trong Nguyễn Công Trứ và những việc ông làm hồi thế kỷ XIX, tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 152, năm 1973 đã viết: “Chủ trương của Nguyễn Công Trứ là người nào khai phá được bao nhiêu mẫu, sào đều cho nhận làm ruộng tư, bị triều đình bác bỏ, biến thành công điền công thổ như ở huyện Tiền Hải” [1]. Hay theo Nguyễn Văn Đa trong Nguyễn Công Trứ, nhà khẩn hoang lỗi lạc của thế kỷ XIX, tạp chí nghiên cứu Kinh tế số 47, năm 1969 thì nhà Nguyễn quy định ruộng đất mới khai khẩn ở Tiền Hải là công điền thổ và ở Kim Sơn là tư điền quân cấp. Và mấy năm sau trên tạp chí Nghiên cứu lịch sử số 5 (182) tháng 9 - 10/1978, với bài viết Mấy nhận xét sơ bộ về nhân vật lịch sử Nguyễn Công Trứ, Vũ Huy Phúc 82 Tình hình sở hữu ruộng đất ở Tiền Hải (Thái Bình) nửa đầu thế kỷ XIX đã đưa ra nhận định rằng: “Toàn bộ số ruộng khẩn hoang được ở Tiền Hải dưới sự trông nom và cung cấp của nhà nước thông qua Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ đều thuộc ngạch công điền” [2]. Nếu căn cứ theo luồng ý kiến thứ nhất này, rõ ràng là chưa phản ảnh hết được sự phong phú, đa dạng trong thực tế của tình hình sở hữu ruộng đất ở địa phương. Hơn thế, bản thân những ý kiến đó cũng chưa làm nổi rõ nội dung giai cấp và đấu tranh giai cấp ẩn giấu đằng sau chế độ sở hữu ruộng đất đang hình thành ngày một phức tạp. Qua quá trình khảo sát thực tiễn, đặc biệt là dựa trên nguồn tư liệu địa phương (nhất là các văn bia còn sót lại), các nhà nghiên cứu đã dần dần đi đến luồng ý kiến thứ 2: ở Tiền Hải, ngay từ buổi đầu khai khẩn, chế độ tư hữu đã xuất hiện song song với chế độ ruộng công; và điều đó không phải ngẫu nhiên mà là sự phát triển tất yếu của lịch sử chế độ sở hữu ruộng đất cũng như đấu tranh giai cấp thế kỷ XIX. Theo Pierre Gourou trong Les paysansdu del ta Tonkinois, [3;209]: ở Tiền Hải sau khi khẩn xong mỗi người được 1 mẫu tư thổ trạch, 8 sào tư thổ ương, xem là đất thế nghiệp. Nhưng nếu chết không có con thừa kế thì được được giao nộp cho làng để phân chia cho người khác. Đặc biệt, P. Gourou cũng lưu ý rằng: đất thế nghiệp là một “hình thức tư hữu đặc biệt”, không được bán, chỉ được cầm cố thôi. Song việc cấm đem bán chỉ ở đây chỉ có ý nghĩa trên giấy tờ còn trong thực tế thì không có gì khác nhau giữa mua bán và cầm cố. Cứ hết hạn cầm đợ 3 năm, người ta chỉ cần làm lại văn tự và cuối cùng “người dân đinh tự do trước đây đã hoàn toàn biến thành người tá điền của chủ nợ” [3]. Và điều đáng nói là ý kiến của P.Gourou về sự tồn tại song song của tư điền và công điền là hoàn toàn phù hợp với những tài liệu phát hiện được ở nhiều làng xã trong quá trình khảo sát điền dã tại Tiền Hải. Trên tấm bia “Đức cơ bi ký” dựng tại đình làng Đức Cơ (nay là xã Đông Cơ, huyện Tiền Hải) vào năm Bảo Đại thứ 15 (1939) đã ghi lại quá trình khai hoang lập làng và tình hình ruộng đất như sau: “Bấy giờ Nguyễn tướng công vâng mệnh đánh dẹp, ông thấy miền duyên hải Nam Định, Ninh Bình có giải đất phù sa bát ngát ngàn trùng, đất đai khá màu mỡ. Ông về kinh làm sớ tâu lên, xin sung chức Doanh điền sứ, được triều đình ưng thuận, ông thân đến tận các nơi ấy, phỏng theo chế độ tỉnh điền thời cổ, phân hoạch cương giới lập thành lý, ấp, trại, giáp. . . định rằng 1 người làm nguyên mộ để chiêu dân, được 50 người thì lập làng, 30 người thì lập ấp, đắp đê khẩn ruộng lập xã hiệu. Từ đầu cho phép các vị nguyên mộ, tòng mộ mỗi người được cấp 1 mẫu thổ cư và 9 sào thổ ương làm thành tư điền quân nghiệp để thưởng công lao” Không những thế, chúng ta còn thấy sự xuất hiện của phần tư thổ, tư điền trên trong các gia phả của nhiều dòng họ nơi đây. Điển hình là gia phả họ Trần ở làng Nguyệt Lũ (nay là xã Tân Tiến, huyện Tiền Hải) hiện do tộc trưởng Nguyễn 83 Nguyễn Thị Mỹ Hạnh Duy Trinh giữ hay gia phả họ Nguyễn cùng làng do tộc trưởng Nguyễn Đôn giữ. Dưới đây là một đoạn chép trong gia phả họ Nguyễn thuộc làng Nguyệt Lũ: “Đời thứ 5, cụ Nguyễn Quýnh. Năm Minh Mệnh thứ 9 triều Nguyễn, theo Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ... cùng với ấp trưởng Trần Công Chức... ứng mộ tại bản xã. Đội ơn được cấp đất ở và đất gieo mạ 1 mẫu 8 sào tại xứ thổ cư. Cụ là tổ đầu tiên ở ấp mới này vậy”. Đoạn tiếp theo, cuốn gia phả họ Nguyễn còn chép lại rằng: “Đời thứ 6, Cụ Nguyễn Quỳnh, đời vua Minh Mệnh tòng ứng mộ tại bản xã, được hưởng nửa suất, đội ơn được cấp đất ở và đất gieo mạ 7 sào 5 miếng tại xứ thổ cư”. Điều ghi trên đây tiết lộ thêm cho ta biết lệ ban cấp tư điền thổ cho người “tòng ứng mộ” tức là người tiếp tục đến sau để khai khẩn, chỉ bằng một nửa suất của người “ứng mộ”, tức là người tham gia khai khẩn ngay từ đầu. Trải qua quá trình khảo sát thực tế, các nhà nghiên cứu còn tìm ra một nguồn tư liệu cực kỳ quan trọng để một lần nữa minh chứng cho sự xuất hiện của bộ phận ruộng đất tư hữu bên cạnh sự tồn tại của chế độ sở hữu ruộng công tại nơi đây. Đó chính là cuốn địa bạ làng Thanh Giám hiện đang được lưu trữ tại phòng truyền thống của xã Đông Lâm (huyện Tiền Hải). Cuốn địa bạ có lời cam đoan khai đúng sự thật do lý trưởng Phan Trọng Lan ký tên và Bố chánh Nguyễn Ất xét duyệt càng khẳng định tính chân thực và độ tin cậy của tư liệu này [4]. Cuốn địa bạ đã cung cấp cho chúng ta những số liệu quý giá về tình hình phân phối và sử dụng ruộng đất sau khẩn hoang của làng Thanh Giám như sau: - Tổng số ruộng đất của làng: 520 mẫu. - Tư điền: 420 mẫu đều là ruộng mùa, do dân làng cùng chia đều để cày cấy.(a) - Đất ở, đất mạ, đất làm đinh, trường học, kho, chuồng trâu: 100 mẫu tại xứ Văn Hải do dân làng cùng chia đều để ở và cày cấy. Các hạng đất này được chia ra: đất ở: 51 mẫu; đất mạ: 40 mẫu; đất làm đình, trường học, kho thóc, chuồng trâu: 9 mẫu.(b) - Đất ghềnh cao, khô cằn, bãi thả trâu, bãi thu mạ: 40 mẫu ở xứ Văn Hải.(c) - Mương ngòi, đường xá: 40 mẫu.(d) Địa bạ cũng chép thêm: “Tư điền 420 mẫu đều là ruộng mùa, dân làng cùng chia đều cho mọi người để cày cấy”. Nếu tính ra thì mỗi suất đinh ở đây được nhận 10 mẫu. Rõ ràng, trong tổng số 520 mẫu ruộng đất thì cuốn địa bạ chỉ ghi nhận 2 loại ruộng đất đầu tiên (a) (b), còn những loại ruộng còn lại không được tính trong tổng số ruộng đất 520 mẫu của làng. Nếu căn cứ theo đó, chúng ta sẽ có tỷ lệ % các loại hình sở hữu ruộng đất như sau: 84 Tình hình sở hữu ruộng đất ở Tiền Hải (Thái Bình) nửa đầu thế kỷ XIX Bảng 1. Bảng tỷ lệ các loại hình sở hữu ruộng đất của làng Thanh Giám sau khẩn hoang Stt Tên đất Loại sở hữu Diện tích Tỷ lệ % 1 Ruộng mùa Tư điền thổ 420 mẫu 80,8 2 Đất ở Tư thổ 51 mẫu 9,8 3 Đất mạ Tư thổ 40 mẫu 7,7 4 Đất làm đình, trường học, kho thóc, chuồng trâu Đất công hữu 9 mẫu 1,7 TỔNG 520 mẫu 100% Như vậy, trong tổng số 520 mẫu ruộng đất thì công điền chiếm có 1,7% diện tích đất và 98,3% số đất còn lại là tư điền thổ (trong đó tư điền chiếm 80,8% và tư thổ chiếm 17,5% tổng số ruộng đất). Qua những số liệu thu thập được ở làng Thanh Giám nêu trên đã chứng tỏ rằng: không phải toàn bộ ruộng đất khai hoang ở Tiền Hải đều là công điền thổ, mà trên thực tế tồn tại song song với ruộng đất công điền thổ là ruộng đất tư điền thổ. Chỉ có điều là tỷ lệ ruộng đất tư điền thổ ở các làng xã khác nhau thì không giống nhau. Trong cuốn: Người nông dân châu thổ Bắc Kỳ, P. Gourou sau quá trình khảo sát đã đưa ra 1 nhận xét chung rằng: các tổng ở ven biển biển có diện tích ruộng đất công lớn hơn các tổng xa biển vì đất đai ở đây không ổn định nên thường không biến thành ruộng tư. Ông đã lấy Tiền Hải làm một ví dụ: vào năm Minh Mệnh thứ 13, tổng số ruộng đất khai khẩn được là 18.900 mẫu, số đinh là 2.300 người, mỗi người được cấp bình quân 2 mẫu tư điền thế nghiệp, thì số ruộng công chiếm 75% tổng diện tích [5]. Vậy là, đặt trong bối cảnh chung của cả huyện Tiền Hải thì thực trạng ruộng đất tư hữu chiếm phần lớn (thậm chí gần như toàn bộ) ở làng Thanh Giám là không nhiều hoặc có thể chỉ là ngoại lệ, nhưng dù sao đi nữa nó cũng chứng tỏ cho chúng ta thấy được tính đa dạng trong chế độ sở hữu ruộng đất ở huyện Tiền Hải lúc bấy giờ. 3. Kết luận Có thể nói, từ sau khi huyện Tiền Hải chính thức được thành lập năm 1828 cho đến trước khi có sự can thiệp sâu của thực dân Pháp về vấn đề ruộng đất ở Bắc Kỳ thì nhìn chung ruộng đất công vẫn chiếm vị trí thống trị. Đây cũng là khẳng định chung của các nhà nghiên cứu từ trước đến nay. Nguyên nhân của tình trạng này theo chúng tôi là do nhiều yếu tố tác động: 85 Nguyễn Thị Mỹ Hạnh Thứ nhất là: do tính cộng đồng làng xã chặt chẽ trong việc bảo vệ ruộng đất công - vốn là sản phẩm khai hoang của cả tập thể làng xã. Thứ hai là: bản thân các làng xã cũng ý thức sâu sắc được tầm quan trọng của việc bảo vệ công điền, nhằm đảm bảo nhân lực cho công tác đê điều, thủy lợi – một nhiệm vụ có ý nghĩa sống còn đến sản xuất nông nghiệp nơi đây. Thứ ba là: Tiền Hải là một vùng đất mới. Hơn một nửa thế kỷ không phải là khoảng thời gian đủ dài để quá trình tư hữu có thể lấn át bộ phận ruộng đất sỡ hữu, chiếm hữu của làng xã. Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là ở đây chỉ tồn tại ruộng đất công, mà trên thực tế bên cạnh bộ phận ruộng công đó là bộ phận tư điền thổ. Song tỷ lệ ruộng công và tư giữa các tổng, làng trong huyện là không giống nhau tùy thuộc vào sự chi phối của nhiều yếu tố. Hay chăng là: những tư điền mà các nhà nghiên cứu nói đến ở đây chỉ là tư điền với nhà nước để hưởng thuế nhẹ (vì lúc này thuế tư điền nhẹ hơn thuế công điền có khi đến 3 lần), còn đối với tập thể người khai hoang lập nên làng xã mới thì nó vẫn là ruộng công và được phân phối theo phép nước hay lệ làng. Phải chăng bởi thế mà có hiện tượng: đa phần ở các làng thì ruộng công chiếm ưu thế nhưng cũng có làng ruộng tư chiếm tối đa mà làng Thanh Giám là một minh chứng. Điều đáng nói nữa là: dường như truyền thống dân chủ, bình đẳng của công xã nông thôn trước kia được sống lại trong các làng xã mới lập tại miền đất mới khai hoang này. Thực tế cho thấy ở làng Thanh Giám cũng như các làng khác, ruộng đất khai khẩn dành làm tư điền thổ được chia đều cho các suất đinh trong làng. Song tùy thuộc vào lệ làng mà tục lệ phân chia giữa các làng không giống nhau: Bảng 2. Bảng thống kê việc phân chia ruộng đất ở một số làng, ấp ở huyện Tiền Hải Stt Tên làng 1 suất Thổ cứ thênghiệp đ.c Thổ thế nghiệp Tổng cộng 1 Định Cư 1 suất 1m 9 sào 1 mẫu 1 sào 3 mẫu 2 Trinh Cát 1 suất 1m 1s 9 sào 2 mẫu 0 sào 3 Đức Cơ 1 suất 1m 1s 9 sào 1 mẫu 9 sào 4 Nguyệt Lũ 1 suất 1 mẫu 8 sào 1 mẫu 8 sào 5 Văn Hải 1 suất 1 mẫu 8 sào 1 mẫu 8 sào Nguồn: Theo các tài liệu: Đức Cơ bi ký ở xã Đức Cơ, Bài ca lập xã Đức Cơ, Nguyễn tộc phổ chữ ở làng Nguyệt Lũ, Minh Công trong tự bi ký ở làng Văn Hải (Tiền Hải) Phải chăng sự phân chia ruộng đất đều nhau cho mỗi suất đinh trong làng như thế phản ảnh sự đóng góp công sức lao động ngang nhau của nhân dân trong quá trình khai hoang. Và để được hưởng quyền lợi ấy phải kể đến quá trình đấu 86 Tình hình sở hữu ruộng đất ở Tiền Hải (Thái Bình) nửa đầu thế kỷ XIX tranh không mệt mỏi của nhân dân chống lại chính sách khôi phục công điền của triều đình nhà Nguyễn. Chính sự phân chia mang tính bình quân này đã góp phần quy định hình thức tư hữu nhỏ của chế độ tư điền thế nghiệp lúc bấy giờ. Nông dân tuy chưa thực hiện được trọn vẹn ước mơ của mình, nhưng được chia 2 mẫu tư điền thế nghiệp đối với những người dân phiêu tán đã là một niềm an ủi lớn thôi thúc họ phát triển sản xuất nông nghiệp, đưa cuộc sống đi vào thế ngày càng ổn định. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Văn Tân, 1973.Nguyễn Công Trứ và những việc ông làm hồi thế kỷ XIX. Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 152. [2] Vũ Huy Phúc, 1973. Mấy nhận xét sơ bộ về nhân vật lịch sử Nguyễn Công Trứ. Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 5(182). [3] Pierre Gourou, 1936. Les paysansdu del ta Tonkinois, Paris, tr. 209. [4] Số liệu dựa vào cuốn Điền hộ bạ, hiện đang lưu trữ tại phòng truyền thống xã Đông Lâm, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình, dày 21 trang. [5] Pierre Gourou, 1936. Les paysansdu del ta Tonkinois, Paris, tr. 220. ABSTRACT Land ownership status in Tien Hai (Thai Binh) in first half of the nineteenth century In september of 1828, Tien Hai District was formally established after a process full of hardships and emergency waste of our people. It can be said after the Tien Hai district was officially established in 1828 to come before the greater involvement of the French colonial land issues in the Northern States, generally, public lands still occupied dominant positions. But saying so does not mean there exists only public land, but in practice fields next to the department are a part of private sanctuaries. But the rate among public and private fields of the villages in the district depends on the control of many factors. 87