Tội và thương không phải Lan Khai sáng tác mà là Phỏng Dịch

Tóm tắt. Phần lớn nội dung và nghệ thuật tác phẩm Tội và thương của Lan Khai tương đồng với Nỗi sợ của S. Zweig. Sự khác biệt chỉ nằm ở một vài chi tiết như tên tác phẩm, tên nhân vật, lối diễn tả, một vài chi tiết trong kiểu nói. . . do vậy đây là tác phẩm phỏng dịch. Tuy nhiên, dù rất ít, nhưng sự khác biệt đã làm cho câu chuyện mang màu sắc Việt Nam, phù hợp với xã hội Việt Nam. Đây là những thành công của Lan Khai trong việc học tập, tiếp thu cái mới để phản ánh hiện thực mới của Việt Nam. Thành công của Tội và thương còn là sự cổ vũ cái mới, cổ vũ việc học tập, sáng tạo cái mới cho văn học. Đó cũng là một trong những vấn đề tâm huyết, là công việc mà Lan Khai thực hiện cho lý tưởng của mình vì một nền văn học Việt Nam phát triển

pdf7 trang | Chia sẻ: thanhle95 | Lượt xem: 233 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Tội và thương không phải Lan Khai sáng tác mà là Phỏng Dịch, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE Science Sci., 2011, Vol. 56, No. 8, pp. 17-23 TỘI VÀ THƯƠNG KHÔNG PHẢI LAN KHAI SÁNG TÁC MÀ LÀ PHỎNG DỊCH Nguyễn Văn Bao Trường Đại học Tây Bắc E-mail: baodhtb@gmail.com Tóm tắt. Phần lớn nội dung và nghệ thuật tác phẩm Tội và thương của Lan Khai tương đồng với Nỗi sợ của S. Zweig. Sự khác biệt chỉ nằm ở một vài chi tiết như tên tác phẩm, tên nhân vật, lối diễn tả, một vài chi tiết trong kiểu nói. . . do vậy đây là tác phẩm phỏng dịch. Tuy nhiên, dù rất ít, nhưng sự khác biệt đã làm cho câu chuyện mang màu sắc Việt Nam, phù hợp với xã hội Việt Nam. Đây là những thành công của Lan Khai trong việc học tập, tiếp thu cái mới để phản ánh hiện thực mới của Việt Nam. Thành công của Tội và thương còn là sự cổ vũ cái mới, cổ vũ việc học tập, sáng tạo cái mới cho văn học. Đó cũng là một trong những vấn đề tâm huyết, là công việc mà Lan Khai thực hiện cho lý tưởng của mình vì một nền văn học Việt Nam phát triển. 1. Mở đầu Nhiều người biết tới Lan Khai “nhà văn hiện thực xuất sắc” [5;1], “nhà văn đi tiên phong” [5;34] qua các tác phẩm như Đường rừng, Lầm than, Mực mài nước mắt. . . hoặc một số tác phẩm nghiên cứu, phê bình, dịch thuật của ông. Còn tác phẩm Tội và thương, tác phẩm tâm lý xã hội đặc sắc có nhiều ý nghĩa lại ít người biết tới, hoặc biết nhưng lại lầm tưởng là một sáng tác của Lan Khai. Trong “Nhà văn hiện đại”, phần viết về Lan Khai, nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Phan đã cho rằng Tội và thương là tác phẩm “viết phỏng theo một tiểu thuyết của nhà văn Áo Stefan Zweig” [3, tập 5;222] có tên là Nỗi sợ (La peur). Vậy, Stefan Zweig là ai? Tác phẩm Nỗi sợ của ông có giá trị gì để được Lan Khai “phỏng theo”? Và “ phỏng theo” ở đây có nghĩa như thế nào? 2. Nội dung nghiên cứu Từ nhận xét gợi ý của Vũ Ngọc Phan, chúng tôi đi tìm hiểu nhà văn S. Zweig và tác phẩm Nỗi sợ. Stefan Zweig là nhà văn, nhà báo, nhà viết kịch, viết tiểu sử người Áo nổi tiếng trên thế giới. Ông sinh ngày 28 tháng 11 năm 1881, trong một 17 Nguyễn Văn Bao gia đình khá giả gốc Do Thái tại Vienna (nay là Thủ đô nước Cộng hoà Austria), trung tâm văn hoá nghệ thuật vùng Trung Âu. Ông say mê du lịch và thơ ca, chịu ảnh hưởng của Dostoievski. Năm 1917, ông xuất bản tập truyện ngắn Những cảm xúc đầu tiên, đề cập tới vấn đề đạo đức. Trong thế chiến lần thứ nhất, ông viết bài cổ vũ sự đoàn kết của các dân tộc chống chiến tranh. Ông gần gũi các nhà văn cộng sản và thiện cảm với Liên Xô. Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, ông phải chạy ra nước ngoài. Ngày 22 tháng 2 năm 1942, tại Brasin, ông cùng vợ tự sát do dằn vặt nỗi nhớ quê hương. Về sáng tác văn học, S.Zweig viết nhều tác phẩm như Bức thư của người đàn bà không quen biết, Một truyện ngắn mùa hè, Người nữ gia sư, Điều bí mật khủng khiếp, Nỗi sợ, các tập tiểu sử về H. Balzac, C. Dichkens, F.Dostoevski. . . Các tác phẩm của ông thường tràn ngập lòng nhân ái và thể hiện óc phân tích tâm lý độc đáo. Romain Rolland coi ông là “một nghệ sỹ bẩm sinh”, là nhà văn “Yêu bằng trí tuệ và hiểu bằng trái tim”, còn M.Gorki gọi ông là tác giả của những tác phẩm thấm sâu “lòng nhân ái kỳ diệu đối với con người”. Tác phẩm Nỗi sợ (theo bản dịch của Trịnh Xuân Hoành, trong tập Điều bí mật khủng khiếp, Nxb Hội Nhà văn, 2006) là tác phẩm được viết năm 1920, một trong những thời kỳ sáng tác có thể nói là sung sức nhất của S.Zweig. Trước năm 1945, tác phẩm đã được đưa vào Việt Nam bằng bản tiếng Pháp do Alzir Hella dịch. Nội dung của tác phẩm có thể tóm tắt như sau: Iren là một phụ nữ có chồng là luật sư giỏi, giàu có, địa vị cao trong xã hội. Iren đã sống cùng chồng tám năm, có hai con, một trai, một gái. Do sống trong giàu có, nhàn nhã nhưng đơn điệu, nhàm chán, Iren đã tìm đến các điểm vui chơi giải trí, tìm hứng thú với những cái mới lạ. Iren bị khuất phục bởi những tài năng âm nhạc, sự hoang dại, buông thả, phóng túng của những gã nhạc công giỏi nhưng nghèo, rồi trở thành người tình của Idua. Prix, chồng của Iren biết, bố trí một phụ nữ giả làm người tình cũ của Idua theo dõi, doạ nạt, tống tiền, khủng bố tinh thần. . . làm cho Iren hoang mang, sợ hãi. Loay hoay, lúng túng tìm lối thoát, nhưng đều bế tắc, Iren định tìm giải thoát bằng cái chết nên đã mua thuốc độc chuẩn bị tự vẫn. . . Đúng lúc ấy, Prix xuất hiện, nhẹ nhàng tha thứ. Iren trở lại trong niềm vui được giải thoát, trong không khí vui vẻ, hồn nhiên, vô tư của các con, nhưng cũng nhói đau với một nỗi ân hận, day dứt. Từ nội dung của Nỗi sợ, tìm đến Tội và thương của Lan Khai (bản in của Nxb Văn nghệ TP HCM, 1996), chúng tôi thấy không có nhiều khác biệt. Tội và thương viết xong năm 1940. Tác phẩm kể về một phụ nữ tên Liên, có chồng là luật sư giàu có. Sống nhàn nhã, đơn điệu, Liên đã ngoại tình với một nhạc công. Chồng Liên là Trọng biết chuyện đã bố trí người theo dõi, khủng bố tinh thần. Liên sợ hãi, trốn tránh, định tìm tới cái chết bằng thuốc độc. Trọng kịp thời xuất hiện, tha thứ, động viên. Liên trở về với niềm vui nhẹ nhàng xen chút chua cay, hổ thẹn. Nhân vật trong hai tác phẩm khá tương đồng: cùng có bốn nhân vật chính: Iren (Liên) - người vợ; Prix (Trọng) - người chồng; Idua (Đàm) - người tình và người 18 Tội và thương không phải Lan Khai sáng tác mà là phỏng dịch phụ nữ đóng vai tình cũ của Idua (Đàm). Mối quan hệ các nhân vật đều xoay quanh người vợ, nhân vật trung tâm, qua đó bộc lộ tính cách. Tính cách nhân vật người vợ: sống trầm tính, mềm yếu, dễ xúc động, cả tin, yêu thương con cái; người chồng thông minh, khôn khéo; nhân vật người tình sống buông thả, thiếu trách nhiệm; nhân vật phụ nữ trong vai người tình cũ thì đanh đá, quyết liệt. . . Diễn biến tâm lý chỉ có ở nhân vật người vợ như lo lắng, hoang mang, lúc nào cũng có tâm trạng bất an, nhạy cảm, dễ xúc động, có lúc bất cần, buông thả. . . Đi sâu vào chi tiết lại thấy có nhiều điểm giống nhau. Lời văn kể chuyện, ngôn ngữ đối thoại có nội dung ý nghĩa cơ bản gần gũi. Mở đầu truyện Nỗi sợ: “Ra khỏi căn hộ người tình, bước xuống thang Iren lại thấy một nỗi sợ đột ngột và vô lý ập tới. Một con quay màu đen quay đảo trước mắt chị, đầu gối tê dại và chị buộc phải níu vội tay vịn cầu thang để khỏi bị ngã lao về phía trước” [7;5]. Tương tự ở Tội và thương: “Khi từ gian phòng trọ của tình nhân nàng bước ra, Liên bắt đầu xuống thang gác thì một sợ hãi đột ngột và vô cớ lại chiếm đoạt lấy nàng. Một chấm đen cứ quay tít trước mắt nàng. . . Đầu gối nàng như liệt hẳn; và nàng bắt buộc phải níu lấy tay vịn cầu thang, để khỏi thình lình ngã lao đầu xuống trước.” [6;3]. Một câu thoại ở Nỗi sợ: “Lạy chúa. . . chị làm sao thế? Chị nhầm rồi!...” [7;7]. Tương tự ở Tội và thương: “Trời ơi, cô. . . nhầm rồi!” [6;5]... Ở một đoạn văn khác: “Môi run run, Iren không nói được một lời nào và nỗi kích thích quá độ đã lộ rõ đến nỗi anh tình nhân hốt hoảng chỉ ấp úng hỏi: - Iren, em làm sao thế? – Và khi thấy vẻ sốt ruột của chị, anh nhún nhường hỏi tiếp: - Anh đã làm gì em” [7;41], tương tự, ở Tội và thương: “Cặp môi nàng run run không thốt ra được một tiếng. Sự kích thích của nàng mạnh đến nỗi chính Đàm cũng đâm ấp úng nốt: - Liên, em làm sao thế? Liên tỏ ý cáu khiến cho Đàm vội nói thêm, van vỉ: - Tôi có tội gì đâu!” [6;41]. Với những điểm giống nhau trên, ta cứ tạm coi đây là một tác phẩm dịch thì Lan Khai vẫn có công lao. Bởi lẽ, ngoài việc dịch văn học cũng là “một dạng thức sáng tác văn học” (Từ điển thuật ngữ văn học, Nxb ĐHQG, tr.92) thì ở đây Lan Khai đã có công tìm thấy một tác phẩm có giá trị, phù hợp với hiện thực Việt Nam. Ông đã chọn được Nỗi sợ của S.Zweig, một tác phẩm văn học xuất sắc, có những nội dung đề cập tới nhiều vấn đề của xã hội như hạnh phúc gia đình, hôn nhân, vấn đề ngoại tình, sự buông thả, sự cô đơn của lối sống tư sản, sự ích kỷ trong quan hệ gia đình. . . Những vấn đề này không chỉ nổi cộm ở phương Tây mà còn là những vấn đề phức tạp, bức xúc của xã hội Việt Nam những năm 30 của thế kỷ XX. Những vấn đề nảy sinh từ biến chuyển dữ dội của xã hội Việt Nam từ tác động của chiến tranh xâm lược, sự thống trị và ảnh hưởng văn hoá phương Tây. Nhận ra những vấn đề của hiện thực, Lan Khai cũng nhận ra những tư tưởng tốt đẹp của S.Zweig. Đó là tinh thần phê phán lối sống buông thả, quay cuồng của xã hội tư bản, phê phán thói ích kỷ của con người; tư tưởng cảm thông với những thiệt thòi của người phụ nữ. Đó còn là những giải pháp tích cực để ngăn chặn những hành vi suy thoái đạo đức mà S.Zweig đưa ra như lòng vị tha, lối sống chia sẻ, quan 19 Nguyễn Văn Bao tâm tới con người. . . Đây là những tư tưởng tiến bộ, là những giải pháp tích cực có khả năng vận dụng vào xã hội Việt Nam, một xã hội khi đó còn lúng túng trước những vấn đề phức tạp mới nảy sinh do cương thường đạo lý phong kiến đã lỗi thời, không thuyết phục, còn phép tắc đạo đức mới lại chưa hình thành. Không chỉ nhận ra những nội dung tích cực, Lan Khai còn nhận thấy đây là một tác phẩm có nghệ thuật độc đáo. Nỗi sợ đã thể hiện tài kết cấu điêu luyện, luôn tạo sức lôi cuốn bằng phát triển tình tiết một cách căng thẳng, kịch tính, kết thúc bất ngờ, tài miêu tả tâm lý nhân vật phù hợp các quy luật tâm lý: “Nhàn cư vi bất thiện”, “Có tật giật mình”, “Những nỗi buồn tê tái kéo thời gian dài thêm”, tò mò, hiếu kỳ, ám ảnh... Đây là những biện pháp nghệ thuật mới, rất hiệu quả trong sáng tác tiểu thuyết tâm lý, một loại hình tiểu thuyết mới. Tuy nhiên, xem xét toàn diện thì đây không phải là một tác phẩm dịch. Bởi dịch là “đảm nhiệm chức năng chuyển tác phẩm viết bằng một ngôn ngữ này sang một ngôn ngữ khác” (Từ điển thuật ngữ văn học, Nxb ĐHQG, tr. 92); “Dịch cố gắng tôn trọng nguyên tắc cả về nội dung và hình thức diễn tả” [1;383]. Do vậy, dịch phải trung thành với nội dung, tôn trọng văn phong, bám sát tinh thần câu chuyện. . . Đối chiếu và căn cứ vào những tiêu chuẩn này thì Tội và thương không phải là tác phẩm dịch. Trong Tội và thương, Lan Khai đã có một số thay đổi so với Nỗi sợ. Ông đặt tên tác phẩm là Tội và thương. Điều này khác với Nỗi sợ (có bản dịch là Nỗi sợ hãi) của S.Zweig. Tên Tội và thương có tính đánh giá, thiên về đạo đức, gần gũi với suy nghĩ của người Việt, còn Nỗi sợ chỉ tính chất tâm trạng. Tên nhân vật trong Tội và thương mang tên thuần Việt như Liên, Đàm, Trọng, còn trong Nỗi sợ tên có tính phương Tây: Iren, Idua, Pritz. Các chi tiết miêu tả hiện thực ở Tội và thương thường mang đường nét, tính chất Việt Nam như: “khăn san” khác “mạng che mặt”, “tiền đồng” khác “curon”. . . Câu than cửa miệng: “Lạy Chúa!” của Nỗi sợ, còn “Trời ơi!” ở Tội và thương. . . Có những đoạn văn trong Nỗi sợ có nhưng trong Tội và thương bị lược bỏ như: “Hôm sau, khi mọi người ngồi vào bàn ăn tối – hai đứa trẻ vừa cãi nhau, phải chật vật lắm mới can ngăn được chúng – thì người hầu gái đưa vào một phong thư” [Nỗi sợ, tr.35], còn ở Tội và thương chỉ là: “Hôm sau khi hai vợ chồng vào ăn bữa tối, con sen bỗng mở cửa đưa cho Liên một phong giấy nhỏ” [6;38]. . . Sự thay đổi tuy không nhiều nhưng cũng dẫn tác phẩm tới chút khác biệt về nội dung, về nghệ thuật, đồng thời làm cho người đọc cảm nhận Tội và thương là tác phẩm văn học Việt Nam (Đây chính là điều làm cho nhiều người lầm tưởng Tội và thương là một sáng tác của Lan Khai). Đến đây, ta mới hiểu vì sao Lan Khai không dịch luôn Nỗi sợ, điều với Lan Khai không khó vì ông vốn đã từng dịch tập văn Bức thư của người đàn bà không quen của S.Zweig [3;222]. . . Ở đây, Lan Khai muốn Tội và thương như một tác phẩm viết về một câu chuyện của Việt Nam, là tác phẩm của Việt Nam. Tội và thương không phải là tác phẩm dịch từ Nỗi sợ. Vậy Tội và thương ở 20 Tội và thương không phải Lan Khai sáng tác mà là phỏng dịch dạng thức nào? “Phỏng theo” như nhận xét của Vũ Ngọc Phan có nghĩa là gì? Từ những vấn đề đặt ra, đi vào tìm hiểu văn học so sánh, chúng tôi chú ý tới thuật ngữ “mượn dùng” (tá dụng, borrowing) mà giáo sư Veselovsky chủ trì môn Văn học so sánh ở Đại học Petesburg hồi cuối thế kỷ XIX có nhắc đến và sau này có một định nghĩa là: “nhà văn sử dụng những chất liệu hoặc phương pháp vốn có, đặc biệt là chủ đề, những thành phần tình tiết, kể cả những cách ngôn, ý tựợng, tỉ dụ.v.v.”; khái niệm “phỏng tác” (imitation): “Nhà văn ra sức đem sự sáng tạo của mình phục tùng một nhà văn khác, nhưng nói chung là từ một tác phẩm nào đó. Phỏng tác thường là một biện pháp học tập trong quá trình trưởng thành của một nhà văn. Học giả và nhà phê bình thường chê cười loại này, nhưng thật ra nó vẫn có một giá trị mỹ học độc lập. Puskin từng cho rằng phỏng tác không chắc là biểu hiện của tư tưởng nghèo nàn, mà là đánh dấu cho một niềm tin cao cả với sức mạnh của bản thân, hy vọng có thể theo gót một thiên tài để phát hiện ra thế giới mới, hoặc là với một tâm trạng tuy khiêm nhường nhưng khá hiên ngang hy vọng có thể nắm chắc được môt kiểu mẫu mà mình sùng bái rồi ra sức cho nó một sinh mệnh mới” (Đại từ điển thuật ngữ lý luận phê bình văn học, Nxb Giáo dục Cao đẳng, Bắc kinh, 2005, tr.874). Cách thức này được Nguyễn Văn Trung trong “Ảnh hưởng một số tiểu thuyết gia Pháp với tác giả Việt Nam” gọi là phóng tác. Và ông cụ thể: “Phóng tác chỉ giữ cốt truyện hay một phần cốt truyện, còn câu chuyện, hoàn cảnh tâm lý, tư tưởng, hành động của các nhân vật, lời văn đều do tác giả sáng tác ra” [1;383]. Vô hình trung những điều này dường như khá sát với đặc điểm sáng tác của Hồ Biểu Chánh trong các tác phẩm Chúa tàu Kim Quy, Cay đắng mùi đời, Ngọn cỏ gió đùa. . . Tuy nhiên, không thể dùng khái niệm phỏng tác áp dụng vào việc so sánh giữa Tội và thương với Nỗi sợ. Vì, mặc dù ở đây cũng có ít nhiều sáng tạo nhưng hầu như Lan Khai sử dụng gần như “nguyên đai nguyên kiện” của Stefan Zweig. Vũ Ngọc Phan gọi đây là “phỏng theo” Nỗi sợ. Nhưng theo chúng tôi đây chỉ là một uyển ngữ lịch sự không ra dáng thuật ngữ. Trong trường hợp này, chúng tôi chú ý tới định nghĩa của Nguyễn Văn Trung (sách đã dẫn): “Tôn trọng nội dung câu chuyện (cố chuyện, ý chuyện), tên, tâm lý nhân vật, nhưng có thể thêm bớt về chi tiết hoặc thay đổi lối diễn tả, kiểu nói sao cho phù hợp với văn hoá của mình”, và ông gọi là “phỏng dịch”. Khái niệm “phỏng dịch” với ý nghĩa như vậy dùng cho Tội và thương là hoàn toàn xác đáng. Phỏng dịch cũng như phỏng tác, dịch. . . đều là những dạng thức có đóng góp cho văn học. Vì thế, phỏng dịch ở đây không thể nói là vì lười và kém, nhất là đối với một nhà văn lớn như Lan Khai. Có điều là khi phỏng dịch, tại sao Lan Khai không ghi rõ, cũng không ghi xuất xứ của tác phẩm, không có một lời giải thích. . . Lý do ở đây là gì? Như ta biết, Lan Khai là một nhà văn có nhân cách, giàu lòng tự trọng, là người được rất nhiều nhà văn yêu mến, kể cả những người khó tính như Nguyễn 21 Nguyễn Văn Bao Tuân, Vũ Trọng Phụng, Tản Đà. . . Tính tự trọng, lòng tự hào dân tộc của ông được thể hiện rõ trong sáng tác cũng như trong nghiên cứu, phê bình. Trong hàng loạt các tác phẩm, ông đã thể hiện rõ quan niệm nghệ thuật, quan niệm sống. Trong Tính cách Việt Nam, ông viết: “Không đúng với người văn chương chỉ có thể là bịa đặt là giả dối, và như thế văn chương sẽ mất hết giá trị” [5;88]. Theo ông, nhà văn phải cần có cái riêng, phát triển cái riêng. Cái riêng không chỉ làm cho nghệ thuật đặc sắc mà cái riêng còn làm cho nghệ thuật thêm phong phú, vì “Làm như thế tức là làm giàu cho cái tính chung của cả giống người vậy. Và, mỗi người như thế, mỗi dân tộc càng thêm như thế” [5;88]. Ông “thiết tha cầu nguyện cho sự xuất hiện một cuốn thơ hay một cuốn tiểu thuyết mà ta có thể khoe với thiên hạ: “đây, một tác phẩm của người Việt Nam, một giống người đã nghĩ và cảm” [5;89]. Và ông kết luận: “Công việc này trước hết phải là công việc của văn sĩ. Ta phải biết làm rực rỡ cái tinh thần của chủng tộc trong sáng tác văn chương của ta” để mục đích lớn nhất là “cho cuộc đời tương lai một lớp người Việt Nam mới, bằng những khả năng của dân tộc” [5;34]. Không chỉ có trong các bài lý luận, phê bình, trong các sáng tác nghệ thuật, Lan Khai cũng thể nhiện rõ quan điểm nghệ thuật, lòng tự hào dân tộc, đã ra sức làm cho cái riêng, cái bản sắc dân tộc được khẳng định qua các hình tượng nghệ thuật sinh động. Trong Đường rừng là cảnh sắc thiên nhiên muôn màu, muôn sắc miền nhiệt đới nước Nam, là sinh hoạt tập tục của người dân miền núi Việt Nam hiền lành chất phác. . . Trong các tiểu thuyết xã hội như Cô Dung, Lầm than, Trang, Nàng, Mực mài nước mắt . . . là hiện thực xã hội Việt Nam dưới chế độ thực dân, phong kiến với những số phận con người bị áp bức bóc lột tàn độc cả về vật chất lẫn tinh thần. Trong các tác phẩm lịch sử: Chiếc ngai vàng, Chế Bồng Nga, Cưỡi đầu voi dữ, Rỡn sóng Bạch Đằng . . . Lan Khai làm sống dậy lịch sử oai hùng của dân tộc. . . “Mỗi tác phẩm là một bức tranh chân thực và sinh động về những con người và những cảnh ngộ khác nhau”, “thể hiện cái nhìn sâu sắc của nhà văn vào chiều sâu tâm hồn và cuộc sống” [4;20]. Với một nhà văn tài năng, trọng nhân cách, luôn tự hào dân tộc, đi tiên phong trong mọi lĩnh vực của đời sống văn học nghệ thuật để kêu gọi tôn trọng sự thật, đề cao cái riêng, phê phán thói a dua, sao chép. . . như Lan Khai thì việc phỏng dịch Tội và thương từ Nỗi sợ của S.Zweig chỉ có thể là một việc làm tích cực phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Tuy vậy việc Lan Khai không ghi rõ phỏng tác, không đề xuất xứ tác phẩm, không có lời giải thích cho việc này cũng là một điều đáng tiếc. Có thể thiếu sót này là do điều kiện về thời gian và cũng có thể vì lý do kinh tế. Ngày nay, ta không chấp nhận và khuyến khích việc làm này, vì như thế người ta sẽ cho là sao chép. Nhưng nếu đặt trong bối cảnh lịch sử thời kỳ nửa đầu thế kỷ XX, khi văn học Việt Nam đột chuyển từ kiểu loại trung đại sang cận hiện đại mà một nội dung tất yếu của nó là Âu hóa và cái gì cũng phải diễn ra như một quá trình với những bước đi thích hợp, không tránh khỏi mò mẫm, bắt chước, nhưng tất yếu mà 22 Tội và thương không phải Lan Khai sáng tác mà là phỏng dịch cũng cần thiết. Và như vậy, công lao của Lan Khai chính là đã biết lựa chọn, tìm đọc và ra sức Việt hóa một câu chuyện tình của Austria rất gần gũi và cần thiết với hoàn cảnh của Việt Nam lúc bấy giờ. 3. Kết luận Phù hợp với nhu cầu thực tiễn, Tội và thương là một tác phẩm phỏng dịch có nhiều giá trị. Những việc làm tích cực của Lan Khai đã có tác dụng khích lệ các nhà văn Việt Nam tự tin học tập cái mới, mạnh dạn sáng tạo những tác phẩm giàu bản sắc dân tộc để đưa văn học nước nhà lên một tầm cao mới. Việc phỏng dịch thành công Tội và thương cùng với những thành công về dịch thuật, sáng tác, nghiên cứu phê bình. . . đã đưa Lan Khai lên hàng những “nhà văn hiện thực xuất sắc”, “nhà văn đi tiên phong” trong nền văn học Việt Nam hiện đại. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Hoàng Nhân, 1998. Phác thảo quan hệ văn học Pháp với văn học Việt Nam hiện đại. Nxb Mũi Cà Mau. [2] Phương Lựu, 1995. Tìm hiểu lý luận văn học phương Tây hiện đại. Nxb Văn học, Hà Nội. [3] Vũ Ngọc Phan, 2000.Nhà văn hiện đại. Nxb Hội Nhà văn. [4] Hội Nhà văn Việt Nam, 2006. Lan Khai nhà văn hiện thực xuất sắc. Nxb Hội Nhà văn. [5] Trần Mạnh Tiến (sưu tầm), 2002. Lan Khai, tác phẩm nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học. Nxb Văn hoá Thông tin. [6] Lan Khai, 1996. Tội và thương, Nxb Văn nghệ TP Hồ Chí Minh. [7] S.Zweig, 2006. Điều bí mật khủng khiếp, (Trịnh Xuân Hoành dịch) Nxb Hội Nhà văn. ABSTRACT Tội và thương is not the composition by Lan Khai that is translating simulation Most of the content and art work of Tội và thương by Lan Khai similar to The Fear by S. Zweig. The only difference is a few details such as title of work, character name, the expression, a few details in the expression... so this is the simulation translated works. However, although very few, but the difference has brought color to the story of Vietnam, in accordance with social Vietnam. This is the success of Lan Khai in learning and acquiring new ones to reflect the new reality of Vietnam. The success of Tội và thương also cheering the new, cheer for learning, creating the new for literature. That was one of the heart