Tóm tắt
Thực hiện chủ trương của Chính phủ về đẩy mạnh, nâng cao chất lượng các
chương trình đào tạo từ xa nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân theo hướng
mở, linh hoạt và đa dạng, các trường đại học nói chung, Trường Đại học Kinh tế
Quốc dân nói riêng đã quan tâm đến việc đầu tư, xây dựng chương trình, tuyển sinh
và đào tạo đại học từ xa theo phương thức truyền thống và phương thức E-Learning.
Kết quả của đào tạo đại học từ xa đã góp phần đa dạng hóa chương trình, hình thức
đào tạo, đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng đa dạng của xã hội, cung cấp nguồn
nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, đào
tạo đại học nói chung, đào tạo đại học từ xa nói riêng chịu ảnh hưởng không nhỏ
của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, yêu cầu của xã hội đối với chất lượng
nguồn nhân lực, cạnh tranh gay gắt trong tuyển sinh và đào tạo đại học buộc các
trường phải có những biện pháp thích hợp trong quản lý và đào tạo đại học từ xa.
Bài viết này trình bày, phân tích thực trạng và đề xuất các biện pháp nhằm nâng cao
chất lượng đào tạo đại học từ xa theo phương thức E-Learning tại Trường Đại học
Kinh tế Quốc dân.
9 trang |
Chia sẻ: thanhle95 | Lượt xem: 296 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Trao đổi về đào tạo đại học từ xa theo phương thức E-Learning tại trường Đại học Kinh tế Quốc dân, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
552
553
TRAO ĐỔI VỀ ĐÀO TẠO ĐẠI HỌC TỪ XA THEO PHƯƠNG THỨC
E-LEARNING TẠI TRƯỜNG ĐẠI HỌC KINH TẾ QUỐC DÂN
Trần Văn Thuận
Trường Đại học Kinh tế Quốc dân
Tóm tắt
Thực hiện chủ trương của Chính phủ về đẩy mạnh, nâng cao chất lượng các
chương trình đào tạo từ xa nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân theo hướng
mở, linh hoạt và đa dạng, các trường đại học nói chung, Trường Đại học Kinh tế
Quốc dân nói riêng đã quan tâm đến việc đầu tư, xây dựng chương trình, tuyển sinh
và đào tạo đại học từ xa theo phương thức truyền thống và phương thức E-Learning.
Kết quả của đào tạo đại học từ xa đã góp phần đa dạng hóa chương trình, hình thức
đào tạo, đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng đa dạng của xã hội, cung cấp nguồn
nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, đào
tạo đại học nói chung, đào tạo đại học từ xa nói riêng chịu ảnh hưởng không nhỏ
của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, yêu cầu của xã hội đối với chất lượng
nguồn nhân lực, cạnh tranh gay gắt trong tuyển sinh và đào tạo đại học buộc các
trường phải có những biện pháp thích hợp trong quản lý và đào tạo đại học từ xa.
Bài viết này trình bày, phân tích thực trạng và đề xuất các biện pháp nhằm nâng cao
chất lượng đào tạo đại học từ xa theo phương thức E-Learning tại Trường Đại học
Kinh tế Quốc dân.
Từ khóa: Đại học từ xa, Đào tạo đại học, E-Learning, tự chủ tài chính
1. Giới thiệu
Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, Đào tạo từ xa là quá trình đào tạo mà
trong đó phần lớn hoặc toàn bộ quá trình đào tạo có sự tách biệt giữa người dạy và
người học về mặt không gian hoặc/và thời gian. Với những lợi thế của mình - đào tạo
mọi lúc, mọi nơi; tiết kiệm chi phí; tiết kiệm thời gian; uyển chuyển và linh động; tối
ưu; hệ thống hóa - đào tạo đại học từ xa đáp ứng nhu cầu học tập, nhu cầu trang bị
kiến thức đa dạng của xã hội và góp phần xây dựng xã hội học tập, cung cấp nguồn
nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Trong đào tạo từ xa, đào tạo trực tuyến
(E-Learning) đang trở thành một xu thế đào tạo mới trên cơ sở thành tựu phát triển
về công nghệ thông tin và truyền thông. Theo Nguyễn Hoàng (2014), “E-Learning là
một phương thức đào tạo hiện đại dựa trên công nghệ thông tin”. Nhận thức được xu
thế cũng như vai trò của đào tạo đại học từ xa, Trung tâm Đào tạo từ xa đã được
thành lập theo Quyết định số 24/QĐ-TCCB ngày 4/1/2006 của Hiệu trưởng Trường
554
Đại học Kinh tế Quốc dân. Qua quá trình hơn 10 năm xây dựng và phát triển, đào tạo
đại học từ xa tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã đạt được những kết quả quan
trọng trong xây dựng chương trình, đào tạo đội ngũ giảng viên, tuyển sinh, tổ chức
đào tạo và cấp bằng cho sinh viên tốt nghiệp. Trong bối cảnh thực hiện tự chủ tài
chính, tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, sự cạnh tranh ngày một
gay gắt trong tuyển sinh, đào tạo đại học và yêu cầu về nhân lực của thị trường lao
động, việc đánh giá thực trạng đào tạo đại học từ xa và đề xuất các biện pháp tăng
cường và nâng cao chất lượng đào tạo đại học từ xa theo phương thức E-Learning tại
Trường Đại học Kinh tế Quốc dân có ý nghĩa hết sức thiết thực.
2. Vai trò của đào tạo đại học từ xa theo phương thức E-Learning tại
Trường Đại học Kinh tế Quốc dân
Trong quá trình xây dựng và phát triển, các loại hình đào tạo khác nhau đều có
những đóng góp quan trọng vào kết quả đào tạo và nghiên cứu khoa học của Trường
Đại học Kinh tế Quốc dân, giúp Trường thực hiện sứ mệnh cung cấp các sản phẩm
đào tạo có chất lượng cao đáp ứng nhu cầu nhân lực của đất nước. Tuy ra đời sau so
với các loại hình đào tạo khác của Trường, nhưng đào tạo đại học từ xa đã có đóng
góp không nhỏ vào kết quả đào tạo chung của Trường. Vai trò của đào tạo đại học từ
xa nói chung, đại học từ xa theo phương thức E-Learning nói riêng tại Trường được
thể hiện trên các khía cạnh sau:
Một là, đào tạo đại học từ xa góp phần thực hiện đa dạng hóa chương trình,
loại hình và sản phẩm đào tạo. Đối với đào tạo đại học, ngoài đào tạo đại học chính
quy, đại học bằng 2, đại học vừa làm vừa học, đào tạo đại học từ xa làm phong phú
thêm loại hình đào tạo, tăng sự lựa chọn cho người học. Trên phương diện kinh tế,
việc đa dạng hóa sản phẩm là cách thức giúp các đơn vị có thể giảm rủi ro hoạt động.
Với ưu thế của mình, đào tạo đại học từ xa giúp Trường nâng cao khả năng tuyển
sinh, tăng quy mô đào tạo hợp lý trong điều kiện giáo dục đại học có sự cạnh tranh
ngày một gay gắt.
Hai là, đào tạo đại học từ xa góp phần tạo nguồn tuyển sinh, thu hút người học,
đóng góp nhất định vào tổng nguồn thu của Trường. Trong điều kiện thực hiện tự
chủ tài chính, nguồn thu từ học phí, trong đó có học phí đào tạo đại học từ xa đã giúp
Trường hình thành nguồn tài chính trang trải chi phí hoạt động thường xuyên, tái đầu
tư cho hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học của Trường.
555
Ba là, đào tạo đại học từ xa góp phần thực hiện chức năng, nhiệm vụ, vị thế
của trường đại học trọng điểm, trường hàng đầu về đào tạo kinh tế, quản lý và kinh
doanh trong việc cung cấp nguồn nhân lực trình độ đại học cho xã hội. Đồng thời,
đào tạo đại học từ xa giúp Trường mở rộng quan hệ với các doanh nghiệp, địa
phương thông qua việc liên kết, phối hợp đào tạo.
3. Kết quả đào tạo đại học từ xa tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân
Chính thức tuyển sinh và đào tạo khóa đầu tiên vào năm 2007, sau 10 năm đào
tạo, đào tạo đại học từ xa tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã thu được những
kết quả đáng khích lệ, đóng góp vào thành tích đào tạo và hoạt động trong hơn 60
năm của Trường. Kết quả đào tạo đại học từ xa nói chung, đào tạo đại học từ xa theo
phương thức E-Learning nói riêng tại Trường được biểu hiện qua các khía cạnh sau:
Thứ nhất, đào tạo từ xa đã tuyển sinh, đào tạo và cấp bằng cho một lượng sinh
viên không nhỏ trong tổng sinh viên và học viên, nghiên cứu sinh của Trường. Số
liệu về quy mô tuyển sinh và đào tạo đại học từ xa của Trường giai đoạn 2012 - 2017
được minh họa ở bảng sau:
Bảng 1. Quy mô tuyển sinh và đào tạo đại học từ xa của
Trường giai đoạn 2012 - 2017
TT Chỉ tiêu Đơn vị tính
Kết quả
thực hiện
1 Số trúng tuyển Chương trình E-Learning Sinh viên 8.778
2 Số trúng tuyển Chương trình truyền thống Sinh viên 1.287
3 Số đã được cấp bằng Sinh viên 3.094
Nguồn: Báo cáo tình hình tuyển sinh và tốt nghiệp giai đoạn 2012 - 2017,
Trung tâm Đào tạo từ xa, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân
Như vậy, giai đoạn 2012 - 2017 (tính đến tháng 9/2017), tổng số sinh viên đại
học từ xa trúng tuyển và tham gia học tập là 10.065 sinh viên, nếu tính cả số sinh
viên trúng tuyển giai đoạn 2007 - 2011 thì tổng số sinh viên đại học từ xa Trường đã
và đang đào tạo là 16.325 sinh viên. Với số sinh viên từ xa đang đào tạo, mức thu
học phí theo quy định đã công bố của Trường (năm học 2017 - 2018, mức thu học
phí đối với Chương trình truyền thống là 250.000 đồng/tín chỉ, Chương trình E-
Learning là 425.000 đồng/tín chỉ) và số tín chỉ thực hiện đào tạo một năm là 30 thì
556
trên phương diện tài chính, đào tạo đại học từ xa đóng góp phần quan trọng trong
tổng thu đào tạo của Trường.
Thứ hai, đã xây dựng được hệ thống chương trình đào tạo đại học từ xa theo
quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và quy định của Trường. Tính đến hiện tại, có
9 chương trình đào tạo đã được xây dựng và triển khai, bao gồm: Chuyên ngành
Quản trị kinh doanh tổng hợp, Quản trị doanh nghiệp, Quản lý kinh tế, Kinh doanh
thương mại, Tài chính doanh nghiệp, Ngân hàng thương mại, Kế toán tổng hợp, Luật
kinh doanh và Luật kinh tế. Trên cơ sở chương trình đào tạo đã xây dựng, các bộ
môn đã hoàn thành biên soạn và sử dụng 80 học liệu điện tử phục vụ đào tạo E-
Learning cho 3 chuyên ngành: Kế toán tổng hợp, Ngân hàng thương mại và Quản trị
kinh doanh tổng hợp. Mỗi bộ học liệu điện tử của một học phần bao gồm bài giảng
text, bài giảng điện tử, hệ thống ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm và bài tập thực hành.
Hệ thống học liệu điện tử tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình tự học của sinh viên,
thống nhất nội dung giảng dạy, học tập, kiểm tra và đánh giá kết thúc học phần.
Thứ ba, đã xây dựng và vận hành hệ thống quản lý đào tạo E-Learning LMS
(Learning Management System) thông qua đối tác là Công ty cổ phần Đầu tư và Phát
triển đào tạo EDUTOP64. LMS cho phép người học truy cập, khai thác học liệu điện
tử, tham gia thảo luận trên diễn đàn, trao đổi trên hệ thống H2472; cho phép giảng
viên chuyên môn gửi thông tin học tập, nghiên cứu tới người học, trả lời vấn đề thắc
mắc của người học và đánh giá kết quả học tập theo tuần; cho phép giảng viên doanh
nghiệp đăng các tình huống, nội dung nghiên cứu và dẫn dắt người học trao đổi, thảo
luận; cho phép cán bộ quản lý đào tạo kiểm soát tiến độ, kết quả học tập của người
học và sự tuân thủ lịch trình đào tạo của giảng viên. Tất cả giảng viên chuyên môn và
giảng viên doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo đều được tập huấn cách thức
sử dụng và vận hành thành thạo hệ thống LMS.
Thứ tư, đã tuyển dụng, đào tạo và sử dụng đội ngũ giảng viên doanh nghiệp
phục vụ chương trình đào tạo E-Learning. Giảng viên doanh nghiệp là những cán bộ,
chuyên gia đang tham gia điều hành và công tác chuyên môn thực tế tại doanh
nghiệp, có chuyên ngành đào tạo và lĩnh vực công tác phù hợp với học phần đăng ký
giảng dạy, có nguyện vọng tham gia và lý lịch khoa học phù hợp. Giảng viên doanh
nghiệp chịu trách nhiệm trong việc đăng tình huống và điều hành, dẫn dắt, kết luận
quá trình thảo luận, nghiên cứu của người học. Trên cơ sở lý lịch khoa học và nguyện
vọng đề xuất của giảng viên doanh nghiệp, ý kiến của các bộ môn chuyên ngành,
Trung tâm Đào tạo từ xa trình Hiệu trưởng ký hợp đồng chuyên môn với giảng viên
doanh nghiệp.
557
Thứ năm, đã xây dựng quy trình quản lý đào tạo đại học từ xa theo phương
thức E-Learning khoa học, chặt chẽ và rõ ràng. Trong quá trình vận hành và quản lý
các lớp đại học từ xa theo phương thức E-Learning, các đối tượng liên quan bao
gồm: bộ môn chuyên ngành, Trung tâm Đào tạo từ xa, giảng viên chuyên môn, giảng
viên doanh nghiệp, giáo viên chủ nhiệm, cán bộ hỗ trợ giảng dạy và cán bộ hỗ trợ kỹ
thuật. Chức trách, nhiệm vụ cụ thể của từng đối tượng gắn với từng khâu công việc
trong quá trình đào tạo cũng như mối quan hệ giữa các đối tượng được quy định cụ
thể, rõ ràng. Quy trình quản lý đào tạo được xây dựng và thực hiện bài bản giúp cho
quá trình vận hành lớp học đúng kế hoạch, lịch trình và nội dung đào tạo.
4. Một số đề xuất nhằm nâng cao chất lượng đào tạo đại học từ xa theo
phương thức E-Learning tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, đào tạo đại học từ xa theo phương thức
E-Learning tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cũng bộc lộ những tồn tại nhất
định cần giải quyết nhằm nâng cao chất lượng đào tạo của loại hình đào tạo này.
Trên cơ sở phân tích kết quả đào tạo đại học từ xa của Trường và qua quá trình công
tác, giảng dạy, tác giả xin đề xuất một số biện pháp sau:
Một là, nghiên cứu đầu tư, nâng cấp và hoàn thiện hệ thống E-Learning. Một
hệ thống E-Learning bao gồm 3 phần chính: Hạ tầng truyền thông và mạng, Hạ tầng
phần mềm và Hạ tầng thông tin (nội dung đào tạo). Trong các yếu tố cấu thành hệ
thống E-Learning, hạ tầng truyền thông và mạng hiện nay Trường chưa có, việc vận
hành hệ thống phụ thuộc hoàn toàn vào đối tác liên kết. Để chủ động trong đào tạo,
không những phục vụ cho đào tạo đại học từ xa mà cả các loại hình đào tạo khác,
Trường cần cân đối nguồn lực tài chính, con người, thiết bị, địa điểm để đầu tư hạ
tầng truyền thông và mạng. Bên cạnh đó, cần hoàn thiện hệ thống quản lý đào tạo
LMS theo hướng đánh giá thực chất hơn kết quả học tập của người học, đặc biệt là
điểm tham gia (điểm chuyên cần), tránh tình trạng người học chỉ đăng nhập hệ thống
mà không bám sát nội dung học tập nhưng vẫn được hệ thống ghi nhận.
Hai là, tăng cường truyền thông và tuyển sinh cho chương trình đào tạo đại học
từ xa theo phương thức E-Learning. Trong bối cảnh đào tạo đại học có sự cạnh tranh
ngày càng gay gắt, không những giữa đại học trong nước mà còn có sự tham gia của
đại học nước ngoài, nhu cầu học tập bão hòa thì việc tăng cường truyền thông và có
các chính sách hợp lý trong tuyển sinh, đào tạo có ý nghĩa hết sức quan trọng, ảnh
hưởng lớn đến khả năng duy trì và phát triển hoạt động đào tạo. Trên phương diện
cung cấp dịch vụ công, người học với vai trò là khách hàng sử dụng dịch vụ có ý
558
nghĩa quyết định đối với hệ thống. Chính vì vậy, Trường cần cân nhắc mặt bằng học
phí và tỷ lệ để lại cho đối tác liên kết, đặc biệt tham khảo mức của các trường có thị
phần khá lớn trong đào tạo đại học từ xa như: Viện Đại học Mở Hà Nội, Trường Đại
học Mở Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Vinh, Trường Đại học Trà Vinh
và Đại học Thái Nguyên để xây dựng chính sách học phí và tỷ lệ để lại cho đối tác
liên kết hợp lý nhằm tạo ra lợi thế nhất định trong việc thu hút người học.
Ba là, nâng cao chất lượng giảng viên doanh nghiệp. Hiện nay giảng viên
doanh nghiệp được tuyển chọn từ các cán bộ, chuyên gia làm công tác quản lý, công
tác chuyên môn thực tế tại các doanh nghiệp, tổ chức, chịu trách nhiệm tổ chức cho
người học thảo luận, nghiên cứu các tình huống thực tế để hiểu rõ được sự áp dụng
kiến thức trong thực tế. Tuy nhiên, các tình huống thực tế lại do giảng viên chuyên
môn và bộ môn chuyên ngành biên soạn nên làm giảm tính thực tế của tình huống và
làm mờ nhạt vai trò của giảng viên doanh nghiệp. Vì lý do đó, trong quá trình biên
soạn mới hoặc bổ sung, cập nhật học liệu điện tử, các tình huống thực tế phải do
giảng viên doanh nghiệp biên soạn, có sự tham gia phản biện của các giảng viên
chuyên môn và sự phê duyệt của bộ môn chuyên ngành.
Bốn là, xây dựng mới học liệu điện tử phục vụ mở rộng đào tạo các chuyên ngành
đáp ứng nhu cầu nhân lực của xã hội. Hiện nay, chương trình đào tạo đại học từ xa theo
phương thức E-Learning mới triển khai tuyển sinh và đào tạo 3 chuyên ngành là: Kế
toán tổng hợp, Ngân hàng thương mại và Quản trị kinh doanh tổng hợp. Trong thời gian
tới, Trường cần chuẩn bị các điều kiện để tuyển sinh và đào tạo E-Learning các chuyên
ngành mang đặc trưng, thế mạnh của Trường và xã hội có nhu cầu nhân lực như: Quản
lý kinh tế, Luật học, Kinh tế quốc tế, Kinh tế đầu tư. Trong các điều kiện tuyển sinh và
đào tạo, học liệu điện tử, đặc biệt học liệu điện tử các học phần chuyên ngành đóng vài
trò rất quan trọng. Học liệu điện tử các học phần cơ bản và cơ sở của ngành cần kế thừa
và cập nhật kết quả biên soạn đã sử dụng phục vụ đào tạo E-Learning. Yêu cầu đối với
học liệu là phải đảm bảo tính hiện đại, Việt Nam và thực tiễn, trong đó bài giảng text và
bài giảng điện tử cần viết ngắn gọn, đầy đủ, dễ hiểu, có các ví dụ và bài tập minh họa chi
tiết để giúp người học thuận lợi trong quá trình tự học, tự nghiên cứu. Bài giảng video
cần ứng dụng thành tựu công nghệ mới với hiệu ứng hình ảnh và âm thanh sinh động
nhằm cuốn hút người học thay cho bài giảng video giảng viên ngồi cố định khi trình bày,
phân tích nội dung bài giảng.
559
5. Kết luận
Với những ưu thế của mình, đào tạo đại học từ xa theo phương thức E-
Learning đang trở thành xu hướng trong đào tạo tại các trường đại học nói chung,
Trường Đại học Kinh tế Quốc dân nói riêng. Bên cạnh những kết quả đã đạt được,
đào tạo đại học từ xa theo phương thức E-Learning tại Trường còn có những tồn tại
nhất định cần khắc phục. Trong điều kiện thực hiện tự chủ tài chính, tác động của
cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, sự cạnh tranh gay gắt trong giáo dục đại học
và yêu cầu của xã hội đối với nguồn nhân lực, đào tạo đại học từ xa theo phương
thức E-Learning cần có những đổi mới, hướng đi mới. Hy vọng rằng, với sự chỉ đạo
sát sao của Lãnh đạo Trường, sự nỗ lực phấn đấu thực hiện chức năng, nhiệm vụ
được giao của Trung tâm Đào tạo từ xa, của khoa, bộ môn chuyên ngành và sự yêu
nghề, trách nhiệm, đổi mới của đội ngũ giảng viên, đào tạo đại học từ xa theo
phương thức E-Learning sẽ vượt qua những khó khăn, thách thức, tiếp tục có những
bước phát triển mới, đóng góp vào thành tựu đào tạo của Trường Đại học Kinh tế
Quốc dân.
560
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. ‘Đào tạo từ xa’ (2016), Wikipedia, truy cập ngày 03 tháng 11 năm 2017, từ
.
2. Nguyễn Hoàng (2014), ‘Giáo dục Việt Nam và xu hướng E-Learning’ Dantri, truy
cập lần cuối ngày 03 tháng 11 năm 2017, từ <
so/giao-duc-viet-nam-va-xu-huong-E-Learning-1407947936.htm>.
3. Trung tâm Đào tạo từ xa, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (2017), Báo cáo tình
hình tuyển sinh và tốt nghiệp giai đoạn 2012 - 2017, Hà Nội.