Triết học Kant phần 9
(Bản scan) Như vậy, những cảnh hãi hùng và những uy lực ghê sợ trong thiên nhiên chỉ là dịp để ta kinh nghiệm bản chất siêu việt của ta, tức cái cao cả ở trong ta. Trước đây, khi chiêm ngưỡng cái vĩ đại, tức cao cả toán học, ta cũng một trực cảm thấy sự bé mọn và sự cao cả của ta: đứng trước biển cả núi cao, trí tưởng tượng của ta bị nghẹt vì bất lực không phác họa ra được cái gì lớn như thế, nhưng đồng thời ta có cái vui thỏa như khám phá ra một cái gì của mình, ở sâu xa và kín ẩn trong tâm linh ta: đó là "khả năng chiêm ngưỡng cái tuyệt đối vĩ đại", vĩ đại hơn cả những gì ta nhìn bằng mắt, vì cái vĩ đại của thiên nhiên chẳng qua chỉ là điều kiện khích động để giúp ta chiêm ngưỡng cái vĩ đại tuyệt đối. Chỉ trong ta mới có ý tưởng về tuyệt đối, và chỉ tuyệt đối mới phát sinh vui thỏa đích thực về cao cả: ý tưởng của ta có thể bao quát tất cả vũ trụ trong một trực giác, trong một cái nhìn tâm trí, và như vậy ta có cảm giác tưởng như cái vĩ đại của thiên nhiên vẫn chưa vĩ đại gì đối với tâm trí ta. Bây giờ đối với cái cao cả sinh động cũng thế, những lực lượng ghê sợ của thiên nhiên làm ta cảm thấy con người của ta bé mọn và mong manh, nhưng ta vẫn đứng thẳng và vui thỏa nhìn vào những sức tàn phá ghê sợ kia, vì ta biết mình còn có quyền năng và cao cả hơn chúng.