Tóm tắt. Khi nghiên cứu thời gian trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp,
có một số vấn đề mà chúng tôi muốn làm sáng tỏ: đó là sự đảo lộn trình
tự trần thuật của người kể chuyện. Nói cách khác một trong những phương
tiện đặc sắc của việc tổ chức thời gian trần thuật trong truyện ngắn Nguyễn
Huy Thiệp là kiểu trần thuật phi tuyến tính với việc đảo lộn thời gian, tự
sự dòng ý thức với kĩ thuật đồng hiện. Có thể nói những đổi mới về nghệ
thuật trần thuật, đặc biệt là cách trần thuật phi tuyến tính, Nguyễn Huy
Thiệp đã góp phần xác lập một cấu trúc thời gian trần thuật đặc thù trong
truyện ngắn của mình.
5 trang |
Chia sẻ: thanhle95 | Lượt xem: 422 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Tự sự dòng ý thức và đồng hiện thời gian trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE
Vol. 56, No. 5, pp. 66-70
TỰ SỰ DÒNG Ý THỨC VÀ ĐỒNG HIỆN THỜI GIAN
TRONG TRUYỆN NGẮN NGUYỄN HUY THIỆP
Đoàn Tiến Dũng
Trường THPT Cao Nguyên - Đại học Tây Nguyên
E-mail: doantiendungbk@gmail.com
Tóm tắt. Khi nghiên cứu thời gian trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp,
có một số vấn đề mà chúng tôi muốn làm sáng tỏ: đó là sự đảo lộn trình
tự trần thuật của người kể chuyện. Nói cách khác một trong những phương
tiện đặc sắc của việc tổ chức thời gian trần thuật trong truyện ngắn Nguyễn
Huy Thiệp là kiểu trần thuật phi tuyến tính với việc đảo lộn thời gian, tự
sự dòng ý thức với kĩ thuật đồng hiện. Có thể nói những đổi mới về nghệ
thuật trần thuật, đặc biệt là cách trần thuật phi tuyến tính, Nguyễn Huy
Thiệp đã góp phần xác lập một cấu trúc thời gian trần thuật đặc thù trong
truyện ngắn của mình.
1. Mở đầu
Một trong những hình thức mở rộng giới hạn thời gian của truyện kể là đồng
hiện thời gian. Theo Đặng Anh Đào: “Trong dòng tâm tư, quá khứ, hiện tại, tương
lai, xuất hiện cùng một lúc, không bị ngăn cách liên tục như một dòng chảy, đó là
hiện tượng mà người ta gọi là thời gian đồng hiện” [1;77]. Thời gian đồng hiện kéo
theo sự trôi chảy của chuỗi ký ức và cả những mộng mị, hoảng loạn, câu chuyện liên
tục bị đứt quãng, dịch chuyển. Trong bài viết này, khi nghiên cứu thời gian trong
truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, có một số vấn đề mà chúng tôi muốn làm sáng tỏ:
đó là sự đảo lộn trình tự trần thuật của người kể chuyện. Nói cách khác một trong
những phương tiện đặc sắc của việc tổ chức thời gian trần thuật trong truyện ngắn
Nguyễn Huy Thiệp là kiểu trần thuật phi tuyến tính với việc đảo lộn thời gian, tự sự
dòng ý thức với kĩ thuật đồng hiện, tập trung ở chùm truyện “giả lịch sử” 06 truyện,
chùm truyện “giả cổ tích” 10 truyện /tổng số 50 truyện (Nguyễn Huy Thiệp, Tuyển
tập truyện ngắn, Nxb Hội nhà văn, H. 2005).
2. Nội dung nghiên cứu
Trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, những hình thức đồng hiện được biểu
hiện ở kiểu đảo ngược thời gian, xen kẽ thời gian, với các cụm từ kiểu như: Từ đó,
66
Tự sự dòng ý thức và đồng hiện thời gian trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp
thời ấy, hồi đó, giờ đây, về sau, cách đây không lâu, nhiều hôm, mấy năm sau, hồi
xưa, năm ấy,. . . Những cụm từ chỉ thời gian này nằm ở phần đầu mỗi đoạn văn và
bắt đầu cho mỗi sự kiện, nó tạo nên sự trùng điệp của kí ức. Nhờ cái vẻ vừa như xác
định vừa như không xác định của những cụm từ chỉ thời gian, mà ta thấy được sự
chập chờn của kí ức cũng như trạng thái nửa mơ nửa tỉnh của người kể. Thời gian
của diễn biến tâm trạng bao giờ cũng là thời gian mang tính hiện tại. Khi miêu tả
tâm trạng, điểm nhìn người trần thuật luôn đặt vào thời gian hiện tại để có thể diễn
tả nội tâm nhân vật một cách có hiệu quả nhất. Thời gian bị xáo trộn là kiểu thời
gian đặc trưng của dạng truyện có độ nhoè của ảo giác, giấc mơ. Hình thức đồng
hiện thời gian thường xuất hiện ở những truyện ngắn phân mảnh.
Vì vậy, dù viết về quá khứ, hoặc về đề tài lịch sử, Nguyễn Huy Thiệp vẫn cho
người đọc thấy được quá trình tâm lí nhân vật được soi sáng dưới góc độ hiện tại.
Trong Chút thoáng Xuân Hương gồm ba truyện, hai truyện đầu thời gian trần thuật
được đặt vào thời quá khứ nhưng lại tạo ra cảm giác như đang diễn ra, đang trong
thời điểm hiện tại khi mở đầu bắt mạch ngay vào hành động, suy nghĩ của nhân
vật. Ở Truyện thứ nhất: “Tổng Cóc nhìn ra cửa. Ông ngắm cái sân gạch Bát Tràng
lâu ngày đã rỗ rạn” [3;272]; ở Truyện thứ hai: “Ấm Huy đứng lẫn trong đám chiêu
ấm đang tụ ngoài sân công đường. Chàng chán ngán chuyện khoe khoang nhà cửa,
ngựa xe, áo quần của họ” [07; 276]; và ở Truyện thứ ba: “Khi đạo diễn giao cho anh
sắm vai Chiêu Hổ trong bộ phim viết về Hồ Xuân Hương, quả thực anh bối rối vô
cùng” [3;282].
Rõ ràng, ở Truyện thứ ba, thời gian trần thuật ở thời điểm hiện tại, cùng thời
gian sống với tác giả, với bạn đọc. Nguyễn Huy Thiệp đặt nhân vật Xuân Hương
trong cái nhìn hôm nay, chúng ta có thể thấy Xuân Hương đang hiển hiện giữa đời
thường, dung dị tự nhiên mang sức sống phồn thực và cả sự thông tuệ dân gian”
[3;282].
Từ điểm nhìn của chàng “Chiêu Hổ giả”, Xuân Hương không còn là hình ảnh
khô cứng trong sách vở, cũng không chập chờn thoáng hiện như trong tâm tư Tổng
Cóc. Ta có một Xuân Hương không ngôn ngữ, không hình bóng bên cạnh một Tổng
Cóc bạo tàn biết sử dụng đồng tiền để ngủ cả với bà Quận chúa. Một Tổng Cóc
nhưng lại “cóc” cần thiên hạ, “ông đóng sập cửa, đố thằng nào dám dây vào ông”,
ông khinh “những kẻ không dám sống thực, không dám lặn sâu xuống đáy cuộc
đời”. Chuyển cái nhìn về hiện tại, chàng thi sĩ thời nay được đạo diễn giao cho đóng
vai Chiêu Hổ, anh chán nản về kịch bản Xuân Hương và vai diễn. Tình cờ trên
dòng sông anh gặp một thiếu phụ, chẳng liên quan gì đến bộ phim mình đang đóng,
nhưng hình bóng Xuân Hương đích thực lại hiển hiện.
Như vậy, với điểm nhìn của người nghệ sĩ trẻ thời hiện tại, thời gian đồng
hiện đã làm cho hình tượng Xuân Hương bất tử. Phần lớn chuyện của một văn bản
truyện là thuộc về quá khứ, được kể từ điểm nhìn của người kể chuyện. Lúc này,
67
Đoàn Tiến Dũng
người kể chuyện một mặt đem những nhận định, những đánh giá đã hình thành
từ trước vào lời kể, mặt khác tiếp tục thể hiện thái độ tức thời đối với “chuyện”:
“Anh thấy xót xa. Hình ảnh trong phim Xuân Hương nhợt nhạt, bị hiểu sai lệch nhố
nhăng” [3;282].
Nhìn chung, trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp tự sự dòng ý thức và đồng
hiện thời gian, biểu hiện ở hình thái đơn giản nhất là sự lặp lại của những kí ức đời
thường của nhân vật. Đặng Anh Đào nhận xét: “Những nhân vật của Nguyễn Huy
Thiệp đều bị ám ảnh bởi những giấc mơ ban ngày” [3;391]. Có khi chỉ là những công
việc thường ngày giống như nhân vật Chương trong Con gái thủy thần: “Tôi ngủ
thiếp đi lúc nào không biết. Có lần mơ thấy đi cày, cày hết chân ruộng Gò mả ngụy
thì đến xã, cứ cày mãi, dân thị xã phải dắt nhau chạy. Có lần mơ thấy đào đá ong,
xắn phải ngón chân cái, một lúc sau ngón chân lại tự mọc ra, lại xắn lần nữa, cứ
thế vài chục lần” [3;70]. Tất nhiên, sự lặp lại của những kí ức đời thường này không
nguyên vẹn mà đôi khi đứt đoạn hoặc méo mó lắp ghép. Giấc mơ của con người
có khi cũng là kết quả của niềm khao khát, mong mỏi cháy bỏng đến tận cùng của
nhân vật. Có những điều ám ảnh nhân vật hàng ngày rồi đi cả vào trong giấc mơ.
Nó không chỉ tồn tại trong ý thức của con người mà còn xuất hiện cả trong vô thức.
Thời gian thông thường bị phá vỡ, do vậy, kết cấu dòng ý thức ở nhiều truyện ngắn
là hệ quả của việc tạo ra một thời gian trần thuật chỉ phụ thuộc vào thời gian tâm
trạng, vào dòng tâm tư của nhân vật.
Để xác định thời gian đồng hiện, chúng tôi tiến hành khảo sát những truyện
có xuất hiện chi tiết giấc mơ:
Bảng 1. Bảng thống kê những truyện
có xuất hiện chi tiết giấc mơ
Tác phẩm Nội dung hoặc câu trích
1. Chảy đi
sông ơi
“Tôi mê lịm đi, thấp thoáng nghe có tiếng ai như đang tâm sự
với mình: Năm nay Hà Bá chưa bắt người nào! Tiếng phụ nữ thất
thanh. . . ” [3;10].
2. Cún
“Gần đây, Cún tự dưng lo sợ, lo sợ một cái gì đấy vô hình. Cũng
chẳng hiểu sao Cún hay nhớ, hay mơ đến cô Diệu: cô chủ nhà, bán
hàng ở chợ. . . ” [3;35].
3. Không
có vua
“Giấc mơ của Khảm: đi giết lợn, giết mãi không chết, con lợn cứ
nhe răng cười, thế là bị đuổi đi dọn cả một bể cứt. Bể cứt xây xi
măng, kích thước 10 x 6 x 1,5 mét, dung tích 90 khối” [3;53].
4. Những
người thợ
xẻ
“Giấc mơ về cầu vồng bảy sắc: Giấc ngủ đến ngay với mơ, tôi thấy
năm anh em thợ xẻ chúng tôi đi trên một cái cẩu vồng bảy sắc. . . ”
[3;119].
68
Tự sự dòng ý thức và đồng hiện thời gian trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp
5. Những
ngọn gió
Hua Tát
Truyện Con thú lớn nhất: “Lão đã nhìn thấy nó. Cái con công ấy
đang múa. Kìa, đôi chân con công di chuyển nhẹ nhàng về phía
bên phải, cái đuôi xòe thành đường tròn lại dịch về phía bên trái”
[3;292].
6. Tâm hồn
mẹ
“Trong giấc mơ, Đăng thấy Thu với nó đứng ở trên cao. Ở đấy nhìn
xuống thấy người bé xíu, những chiếc ô tô cũng bé xíu. Gió lồng
lộng, Thu cười nắc nẻ, hàm răng trắng bóng. Thu bảo: Này Đăng,
tao sẽ đi trên khoảng không” [3;230].
7. Huyền
thoại phố
phường
“Hạnh ngủ thiếp đi, tay nắm chặt chiếc vé bất hạnh. Trong giấc
ngủ, cứ chập chờn hình ảnh pho tượng đồng đen cao lớn.. . . Hạnh
nghe rõ cả âm thanh loạt soạt. . . ” [3;238].
8. Giọt
máu
"Thiều Hoa bảo: "Đêm qua tôi nằm mơ thấy lão Tân Dân về gọi
thằng Hạnh, thấy lão Tân Dân đưa cho thằng Hạnh một thùng sắt
tây qua hàng rào" [3;266].
9. Chuyện
tình kể
trong đêm
mưa
“Trong giấc mơ, tôi cứ chập chờn về hình ảnh trái tim mềm mại,
ướt át, phập phồng rơi trên đất lạnh và ngôi nhà nhỏ có cửa sổ
rộng” [3;403].
Từ bảng khảo sát, chúng ta có thể thấy, thời gian giấc mơ đa phần là thời
gian ảo, khó xác định điểm nhìn. Trong đồng hiện thời gian, vai trò của những giấc
mơ với độ nhoè của ảo giác tỏ ra quan trọng. Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp sử
dụng phổ biến chi tiết giấc mơ. Có 10 truyện /tổng số 50 truyện (chiếm 20%), trong
đó tác giả có sử dụng chi tiết giấc mơ. Giấc mơ trở thành phương thức tự sự hiệu
quả để đi vào thế giới tâm linh của con người, để mở rộng biên độ thời gian. Sống
trong một cuộc sống tù túng, bị bóp nghẹt những khao khát, những đam mê hoài
vọng, nhân vật trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp không còn cách nào khác, họ
tìm đến giấc mơ như một sự nới rộng không gian sống cho chính mình.
3. Kết luận
Trong nghệ thuật tự sự, thời gian là một nhân tố quan trọng. Với những cách
tân trong nghệ thuật trần thuật truyện ngắn, Nguyễn Huy Thiệp đã phá vỡ cấu
trúc thời gian đơn tuyến vốn thường gặp trong văn xuôi truyền thống. Thời quá khứ
trong truyện ngắn của ông không còn là quá khứ đơn mà thường liên quan đến hiện
tại, thậm chí có cả tương lai. Dù quá khứ được sử dụng làm cảm hứng và đề tài,
song tất cả cái quá khứ ấy vẫn sống dậy nhờ những cảm giác sống động tươi mới
của hiện tại qua người kể. Có thể nói những đổi mới về nghệ thuật trần thuật, đặc
biệt là cách trần thuật phi tuyến tính, Nguyễn Huy Thiệp đã góp phần xác lập một
cấu trúc thời gian trần thuật đặc thù trong truyện ngắn của mình.
69
Đoàn Tiến Dũng
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Đặng Anh Đào, 2001. Đổi mới nghệ thuật tiểu thuyết phương Tây hiện đại. Nxb
Đại học Quốc gia Hà Nội.
[2] Phạm Xuân Nguyên, (sưu tầm và biên soạn), 2000. Đi tìm Nguyễn Huy Thiệp.
Nxb Văn hoá Thông tin, Hà Nội.
[3] Nguyễn Huy Thiệp, 2005. Truyện ngắn. Nxb Hội Nhà Văn.
ABSTRACT
The genre of Thought Narrative and Simultaneity
in the short stories of Nguyen Huy Thiep
It emerged from our study of the chronology in Nguyen Huy Thiep’s short
stories that: There exists a disorder in the narrative chronology. In other words, one
of the distinctive features of narrative devices used in Nguyen Huy Thiep’s short
stories is the non-chronological narrative genre represented through the change in
the order of time, the narrative of thought, and the technique of simultaneity.
It can be said that Nguyen Huy Thiep’s renovation in the narrative genre,
namely the non-chronological narrative has made a contribution to establishing a
distinctive structure of chronology in his own short stories.
70