Tóm tắt. Bài tập là một phương tiện rất quan trọng trong dạy học. Cùng với sự phát triển của
giáo dục, khái niệm bài tập có sự thay đổi theo hướng ngày càng mở rộng, hoàn thiện hơn. Vị
trí, vai trò của bài tập cũng có sự thay đổi: trước đây bài tập chỉ được sử dụng để luyện tập,
củng cố kiến thức, kĩ năng thì hiện nay bài tập được sử dụng trong tất cả các khâu của quy
trình dạy học. Trên cơ sở khảo sát, phân tích sự thay đổi đó, bài báo đề xuất hệ thống bài tập
để dạy học bài Chuyển đổi câu chủ động thành câu bị động (Sách Ngữ văn 7 tập 2) cho phù
hợp với tư tưởng coi người học là trung tâm và định hướng tích cực hóa hoạt động cũng như
định hướng phát triển năng lực người học.
11 trang |
Chia sẻ: thanhle95 | Lượt xem: 140 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Từ sự thay đổi trong quan niệm về bài tập đến việc sử dụng bài tập trong dạy học bài “Chuyển đổi câu chủ động thành câu bị động” (Sách Ngữ văn 7, tập 2), để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
65
HNUE JOURNAL OF SCIENCE DOI: 10.18173/2354-1075.2018-0184
Educational Sciences, 2018, Volume 63, Issue 12, pp. 65-75
This paper is available online at
TỪ SỰ THAY ĐỔI TRONG QUAN NIỆM VỀ BÀI TẬP
ĐẾN VIỆC SỬ DỤNG BÀI TẬP TRONG DẠY HỌC BÀI “CHUYỂN ĐỔI
CÂU CHỦ ĐỘNG THÀNH CÂU BỊ ĐỘNG” (SÁCH NGỮ VĂN 7, TẬP 2)
Phan Thị Hồng Xuân
Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
Tóm tắt. Bài tập là một phương tiện rất quan trọng trong dạy học. Cùng với sự phát triển của
giáo dục, khái niệm bài tập có sự thay đổi theo hướng ngày càng mở rộng, hoàn thiện hơn. Vị
trí, vai trò của bài tập cũng có sự thay đổi: trước đây bài tập chỉ được sử dụng để luyện tập,
củng cố kiến thức, kĩ năng thì hiện nay bài tập được sử dụng trong tất cả các khâu của quy
trình dạy học. Trên cơ sở khảo sát, phân tích sự thay đổi đó, bài báo đề xuất hệ thống bài tập
để dạy học bài Chuyển đổi câu chủ động thành câu bị động (Sách Ngữ văn 7 tập 2) cho phù
hợp với tư tưởng coi người học là trung tâm và định hướng tích cực hóa hoạt động cũng như
định hướng phát triển năng lực người học.
Từ khóa: Khái niệm bài tập, vị trí, vai trò của bài tập, sử dụng bài tập.
1. Mở đầu
Bài tập là một phương tiện rất quan trọng trong dạy học. Nhờ làm bài tập, học sinh (HS) hiểu
được các biểu hiện phong phú, phức tạp, mối quan hệ đa chiều của kiến thức để từ đó hiểu sâu sắc
vấn đề đang được tiếp cận. Bài tập rèn luyện cho HS tính kiên trì, tinh thần tự giác, tích cực vượt
khó, bồi đắp ý chí tự lực và niềm tin vào chân lí khoa học, vào chính bản thân mình. HS, qua việc
giải bài tập được rèn các thao tác và phẩm chất tư duy nhờ đó tư duy linh hoạt, mềm dẻo và phát
triển... Một giờ học muốn đạt kết quả cao không thể không sử dụng bài tập. Đặc biệt trong giai
đoạn đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất người
học, để tích cực hóa hoạt động của người học như hiện nay thì bài tập càng có vai trò quan trọng
trong dạy học hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, do quan niệm về bài tập trong lịch sử giáo dục mỗi thời
có khác nhau nên cách thiết kế hệ thống bài tập cho mỗi bài, mỗi phần, mỗi chương... trong sách
giáo khoa (SGK) cũng có sự thay đổi. Bài báo này phân tích sự thay đổi đó và đề xuất điều chỉnh
việc thiết kế và sử dụng hệ thống bài tập trong một bài học Tiếng Việt, cụ thể là bàì Chuyển đổi
câu chủ động thành câu bị động trong sách Ngữ văn 7 tập 2 [1].
2. Nội dung nghiên cứu
Nhận thấy tầm quan trọng của bài tập trong dạy học, các nhà giáo dục đã rất quan tâm nghiên
cứu vấn đề này. Ngoài các luận văn, luận án ở các trường đại học, các viện nghiên cứu đã bảo vệ
thành công, trên các tạp chí khoa học những năm gần đây đã có rất nhiều bài báo đề cập tới vấn đề
bài tập ở tất cả các chuyên ngành. Các bài báo này chủ yếu nghiên cứu theo các hướng: 1) Sử
dụng bài tập nhằm nâng cao tinh thần tích cực học tập của HS. Tiêu biểu cho hướng này là bài
viết Nâng cao tính tích cực học tập trong dạy học sinh phổ thông bằng phương pháp sử dụng câu
Ngày nhận bài: 1/8/2018. Ngày sửa bài: 1/11/2018. Ngày nhận đăng: 10/12/2018.
Tác giả liên hệ: Phan Thị Hồng Xuân. Địa chỉ e-mail: phanhongxuan@gmail.com
Phan Thị Hồng Xuân
66
hỏi, bài tập [2]; 2) Phát triển các năng lực giải quyết vấn đề, năng lực sáng tạo cho HS. Tiêu biểu
là bài viết: Phát triển năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo cho học sinh thông qua một số bài
tập Chương Nhóm nitơ [3]; 3) Đề xuất việc xây dựng và sử dụng các bài tập gắn với thực tiễn
nhằm phát triển năng lực vận dụng kiến thức vào thực tiễn cho HS. Tiêu biểu là các bài viết Xây
dựng và sử dụng bài tập gắn với thực tiễn trong dạy học Vật lí nhằm phát triển năng lực vận dụng
kiến thức của học sinh trung học phổ thông [4] ; Phát triển năng lực vận dụng kiến thức vào thực
tiễn cho học sinh phổ thông qua sử dụng bài tập Hóa học chương Andehit-Xeton-Axit Cacbonxilic
(Hóa học lớp 11). [5]. Trong số các bài báo trên có hai bài báo về sử dụng bài tập trong dạy học
Tiếng Việt là: 1) Xây dụng hệ thống bài tập bổ trợ từ xưng hô theo định hướng phát triển năng
lực giao tiếp cho học sinh Tiểu học lớp 5 người dân tộc thiểu số [6] Bài báo này, từ yêu cầu dạy
học tiếng Việt theo định hướng phát triển năng lực, qua khảo sát, đánh giá các câu hỏi và bài tập
trong sách giáo khoa Tiếng Việt 5 hiện hành, đề xuất hệ thống bài tập dạy học từ xưng hô ở Tiểu
học theo định hướng phát triển năng lực giao tiếp; 2) Xây dựng bài tập phát triển năng lực sử
dụng từ ngữ tiếng Việt cho học sinh lớp 5 dân tộc Tày [7]. Trong bài báo này, tác giả giới thiệu
định nghĩa bài tập, đề ra một số nguyên tắc, xây dựng hai nhóm bài tập làm giàu, mở rộng vốn từ
và sử dụng từ ngữ cho học sinh dân tộc Tày. Như vậy, sau khi tìm hiểu một số bài báo viết về bài
tập trong dạy học trên các tạp chí khoa học trong nước trong hai năm 2017, 2018 chúng tôi nhận
thấy các bài viết này chủ yếu đi sâu đề xuất và phân tích cách sử dụng bài tập trong dạy học,
không quan tâm tới vấn đề thay đổi trong quan niệm về bài tập và không có bài viết nào đề cập tới
việc sử dụng bài tập trong một bài Tiếng Việt cụ thể.
2.1. Những thay đổi về khái niệm bài tập
Trong từ điển Oxford, bài tập (exercise) là “nhóm các câu hỏi trong sách để kiểm tra kiến
thức hoặc luyện tập một hoặc nhiều kĩ năng; hoặc một/ nhiều hoạt động được thiết kế để đạt được
một kết quả nhất định”. Khái niệm này rất toàn diện khi coi bài tập bao gồm câu hỏi và hoạt động.
Khái niệm này bao gồm cả bài tập trong dạy học và bài tập trong các lĩnh vực khác. SGK của một
số nhà xuất bản (NXB) ở Mĩ đã thiết kế bài học thành một hệ thống các câu hỏi và hoạt động, tức
là thành một hệ thống bài tập. Sau đây là một ví dụ:
Khảo sát bài đọc hiểu văn bản Ngôn chí 3 (Nguyễn Trãi) trong SGK Ngữ văn của Nxb
MCGraw- Hill phần văn học Đông Nam Á sẽ thấy bài này được cấu trúc thành một hệ thống các
bài tập như sau:
1. Trước khi đọc
a) Hoạt động khởi động:
Đôi khi em muốn thoát khỏi thế giới và ở một mình với những suy nghĩ riêng. Em sẽ đi đâu
khi cảm thấy như vậy?
Viết nhanh: Viết lại ấn tượng của em về địa điểm lí tưởng mà em muốn đến. Đó có thể là một
nơi thực tế hoặc là nơi chỉ tồn tại trong trí tưởng tượng.
Thiết lập mục đích: Tìm hiểu về địa điểm mà một nhà thơ Việt ở ẩn.
b) Tri thức nền
- Gặp gỡ Nguyễn Trãi (Phần này giới thiệu ngắn gọn về tiểu sử và sự nghiệp văn học của
Nguyễn Trãi)
- Sự phát triển của nền văn học Việt Nam với sự ra đời của chữ Nôm (Phần này viết về việc
Việt Nam đã chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của văn hóa Trung Quốc, sự ra đời của chữ Nôm vào năm
1282 và Nguyễn Trãi đã viết nhiều thơ bằng chữ Nôm)
2. Hoạt động đọc văn bản
- Bản dịch bài thơ Ngôn chí 3. Bài thơ Ngôn chí 3 bằng tiếng Việt như sau:
Am trúc hiên mai ngày tháng qua,
Từ sự thay đổi trong quan niệm về bài tập đến việc sử dụng bài tập trong dạy học bài “Chuyển đổi câu
67
Thị phi nào đến cõi yên hà.
Bữa ăn dầu có dưa muối,
Áo mặc nài chi gấm là.
Nước dưỡng cho thanh, trì thưởng nguyệt,
Ðất cày ngõ ải, lảnh ương hoa.
Trong khi hứng động vừa đêm tuyết,
Ngâm được câu thần dặng dặng ca.
(Thơ văn Nguyễn Trãi, NXB Giáo dục, 1980)
3. Phản hồi văn học
a) Phản hồi cá nhân
- Em có đồng cảm với những cảm xúc trong bài thơ không? Tại sao có? Tại sao không?
b) Phân tích văn học
- Hồi tưởng và giải thích
1. Nhà thơ đã ở đâu?
2. Nhà thơ thích những gì ở nơi này?
3. Nhà thơ có ý gì khi viết “Áo mặc nài chi gấm là”?
4. Chủ đề của một tác phẩm văn học là ý tưởng chính hoặc thông điệp. Em nghĩ chủ đề của
bài thơ này là gì?
5. Em có nghĩ rằng nhà thơ chính là nhân vật trữ tình trong bài thơ này? Tại sao có hoặc tại
sao không?
- Đánh giá và kết nối
6. Em có đồng ý với quan niệm của nhà thơ về những gì làm nên cuộc sống hạnh phúc không?
Tại sao có hoặc tại sao không?
7. Em có nghĩ rằng hầu hết người Mĩ sẽ chọn "am trúc hiên mai" thay vì “gấm là"? Hãy giải
thích. Em chọn cuộc sống nào? Tại sao?
8. Những hoàn cảnh nào của xã hội hiện đại tương ứng với “am trúc hiên mai” và “gấm là”?
9. Tại sao một số người thích dành thời gian để tránh xa chốn “thị phi”?
10. Nhà thơ nói rằng mình viết những câu thơ hay nhất vào đêm tuyết rơi. Khi nào hay nơi
nào em cảm thấy mình có khả năng sáng tạo nhất? Tại sao?
c) Mở rộng phản hồi
Viết sáng tạo
Viết về nơi hoàn hảo: Đối với Hoạt động khởi động ở trên, em đã ghi lại địa điểm lí tưởng
tránh xa chốn “thị phi”. Sử dụng những ghi chú như là cơ sở của một bài thơ theo mô hình
“Ngôn chí 3". Sử dụng chi tiết miêu tả cảm giác của em ở một nơi lí tưởng. Chia sẻ bài thơ của
em với các bạn bằng cách đọc to lên hoặc đăng nó trên một bảng thông báo.
Hoạt động liên ngành
Nghệ thuật: Minh họa: Tạo một hình ảnh minh họa có thể gợi lên chủ đề hoặc tâm trạng
trong bài thơ "Ngôn chí 3", có thể chọn bất kỳ phương tiện hay phong cách nào. Ví dụ, em có thể
vẽ một bức tranh thể hiện khung cảnh, hoặc một hình ảnh thể hiện cảm xúc theo phong cách trừu
tượng; hoặc em có thể tạo ra những hình cắt dán được lấy cảm hứng từ bài thơ.
Lưu sản phẩm vào hồ sơ học của em
d) Yếu tố văn học
Hình ảnh
Phan Thị Hồng Xuân
68
Trong một tác phẩm văn học, hình ảnh là bức tranh được vẽ bằng ngôn từ gợi lên những cảm
xúc. Trong việc tạo ra hình ảnh, các tác giả sử dụng các chi tiết cảm giác hoặc mô tả những gì lôi
cuốn một hoặc nhiều giác quan trong năm giác quan.
1. Tạo một bảng hai cột. Trong một cột, lập danh sách các hình ảnh trong bài thơ miêu tả
cuộc sống của nhà thơ. Cột còn lại, viết phản hồi của em cho mỗi hình ảnh.
2. Bài thơ cố gắng thể hiện một cuộc sống mà rất nhiều người Mĩ sẽ cho là một cuộc đời
thanh bạch. Vậy bài thơ thể hiện thành công điều này như thế nào? [8].
Còn ở Việt Nam tình hình không hoàn toàn như vậy. Theo Từ điển Tiếng Việt do Hoàng Phê
chủ biên, bài tập là “bài ra cho học sinh làm để tập vận dụng những điều đã học. Ví dụ: làm bài
tập đại số; ra bài tập về nhà”. Khái niệm này không cho biết rõ bài là gì và ấn định bài tập chỉ để
vận dụng dụng những điều đã học. Trong Từ điển Giáo dục Nguyễn Hữu Châu định nghĩa “Bài
tập (Assigment) là những nhiệm vụ, công việc được giao cho mỗi nhóm hoặc mỗi cá nhân trong
khuôn khổ một chương trình học tập nhằm rèn luyện kĩ năng hay tăng cường kiến thức cho người
học”. Khái niệm này tuy đầy đủ hơn so với khái niệm trong từ điển của Hoàng Phê nhưng vẫn
thiên về cách hiểu bài tập được sử dụng để rèn luyện kĩ năng và mở rộng kiến thức. Những quan
niệm này đã chi phối việc xây dựng hệ thống bài tập trong SGK và chi phối phương pháp dạy học
ở Việt Nam trước năm 2000. Sau đó, người ta nhận thấy bài tập không chỉ sử dụng để học sinh
vận dụng những điều đã học mà còn được sử dụng trong tất cả các khâu của quá trình dạy học. Và
quan niệm về bài tập cũng thay đổi. Trong cuốn Phương pháp dạy học, truyền thống và đổi mới,
tác giả Thái Duy Tuyên quan niệm: “Bài tập là một hệ thông tin xác định bao gồm những điều
kiện và những yêu cầu được đưa ra trong quá trình dạy học, đòi hỏi người học một lời giải đáp,
mà lời giải đáp này về toàn bộ hoặc từng phần không ở trạng thái có sẵn của người giải tại thời
điểm mà bài tập được đặt ra” [9]. Theo ông, câu hỏi trở thành bài tập hoặc mang tính chất bài tập
khi nào nó mang yếu tố “vấn đề”- nêu và giải quyết vấn đề. So với quan niệm trên thì quan niệm
bài tập này toàn diện hơn vì đã cho biết bài tập gồm những điều kiện và yêu cầu đưa ra trong quá
trình dạy học đòi hỏi người học giải đáp. Tác giả Đỗ Thu Hà trong luận án tiến sĩ Xây dựng hệ
thống bài tập phát triển kĩ năng nói là cho sinh viên sư phạm ở học phần Tiếng Việt thực hành
quan niệm bài tập là “các nhiệm vụ học tập mà GV đặt ra cho người học thực hiện, được trình bày
dưới dạng câu hỏi hay những yêu cầu hoạt động buộc người học tái hiện những kiến thức, giải
quyết vấn đề trên cơ sở những điều đã biết hoặc kết nối những kiến thức, giải quyết vấn đề dựa
trên việc tìm kiếm phương pháp mới qua đó nắm vững tri thức, rèn luyện và phát triển kĩ năng”.
Những quan niệm theo hướng này đã chi phối việc biên soạn hệ thống bài tập trong SGK cũng
như chi phối cách dạy học của GV và HS. Từ năm 2000, cấu trúc bài học trong SGK đã hoàn toàn
thay đổi theo hướng tích cực hóa hoạt động học tập của HS. Theo khảo sát của chúng tôi, toàn bộ
hệ thống các đơn vị bài học trong SGK Ngữ văn đều được cấu trúc thành hệ thống bài tập. Điều
này cũng chi phối việc đổi mới phương pháp dạy học (sẽ trình bày ở phần sau của bài báo).
2.1.1.Những thay đổi trong quan niệm về vị trí, vai trò của bài tập
Trước đây, bài tập thường được dùng để củng cố kiến thức, kĩ năng được tiếp nhận và hình
thành khi học bài mới nên người ta thường sử dụng vào cuối giờ học hoặc khi ôn tập và kiểm tra,
đánh giá. Tác giả Thái Duy Tuyên đã nhận xét: “... người ta thường sử dụng bài tập vào cuối bài
học, khi ôn tập, và vận dụng kiến thức. Bài tập còn ít được sử dụng trong các khâu khác của quá
trình dạy học như: mở bài, giảng bài mới.” Tìm hiểu SGK Ngữ văn từ năm 1955 đến 2000, chúng
tôi nhận thấy dù phần Tiếng Việt được dạy chung trong môn Ngữ văn hay tách ra thành môn học
độc lập thì bài học Tiếng Việt cũng trình bày lí thuyết và bài tập thành hai phần riêng biệt. Cụ thể
như sau:
- Mô hình bài học Tiếng Việt trong SGK chương trình trước cải cách giáo dục [10]:
Từ sự thay đổi trong quan niệm về bài tập đến việc sử dụng bài tập trong dạy học bài “Chuyển đổi câu
69
TÊN BÀI HỌC
I. Nội dung
II.Công dụng
III.Luyện tập
Mô hình bài học Tiếng Việt trong SGK chương trình cải cách giáo dục [11]:
TÊN BÀI HỌC
I.Tên đơn vị kiến thức
II.Tên đơn vị kiến thức .....
Câu hỏi và bài tập
Mô hình bài học Tiếng Việt trong SGK chương trình chỉnh lí hợp nhất năm 2000 [12]:
TÊN BÀI HỌC
I.Đơn vị kiến thức
II.Đơn vị kiến thức
Bài tập
Như vậy, ở giai đoạn này, bài tập chỉ được dùng để củng cố, khắc sâu và nâng cao kiến thức,
kĩ năng mà hoàn toàn không được sử dụng trong dạy học lí thuyết. Cùng với sự phát triển của xã
hội, các nhà giáo dục, người dạy và người học đều nhận thấy vị trí của bài tập không chỉ dừng ở
phần luyện tập, củng cố kiến thức mà nó còn được dùng để khơi gợi sự tò mò, ham hiểu biết, thu
hút sự chú ý cũng như giúp cho sự tiếp nhận kiến thức, hình thành kĩ năng cho HS trở nên nhanh
chóng, thuận lợi và chắc chắn hơn. Người ta bắt đầu sử dụng bài tập trong phần hình thành kiền
thức mới. SGK trong chương trình năm 2000 đã thể hiện sự thay đổi này. Kết quả khảo sát cho
thấy hầu hết các bài học Tiếng Việt trong SGK các cấp đều được cấu trúc thành hệ thống bài tập.
Mô hình bài học Tiếng Việt trong SGK chương trình sau năm 2000 [13]:
TÊN BÀI HỌC
I.Tên đơn vị kiến thức
Bài tập
Ghi nhớ
II.Tên đơn vị kiến thức
...
HS giải xong hệ thống bài tập này sẽ tiếp nhận được kiến thức, hình thành được kĩ năng mới
được chốt lại ở phần Ghi nhớ.
Tuy nhiên, cùng với việc nhận ra tầm quan trọng của phần mở bài trong việc tạo tâm thế, thu
hút sự chú ý của HS người ta thấy lợi ích của việc sử dụng bài tập để mở bài. Tác giả Lê Phương
Nga là một trong những người tiên phong thể hiện quan điểm sử dụng bài tập trong tất cả các khâu
của quá trình dạy học và coi bài tập là chính là nội dung dạy học: “Đối với học sinh có thể coi
việc giải bài tập tiếng Việt là hình thức chủ yếu của hoạt động tiếng Việt... Các bài tập tiếng Việt
là một phương tiện có hiệu quả và không thể thay thế được trong việc giúp học sinh có năng lực
Phan Thị Hồng Xuân
70
ngôn ngữ, phát triển tư duy... Một bài tập có thể dùng để vào bài, dạy bài mới, củng cố, kiểm tra”
[14]. Quan niệm theo hướng này của các nhà giáo dục Việt Nam đã tiếp cận được với giáo dục
của các nước tiên tiến trên thế. SGK viết theo Mô hình trường học mới ở Việt Nam (VNEN) đã
cấu trúc bài học theo hướng sử dụng bài tập ở tất cả các hoạt động trong quy trình dạy học.
Mô hình bài học trong SGK VNEN [15]:
A. Hoạt động khởi động
Bài tập
B. Hoạt động hình thành kiến thức mới
Bài tập
C. Hoạt động thực hành
Bài tập
D. Hoạt động ứng dụng
Bài tập
E. Hoạt động bổ sung
Bài tập
Khi học SGK theo mô hình này, HS giải xong hệ thống bài tập là đã hoàn thành nhiệm vụ
học tập. Sách đã được biên soạn theo chủ trương chuyển giao nhiệm vụ cho người học, để người
học trải nghiệm và tự làm ra kiến thức theo quan điểm dạy học kiến tạo.
2.2. Đề xuất việc sử dụng bài tập trong dạy học bài Chuyển đổi câu chủ động thành
câu bị động trong sách giáo khoa Tiếng Việt 7 tập 2.
Từ sự thay đổi về quan niệm, về vai trò, vị trí của bài tập trong dạy học như trên chúng tôi
nhận thấy muốn giờ học đạt kết quả tốt, cần sử dụng hệ thống bài tập trong suốt quá trình dạy học,
đó là sử dụng bài tập để mở bài, giảng bài mới, củng cố, hệ thống hóa kiến thức và kiểm tra, đánh
giá. Với mỗi giai đoạn trong quy trình dạy học cần sử dụng bài tập sao cho phù hợp để đạt hiệu
quả cao nhất. Một điểm nữa cần nhận thấy là bài Chuyển đổi câu chủ động thành câu bị động đã
trang bị khá đầy đủ kiến thức kĩ năng cho HS, do đó cần sử dụng tối đa những bài tập đã được
thiết kế trong SGK, SGV, chỉ bổ sung, thay đổi thiết kế và sử dụng vào các giai đoạn khác nhau
của quy trình dạy học cho phù hợp với định hướng chuyển giao nhiệm vụ và phát triển năng lực
cho người học. Chúng tôi đề xuất cách sử dụng bài tập để dạy bài: Chuyển đổi câu chủ động thành
câu bị động, cụ thể như sau:
2.2.1. Sử dụng bài tập để mở bài
Bài tập mở bài phải nêu ra được những vấn đề cần nghiên cứu qua việc làm nổi bật những
mâu thuẫn giữa những điều đã biết và những điều chưa biết. Đồng thời phải khơi gợi, kích hoạt trí
tò mò ham hiểu biết của người học. Loại bài tập này rất đa dạng, linh hoạt, đó có thể là một tình
huống có vấn đề, một câu chuyện vui, hấp dẫn, một trải nghiệm ấn tượng hoặc một chuyện hiếm
gặp. nhưng đã xảy ra trên thực tế. Điều kiện tiên quyết là phải gắn kết với bài đang học. Bên cạnh
đó, bài tập dùng để mở bài cũng cần ngắn gọn.
Với bài học Chuyển đổi câu chủ thành câu bị động cần đưa học sinh vào một tình huống để
HS thấy việc sử dụng câu chủ động, câu bị động hợp với ngữ cảnh rất quan trọng. Bài tập trích từ
sách giáo viên (SGV) Ngữ văn 7 tập 2 rất phù hợp với mục đích này:
So sánh hai cách viết sau đây:
- Chị dắt con chó đi dạo ven rừng, chốc chốc dừng lại ngửi chỗ này một tí, chỗ kia một tí.
- Con chó được chị dắt đi dạo ven rừng, chốc chốc dừng lại ngửi chỗ này một tí, chỗ kia một
tí [16].
Từ sự thay đổi trong quan niệm về bài tập đến việc sử dụng bài tập trong dạy học bài “Chuyển đổi câu
71
Khi so sánh HS sẽ rút ra nhận xét: Với cách viết thứ nhất, mạch văn sẽ khiến người đọc hiểu
là “chị dắt con chó đi dạo ven rừng” và “chốc chốc chị dừng lại ngửi chỗ này một tí, chỗ kia một
tí”. Đây là cách hiểu không đúng với ý định của người viết và tạo nên một cách hiểu lầm phản
cảm. Lúc đó giáo viên sẽ đưa ra lời vào bài: “Trong hai cách viết, cách thứ nhất bị hiểu sai với
hiện thực cần phản ánh vì đã sử dụng câu chủ động không hợp với ngữ cảnh, cách thứ hai được
hiểu đúng vì đã sử dụng câu bị động hợp với ngữ cảnh giao tiếp. Vậy thế nào là câu chủ động, thế
nào là câu bị động và cần phải sử dụng chúng như thế nào cho phù hợp cũng như có thể chuyển
đổi từ câu chủ động sang câu bị động và ngược lại không, bài học hôm nay sẽ cho chúng ta biết
điều đó”.
2.2.2. Sử dụng bài tập để hình thành kiến thức, kĩ năng mới
Bài tập sử dụng trong phần này phải làm cho HS nắm được những thông tin cơ bản, cần thiết
nhất. Những thông tin này phải đảm bảo tính chính xác, hiện đại và cập nhật với đời sống thực
tiễn. Bài tập cũng phải giúp bài học thú, vị, kích thich các em tích cực học tập và đọng lại trong trí
tuệ và tâm hồn các em. Để xây dựng và sử dụng bài tập ở bước này trước hết phải phân tích rõ
từng kiến thức, kĩ năng cần hình thành cho học sinh để trên cơ sở đó lựa chọn hoặc xây dựng bài
tập cho phù hợp. Cụ thể với bài này các kiến thức, kĩ năng cần hình thành và các bài tập