NHỮNG NỘI DUNG CƠ BẢN TRONG TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ CÁCH MẠNG GIẢI PHÓNG DÂN TỘC
1 - Cách mạng giải phóng dân tộc muốn thắng lợi triệt để phải đi theo con đường của cách mạng vô sản
- Vai trò, vị trí của luận điểm:Đây là một luận điểm vừa mang tính tổng kết thực tiễn vừa mang giá trị, ý nghĩa định hướng cho các dân tộc thuộc địa trên con đường đấu tranh giành độc lập dân tộc.
- Quá trình hình thành luận điểm:Để có được nhận thức đúng về con đường cách mạng vô sản Hồ Chí Minh phải trải qua một quá trình tìm tòi gian khổ mất 10 năm ( từ 1911-1920). Đó là quá trình bắt nguồn từ thực tiễn xã hội Việt Nam, Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước, bắt gặp chủ nghĩa Mác-Lênin, xác định con đường cách mạng Việt Nam là con đường cách mạng vô sản. Sau đó, được vận dụng, kiểm nghiệm, bổ sung và hoàn thiện trong thực tiễn chỉ đạo cách mạng Việt Nam.
- Nội dung của luận điểm: Hồ Chí Minh khẳng định: " Trong thời đại ngày nay, muốn cứu nước và giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản".
7 trang |
Chia sẻ: tranhoai21 | Lượt xem: 2824 | Lượt tải: 5
Bạn đang xem nội dung tài liệu Tư tưởng Hồ Chí Minh về cách mạng giải phóng dân tộc, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH
VỀ CÁCH MẠNG GIẢI PHÓNG DÂN TỘC
I - NHỮNG NỘI DUNG CƠ BẢN TRONG TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ CÁCH MẠNG GIẢI PHÓNG DÂN TỘC
1 - Cách mạng giải phóng dân tộc muốn thắng lợi triệt để phải đi theo con đường của cách mạng vô sản
- Vai trò, vị trí của luận điểm:Đây là một luận điểm vừa mang tính tổng kết thực tiễn vừa mang giá trị, ý nghĩa định hướng cho các dân tộc thuộc địa trên con đường đấu tranh giành độc lập dân tộc.
- Quá trình hình thành luận điểm:Để có được nhận thức đúng về con đường cách mạng vô sản Hồ Chí Minh phải trải qua một quá trình tìm tòi gian khổ mất 10 năm ( từ 1911-1920). Đó là quá trình bắt nguồn từ thực tiễn xã hội Việt Nam, Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước, bắt gặp chủ nghĩa Mác-Lênin, xác định con đường cách mạng Việt Nam là con đường cách mạng vô sản. Sau đó, được vận dụng, kiểm nghiệm, bổ sung và hoàn thiện trong thực tiễn chỉ đạo cách mạng Việt Nam.
- Nội dung của luận điểm: Hồ Chí Minh khẳng định: " Trong thời đại ngày nay, muốn cứu nước và giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản".
- Cơ sở của luận điểm
+ Cơ sở lý luận: Sự khẳng định trên của Hồ Chí Minh được bắt nguồn từ quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin về vấn đề dân tộc, giai cấp, về đấu tranh dân tộc và đấu tranh giai cấp trong thời đại ngày nay.
+ Cơ sở thực tiễn: Xuất phát từ thực tiễn của cách mạng Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Các phong trào yêu nước ở Việt Nam diễn ra hết sức sôi nổi nhưng đều thất bại, cách mạng Việt Nam đứng trước sự khủng hoảng sâu sắc về đường lối cứu nước. Nguyễn Ái Quốc ra đi tìm đường cứu nước, phân tích các cuộc cách mạng lớn trên thế giới và rút ra kết luận: cách mạng Việt Nam phải đi theo con đường của cách mạng tháng Mười Nga.
+ Ngoài ra, còn xuất phát từ chính nguyện vọng cao nhất của nhân dân Việt Nam, từ ham muốn tột bậc của Hồ Chí Minh là: làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được tự do, đồng bào ta ai cũng có com ăn, áo mặc, được học hành....Muốn vậy, chỉ có thể đi theo con đường của cách mạng vô sản.
- Thực tế lịch sử đã chứng minh con đường cách mạng mà Hồ Chí Minh lựa chọn đã dẫn dắt cách mạng Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, trở ngại, giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác.
2 - Cách mạng giải phóng dân tộc muốn thắng lợi triệt để phải do Đảng của giai cấp công nhân lãnh đạo
- Nguyễn Ái Quốc đã sớm khẳng định: Muốn giải phóng dân tộc thành công " Trước hết phải có Đảng cách mệnh...Đảng có vững cách mệnh mới thành công ...Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt...Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin".
Như vậy, Nguyễn Ái Quốc đã khẳng định: cách mạng giải phóng dân tộc muốn thắng lợi phải đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng của giai cấp công nhân, Đảng đó phải được xây dựng theo các nguyên tắc Đảng kiểu mới của Lênin, được vũ trang bằng chủ nghĩa Mác-Lênin.
- Các lãnh tụ yêu nước tiền bối cũng đã bước đầu nhận thức được tầm quan trọng và vai trò của chính đảng cách mạng. Phan Chu Trinh đã nói: ngày nay, muốn độc lập, tự do, phải có đoàn thể, nhưng ông chỉ mới nói mà chưa kịp làm. Phan Bội Châu đã tổ chức ra Đảng Việt Nam Quang phục hội, sau dự định cải tổ nó thành Việt Nam quốc dân Đảng theo kiểu Tôn Trung Sơn, nhưng ông chưa kịp thực hiện thì đã bị bắt, bị đưa về giam lỏng ở Huế.
Dù đã thành lập hay chưa thì các đảng kiểu đó cũng không thể lãnh đạo cách mạng giải phóng dân tộc đi đến thành công, vì nó thiếu một đường lối chính trị đúng đắn và một đường lối tổ chức chặt chẽ, lại không có cơ sở rộng rãi trong quần chúng, nên sớm muộn cũng rơi vào tan rã và thất bại.
- Thực tiễn cách mạng Việt Nam đã chứng minh: Đảng ra đời đã chấm dứt 72 năm khủng hoảng đường lối và giai cấp lãnh đạo cách mạng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã làm cuộc cách mạng tháng Tám( 1945) thành công, kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và xây dựng chủ nghĩa xã hội và công cuộc đổi mới hiện nay.
- Luận điểm trên của Hồ Chí Minh vẫn giữ nguyên giá trị trong tình hình hiện nay, nếu không có sự lãnh đạo của Đảng thì không thể thực hiện được mục tiêu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Vì thế, đổi mới và chỉnh đốn Đảng không phải là từ bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng mà là tìm ra các hình thức, phương pháp lãnh đạo đạt hiệu quả cao hơn trong tình hình mới.
3 - Cách mạng giải phóng dân tộc là sự nghiệp đoàn kết của toàn dân, trên cơ sở liên minh công nông
- Kế thừa truyền thống dân tộc ( lấy dân làm gốc), vận dụng sáng tạo quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin ( cách mạng là sự nghiệp của quần chúng ) căn cứ vào điều kiện cụ thể của Việt Nam, Hồ Chí Minh thấy rằng: lực lượng cách mạng trong cách mạng giải phóng dân tộc nếu chỉ tập hợp được hai giai cấp công nhân, nông dân thôi thì khó có thể giành được thắng lợi.
- Vì vậy, Hồ Chí Minh khẳng định: lực lượng cách mạng trong cách mạng giải phóng dân tộc đó là sự nghiệp của cả dân chúng, phải đoàn kết toàn dân. Hồ Chí Minh viết: " cách mạng là việc chung của cả dân chúng", " sĩ, nông, công, thương đều nhất trí chống lại cường quyền".
Nhưng trong sự tập hợp rộng rãi đó, Hồ Chí Minh nhắc nhở không được quên cái cốt lõi của nó là liên minh công nông, phải nhớ: " công nông là người chủ cách mệnh...công nông là gốc của cách mệnh".
- Một nét đặc sắc trong tư tưởng Hồ Chí Minh về lực lượng cách mạng trong cách mạng giải phóng dân tộc là quan điểm: " đem sức ta mà giải phóng cho ta";" lực lượng cách mạng trong cách mạng giải phóng dân tộc trước hết là lực lượng của bản thân các dân tộc bị áp bức" với tinh thần: " công cuộc giải phóng anh em chỉ có thể thực hiện được bằng sự nõ lực của bản thân anh em".
- Với tinh thần đó, Hồ Chí Minh luôn coi việc vận động nhân dân, xây dựng lực lượng cách mạng ở trong nước là yếu tố quyết định cho thắng lợi của cách mạng. Mặt khác, phải hết sức tranh thủ sự đồng tình giúp đỡ của các lực lượng cách mạng, lực lượng tiến bộ của thế giới.
4 - Cách mạng giải phóng dân tộc là một bộ phận khăng khít của cách mạng vô sản thế giới, cần được tiến hành chủ động, sáng tạo và có khả năng giành thắng lợi trước cách mạng vô sản ở chính quốc.
a. Trước hết, theo Hồ Chí Minh cách mạng giải phóng dân tộc là một bộ phận khăng khít của cách mạng vô sản thế giới.
- Sự khẳng định trên bắt nguồn ngay trong sự lựa chọn con đường cách mạng vô sản của Nguyễn Ái Quốc để giải phóng các dân tộc thuộc địa. Cách mạng giải phóng dân tộc là một bộ phận, một phạm trù của cách mạng vô sản, phải liên hệ chặt chẽ với cách mạng vô sản để thực hiện thắng lợi sứ mệnh lịch sử của giai cấp vô sản là xoá bỏ chủ nghĩa tư bản, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản trên phạm vi toàn thế giới.
- Sự khẳng định trên còn bắt nguồn từ việc: cách mạng giải phóng dân tộc và cách mạng vô sản thế giới đều có chung một kẻ thù là chủ nghĩa đế quốc, đương nhiên là có mối quan hệ với nhau.
- Mặt khác, chúng ta biết rằng: giai cấp vô sản và giai cấp tư sản đều là những giai cấp mạng tính quốc tế, nhưng lại tồn tại ở từng quốc gia dân tộc cụ thể. Điều đó quy định cách mạng vô sản ở từng nước có quan hệ với cách mạng thế giới nói chung.
- Điểm mới, sâu sắc và sáng tạo trong tư tưỏng Hồ Chí Minh về mối quan hệ giữa cách mạng giải phóng dân tộc và cách mạng vô sản chính quốc là ở chỗ Hồ Chí Minh đã chứng minh được rằng chủ nghĩa đế quốc không chỉ áp bức, bóc lột nhân dân các nước thuộc địa và phụ thuộc mà còn thống trị, bóc lột nhân dân lao động và vô sản nước mình, chống lại phong trào cách mạng thế giới.
- Từ phát hiện trên, Hồ Chí Minh thấy được và rút ra được rằng: sự cần thiết phải liên minh đoàn kết chặt chẽ không những giữa các dân tộc thuộc địa có cùng cảnh ngộ với nhau, mà còn phải liên minh đoàn kết giữa nhân dân thuộc địa với giai cấp công nhân và nhân dân lao động ở chính quốc để chống kẻ thù chung là chủ nghĩa đế quốc. Nếu tách riêng mỗi lực lượng thì khó có thể giành được thắng lợi.
- Hồ Chí Minh đưa ra luận điểm nổi tiếng: ví chủ nghĩa đế quốc như con đỉa hai vòi, muốn tiêu diệt con đỉa này thì giai cấp công nhân, nhân dân bị áp bức ở thuộc địa và giai cấp công nhân, nhân dân lao động ở chính quốc phải đoàn kết, phối hợp hành động để cắt đứt đồng thời cả hai cái vòi của nó. Hồ Chí Minh còn ví: cách mạng giải phóng dân tộc ở thuộc địa và cách mạng vô sản ở chính quốc như hai cánh của một con chim, phải phối hợp nhịp nhàng, phải cùng phối hợp với nhau để đánh đổ chủ nghĩa đế quốc.
- Không những đưa ra quan điểm, Hồ Chí Minh còn tích cực đấu tranh để giành sựủng hộ của giai cấp vô sản ở chính quốc đối với các dân tọc thuộc địa và Hồ Chí Minh còn coi đó là một tiêu chuẩn của Đảng cách mạng chân chính ở chính quốc và là một đảm bảo quan trọng cho thắng lợi của cách mạng giải phóng dân tộc ở thuộc địa.
- Vận dụng quan điểm trên của Hồ Chí Minh trong bối cảnh hiện nay, chúng ta vẫn tiếp tục xác định : cách mạng Việt Nam là một bộ phận không thể tách rời của cách mạng thế giới. Việt Nam tiếp tục đoàn kết, ủng hộ các phong trào cách mạng, các xu hướng và trào lưu tiến bộ của thời đại vì các mục tiêu: hoà bình-độc lập dân tộc-dân chủ và tiến bộ xã hội.
b. Trong khi chỉ ra cách mạng thuộc địa là một bộ phận khăng khít của cách mạng vô sản thế giới, Hồ Chí Minh còn dự đoán: cách mạng ở các nước thuộc địa có thể nổ ra và giành thắng lợi trước cách mạng vô sản ở chính quốc, tác động trở lại, thúc đẩy cách mạng ở chính quốc.
- Đây là một luận điểm mới mẻ và sáng tạo đặc biệt của Hồ Chí Minh ngay từ đầu đã xác định đúng vị trí, vai trò của cách mạng giải phóng dân tộc. Bổ sung cho lý luận Mác-Lênin về đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người.
- Theo quan điểm Mác, Ăngghen, Lênin và Quốc tế Cộng sản thì: cách mạng thuộc địa phụ thuộc vào cách mạng vô sản ở chính quốc, là " hậu bị quân" của cách mạng vô sản ở chính quốc, cách mạng giải phóng dân tộc chỉ có thể giành thắng lợi khi cách mạng vô sản chính quốc giành thắng lợi. Quan điểm trên vô hình dung đã làm giảm tính chủ động, sáng tạo của cách mạng giải phóng dân tộc.
- Theo Hồ Chí Minh, cách mạng giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa không hoàn toàn phụ thuộc vào cách mạng vô sản ở chính quốc mà nhân dân các dân tộc thuộc địa và phụ thuộc có thể chủ động đứng lên, đem sức ta mà giải phóng cho ta, giành thắng lợi trước cách mạng vô sản ở chính quốc.
- Vì sao mà Hồ Chí Minh khẳng định như vậy?
+ Từ việc Hồ Chí Minh nghiên cứu về bản chất của chủ nghĩa thực dân thể hiện trong tác phẩm Bản án chế độ thực dân Pháp. Bằng những lý lẽ đanh thép, tác phẩm đã bóc trần bản chất bóc lột, tàn ác dã man, phản động của chủ nghĩa thực dân. Theo quy luật: có áp bức, có đấu tranh " vì bị áp bức mà sinh ra cách mạng, bị áp bức càng nặng thì lòng cách mạng càng bền, chí cách mạng càng quyết". Từ đó, Hồ Chí Minh cho rằng thuộc địa cũng là nơi tập trung những mâu thuẫn của thời đại, là mắt khâu yếu nhất tropng dây truyền chủ nghĩa đế quốc, ở đó cách mạng có thể nổ ra và giành thắng lợi.
+ Từ việc Hồ Chí Minh đánh giá đúng tiềm năng cách mạng to lớn của nhân dân các dân tộc thuộc địa, đánh giá đúng sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước và tinh thần dân tộc chân chính của các nước thuộc địa ( có Việt Nam).
+ Xuất phát từ tinh thần độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường, sáng tạo của Hồ Chí Minh. Con đường của Hồ Chí Minh không phải là làm cách mạng thế giới rồi nhờ sự giúp đỡ của thế giới để giải phóng Việt Nam. Con đường cách mạng Hồ Chí Minh, trước hết là phải bằng sự nỗ lực và sức mạnh của chính mình, tranh thủ thời cơ và sự giúp đỡ quốc tế, cả dân tộc vùng dậy tự giải phóng cho mình.
- Luận điểm trên của Hồ Chí Minh đã góp phần thức tỉnh, cỗ vũ các dân tộc thuộc địa đứng lên để tự giải phóng mình, góp phần phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin. Đây còn là cơ sở của tinh thần độc lập, tự lực, tự cường của cách mạng Việt Nam. Là cơ sở để Đảng ta tổ chức và lãnh đạo nhân dân đứng lên tự giải phóng khỏi ách đế quốc xâm lược và khỏi nghèo nàn, lạc hậu.
- Dự đoán thiên tài của Hồ Chí Minh đã được chứng minh bằng thắng lợi của cách mạng Việt Nam và thắng lợi của các dân tộc thuộc địa khác ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ la tinh. Lịch sử loài người đã chứng minh sự sụp đổ hoàn toàn hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc.
5 - Cách mạng giải phóng dân tộc phải được thực hiện bằng con đường bạo lực, kết hợp lực lượng chính trị của quần chúng với lực lượng vũ trang nhân dân.
Ngay từ đầu năm 1924, trong Báo cáo về Bắc kỳ, Trung kỳ, Nam kỳ, Nguyễn ái Quốc đã đề cập khả năng một cuộc khởi nghĩa vũ trang ở Đông Dương. Để đạt được thắng lợi theo Hồ Chí Minh, cuộc khởi nghĩa vũ trang đó:
- Phải có tính chất một cuộc khởi nghĩa quần chúng chứ không phải một cuộc nổi loạn...phải được chuẩn bị trong quần chúng, nổ ra trong thành phố, theo kiểu các cuộc cách mạng châu Âu.
- Phải được nước Nga ủng hộ.
- Phải trùng hợp với cách mạng vô sản Pháp.
- Phải gắn mật thiết với sự nghiệp của vô sản thế giới.
Tháng 5-1941, Hội nghị lần thứ Tám Ban Chấp hành Trung ương khoá I do Hồ Chí Minh chủ trì đã đưa ra nhận định: cuộc cách mạng Đông Dương kết liễu bằng một cuộc khởi nghĩa vũ trang, mở đầu có thể là bằng một cuộc khởi nghĩa từng phần trong từng địa phương...mà mở đường cho một cuộc tổng khởi nghĩa to lớn.
Để chuẩn bị tiến tới khởi nghĩa vũ trang, Hồ Chí Minh cùng với Trung ương Đảng chỉ đạo xây dựng căn cứ địa, đào tạo, huấn luyện cán bộ, xây dựng các tổ chức chính trị của quần chúng, lập ra các đội du kích vũ trang, chủ động đón thời cơ, chớp thời cơ, phát động Tổng khởi nghĩa tháng Tám và giành được chính quyền trong cả nước chỉ trong có hơn 10 ngày.
II - Ý NGHĨA CỦA TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ CÁCH MẠNG GIẢI PHÓNG DÂN TỘC ĐỐI VỚI CÔNG CUỘC ĐỔI MỚI HIỆN NAY.
1 - Kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.
- Là con đường đúng mà Hồ Chí Minh đã tìm ra, được Đảng và nhân dân ta khẳng định, đi theo, là con đường đúng với quy luật tiến hoá của lịch sử, phù hợp với xu thế của thời đại mới, là sự lựa chọn, khảo nghiệm của chính lịch sử dân tộc Việt Nam, phản ánh sâu sắc nguyện vọng bức thiết của dân tộc Việt Nam. Trở thành mục tiêu, lý tưởng cao đẹp của Đảng và nhân dân ta, được thực tiễn cách mạng Việt Nam gần 80 năm qua chứng minh, là nguồn gốc thắng lợi của cách mạng Việt Nam và hiện nay chúng ta hoàn toàn có khả năng để tiến lên chủ nghĩa xã hội.
- Đối với quân đội ta hiện nay: đòi hỏi mỗi chúng ta phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, luôn kiên định với mục tiêu và con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội. Góp phần trên cương vị của mình đấu tranh chống mọi mưu toan của các lực lượng thù địch muốn làm chệch hướng con đường và mục tiêu mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn.
2 - Nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường, chủ động sáng tạo, vượt qua mọi khó khăn đưa đất nước tiến lên chủ nghĩa xã hội.
- Chính tinh thần độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường đã thôi thúc Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước và đó là một trong những cơ sở cho sự hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh về cách mạng giải phóng dân tộc.
- Ngày nay, công cuộc đổi mới tiến lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta có những thuận lợi rất cơ bản song cũng đang đứng trước những khó khăn và thách thức mới.
- Hơn lúc nào hết đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phải nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường, chủ động, sáng tạo vượt qua mọi khó khăn và trở ngại với tinh thần: " phải lấy sức ta để giải phóng cho ta" ra khỏi nghèo nàn, lạc hậu để xây dựng cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc.
- Tư tưởng thụ động, dựa dẫm, trông chờ sự viện trợ của các nước tư bản phương Tây quyết không phải là cách lựa chọn của chúng ta.
- Tuy nhiên, độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường cũng không có nghĩa là đóng cửa mà phải thực hiện đa phương hoá, đa dạng hoá trong quan hệ đối ngoại nhằm tranh thủ vốn, công nghệ và kinh nghiệm quản lý. Song phải giữ vững nguyên tắc: " độc lập, thống nhất và chủ nghĩa xã hội".
3 - Trong khi đặt lên hàng đầu nhiệm vụ xây dựng đất nước, phải thường xuyên nêu cao cảnh giác, củng cố quốc phòng, bảo vệ vững chắc nền độc lập dân tộc.
- Theo Hồ Chí Minh, chỉ có xây dựng đất nước giàu mạnh theo con đường xã hội chủ nghĩa thì " cách mạng mới đến nơi", " mới giải phóng được công nông", mới đưa lại cho mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc. Do đó, phải đặt nên hàng đầu nhiệm vụ xây dựng đất nước tiến lên chủ nghĩa xã hội.
- Tuy nhiên: từ âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù luôn tìm cách thôn tính dân tộc ta, xoá bỏ chủ nghĩa xã hội trên đất nước ta, hướng đất nước ta theo con đường tư bản chủ nghĩa. Vì vậy, hơn lúc nào hết phải thường xuyên nêu cao cảnh giác, củng cố quốc phòng, bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ Tổ quốc và các thành quả cách mạng.
CÂU HỎI ÔN TẬP
1. Nội dung của tư tưởng Hồ Chí Minh về cách mạng giải phóng dân tộc? Ý nghĩa đối với công cuộc đổi mới hiện nay?
2. Phân tích luận điểm: " Cách mạng giải phóng dân tộc cần được tiến hành chủ động và có khả năng giành thắng lợi trước cách mạng vô sản chính quốc"? Ý nghĩa đối với công cuộc đổi mới hiện nay?