1. Mở đầu
Sự bùng nổ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang đặt ra yêu cầu mới cho nền giáo dục Việt Nam, đó
là phải áp dụng các phương thức mới trong đào tạo một cách phù hợp để tiếp cận với nền giáo dục hiện đại trên thế
giới. Trong xu thế phát triển ấy, Blended learning (B-learning) là một phương thức đào tạo hiện đại, kết hợp hoàn
hảo giữa phương thức học tập truyền thống và việc tích hợp ứng dụng công nghệ thông tin trong đào tạo nhằm nâng
cao tính linh hoạt, chủ động của việc dạy học cũng như tiết kiệm chi phí, rút ngắn khoảng cách địa lí giữa người dạy
và người học.
Việc ứng dụng B-learning trong hoạt động đào tạo được tìm hiểu và nghiên cứu khá rộng rãi ở nhiều cấp học và
ngành học khác nhau. Tuy nhiên, vấn đề ứng dụng B-learning trong hoạt động bồi dưỡng giáo viên (GV) nói chung
và GV Giáo dục công dân (GDCD) nói riêng thì chưa được bàn tới nhiều. Ở góc độ của bài viết này, chúng tôi tập
trung bàn về bản chất và lợi ích của B-learning cũng như giải pháp ứng dụng B-learning trong công tác bồi dưỡng
GV giảng dạy GDCD đáp ứng yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
5 trang |
Chia sẻ: thanhle95 | Lượt xem: 358 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Ứng dụng “Blended Learning” trong hoạt động bồi dưỡng phát triển năng lực giáo viên Giáo dục công dân, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
VJE Tạp chí Giáo dục, Số đặc biệt kì 1 tháng 5/2020, tr 216-220 ISSN: 2354-0753
216
ỨNG DỤNG “BLENDED LEARNING” TRONG HOẠT ĐỘNG BỒI DƯỠNG
PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC GIÁO VIÊN GIÁO DỤC CÔNG DÂN
Nguyễn Ngọc Dung+,
Nguyễn Thị Toan
Trường Đại học Thủ đô Hà Nội
+Tác giả liên hệ ● Email: nndung@daihocthudo.edu.vn
Article History
Received: 27/3/2020
Accepted: 04/4/2020
Published: 08/5/2020
Keywords
Blended learning,
competencies, professional
development, teachers of
Civic Education.
ABSTRACT
Blended learning is an open form of teaching which combines traditional
classroom teaching with modern E-learning teaching. This form of teaching
has been applied widely in many countries around the world. In addition to
its application in training activities, blended learning is also useful in
proposing solutions for teacher training. By analyzing the advantages and
disadvantages of teacher training forms and the benefits of Blended learning,
the article proposes solutions to apply Blended learning in competencies
training and development for teachers of Civic Education.
1. Mở đầu
Sự bùng nổ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang đặt ra yêu cầu mới cho nền giáo dục Việt Nam, đó
là phải áp dụng các phương thức mới trong đào tạo một cách phù hợp để tiếp cận với nền giáo dục hiện đại trên thế
giới. Trong xu thế phát triển ấy, Blended learning (B-learning) là một phương thức đào tạo hiện đại, kết hợp hoàn
hảo giữa phương thức học tập truyền thống và việc tích hợp ứng dụng công nghệ thông tin trong đào tạo nhằm nâng
cao tính linh hoạt, chủ động của việc dạy học cũng như tiết kiệm chi phí, rút ngắn khoảng cách địa lí giữa người dạy
và người học.
Việc ứng dụng B-learning trong hoạt động đào tạo được tìm hiểu và nghiên cứu khá rộng rãi ở nhiều cấp học và
ngành học khác nhau. Tuy nhiên, vấn đề ứng dụng B-learning trong hoạt động bồi dưỡng giáo viên (GV) nói chung
và GV Giáo dục công dân (GDCD) nói riêng thì chưa được bàn tới nhiều. Ở góc độ của bài viết này, chúng tôi tập
trung bàn về bản chất và lợi ích của B-learning cũng như giải pháp ứng dụng B-learning trong công tác bồi dưỡng
GV giảng dạy GDCD đáp ứng yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
2. Kết quả nghiên cứu
2.1. Các hình thức bồi dưỡng phát triển năng lực giáo viên Giáo dục công dân
- Kết hợp giữa hình thức tự học của GV với các sinh hoạt chuyên môn, nghiệp vụ tại tổ bộ môn của nhà trường,
liên trường hoặc cụm trường
Cùng với sự phát triển không ngừng của đời sống xã hội, sự đổi mới của GD-ĐT, năng lực thích ứng của đội ngũ
GV càng cần được đề cao và quan tâm nhiều hơn. Tự học, tự bồi dưỡng là phương thức tốt nhất giúp GV phát triển
năng lực chuyên môn, nghiệp vụ để thực hiện có hiệu quả các hoạt động giáo dục và dạy học ở nhà trường phổ thông.
Tuy nhiên, để có thể bắt kịp với xu thế đổi mới giáo dục hiện nay, song song với hoạt động tự học, tự bồi dưỡng,
GV cần được tạo điều kiện tham gia các lớp bồi dưỡng, tập huấn theo chuyên đề do các cấp quản lí giáo dục hoặc
các cơ sở đào tạo GV tổ chức.
- Bồi dưỡng tập trung
Theo hình thức này, học viên đến lớp theo thời gian biểu quy định để thực hiện các hoạt động học tập với giảng
viên và các học viên khác. Bồi dưỡng tập trung được tổ chức nhằm hướng dẫn tự học, thực hành, hệ thống hóa kiến
thức, giải đáp thắc mắc, hướng dẫn những nội dung bồi dưỡng khó đối với GV; đáp ứng nhu cầu của GV trong học
tập bồi dưỡng; tạo điều kiện cho GV có cơ hội được trao đổi về chuyên môn, nghiệp vụ và luyện tập kĩ năng.
Hình thức bồi dưỡng tập trung có ưu điểm là duy trì được hoạt động giao tiếp trực tiếp giữa người dạy với người
học và giữa những người học với nhau. Đây là một hình thức giao tiếp giàu thông tin và có hiệu quả cao trong dạy
học. Ngoài ra, hình thức này giúp duy trì và nâng cao động lực học tập, vốn được coi yếu tố cốt lõi dẫn đến thành
công của hoạt động học tập.
Tuy nhiên, hình thức bồi dưỡng tập trung cũng bộc lộ một số nhược điểm, trong đó có thể kể đến khía cạnh cá
nhân hóa hoạt động học tập và chi phí tổ chức. Khi theo học các lớp học truyền thống, học viên cần phải tuân thủ
thời gian biểu đã được quy định từ trước. Nhịp độ học tập của các học viên trong cùng một lớp bồi dưỡng là như
VJE Tạp chí Giáo dục, Số đặc biệt kì 1 tháng 5/2020, tr 216-220 ISSN: 2354-0753
217
nhau, trong khi đó mỗi cá nhân thì lại có những nền tảng khác nhau, điều này gây khó khăn cho người học nếu nội
dung, thời gian và địa điểm học tập không phù hợp. Do đó, việc đảm bảo tính cá nhân hóa hoạt động học tập để phù
hợp với từng học viên sẽ gặp nhiều khó khăn.
Chi phí tổ chức học tập cũng là một yếu tố gây trở ngại khi triển khai các lớp bồi dưỡng tập trung. Một trong số
các nguyên nhân được nêu ra là do số lượng học viên trong một lớp bị hạn chế nhằm đảm bảo hiệu quả học tập. Do
đó, với việc chia nhỏ học viên thành nhiều lớp bồi dưỡng sẽ dẫn đến chi phí tổ chức lớp học tăng lên đáng kể.
- Bồi dưỡng theo hình thức trực tuyến (học tập từ xa qua mạng Internet)
Đây là hình thức bồi dưỡng được triển khai hoàn toàn dựa trên nền tảng công nghệ thông tin và Internet. Với hình
thức này, người học không phải di chuyển đến các lớp học mà thực hiện các hoạt động học tập từ xa thông qua các
kênh giao tiếp trên Internet. Ngoại trừ một số khóa học có thời gian cố định (tương tác online giữa người dạy và học
viên) thì phần lớn các khóa học đều rất linh hoạt về thời gian, giúp cho học viên có thể tự lựa chọn, tự sắp xếp lịch
học một cách phù hợp nhất với điều kiện của mình. Việc lựa chọn thời gian học tập phù hợp cũng là một yếu tố quan
trọng giúp nâng cao hiệu quả học tập của học viên.
Linh hoạt về thời gian là một trong số các ưu điểm của bồi dưỡng trực tuyến. Một ưu điểm nữa của học tập trực
tuyến là giúp giảm thiểu chi phí triển khai học tập, đồng thời tiếp cận được với một lượng lớn học viên phân tán ở
các khu vực địa lí khác nhau. Thay vì chỉ quan tâm được một lượng học viên hạn chế trong cùng một thời điểm như
hình thức bồi dưỡng tập trung thì bằng cách triển khai bồi dưỡng trực tuyến, một GV có thể quan tâm tới hàng trăm
học viên ở cùng một thời điểm. Việc giảm chi phí và mở rộng được đối tượng tiếp cận là một ưu điểm lớn của học
tập trực tuyến, giúp hình thức này nhận được nhiều sự quan tâm trong hoạt động đào tạo và bồi dưỡng.
Tuy nhiên, hình thức bồi dưỡng trực tuyến cũng có một số nhược điểm, gây ảnh hưởng đến hiệu quả học tập nếu
không được thiết kế tốt, đặc biệt là khó kiểm soát việc hoàn thành khóa bồi dưỡng của học viên. Điều này được lí
giải là do việc duy trì động lực học tập cho học viên trong môi trường trực tuyến luôn là bài toán khó đối với việc
thiết kế và triển khai các khóa học, dẫn đến việc học viên từ chối tham gia các khóa học trực tuyến hoặc không hoàn
thành được nội dung đã thiết kế.
- Kết hợp bồi dưỡng tập trung và bồi dưỡng trực tuyến (bồi dưỡng kết hợp)
Kết hợp bồi dưỡng tập trung và bồi dưỡng trực tuyến thực chất là hình thức bồi dưỡng dựa trên mô hình học tập
kết hợp (B-learning). Theo đó, hoạt động bồi dưỡng được thiết kế dựa trên sự kết hợp giữa bồi dưỡng tập trung và
bồi dưỡng qua mạng nhằm tận dụng tối đa lợi thế và khắc phục các mặt hạn chế của hai hình thức này.
2.2. Khái quát về mô hình học tập kết hợp B-learning
2.2.1. Khái niệm
Theo Alvarez (2005), B-learning là sự kết hợp của các phương tiện truyền thông trong đào tạo như công nghệ,
các hoạt động và các loại sự kiện nhằm tạo ra một chương trình đào tạo tối ưu cho một đối tượng cụ thể. Theo
Victoria L. Tinio (2003), học tích hợp (B-learning) là khái niệm chỉ các mô hình học kết hợp giữa hình thức lớp học
truyền thống và các giải pháp E-learning. Bonk và Graham (2005) cho rằng, B-learning là sự kết hợp các phương
thức giảng dạy (hoặc cung cấp các phương tiện truyền thông), kết hợp các phương pháp giảng dạy, kết hợp học tập
trực tuyến và F2F (face to face).
Tại Việt Nam, B-learning cũng là chủ đề nhận được nhiều sự quan tâm của các nhà nghiên cứu về khoa học giáo
dục. Nguyễn Văn Hiền (2008) đã đưa ra một khái niệm tương tự là “học tập hỗn hợp” để chỉ hình thức kết hợp giữa
cách học trên lớp với học tập có sự hỗ trợ của công nghệ, học tập qua mạng. Nguyễn Danh Nam (2007) nhận định
rằng, sự kết hợp giữa E-learning với lớp học truyền thống trở thành một giải pháp tốt, nó tạo thành một mô hình đào
tạo gọi là “Blended learning”.
Trên cơ sở kế thừa quan điểm của các nhà nghiên cứu, chúng tôi định nghĩa: B-learning là sự kết hợp hữu cơ,
thống nhất giữa hình thức tổ chức dạy học trên lớp (face to face - F2F) và hình thức tổ chức dạy học qua mạng
Internet với tính tự giác của người học dưới sự hướng dẫn trực tiếp và gián tiếp của GV.
2.2.2. Lợi ích của B-learning
- Đối với người học
B-learning tạo môi trường tích cực và chủ động hơn trong học tập thông qua sự tương tác giữa người học với
nhau, giữa GV và người học qua việc hướng dẫn của GV ở cả trên lớp và qua mạng. Mặt khác, các module học
trực tuyến cho phép người học được cá nhân hóa việc học tập của mình. Có nghĩa là, người học được học theo
tốc độ phù hợp với bản thân, sử dụng các phương pháp học tập ưa thích và nhận được các phản hồi thường xuyên
và kịp thời về các hoạt động học tập mà họ tham gia. Môi trường học tập linh hoạt cũng là một lợi thế của B-
VJE Tạp chí Giáo dục, Số đặc biệt kì 1 tháng 5/2020, tr 216-220 ISSN: 2354-0753
218
learning. Người học có thể tham gia hoạt động học tập vào mọi lúc và ở mọi nơi với các thiết bị kết nối Internet
như điện thoại, máy tính.
- Đối với người dạy
B-learning giúp GV sáng tạo hơn, chủ động hơn trong quá trình dạy học. Khác với phương thức truyền thống,
GV phải tùy chỉnh thiết kế giáo án dựa trên nhu cầu học tập của người học trên phương diện phong cách, sở thích và
năng lực học tập. Do vậy, những chương trình dạy học phải là những sản phẩm tốt nhất phục vụ cho nhu cầu học tập
của mỗi cá nhân.
Việc áp dụng B-learning cho phép GV tích hợp được nhiều công cụ truyền đạt thông tin như: bài giảng
PowerPoint, text, video sinh động, cho những nội dung lí thuyết, nhờ đó giúp GV có nhiều thời gian tập trung hơn
vào các vấn đề mang tính gợi mở, phát triển thông qua hoạt động thảo luận trực tiếp trên lớp.
- Đối với các cơ sở đào tạo
Khi triển khai mô hình lớp học truyền thống, chi phí cho hệ thống lớp học và các trang thiết bị đi kèm là một
khoản kinh phí lớn đối với các cơ sở đào tạo. Việc áp dụng B-learning sẽ giúp giảm đáng kể nhu cầu về phòng học,
từ đó giảm áp lực đầu tư về cơ sở vật chất. Tiết kiệm thời gian, tiết kiệm chi phí so với phương thức dạy học truyền
thống, trong khi hiệu quả đào tạo/bồi dưỡng vẫn đạt được một cách tốt nhất, đây được xem là điểm hấp dẫn của B-
learning mà các cơ sở đào tạo khó có thể bỏ qua khi tính tới việc cải cách và đổi mới hệ thống của mình.
2.3. Ứng dụng B-learning trong bồi dưỡng phát triển năng lực giáo viên Giáo dục công dân
Ngày càng xuất hiện nhiều công cụ cho phép ứng dụng B-learning vào hoạt động dạy học cũng như bồi dưỡng
GV một cách có hiệu quả. Trong đó, Google Classroom - lớp học điện tử được tích hợp nhiều tiện ích là công cụ khá
quen thuộc và gần gũi với GV phổ thông. Việc tổ chức lớp học trên nền tảng Google Classroom được thực hiện
thông qua việc hỗ trợ 3 tính năng chính: Giao tiếp, Giao bài tập và Lưu trữ. Vì vậy, trong phạm vi bài viết này, chúng
tôi lựa chọn Google Classroom để minh họa cho việc ứng dụng B-learning trong hoạt động bồi dưỡng GV GDCD.
Theo đó, lớp học bồi dưỡng GV GDCD là sự kết hợp hữu cơ giữa lớp học trực tuyến trên nền tảng Google Classroom
và lớp học tập trung được tổ chức theo phương thức truyền thống. Trong đó:
- Ở lớp học trực tuyến được thiết lập trên nền tảng Google Classroom kết hợp với Google Meet, với sự hướng
dẫn của giảng viên thông qua tương tác online, học viên thực hiện tự nghiên cứu tài liệu, kết hợp slides/video bài
giảng, hoàn thành sản phẩm theo nhiệm vụ học tập được giao (bài tập trắc nghiệm, bài thực hành).
- Ở lớp học tập trung: Học viên báo cáo sản phẩm, thảo luận góp ý và hoàn thiện sản phẩm.
Trong đó, lớp học trực tuyến trên nền tảng Google Classroom được cấu trúc thành 3 phần như sau:
Phần 1: Giới thiệu chung về chương trình bồi dưỡng GV GDCD
Phần này bao gồm các nội dung: giới thiệu về hình thức bồi dưỡng, hướng dẫn học viên thực hiện hoạt động học
tập trên lớp học trực tuyến bằng hình thức online qua Google Meet được tích hợp trên giao diện lớp học.
Hình 1. Giao diện lớp học trực tuyến trên Google Classroom
Phần 2: Hệ thống học liệu về nội dung bồi dưỡng
Về nội dung, chúng tôi tập trung triển khai bồi dưỡng GV GDCD với 4 module theo Chương trình giáo dục phổ
thông năm 2018, gồm: Giáo dục đạo đức, Giáo dục pháp luật, Giáo dục kĩ năng sống và Giáo dục kinh tế. Do đó, hệ
thống học liệu được thiết kế theo từng module dưới dạng các file pdf và ppt.
VJE Tạp chí Giáo dục, Số đặc biệt kì 1 tháng 5/2020, tr 216-220 ISSN: 2354-0753
219
Ví dụ: Với nội dung Giáo dục pháp luật, chúng tôi căn cứ vào Chương trình giáo dục phổ thông môn GDCD
2018 để xây dựng hệ thống học liệu, gồm các chuyên đề: Lí luận chung về nhà nước và pháp luật, một số vấn đề về
Luật Hành chính, Luật Dân sự, Luật Hình sự và các vấn đề pháp luật trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục, môi trường
Các chuyên đề này được thiết kế với mục tiêu nhằm giúp học viên hiểu được các kiến thức pháp luật cơ bản liên
quan đến chương trình môn GDCD cấp THCS và môn Giáo dục kinh tế và pháp luật cấp THPT trong Chương trình
giáo dục phổ thông năm 2018.
Hình 2. Hệ thống học liệu về Giáo dục pháp luật trên lớp học trực tuyến
Sau khi tự nghiên cứu học liệu, học viên sẽ phải thực hiện nhiệm vụ học tập bắt buộc là hoàn thành bài tập trắc
nghiệm về nội dung giáo dục pháp luật. Khi kết thúc bài tập trắc nghiệm, hệ thống sẽ cung cấp một thống kê cho
phép người học nhìn lại những nội dung mà mình đã học, những phần mình đã làm tốt và những phần mình cần rà
soát thêm. Như vậy, bài tập trắc nghiệm không chỉ là công cụ để giảng viên đánh giá người học mà quan trọng hơn
đó còn là cơ chế giúp người học củng cố kiến thức, rà soát và gợi nhớ những nội dung đã tự nghiên cứu, đồng thời
tự đánh giá được quá trình học tập của mình để từ đó có những điều chỉnh cần thiết.
Phần 3: Hướng dẫn thiết kế và tổ chức hoạt động dạy học môn GDCD theo Chương trình giáo dục phổ thông
năm 2018
Ở phần này, học viên sẽ theo dõi bài giảng E-learning về hướng dẫn thiết kế và tổ chức hoạt động dạy học theo
từng module (Giáo dục đạo đức, Giáo dục kĩ năng sống, Giáo dục pháp luật và Giáo dục kinh tế). Kèm theo bài giảng
là video các tiết dạy minh họa nhằm đảm bảo tính trực quan trong việc hướng dẫn GV thiết kế và tổ chức dạy học
môn GDCD ở cấp THCS và THPT.
Dưới đây là minh họa về phần Hướng dẫn thiết kế và tổ chức dạy học nội dung giáo dục pháp luật trên Google
Classroom:
Hình 3. Bồi dưỡng năng lực thiết kế và tổ chức hoạt động dạy học nội dung Giáo dục pháp luật
trên lớp học trực tuyến
Sau khi xem bài giảng E-Learning về hướng dẫn thiết kế và tổ chức hoạt động dạy học, giảng viên tổ chức buổi
học tương tác online với học viên qua Google Meet nhằm trao đổi thêm về nội dung thực hành thiết kế 01 chủ đề
theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Sản phẩm của nhiệm vụ học tập này sẽ được báo cáo tại buổi học tập
trung, qua đó giảng viên và học viên cùng đưa ra những trao đổi, nhận xét, góp ý; từ đó, rút ra phương pháp và yêu
cầu sư phạm cần thiết trong việc thiết kế và tổ chức dạy học các nội dung giáo dục trong môn GDCD theo Chương
trình giáo dục phổ thông 2018.
VJE Tạp chí Giáo dục, Số đặc biệt kì 1 tháng 5/2020, tr 216-220 ISSN: 2354-0753
220
3. Kết luận
Việc tổ chức bồi dưỡng phát triển năng lực của GV nói chung, GV GDCD nói riêng theo hình thức dạy học B-
learning là xu hướng tất yếu trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay. Dựa trên mô hình B-learning,
chúng tôi đề xuất phương án bồi dưỡng kết hợp theo hướng sử dụng lớp học trực tuyến để cung cấp kiến thức nền
tảng cho GV GDCD về giáo dục đạo đức, kĩ năng sống, pháp luật, kinh tế theo Chương trình giáo dục phổ thông
2018 cũng như đưa ra những hướng dẫn cơ bản về cách thiết kế và tổ chức hoạt động dạy học các nội dung này ở
môn GDCD; tổ chức dạy học trên lớp học tập trung nhằm tạo không gian và thời gian để giảng viên và học viên trực
tiếp tương tác, trao đổi những vấn đề còn vướng mắc, vận dụng kiến thức để thực hành, trải nghiệm. Với phương án
này, lớp học trực tuyến và lớp học tập trung không tách rời nhau mà bổ sung cho nhau, từ đó giúp tiết kiệm thời gian,
chi phí và nâng cao hiệu quả bồi dưỡng GV. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiến hành thử nghiệm bồi dưỡng GV
GDCD trên địa bàn Hà Nội để kiểm nghiệm tính ưu việt của mô hình này.
Tài liệu tham khảo
Alvarez, S. (2005). Blended learning solutions. In B. Hoffman (Ed.), Encyclopedia of Educational Technology.
Bộ GD-ĐT (2018). Chương trình giáo dục phổ thông - Chương trình tổng thể (ban hành kèm theo Thông tư số
32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT).
Bộ GD-ĐT (2018). Chương trình giáo dục phổ thông môn Giáo dục công dân (ban hành kèm theo Thông tư số
32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT).
Bonk, C. J. & Graham, C. R. (2005). The handbook of blended learning: Global perspectives, local designs. San
Francisco, CA: Pfeiffer Publishing.
Nguyễn Danh Nam (2007). Các mức độ ứng dụng E-learning ở trường đại học sư phạm. Tạp chí Giáo dục, số 175,
tr 41-43.
Nguyễn Thị Diệp (2015). Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên dạy môn Giáo dục công dân trong các trường phổ
thông. Tạp chí Giáo dục, số 349, tr 34-35; 40.
Nguyễn Văn Hiền (2008). Tổ chức “học tập hỗn hợp” - biện pháp rèn luyện kĩ năng sử dụng công nghệ thông tin
cho sinh viên trong dạy học Sinh học. Tạp chí Giáo dục, số 192, tr 43-44; 34.
Nick Morrison (2016). Blended learning: The future of higher education?. Truy cập từ liên kết
https://www.forbes.com/sites/nickmorrison/2016/01/29/blended-learning-the-future-of-higher-education.
Pete Sharma (2010). Blended learning. ELT Journal, 64(4), 456-458, https://doi.org/10.1093/elt/ccq043.
Trần Huy Hoàng, Nguyễn Kim Đào (2014). Tổ chức hoạt động dạy học theo B-learning đáp ứng yêu cầu đổi mới
căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo sau 2015. Tạp chí Khoa học, Trường Đại học Văn Hiến, số 5, tr 66-74.
Trần Thị Thu Huyền (2018). Bồi dưỡng, tập huấn, đào tạo lại giáo viên Giáo dục công dân ở trường trung học phổ
thông nhằm đáp ứng việc giảng dạy theo Chương trình giáo dục phổ thông mới. Tạp chí Giáo dục, số đặc biệt kì
2 tháng 5, tr 60-63.
Victoria L. Tinio (Nhóm công tác e-ASEAN UNDP-APDIP dịch, 2003). Công nghệ thông tin và truyền thông (ICT)
trong giáo dục.