Sự phân đôi cái thống nhất và nhận thức các bộ phận mâu thuẫn của nó” và sự “thống nhất, đồng nhất” của các mặt đối lập, được Lênin nêu lên ở nhiều chỗ khác nhau nhưng thật ra đó là những phương diện khác nhau của một bản chất duy nhất của phương pháp phân tích mâu thuẩn. Trong phương pháp đó bao hàm cả khía cạnh phân tích (phân đôi) và sự tổng hợp lại sau khi đã phân tích tỉ mỉ để nắm các mặt đối lập trong sự thống nhất, đồng nhất của chúng.
Trong các sách giáo khoa của chúng ta, khi đề cập đến những nguyên tắc của phương pháp nhận thức biện chứng thường chỉ dừng lại ở câu trích dẫn của Lênin: “sự phân đôi cái thống nhất và nhận thức của các bộ phận mâu thuẫn của nó . Đó là thực chất (một trong những “bản chất”.) của phép biện chứng”. Người ta không chú đến nguyên tắc “thống nhất, đồng nhất của các mặt đối lập” cũng được Lênin coi là bản chất của phép biện chứng.
Chúng tôi xin nêu vài ý kiến nhằm góp phần làm sáng tỏ phần nào vấn đề đã được đề cập trên đây.
1. Thế nào là phép phân đôi cái thống nhất và nhận thức các bộ phận mâu thuẫn của nó.
Mỗi sự vật, hiện tượng, quá trình trong tự nhiên và xã hội đều là một thể thống nhất của các mặt, các khuynh hướng, các bộ phận chúng vừa liên hệ, ràng buộc vừa bàì trừ, phủ định lẫn nhau. Do đó sự nhận thức toàn diện, sâu sắc về sự vật, hiện tượng không thể nào có được nếu không phân chia thể thống nhất ấy thành các mặt, các bộ phận và nghiên cứu chúng một cách tỉ mỉ. Mỗi mặt được nghiên cứu một cách sâu sắc, từ mặt này đến mặt kia, mặt này được tạm thời trừu tượng hóa khỏi mặt kia. Phân chia thể thống nhất ấy thành từng mặt, từng bộ phận, và nghiên cứu chúng dưới dạng thuần túy, trong sự tách rời tạm thời giữa chúng là khả năng, là điều kiện duy nhất đầu tiên để tư duy nhận thức đi sâu, xâm nhập vào bên trong cái kết cấu của sự vật và phát hiện ra các mối liên hệ, các quá trình nội tại của chúng.
Ở đây cần phân biệt “sự phân đôi” như cái vốn có của quá trình phát triển của tự nhiên, của xã hội và tư duy, là phép biện chứng khách quan, và “sự phân chia” với tính cách là một thao tác của tư duy biện chứng - là “phép biện chứng chủ quan”. Sự phát triển khách quan của tự nhiên, xã hội và tư duy được thực hiện bằng cách phân chia cái thống nhất thành các mặt, các bộ phận mâu thuẫn với nhau. Khi sự triển khai của các mặt đối lập đã đạt đến một giai đoạn nhất định thì mâu thuẫn được giải quyết và sự vật chuyển sang một trạng thái mới về chất. Chính vì thế mà Mác, Ăngghen mới khẳng định rằng các sự vật, hiện tượng “phát triển trong mâu thuẫn và bằng mâu thuẫn” xem đó như là bản chất của sự vận động, sự phát triển biện chứng. Mác viết: “Tình trạng cùng tồn tại của hai mặt mâu thuẫn nhau, sự đấu tranh của chúng, sự dung hợp của chúng thành một phạm trù mới- là bản chất cả sự vận động biện chứng” (3).
6 trang |
Chia sẻ: haohao89 | Lượt xem: 2395 | Lượt tải: 2
Bạn đang xem nội dung tài liệu Vài suy nghĩ về thực chất của phương pháp phân tích mâu thuẫn, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
VÀI SUY NGHĨ VỀ THỰC CHẤT
CỦA PHƯƠNG PHÁP PHÂN TÍCH MÂU THUẪN
(Tạp chí Triết học, số 2, tháng 6 - 1994, tr.39-41)
Phép biện chứng duy vật do Mác và Ăngghen sáng lập ra, Lênin phát triển là một sự kế thừa và nâng lên một bước mới về chất những tư tưởng biện chứng trong lịch sử triết học. Nói đến phép biện chứng, trước hết phải nói đến lý luận về mâu thuẫn, và Lênin coi nó như là “hạt nhân” của phép biện chứng. Điểm nổi bật trong việc phát triển phạm trù mâu thuẫn của các nhà sáng lập phép biện chứng duy vật là ở chỗ các ông đã vận dụng phạm trù đó vào lý luận nhận thức, đã tổng kết được những nguyên tắc căn bản của một phương pháp nhận thức biện chứng - phương pháp phân tích mâu thuẫn.
Thực chất hay bản chất của phương pháp đó được Lênin nêu lên trong tác phẩm “Bút ký triết học”: “Sự phân đôi cái thống nhất và nhận thức các bộ phận đối lập của nó” (1) và “thống nhất, đồng nhất của các mặt đối lập” (2).
“Sự phân đôi cái thống nhất và nhận thức các bộ phận mâu thuẫn của nó” và sự “thống nhất, đồng nhất” của các mặt đối lập, được Lênin nêu lên ở nhiều chỗ khác nhau nhưng thật ra đó là những phương diện khác nhau của một bản chất duy nhất của phương pháp phân tích mâu thuẩn. Trong phương pháp đó bao hàm cả khía cạnh phân tích (phân đôi) và sự tổng hợp lại sau khi đã phân tích tỉ mỉ để nắm các mặt đối lập trong sự thống nhất, đồng nhất của chúng.
Trong các sách giáo khoa của chúng ta, khi đề cập đến những nguyên tắc của phương pháp nhận thức biện chứng thường chỉ dừng lại ở câu trích dẫn của Lênin: “sự phân đôi cái thống nhất và nhận thức của các bộ phận mâu thuẫn của nó ... Đó là thực chất (một trong những “bản chất”...) của phép biện chứng”. Người ta không chú đến nguyên tắc “thống nhất, đồng nhất của các mặt đối lập” cũng được Lênin coi là bản chất của phép biện chứng.
Chúng tôi xin nêu vài ý kiến nhằm góp phần làm sáng tỏ phần nào vấn đề đã được đề cập trên đây.
1. Thế nào là phép phân đôi cái thống nhất và nhận thức các bộ phận mâu thuẫn của nó.
Mỗi sự vật, hiện tượng, quá trình trong tự nhiên và xã hội đều là một thể thống nhất của các mặt, các khuynh hướng, các bộ phận chúng vừa liên hệ, ràng buộc vừa bàì trừ, phủ định lẫn nhau. Do đó sự nhận thức toàn diện, sâu sắc về sự vật, hiện tượng không thể nào có được nếu không phân chia thể thống nhất ấy thành các mặt, các bộ phận và nghiên cứu chúng một cách tỉ mỉ. Mỗi mặt được nghiên cứu một cách sâu sắc, từ mặt này đến mặt kia, mặt này được tạm thời trừu tượng hóa khỏi mặt kia. Phân chia thể thống nhất ấy thành từng mặt, từng bộ phận, và nghiên cứu chúng dưới dạng thuần túy, trong sự tách rời tạm thời giữa chúng là khả năng, là điều kiện duy nhất đầu tiên để tư duy nhận thức đi sâu, xâm nhập vào bên trong cái kết cấu của sự vật và phát hiện ra các mối liên hệ, các quá trình nội tại của chúng.
Ở đây cần phân biệt “sự phân đôi” như cái vốn có của quá trình phát triển của tự nhiên, của xã hội và tư duy, là phép biện chứng khách quan, và “sự phân chia” với tính cách là một thao tác của tư duy biện chứng - là “phép biện chứng chủ quan”. Sự phát triển khách quan của tự nhiên, xã hội và tư duy được thực hiện bằng cách phân chia cái thống nhất thành các mặt, các bộ phận mâu thuẫn với nhau. Khi sự triển khai của các mặt đối lập đã đạt đến một giai đoạn nhất định thì mâu thuẫn được giải quyết và sự vật chuyển sang một trạng thái mới về chất. Chính vì thế mà Mác, Ăngghen mới khẳng định rằng các sự vật, hiện tượng “phát triển trong mâu thuẫn và bằng mâu thuẫn” xem đó như là bản chất của sự vận động, sự phát triển biện chứng. Mác viết: “Tình trạng cùng tồn tại của hai mặt mâu thuẫn nhau, sự đấu tranh của chúng, sự dung hợp của chúng thành một phạm trù mới- là bản chất cả sự vận động biện chứng” (3).
Lênin cũng đã phân biệt hai quan điểm về sự phát triển. Đối với quan điểm siêu hình, phát triển chỉ là sự tăng giảm về lượng, lặp lại. Còn đối với quan điểm biện chứng thì phát triển là “sự phân đôi cái thống nhất thành những mặt đối lập bài trừ lẫn nhau...” (4).
Còn “sự phân đôi cái thống nhất và nhận thức các bộ phận mâu thuẫn của nó” mà chúng ta bàn ở đây là thuộc về nhận thức luận, là một nguyên tắc của phương pháp nhận thức biện chứng. Nó là “hình ảnh chủ quan” do đó phải phù hợp với nội dung khách quan mà nó phản ánh. Sự “phân đôi” có thể được thực hiện một cách biện chứng, khoa học mà cũng có thể là ngụy biện, phản khoa học, tùy thuộc vào việc nó có phản ánh đúng đắn sự thật khách quan, phản ánh sự vật đúng như nó đang tồn tại, đang phát triển trong thực tế, hay đó chỉ là sự gán ghép, xuyên tạc, bịa đặt, vì một mục đích nào đó.
Một trong những biểu hiện của thuật ngụy biện là phân đôi cái thống nhất thành các bộ phận đối lập một cách chủ quan, tùy tiện không đúng với hiện thực, dẫn đến tạo ra mâu thuẫn một cách hư cấu, chủ quan có hại cho nhận thức và cho thực tiễn. Biểu hiện khác của thuật ngụy biện là chỉ nhìn thấy ở bất kỳ mâu thuẫn nào cũng có hai mặt: tốt và xấu, tích cực và tiêu cực, tiến bộ và lạc hậu. Thay vì phân tích một cách cụ thể tính chất, đặc điểm, vai trò của mỗi mặt (ở đây chúng ta nhận thấy rằng bất cứ mặt nào trong hai bộ phận đối lập tạo nên thể thống nhất cũng đều chứa đựng cái mới, cái tiến bộ, cái tích cực, nhưng đồng thời cũng có yếu tố lạc hậu, lỗi thời, tiêu cực, tất nhiên là những yếu tố đó ở hai mặt không ngang nhau), những người sử dụng thuật ngụy biện chỉ đơn giản là gán ghép tính chất tích cực, tiến bộ cho một mặt và tính chất tiêu cực, lạc hậu cho mặt kia, và trên cơ sở đó họ đặt ra nhiệm vụ xóa bỏ mặt xấu, mặt tiêu cực và giữ lại mặt tốt, mặt tích cực. Về điểm này chúng ta cũng cần nhớ lại câu nói của Mác trong khi phê phán cách nhìn nhận ấu trĩ đó của Pruđông: “Kẻ nào tự đặt cho mình thủ tiêu mặt xấu, thì lập tức đã chấm dứt ngay sự vận động biện chứng rồi” (5).
Như vậy “phân đôi cái thống nhất và nhận thức các bộ phận mâu thuẫn của nó” đòi hỏi không những phải phân đôi một cách đúng đắn, phù hợp với thực tế khách quan mà còn phải nhận thức các bộ phận đối lập ấy một cách chính xác, khoa học bằng cách phân tích một cách khách quan các tính chất, đặc điểm, xu hướng vận động, vai trò của mỗi mặt tạo nên cái toàn vẹn đó.
2. Thế nào là “thống nhất”, “đồng nhất” của các mặt đối lập?
Khái niệm “thống nhất”, “đồng nhất” của các mặt đối lập cũng được Lênin dùng ở hai khía cạnh khác nhau: khía cạnh bản thể luận và khía cạnh nhận thức luận. Tùy theo từng trường hợp cụ thể mà chúng ta có thể xác định các khái niệm đó được dùng ở khía cạnh nào.
Ở phương diện bản thể luận. Khái niệm “thống nhất”, “đồng nhất” của các mặt đối lập được dùng để chỉ mối quan hệ giữa các mặt đối lập; chúng không tồn tại một cách cô lập, tách rời nhau mà gắn bó, xâm nhập qui định, làm tiền đề cho nhau; chúng không phải là những “đối cực” loại trừ nhau một cách vĩnh viễn mà có những điểm chung với nhau, và vì thế chúng có thể chuyển hóa lẫn nhau trong những điều kiện nhất định. Hai khái niệm được dùng như là những từ gần đồng nghĩa với nhau.
Về mặt nhận thức luận, khái niệm “thống nhất”, “đồng nhất” của các mặt đối lập cũng được dùng như là hai từ gần đồng nghĩa nhau để nói lên một nguyên tắc phương pháp luận của nhận thức biện chứng là phải nắm, phản ánh, nhận thức sự vật trong chỉnh thể, trong sự thống nhất của các mặt đối lập, trong sự chuyển hóa lẫn nhau giữa chúng. Lênin viết:
“Sự đồng nhất của các mặt đối lập (“sự thống nhất”) của chúng, nói như vậy có lẽ đúng hơn ? Tuy ở đây sự phân biệt giữa các từ đồng nhất và thống nhất không quan trọng lắm. Theo một nghĩa nào đó, cả hai đều đúng, đó là sự thừa nhận (sự tìm ra) những khuynh hướng mâu thuẫn, bài trừ lẫn nhau, đối lập trong tất cả các hiện tượng và quá trình của giới tự nhiên (kể cả tinh thần xã hội). Điều kiện của một sự nhận thức về tất cả các quá trình của thế giới trong “sự tự vận động” của chúng, trong sự phát triển tự phát của chúng, trong đời sống sinh động của chúng là sự thống nhất của các mặt đối lập (6).
Chúng ta đều biết rằng mỗi mặt trong hai mặt đối lập là một bộ phận của cái toàn thể, do đó chỉ nghiên cứu một mặt chưa đem lại tri thức toàn diện với cái toàn thể. Mặt khác, các mặt đối lập không tồn tại những bộ phận riêng lẽ, độc lập hoàn toàn với nhau mà chúng tồn tại trong sự ràng buộc, phụ thuộc, qui định lẫn nhau, do đó việc nghiên cứu mỗi mặt dưới dạng thuần túy, trong sự tách rời với mặt kia chưa đem lại sự hiểu biết sâu sắc, đúng đắn về chính mặt đó. Cái khó khăn của tư duy chúng ta là không thể nghiên cứu sự vật nếu không chia cắt nó thành từng mặt, từng bộ phận đê xem xét. Nhưng việc chia cắt đó có hậu quả xấu là nó thường đem lại những tri thức phiến diện, không chính xác về đối tượng.
Chính vì thế mà việc phân đôi cái thống nhất và nhận thức các mặt đối lập dưới dạng thuần túy, tách rời chỉ là điều kiện ban đầu, tạm thời, sau đó là tư duy nhận thức phải tiến lên nghiên cứu các mặt đối lập trong mối quan hệ ràng buộc, xâm nhập, chế ước lẫn nhau, khi xem mặt này thì không được quên mặt kia, tách rời khỏi mặt kia thì nó không còn là nó nữa. Bản chất và vai trò của một mặt chỉ có được trong mối quan hệ với mặt kia mà thôi. Nắm sự vật không phải như là tổng số các mặt đối lập mà là một sự thống nhất, đồng nhất của các mặt đối lập. Về điểm này, Lênin có nói:
“Chúng ta không thể biểu hiện, thể hiện, đo lường, hình dung sự vận động mà không cắt đứt tính liên tục, không đơn giản hóa, không làm thô lỗ, không tách rời, không làm chết cứng cái đang sống. Việc tư duy, (không những tư duy mà cả cảm giác) hình dung sự vận động (không những sự vận động mà tất cả các khái niệm) bao giờ cũng làm thô lỗ, làm chết cứng.
Đấy chính là bản chất của phép biện chứng. Chính bản chất ấy đã được thể hiện trong công thức: thống nhất, đồng nhất của các mặt đối lập” (7).
Đối với tư duy không biện chứng, nó không nắm bắt được sự thống nhất của các mặt đối lập, nó tách rời mặt nọ khỏi mặt kia, đối lập chúng một cách cứng nhắc, coi chúng như “đối cực” bài trừ nhau một cách tuyệt đối, không thể dung hợp được với nhau. Thuật ngụy biện thường tuyệt đối hóa một trong hai mặt đối lập (đề cao mặt nào tùy ý muốn chủ quan) dẫn đến phủ nhận hoàn toàn mặt kia. Thí dụ, “đối với biện chứng khách quan, trong cái tương đối có cái tuyệt đối. Đối với chủ nghĩa chủ quan và thuật nguụy biện thì cái tương đối chỉ là cái tương đối và loại trừ cái tuyệt đối” (8).
Lênin cũng lưu ý rằng sự đồng nhất của các mặt đối lập trong khi phản ánh sự vật thể hiện “tính linh hoạt toàn diện, phổ biến của các khái niệm”. Nhưng tính linh hoạt đó có thể được áp dụng một cách chủ quan, vô nguuyên tắc dẫn đến chủ nghĩa chiết trung và ngụy biện. Còn “tính linh hoạt áp dụng một cách khách quan, nghĩa là phản ánh toàn diện quá trình vật chất và sự thống nhất của quá trình đó, thì đó là phép biện chứng, là sự phản ánh chính xác sự phát triển vĩnh viễn của thế giới” (9).
Tóm lại, bản chất của phương pháp phân tích mâu thuẫn thể hiện ở hai phương diện: “phân đôi cái thống nhất và nhận thức các bộ phận mâu thuẫn của nó” và “thống nhất, đồng nhất của các mặt đối lập” để nắm bắt đối tượng trong tính toàn vẹn của nó. Đó có thể là hai nguyên tắc cơ bản nhất của phương pháp phân tích mâu thuẫn. Hai nguyên tắc này có sự thống nhất với nhau, không tách rời nhau vì chúng là hai mặt của một quá trình nhận thức.
Ngoài ra, phương pháp phân tích mâu thuẫn còn có nội dung phong phú thể hiện ở những yêu cầu cụ thể. Thí dụ phải phân biệt mâu thuẫn ở hai cấp độ : hiện tượng và bản chất, phải phân tích kết cấu bên trong của mâu thuẫn, phải giải quyết mâu thuẫn trong quá trình và phải xem xét mâu thuẫn trong hệ thống mâu thuẫn. Những nội dung này chúng tôi sẽ trình bày ở một dịp khác.
(1) V.I. Lênin, Toàn tập, t.29, Nxb Tiến Bộ, Matxcơva, 1981, tr. 378.
(2) Sđd, tr. 275
(3) C. Mác và Ph. Ăngghen, Tuyển tập gồm 6 tập, Nxb Sự Thật, Hà Nội, 1993, t. 1, tr. 384.
(4) V.I. Lênin, Toàn tập, t.29, Nxb Tiến Bộ, Matxcơva, 1981, tr. 379.
(5) C. Mác và Ph. Ăngghen, Tuyển tập, Sđd, tr. 384
(6) V.I. Lênin, Toàn tập, t.29, Sđd, tr. 319
(7), (8) V.I. Lênin, Toàn tập, t.29, Sđd, tr. 380
(9) V.I. Lênin, Toàn tập, t.29, Sđd, tr. 118