Tóm tắt. Làm theo cái tốt, cái thiện, tránh cái xấu, cái ác, đấu tranh được với cái xấu, cái
ác, tất nhiên phụ thuộc nhiều yếu tố xã hội khách quan. Song chỉ có thể sống tốt khi được
trang bị đầy đủ, được nhận thức đúng đắn những tri thức về đạo đức tiến bộ. Bài viết đã tập
trung thảo luận một số vấn đề lí luận về phạm trù Thiện và Ác và vận dụng vào quá trình
giáo dục đạo đức cho sinh viên Việt Nam hiện nay.
6 trang |
Chia sẻ: thanhle95 | Lượt xem: 64 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Vận dụng phạm trù thiện - ác vào quá trình giáo dục đạo đức cho sinh viên Việt Nam hiện nay, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE
2014, Vol. 59, No. 6BC, pp. 301-306
This paper is available online at
VẬN DỤNG PHẠM TRÙ THIỆN- ÁC VÀO QUÁ TRÌNH
GIÁO DỤC ĐẠO ĐỨC CHO SINH VIÊN VIỆT NAM HIỆN NAY
Nguyễn Thị Thanh Bình
Trường Đại học Quảng Bình
Tóm tắt. Làm theo cái tốt, cái thiện, tránh cái xấu, cái ác, đấu tranh được với cái xấu, cái
ác, tất nhiên phụ thuộc nhiều yếu tố xã hội khách quan. Song chỉ có thể sống tốt khi được
trang bị đầy đủ, được nhận thức đúng đắn những tri thức về đạo đức tiến bộ. Bài viết đã tập
trung thảo luận một số vấn đề lí luận về phạm trù Thiện và Ác và vận dụng vào quá trình
giáo dục đạo đức cho sinh viên Việt Nam hiện nay.
Từ khóa: Thiện - ác, giáo dục đạo đức, sinh viên Việt Nam.
1. Mở đầu
“Trong điều kiện của kinh tế thị trường tưởng chừng như kinh tế đã đi lên, nhưng ngược lại
đạo đức lại trượt dốc” [1;20]. Cho nên, cùng với việc phát triển kinh tế- xã hội, chúng ta phải đẩy
mạnh giáo dục cũng như giáo dục đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên, nhân dân, nhất là thế
hệ sinh viên Việt Nam hiện nay. Trong giáo dục đạo đức cách mạng phải chú trọng tới việc định
hướng, hướng dẫn quan niệm đúng về giá trị đạo đức. Việc định hướng giá trị đạo đức đối với sinh
viên lực lượng tri thức trẻ có tầm quan trọng trong việc phát triển nguồn lực con người- động lực
cơ bản thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Hệ thống định hướng giá trị đóng vai trò như là một
lăng kính để nhận thức thế giới bên ngoài cũng như thế giới bên trong, tạo cơ sở tâm lí của cá nhân
để giải quyết vấn đề có ý nghĩa cuộc sống. Bài viết này chỉ đề cập đến cặp phạm trù Thiện Ác và
vận dụng vào quá trình giáo dục đạo đức cho sinh viên Việt Nam hiện nay.
2. Nội dung nghiên cứu
2.1. “Thiện” - “Ác” - Hai phạm trù cơ bản của đạo đức học
Phạm trù đạo đức học là những khái niệm đạo đức cơ bản phản ánh những đặc tính cơ bản,
những phương diện và những quan hệ phổ biến nhất của những hiện tượng đạo đức trong xã hội, là
phạm trù lịch sử có quá trình phát triển lâu dài. Trong từng thời đại cụ thể, các phạm trù đạo đức
được khái quát hoá từ những hiện tượng và nhu cầu đạo đức của đời sống hiện thực gắn liền với sự
phát triển của những điều kiện kinh tế - xã hội tương ứng. Cùng với sự vận động và phát triển của
lịch sử, nội dung khái niệm, phạm trù đạo đức học không ngừng được bổ sung, phát triển, nó phản
ánh một cách khái quát nhất sự hình thành và phát triển tư tưởng đạo đức qua các thời đại.
Liên hệ: Nguyễn Thị Thanh Bình, e-mail: thanhbinhdhqb@gmail.com
301
Nguyễn Thị Thanh Bình
Nói đến đạo đức trước hết phải đề cập đến cái thiện, cái ác vì đây là phạm trù trung tâm, cơ
bản làm ranh giới hay thước đo đời sống đạo đức của mọi cá nhân cũng như đời sống đạo đức của
con người trong cộng đồng xã hội. Thiện và Ác là sự thống nhất và đấu tranh giữa các mặt đối lập,
chẳng hạn nhận diện cái ác là làm đẹp thêm cái thiện, làm cho cái thiện ngày càng hoàn thiện hơn.
Trong bài viết này, chúng tôi tìm hiểu phạm trù Thiện và Ác theo cặp, tức là nghiên cứu các mặt
đối lập của hiện tượng xã hội, nhằm xác định giá trị chuẩn mực đạo đức xã hội để thực hiện và cái
lệch chuẩn để tránh.
Thiện và Ác là cặp phạm trù đối lập nhau trong mọi thời đại, mặc dù quan niệm về nó có
thể thay đổi trong hoàn cảnh lịch sử cụ thể của các quốc gia dân tộc khác nhau. Từ thời cổ đại, con
người đã phân biệt thiện và ác như phân biệt ánh sáng và bóng tối. Theo quan niệm của các nhà
triết học cổ đại phương Tây như Xôcrát (469- 399) và Platon (427- 347) thì “Cái thiện” là một ý
niệm chung, phổ biến và bất biến, là ý niệm cao nhất được coi là Chúa sáng thế, là mặt trời sinh ra
muôn vật. Hêghen viết: "Người ta tưởng nêu được một chân lí vĩ đại khi nói con người bẩm sinh
là thiện, song người ta quên rằng người ta còn nêu được một chân lí vĩ đại hơn nữa với lời nói này:
"Con người bẩm sinh là ác"[8, 63] Theo Hêghen, ác là hình thức, trong đó biểu hiện động lực của
sự phát triển lịch sử.
Quan niệm của các học giả phương Đông cổ đại như Khổng Tử (551- 479) và Mạnh Tử
(327- 289) cho rằng, con người sinh ra đã mang bản chất mầm mống thiện “Nhân chi sơ tính
bản thiện”[3, 59] con người sinh ra vốn thiện, chỉ vì những tập tục trong cuộc sống đã làm cho
con người xa với cái thiện. “Tính con người vốn thiện cũng như tính của nước là chảy xuống chỗ
thấp”[4; 159]. Ngược lại, Tuân Tử (289- 238) lại cho rằng “Tính con người vốn ác”[4; 157], tính là
cái ta không thể làm ra được, nhưng có thể học tập và rèn luyện mới xa dần cái ác và tiến tới điều
thiện.
Các quan niệm trên đều chỉ ra cái Thiện là cái nên làm, cái Ác nên tránh, song nó còn những
có hạn chế cho rằng Thiện và Ác là phạm trù tiên thiên, nó như là bản chất vốn có, thậm chí có
người cho rằng con người sinh ra đã mang theo mầm móng tội ác. Họ không hiểu được bản chất
xã hội và tính lịch sử của phạm trù thiện ác.
Theo quan điểm của đạo đức học Mác-Lênin thì ý thức của con người về Thiện, Ác không
phải là sản phẩm trừu tượng thuần tuý có tính chất tiên thiên hoặc mầm mống di truyền mà nó
là sản phẩm của lịch sử, là kết quả phản ánh những điều kiện kinh tế- xã hội của một thời đại,
một hoàn cảnh cụ thể. Ăngghen chỉ ra rằng: “Tự giác hay không tự giác, rút cuộc người ta đều lấy
những quan điểm đạo đức của mình từ những quan hệ thực tế đã tạo thành cơ sở địa vị cho giai cấp
của mình tức là từ mối quan hệ kinh tế, trong đó người ta tiến hành sản xuất và trao đổi”[7; 161].
Không có quan niệm Thiện, Ác nào là vĩnh viễn đối với mọi hoàn cảnh cụ thể.
Thiện là cái tốt, đẹp, lành, cái có lợi, có ích, mang lại điều tốt đẹp cho con người, cộng
đồng, xã hội, vì sự tiến bộ của xã hội. Cái thiện là cái tốt đẹp biểu hiện lòng nhân ái của con người
trong đời sống hàng ngày. Đó chính là hành vi thể hiện lợi ích của cá nhân phù hợp với yêu cầu xã
hội, lịch sử, giai cấp và sự tiến bộ xã hội. Cái thiện cơ bản nhất là giải phóng con người khỏi chế
độ người bóc lột người, xây dựng xã hội không còn giai cấp và chế độ áp bức bất công. Trong đó
con người có điều kiện phát huy mọi năng lực, trí tuệ, cống hiến cho xã hội và thực hiện tốt mọi
nghĩa vụ của mình, sống hoà thuận, hạnh phúc bên nhau.Và cũng trong xã hội đó mọi phẩm giá,
mọi giá trị của con người mới được thực sự trân trọng, lẽ sống thực sự công bằng và nhân ái, mình
vì mọi người, mọi người vì mình. Đó là cái thiện thiêng liêng cao cả, chân chính nhất, từ tâm nhất
302
Vận dụng phạm trù Thiện - Ác vào quá trình giáo dục Đạo đức cho sinh viên...
và vì con người nhất.
Cái thiện được biểu hiện thông qua hành động, việc làm cụ thể trong đời sống hiện thực góp
phần thúc đẩy sự tiến bộ xã hội, đem lại lợi ích chung cho mọi người và cho bản thân cũng như
cộng đồng xã hội.
Cái ác là xấu xa, có hại, mang lại điều đau khổ, bất hạnh cho con người, có khi còn gây ra
sự bất ổn cho cộng đồng xã hội, chống lại sự tiến bộ xã hội, chống lại loài người. Cái ác không chỉ
biểu hiện qua hành vi cụ thể, mà có khi còn biểu hiện qua suy nghĩ, ý nghĩ, động cơ xấu xa ích kỉ,
hèn hạ. Những biểu hiện của cái ác cũng rất khác nhau, như trộm cắp, đánh đập người khác, giết
người, bỏ rơi người khác trong hoạn nạn, tham lam cá nhân, vì lợi ích cá nhân mà triệt hạ lợi ích
người khác, lợi ích cộng đồng xã hội. Tuy nhiên, cái ác không phải là cái đối lập tuyệt đối của cái
thiện trong những hoàn cảnh lịch sử cụ thể. Trong tiến trình lịch sử xã hội loài người nói chung,
trong nền văn hoá của các tôn giáo, truyền thống của các dân tộc quan niệm thiện ác nhiều khi
hoàn toàn trái ngược nhau. “Bộ tộc Hô-ten-hốt ( Tây Châu phi) có tục lệ giết cha mẹ lúc già yếu
để tránh sự đau ốm dai dẳng hoặc bộ tộc Pâylar (Trung Phi) coi việc “thực táng” chia nhau ăn thịt
người chết là việc làm thiêng liêng của điều thiện”[2, 36]. Nhưng các dân tộc khác lại coi đó là
điều ác không thể chấp nhận được. Trong từng giai đoạn lịch sử cụ thể quan điểm thiện ác cũng có
thể hoán đổi cho nhau.Thời đại công xã nguyên thuỷ, khi con người sống theo kiểu bầy đàn, nam
nữ quan hệ tình dục quần hôn (không phân biệt huyết thống) được xem là hợp đạo đức, là cái thiện
được mọi người chấp nhận. Ngày nay, xã hội văn minh quan hệ tình dục bừa bãi, không tuân theo
chế độ một vợ một chồng, đặc biệt là tình dục trực hệ không những bị xã hội lên án là ác, phi đạo
đức mà còn bị pháp luật trừng trị. Cái thiện và ác được chúng ta đánh giá tuỳ vào nó có thúc đẩy
hay cản trở sự phát triển của xã hội, hạnh phúc của con người.
Ở nước ta, trong các giai đoạn lịch sử nói chung và trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã
hội và bảo vệ Tổ quốc nói riêng, quan điểm thiện ác thể hiện đa dạng, phong phú và không ngừng
bổ sung phát triển. Theo quan điểm truyền thống của dân tộc Việt Nam, cái thiện thể hiện trong
đời sống đạo đức như biết quan tâm giúp đỡ người khác, kính già, yêu trẻ, hy sinh vì Tổ quốc...và
cuộc sống con người chỉ có ý nghĩa, nhân bản khi họ biết hướng thiện - biết khắc phục, đẩy lùi sự
cám dỗ của điều ác mà có lợi cho mình (ích kỉ hại nhân) và tích thiện tức là cố gắng làm những
điều thiện từ nhỏ nhất có thể thiệt cho mình mà ích cho người khác, trong Ca Huấn của Nguyễn
Trãi viết:
Thấy người đói rách thì thương
Rét nhường cho mặc, đói nhường cho ăn.
đến các việc lớn mà thế hệ cha anh, tiêu biểu là các anh hùng liệt sĩ đã quên mình vì đại
nghĩa, sẵn sàng cống hiến tính mạng của mình cho cái thiện: tự do hạnh phúc cho dân tộc.
Ngày nay, chúng ta đang phấn đấu để có một xã hội trong đó: “Dân giàu, nước mạnh, xã
hội công bằng, văn minh” đó là cái thiện lớn lao nhất. Và chính trong xã hội đó, mỗi con người
Việt Nam là một chủ thể đạo đức đang phấn đấu sáng tạo nên cái thiện chân chính nhất, tốt đẹp
nhất, bằng hành vi, hành động phục vụ cho lợi ích dân tộc, nhân dân, thực hiện lời dạy của Bác
Hồ: “Việc thiện dù nhỏ mấy cũng làm, việc ác thì nhỏ mấy cũng tránh”[6; 55].
303
Nguyễn Thị Thanh Bình
3. Giáo dục cái Thiện, phòng ngừa cái Ác cho sinh viên Việt Nam hiện
nay
Để giúp sinh viên có được nhận thức, thái độ, hành vi đúng về các chuẩn mực đạo đức thì
trước hết Bộ Giáo dục & Đào tạo phải đưa môn Đạo đức học vào chương trình bắt buộc của tất cả
các ngành học, các hệ đào tạo bởi lẽ trong hệ thống giáo dục đại học ở Việt Nam hiện nay, chương
trình đạo đức học mới chỉ dạy cho các lớp hệ sư phạm thuộc các ngành khoa học xã hội (Đại học
Giáo dục chính trị, đại học tiểu học, đại học mầm non) còn các ngành thuộc khoa học tự nhiên
không được học, đặc biệt ngành ngoài sư phạm thì hầu như không có chương trình đạo đức học.
Vì chỉ thông qua học tập mới làm biến đổi chính chủ thể hoạt động, điều đó có nghĩa sinh viên
phải tiếp thu các khái niệm, chuẩn mực về đạo đức, hình thành các kĩ năng, kĩ xảo đạo đức trong
cuộc sống cũng như trong nghề nghiệp, phát triển những phẩm chất nhân cách của người chuyên
gia trong tương lai.
Đứng trước yêu cầu đòi hỏi này, việc giáo dục cái thiện, phòng ngừa cái ác cho sinh viên
Việt Nam hiện nay, cần quan tâm đến những vấn đề sau:
Thứ nhất, Thiện và Ác có tính hai mặt: “Theo nghĩa rộng thì cả thế giới và trong một nước
có Thiện và có Ác. Theo nghĩa hẹp thì trong bản thân và tư tưởng của mỗi người cũng có Thiện
và Ác”[5, 511]. Đó là kiểu tư duy biện chứng thấy rõ hai mặt thiện và ác tiềm ẩn trong một con
người, trong một xã hội, trong một dân tộc và nói rộng ra trong thế giới. Hai mặt ấy luôn đối lập
nhau, đấu tranh với nhau, và chuyển hoá theo từng môi trường xã hội, theo sự phấn đấu của mỗi
người, mỗi dân tộc, mỗi xã hội và nói chung là toàn nhân loại, tuỳ thuộc vào phẩm chất tinh thần
của mỗi đối tượng. Vấn đề cần nhấn mạnh là khả năng của sinh viên phân biệt được rõ hai mặt tốt
và xấu, thiện và ác, và biết lựa chọn hành động theo cái thiện cái tốt, tức là sinh viên ý thức được
rằng điều quan trọng nhất đối với con người không phải là sống mà là sống cho tốt, tức là sống có
đạo đức, sống thiện.
Thứ hai, việc đánh giá một hành vi của con người là thiện hay ác không chỉ phụ thuộc vào
kết quả mà còn liên quan đến động cơ. Hành vi được đánh giá là thiện hay ác được biểu hiện cụ
thể như sau:
Động cơ tốt, kết quả tốt được coi là thiện;
Động cơ tốt, kết quả xấu - không được coi là ác;
Động cơ xấu, kết quả tốt - không được coi là thiện;
Động cơ xấu, kết quả xấu - được coi là ác.
Trong thực tế cuộc sống, việc xác định một hành vi là thiện hay ác hoàn toàn không dễ
dàng. Bởi lẽ, đằng sau mỗi hành vi chứa đựng động cơ, mục đích nào đó mà người khác không
phải bao giờ cũng nhận ra. Ví dụ: Có hai người phản bội, người thứ nhất vì nhu nhược mà phản
bội, người thứ hai có ý đồ phản bội. Đánh giá về mặt chính trị thì hai hành động phản bội như
nhau, nhưng đánh giá về đạo đức thì người có ý đồ phản bội xấu xa hơn.
Thứ ba, để làm việc thiện, con người không chỉ có mục đích, động cơ tốt (thiện tâm) mà
còn phải có điều kiện, phương tiện thực hiện. Ví dụ, trước tình huống một người sắp chết đuối,
sinh viên tàn tật là A hô to: “Cứu người chết đuối” nhưng bản thân thì không nhảy xuống sông để
làm việc đó. Còn sinh viên là B lao xuống sông để cứu chỉ vì anh ta đang biết người đang chới với
dưới sông là người giàu có, và anh ta hy vọng được người kia trả ơn. Trong trường hợp này sinh
viên A không bị coi là ác vì A tàn tật không có khả năng bơi cứu người, còn hành động của sinh
304
Vận dụng phạm trù Thiện - Ác vào quá trình giáo dục Đạo đức cho sinh viên...
viên B không được coi là thiện vì động cơ cá nhân của mình.
Thứ tư, hành vi của con người được đánh giá thiện hay ác tuỳ theo bản chất của nó: ngăn
cản hoặc thúc đẩy việc thoả mãn nhu cầu cụ thể của xã hội nói chung và lợi ích của nhân dân tiến
bộ nói riêng. Đó là sự kết hợp quyền lợi cá nhân với quyền lợi tập thể, giữa quyền lợi gia đình với
quyền lợi dân tộc, giữa cái lợi nhỏ và cái lợi lớn. Ngược lại, những gì gây cản trở, bất lợi, có hại
cho mục tiêu trên đều được coi là ác. Ví dụ, mặt trái của cơ chế kinh tế thị trường đã làm không ít
người, không ít sinh viên đã trở nên ít kỉ, chỉ biết vun vén cho lợi ích cá nhân, chỉ nghĩ đến mình
mà không nghĩ đến người khác, không quan tâm đến người khác, cũng như cộng đồng xã hội.
Không ít kẻ đã chà đạp lên nổi đau của người khác, dẫm đạp lên dư luận để tìm thấy sung sướng,
an nhàn riêng cho bản thân, còn bạn bè, người thân, đồng loại ra sao mặc kệ.
Mặc dù, trong xã hội hiện tại, cái thiện cái ác tồn tại song hành, đan xen nhau. Nhưng lí
tưởng cao đẹp của loại người nói chung và các quốc gia, dân tộc tiến bộ nói riêng là xây dựng một
xã hội văn minh, hiện đại mà trong đó cái Thiện ngự trị tuyệt đối, cái Ác bị đẩy lùi. Để thực hiện
được lí tưởng đó, trước hết mỗi sinh viên phải xây dựng mục đích học tập, lí tưởng sống cho mình
phù hợp với gia đình, nhà trường và xã hội. Mục đích, động cơ cơ bản nhất của sinh viên hiện nay
là học để “Làm người”, “Thành người”. Mà muốn “Làm người”, “Thành người” trước hết phải
không ngừng học tập nâng cao nhận thức về các chuẩn mực đạo đức như: Trung với nước, hiếu
với dân; thương yêu con người; cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư, có tình cảm quốc tế trong
sáng... và trong cuộc sống, phải biết thông cảm, thương yêu bạn bè, vui với thành công, đau với
nỗi đau của người khác để tương trợ, nâng đỡ nhau trong học tập, lao động, vui chơi, giải trí, đồng
thời phải biết phê phán, đấu tranh chống lại những thói hư, tật xấu như: kèn cựa, ích kỉ, vì lợi quên
nghĩa và như vậy mỗi sinh viên sẽ trở thành một tấm gương sáng về làm điều thiện, cổ vũ cho cái
thiện, tránh cái ác, lên án cái ác, đấu tranh chống cái ác một cách triệt để.
Vì vậy, cần phải xây dựng môi trường rèn luyện đạo đức cho sinh viên, thực chất là rèn
luyện “Đạo làm người”, là cái Thiện, là cách ứng xử với mình, với người, với môi trường xung
quanh nhằm chính danh định phận. Phải có đạo đức, nhân cách, sống đúng đạo làm người. Mặt
khác, phải giáo dục cho sinh viên tấm lòng bao dung, độ lượng, lấy tình yêu thương con người để
đối xử với nhau trong xã hội, thì những giá trị nhân, lễ, nghĩa, chính danh sẽ có điều kiện để phát
huy tính tích cực của nó đối với xã hội nói chung, đối với mỗi người nói riêng. Nếu sinh viên được
giáo dục cái Thiện một cách bài bản, hệ thống sâu sắc thì chính họ đã tạo ra được môi trường giáo
dục lành mạnh, trong quan hệ bạn bè, thầy trò, anh em sẽ thân thiện hơn, tốt đẹp hơn trong sáng
hơn và như vậy sẽ tránh được những tệ nạn không hay xảy ra trong nhà trường và xã hội.
4. Kết luận
Con người được sinh ra, còn nhân cách là một quá trình hình thành. Điều đó khẳng định vai
trò quan trọng của giáo dục chính là con đường cơ bản và phổ biến nhất để hình thành và phát triển
nhân cách. Mặt khác, nhân cách được hình thành và phát triển nhờ được đào tạo, tôi luyện trong
mối quan hệ giữa các thành viên từ trong gia đình đến nhà trường và xã hội mà cá nhân đang tiếp
xúc và trưởng thành trong chính hoạt động sống của mình. Vì vậy, cần phải giáo dục đạo đức cách
mạng cho sinh viên Việt Nam một cách hệ thống bài bản, thông qua chương trình đào tạo- môn
Đạo đức học, nhằm trang bị kiến thức, thái độ, kĩ năng lựa chọn và hành động theo hướng đảm bảo
cái tốt, cái thiện, phù hợp với phẩm chất tinh thần và lương tâm hướng thiện của thời đại, đó cũng
chính là sự lựa chọn thể hiện ở niềm tin bản thân, tin ở nhân dân và nhân loại tiến bộ.
305
Nguyễn Thị Thanh Bình
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Cam Thiệu Bình, 2013. Về mối quan hệ giữa đạo đức và kinh tế. Tạp chí triết học số 4/2013.
[2] Phạm Khắc Chương, 1998. Đạo đức học. Nxb Giáo dục, Hà Nội.
[6] Hồ Sỹ Hiệp dịch, 1980. Luận ngữ thánh kinh của người Trung Hoa. Nxb Đồng Nai.
[5] Hiến Lê, 1986. Mạnh Tử. Nxb Văn hoá.
[7] Hồ Chí Minh, 1990. Về vấn đề giáo dục. Nxb Giáo dục, Hà Nội.
[8] Hồ Chí Minh, 2000. Toàn tập, t7. Nxb Sự thật, Hà Nội.
[7] Ph.Ăngghen, 1969. Chống Duyrinh. Nxb Sự thật, Hà Nội.
[8] Ph. Ăngghen, 1976. Lutvich Foiơbăc và sự cáo chung của triết học cổ điển Đức. Nxb Sự thật,
Hà Nội.
ABSTRACT
The category of good and evil and manipulate
the process of moral education for students Vietnam today
Follow the good, the good, avoid the bad, the evil, the struggle with evil, evil, of course,
much depends objective social factors. But just being able to live well equipped, properly perceived
knowledge about moral progress. The article focuses discuss some theoretical issues of the
category of good and evil and manipulate the process of moral education for students Vietnam
today.
306