Về tư tưởng triết học của Nguyễn Trãi

Trong tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước, dân tộc ta đã sản sinh ra biết bao anh hùng, nhà tư tưởng xuất sắc, lãnh tụ vĩ đại làm rạng danh đất nước. Trong số những anh hùng, nhà tư tưởng ấy, ở thế kỷ XV, Nguyễn Trãi (1380-1442) nổi lên như một ngôi sao sáng. Ông không chỉ là một nhà chính trị, nhà quân sự tài năng, mà còn là một nhà tư tưởng kiệt xuất. Nói về Nguyễn Trãi, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã viết: “Nguyễn Trãi, người anh hùng dân tộc, văn võ song toàn, văn là chính trị, chính trị cứu nước cứu dân, nội trị, ngoại giao, “mở nền thái bình muôn thuở, rửa nỗi thẹn ngàn thu” (Bình Ngô đại cáo), võ là quân sự: chiến lược và chiến thuật, “yếu đánh mạnh, ít địch nhiều, thắng hung tàn bằng đại nghĩa” (Bình Ngô đại cáo); văn và võ đều là võ khí, mạnh như vũ bão, sắc như gươm dao”(1). Tư tưởng của ông thể hiện rõ nét trong nhiều tác phẩm để lại cho đời sau, như Quân trung từ mệnh tập, Bình Ngô đại cáo, Ức Trai thi tập, Quốc âm thi tập, Dư địa chí, Lam Sơn thực lục, Ngọc đường di cảo, Luật thư, Giao tự đại lễ, Thạch khách hồ, Phú núi Chí Linh, Chuyện cũ về Băng Hồ tiên sinh và một số bài chiếu, biểu mà ông đã thay vua Lê Thái Tổ viết. (1) Tư tưởng triết học của Nguyễn Trãi là một bộ phận cấu thành, đánh dấu một giai đoạn phát triển quan trọng trong lịch sử tư tưởng Việt Nam. Nó thể hiện tư duy sâu rộng, nhạy bén của ông trước những biến động ở thời Trần - Hồ và thời kỳ Lam Sơn khởi nghĩa. Tìm hiểu tư tưởng triết học của Nguyễn Trãi, một mặt, góp phần vào công việc ngày càng làm sáng tỏ chân dung Nguyễn Trãi - một công việc còn lâu dài; mặt khác, góp phần khẳng định quan điểm đúng đắn của Đảng ta về việc xây dựng một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, với phương châm: “Di sản văn hóa là tài sản vô giá, gắn kết cộng đồng dân tộc, là cốt lõi của bản sắc dân tộc, cơ sở để sáng tạo những giá trị mới và giao lưu văn hóa. Hết sức coi trọng bảo tồn, kế thừa, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống (bác học và dân gian), văn hóa cách mạng, bao gồm cả văn hóa vật thể và phi vật thể”(2). Nguyễn Trãi là một nhà tư tưởng, nhưng ông không trình bày quan điểm của mình thành một học thuyết có tính hệ thống nào đó, mà từ hiện thực lịch sử đầy sôi động của dân tộc cuối thế kỷ XIV - đầu thế kỷ XV, ông đã suy xét, triết lý về nó để từ đó, soi rọi vào sự nghiệp “nhân nghĩa”, “an dân”, “rửa nỗi hận ngàn thu”, “mở nền thái bình muôn thuở” cho dân tộc. Cho nên, tư tưởng triết học của ông mang đậm hơi thở của cuộc sống, hòa lẫn và ẩn chứa đằng sau các lĩnh vực tư tưởng khác, như chính trị, quân sự, ngoại giao, văn chương Về vấn đề này, một nhà nghiên cứu đã viết: “Triết lý nhân nghĩa của Nguyễn Trãi cuối cùng chẳng qua là lòng yêu nước thương dân, cái nhân, cái nghĩa cuối cùng chẳng qua là phấn đấu đến cùng chống ngoại xâm, diệt tàn bạo, vì độc lập của nước, hạnh phúc của dân”(3).

docx8 trang | Chia sẻ: haohao89 | Lượt xem: 2576 | Lượt tải: 4download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Về tư tưởng triết học của Nguyễn Trãi, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên