Bài giảng Tư tưởng triết học tự nhiên của Nguyễn Bỉnh Khiêm
Trong di sản của ông còn sót lại đến ngày nay, chúng ta mới chỉ mới từng bước khám phá từng phần những tư tưởng uyên thâm xen kẽ giữa những vần thơ tức sự, cảm hứng, những bài vịnh và văn bia. Những quan điểm triết học trong tư tưởng của ông đang ngày càng đòi hỏi phải vận dụng những phương pháp khoa học để minh chứng cho một điều là, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã đặt và giải quyết một số vấn đề triết học không kém phần bác học so với các bậc hiền triết trên thế giới cùng thời, tức là những vấn đề quan trọng của khoa học lịch sử triết học. Trong đó, một vấn đề đáng được nghiên cứu một cách nghiêm túc là triết học tự nhiên trong tư tưởng của ông. Do tính đặc thù trong những di sản tinh thần mà Nguyễn Bỉnh Khiêm để lại là các tư tưởng được ông trình bày trong đó không theo một hệ thống chuyên đề triết học riêng biệt, và mặt khác, những học trò nổi tiếng của ông như Giác Hải, Nguyễn Dữ, Phùng Khắc Khoan, Lương Hữu Khánh cũng không ghi lại dù chỉ là những cuộc đối thoại triết học ngắn giữa thầy và trò, cho nên từ trước tới nay, đa phần các công trình nghiên cứu về tư tưởng của ông chỉ dừng lại ở việc hệ thống hóa các quan điểm triết học trên hai phương diện cơ bản là "đạo Trời" và "đạo Người". Theo chúng tôi, việc nghiên cứu lịch sử tứ tưởng Việt Nam trước hết phải dựa vào nguyên tắc phương pháp luận cơ bản của khoa học lịch sử triết học là phương pháp so sánh để từng bước làm rõ đặc thù tư tưởng của dân tộc tức là để xem các quan điểm triết học của các nhà tư tưởng nước ta đã kế thừa và có những phát kiến gì mới so với các học thuyết du nhập. Đối với trường hợp của Trạng Trình - Nguyễn Bỉnh Khiêm, tư tưởng triết học của ông có phải chỉ giới hạn ở nội hàm của hai khái niệm "đao Trời" và "đạo Người" hay không, đó là vấn đề phải được làm rõ hơn.