Hành vi của A và B cấu thành tội cướp tài sản theo căn cứ tại Khoản 1, Điều 133:
“Người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm.”
Trước tiên, ta cần khẳng định A và B là đồng phạm của nhau thể hiện rất rõ là: Chúng đã có hoạt động phối hợp, thống nhất với nhau, cả hai cùng có ý định chiếm đoạt tài sản và để thực hiện việc chiếm đoạt đó một cách thuận lợi chúng cùng nhau tìm mua súng. Hành vi của cả hai có mối quan hệ tác động qua lại biện chứng với nhau, có tác dụng hỗ trợ, thức đẩy lẫn nhau: A thì đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc với nạn nhân còn B thì dắt chiếc xe máy mang đi. Ở đây, hành vi của A là tiền đề cho hành vi của B, chỉ khi A đã làm tê liệt hoàn toàn ý chí của C và D thì B mới có thể dễ dàng lấy chiếc xe máy mang đi mà không gặp phải một sự chống cự nào. Ở đây cả hai tên đều đủ điều kiện để nhận thức được không những hành vi của mình mà còn thấy được cả hành vi của người kia là nguy hiểm cho xã hội, hành vi đó sẽ xâm hại đến quan hệ nhân thân và quan hệ tài sản.
11 trang |
Chia sẻ: haohao89 | Lượt xem: 3058 | Lượt tải: 1
Bạn đang xem nội dung tài liệu Bài tập lớn Luật hình sự đề số 2, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Đề số 2
A và B có ý định chiếm đoạt tài sản của người khác. Để việc chiếm đoạt thuận lợi chúng cùng nhau tìm mua súng. Sau một thời gian tìm mua súng không được, chúng ra một cửa hàng đồ chơi trẻ em mua một khẩu súng nhựa.
Một hôm A và B đem khẩu súng này ra bờ sông (nơi thanh niên hay ngồi hóng mát). Bọn chúng gặp C, D đang ngồi bên cạnh một chiếc xe máy. A rút súng ra dọa: “ ngồi im không tao bắn chết”. Tưởng đây là súng thật và lo lắng cho tính mạng nên khi B lấy chiếc xe máy mang đi, C và D không có phản ứng gì. A, B đem xe máy bán cho người quen là E được 8.000.000 đồng và ăn tiêu hết.
Hỏi:
Hành vi của A và B cấu thành tội gì? Tại sao?
Trường hợp C và D biết là súng giả, chống cự lại, A và B không lấy được tài sản thì trách nhiệm hình sự của A và B được giải quyết như thế nào? Tại sao?
E có phạm tội không? Tại sao?
BÀI LÀM
Hành vi của A và B cấu thành tội gì? Vì sao?
Hành vi của A và B cấu thành tội cướp tài sản theo căn cứ tại Khoản 1, Điều 133:
“Người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm.”
Trước tiên, ta cần khẳng định A và B là đồng phạm của nhau thể hiện rất rõ là: Chúng đã có hoạt động phối hợp, thống nhất với nhau, cả hai cùng có ý định chiếm đoạt tài sản và để thực hiện việc chiếm đoạt đó một cách thuận lợi chúng cùng nhau tìm mua súng. Hành vi của cả hai có mối quan hệ tác động qua lại biện chứng với nhau, có tác dụng hỗ trợ, thức đẩy lẫn nhau: A thì đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc với nạn nhân còn B thì dắt chiếc xe máy mang đi. Ở đây, hành vi của A là tiền đề cho hành vi của B, chỉ khi A đã làm tê liệt hoàn toàn ý chí của C và D thì B mới có thể dễ dàng lấy chiếc xe máy mang đi mà không gặp phải một sự chống cự nào. Ở đây cả hai tên đều đủ điều kiện để nhận thức được không những hành vi của mình mà còn thấy được cả hành vi của người kia là nguy hiểm cho xã hội, hành vi đó sẽ xâm hại đến quan hệ nhân thân và quan hệ tài sản.
Để lí giải một cách rõ ràng tại sao hành vi của A và B lại cấu thành tội cướp tài sản ta cần xem xét các yếu tố sau:
Về khách thể, hành vi cướp tài sản xâm hại đồng thời hai quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ. Đó là quan hệ nhân thân và quan hệ sở hữu. Bằng hành vi phạm tội của mình, người phạm tội cướp tài sản xâm phạm trước hết đến thân thể, đến tự do của con người để qua đó có thể xâm phạm được sở hữu. Với tình huống cụ thể này, A và B đã có hành vi đe dọa đến tính mạng của C và D để từ đó xâm phạm đến sự sở hữu của C và D với chiếc xe máy.
Về mặt khách quan, ở đây A đã có hành vi đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc với C và D (hành vi đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc là hành vi dùng lời nói hoặc hành động nhằm đe doạ người bị hại nếu không đưa tài sản hoặc có hành động ngăn chặn chúng thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản của mình thì vũ lực sẽ được thực hiện ngay), mà cụ thể là A rút súng ra doạ: “ngồi im không tao bắn chết”. Trong nhiều trường hợp, vì vũ lực chưa xảy ra nên việc đánh giá người phạm tội có dùng vũ lực hay không là một vấn đề phức tạp; để xem xét vấn đề này chúng ta cần căn cứ vào những tình tiết như: nội dung và hình thức của hành vi đe doạ; tương quan lực lượng giữa bên bên đe doạ và bên bị đe doạ; hoàn cảnh không gian và thời gian... Với tình huống này, địa điểm phạm tội là bờ sông- một nơi khá vắng vẻ ít người qua lại dễ dàng cho việc thực hiện mưu đồ của chúng, cộng với lời đe doạ và thái độ của A nên có thể khẳng định rõ ràng hơn nữa là hành vi đe doạ dùng vũ lực của A là ngay tức khắc. Tất cả những hành động và lời nói của A đã giúp B dễ dàng chiếm đoạt tài sản của C và D.
Dấu hiệu ngay tức khắc chỉ đòi hỏi người phạm tội đã có hành vi, cử chỉ thái độ thể hiện ra bên ngoài là sẽ dùng vũ lực ngay tức khắc mà không đòi hỏi họ thực sự có ý định sẽ dùng vũ lực ngay tức khắc cũng như phải có đủ điều kiện để dùng vũ lực ngay tức khắc. Đương nhiên, A với súng giả trong tay nhìn về mặt thực tế hắn không thể dùng nó để gây ra nguy hiểm cho nạn nhân nhưng vẫn bị coi là cướp tài sản.
Về mặt chủ quan, để khẳng định tội của A và B là cướp tài sản thì ta cần xét đến lỗi của A và B. Ở đây lỗi của A và B là lỗi cố ý trực tiếp. Lỗi cố ý trực tiếp là lỗi của người khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra ( Theo Điều 9 Bộ luật hình sự).
Về lí trí, A và B nhận thức rõ tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi của mình và thấy trước hậu quả của hành vi đó. Nhận thức rõ tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi là sự nhận thức được tính gây thiệt hại cho xã hội của hành vi đang thực hiện trên cơ sở nhận thức những tình tiết khách quan của nó – những tình tiết tạo nên tính gây thiệt hại của hành vi. Những tình tiết đó có thể là mặt thực tế của hành vi, là đặc điểm của đối tượng tác động của tội phạm, là những điều kiện khách quan như công cụ, thủ đoạn, thời gian, địa điểm phạm tội… Với tình huống này, cả hai đã chọn địa điểm là một bờ đê (nơi thanh niên hay ngồi hóng mát, họ không để ý đề cao cảnh giác với kẻ gian), thủ đoạn thì hết sức nguy hiểm: dùng súng để đe dọa nạn nhân. Hơn hết cả A và B đã có ý định chiếm đoạt tài sản của người khác nên mới đi tìm mua súng, chứng tỏ hai tên đã có lí trí để suy xét mức độ nguy hiểm của hành vi của mình và cũng thấy trước được hậu quả khi mà mình thực hiện hành vi đó.
Về mặt ý chí, người phạm tội là A và B mong muốn có hậu quả phát sinh, đó là đè bẹp được sự kháng cự của người bị tấn công, để có thể thực hiện được mục đích chiếm đoạt tài sản của nạn nhân.
Mục đích chiếm đoạt cũng là một dấu hiệu thuộc mặt khách quan của tội cướp tài sản. Ở đây, ta có thể thấy rõ mục đích của chúng như trên đề bài đã nêu đó là : có ý định chiếm đoạt tài sản của người khác.
Không những thế, hành vi của A và B đã có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự theo quy định tại Khoản 2, Điều 133 Bộ luật hình sự:
“ 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
a) Có tổ chức;
…
d) Sử dụng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;
…” ( Trích dẫn Khoản 2 Điều 133 Bộ luật hình sự)
Với tình tiết của tình huống, ta có thể dễ dàng nhận thấy sự cấu kết chặt chẽ của A và B trong hành động từ khi cùng có ý định chiếm đoạt tài sản của người khác, bàn nhau đi mua súng không được đành phải mua súng giả cho đến khi thật sự thực hiện được tội phạm: một tên đe dọa nạn nhân, một tên nhân cơ hội đó lấy tài sản… Bọn chúng đã dùng thủ đoạn nguy hiểm là sử dụng súng giả nhằm làm người bị hại tê liệt ý chí phản kháng, sợ hãi, lo lắng cho tính mạng của mình và người thân (ở đây là C và D) với một thứ vũ khí mà trong đầu họ nghĩ là nguy hiểm thật nên buộc phải để chúng lấy tài sản mà không có sự chống cự nào.
Tóm lại, A và B phạm tội cướp tài sản theo căn cứ tại Khoản 1, Điều 133 Bộ luật hình sự với tình tiết định khung tăng nặng quy định tại Điểm a, Điểm d, Khoản 2, Điều 133 Bộ luật hình sự.
Trường hợp C và D biết là súng giả, chống cự lại, A và B không lấy được tài sản thì trách nhiệm hình sự của A và B được giải quyết như thế nào? Tại sao?
Nếu trong tình huống này C và D phát hiện ra súng này là súng giả, chống cự lại, A và B không lấy được tài sản thì A và B vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội cướp tài sản quy định tại Điều 133 Bộ luật hình sự.
Tính nguy hiểm của thủ đoạn mà người phạm tội sử dụng không phụ thuộc vào phương tiện mà phụ thuộc vào phương pháp sử dụng của người phạm tội. Có thể phương tiện đó bản thân nó không chứa đựng khả năng gây nguy hại cho tính mạng, sức khỏe của nạn nhân nhưng chính ở cách mà người phạm tội sử dụng thủ đoạn đó lại thể hiện sự nguy hiểm đối với người bị hại. Ở đây, A và B dùng súng giả (về mặt thực tế khẩu súng giả không nguy hiểm) nhưng cách sử dụng của A là tác động vào ý chí nạn nhân, làm tê liệt sự phản kháng của họ là như với một khẩu súng thật, điều đó thể hiện ở chính lời đe dọa của A: “ngồi im không tao bắn chết”. Cho dù ở đây, C và D phát hiện khẩu súng mà A và B dùng là súng giả và chống cự lại khiến cho A và B không chiếm được tài sản (mà cụ thể là chiếc xe máy) thì A và B vẫn phải chịu tội theo đúng quy định của pháp luật với hành vi của mình vì việc không chiếm đoạt được tài sản là do yếu tố khách quan tác động vào, nó nằm ngoài ý muốn chủ quan của A và B (kể cả việc không mua được súng thật phải dùng súng giả đi cướp cũng nằm ngoài mong đợi của chúng), ngoài dự tính của hai tên khi suy tính để thực hiện kế hoạch đi chiếm đoạt tài sản của người khác.
Hơn thế nữa, xét theo đặc điểm cấu trúc của cấu thành tội phạm thì tội cướp tài sản là tội có cấu thành hình thức nên không cần xét xem trên thực tế A và B đã chiếm đoạt được tài sản hay chưa, mà chỉ cần xét xem hành vi khách quan của người phạm tội thế nào đã đủ để cấu thành tội cướp tài sản hay chưa (đã dùng vũ lực hay đe dọa dùng vũ lực với nạn nhân nhằm uy hiếp tinh thần, làm tê liệt ý chí phản kháng của họ chưa).
E có phạm tội không? Tại sao?
Trong thực tiễn, thái độ tâm lí của người có hành vi chứa chấp, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có có thể là: Biết rõ tài sản do người khác phạm tội mà có; hoặc chỉ biết mà không biết rõ tài sản do người khác phạm tội mà có. Vì thế chúng ta cần xét các trường hợp sau:
Thứ nhất, với trường hợp E không biết chiếc xe máy mà A và B bán cho mình là tài sản do chiếm đoạt của người khác mà có được thì E không phạm tội. Việc mua phải tài sản phạm pháp không thuộc ý chí chủ quan của E, E ở đây cũng chỉ là nạn nhân của A và B mà thôi, thực tế E không hề muốn mua phải tài sản do cướp mà có được.
Thứ hai, nếu E biết chiếc xe máy này là tài sản do A và B chiếm đoạt của người khác nhưng trước đó E không hề bàn bạc, hứa hẹn trước với A và B cả thì E phạm tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có theo quy định tại Khoản 1, Điều 250 Bộ luật hình sự:
“1. Người nào không hứa hẹn trước mà chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.”
Ở đây đối tượng tác động của tội phạm phải là tài sản đó phải do người khác phạm tội mà có, với tình huống này đối tượng tác động của hành vi phạm tội của E là chiếc xe máy mà A và B đã chiếm đoạt của C và D.
Xét về mặt khách quan, hành vi của E là tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có (cụ thể ở đấy là chiếc xe máy do A và B cướp của C và D). Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có là biết rõ đó là tài sản do người khác phạm tội mà có nhưng vẫn nhận hoặc mua để dùng, nhận để bán lại hoặc giới thiệu người khác mua, chuyển tài sản đó cho người khác theo yêu cầu của người phạm tội.
Xét về mặt chủ quan, lỗi của E ở đây là lỗi cố ý. Nghĩa là E biết rõ tài sản mà mình tiêu thụ là tài sản do chính A và B cướp của người khác mà có nhưng vẫn mua chiếc xe với giá 8.000.000 đồng (mà trong trường hợp bình thường thì pháp luật buộc người ta phải có biện pháp ngăn chặn tội phạm, phải khai báo với cơ quan điều tra)
Như vậy, trong trường hợp này E phạm tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có theo quy định tại Khoản 1, Điều 250 Bộ luật hình sự.
Tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi này thể hiện ở chỗ kẻ phạm tội thường mua tài sản có được bằng con đường phạm tội với giá rất rẻ, gây khó khăn cho hoạt động của các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử; đồng thời còn tạo điều kiện khuyến khích những người khác đi vào con đường phạm tội.
Thứ ba, nếu trước đó E đã hứa hẹn trước với A và B là sẽ giúp hai tên tiêu thụ tài sản mà chúng cướp được thì lúc này, E trở thành đồng phạm của A và B. E sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cướp tài sản theo quy định tại Khoản 1, Điều 133 Bộ luật hình sự với tình tiết định khung tăng nặng quy định tại Điểm a, Điểm d, Khoản 2, Điều 133 Bộ luật hình sự. Ở đây, E trở thành người giúp sức trong đồng phạm, chính hành vi hứa sẽ tiêu thụ tài sản do A và B cướp được đã tạo tiền đề cho A và B tự tin hơn trong hành động phạm tội của mình. Chúng sẽ cố gắng hết sức để thực hiện trót lọt hành vi phạm tội của mình bởi tin chắc rằng đã có nơi để tiêu thụ tài sản phạm pháp (mà cụ thể ở đây A và B đã bán cho E chiếc xe máy với giá 8.000.000 đồng). Hành vi của A, B và E có mói quan hệ hữu cơ, hành vi của người này tạo điều kiện cho người kia. Ở đây, E hoàn toàn nhận thức rõ ràng được tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi của mình cũng như của A và B.
Việc xác định hành vi có hứa hẹn trước hay không hứa hẹn trước của người tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có là rất khó, vì họ không bao giờ tự nhận là mình biết rõ tài sản mà họ tiêu thụ là tài sản do người khác phạm tội mà có và thường khai rằng: nếu biết đó là của gian thì sẽ không bao giờ tiêu thụ cả. Vì vậy để xác định người có hành vi tiêu thụ tài sản có biết rõ là do người khác phạm tội mà có hay không phải căn cứ vào các tình tiết khách quan mà đặc biệt là nhân thân và mối quan hệ giữa họ với người có tài sản do phạm tội mà có ( như mối qun hệ làm ăn, hay huyết thống, sự hiểu biết của người tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có về người phạm tội…). Tuy ở đây tình huống có đưa ra một tình tiết E là người quen của A và B thì ta cũng không thể chắc chắn được E có biết trước chiếc xe máy mình mua là do A và B phạm tội mà có hay không; hay E có thỏa thuận với A và B để cướp tài sản hay không… bởi vì rất có khả năng A và B đã dùng thủ đoạn của mình để lừa dối E, để che dấu nguồn gốc của chiếc xe máy hoặc E chỉ quen A và B sơ sơ chứ không hiểu rõ về hai người… Điều này cần xem xét, điều trong tình hình thực tế, qua việc đáu tranh lấy lời khai của mỗi người…thì mới có thể khẳng định chính xác.
Kết luận:
Với thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử của nước ta hiện nay thì vấn đề cướp tài sản ngày càng nóng. Những kẻ phạm tội không từ bỏ bất kì âm mưu thủ đoạn nào thậm chí chúng sẵn sàng lấy đi tính mạng của chủ sở hữu tài sản. Đáng buồn hơn nữa nạn nhân và kẻ phạm tội có khi là những người quen biết, có quan hệ huyết thống… và tỉ lệ kẻ phạm tội cướp tài sản đang được trẻ hóa; không chỉ những kẻ thất học không có cong ăn việc làm mới sinh ra túng quẫn làm liều mà có cả sinh viên do lối sống buông thả, nợ nần chồng chất cũng nhắm mắt đưa chân.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
Giáo trình Luật hình sự Việt Nam, Tập 1, Trường Đại học Luật Hà Nội, Nxb. CAND, Hà Nội, 2009.
Bộ luật Hình sự Việt Nam năm 1999.
Nguyễn Ngọc Hòa, Tội phạm và cấu thành tội phạm, Nxb. CAND, Hà Nội,2007.
Đinh Văn Quế, Bình luận khoa học BLHS Việt Nam (bình luận chuyên sâu), tập 2, 9 Nxb. TPHCM, 2004
Việc khoa học pháp lí – Bộ tư pháp, Bình luận khoa học BLHS Việt Nam năm 1999, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2001.