Biểu tượng văn hóa của Việt Nam: Hoa Sen

Tồn tại từ ngàn năm cùng với cây cỏ thiên nhiên đất nước, hoa sen không chỉ là người bạn thân thiết mà còn được xem như là biểu trưng văn hoá bén rễ sâu trong tâm thức người dân Việt.

pdf18 trang | Chia sẻ: nyanko | Lượt xem: 1522 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Biểu tượng văn hóa của Việt Nam: Hoa Sen, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Biểu tượng văn hóa của Việt Nam: Hoa Sen Tồn tại từ ngàn năm cùng với cây cỏ thiên nhiên đất nước, hoa sen không chỉ là người bạn thân thiết mà còn được xem như là biểu trưng văn hoá bén rễ sâu trong tâm thức người dân Việt. Hoa sen có tên khoa học là Nelumbonaceae, thuộc loài túc thảo, môi trường sống tự nhiên của hoa sen ở vùng đầm lầy, ao, hồ nông hoặc ở vùng sâu ngập nước. Theo các nhà khoa học, sen đã có mặt trên trái đất khoảng từ gần 100 triệu năm trước. Hiện nay trên thề giới còn hai loại sen hoa vàng (Nelumbonaceae Pers) có ở miền Bắc và miền Trung Châu Mỹ và hoa sen đỏ ( Nelumbo Nucifera Gaertn) mọc phổ biến ở nhiều nước Châu Á và Châu Úc. Mùa hè là mua sen nở và hương sen dịu nhẹ có thể thoảng trong gió bay xa đến vài trăm mét. Ở Việt Nam, sen được xếp vào bộ tứ quý ( 4 mùa): Lan, sen, cúc, mai và xếp vào hàng “tứ quân tử” cùng tùng, trúc, cúc. Hoa sen rất thích hợp với môi trường có khí hậu nhiệt đới như nước ta. Từ Bắc vào Nam, nó có mặt khắp mọi nơi, gần gũi và thân thiết với mọi người như cây tre, cây đa. Nếu ở miền Bắc, hoa sen chỉ nở vào mùa hè, thì ở hầu khắp miền Nam quanh năm đâu đâu cũng thấy sen khoe sắc thắm, đặc biệt ở vùng Đồng Tháp Mười: Tháp Mười đẹp nhất bông sen Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ Trong lòng mỗi người dân Việt, sen là loài hoa tượng trưng cho vẻ đẹp tươi sáng, cao sang và thuần khiết mang tính chất dân tộc. Chính vì thế, hoa sen luôn là nguồn cảm hứng bất tuyệt của thi ca và nghệ thuật... Có lẽ, không người Việt Nam nào không thuộc bài ca dao đầy tính triết lý này: Trong đầm gì đẹp bằng sen Lá xanh bông trắng lại chen nhuỵ vàng Nhuỵ vàng bông trắng là xanh Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn Người Việt đã cảm nhận được ý hay “Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”, sen sống trong bùn nhưng sen vươn lên trên lầy, toả hương thơm ngát. Sen có một sức sống mạnh mẽ đến kỳ lạ và tự tính của sen là tinh khiết, vô nhiễm. Nó tượng trưng cho bản tính thân thiện, phong thái tao nhã, tinh thần “vươn dậy” trong mọi nghịch cảnh của con người Việt Nam. Đặc biệt trong tư tưởng Phật giáo, hoa sen được tôn quý và chiếm vị trí rất quan trọng. Tinh thần “cư trần bất nhiễm trần”, đó cũng chính là ý nghĩa của hoa sen biểu trưng cho những giá trị đạo đức, sự thuần khiết và thánh thiện, sự duy trì và phát triển của Phật pháp, trí tuệ dẫn đến niết bàn. Trong các công trình kiến trúc Phật giáo ở Việt Nam, sen luôn trở thành hình tượng nghệ thuật. Một trong những công trình kiến trúc tiêu biểu lấy cảm hứng từ hoa sen là chùa Một Cột. Theo truyền thuyết, ngôi chùa này được hình thành từ một giấc mộng đài sen của vua Lý Thái Tông. Cảm hứng từ mộng là loại tâm lý nghệ thuật của các dân tộc phương Đông. Chùa có hình dáng hoa sen, mọc lên từ hồ nước, chỉ với “một cột” một cọng sen. Ở đây, hoa sen là sự giác ngộ, đạt được sự trong sáng và giải thoát khỏi bùn nhơ... Không chỉ vậy, hoa sen còn gắn bó và hiện diện trong đời sống hàng ngày của người dân Việt: Tâm sen dùng để ướp thuốc, hương sen dùng để ướp chè, ngó sen dùng để làm món ăn, lá sen cũng dùng để gói bánh, gói cốm và nó mang lại mùi thơm đặc biệt. Cảm nhận được vẻ đẹp tinh tuý và ý nghĩa thanh cao của hoa sen nên từ cánh đồng nơi thôn dã, từ trong đời sống dân gian, ẩn sâu trong tiềm thức của người dân Việt, hoa sen đã trở thành hình ảnh Việt Nam trên bầu trời cao. Hãng hàng không Việt Nam (Vietnam Airline) đã chính thức chọn biểu tượng bông sen vàng sáu cánh để kết nối Việt Nam với các nước khác trong thiên niên kỷ này. Sen thơm, hương lại hữu sắc. Dù trong hoàn cảnh nào sen cũng hàm chứa trong nó sự tinh tế, thuần khiết, cao đẹp. Nó thật sự là biểu trưng tiêu biểu nhất cho văn hoá và cốt cách nhân văn của người Việt Nam. Hoa sen có cả sắc lẫn hương và sự vươn lên khỏi bùn nhơ để nở hoa của nó đã làm cho loài hoa này mang một ý nghĩa đặc biệt. Hoa sen có mặt trong hầu hết các lĩnh vực từ văn học nghệ thuật cho đến kiến trúc hội hoạ, và đặc biệt là tôn giáo... Phật giáo là một trong những tôn giáo lớn trên thế giới. Đối với Phật giáo, hoa sen hiển hiện khắc nơi từ trong kinh điển cho đến các sản phẩm thờ cúng, tư thế ngồi thiền, cách chấp tay... Hầu như ở đâu có Phật giáo người ta sẽ tìm thấy ở đó có hoa sen, hay nói cách khác hoa sen là biểu tượng của Phật giáo. Hoa sen thể hiện trong kiến trúc chùa, tháp Trong nghệ thuật Việt Nam, hình tượng hoa sen dày đặc từ các phù điêu, đá tảng kê chân cột, bệ tượng Phật đến các dáng gốm và hoạ tiết trang trí. Song cô đọng và sáng tạo hơn cả là hình tượng hoa sen trong kiến trúc chùa tháp Phật giáo. Những công trình kiến trúc tiêu biểu với hình tượng hoa sen thường xuất hiện trong những giai đoạn hưng thịnh của Phật giáo. Đó là thời Lý thế kỷ thứ 11 với Chùa Một Cột - Hà Nội; thế kỷ thứ 17 với Tháp Cửu phẩm liên hoa, Chùa Bút Tháp - Bắc Ninh; thế kỷ 18 với Chùa Tây Phương - Hà Tây, Chùa Kim Liên - Hà Nội. Theo truyền thuyết chùa Một Cột hình thành từ một giấc mộng của vua Lý Thái Tông. Vào một đêm mùa xuân năm Kỷ Sửu (1049), vua nằm mộng thấy Phật Quan Âm ngồi trên đài hoa sen, dẫn vua lên đài. Khi tỉnh dậy, vua nói chuyện lại với triều thần, có người cho là điềm xấu, nhưng thiền sư Thiền Tuệ thì khuyên vua nên xây chùa, dựng cột đá giữa hồ, xây đài hoa sen có tượng Phật Quan Âm ở trên, đúng như hình ảnh đã thấy trong mộng. Các nhà sư chạy đàn xung quanh, tụng kinh cầu sống lâu và đặt tên là chùa Diên Hựu. Hình tượng hoa sen ở Tháp Cửu phẩm liên hoa, Chùa Bút Tháp là một tổ hợp kết cấu gỗ dạng tháp quay chín tầng chồng lên nhau. Mỗi tầng có một đài sen rộng chừng 2 m, cao 50 cm. Cả tháp cao 7 đến 8 m. Phía ngoài tháp các cánh sen bằng gỗ sơn đỏ tạo thành tầng tầng lớp lớp so le nhau. Tầng một đến tầng chín biểu hiện cho những nấc thang của sự tinh tiến trong đạo Phật. Hoa sen trong các sản phẩm trang trí – thờ tự Điều dễ dàng nhận thấy ở đây là hoa sen đã quá đỗi gần gũi với nhà chùa. Trên mái lợp của chùa cũng có hoa sen, gạch lót nền, những phù điêu trên vách, những chạm trổ trên cửa đều có hoa sen, thậm chí thông gió cũng là hình hoa sen Điều này muốn nói lên rằng, ngoài tính biểu tượng cho những gì thuộc về triết lý cao siêu của nhân sinh, của Phật giáo; ngoài những gì thuộc về tính “bác học”, hoa sen còn in đậm dấu ấn của mình trong tâm khảm của những nghệ nhân, những người thiết kế, những người tạo mẫu cho các sản phẩm xây dựng, trang trí. Ở đó, những đường nét của hoa sen cũng sống động, cũng hài hòa, thanh thoát. Ở đây, người viết cho rằng những kiểu thức khác nhau trong cách thể hiện hoa sen có thể phân làm ba phong cách căn bản đó là Ấn Độ, Tây Tạng và Trung Quốc. Với phong cách Ấn Độ, chúng ta dễ nhận thấy sự ảnh hưởng của nó trong tranh tượng – phù điêu của các nước như: Thái Lan, Lào, Campuchia, Việt Nam (Nam Tông - Khơme). Phong cách Tây Tạng đó là hoa sen với màu sắc sặc sỡ (chủ yếu là các màu nóng), và ít có tầm ảnh hưởng đến các nước khác. Có lẽ, Tây Tạng biệt lập với bên ngoài và thời tiết giá lạnh nên đã hình thành một phong cách rất riêng không thể trộn lẫn vào đâu được. Đối với phong cách Trung Quốc, và cũng là Việt Nam (Bắc Tông), người ta nhận thấy ở đây sự đơn giản trong cách thể hiện, không có nhiều những yếu tố cách điệu chồng chất lên nhau như Ấn Độ và cũng không quá màu sắc như Tây Tạng. Thể hiện sự thanh khiết, hoa sen đã có mặt trong hầu hết các sản phẩm thờ cúng. Người ta bắt gặp ở đây rất nhiều từ trong chân đèn, lư hương, bình hoa, tách trà, đĩa bày trái cây, hộp đựng trầm được thiết kế theo những kiểu thức hoa sen. Các sản phẩm thờ cúng này hầu như đều có hình dáng của hoa sen, hoặc ít ra thì hoa sen cũng được vẽ hay chạm trổ ở trên nó. Đây là điều vừa tạo nên yếu tố thẩm mỹ, vừa mang ý nghĩa thanh sạch. Cũng liên quan đến vấn đề thờ cúng này, hình tượng hoa sen còn được dùng để làm cái chum/hủ đựng cốt của người chết. Thể hiện một niềm tin được tái sinh vào cõi an lành hay một kiếp sống không còn khổ đau trần thế, hoa sen được xem là nơi trú ngụ của linh hồn sau khi chết và đợi đi tái sinh. Hoa sen và yếu tố linh thánh Hoa sen là loại hoa có bốn đặc tính vượt trội hơn các loại hoa khác: 1. Ở bùn lầy mà không ô nhiễm; 2. Hoa và quả kết cùng một lúc; 3. Loài ong, bướm không hút lấy hương nhụy; 4. Phụ nữ không dùng hoa sen để trang điểm như giắt trên đầu. Do hoa sen không bị nhiễm bởi bùn nhơ, nên nó được dùng làm biểu trưng cho tánh giác tự nhiên của Phật, tổng quát hơn là biểu trưng cho Phật. Trong Phật giáo, hoa sen biểu trưng cho những giá trị đạo đức, sự thuần khiết và thánh thiện. Hoa sen còn biểu trưng cho trí tuệ siêu việt. Nó thể hiện niềm khao khát giác ngộ. Trong Mật điển có thần chú Lục tự Đại minh là tâm chú của ngày Quán Thế Âm Bồ Tát: "Om Mani Padme Hum" (Án Ma Ni Bát Di Hồng). Trong đó, Padme tiếng Tây Tạng có nghĩa là hoa sen, biểu tượng cho trí tuệ siêu việt, trí tuệ chứng ngộ tự nhiên vượt ra ngoài vòng vây hãm của nhị nguyên luận. Hoa sen trong quan niệm truyền thống không ít trường hợp được coi là biểu trưng của sự sinh sản, của sự sáng tạo. Người ta cho rằng hoa là bộ phận sinh dục của cây. Điều này hoàn toàn đúng xét về mặt sinh vật học lẫn về mặt văn hóa, nhất là văn hóa cổ đại, khi quan hệ giới tính còn được coi là thiêng liêng, là nguồn cội của lẽ sinh thành vạn vật. Hoa sen với gương sen của nó chứa đựng những chủng tử (hạt sen) đã được coi là biểu trưng của cơ quan sinh sản và sen là biểu trưng cho sự thịnh vượng, cho Phúc, một trong ba điều tối hảo: Phúc - Lộc - Thọ của người Trung Quốc. Trong lịch sử Phật Thích Ca từ lúc đản sinh cho đến lúc nhập diệt, Ngài đều ở trên hoa sen. Điều này biểu trưng cho tinh thần bất nhiễm trần của người giác ngộ lẽ đời, và cũng tượng trưng cho trí tuệ, cho triết lý cao siêu của Phật giáo. Ảnh hưởng của hoa sen trong tâm thức Phật giáo Đối với người Ai Cập, sen được biểu hiện cho dương khí. Nhưng đối với Nam Á và phương Đông, sen lại chứa nhiều yếu tố âm, nó là bóng dáng của phái đẹp. Trong nghệ thuật tạo hình ở Việt Nam, chúng ta từng gặp những đài sen là chỗ ngồi của Phật và các linh vật ở miền tịnh thổ (đất Phật) biểu hiện cõi chân như, yên lặng tuyệt đối, cõi không sinh, không diệt. Những người theo đạo Phật thường hiểu sen với những đường gân của nó như 84 vạn pháp môn chảy chung về một nguồn, đó là cuống sen và cũng chính là nguồn giải thoát, là nhất chính đạo đi về một hướng để chuyển tải Phật pháp hoà nhập vào cuộc đời. Từ khi Phật giáo xuất hiện cho đến ngày nay, hoa sen với những ý nghĩa của nó đã thấm sâu vào tâm thức Phật giáo. Những triết lý tưởng chừng như bỏ ngõ cuộc đời, xa lánh cuộc đời trần thế lại là những triết lý có nguồn gốc từ những khổ đau của chúng sanh. Đức Phật đã từng nói với các đệ tử của mình, như nước đại dương chỉ có một vị mặn, giáo lý của Như Lai cũng chỉ có một vị là giải thoát. Vị giải thoát đó chính là cởi trói cho những ràng buộc, những khổ đau, những cố chấp, bám víu .v.v của chúng ta trong cuộc đời. Như thể hoa sen, lấy chất liệu là bùn nhơ, nước đục nhưng hương sắc của nó làm ấm áp lòng người. Hoa sen trong kinh Phật biểu tượng cho chân lý. Và chân lý đó là chân lý hiện thực trong cuộc đời. Về mặt xã hội và tôn giáo, hoa sen biểu trưng cho con đường "nhập thế sinh động" của Phật giáo. Đó là những thành ngữ thường được dùng như "Cư trần bất nhiễm trần" (Sống trong trần thế nhưng không bị ô nhiễm bởi trần thế), hoặc "Phật pháp bất ly thế gian pháp" (Phật pháp không rời các pháp thế gian mà có), hoặc "muốn đến Niết bàn hãy vào đường sinh tử" v.v... Về mặt triết lý, hoa sen tượng trưng cho nhân quả cùng thời...