Các kĩ năng xã hội và quá trình thích ứng xã hội của học sinh trung học cơ sở

Tóm tắt. Bài báo này phân tích các kĩ năng xã hội cần giáo dục cho học sinh trung học cơ sở (THCS), biểu hiện cụ thể của các kĩ năng xã hội, ý nghĩa của các kĩ năng xã hội đối với hoạt động học tập và cuộc sống của các em, nhất là đối với vấn đề thích ứng xã hội. Nội dung bài báo cũng đã làm rõ bản chất của sự thích ứng xã hội và biểu hiện thích ứng xã hội của học sinh THCS cũng như vai trò của nó, chỉ ra mối quan hệ giữa kĩ năng xã hội và quá trình thích ứng xã hội.

pdf6 trang | Chia sẻ: thanhle95 | Lượt xem: 215 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Các kĩ năng xã hội và quá trình thích ứng xã hội của học sinh trung học cơ sở, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE Educational Sci. 2012, Vol. 57, No. 4, pp. 164-169 CÁC KĨ NĂNG XÃ HỘI VÀ QUÁ TRÌNH THÍCH ỨNG XÃ HỘI CỦA HỌC SINH TRUNG HỌC CƠ SỞ Nguyễn Thị Huệ Trường Đại học Sư phạm Hà Nội E-mail: huenguyentlgd@gmail.com Tóm tắt. Bài báo này phân tích các kĩ năng xã hội cần giáo dục cho học sinh trung học cơ sở (THCS), biểu hiện cụ thể của các kĩ năng xã hội, ý nghĩa của các kĩ năng xã hội đối với hoạt động học tập và cuộc sống của các em, nhất là đối với vấn đề thích ứng xã hội. Nội dung bài báo cũng đã làm rõ bản chất của sự thích ứng xã hội và biểu hiện thích ứng xã hội của học sinh THCS cũng như vai trò của nó, chỉ ra mối quan hệ giữa kĩ năng xã hội và quá trình thích ứng xã hội. Từ khóa: Kĩ năng, hoạt động học tập, thích ứng xã hội. 1. Mở đầu Lứa tuổi học sinh THCS (tương ứng tuổi thiếu niên) là độ tuổi có nhiều thay đổi đột biến cả về thể chất và tâm lí, tạo ra sự “khủng hoảng” tạm thời. Sự khủng hoảng này diễn ra nhanh hay chậm, hậu quả của nó như thế nào phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, trong đó các kĩ năng xã hội của học sinh có vai trò quan trọng, nhất là đối với quá trình thích ứng xã hội của các em. Nếu học sinh có các kĩ năng xã hội nhuần nhuyễn thì khả năng thích ứng xã hội sẽ tốt hơn, dễ dàng vượt qua thời kì “khủng hoảng”. Ngược lại, những học sinh yếu kém về các kĩ năng xã hội thì quá trình thích ứng diễn ra khó khăn và sẽ gặp nhiều trở ngại, làm tăng mức độ trầm trọng của thời kì “khủng hoảng”. Các nhà giáo dục cần hiểu biết về vấn đề này để có biện pháp giúp học sinh vượt qua thời kì “khủng hoảng” này một cách nhanh chóng và êm thấm. 2. Nội dung nghiên cứu 2.1. Kĩ năng xã hội Vấn đề kĩ năng nói chung đã được các nhà tâm lí học và giáo dục học nghiên cứu rất nhiều. Dù có những điểm khác nhau trong quan niệm, nhưng tất cả đều thống nhất, nếu con người có kĩ năng thì sẽ làm việc đạt hiệu quả cao hơn. Kĩ năng sẽ giúp cho con người thực hiện công việc có kế hoạch, có kĩ thuật, ít tốn công sức nhưng vẫn thu được kết quả. Có thể hiểu kĩ năng là cách thức con người thực hiện một hành động dựa trên sự hiểu biết và kinh nghiệm của cá nhân trong những hoàn cảnh nhất định. 164 Các kĩ năng xã hội và quá trình thích ứng xã hội của học sinh Trung học cơ sở Trong các kĩ năng sống của con người thì các kĩ năng xã hội đóng vai trò quan trọng. Hoạt động của con người có bản chất xã hội nên các kĩ năng của con người cũng có bản chất xã hội. Mỗi con người sinh ra, lớn lên đều phải hoạt động với người khác và con người phải học các kĩ năng xã hội để thích ứng với các hoạt động xã hội cùng với cộng đồng. Những nghiên cứu của các nhà tâm lí học đều khẳng định: Nếu đứa trẻ thiếu các kĩ năng xã hội như (kĩ năng hợp tác nhóm, kĩ năng kết bạn, kĩ năng đồng cảm, chia sẻ, kĩ năng kiểm soát hành vi, kĩ năng ứng phó với stress. . . ) thì sẽ rất khó khăn khi đi học như khó hòa nhập với bạn, kém tự tin, chán học. . . và sau này cũng gặp khó khăn trong cuộc sống. (Nghiên cứu của Coie và Dodge năm 1983 và Parker, Asher 1987). Có thể hiểu kĩ năng xã hội là những mẫu ứng xử tập nhiễm hay học được, được xã hội chấp nhận, giúp cá nhân quyết định hành động và ứng xử với người khác một cách có hiệu quả, nhanh chóng thích nghi với hoàn cảnh, tránh được những hậu quả tiêu cực về mặt xã hội. Kĩ năng xã hội cần có của mỗi người rất nhiều. Đối với học sinh THCS thì một số kĩ năng xã hội cơ bản cần giáo dục, hình thành và rèn luyện cho các em như: kĩ năng hợp tác, kĩ năng khẳng định mình, kĩ năng đồng cảm, kĩ năng kiềm chế, kĩ năng giải quyết vấn đề. 2.1.1. Kĩ năng hợp tác Hợp tác với người khác để làm một công việc nào đó đạt hiệu quả cao hơn là yêu cầu tự thân của cuộc sống mỗi người. Hầu hết mọi hoạt động của con người, nhất là trong lao động sản xuất, con người luôn nảy sinh nhu cầu hợp tác. Hợp tác là hành vi giúp đỡ lẫn nhau, cùng chung sức hoàn thành một công việc, cùng phối hợp hành động để thực hiện mục đích chung. Có thể hiểu, kĩ năng hợp tác là khả năng tương tác cùng thực hiện có hiệu quả một hành động, một công việc nào đó dựa trên vốn tri thức và kinh nghiệm đã có trong điều kiện nhất định. Biểu hiện kĩ năng hợp tác của học sinh như biết giúp đỡ bạn và người khác, chia sẻ tài liệu, trao đổi kinh nghiệm học tập với bạn, học nhóm, thảo luận, thiết lập mối quan hệ, biết lắng nghe ý kiến của người khác, không vi phạm nội quy, quy chế của nhà trường. . . Tất cả hoạt động của học sinh hằng ngày đều phải có sự hợp tác. Khi các em tham gia vào các hoạt động chung sẽ phát triển ý thức tập thể, tinh thần đoàn kết,. . . thông qua đó để phát triển nhân cách. Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến sự hình thành và phát triển kĩ năng hợp tác của học sinh như môi trường sống có nhiều yếu tố ganh đua, bất hợp tác; tính ích kỉ và bảo thủ của học sinh; khả năng nhận thức về những vấn đề tập thể không theo chiều hướng tích cực. . . 2.1.2. Kĩ năng tự khẳng định bản thân Khẳng định mình là bảo vệ những cái gì mình muốn, những điều mình xứng đáng đạt được mà không vi phạm quyền lợi của người khác, hay không để người khác lợi dụng. 165 Nguyễn Thị Huệ Tự khẳng định là biết tôn trọng bản thân và biết yêu cầu mọi người tôn trọng mình. Kĩ năng tự khẳng định là hành vi chủ động giới thiệu về mình, kiên định khi bị người khác gây sức ép, bảo vệ quan điểm và những giá trị của mình trước mọi người và biết thể hiện giá trị của mình trước mọi người trong nhóm bạn, trong tập thể lớp... Biểu hiện của kĩ năng này ở học sinh như: sự tự tin khi nói chuyện với người khác; chủ động làm quen; tham gia các hoạt động tự giác, năng nổ, tích cực; cởi mở, thận thiện với bạn bè và mọi người xung quanh; quan tâm đến bạn bè và người khác và sẵn sàng giúp đỡ khi cần thiết. Kĩ năng này giúp cho học sinh biết nhận ra giá trị bản thân, nhận ra giá trị của mình và của người khác; biết tôn trọng bản thân và tôn trọng người khác; biết chấp nhận sự khác biệt, chấp nhận bản thân. . . 2.1.3. Kĩ năng đồng cảm Đồng cảm là một đức tính, một phẩm chất đạo đức tốt đẹp của con người cần phải được giáo dục cho học sinh. Đồng cảm có thể hiểu là sự cùng vui, cùng buồn với người khác, cảm thấy niềm vui và nỗi buồn của người khác đang trải qua chính bản thân mình. Depa Kodkal, một chuyên gia về tinh thần cho rằng: đồng cảm là biết đặt mình vào vị trí của người khác để thực sự hiểu người đó. Kĩ năng đồng cảm là khả năng con người thấu hiểu và cảm nhận cảm xúc của người khác như là của chính bản thân mình. Đồng cảm là sự cảm thông bằng cách đặt mình vào hoàn cảnh của người khác, giúp họ biết đứng trên đôi chân của mình để tự quyết định. Thông cảm giữa con người với con người vừa là phương tiện vừa là mục đích cần đạt được trong cuộc sống. Học sinh biết đồng cảm khi biết quan tâm, trân trọng ý kiến của người khác, mong muốn chia sẻ tâm tư, tình cảm với người khác. Biểu hiện kĩ năng đồng cảm của học sinh như: biết khen tặng bạn bè khi họ làm được việc tốt; biết im lặng lắng nghe bạn bè khi họ có điều bực tức muốn chia sẻ; biết tìm đến bạn bè khi bạn gặp khó khăn cần sự giúp đỡ; biết thông cảm với bạn bè, với người khác khi họ gặp việc chẳng lành; biết biểu hiện niềm vui, nỗi buồn. . . cho người khác hiểu. Kĩ năng đồng cảm mang lại cảm giác có sự thấu hiểu người khác, làm cho người khác yên tâm, tin tưởng. Biết đồng cảm với người khác chính là hình thức quan trọng nhất để người khác đồng cảm với mình. 2.1.4. Kĩ năng tự kiềm chế Kiềm chế là biết giữ cảm xúc của mình, không bộc lộ cảm xúc ra ngoài khi cần thiết. Nhận diện và quản lí cảm xúc cá nhân để hiểu và ứng phó với cảm xúc của người khác chính là sự kiềm chế. Kĩ năng kiềm chế là khả năng nhận diện, hiểu biết và điều chỉnh cảm xúc bản thân một cách hợp lí nhằm duy trì trạng thái cân bằng của cơ thể để tránh những căng thẳng không cần thiết trong cuộc sống. Khi có kĩ năng kiềm chế bản thân học sinh biết kiềm chế hành vi và cảm xúc trong 166 Các kĩ năng xã hội và quá trình thích ứng xã hội của học sinh Trung học cơ sở các tình huống xung đột, làm chủ được cảm xúc của mình, không bị hoàn cảnh hay nhu cầu cá nhân chi phối. Biểu hiện kĩ năng kiềm chế ở học sinh như: bỏ qua, phớt lờ những chuyện trêu chọc của bạn bè, xem chuyện đó là bình thường; Không cố tranh cãi với người lớn và bạn bè khi có bất đồng chính kiến và chủ động làm hòa khi cần thiết; Không dễ bị kích động khi gặp hoàn cảnh phấn khích; không dễ nổi khùng và tỏ ra bình tĩnh trước các sự việc. . . Kĩ năng kiềm chế giúp học sinh xây dựng được các mối quan hệ bổ ích, lành mạnh, nhận diện, điều chỉnh và quản lí được cảm xúc cá nhân, giữ được sự bình tĩnh cần thiết để giải quyết các công việc, không nóng giận vô cớ, bột phát để có quyết định sáng suốt. 2.1.5. Kĩ năng giải quyết vấn đề Vấn đề là những trở ngại, thách thức, những khó khăn. . . xảy ra trong cuộc sống cần phải giải quyết. Nói cách khác, vấn đề là bài toán cuộc sống cần giải quyết để tồn tại và phát triển. Kĩ năng giải quyết vấn đề là khả năng cá nhân xác định và phân biệt được những khó khăn, trở ngại làm ảnh hưởng đến cuộc sống và biết cách vượt qua chúng để thực hiện mục đích đã định. Biểu hiện học sinh có kĩ năng giải quyết vấn đề như: Biết suy nghĩ để tìm ra nguyên nhân, nguồn gốc của những rắc rối và tìm cách giải quyết nó; biết vận dụng kiến thức, kinh nghiệm cá nhân để giải quyết các khó khăn cũng như tìm đến sự giúp đỡ của người khác; biết thích nghi và tìm cách thích nghi với hoàn cảnh; luôn lạc quan và hi vọng vào những điều tốt đẹp; biết chấp nhận, sẵn sàng đón nhận những điều tồi tệ có thể xảy ra trong cuộc sống. Kĩ năng giải quyết vấn đề giúp học sinh giải quyết những khó khăn trong học tập và cuộc sống. Khi các em có kĩ năng giải quyết vấn đề sẽ giúp các em tự tin vào khả năng bản thân, nhất là trong việc giải quyết các xung đột, giải quyết các khó khăn, nâng cao bản lĩnh của cá nhân. 2.2. Thích ứng xã hội 2.2.1. Khái niệm Thích ứng của cá nhân được thể hiện ở các trình độ khác nhau. Trình độ thấp nhất là thích ứng sinh lí. Đó là những phản ứng có tính chất tự nhiên của cơ thể trước sự biến đổi của môi trường, tạo ra sự cân bằng giữa cơ thể và môi trường. Hình thức này có cả ở người và động vật. Tiếp theo là thích ứng tâm lí, nó cho phép cơ thể có khả năng đáp ứng được cả những kích thích gián tiếp, tín hiệu từ môi trường theo cơ chế phản xạ có điều kiện. Thích ứng tâm lí giúp động vật thoát khỏi sự cân bằng trực tiếp giữa cơ thể với môi trường vì thế có thể tồn tại và phát triển trong những môi trường nhiều biến động phức tạp hơn. Thích ứng tâm lí có cả ở người và động vật bậc cao, nhưng ở con người khác xa với động vật, nhất là nội dung xã hội - lịch sử và cơ chế thích ứng hệ thống tín hiệu thứ hai. 167 Nguyễn Thị Huệ Thích ứng xã hội là hình thức thích ứng cao nhất chỉ có ở con người. Đặc trưng của hình thức này là con người sống trong môi trường xã hội, tiếp nhận những giá trị xã hội, hòa nhập vào xã hội và có khả năng đáp ứng với những yêu cầu, đòi hỏi của xã hội. Thích ứng xã hội liên quan chặt chẽ đến quá trình lao động và xã hội hóa. Đó là sự xâm nhập của các cá nhân vào các vai xã hội khác nhau. Trong quá trình này, con người biến các kinh nghiệm lịch sử xã hội thành kinh nghiệm riêng của cá nhân để hình thành và phát triển tâm lí. Thích ứng xã hội là khả năng con người đối mặt với các hoàn cảnh xã hội mà không bị căng thẳng, mệt mỏi. . . Là khả năng sống, hoạt động và phát triển trong môi trường xã hội đầy biến động. Thích ứng xã hội diễn ra ngay từ những giây phút đầu tiên của cuộc đời mỗi con người, làm cầu nối giữa bản chất xã hội của con người với hiện thực xã hội. Tóm lại, thích ứng là biểu hiện của sự phát triển và hoàn thiện nhân cách, đảm bảo cho cá nhân đáp ứng được yêu cầu của xã hội, là điều kiện cho sự phát triển tâm lí cá nhân. 2.2.2. Vai trò của thích ứng xã hội Con người muốn tồn tại và phát triển thì phải tham gia lao động sản xuất và các mối quan hệ xã hội. Mỗi xã hội đều có những đặc trưng riêng và luôn biến động không ngừng. Nếu con người không có khả năng thích ứng, hoặc thích ứng không kịp sẽ bị đào thải. Khi con người có khả năng thích ứng sẽ dễ dàng thâm nhập vào các mối quan hệ xã hội, có những ứng xử phù hợp. Con người sẽ vui vẻ, lạc quan hơn nếu thích ứng được với môi trường. Thậm chí con người có thể cải tạo môi trường để thích ứng dễ dàng hơn. Do quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. . . làm cho xã hội phát triển ngày càng nhanh thì vai trò của thích ứng lại càng quan trọng. Có thích ứng được con người mới giảm bớt sự căng thẳng và hoạt động có hiệu quả. Sự thích ứng giúp con người không chỉ hòa đồng với nhóm, tập thể xung quanh mà hòa đồng với thế giới rộng lớn. Thích ứng để trở thành người công dân toàn cầu là mục đích của nền giáo dục trong thời đại ngày nay. 2.3. Quan hệ giữa kĩ năng xã hội và sự thích ứng xã hội Các kĩ năng xã hội vừa là điều kiện để thích ứng xã hội vừa là kết quả của sự thích ứng xã hội. Người ta muốn thích ứng xã hội thì phải rèn luyện các kĩ năng xã hội. Ngược lại, người thích ứng xã hội tốt là những người có thể hình thành các kĩ năng xã hội nhanh hơn. Những người có kĩ năng xã hội kém đồng thời họ là những người kém thích ứng xã hội, đồng thời nếu khả năng thích ứng kém thì các kĩ năng xã hội của cá nhân đó cũng kém. Như vậy, giữa chúng vừa có thể thúc đẩy lẫn nhau, vừa có thể cản trở nhau trong quá trình hình thành và phát triển. Người có kĩ năng xã hội là người có khả năng thích ứng xã hội. Vì thế rất khó để tách biệt chúng ra một cách chi tiết, cụ thể. Chúng vừa là nguyên nhân vừa là kết quả của nhau. Chúng hòa quện vào nhau trong một thể thống nhất của nhân cách. Để giúp học sinh THCS có khả năng thích ứng xã hội nhanh cần phải chú ý rèn 168 Các kĩ năng xã hội và quá trình thích ứng xã hội của học sinh Trung học cơ sở luyện các kĩ năng xã hội cho các em. Các kĩ năng xã hội vừa giúp học sinh thích ứng xã hội nhanh hơn đồng thời nó là tiêu chí để đánh giá mức độ thích ứng xã hội của các em. 3. Kết luận Kĩ năng xã hội là khả năng con người giải quyết các tình huống trong cuộc sống bằng tri thức và kinh nghiệm của mình để tồn tại và phát triển. Các kĩ năng xã hội được hình thành và phát triển trong quá trình sống của cá nhân trong cộng đồng xã hội. Sự thích ứng xã hội là mức độ thích ứng cao nhất chỉ có ở con người. Đó là khả năng con người hòa đồng với môi trường xã hội mà không bị căng thẳng, ức chế, là những thay đổi của cá nhân cho phù hợp với điều kiện xã hội khi các điều kiện xã hội luôn luôn thay đổi phức tạp. Giữa kĩ năng xã hội và sự thích ứng xã hội có sự quan hệ mật thiết với nhau, chúng vừa là điều kiện vừa là kết quả của nhau. Để giúp học sinh THCS thích ứng xã hội nhanh cần tổ chức rèn luyện các kĩ năng xã hội cho các em. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Nguyễn Thanh Bình, 2010. Giáo dục kĩ năng sống. Nxb Đại học Sư phạm Hà Nội. [2] Nguyễn Công Khanh, 2004. Nghiên cứu kĩ năng xã hội ở lứa tuổi học sinh THCS. Tạp chí Giáo dục, số 94. [3] Nguyễn Thị Huệ, 2011. Những biểu hiện thích ứng xã hội của lứa tuổi thiếu niên. Tạp chí Khoa học Giáo dục, số 74. [4] Nhiều tác giả, 2010. Những kĩ năng thực hành xã hội. Nxb Trẻ. [5] Nguyễn Thị Oanh, 2006. 10 cách thức rèn luyện kĩ năng sống cho trẻ vị thành niên. Nxb Trẻ. ABSTRACT Social skill acquisition and social adaption in lower secondary school students This article analyses some skills (termed ‘social’ skills) that are deemed a necessary part of lower secondary school student education. Given are specific signs and meanings of social skills that are expressed in a student’s life with a focus on social adaptation. Clearly presented are the identification and signs of social adaptions experienced by lower secondary students, the role of social adaption and the relationship between social skills and the process of social adaption. 169
Tài liệu liên quan