Các nguyên lý của triết học pháp quyền (kỳ 2)

Khoa học triết học về pháp quyền có đối tượng [nghiên cứu] là Ý niệm về pháp quyền, [tức] Khái niệm về pháp quyền và việc hiện thực hóa Khái niệm ấy. Triết học chỉ làm việc với những Ý niệm chứ không phải với những gì thường được gọi là những khái niệm đơn thuần. |Trái lại, nó còn vạch rõ sự phiến diện và sự vô-chân lý của những khái niệm ấy, cũng như cho thấy rằng chỉ duy có Khái niệm (chứ không phải chữ khái niệm như ta thường được nghe, vốn chỉ là một sự quy định trừu tượng của giác tính[1] mới có được hiện thực và theo kiểu là: Khái niệm tự mang lại hiện thực cho chính mình. Tất cả những gì không phải là hiện thực do bản thân Khái niệm thiết định nên như thế thì đều là cái tồn-tại-hiện có nhất thời, là sự ngẫu nhiên ngoại tại, là tư

pdf41 trang | Chia sẻ: tranhoai21 | Lượt xem: 1361 | Lượt tải: 2download
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Các nguyên lý của triết học pháp quyền (kỳ 2), để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Các nguyên lý của triết học pháp quyền (kỳ 2) Chủ Nhật, ngày 8 Tháng Chín năm 2013 G. W. F. HEGEL CÁC NGUYÊN LÝ CỦA TRIẾT HỌC PHÁP QUYỀN (GRUNDLINIEN DER PHILOSOPHIE DES RECHTS) BÙI VĂN NAM SƠN dịch và chú giải --- o0o --- DẪN NHẬP [Khái niệm về Pháp quyền, Triết học Pháp quyền, Ý chí, và Tự do] §1 Khoa học triết học về pháp quyền có đối tượng [nghiên cứu] là Ý niệm về pháp quyền, [tức] Khái niệm về pháp quyền và việc hiện thực hóa Khái niệm ấy. Triết học chỉ làm việc với những Ý niệm chứ không phải với những gì thường được gọi là những khái niệm đơn thuần. |Trái lại, nó còn vạch rõ sự phiến diện và sự vô-chân lý của những khái niệm ấy, cũng như cho thấy rằng chỉ duy có Khái niệm (chứ không phải chữ khái niệm như ta thường được nghe, vốn chỉ là một sự quy định trừu tượng của giác tính[1] mới có được hiện thực và theo kiểu là: Khái niệm tự mang lại hiện thực cho chính mình. Tất cả những gì không phải là hiện thực do bản thân Khái niệm thiết định nên như thế thì đều là cái tồn-tại-hiện có nhất thời, là sự ngẫu nhiên ngoại tại, là tư kiến, là hiện tượng vô-bản chất, là sự vô-chân lý, là sự lừa dối v.v Còn hình thái [cụ thể] mà Khái niệm tự mang lại cho mình trong [tiến trình] hiện thực hóa của nó thì, đối với việc nhận thức bản thân Khái niệm, lại là một mômen bản chất khác của Ý niệm; mômen này được phân biệt với hình thức, tức với cách thức hiện hữu thuần túy chỉ với tư cách như là khái niệm. Giảng thêm (H) Khái niệm và sự hiện hữu (Existenz) của nó[2] là hai mặt vừa tách rời vừa thống nhất như hồn và xác. Xác là cùng một sự sống như hồn, nhưng cũng có thể bảo cả hai nằm bên ngoài nhau. Một linh hồn mà không có thể xác thì không phải là cái gì sống thật và ngược lại cũng thế. Cho nên tồn tại-hiện có (Dasein) của Khái niệm là thể xác của nó, cũng như thể xác này tuân theo linh hồn là cái đã tạo ra nó. Những hạt mầm có cái cây ở bên trong mình và chứa đựng toàn bộ sức mạnh của cái cây dù chúng chưa phải là bản thân cái cây. Cái cây tương ứng hoàn toàn với hình ảnh đơn giản chứa đựng trong hạt mầm. Nếu thể xác không tương ứng với linh hồn thì đó là cái gì thảm hại. Sự thống nhất của tồn tại-hiện có và Khái niệm, giữa xác và hồn chính là Ý niệm. Ý niệm không chỉ là sự hòa điệu [của cả hai] mà còn là sự thâm nhập hoàn toàn vào trong nhau. Không có cái gì sống thật mà không phải là Ý niệm theo một kiểu nào đó. Ý niệm về pháp quyền là sự tự do, và, để được lĩnh hội một cách đúng thật, nó phải được nhận thức vừa trong Khái niệm của nó và vừa trong sự tồn tại-hiện có (Dasein) của Khái niệm này. §2 Khoa học-pháp quyền là một bộ phận của triết học. Vì thế, nó có nhiệm vụ phải phát triển Ý niệm – như là lý tính của một đối tượng - từ Khái niệm, hay, cũng đồng nghĩa như thế, phải quan sát sự phát triển nội tại riêng biệt của bản thân Sự việc. Với tư cách là bộ phận, nó [Khoa học pháp quyền] có một điểm bắt đầu nhất định, vốn là kết quả và là sự thật của cái gì đi trước, và cái đi trước ấy tạo nên cái gọi là luận cứ chứng minh cho kết quả ấy. Do đó, Khái niệm về pháp quyền, xét theo sự trở thành của nó, nằm ở bên ngoài Khoa học- pháp quyền, còn sự diễn dịch của nó thì được tiền-giả định ở đây và được tiếp thu như là cái gì đã được mang lại [3]. Giảng thêm (G) Triết học hình thành một vòng tròn. |Nó có một cái thứ nhất, cái trực tiếp, bởi nó phải bắt đầu từ đâu đó, [nhưng] cái bắt đầu này lại không được chứng minh và không phải là một kết quả. Nhưng, điểm bắt đầu của triết học là tương đối một cách trực tiếp, vì nó phải xuất hiện ở điểm tận cùng bên kia như là kết quả. Triết học là một chuỗi tiếp diễn không treo lơ lửng giữa trời, không phải là một cái bắt đầu trực tiếp mà là vòng tròn khép kín bên trong chính mình[4]. Dựa theo phương pháp đơn thuần hình thức và không phải triết học của các khoa học thì điều đầu tiên cần tìm và đòi hỏi – ít ra là vì hình thức khoa học ngoại tại – chính là định nghĩa. Tuy nhiên, môn luật học thực định không thể quá bận tâm với điều ấy, bởi mục đích chủ yếu của nó là nêu rõ cái gì là hợp pháp luật[5], nghĩa là, cho biết đâu là những quy định pháp luật đặc thù, và đó chính là lý do của lời cảnh báo: omnis definitio in iure civili periculosa [Latinh: “Trong dân luật, mọi định nghĩa đều là mạo hiểm”][6]. Và thật thế, những quy định của một [hệ thống] pháp luật càng thiếu nhất quán và càng mâu thuẫn nội tại bao nhiêu thì càng khó có thể có được những định nghĩa ở bên trong nó, bởi những định nghĩa ắt phải bao gồm những quy định phổ quát, trong khi những quy định ấy lại làm bộc lộ trắng trợn điều mâu thuẫn: ở đây, chính là bộc lộ sự không-công chính. Vì thế, chẳng hạn trong Luật La Mã, không thể có được định nghĩa về con người, vì người nô lệ thì không thể được thâu gồm trong định nghĩa ấy được, trái lại, vị thế của người nô lệ lại vi phạm chính Khái niệm ấy [về con người]. |Các định nghĩa về “sở hữu” và “người sở hữu” cũng tỏ ra đầy mạo hiểm như thế trong nhiều hoàn cảnh. - Song, việc diễn dịch[7] ra định nghĩa có lẽ vẫn đạt được dựa vào từ nguyên hoặc chủ yếu nhờ sự trừu tượng hóa khỏi những trường hợp đặc thù, và qua đó, lấy tình cảm của sự hình dung của con người làm căn cứ. Vậy là sự đúng đắn của định nghĩa bị buộc phải phụ thuộc vào sự trùng hợp của nó với những sự hình dung hiện có. Phương pháp này đã bỏ qua điều duy nhất cốt yếu đối với khoa học, đó là: xét về nội dung, là sự tất yếu của Sự việc tự-mình-và-cho-mình (ở đây là của pháp quyền), còn xét về hình thức, là bản tính tự nhiên của Khái niệm. Trong khi đó, trong nhận thức triết học, sự quan tâm chủ yếu lại là sự tất yếu của một Khái niệm và con đường của nó. Một khi nội dung của Khái niệm là tất yếu cho-mình rồi, thì bước thứ hai mới là xem thử những gì trong sự hình dung và trong ngôn ngữ [của ta] phù hợp với nó. Nhưng, Khái niệm này – như nó tồn tại cho-mình trong chân lý của nó – không chỉ có thể được phân biệt với sự hình dung [bằng biểu tượng] của ta về nó mà cả hai còn phải phân biệt với nhau về hình thức và hình thái nữa. Nếu biểu tượng không sai về mặt nội dung thì có thể cho thấy rằng Khái niệm được chứa đựng ở trong biểu tượng và hiện diện trong biểu tượng như là bản chất của nó, nghĩa là, [trong trường hợp ấy] biểu tượng có thể được nâng lên thành hình thức của Khái niệm. Nhưng, biểu tượng [sự hình dung chủ quan của ta] tuyệt nhiên không phải là thước đo và tiêu chuẩn cho Khái niệm, vốn là cái gì tất yếu và đúng thật cho-mình, mà đúng hơn, nó phải rút ra chân lý của mình từ Khái niệm, và nhờ vào Khái niệm mà nhận thức và điều chỉnh lại chính mình. - Nhưng, ngược lại, nếu một khi phương cách nhận thức nói trên với nào là những định nghĩa hình thức, suy luận, chứng minh và những thứ tương tự đã ít nhiều không còn nữa thì một phương cách khác đã nhảy vào thế chỗ – như một thế phẩm tệ hại –, đó là: xem những Ý niệm nói chung, và, do đó, cả Ý niệm về pháp quyền cùng với những quy định tiếp theo của nó một cách trực tiếp như là những sự kiện của ý thức[8] và thế là đã biến tình cảm tự nhiên hay tình cảm được tăng cường, biến tấm lòng riêng của ta và sự nhiệt tình thành nguồn gốc của pháp quyền. Nếu phương pháp này là thoải mái nhất thì đồng thời cũng là phương pháp phản-triết học hơn cả, – đó là không nói đến các khía cạnh khác của quan niệm này vốn chỉ liên quan trực tiếp đến hành động chứ không phải đến nhận thức. Trong khi phương pháp trước – tuy chỉ có tính đơn thuần hình thức – ít ra cũng đòi hỏi hình thức của Khái niệm trong những định nghĩa của nó lẫn hình thức của sự nhận thức tất yếu trong những chứng minh, thì phương cách của ý thức trực tiếp và của tình cảm đã biến tính chủ quan, bất tất và tùy tiện thành nguyên tắc của sự nhận thức. - Ở đây, chúng tôi giả định rằng người đọc đã quen thuộc với phương pháp tiến hành triết học một cách khoa học, như đã được trình bày trong Lôgíc học triết học[9]. §3 Nói chung, pháp quyền là thực định: 1. thông qua hình thức có giá trị hiệu lực bên trong một Nhà nước, và quyền lực [lập] pháp này là nguyên tắc làm cơ sở cho sự hiểu biết về luật, tức, cho môn luật học thực định; 2. xét về nội dung, sở dĩ pháp quyền này có một yếu tố thực định là: 2.1. do tính cách quốc gia đặc thù của một dân tộc, do trình độ của sự phát triển lịch sử của nó cũng như do sự liên kết của mọi mối quan hệ thuộc về sự tất yếu tự nhiên[10]; và 2.2. do sự tất yếu mà một hệ thống pháp quyền hợp pháp phải có trong việc áp dụng Khái niệm phổ biến vào cho những đặc điểm đặc thù, được mang lại từ bên ngoài của những đối tượng và trường hợp, – một sự áp dụng không còn là công việc của tư duy tư biện và của sự phát triển của Khái niệm nữa mà của việc thâu gồm của giác tính. 2.3. thông qua những quy định tối hậu vốn cần thiết cho việc [lấy] quyết định trong hiện thực. Nếu tình cảm của trái tim, xu hướng [cá nhân] và sự tùy tiện bị đem ra đối lập lại với pháp quyền và pháp luật thực định thì triết học ít ra cũng không thể thừa nhận các quyền uy như thế. Bạo lực và độc tài có thể là một yếu tố trong pháp quyền thực định, nhưng đó chỉ là ngẫu nhiên đối với pháp quyền và không dính líu gì đến bản tính tự nhiên của [bản thân] pháp quyền cả. Phần sau (từ tiểu đoạn §§211-214) sẽ cho thấy pháp quyền phải trở thành thực định ở chỗ nào. Còn ở đây, những quy định – sẽ được bàn ở phần sau – chỉ được nhắc đến nhằm vạch rõ các ranh giới của pháp quyền [hiểu theo nghĩa] triết học, đồng thời cũng để loại bỏ sự hình dung hay thậm chí sự kỳ vọng rằng sự phát triển có hệ thống về pháp quyền triết học sẽ mang lại một bộ luật thực định đúng theo yêu cầu của một Nhà nước hiện thực. - Pháp quyền tự nhiên hay pháp quyền triết học đúng là có khác với pháp quyền thực định, nhưng ắt sẽ là một ngộ nhận lớn nếu biến sự khác nhau này thành một sự đối lập hay đối kháng; ngược lại, quan hệ giữa cái trước với cái sau giống như quan hệ giữa “Institutionen” và “Pandekten”[11]. - Đối với yếu tố lịch sử trong pháp quyền thực định (nêu ở đầu §3), Montesquieu quả đã đề ra một quan niệm lịch sử đúng đắn, một quan điểm triết học đích thực khi cho rằng việc ban bố luật pháp nói chung cũng như những quy định đặc thù của nó không được phép xem xét một cách cô lập và trừu tượng, mà đúng hơn là một mômen phụ thuộc vào một toàn thể, trong sự nối kết với mọi quy định khác, tạo nên tính cách của một quốc gia và một thời đại, và, chỉ ở trong sự nối kết này chúng mới có được ý nghĩa đúng thật và, do đó, có được sự biện minh[12]. - Xem xét sự ra đời và phát triển của những quy định pháp luật như chúng xuất hiện trong thời gian là một công việc thuần túy lịch sử. | Công việc này, cũng giống như công việc nhận ra sự nhất quán lôgíc của những quy định ấy bằng cách so sánh chúng với những quan hệ pháp lý tồn tại trước đó, là một công việc đầy cống hiến và đáng ca ngợi bên trong lĩnh vực riêng của nó và không liên quan gì đến việc xem xét triết học, trong chừng mực sự phát triển từ những cơ sở lịch sử không bị lẫn lộn với sự phát triển từ Khái niệm và việc giải thích lẫn biện minh về lịch sử không bị mở rộng thành một sự biện minh có giá trị tự-mình-và-cho-mình[13]. Sự phân biệt này – vốn hết sức quan trọng và luôn cần phải ghi nhớ – lại cũng hết sức hiển nhiên: một quy định pháp lý có thể được chứng minh là hoàn toàn có cơ sở và nhất quán với những hoàn cảnh và những định chế pháp lý sẵn có, nhưng có thể là không công chính và phản-lý tính một cách tự-mình- và-cho-mình, giống như vô số quy định của Dân luật La Mã bắt nguồn một cách hoàn toàn nhất quán từ những định chế như chế độ phụ quyền và chế độ hôn nhân La Mã. Nhưng, cho dù những quy định pháp lý là công chính và hợp-lý tính đi nữa thì việc chứng minh chúng là như thế – điều này không thể nào làm được ngoài việc nhờ vào Khái niệm – là một chuyện, còn việc trình bày sự ra đời về mặt lịch sử của chúng cũng như những hoàn cảnh, trường hợp đặc thù, nhu cầu và sự kiện đã làm cho chúng ra đời, lại là một chuyện khác. Loại chứng minh và nhận thức (thực tiễn) dựa vào những nguyên nhân lịch sử xa và gần như thế thường được gọi là sự “giải thích” hay thậm chí, sự “thấu hiểu”, với niềm tin chủ quan rằng kiểu chứng minh có tính lịch sử này là tất cả – hay đúng hơn, là điều cốt yếu – cần phải làm để thấu hiểu luật pháp hay một định chế pháp lý, trong khi vấn đề thực sự cốt yếu – chính là Khái niệm về/của Sự việc – thì lại không hề được nhắc đến. - Tương tự như thế, ta thường nghe nói về “những khái niệm-pháp lý” La Mã hay Gécmanh hoặc về “những khái niệm pháp lý” như được định nghĩa trong bộ luật này hay bộ luật nọ, mặc dù trong các bộ luật này không hề có mặt những Khái niệm [đúng nghĩa] mà chỉ có những quy định pháp lý phổ biến, những mệnh đề của giác tính, những nguyên tắc, những đạo luật v.v mà thôi. - Do không lưu ý đến sự khác biệt ấy nên người ta có thể đảo lộn quan điểm, biến yêu cầu biện minh đích thực thành một sự biện minh bằng những hoàn cảnh, rút ra những hệ luận từ những tiền đề vốn tự-chúng là vô-giá trị, v.v., nói ngắn, đã lấy cái tương đối thế chỗ cho cái tuyệt đối, lấy hiện tượng bề ngoài thế chỗ cho bản tính của bản thân Sự việc. Khi một sự biện minh [theo kiểu] lịch sử lẫn lộn một nguồn gốc ra đời từ những yếu tố bên ngoài với một nguồn gốc ở trong Khái niệm, nó chỉ đạt được điều ngược lại với sự mong muốn một cách vô-ý thức mà thôi. [Thật thế] khi việc hình thành một định chế do những hoàn cảnh nhất định được chứng minh là hoàn toàn hợp-mục đích và cần thiết, thì tức là đã làm được điều mà quan điểm lịch sử đòi hỏi. | Nhưng, nếu điều này được nâng lên thành một sự biện minh chung cho bản thân Sự việc thì kết quả lại là cái trái ngược, bởi khi các hoàn cảnh ban đầu đã không còn nữa thì định chế ấy cũng đã mất hết ý nghĩa và lý do tồn tại. Chẳng hạn, nếu các tu viện được biện minh bằng cách nhắc đến công lao của chúng trong việc khai hoang và quần tụ dân cư trong những vùng hoang dã và bảo tồn sự học vấn nhờ việc giảng dạy, sao chép kinh sách v.v; và những dịch vụ ấy được xem như là lý do và mục đích cho việc tiếp tục tồn tại của chúng, thì, trong thực tế, kết luận rút ra từ những công trạng trong quá khứ ấy là: vì lẽ những hoàn cảnh nay đã hoàn toàn thay đổi, nên các tu viện, ít ra về phương diện này, cũng đã trở thành thừa thãi và vô-mục đích. - Vì lẽ nay đã rõ ràng rằng ý nghĩa lịch sử của nguồn gốc ra đời, cùng với sự trình bày và chứng minh có tính lịch sử về chúng là thuộc về một lĩnh vực khác so với cách nhìn triết học về cùng những nguồn gốc ấy và về Khái niệm của Sự việc, nên, trong chừng mực đó, hai cách tiếp cận nói trên có thể cùng tồn tại và không xâm phạm lẫn nhau. Nhưng, vì lẽ cả hai không phải lúc nào cũng giữ được mối quan hệ hòa thuận, ngay cả trong những vấn đề khoa học, nên tôi sẽ trích dẫn đôi điều liên quan đến mối quan hệ hỗ tương giữa chúng, xuất hiện trong quyển Giáo trình về lịch sử Luật La Mã / Lehrbuch der Geschichte des rưmischen Rechts, 1799 của ông [Gustav] Hugo, đồng thời góp phần soi sáng cung cách đối lập giữa chúng[14]. Trong sách giáo khoa nói trên (Ấn bản V, §53), ông Hugo cho rằng: “Cicero vừa ca ngợi bộ luật Bảng Mười Hai[15] vừa lườm nguýt các triết gia” trong khi đó, “triết gia Favorinus[16] đối xử với bộ luật này giống hệt như phần lớn các đại triết gia về sau đã đối xử với pháp luật thực định”. Ông Hugo khẳng định một cách chung quyết về cách đối xử ấy khi viết: “Favorinus đã không hiểu Bảng Mười Hai, chẳng khác gì các triết gia đã không hiểu pháp luật thực định”. - Còn về lời kiểu chính của luật gia Sextus Caecilius[17] (trong “Noctes Atticae” / “Đêm Athenes, XX, 1)[18] đối với triết gia Favorinus thì chủ yếu là khẳng định về nguyên tắc đúng đắn và hằng cửu phải lấy làm cơ sở cho việc biện minh bất kỳ nội dung [pháp lý] nào đơn thuần có tính thực định. Caecilius đã nói rất hay với Favorinus: “Non ignoras legum opportunitates et medelas pro temporum moribus et pro rerum publicarum generibus, ac pro utilitarum praesentium rationibus, proque vitiorum, quibus medentum est, fervoribus, mutari ac flecti, neque uno statu consistere, quin, ut facies coeli et maris, ita rerum atque fortunae tempestatibus varientur. Quid salubrius visum est rogatione illa Stolonis quid utilius plebiscito Voconio quid tam necessarium exismatum est quam lex Licinia? Omnia tamen haec obliterata et operta sunt civitatis opulentia”. [Latinh: “Chắc hẳn anh thừa biết rằng những lợi ích và giải pháp do luật lệ mang lại đều luôn phải thay đổi và biến hóa tùy theo tập quán của thời đại và loại hình của thể chế thành quốc cũng như tùy theo các yêu cầu của tình hình hiện tại và những khuyết tật cần phải bổ cứu, và vì thế, chúng không thể cứ giữ nguyên mãi như cũ. Trái lại, chúng thay đổi do những bão táp của thời cuộc không khác gì bão táp đã thay đổi mặt nước và bầu trời. Có gì đáng chào mừng hơn là đề nghị cải cách pháp luật của Stolo[19]?... Có gì hữu ích hơn là chỉ thị được lòng dân của Voconius[20] và có gì cần thiết hơn là luật của Licinius[21]? Thế nhưng, tất cả chúng đều đã bị bãi bỏ và lãng quên trước sự phồn vinh ngày nay”]. - Các đạo luật ấy là thực định (positiv), trong chừng mực ý nghĩa và mục đích của chúng tùy thuộc vào hoàn cảnh, do đó, nói chung, chỉ có một giá trị lịch sử và nhất thời. Sự sáng suốt của những gì các nhà lập pháp và nhà cầm quyền đã làm cho hoàn cảnh của thời đại họ và đã quy định phù hợp với thời cuộc bấy giờ là một chuyện riêng, dành cho sự đánh giá của lịch sử, và sự thừa nhận ấy càng sâu sắc hơn nếu được sự ủng hộ từ cách nhìn của phía triết học. - Tuy nhiên, tôi xin trích dẫn thêm ở đây một ví dụ trong nỗ lực của Caecilius nhằm biện minh cho Bảng Mười Hai và chống lại Favorinus, vì khi làm như thế, ông ta đã sử dụng phương pháp bịp bợm bất hủ của giác tính và của kiểu ngụy biện của nó, đó là: đưa ra một lý do tốt cho một Sự việc xấu, và tưởng rằng như thế là đã biện minh được cho Sự việc xấu xa ấy. Ông dẫn ra điều luật ghê tởm, theo đó, nếu vượt khỏi thời gian hạn định, người chủ nợ có quyền giết người vay nợ hoặc bán anh ta làm nô lệ, hoặc thậm chí, nếu có nhiều chủ nợ thì họ có quyền chặt khúc con nợ ra thành nhiều mảnh để chia nhau và nếu ai lỡ tay chặt quá nhiều hoặc quá ít thì cũng không chịu sự thất lợi gì về pháp lý cả (một điều khoản cực kỳ có lợi cho nhân vật Shylock trong vở kịch Người lái buôn thành Venise của Shakespeare và đã được anh ta chấp nhận với lòng biết ơn vô hạn!)[22]. | Khi ủng hộ điều luật ấy, Caecilius đưa ra lý do tốt rằng nó đã tăng phần bảo đảm cho lòng trung tín và hơn thế nữa, do sự ghê tởm của điều luật, sẽ không bao giờ đi đến chỗ được áp dụng. Do sự vô-tư tưởng của mình, ông ta không chỉ không nghĩ ra rằng chính quy định sau đã phá hủy ý đồ trước (tức việc bảo đảm sự trung tín) mà còn mâu thuẫn nữa, vì ngay sau đó, ông ta dẫn ra một ví dụ cho thấy điều luật về sự làm chứng dối đã không có hiệu quả chính vì quy định về hình phạt quá đáng dành cho nó. - Còn việc ông Hugo muốn gì khi bảo rằng [triết gia] Favorinus đã không hiểu điều luật thì không rõ ràng tí nào cả, vì thật ra cậu bé học sinh nào cũng đủ sức hiểu nó, và chính anh chàng Shylock nói trên mới càng hiểu rõ hơn ai hết vì nó có lợi cho anh ta hơn cả. Chắc ông Hugo dùng chữ “hiểu” ở đây theo nghĩa là “trình độ” của giác tính, hoàn toàn yên tâm và hài lòng khi tìm ra được một lý do tốt cho một điều luật như thế! - Một sự “không hiểu” khác của Fororinus bị Caecilius vạch ra thì nói thật, một triết gia sẵn sàng thú nhận không chút xấu hổ, đó là việc Fororinus không biết rằng iumentum, theo luật định, “là khác với arcera” – như là phương tiện chuyên chở duy nhất để đưa một người bệnh ra làm chứng trước tòa – phải được hiểu rằng đó không chỉ là một con ngựa mà còn có nghĩa là một cái kiệu hay một cái xe! Caecilius đã có thể rút ra từ điều l