Tóm tắt. Truyện ngắn Nguyễn Tuân có nhiều nét gần với thơ. Song việc tìm hiểu
giá trị nghệ thuật của tố chất này trong việc tham gia kiến tạo nên chỉnh thể thẩm
mĩ tác phẩm truyện ngắn của Nguyễn Tuân gần như vẫn chưa được quan tâm, lý
giải thỏa đáng. Qua khảo sát, nghiên cứu, người viết nhận thấy, chất thơ là một
trong những thành tố quan trọng đã góp phần tạo nên những hiệu ứng thẩm mĩ độc
đáo trong truyện ngắn của nhà văn này.
7 trang |
Chia sẻ: thanhle95 | Lượt xem: 169 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Cảm quan thơ trong truyện ngắn Nguyễn Tuân, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE
Social Sci., 2012, Vol. 57, No. 6, pp. 61-67
CẢMQUAN THƠ TRONG TRUYỆN NGẮN NGUYỄN TUÂN
Trương Hoàng Vinh1 và Tôn Thất Dụng2
1Trường Đại học Tiền Giang, 2Trường Đại học Sư phạm – Đại học Huế
E-mail: 1hoangvinhsp@yahoo.com
Tóm tắt. Truyện ngắn Nguyễn Tuân có nhiều nét gần với thơ. Song việc tìm hiểu
giá trị nghệ thuật của tố chất này trong việc tham gia kiến tạo nên chỉnh thể thẩm
mĩ tác phẩm truyện ngắn của Nguyễn Tuân gần như vẫn chưa được quan tâm, lý
giải thỏa đáng. Qua khảo sát, nghiên cứu, người viết nhận thấy, chất thơ là một
trong những thành tố quan trọng đã góp phần tạo nên những hiệu ứng thẩm mĩ độc
đáo trong truyện ngắn của nhà văn này.
Từ khóa: Nguyễn Tuân, chỉnh thể thẩm mĩ, truyện ngắn, cảm quan thơ.
1. Mở đầu
Trong sáng tạo văn học nghệ thuật, chất thơ được xem là một đặc tính quan trọng
đem lại sự cuốn hút kỳ diệu cho hình tượng nghệ thuật và tác phẩm. Đó không gì khác,
chính là “sự miêu tả, khắc họa và thể hiện nghệ thuật trong sự giàu đượm ý thơ” [4;54].
Thông thường, người ta cho rằng chất thơ là một thuộc tính mà chỉ riêng thơ mới có.
Nhưng thực ra, chất thơ còn có thể tìm thấy trong tất cả những thể loại văn học khác, như
truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch, ký. . . Chất thơ được tạo nên từ vẻ đẹp của cảm xúc, ý tưởng,
từ những hình ảnh đẹp, những ngôn từ giàu nhạc điệu, bay bổng, thanh thoát, từ chiều sâu
kết đọng ý thơ chưa nói hết trên bề mặt câu chữ,. . . Văn xuôi Nguyễn Tuân có phẩm tính
ấy.
Sáng tác của ông, từ truyện ngắn cho đến tùy bút, đều rất giàu chất thơ. Cảm quan
thơ trong tùy bút Nguyễn Tuân là hiện tượng đã được nhiều nhà nghiên cứu kiến giải,
song, cái gì đã làm nên chất thơ trong truyện ngắn Nguyễn Tuân? Quan trọng hơn, chất
thơ có vai trò gì trong việc tạo nên hiệu quả nghệ thuật cho các sáng tác của nhà văn ở thể
tài này? Những phương diện ấy lại chưa được quan tâm thỏa đáng. Đó cũng là trọng tâm
hướng đến của chúng tôi trong giới hạn bài viết này.
2. Nội dung nghiên cứu
2.1. Là người quan niệm nghệ thuật là sự sáng tạo, sáng tạo ra những cái mới mẻ,
độc đáo, Nguyễn Tuân có cách kiến tạo nên chất thơ riêng trong truyện ngắn của mình.
Không tìm vào nội tâm, cảm giác như Thạch Lam để cho ra đời những truyện ngắn chứa
61
Trương Hoàng Vinh và Tôn Thất Dụng
chan xúc cảm trữ tình, cảm quan thơ, dư vị trữ tình trong truyện ngắn Nguyễn Tuân trước
hết, lắng kết ở những phiến đoạn miêu tả thiên nhiên. Nhà văn thường làm say lòng người
đọc bởi những trang thơ đẹp về tạo vật, song thường không phải với những bối cảnh thiên
nhiên rộng lớn, hoành tráng, mà chủ yếu ở những cảnh vật bình thường. Đó có thể là
những hình ảnh quen thuộc, ta vẫn gặp ở mọi nơi: một khu vườn, một dòng sông, một con
đường làng, một buổi sớm mai, một tiết thu muộn. . . nhưng điều quan trọng là, giác quan
nhạy cảm của nhà nghệ sĩ này đã phát hiện ra ở đó những ý nghĩa có tính thơ của đời
sống. Vì vậy, có khi chỉ là một cảnh chiều nắng thu hẹp trong không gian một khoảnh sân
thôi, nhưng vào trang viết của Nguyễn Tuân, cũng đã gợi lên được trong ta cả một bức
tranh nên thơ về quê hương, đất nước, con người Việt Nam rất đỗi bình dị mà xinh đẹp:
“Giàn bầu nậm ở ngoài sân, dây leo và lá chằng chịt lấp chật ô giàn nứa, đã làm
dịu hẳn cái nắng tháng tư ở trước mặt nhà. Ánh nắng đổ xuống giàn, khi lọt xuống sàn
bị cái cốt xanh ngắt của cây lá lọt qua một lượt, rồi đổ dồn và vờn vào áo dài trắng cậu
Chiêu đang ngửng đầu ngắm những quả bầu nậm buông thõng xuống ngang mặt. Cái áo
vải trắng cậu Chiêu đã biến thành một áo lụa màu xanh của một người phong lưu và đa
tình. Đấy là cái màu dịu mát của chất ngọc bích; đấy là cái màu xanh ở những cánh đồng
lúa non ngút ngàn của những xứ yên ổn không bao giờ có nạn binh lửa” (Ngôi mả cũ).
Nhà văn cũng thường nhân hóa thiên nhiên, tạo nên thế bình đẳng giữa tự nhiên với
con người. Đặc biệt, bằng cách thường xuyên đặt hình tượng nghệ thuật trong mối giao
hòa với bối cảnh thiên nhiên, Nguyễn Tuân đã dựng lên được nhiều “ý cảnh thơ” (từ dùng
của Lưu Thu Hương) đẹp trong các sáng tác; qua đó, ta cũng thấy được một cái nhìn rất
nhân văn của nhà văn:
“Trong cái vườn cây nhỏ, trong đám cỏ cây xanh rờn, những buổi sớm tinh mơ và
những buổi chiều tàn nắng, người ta thường thấy một ông già lông mày bạc, tóc bạc, râu
bạc, mặc áo lông trắng, lom khom tỉa những lá úa trong đám lá xanh. Cụ Kép nguyện đem
cái quãng đời xế chiều của một nhà nho để phụng sự lũ hoa thơm cỏ quý” (Hương cuội).
Song, không chỉ phát hiện ra nhiều vẻ đẹp có tính thơ ở đời thực, niềm say mê săn
tìm cảm giác mới lạ còn đưa nhà nghệ sĩ này lạc vào thế giới của diệu huyền. Để rồi từ
đó, Nguyễn Tuân lại mang đến cho độc giả cả một nguồn cảm hứng mới, qua những trang
lấp lánh chất thơ huyền bí. Bút pháp kỳ ảo đã giúp nhà văn dựng thành công nhiều không
gian thiên nhiên vừa tràn đầy nhạc tính, vừa giàu chất họa, chất thơ. Đó là tiếng hát của
cô Dó trong Xác ngọc lam, thanh âm của chốn non cao rừng thẳm mà ở đó, ta cảm nhận
được cả cái hoang vu, thê lương lẫn náo nức, rộn rã: “Điệu hát cô Dó mang máng như lối
trong giáo phường đọc phú và nhiều khúc thì lại có cái âm luật xốc vác của thơ cổ phong
năm chữ ngâm bằng giọng bi tráng khê nồng của người hiệp khách gặp đường cùng. Đến
một đoạn sau thì dài hơn, trong trẻo như pha lê và vui như tiếng thông reo giữa trời nổi
gió. Có rờn rợn chăng thì là cái đoạn chót của bài hát. Nó lơ lớ ấm ế, ôi a như cái lối ma
hời đưa võng ru con. . . ”. Còn dưới đây là cả một khung cảnh thơ mộng, yên ả của một
buổi sớm mai, ở chốn Thiên Thai:
“Hai con thuyền thoi đi êm như trườn xuống dốc một ngọn thác mà lòng thác đều
62
Cảm quan thơ trong truyện ngắn Nguyễn Tuân
lót đầy một lớp rêu tơ nõn.
Ban nãy, lườn áp bến không có một tiếng động róc rách như là khẽ lách mặt nước
mà ngoi từ dưới lên. Bây giờ hai con thuyền thoi đi trong một giấc mơ thần. Gió sớm nổi
lên, mùi nhàn nhạt của nước nguồn, mùi ngai ngái của cỏ bồng ái rũ phả mạnh vào mũi
thuyền thoi như xuyên cắm sâu mãi vào cái đông đặc của mùi sơn lam” (Trên đỉnh non
Tản).
Những bức họa được dệt nên bởi ngôn từ trau chuốt, sáng trong như thế, đã kết tinh
thành nét đẹp thẩm mỹ, tạo nên những vệt sáng trong nhiều truyện ngắn của nhà văn này.
Với thiên nhiên là thế. Tất nhiên, Nguyễn Tuân không quên vẻ đẹp của con người,
của những công trình do con người sáng tạo ra. Cái thứ giấy Chu Hồ trong Xác ngọc lam
là một công trình như thế. Chúng được nhà văn miêu tả không chỉ như một sản phẩm lao
động, mà còn như một nghệ phẩm tài hoa. Đó là những tờ giấy “nghiêng. . . ra ánh sáng
mà nhìn chất gió cát thì nó như làn da má trinh nữ phẳng đượm chất tuyết của lớp lông
măng (. . . ). Đưa lên mũi tờ giấy đượm hơi thơm của một thứ thảo mộc còn tươi sống”.
Theo Phan Ngọc, “Nguyễn Tuân là người đầu tiên nêu lên được cái đẹp ở khía cạnh kỹ
thuật”, đã “mỹ hóa kỹ thuật” [6;202]. Cũng với cái nhìn ấy, hẳn độc giả còn nhớ, nhà văn
có lần đã tả hoa muối – sản phẩm của diêm dân – cũng “đẹp như một sự trinh tiết của xúc
cảm, như một sự thuần khiết của tâm hồn, như một sự trắng lành của màu vị” (Trang hoa).
2.2. Xin được bàn thêm về vai trò của yếu tố kì ảo trong việc tạo nên chất thơ, chất
trữ tình trong một số truyện ngắn của nhà văn này. Trở lên, ta đã thấy đặc tính kì ảo mang
lại nhiều vẻ thơ lấp lánh cho các bức họa thiên nhiên của Nguyễn Tuân. Đến đây ta lại
thấy, sự hiện diện của yếu tố này còn góp phần gợi lên cả âm hưởng thơ chung cho toàn
tác phẩm. Có một chất thơ buồn ảo não như vây phủ toàn truyện Khoa thi cuối cùng. Nhà
văn dựng lại không gian khoa cử xưa nhưng cảnh trường thi Nam Định đâu còn là chốn
uy nghiêm đầy văn hóa để các sĩ tử thi tài. Trong cảnh âm u, âm dương không chia biệt
ấy, trường thi đã trở thành pháp trường mà các âm hồn – các loại ma lành, ma báo oán –
có chỗ ngồi danh dự, bởi được quan chủ tế mời vào trước:
“Báo oán giả tiên nhập,
Báo ân giả thử nhập” (Những hồn báo oán vào trước, Những hồn báo ân vào sau)
Và chính vì được mời vào trước, có quyền báo ân báo oán, nên hồn ma của “người
đàn bà xõa tóc, ẵm con” đã phá bằng được bài thi của hai anh em ông Đầu Xứ, biến những
sĩ tử thành kẻ hỏng thi. Tất cả hiện thực ảo hóa ấy được bút pháp huyền kì tái hiện đầy sức
gợi. Ghê rợn có, mà cũng chạnh lòng người. . .
Xác ngọc lam lại quyến rũ, mê hoặc người đọc bởi những trang thấm đẫm cảm xúc
trữ tình. Truyện mở đầu bằng một câu chuyện tình đẹp và khép lại bằng một cái chết thơ
mộng, đau thương nhưng đầy ý nghĩa của Nữ thần Dó, khi nàng lạc vào tay kẻ phàm tục.
Cô Dó có một kiếp sống khác thường và một sự ra đi cũng thật lạ thường. Khi sống nàng
ẩn thân trong phiến đá, giúp chồng và con cháu nhà chồng làm ăn phát đạt; khi chết hòn
đá chẻ ra làm hai. . . có một người đàn bà rất xinh, nhỏ bé đang nằm ngủ. Cô Dó đã trở
nên người thiên cổ! “Cô Dó đã thành người của một thế giới khác, của một thế giới ngọc
63
Trương Hoàng Vinh và Tôn Thất Dụng
đá muôn năm. Cái màu xanh ở tấm áo đã đậm và bóng hẳn lên thành một thứ ngọc lam
trong sáng. Một khối ngọc toàn bích”. Thần Dó chết đi, di hài nàng và đá hóa thành ngọc
– thành xác ngọc lam. Từ chuyện tình bi thương của cô Dó đến sự hóa thân của cô lúc ra
đi, tất cả đã dệt nên một bài thơ đẹp, để lại một “nốt trầm” sâu lắng trong mỗi người đọc.
Đưa yếu tố kì ảo vào tác phẩm để từ đó tạo nên chất thơ hư huyền mang nhiều ý
nghĩa nghệ thuật trong truyện ngắn, Nguyễn Tuân đã tìm về với một nét đặc trưng nghệ
thuật của thi pháp truyền thống phương Đông hay tiếp thu từ chủ nghĩa hiện thực huyền
ảo phương Tây? Câu trả lời là: theo chúng tôi, cả hai đều có khả năng, bởi Nguyễn Tuân
còn là một nhà văn hóa lớn. Sáng tác của ông thể hiện rõ năng lực tầm cỡ ấy. Tìm về một
nét đẹp của giá trị truyền thống, và cũng là của nhân loại, Nguyễn Tuân đã thật sự làm
một cuộc vượt thoát trong cách tân sáng tạo truyện ngắn, mà ý nghĩa của việc làm ấy mãi
về sau này, ngày càng được nhiều thế hệ nhà văn ta kế thừa, phát huy.
2.3. Trở lại với vẻ đẹp của chất liệu và các biện pháp nghệ thuật làm nên tính thơ
trong các đoản thiên tự sự của nhà văn này. Thật thú vị, ta có thể gặp trong truyện ngắn
Nguyễn Tuân đầy những liên tưởng, so sánh, hoán dụ, tượng trưng. . . giàu mỹ cảm hệt
như trong thơ (hiện tượng này cũng thấy ở tùy bút; có lẽ vì thế mà có người đã ngợi ca ông
là “nhà thơ bị đóng đinh trên cây thập giá của văn xuôi” [5;203]). Từ những ví von chính
xác, mới lạ: “Ông thử roi vào mặt trống, rồi uốn hai đầu xuống; thân roi ưỡn ngửa mãi lên
như lúc người đàn bà tránh một cái hôn bạo” (Đới roi), đến những liên tưởng đầy bất ngờ,
sáng tạo: “Trong hoàn cảnh đề lao, người ta sống bằng tàn nhẫn, bằng lừa lọc, tính cách
dịu dàng và lòng biết giá người, biết trọng người ngay của viên quan coi ngục này là một
âm thanh trong trẻo chen vào giữa một bản đàn mà nhạc luật đều hỗn loạn xô bồ” (Chữ
người tử tù). . . Các thủ pháp nhìn chung đều có giá trị riêng, nhưng ý nghĩa quan trọng
nhất của những “phép thơ” ấy là: đã giúp nhà văn nói lên được những trạng thái đa sắc
màu của cuộc sống, và những cung bậc cảm xúc đa dạng bên trong tâm hồn con người.
Trong sáng, mềm mại, mượt mà, rất đa dạng và giàu nhạc điệu. . . cũng là đặc điểm
của câu văn truyện ngắn Nguyễn Tuân. Khi cần, câu văn của ông có thể là những câu rất
ngắn, nhưng nó không gợi cảm giác cộc lốc, cụt ngủn. Song, thường câu văn Nguyễn Tuân
hay có cấu trúc trùng điệp qua sự mở rộng tối đa những vị ngữ, bổ ngữ, định ngữ. . . để tạo
sự nhịp nhàng, và nhất là, để nhấn mạnh, làm nổi bật một đặc điểm nào đó của đối tượng,
hay một trạng thái xúc cảm được nói đến. Chính nhờ vậy, nó đã gợi lên được những rung
động thẩm mỹ với nhiều trường liên tưởng thú vị trong lòng người đọc. Quan sát đoạn
trích ngắn dưới đây, ta có thể thấy rõ đặc điểm ấy:
“Bến gòn. Đầu trống canh tư. Sáu người thợ mộc ăn uống ở nhà no nê, rồi như lũ
thợ cày đang ngồi bó gối chờ đợi trên những tảng đá sống trâu trơn lạnh. Bến đò bỏ hoang
đã đến mấy năm. Mấy năm nay, người hai làng bên bờ đều lấy bến trên hoặc bến dưới mỗi
lúc sang ngang trẩy chợ huyện bên này và chợ phủ bên kia. Đã lâu lắm, không có một con
đò nào ghé bến này. Đến cả một cái bè nứa chở muối rừng, đến cả một con đò độc mộc
cũng không ngừng lại. Bến Gòn im vắng đến nỗi dòng nước chảy xuôi cũng không chịu
lên tiếng. Lâu lâu mới có một tiếng tõm, dội cái tiếng vang ngược lên mãi khóm lau già
64
Cảm quan thơ trong truyện ngắn Nguyễn Tuân
mọc nơi chỗ khuỷu sông bị vặn quẹo. Tõm. Tõm. Những trái sung nẫu lìa ngành cổ thụ.
Dưới cái lờ mờ của đêm thẳm, vài ba trái cây gợn vẽ lên mặt nước đặc sịt như dầu bông ít
vòng tròn cùng chung một điểm trung tâm” (Trên đỉnh non Tản).
Sự điều hòa âm tiết câu văn, các thủ pháp trùng điệp được dùng, những câu văn có
sự co duỗi linh hoạt, mềm mại. . . , tất cả đã tạo nên một sự đan chéo nhau của các phương
chiều không – thời gian qua dòng cảm xúc miên man đầy ấn tượng của tác giả về một bến
đò hoang lạnh, u vắng, với những con người mang đầy tâm trạng háo hức và sợ hãi trước
lúc rời quê hương lên chốn non tiên kỳ bí, xa thẳm không hẹn trước ngày về.
Người xưa nói: “Trong thơ (văn) có nhạc, có họa”. Truyện ngắn Nguyễn Tuân đạt
đến mức ấy!
2.4. Song, cái làm nên “chất thơ của thơ” còn là cái ở ngoài lời, ở chiều sâu chưa
nói hết qua câu chữ. Đọc thơ hay sáng tác thơ là phải chiếm lĩnh được đỉnh cao của “cái
khoảng trống, khoảng trắng, khoảng vô hình” (từ dùng của Chế Lan Viên) ấy. Về điểm
này, truyện ngắn Nguyễn Tuân đặc biệt gần với thơ. Xét về mặt loại hình, truyện ngắn và
thơ như không có mối tương quan nào, bởi một đằng là tự sự, một đằng là trữ tình. Song
về đặc trưng thể loại, truyện ngắn và thơ lại có nhiều nét tương đồng, đó là đặc trưng:
ngắn, gọn, súc tích. Thơ hay cô đọng mà để lại dư ba ở chiều sâu. Truyện ngắn Nguyễn
Tuân có được phẩm tính ưu việt ấy.
Mỗi sáng tác của ông như một ẩn dụ, một ẩn dụ có tính thơ, gắn liền với những
nghiệm sinh sâu sắc, những giá trị nhân sinh được nhà văn tổng kết, đúc rút lại gởi vào
trang viết. Và nhiều khi phải thật lắng lòng, phải dành nhiều phút suy tư, ngẫm ngợi bên
trang sách, ta mới có thể cảm nhận được chỗ vi diệu ấy. Chẳng hạn trong Loạn âm, vấn đề
mà tác giả đặt ra là mối quan hệ giữa con người với con người trong gia ân - thụ ân. Ông
Kinh Lịch và vị quan ôn họ Lương dưới cõi âm là bạn học cũ. Khi còn trên cõi dương gian,
quan ôn họ Lương chính là anh khóa Lương, học trò của cụ Đắc - cha ông Kinh Lịch. Lúc
còn nhỏ vẫn hay điếu đóm cho thầy, được thầy hết mực thương yêu như con đẻ. Nhưng
chẳng may ra đi mà vẫn chưa làm rạng danh thầy. Nay cái ân tình ấy, quan ôn họ Lương
muốn đền đáp cho người bạn học, cũng là con trai của ân nhân dưỡng dục mình, nên đã
tiết lộ danh sách nạn nhân bị bắt làm phu đinh ở cõi âm, để ông Kinh Lịch cứu vớt họ hàng
thân thích và những ai đã giúp đỡ mình. Ông Kinh Lịch đã một mực từ chối vì cho rằng,
đó là việc của giời, việc số mệnh, khiến quan ôn họ Lương thực sự giận dỗi: “Thế thực
huynh phụ bụng tôi nhiều quá. Lòng cố nhân ngay thẳng quá, điều đó thực là đáng quý.
Nhưng từ sau phút này chia tay, lộn về dưới âm, bụng tôi không đành chút nào. Và như
thế này tức là huynh không muốn cho tôi lui tới cửa nhà thầy nữa đây”. Biết khó khước
từ được, nhưng ông Kinh Lịch cũng chỉ xin cho mỗi tên tiểu bộc của mình, “cố nhân gia
ân cho mà không nhận thì thật là lỗi với đạo bằng hữu”. Chiều sâu ý vị của truyện là đề
cao một lối sống đẹp, lối sống ân nghĩa có trước có sau. Tất cả được chuyển tải bằng một
giọng trữ tình nhẹ nhàng mà lắng sâu vào lòng người đọc. Giá trị nhân văn ấy cũng là một
nét đẹp nhân bản muôn thuở của con người.
Nguyễn Tuân cũng viết nhiều về cái chết của kiếp tài hoa, tài tử. Trong cái nhìn của
65
Trương Hoàng Vinh và Tôn Thất Dụng
ông, cái chết và người tài tử như có mối quan hệ trong một vòng luẩn quẩn vô định. Với
nhân vật Ấm Đới trong Đới roi, Nguyễn Tuân gửi đến người đọc một ý niệm về sự tha hóa
của kiếp tài tử rong chơi. Cái chết của Ấm Đới đã khẳng định nhân cách, lòng tự trọng
của chàng với cuộc đời, để ở cõi âm chàng vẫn là một hồn ma nặng lòng với nghệ thuật,
say tiếng đàn lời ca. Cặp đôi Phó Sứ - Mộng Liên trong Đánh thơ cũng là một đôi tri kỷ
tài hoa, nguyện đem cuộc đời cống hiến cho những đêm phiêu bạt theo những vần thơ.
Để rồi ông Phó Sứ bất ngờ trúng cơn gió độc mà hóa ma chết đường. Qua cái chết của
những con người tài tử ấy, Nguyễn Tuân đã gián tiếp đề cập đến một triết lý nhân sinh sâu
xa. Cũng giống như cái đẹp, thân phận kiếp tài hoa tài tử hóa ra thật mong manh, và họ
đã đón nhận cái chết như là một định mệnh. Nhưng cái chết ấy lại giúp Ấm Đới giữ được
lòng tự trọng, không chấp nhận sự thương hại của kẻ khác. Phó Sứ ra đi để lại sự tiếc nuối
của người đời. . . Cái chết, như vậy, là sự kết thúc cuộc sống ở cõi đời nhưng lại là sự giải
thoát, là sự khởi đầu cho một kiếp sống mới. Chiều sâu kết đọng ý thơ của những truyện
ngắn trên là ở chỗ ấy.
Là người yêu thiên nhiên, thường thích đắm mình vào tạo vật, mối quan hệ giữa con
người với thiên nhiên cũng nhiều lần được Nguyễn Tuân đề cập đến qua một số truyện
ngắn. Tình cảm ấy không chỉ đơn thuần là tình yêu thiên nhiên như trong Vườn xuân lan
tạ chủ, mà còn được nâng lên thành triết lý nhân bản sâu sắc, tạo nên “chiều sâu chưa nói
hết” ẩn sau cốt truyện Xác ngọc lam. Cậu Năm nhà họ Chu ở ven hồ Lãng Bạc nghe được
chuyện đồn về cô Dó ở rừng Bồ Hoành, bèn quyết định đi tìm cô Dó xem thực hư thế nào.
Thế nhưng, đã nhiều ngày trôi qua mà cậu vẫn chưa được gặp cô Dó, có lẽ “cái giống tình
xưa nay vẫn là thế, lúc không thì chẳng sao mà khi một bên đã hơi hiểu đến tình ý thì y
như là e lệ thẹn lánh rồi bày ra cái trò bất diệt đi trốn đi tìm”. Nhưng rồi cảm tấm chân tình
của cậu Năm, cô Dó đã tạm biệt vùng quê thượng ngàn của mình để theo chồng xuống
Trung Châu. Nhà cậu Năm họ Chu vốn chuyên làm nghề giấy, ở giữa một con sông và cái
hồ rộng, lại có hòn đá nghè giấy. Cô Dó ngày thì ẩn mình trong hòn đá nghè giấy, đêm
đêm lại hiện ra giúp chồng thổi linh hồn cho mỗi tờ giấy dó. Từ đấy, lò chế giấy nhà cậu
Năm họ Chu làng Hồ Khẩu biết một kỷ nguyên mới - giấy tự nhiên thơm đẹp lên và bỏ
xa sự cạnh tranh của nghìn vạn người sống bằng vỏ dó đó. Cậu Năm trăm tuổi đi rồi, chỉ
còn lại cô Dó một mình. Đêm đêm cô ngồi ở ven hồ Tô Lịch gửi nhớ thương người chồng
yêu quý đã trở về với cát bụi qua những khúc hát buồn. Cô Dó vẫn ở lại giúp con cháu của
chồng làm giấy, nên giấy nhà họ Chu tiếng tăm vẫn vang khắp nơi. Cho đến khi hòn đá bị
đánh tráo, trao nhầm tay kẻ trọc phú hợm của, cô đã ra đi mãi mãi...
Hãy biết nâng niu, trân trọng thiên nhiên, đối xử một cách có văn hóa với thiên
nhiên, đó chính là bước quan trọng để biết yêu thương con người. Huyện Khỏe vô tình
trước cái chết của cô Dó, chính điều đó đã làm Chiêu Hiện nhận ra mình thờ nhầm chủ,
và rời khỏi nhà Huyện Khỏe mà không một lời từ biệt. Ý nghĩa giàu tính nhân văn của tác
phẩm sẽ còn đọng lại mãi trong người đọc.
66
Cảm quan thơ trong truyện ngắn Nguyễn Tuân
3. Kết luận
Tìm đến thế mạnh của thơ để kiến tạo nên những trang viết giàu hình ảnh, nhạc
điệu, đầy ấn tượng và gợi cảm, để tạo dựng nên những tác phẩm vừa đạt tính “kinh tế thể
loại”, vừa lắng kết nhiều ý nghĩa ở bề sâu, là một nỗ lực lớn trong cách tân, sáng tạo truyện
ngắn của Nguyễn Tuân. Trong số nhiều nhà văn sau này, ta thấy Nguyễn Minh Châu cũng
tìm đến con đường ấy. Những truyện ngắn của ông cũng rất giàu chiều sâu triết lý, kết
đọng qua các biểu tượng thiên nhiên, biểu tượng con người, với nhiều giá trị nhân bản sâu
sắc. Nhưng vẫn cần phải ghi nhận rằng, từ những năm 30 của nửa đầu thế kỉ, có một nhà
văn đã đi tiên phong trong việc ấy – đó chính là nhà văn mang tâm hồn thi sĩ - Nguyễn
Tuân.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Tôn Thất Dụng, 2001. Sự tương tác giữa các thể loại trong văn học Việt Nam đầu thế
kỉ XX đến 1945. Báo cáo tổng kết đề tài khoa học công nghệ cấp bộ, Huế.
[2] Nguyễn Thị Hồng Hà, 2010. Đặc trưng tùy bút Nguyễn Tuân. Nxb Văn Học, Tp. Hồ
Chí Minh.
[3] Đỗ Đức Hiểu, 2004. “Chất thơ trong Vang bóng một thời của