Cao Duy Sơn và xu hướng truyện ngắn trữ tình

Tóm tắt. Cao Duy Sơn là cây bút văn xuôi miền núi đích thực. Ông sinh ra ở huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Cao Duy Sơn thành công ở cả hai thể loại: truyện ngắn và tiểu thuyết. Ở thể loại truyện ngắn, ngòi bút Cao Duy Sơn bộc lộ sắc thái trữ tình rõ nét: qua cảm hứng đề tài thiên về ca ngợi, khẳng định cái đẹp, cái thiện; ở kiểu cốt truyện hồi cố, giàu cảm xúc; ở ngôn ngữ và giọng điệu giàu sắc thái biểu cảm. Cao Duy Sơn là một bổ sung đáng quý cho mảng văn học miền núi đang rất thiếu hụt ở nước ta.

pdf8 trang | Chia sẻ: thanhle95 | Lượt xem: 334 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Cao Duy Sơn và xu hướng truyện ngắn trữ tình, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE Science Sci., 2011, Vol. 56, No. 8, pp. 36-43 CAO DUY SƠN VÀ XU HƯỚNG TRUYỆN NGẮN TRỮ TÌNH Hỏa Diệu Thúy Trường Đại học Hồng Đức E-mail: thuyhoadieu@gmail.com Tóm tắt. Cao Duy Sơn là cây bút văn xuôi miền núi đích thực. Ông sinh ra ở huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Cao Duy Sơn thành công ở cả hai thể loại: truyện ngắn và tiểu thuyết. Ở thể loại truyện ngắn, ngòi bút Cao Duy Sơn bộc lộ sắc thái trữ tình rõ nét: qua cảm hứng đề tài thiên về ca ngợi, khẳng định cái đẹp, cái thiện; ở kiểu cốt truyện hồi cố, giàu cảm xúc; ở ngôn ngữ và giọng điệu giàu sắc thái biểu cảm. Cao Duy Sơn là một bổ sung đáng quý cho mảng văn học miền núi đang rất thiếu hụt ở nước ta. 1. Mở đầu Cao Duy Sơn là bút danh của nhà văn Nguyễn Cao Sơn, ông sinh ra và lớn lên ở thị trấn Cô Sầu, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Bút danh Cao Duy Sơn được biết đến vào năm 1992 với tiểu thuyết đầu tay Người lang thang, giải thưởng của Hội đồng văn học dân tộc miền núi; tiếp đến là giải A - giải thưởng của Hội nhà văn Việt Nam cho tiểu thuyết Đàn trời. Đến nay, trong ngót chục năm sáng tác, năm tiểu thuyết cùng với bốn tập truyện ngắn ra mắt độc giả, Cao Duy Sơn đã và đang khẳng định tên tuổi trong làng văn xuôi Việt Nam đương đại. Cao Duy Sơn có lẽ thuộc trong số những cây bút khi đã đạt đến độ chín ở tiểu thuyết mới quay sang viết truyện ngắn. Và ở thể loại này, ông cũng gặt hái thành công. Tập truyện ngắn Ngôi nhà xưa bên suối nhận được giải thưởng văn học ASEAN 2009. Tuy nhiên, không phải đợi đến khi Ngôi nhà xưa bên suối đoạt giải thưởng quốc tế, trước đó với các tập Những chuyện ở lũng Cô Sầu (1996), Những đám mây hình người (2002) và Hoa bay cuối trời (2008), truyện ngắn của Cao Duy Sơn luôn để lại ấn tượng về một lối viết trữ tình, trong trẻo. Trong không khí sôi nổi của những đổi mới, phá cách, cây bút này vẫn tìm đến lối viết chân phác mà tinh tế, dung dị mà hóm hỉnh, sâu sắc. Truyện của Cao Duy Sơn rất giàu chất thơ. Mỗi truyện giống như một áng “thơ văn xuôi” chở nặng tình cảm của tác giả về mảnh đất Cô Sầu quê hương. 2. Nội dung nghiên cứu 2.1. Đối tượng thẩm mỹ là cái đẹp, cái thiện 36 Cao Duy Sơn và xu hướng truyện ngắn trữ tình Với đối tượng thẩm mĩ là cái thiện, cái đẹp, mỗi truyện ngắn của Cao Duy Sơn là một khúc trữ tình về con người và vùng quê hiền hòa, xinh đẹp. Với anh, quê hương không chỉ nuôi lớn, chắp cánh tâm hồn văn chương mà còn là nơi cung cấp nguồn tư liệu, nuôi dưỡng niềm đam mê để cây bút ấy trưởng thành. Cao Duy Sơn đã có lần tâm sự không che dấu niềm tự hào: “Nghiệp văn chương của tôi cứ bám lấy thị trấn Cô Sầu mà khám phá, viết mãi vẫn chưa thấy đủ. . . Cả đời tôi, sẽ vẫn là những cuộc khám phá về Cô Sầu với những con người miền núi chân chất”. Qua những trang viết của Cao Duy Sơn, người đọc nhận thấy một tình yêu đặc biệt tác giả dành cho con người và vùng đất quê mình. Có lẽ nhờ tình yêu ấy mà bạn đọc được biết đến một địa danh hấp dẫn nơi cực bắc của tổ quốc, giờ đây đang trở thành một địa chỉ văn chương. Cô Sầu là một thị trấn cổ sát biên giới Việt Trung, sâu trong vùng núi đá. Người dân làm nhà bằng cách “ghép đá hộc thành tường không trát áo, hàng rào bao quanh vườn cũng bằng đá, dân ăn vận toàn một màu chàm”. Cô Sầu vào đến tác phẩm của Cao Duy Sơn có lúc thành ra Cổ Lâu, Háng Vài, Pác Gà, Âu Lâm, Mục Mã v.v. . . Dưới ngòi bút của Cao Duy Sơn, vùng đất ấy hiện lên thật hiền hòa, thơ mộng và lãng mạn. Vẻ đẹp ấy đến từ cả thiên nhiên và con người. Biểu tượng cho Cô Sầu có lẽ là núi đá. Những dãy núi xanh xám trùng điệp, cao vút, vừa bí ẩn, trầm mặc, vừa mộng mơ. Những cái tên như: Phja Đán, Phja Phủ, Phja Bjoóc càng tôn lên vẻ huyền bí, mơ mộng. Những con suối nhỏ hiền lành quanh năm rì rào chảy, nước trong nhìn rõ từng viên cuội trắng (Ngôi nhà xưa bên suối). Nơi ấy, khi mùa xuân đến “những gốc đào cổ thụ nở hoa thắm đỏ, con suối xuân trong vắt” (Hoa bay cuối trời). Ở vùng cao này, mùa xuân như “đậm đà và nét hơn mọi nơi”. “Mưa như bụi rắc xuống từ đỉnh núi len khắp khe ngách, lối mòn, ken sươn sướt quanh những gốc lê già trổ bông như tuyết” (Chợ tình). Nơi ấy có loài hoa Mộc Vương chỉ ưa sống trên núi cao giá lạnh, mỗi năm chỉ nở một lần “bông nở như sen hồng mà không phải sen, thơm ngát như linh hương mà không phải linh hương” (Hoa Mộc Vương). . . Những nét chạm khắc ấy khiến thiên nhiên Cô Sầu trong trẻo, mơ màng như xứ sở thần tiên. Song, có lẽ vẻ đẹp mà Cao Duy Sơn tự hào muốn phô diễn hơn cả là vẻ đẹp con người và cuộc sống của con người. Đến Cao Duy Sơn, cuộc sống của người dân miền núi Việt Bắc đã được vén lên bức màn mơ hồ, kỳ bí để lộ ra tầng sâu nhân bản của vẻ đẹp tâm hồn, tính cách. Những người dân nơi đây, họ đã tạo ra một cuộc sống với lối sống và cách ứng xử thật đẹp, thật văn hóa. Để thể hiện điều này, tác giả luôn biết cách đan cài, lồng ghép những câu chuyện về cuộc đời, số phận nhân vật với những phong tục, tập quán, qua đó bộc lộ lối sống nhuần hậu và sâu sắc của con người. Chẳng hạn, ở truyện ngắn Chợ tình, tác giả đã lồng vào phong tục đi “chợ tình” câu chuyện tình xúc động của lão Sinh với mú Ếm. Hóa ra “chợ tình” ỏ Âu Lâm không dành cho những người đi tìm bạn tình, chọn bạn tình mà là nơi hẹn hò của những cặp tình duyên lỡ dở. Mỗi năm một lần, “vào 25 tháng giêng, những bóng người một màu chàm lặng lẽ đi như trôi về phía chợ”. Lão Sinh và mú Ếm cũng là một cặp tình duyên lỡ dở. Tuổi thanh xuân, họ đã từng yêu nhau, tưởng sẽ thành đôi. Nhưng mú Ếm bị gia đình bắt lấy thằng Ti, “cái thằng gia đình nó có 37 Hỏa Diệu Thúy trâu bò, ngựa dê nhiều như trấu”. Mỗi lần nhớ Ếm, “Sinh lại tìm đến chợ Âu Lâm hi vọng Ếm vẫn còn nhớ mình mà tìm đến như bao đôi lứa lỡ làng”. Và “dễ phải đến mười bốn lần thay con ngựa Sinh mới gặp được nàng”. Ếm ngày xưa giờ “tóc đã bạc trắng, lại còn ăn trầu nữa chứ! Nhưng trong mắt Sinh, Ếm vẫn là Ếm ngay nào, vẫn là nàng mỗi khi cười trời như sáng bừng lên, hoa xuân lay lắc vui như nhường lại nhan sắc”. Từ khi tìm lại được nhau, mỗi khi mùa xuân đến, con tim trong ngực lão Sinh lại đập rộn lên. “Chân lão nữa, dường như cũng vội hơn khi vào chợ vì lão lo chỗ cây sau sau già ấy, nơi lão và Ếm ngồi sẽ có người khác chiếm mất”. Từ đấy, cứ đến phiên chợ tình hàng năm, hai trái tim của đôi lồng ngực đã ngót nghét tám mươi lại tìm đến nhau “để ngồi thầm thì bao chuyện xưa và cả chuyện nay”. Nhưng rồi mùa xuân năm ấy, lão Sinh đến chợ mà không gặp mú Ếm. “Ếm ơi! Lão thốt lên với bao niềm thương nhớ và âu lo. Chiều rồi lão mới quay về. Thế là một năm nữa Ếm không đến chợ, lão thấy trong lòng có ngọn gió buồn nhẹ thổi”. Xuân nữa lại đến. Chợ năm nay dường như đông hơn, vui hơn, nhưng “lão Sinh như không nhìn, không nghe thấy gì”. Lão dắt con ngựa đến thẳng gốc cây sau già: “- Về a Ếm ơi! Anh biết em bỏ anh khác đi một mình rồi, anh đâu dám trách Ếm. Ba xuân rồi anh đến mà không còn gặp được em (. . . ) chợ từ nay không có chúng mình nữa, không có em không còn chợ. . . ”. Lão Sinh “hóa” đôi giày để gửi cho người tình giờ đã là người thiên cổ: “Giày này tay em khâu, anh chỉ đi cho một mình em nhìn thấy, giờ không có em, anh đi cho ai ngắm đây? Bây giờ anh gửi nó theo em, nó mang theo hồn vía của Sinh này, hãy chậm chân cho nhau kịp bước với Ếm ơi...”. Người ở chợ Âu Lâm đồn rằng, “sau phiên chợ tình hai mươi lăm tháng giêng năm ấy, lão Sinh đi vào núi Phja Bjooc rồi biến mất, chỉ có con ngựa trở về”. Đúng là một mối tình đẹp như trong huyền thoại, cổ tích. Họ đấy, những những người nông dân miền núi lam lũ, họ sống mộc mạc mà nghĩa tình, giản dị mà sâu sắc. Họ đã viết lên những thiên tình sử đẹp nhất về tình yêu, về vẻ đẹp tâm hồn và nhân cách. Hóa ra, ẩn sau những gương mặt lặng lẽ kia là những tâm hồn thật khỏe khoắn. Họ sống và yêu nhau, lao động và mơ ước, giản dị và nồng nàn, chân thật và mạnh mẽ. Có phải những ngọn núi Phja Đán, Phja Bjooc nghiêm trang trầm mặc, có phải những nguồn suối trong mát như nước suối Cun đã tạo nên vẻ đẹp tâm hồn, vẻ đẹp nhân cách của con người nơi đây để rồi nó được hiển thị ra thành lối sống, cách ứng xử nhân văn, nhân ái này. Lối sống đẹp đã làm nên phong tục đẹp. Phong tục “chợ tình” chính là cách ứng xử giàu tính văn hóa của những tấm lòng đôn hậu. Lấy cảm hứng từ cảm xúc tình yêu và niềm tin vào vẻ đẹp người và phẩm giá của con người quê hương chiếm phần lớn các trang truyện ngắn của Cao Duy Sơn khiến mỗi truyện ngắn của ông như những bản tình ca nồng nàn và lãng mạn về tình yêu, về vẻ đẹp của con người và cuộc sống. Truyện ngắn Súc Hỷ cũng có một cuộc tình dài đến hai phần ba thế kỷ, cuộc tình của lão Hỷ với mú Dinh. Vì lỡ dở, họ đã chờ đợi nhau đến tuổi tám mươi, ngay đến thời gian cũng phải “chào thua” tình yêu của họ: “- Dinh à, Dinh có nghĩ giống tôi không? – Về gì chứ? – Chẳng thể nào quên được nhau. . . - Tôi cũng thế! Chỉ ngại, con cháu nói mình đã thành ông, thành bà - Chúng có phận riêng, ta già rồi ở một mình khổ lắm! - Biết là thế! Bây giờ Hỷ định thế nào? - Thế nào nữa, ngày xưa tôi đến cướp Dinh bị người nhà Dinh 38 Cao Duy Sơn và xu hướng truyện ngắn trữ tình bắt sống, đánh cho bệt đít. Bây giờ không còn leo được lên mái, nhưng vẫn còn đủ sức kéo Dinh về nhà tôi đấy”. Truyện Hoa bay cuối trời cũng có một tình yêu “vĩnh cửu” như vậy, tình yêu của lão Khơ, chàng trai Háng Vài với cô gái xinh đẹp nhất vùng Pác Gà. Họ đã gặp và yêu nhau trong lễ hội pháo hoa Pác Gà mấy chục mươi trước. Những tưởng chẳng có gì có thể chia rẽ được đôi uyên ương. Nhưng, ngày mà lão Khơ đến đón người yêu là ngày lão nhận được tin dữ: Dình đã đi lấy chồng và lại bị cảm đột ngột, chết rồi. Lão Khơ tưởng đã chôn chặt mối tình đầu đẹp đẽ. Ai dè, năm mươi năm sau lão mới biết sự thật, cô gái ấy chưa chết và cũng chẳng đi lấy chồng, nhưng cô mắc phải căn bệnh hiểm nghèo, bệnh bại liệt và “nàng không muốn bệnh tật làm liên lụy người khác”. Cô đã che dấu tung tích. Những ngày cuối của cuộc đời, cô đã thổ lộ với anh trai niềm khao khát: được ngồi trên cỗ xe cưới do chính tay người yêu mình đóng. Niềm mong ước của cô – giờ đã thành “bà” được đáp ứng. Dân phố Pác Gà hôm ấy “lặng lẽ đứng ngoài cửa ngóng theo với vẻ ngạc nhiên (. . . ) Những tiếng thì thầm lùi lại phía sau. Lão Khơ cúi đầu bước đi bên con ngựa hồng, chở người đàn bà đẹp như tiên nữ đang ngủ, đi về phía chân núi Phja Đán, nơi có con suối và những cây đào cổ thụ đang trút lá vàng”. Người phụ nữ ngồi trên xe “khuôn mặt tươi như bông hoa đào, một bông đào đang ngủ trong tiết cuối thu. Dường như bà đã đem theo vào giấc ngủ một tâm trạng vui, niềm vui trong ngày cưới trên chiếc xe ngựa do chính tay lão Khơ đóng cách đây đã mấy mươi năm, chưa một lần lăn bánh, chưa một lần có ai ngồi lên, đang đưa bà đi về cuối chân trời”. Những bài ca về tình yêu và tình người như vậy còn được thể hiện trong các truyện: Hoa Mộc Vương, Người săn gấu, Ngôi nhà xưa bên suối, Chim ngụ cư, Khách đường xa, Những đám mây hình người, Cuộc báo thù cuối cùng v.v. . . Thế giới trong truyện ngắn Cao Duy Sơn là một thế giới chan chứa tình người, tình đời. Trên thực tế, cuộc sống nơi đây không phải không có những đột biến, những cú sốc. Cái thung lũng yên bình này đã có lúc náo động vì bắt quả tang một thằng ăn cắp xe đạp(Khách đường xa); cũng có kẻ bị “ma xui quỷ ám” trót làm chuyện càn rỡ, đồi bại (Anh em sinh đôi), hoặc sự đố kỵ nông nổi giữa hai kẻ ngang tài trong Hòn bi đá màu trắng v.v. . . , song, những bất thường ấy dường như không thể làm vẩn đục môi trường sống trong trẻo, hồn nhiên nơi đây. Hơn thế, môi trường ấy còn có khả năng đánh thức, khơi dậy tính thiện, thanh lọc, loại bỏ những vẩn đục, để luôn giữ được vẻ thanh bình, tĩnh lặng. “Thảo khấu” lừng danh một thời khi trở về Cô Sầu ẩn mình trở nên hiền lành như con mèo thỉnh thoảng mới ra chiếc ghế dài ngồi sưởi nắng. Tay ăn cắp xe đạp năm xưa trở thành người quả cảm, trung thực, giúp bà con xóa đói giảm nghèo (Khách đường xa); kẻ hoang dã sau lỗi lầm và bị trừng phạt, sống âm thầm lặng lẽ trong sự day dứt, sám hối (Anh em sinh đôi), v.v. . . Trong căn cốt tâm hồn và tính cách của con người nơi đây bản chất phác thực, hồn hậu dường như không thể mất. Đôi lúc, nó có thể bị mờ nhòe, vẩn đục bởi những toan tính, dục vọng, nhưng rồi, truyền thống, phong tục, nếp sống có từ bao đời đã uốn nắn, gột rửa, làm hồi sinh cái đẹp, cái thiện trong tâm hồn những con người lầm lỗi. Truyện của Cao Duy Sơn như ru người đọc vào thế giới của những chân “giá trị lý tưởng”. Và có lẽ chân giá trị lý tưởng mà tác giả say mê nhất và cũng cuốn hút người đọc nhất, đó là sự “chân thành, trung thực” đến lý tưởng. Nó tạo ra tình 39 Hỏa Diệu Thúy yêu lý tưởng, tình bạn lý tưởng, tình người lý tưởng. . . Thế giới con người và cuộc sống mà Cao Duy Sơn mô tả rất bình dị, rất gần gũi nhưng chân giá trị mà nó đạt tới thì mãi là ước mơ lý tưởng. Say mê nét đẹp của quê hương như một niềm kiêu hãnh, tự hào, cảm xúc tình yêu ấy khiến truyện ngắn Cao Duy Sơn mãi là những bài thơ đẹp đẽ về tình yêu quê hương, đất nước, con người. 2.2. Mạch kể trữ tình Những câu chuyện về tình yêu, về cái đẹp, cái thiện, về lòng nhân văn, nhân ái thường được dẫn dắt bằng mạch kể trữ tình, âu cũng là điều dễ hiểu. Truyện của Cao Duy Sơn không thiếu những tình tiết, chi tiết kịch tính, những bất ngờ. Người đọc không ít lần bị cuốn hút bởi những “pha” gay cấn, song ấn tượng trùm lên trong các truyện ngắn của ông vẫn là âm hưởng trữ tình. Sắc thái trữ tình ấy, ngoài việc được tạo nên bằng chính nội dung trữ tình như đã khảo sát ở trên, còn phải kể đến sự tham gia của cách kể và giọng điệu kể, tạo nên “mạch kể trữ tình”. Truyện được kể thông qua tâm tưởng, với những rung cảm tâm trạng, xúc cảm nội tâm. Mỗi truyện ngắn của Cao Duy Sơn luôn chứa một dung lượng lớn nội dung thuộc về quá khứ. Nghĩa là truyện luôn được dẫn dắt bởi những hồi cố, những gì được “nhớ” luôn chứa đựng cảm xúc. Do cốt truyện được đan dệt bằng cảm xúc, bằng dòng hồi ức nên truyện rất giàu chất thơ. Chẳng hạn, ở truyện Hoa bay cuối trời, thời gian và không gian hiện tại chỉ xuất hiện ở phần đầu truyện, cuộc gặp gỡ với mấy câu chào hỏi giữa lão Phủ với lão Khơ và cuối tác phẩm với cảnh đón dâu cũng là cảnh đưa “cô dâu” về cõi vĩnh hằng, còn toàn bộ phần thân truyện là quá khứ hiển hiện trong tâm tưởng và cảm xúc của lão Khơ về mối tình đầu với cô gái xinh đẹp nhất Pác Gà. Ở truyện ngắn Chợ tình, xen giữa những câu đối thoại ngắn của lão Sinh và mú Ếm là những kỷ niệm xưa, suy nghĩ, cảm xúc, tâm trạng của lão luôn hướng đến ngày xưa, so sánh với ngày xưa. Truyện Hoa mộc vương thì dự báo về câu chuyện “ngày xưa” qua “khúc tha hương gợi bao buồn nhớ”. Khúc hát gợi nhớ về người cha giờ đã là “người thiên cổ”, về người mẹ đã mang câu hát “về bên kia chân trời”, câu hát đánh thức chuyện quá khứ của gia đình trong ký ức. . . Được dẫn dắt bởi ký ức, hồi ức nên tình tiết, chi tiết của truyện thường trĩu nặng cảm xúc. Những tình tiết, chi tiết được ghi nhớ trong ký ức thường ám ảnh nhân vật suốt đời, đi theo nhân vật suốt đời. Sự kết hợp tất yếu này tạo nên mạch truyện trữ tình rất điển hình trong truyện ngắn Cao Duy Sơn, khiến truyện của cây bút này cứ bàng bạc âm hưởng trữ tình tha thiết. Truyện càng nhiều tình tiết, chi tiết, mạch cảm xúc càng thấm đẫm, âm hưởng trữ tình càng lan tỏa và đậm nét. Để khẳng định thêm điều này, thử khảo sát một vài truyện mà đề tài có vẻ ít “trữ tình” nhất, cốt truyện giàu “kịch tính” nhất, truyện Khách đường xa và Chim ngụ cư. Tình tiết chính trong truyện Khách đường xa là chuyện về kẻ móc túi – tức “Khách đường xa” (cách gọi diễu, ám chỉ những kẻ chuyên móc túi trên những chuyến xe khách đường dài). Cuối cùng, những người trên xe và cả chính nhân vật “tôi” – người kể chuyện rút ra được bài học nhớ đời: có những kẻ trông vẻ ngoài rất “đạo mạo”, “đường hoàng”, thậm chí rất “trí thức” nữa, như kẻ trong câu chuyện này 40 Cao Duy Sơn và xu hướng truyện ngắn trữ tình chẳng hạn: “Một gã đầu vuốt keo, mặc bộ vét tông màu kem, áo sơ mi trắng thắt cà vạt màu da đồng sang trọng”, lại là một gã móc túi chính hiệu. Còn người kia, ăn mặc tuyềnh toàng, mang vẻ mặt lạnh lùng, bí hiểm, lại từng có quá khứ “lẫy lừng” về ăn cắp, lại là người sẵn sàng làm việc nghĩa. Minh chứng cho sự “hoàn lương” của anh ta được đặt trong một hoàn cảnh oái oăm. Anh ta phải “lấy độc trị độc”, dùng chính “tài nghệ cũ” để xử lý kẻ đội lốt, lấy lại những thứ hắn đã đánh cắp của mọi người. Nếu tóm tắt thì câu chuyện chỉ có vậy, và nếu căn cứ vào những tình tiết kia thì đó chỉ là câu chuyện kể về một tên kẻ cắp đã hoàn lương. Nhưng đọc truyện thì không chỉ có thế. Từ “cái cớ” khiến người nhân vật “tôi” – người kể chuyện phải về quê, những suy nghĩ “lan man” dẫn dắt người đọc vào cảm xúc ấm áp của tình bạn, tình quê hương từ lúc nào: “. . . con đường dốc quanh co như đang chui lên tầng mây. Gió cuối thu tràn lên từ thung sâu hắt khí lạnh ào ào qua cửa kính. Cái lạnh nhớ tôi nhắc bạn cũ, họ đang đợi tôi về. Thật thú vị, trời lạnh thế này tối nay đã sẵn một bữa nhậu tại quán lẩu cá bên sông Bằng. Không nhớ mình đã có bao nhiêu cuộc nhậu ở đó, quán ấy ngon và rẻ nhưng khoái nhất là món rượu ngô hâm nóng. Nghĩ tới đây tôi như chìm trong hương vị quyến rũ phảng phất mùi thảo quả cùng hơi khói bốc lên từ nồi lẩu. . . ”. Bị ám ảnh bởi kỷ niệm, nên tác giả như bị hút vào một nhân vật cùng ngồi trên xe: “Lão khiến tôi để ý từ lúc nào, không phải cái vỏ quần cũ kỹ bạc phếch khoác trên cơ thể chỉ còn lại bộ khung là khá khủng dấu vết của một thời tráng kiện, mà là cái mặt quen quen của lão. . . Quả thực có nét quen lắm, còn tên người cứ lấp ló đâu đó trong ký ức”. Rồi “bài toán” cũng được giải, ký ức hiện về. Phần lớn câu chuyện liên quan đến “nhân vật” chính hiện ra bằng ký ức. Tôi - người kể chuyện là người trong cuộc, minh chứng cho sự “khách quan” của câu chuyện nhưng cũng có cơ hội bộc lộ trạng thái cảm xúc chủ quan của mình: “Đoàn người rầm rầm bước lên cầu Khưa Hán, cây cầu xây bằng đá bắc qua suối Nặm Cắt dằng dịt cây thạch quả. Vừa đi đám áp tải vừa chỉ vào chiếc xe đạp quàng vào cổ tên ăn trộm, miệng oang oang, cách này là học của Trung Quốc. Một lối sỉ nhục mang tính răn đe. Nhưng tôi không chắc hắn có thể đi được thêm mấy bước, bởi mỗi lúc khung ngang chiếc xe càng trôi về phía trước làm cho bánh sau chổng lên trời dúi vào háng khiến hắn di chuyển có vẻ khó nhọc. Đột nhiên tôi thấy thương hắn, giá người ta cứ trói rồi giải hắn về là được chứ đừng hành hạ hắn thế. . . ”. Câu chuyện về Lục Rô, con trai của một “thảo khấu” khét tiếng một thời, có tiền sử về ăn cắp luôn được kéo dãn ra bởi những chi tiết miêu tả tâm trạng, xúc cảm và suy nghĩ của chính người kể. Chẳng hạn: “Lúc người ta giải hắn qua nơi tôi đang ngồi úp trên bờ rào như một con tắc kè, tôi thấy hắn đưa mắt nhìn. Hắn nhìn tôi, ánh mắt nhìn thật khó hiểu vừa như tìm sự đồng cảm vừa có ý đe nẹt. Tôi chắc thế bởi khi bước qua nhưng hắn vẫn ngoái lại nhìn như ngón tay trỏ di vào trán làm tôi mất thăng bằng. Tôi luống cuống suýt làm đổ bờ rào. . . ”. Sau mấy chục năm, giờ gặp lại, những suy nghĩ và tâm trạng của tác giả vẫn nối nhau tìm cách phân tích, lý giải: “Quần áo trên người lão kìa, lỗi mốt bạc phếch thế kia không là ở tù mới ra tôi đi đầu xuống đất. Không lẽ ngần ấy năm, già đến thế vẫn lưu manh Người ta thời trẻ nông nổi bất trị có thể làm những việc động trời, khiến thiên hạ oán thán kinh hãi, đến lúc có tuổi, tâm tính bình lặng, ý nghĩ chín chắn, những lỗi lầm một thời được nhận chân và dần thay đổi, sẽ điềm đạm tử tế. Nhưng hình như với lão là không thể. . . ” hoặc “Tiếng ho vừa trầm vừa rộng làm gáy tôi nổi gai. Là lão, điều gì khiến lòng ái ngại? Hay vẫn bị ám ảnh bởi cặp môi mỏng và đôi mắt hum húp ngày 41 Hỏa Diệu Thúy nào? ”. Khi đã vỡ ra mọi chuyện, nhân vật tôi – người kể chuyện vẫn không thoát ra khỏi những cảm xúc khó nói thành lời: “Tôi gật đầu như thể nhận lời với một người bạn. Ô, thì ra đất Cổ Lâu một đời lão chẳng có ai làm bạn. . . ”. Và “ Lòng chợt buồn tênh, người quê nhà mà sao tôi cố tình tránh mặt, lai