Chung quanh đề xuất của Bộ Công thương tái áp dụng hạn ngạch nhập khẩu ô tô: Áp hạn ngạch hay tăng thuế

Theo cam kết gia nhập WTO thì ta chỉ có thể áp dụng được biện pháp hạn ngạch nhập khẩu đối với ô tô nếu đưa ra được lý do xác đáng để biện minh được theo các quy định của Hiệp định WTO. Vậy WTO có những quy định nào để có thể dựa vào đó biện minh cho việc áp dụng một biện pháp hạn chế định lượng quá rõ ràng như hạn ngạch nhập khẩu? WTO có quy định về một số trường hợp cá biệt mà các nước được phép áp dụng hoặc duy trì hạn chế định lượng. Trong số các ngoại lệ biện minh cho hành động sử dụng hạn chế định lượng nhập khẩu này, về lý thuyết chỉ có hai trường hợp dưới đây có thể có liên quan tới việc lý giải cho đề xuất áp dụng hạn ngạch nhập khẩu ô tô của Việt Nam:

doc6 trang | Chia sẻ: haohao89 | Lượt xem: 1937 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Chung quanh đề xuất của Bộ Công thương tái áp dụng hạn ngạch nhập khẩu ô tô: Áp hạn ngạch hay tăng thuế, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Chung quanh đề xuất của Bộ Công thương tái áp dụng hạn ngạch nhập khẩu ô tô: Áp hạn ngạch hay tăng thuế? 0:34' 18/4/2008 Bộ Công thương đang đề xuất tái áp dụng hạn ngạch nhập khẩu ô tô như một trong những giải pháp hạn chế nhập siêu. Chung quanh đề xuất của Bộ Công thương tái áp dụng hạn ngạch nhập khẩu ô tô như một trong những giải pháp giúp kiểm soát và hạn chế nhập siêu, liệu rằng đề xuất như vậy có phù hợp? Theo cam kết gia nhập WTO thì ta chỉ có thể áp dụng được biện pháp hạn ngạch nhập khẩu đối với ô tô nếu đưa ra được lý do xác đáng để biện minh được theo các quy định của Hiệp định WTO. Vậy WTO có những quy định nào để có thể dựa vào đó biện minh cho việc áp dụng một biện pháp hạn chế định lượng quá rõ ràng như hạn ngạch nhập khẩu? WTO có quy định về một số trường hợp cá biệt mà các nước được phép áp dụng hoặc duy trì hạn chế định lượng. Trong số các ngoại lệ biện minh cho hành động sử dụng hạn chế định lượng nhập khẩu này, về lý thuyết chỉ có hai trường hợp dưới đây có thể có liên quan tới việc lý giải cho đề xuất áp dụng hạn ngạch nhập khẩu ô tô của Việt Nam: a. Áp dụng các biện pháp hạn chế nhập khẩu khi gặp khó khăn về cán cân thanh toán. Tuy nhiên, WTO cũng yêu cầu các nước thành viên phải nới lỏng dần các biện pháp hạn chế khi tình hình được cải thiện và bãi bỏ các hạn chế này ngay khi những điều kiện mà nước thành viên căn cứ vào đó để viện dẫn việc áp dụng các hạn chế nhập khẩu không còn đáp ứng quy định liên quan của WTO nữa (xem thêm “WTO và quy định về cán cân thanh toán”). b. Áp dụng biện pháp tự vệ trong trường hợp khối lượng một mặt hàng nhập khẩu nhất định tăng đột biến đang gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất trong nước (xem thêm “WTO và quy định về tự vệ”). Đề xuất của Bộ Công thương có khả thi? Dưới góc độ chuyên môn, chúng tôi cho rằng đề xuất tái áp dụng hạn ngạch nhập khẩu đối với không chỉ ô tô mà cả các mặt hàng khác đều không phù hợp vì nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, Bộ Tài chính vừa mới ra quyết định tăng thuế nhập khẩu đối với mặt hàng ô tô mới nguyên chiếc dùng để chở người (từ 60% lên 70%) và tăng thuế tuyệt đối của mặt hàng xe cũ nhập khẩu thêm trung bình 10% vào ngày 11-3 vừa qua. Thời gian là quá ngắn, chưa đủ để các cơ quan hoạch định chính sách theo dõi và đánh giá, nhìn nhận đúng đắn và chính xác về diễn biến, phản ứng của thị trường. Vì vậy, việc đề xuất áp dụng ngay một biện pháp hạn chế định lượng nhập khẩu bổ sung thêm vào thuế nhập khẩu tăng lên đối với ô tô trong bối cảnh này có lẽ là nóng vội. Thứ hai, nếu chủ trương hạn chế nhập khẩu ô tô và một số mặt hàng khác nhằm giảm nhập siêu bằng hàng rào phi thuế thì trước hết cần trả lời câu hỏi Việt Nam dự định viện dẫn lý do gì để áp dụng lại hạn ngạch nhập khẩu để không vi phạm các quy định và cam kết WTO? Thuế quan và hạn ngạch Có một số lý do chính để người ta cho rằng thuế quan “ưu việt” hơn hạn ngạch nhập khẩu là: (i) thuế quan mang lại khoản thu ngân sách cho Nhà nước; (ii) thuế quan minh bạch, rõ ràng, dễ dự đoán hơn so với hạn ngạch: điều hành, quản lý và phân bổ hạn ngạch nhập khẩu là một bài toán khó và kéo theo nhiều vấn nạn về tham nhũng, hối lộ...; (iii) về lý thuyết, nếu cả thuế quan và hạn ngạch cùng nhắm đến mục đích hạn chế một lượng hàng nhập khẩu nhất định thì hạn ngạch làm giá trong nước bị đội lên nhiều hơn so với thuế quan do hạn ngạch là hạn chế “cứng” khiến hàng nhập khẩu ngoài lượng hạn ngạch đã định thì dù đủ khả năng cạnh tranh về giá để vượt qua rào cản thuế quan, cũng không có cơ hội đặt chân vào thị trường trong nước - tức là tác động bảo hộ của hạn ngạch lớn hơn và nhiều nguy cơ gây bóp méo thương mại tự do hơn. Nếu lấy lý do cán cân thanh toán thì cần thận trọng suy xét xem liệu tình hình Việt Nam hiện tại đã đến mức ta phải “tự nhận” là gặp khó khăn về cán cân thanh toán để viện đến việc tái áp đặt hạn chế định lượng nhập khẩu chưa? Vì cái “giá” phải trả có lẽ sẽ không chỉ dừng lại ở sự mất tín nhiệm (credibility) trước các thành viên WTO khi mới chưa đầy hai năm sau khi gia nhập mà Việt Nam đã thực hiện một bước lùi về chính sách (tái áp dụng - chứ không phải là lần đầu áp dụng - hạn ngạch nhập khẩu ô tô). Hơn nữa, trong trường hợp xấu nhất phải viện đến lý do cán cân thanh toán thì cũng chưa đến mức có thể quay lại sử dụng hạn ngạch nhập khẩu ngay vì WTO yêu cầu ưu tiên áp dụng trước hết là các biện pháp dựa vào tác động lên giá cả hàng nhập khẩu như phụ thu nhập khẩu, yêu cầu đặt cọc tiền thanh toán nhập khẩu... Ngoài ra, khá nhiều thủ tục tham vấn, thông báo phức tạp theo quy định của WTO cũng sẽ “làm khó” bất kỳ nước thành viên nào có ý định áp dụng hạn ngạch nhập khẩu vì lý do khó khăn cán cân thanh toán. Biện pháp tự vệ dưới hình thức hạn ngạch nhập khẩu đối với ô tô cũng không thể là một lý do biện minh thích hợp trong tình hình hiện nay của Việt Nam, mặc dù Pháp lệnh về tự vệ của ta cũng có quy định về sử dụng hạn ngạch nhập khẩu để tự vệ, bởi những lý do chính sau đây: (i) Bản chất của tự vệ là bảo hộ tạm thời cho một ngành sản xuất cụ thể trong nước đang hoặc có nguy cơ gặp khó khăn do hàng nhập khẩu, còn ta hiện cần ưu tiên hạn chế nhập siêu nói chung chứ không phải cho bảo hộ ô tô (nhất là khi tình hình ngành sản xuất ô tô trong nước không hề có dấu hiệu suy thoái). (ii) Để áp dụng biện pháp tự vệ đòi hỏi cơ quan nhà nước phải tổ chức điều tra trong khi điều kiện hiện nay không thích hợp với thủ tục rườm ra như vậy. Ngay cả khi lấy lý do tình hình nhập khẩu ô tô hiện nay bức xúc đến mức nếu chậm trễ có thể gây ra thiệt hại khó khắc phục nên cần áp dụng ngay biện pháp tự vệ mà chưa cần điều tra kỹ lưỡng thì Hiệp định Tự vệ của WTO lại quy định chỉ được áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời dưới hình thức tăng thuế nhập khẩu trong thời hạn tối đa 200 ngày chứ chưa được sử dụng hạn ngạch ngay (và khoản tăng thuế này sẽ phải hoàn trả lại nếu điều tra sau đó xác định rằng sự gia tăng nhập khẩu không gây ra hoặc đe dọa gây ra tổn hại nghiêm trọng đối với ngành sản xuất nội địa). Nên sử dụng công cụ thuế Như vậy, trong trường hợp thực sự cần hạn chế nhập khẩu ô tô, nên sử dụng hết “bùa” mà WTO cho phép trước khi tìm đến các phương thuốc hãn hữu khác. Rõ ràng, cam kết thuế trần của ta với WTO so với thuế áp dụng hiện hành vẫn còn khoảng trống để Bộ Tài chính cân nhắc nâng thuế nhập khẩu lên mức tối đa và phối hợp áp dụng đồng bộ các biện pháp tăng thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế trước bạ đối với ô tô... để tác động đến cầu của người dân. Hơn nữa, để đáp ứng nhu cầu bảo hộ sản xuất trong nước và hạn chế nhập khẩu, các nhà kinh tế và WTO đều ủng hộ công cụ thuế quan hơn là hạn ngạch. Trong tình hình lạm phát gia tăng ở Việt Nam như hiện nay, khi nhà nhà người người phải thắt lưng buộc bụng trong chi tiêu thì chỉ một bộ phận rất nhỏ người dân có khả năng tài chính cao mới có điều kiện mua ô tô nhập khẩu. Vậy tại sao thay vì hạn chế nhập khẩu một cách cứng nhắc bằng hạn ngạch, ta không chọn giải pháp có lợi hơn cho ngân sách là đánh thuế cao để hạn chế nhu cầu. WTO và quy định về cán cân thanh toán Mọi thành viên WTO gặp khó khăn về cán cân thanh toán có thể viện dẫn điều XII GATT để áp dụng biện pháp hạn chế nhập khẩu, riêng các Thành viên là nước đang phát triển đang trong giai đoạn đầu của phát triển kinh tế có thể viện dẫn đến điều XVIII:B GATT. Điều kiện cơ bản để viện dẫn các quy định này là để “nhằm bảo vệ tình hình tài chính đối ngoại và cán cân thanh toán quốc gia” (điều XII) hoặc để “nhằm bảo vệ tình hình tài chính đối ngoại và đảm bảo duy trì mức dự trữ ngoại hối cần thiết để thực hiện chương trình phát triển kinh tế (của nước thành viên đang phát triển)” (điều XVIII:B). Theo quy định của WTO, các biện pháp hạn chế nhập khẩu được sử dụng vì lý do cán cân thanh toán chỉ được mang tính chất tạm thời (phải công bố lộ trình bãi bỏ trong thời gian sớm nhất có thể), phải ưu tiên áp dụng các biện pháp dựa vào tác động lên giá cả hàng nhập khẩu trước khi sử dụng hạn chế định lượng, không áp dụng nhiều hơn một biện pháp đối với cùng một mặt hàng nhập khẩu, phải được điều hành một cách minh bạch, và chỉ được áp dụng để kiểm soát tổng mức nhập khẩu nói chung chứ không nhằm áp dụng cá biệt cho một mặt hàng cụ thể nào. Hiệp định chung về thương mại dịch vụ (GATS) cũng có quy định về những hạn chế được áp dụng để bảo vệ cán cân thanh toán tại điều XII. Theo đó, trong trường hợp cán cân thanh toán và tài chính đối ngoại gặp khó khăn nghiêm trọng hoặc bị đe dọa gặp khó khăn nghiêm trọng, một thành viên có thể thông qua hoặc duy trì các hạn chế về thương mại dịch vụ trong những lĩnh vực đã cam kết cụ thể, bao gồm cả việc thanh toán hoặc chuyển tiền trong các giao dịch liên quan đến các cam kết cụ thể đó. WTO và quy định về tự vệ Điều kiện áp dụng biện pháp tự vệ là nước nhập khẩu phải tiến hành điều tra theo đúng thủ tục mà WTO quy định để chứng minh được rằng hàng nhập khẩu tăng lên một cách tuyệt đối hoặc tương đối gây ra hoặc có nguy cơ gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất trong nước. Nếu áp dụng biện pháp hạn chế định lượng (hạn ngạch nhập khẩu) thì không được làm giảm số lượng nhập khẩu xuống thấp hơn mức trung bình của mặt hàng nhập khẩu này trong ba năm gần nhất có số liệu thống kê nhập khẩu, trừ khi biện minh được lý do cần thiết phải hạn chế nhập khẩu ở mức thấp hơn nữa nhằm ngăn chặn hoặc khắc phục thiệt hại nghiêm trọng đối với ngành sản xuất trong nước. Các nước xuất khẩu sang nước áp dụng biện pháp tự vệ bị ảnh hưởng về lợi ích xuất khẩu có thể yêu cầu được đền bù thương mại và nếu không đạt được thỏa thuận về mức đền bù thỏa đáng thì nước có hàng hóa xuất khẩu sang nước áp dụng biện pháp tự vệ nhập khẩu có quyền trả đũa (chẳng hạn như tăng thuế đối với hàng nhập khẩu từ nước áp dụng biện pháp tự vệ), nhưng chỉ sau khi biện pháp tự vệ phù hợp với các quy định của WTO đã áp dụng được ba năm.