Tóm tắt. Sử dụng hồ sơ học tập được đề cập tới như một trong những công cụ hiệu quả
của đánh giá quá trình, hỗ trợ đắc lực cho SV và GV trong quá trình dạy học. Việc thử
nghiệm mẫu hồ sơ học tập cho thấy một số khía cạnh khả quan, trong nhận thức của SV về
tầm quan trọng và tính khả thi, về những tác dụng cơ bản cũng như nêu lên ưu nhược điểm
chính của việc sử dụng hồ sơ học tập trong quá trình dạy học ở đại học. Bài báo này cung
cấp cơ sở dữ liệu cho việc điều chỉnh mẫu hồ sơ học tập được thử nghiệm, hướng tới việc
vận dụng nó vào thực tiễn giảng dạy.
8 trang |
Chia sẻ: thanhle95 | Lượt xem: 160 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đề xuất mẫu hồ sơ học tập trong quá trình dạy học ở trường đại học, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE
2014, Vol. 59, No. 6BC, pp. 287-294
This paper is available online at
ĐỀ XUẤTMẪU HỒ SƠ HỌC TẬP
TRONG QUÁ TRÌNH DẠY HỌC Ở TRƯỜNG ĐẠI HỌC
Nguyễn Nam Phương
Khoa Tâm lí - Giáo dục, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
Tóm tắt. Sử dụng hồ sơ học tập được đề cập tới như một trong những công cụ hiệu quả
của đánh giá quá trình, hỗ trợ đắc lực cho SV và GV trong quá trình dạy học. Việc thử
nghiệm mẫu hồ sơ học tập cho thấy một số khía cạnh khả quan, trong nhận thức của SV về
tầm quan trọng và tính khả thi, về những tác dụng cơ bản cũng như nêu lên ưu nhược điểm
chính của việc sử dụng hồ sơ học tập trong quá trình dạy học ở đại học. Bài báo này cung
cấp cơ sở dữ liệu cho việc điều chỉnh mẫu hồ sơ học tập được thử nghiệm, hướng tới việc
vận dụng nó vào thực tiễn giảng dạy.
Từ khóa: Hồ sơ học tập, đánh giá quá trình, sinh viên, trường đại học.
1. Mở đầu
Lí luận dạy học nhìn nhận sự thay đổi và biến chuyển về đánh giá, từ đánh giá xác nhận
sang đánh giá hỗ trợ điều chỉnh [3]. Một trong những công cụ phục vụ cho mục tiêu đó là sử dụng
hồ sơ học tập trong quá trình dạy học. Hồ sơ học tập đánh dấu bước chuyển cơ bản trong cách thức
tổ chức hoạt động lớp học cũng như phương tiện phục vụ công tác đánh giá của giảng viên (GV).
Xây dựng và sử dụng hồ sơ học tập trong quá trình dạy học là một trong những biểu hiện cụ thể
của sự thay đổi trong vai trò, vị thế, nhiệm vụ và nhận thức của người học, đặc biệt là sinh viên
(SV) đại học.
Đổi mới quá trình dạy học bắt nguồn từ việc đổi mới không khí học tập, sự tương tác của
GV - SV, đa dạng hoá và hiện thực hoá mối quan hệ đa chiều trong lớp học. Trên cơ sở những báo
cáo và nghiên cứu về đánh giá lớp học, chúng tôi đề xuất và thử nghiệm mẫu hồ sơ học tập trong
quá trình dạy học trên lớp cho SV, từ đó có thêm cơ sở để điều chỉnh quy trình, xây dựng nội dung
hồ sơ học tập cũng như những bước tiếp theo để vận dụng nó trong thực tiễn giảng dạy.
2. Nội dung nghiên cứu
2.1. Một số vấn đề lí luận về hồ sơ học tập
* Khái niệm về “Hồ sơ học tập” (portfolio) là tài liệu minh chứng cho sự tiến bộ của người
học, trong đó họ tự đánh giá về bản thân mình, nêu những điểm mạnh, điểm yếu, sở thích của
Liên hệ: Nguyễn Nam Phương, e-mail: namphuong.dhsp@gmail.com
287
Nguyễn Nam Phương
mình, tự ghi lại kết quả học tập trong quá trình học tập, tự đánh giá đối chiếu với mục tiêu học tập
đã đặt ra để nhận ra sự tiến bộ hoặc chưa tiến bộ, tìm nguyên nhân và cách khắc phục trong thời
gian tới. Để chứng minh cho sự tiến bộ, hoặc chưa tiến bộ người học tự lưu giữ những sản phẩm
minh chứng cho kết quả đó cùng với những lời nhận xét của GV và bạn học. Hồ sơ học tập như
một bằng chứng về những điều mà các em đã tiếp thu được [1;188].
* Ý nghĩa của hồ sơ học tập
Hồ sơ học tập có ý nghĩa quan trọng đối với mỗi người học, là không gian cho sự sáng tạo
và tìm hiểu về bản thân, khuyến khích niềm say mê trong học tập, người học không chỉ tập trung
vào hoạt động học tập mà còn tạo hứng thú cho hoạt động đánh giá, đặc biệt ở đây là tự đánh giá.
Hồ sơ học tập là một định hướng học tập tới học sâu và học tập lâu dài. Hồ sơ học tập thúc đẩy
người học chú tâm vào việc học của bản thân, yêu thích và có trách nhiệm với nhiệm vụ học tập
qua việc nhìn thấy khả năng học tập "tiềm ẩn" của mình, Đồng thời hồ sơ học tập còn là cầu nối
giữa người học - người dạy, người học - người học, người học - người dạy - gia đình .
* Hồ sơ học tập có một số phân loại cơ bản [1]
- Hồ sơ tiến bộ: Hồ sơ bao gồm những bài tập, các sản phẩm người học thực hiện trong quá
trình học và thông quá đó người dạy và người học đánh giá quá trình tiến bộ mà người học đã đạt
được.
Để thể hiện sự tiến bộ, người học cần có những minh chứng, như: Một số phần trong các
bài tập, sản phẩm hoạt động nhóm, sản phẩm hoạt động cá nhân (giáo án cá nhân), nhận xét hoặc
ghi nhận của thành viên khác trong nhóm. . .
- Hồ sơ quá trình: Là hồ sơ tự theo dõi quá trình học tập của người học, họ ghi lại những gì
mình đã học được hoặc chưa học được về kiến thức, kĩ năng, thái độ của các môn học và xác định
cách điều chỉnh như điều chỉnh cách học, cần đầu tư thêm thời gian, cần sự hỗ trợ của GV hay các
bạn trong nhóm...
- Hồ sơ mục tiêu: Người học tự xây dựng mục tiêu học tập cho mình trên cơ sở tự đánh giá
được năng lực của bản thân. Khác với hồ sơ tiến bộ, hồ sơ mục tiêu được thực hiện bằng việc nhìn
nhận, phân tích, đối chiếu nhiều môn với nhau. Từ đó người học tự đánh giá về khả năng học tập
của mình nói chung: tốt hơn hay kém đi, môn học nào còn hạn chế. . . sau đó xây dựng kế hoạch
hướng tới việc nâng cao năng lực học tập cho mình
- Hồ sơ thành tích: Người học tự đánh giá về các thành tích học tập nổi trội của mình trong
quá trình học. Thông qua các thành tích học tập, họ tự khám phá những khả năng, tiềm năng của
bản thân như năng khiếu về ngôn ngữ, toán học, vật lí, âm nhạc... Không chỉ giúp người học tự
tin về bản thân, hồ sơ thành tích giúp họ tự định hướng và xác định giải pháp phát triển, khai thác
tiềm năng của bản thân trong thời gian tiếp theo.
2.2. Đề xuất mẫu hồ sơ học tập sử dụng trong quá trình dạy học ở trường Đại
học Sư phạm
2.2.1. Một số nguyên tắc trong việc xây dựng hồ sơ học tập
- Đảm bảo tính độc lập, tự giác, tự ý thức của SV
Nguyên tắc này nói tới việc SV ý thức sâu sắc về nhiệm vụ học tập, với môn học và các hoạt
động mà họ tham gia. SV có tính tự giác, độc lập, tự chủ tương đối trong quá trình học, tự học, làm
288
Đề xuất mẫu hồ sơ học tập trong quá trình dạy học ở trường đại học
việc nhóm, tương tác với nhau cũng như trong mối quan hệ đa chiều của lớp học. Chính vì yếu tố
tự chủ này nên hồ sơ học tập của nhóm hoặc cá nhân SV thể hiện bản sắc và cá tính tương đối rõ.
Đây cũng là một trong những yếu tố đầu tiên cho thấy sự khác biệt cơ bản giữa hồ sơ học tập của
học sinh phổ thông và SV đại học. Nó còn thể hiện khá rõ trong sự cam kết giữa mỗi thành viên
của nhóm. Nếu một cá nhân vắng hoặc thiếu trong một hoặc một số ngày sau sẽ ảnh hưởng tới hoạt
động chung. Điều này đặt ra yêu cầu ngược trở lại đối với mỗi SV về sự ràng buộc trách nhiệm
trong một nhóm, kĩ năng làm việc nhóm, điều chỉnh tính tích cực tham gia trong nhóm chung cùng
một số kĩ năng khác như: kĩ năng lắng nghe, chấp nhận cái Tôi, điều chỉnh và thích ứng, kĩ năng
trình bày và thể hiện chính kiến. . .
- Đảm bảo vai trò của người GV
Nguyên tắc này thể hiện vai trò của người GV trong việc tổ chức, điều khiển hoạt động dạy
học. Căn cứ trên các hoạt động lớp học, SV thực hiện các nội dung trong hồ sơ học tập, như việc
ghi nhật kí hoạt động, mức độ tương tác - tích cực của các thành viên, mức độ lĩnh hội của cá
nhân. . . Vai trò của GV trong việc xây dựng, sử dụng hồ sơ học tập nói riêng và đánh giá quá trình
nói chung thể hiện một cách sâu sắc từ việc thiết kế hoạt động trên lớp cần phải căn cứ vào mục
tiêu môn học, bài học, các năng lực cần hình thành cho SV, việc lựa chọn hình thức đa dạng của
nội dung học tập (bài tập, câu hỏi, trắc nghiệm ngắn, trò chơi, đoạn phim, toạ đàm nhỏ. . . ) Hồ sơ
học tập của SV chỉ có thể được thiết lập dựa trên các hoạt động lớp học, tức là cách GV đưa ra nội
dung bài học, cách thức chế biến và gia công nội dung đó trong các tài liệu học tập, cách SV xử lí
tri thức và huy động thao tác trí tuệ để làm việc đó.
- Đảm bảo tính hệ thống trong nội dung của các hoạt động lớp học
Sự kết nối thể hiện ở tính liên tục và logic của hệ thống tri thức, kĩ năng cần trang bị cho
người học. Sau khi hệ thống kiến thức đó được gia công trong tài liệu học tập, SV thao tác với
những tài liệu đó và xâu chuỗi các nội dung, và nhận ra logic môn học. Mặt khác, hồ sơ học tập là
tài liệu lưu các điểm tựa ghi nhớ cho SV tái hiện nội dung bài học, các kĩ năng được hình thành,
những kinh nghiệm và bài học SV tự rút ra. Vì vậy nó còn được coi là cơ sở giúp SV hệ thống hoá
một cách cơ bản tri thức, nội dung môn học, củng cố kĩ năng trên cơ sở tính logic và hệ thống của
hoạt động lớp học.
- Hướng tới năng lực của người học, nhất là năng lực nghề nghiệp
Nguyên tắc này bắt nguồn từ việc “Lấy hoạt động học làm trung tâm”, một mặt phục vụ nhu
cầu học tập của người học, hướng tới khai thác tiềm năng của người học, hướng tới khai thác tiềm
năng của người học, mặt khác xây dựng môi trường học tập tích cực, nhân văn và hợp tác [4]. Đáp
ứng xu hướng hiện đại, đánh giá học tập không đơn thuần dựa trên kết quả và hướng tới kết quả
xác nhận, đánh giá còn nhằm mục tiêu xây dựng động lực cho người học, điều chỉnh kịp thời thông
tin đa chiều trong lớp học, tạo dựng không khí học tập và hợp tác trong nhà trường [5]. Và trên hết,
đánh giá quá trình hướng tới hình thành năng lực cho người học, rèn những kĩ năng đang có hoặc
chưa tốt, hoạt động đó được xây dựng trên cơ sở những năng lực nghề nghiệp mà SV cần có.
289
Nguyễn Nam Phương
2.2.2. Thử nghiệm sư phạm
- Chúng tôi tiến hành thử nghiệm trong 5 tuần (21/10/2013 - 24/11/2013) tại trường Đại
học Sư phạm Hà Nội. Đây là thời gian học thực hành môn Giáo dục học - môn học dành cho SV
toàn trường (04 tiết/tuần/lớp thực hành).
- Chúng tôi thực hiện thử nghiệm đối với 51 SV thuộc các khoa cơ bản, đăng kí tín chỉ học
thực hành Giáo dục học.
- Nội dung giảng dạy: 4 kĩ năng (kĩ năng phát hiện và giải quyết tình huống phát sinh trong
thực tiễn giáo dục, kĩ năng giải quyết tình huống phát sinh trong lớp học, kĩ năng lập kế hoạch của
giáo viên chủ nhiệm, kĩ năng tổ chức hoạt động giáo dục cho học sinh phổ thông). Tương ứng với
các kĩ năng đó, hệ thống bài tập thực hành được đề xuất và GV gia công, thiết kế, sử dụng một
cách linh hoạt trong thời gian học thực hành. Mẫu hồ sơ học tập được thiết kế phục vụ cho GV và
SV trong các giờ học này.
- Mẫu hồ sơ đề xuất: Mỗi buổi học, một SV trong nhóm đảm nhận việc ghi nhật kí hoạt
động lớp học. Cuối giờ học, SV đó thực hiện việc cho điểm (theo thang điểm 10) đánh giá hoạt
động chung của lớp (với tư cách là chủ thể đánh giá lớp học) và có xác nhận chữ kí. SV đó có trách
nhiệm tập hợp toàn bộ tài liệu học tập nhóm đã làm việc tại lớp và chuẩn bị trước giờ học, cùng
với bản nhật kí hoạt động đó, gửi lại cho GV (hình 1, 2, 3).
Sau 5 tuần thử nghiệm, mỗi nhóm SV sẽ có năm tập tài liệu học tập (tương ứng với năm
tuần). GV tập hợp thành hồ sơ học tập của mỗi nhóm, sao lưu và gửi lại cho các nhóm SV làm tài
liệu ôn tập môn học, đồng thời giữ liên lạc và hỗ trợ SV kịp thời trước, trong và sau kì thi kết thúc
môn học.
Hình 1. Mẫu bìa Hình 2. Nhật kí hoạt động Hình 3. Nhật kí hoạt động
hồ sơ học tập (trang 1) (trang 2)
290
Đề xuất mẫu hồ sơ học tập trong quá trình dạy học ở trường đại học
2.2.3. Một số kết quả của thử nghiệm
Chúng tôi nghiên cứu và tiến hành thử nghiệm đối với lớp 51 SV. Kết quả thử nghiệm thể
hiện ở một số khía cạnh sau:
- Về nhận thức.
- Tính khả thi của việc sử dụng hồ sơ học tập trong quá trình dạy học.
- Tác dụng của việc sử dụng hồ sơ học tập.
- Kết quả điểm số (bài kiểm tra đầu ra và đầu vào của lớp thử nghiệm).
* Về nhận thức
Ở khía cạnh này, chúng tôi tìm hiểu nhận thức của SV về vai trò của hồ sơ học tập đối với
quá trình học học tập tại trường đại học.
Biểu đồ 1. Nhận thức của SV về vai trò của hồ sơ
học tập sử dụng trong quá trình dạy học ở trường
đại học
Biểu đồ 1 cho thấy đa số SV nhận
thức đầy đủ về tầm quan trọng và sự cần
thiết của việc sử dụng hồ sơ học tập trong
quá trình dạy học ở đại học. Hơn 90% số SV
chọn mức độ “Rất cần thiết” và “Cần thiết”;
không có SV nào cho rằng việc này “Chưa
thật cần thiết” hoặc “Không cần thiết”.
* Tính khả thi của việc sử dụng hồ
sơ học tập trong quá trình dạy học
Chúng tôi tìm hiểu ý kiến của SV
lớp thử nghiệm về mức độ khả thi của việc
sử dụng hồ sơ học tập trong thời gian học
lí thuyết, học thực hành hoặc toàn bộ môn
học, và kết quả thu được thể hiện ở Bảng 1.
Bảng 1. Ý kiến của SV về việc sử dụng hồ sơ học tập trong quá trình dạy học
Nội dung
Mức độ
X Thứ
bậc
Rất khả
thi
Khả
thi
Phân
vân
Ít khả
thi
Không
khả thi
a. Chỉ trong thời gian
học lí thuyết
13 28 3 4 3 3,86 3
b. Chỉ trong thời gian
học thực hành
21 19 6 2 3 4,04 2
c. Với toàn bộ thời gian
học môn học
23 21 6 0 1 4,27 1
Số liệu trong bảng 1 cho thấy: việc sử dụng hồ sơ học tập trong toàn bộ thời gian dạy môn
học có tính khả thi cao nhất (X = 4,27). SV cho rằng việc sử dụng hồ sơ học tập trong thời gian
học thực hành cóX X = 4,04 (xếp thứ 2), và “chỉ trong thời gian học lí thuyết” X = 3,86 (xếp thứ
3). Lí giải cho lựa chọn này, SV giải thích: “Chúng em không thể thực hiện được các bài tập nếu
291
Nguyễn Nam Phương
không có các ‘địa chỉ tri thức’, tức là những phần lí thuyết đã học trên lớp” (T.V.P.T., K62A khoa
GDQP), “Cách tốt nhất là SV cần phải học tập trong cả quá trình. Chúng em cần có các điểm tựa
về kiến thức, và củng cố trong các bài tập, lúc đó hồ sơ học tập của nhóm mới có ý nghĩa và hỗ trợ
chúng em lúc học ôn, làm đề cương được” (M.T.M.T., K62C, khoa Ngữ văn).
* Tác dụng của việc sử dụng hồ sơ học tập
Chúng tôi đưa ra danh sách các tác dụng và ý nghĩa của hồ sơ học tập đối với hoạt động học
tập của SV và tìm hiểu ý kiến của họ theo các mức độ Cao, Khá, Vài phần, Ít, Không tác dụng.
Kết quả thu được thể hiện ở Bảng 2.
Bảng 2. Tác dụng của hồ sơ học tập đối với SV trong quá trình dạy học
Nội dung
Mức độ
X Thứ
bậc
Cao Khá
Vài
vân Ít
Không
tác dụng
a. Nhìn nhận lại từng thời điểm
trong quá trình học tập
21 25 4 1 0 4,294 1
b. Có điểm tựa tri thức để làm đề
cương
15 25 8 3 0 4,02 9
c. Củng cố, đối chiếu, xâu chuỗi
tri thức
19 19 11 2 0 4,078 6
d. Có cơ sở tái hiện lại nội dung
chính của từng bài học 20 19 11 1 0 4,137 4
e. Ghi nhận sự thay đổi của
nhóm (cải thiện giao tiếp, kĩ
năng làm việc nhóm)
16 23 12 0 0 4,078 6
Bảng 2. Tác dụng của hồ sơ học tập đối với SV trong quá trình dạy học
Nội dung
Mức độ
X Thứ
bậc
Cao Khá Vài
vân Ít
Không
tác dụng
g. Khẳng định vai trò của cá
nhân trong nhóm
19 20 9 3 0 4,078 6
h. Là cơ sở để từng cá nhân tự
điều chỉnh hoạt động học tập của
bản thân
26 13 9 3 0 4,216 2
i. Bồi dưỡng tình cảm, lòng yêu
nghề
23 18 7 3 0 4,196 3
k. Rõ ràng hơn trong định
hướng nghề nghiệp (công việc,
kế hoạch trước mắt)
15 23 9 4 0 3,961 10
l. Nhìn nhận sự thay đổi, tiến bộ
của bản thân
13 25 9 4 0 3,922 11
m. Liên hệ đối chiếu giữa lí
thuyết đã học và kĩ năng được
thực hành và thể nghiệm.
15 26 7 3 0 4,039 8
292
Đề xuất mẫu hồ sơ học tập trong quá trình dạy học ở trường đại học
Số liệu bảng 2 cho thấy: tác dụng lớn nhất của hồ sơ học tập đối với SV là “giúp họ nhìn
nhận lại từng thời điểm trong quá trình học tập” (X = 4,294). Việc hồ sơ học tập là cơ sở để từng
cá nhân tự điều chỉnh hoạt động học tập của bản thân được trên 50% số SV chọn mức độ có tác
dụng cao (xếp thứ 2 với X = 4,216). Một trong những mục tiêu hướng tới của GV khi xây dựng
hồ sơ học tập là bồi dưỡng tình cảm, lòng yêu nghề cho SV thông qua môn học, điều này được SV
nhận thấy rõ trong quá trình học tập và thực hiện các nhiệm vụ dạy học (xếp thứ 3 vớiX = 4,196).
Đặc trưng nổi bật của hồ sơ học tập của SV là sự tương tác giữa cá nhân với nhóm được SV
ghi nhận rõ nét khi xếp mức độ các tác dụng của hồ sơ học tập. Xếp ngang bằng nhau (đều có X
= 4,078) là “ghi nhận sự thay đổi của nhóm trong giao tiếp, kĩ năng làm việc nhóm”, “khẳng định
vai trò của cá nhân trong nhóm” và tác dụng “củng cố, xâu chuỗi tri thức”.
Liên hệ đối chiếu giữa lí thuyết đã học và kĩ năng được thực hành xếp thứ 8, vớiX = 4, 039.
Các tác dụng còn lại được xếp lần lượt là “có điểm tựa tri thức để làm đề cương”, “rõ ràng hơn
trong định hướng nghề nghiệp”, và “nhìn nhận sự thay đổi, tiến bộ của bản thân”.
* Theo kết quả điểm số
Trong quá trình thử nghiệm năm tuần tại lớp, chúng tôi cho SV thực hiện bài kiểm tra đầu
vào và đầu ra vào tuần đầu và tuần cuối. Chúng tôi thông báo và thống nhất với SV rằng điểm
số không mang tính xác nhận và không có ý nghĩa đối với kết quả học tập môn Giáo dục học nói
chung và thời gian học thực hành môn học nói riêng. Chúng tôi sử dụng điểm số này với tư cách
là một trong những tiêu chí xác định ý nghĩa và tính khả thi của thử nghiệm này về hồ sơ học tập
trong quá trình dạy học ở đại học.
Bảng 3. Điểm kiểm tra đầu vào và đầu ra của SV lớp thử nghiệm
Nhóm điểm
Đầu vào Đầu ra
SL % SL %
Dưới 5,0 điểm 8 15,69 2 3,92
Từ 5,0 đến dưới 7,0 điểm 30 58,82 13 25,49
Từ 7,0 đến dưới 8,5 điểm 11 21,57 33 64,71
Từ 8,5 điểm trở lên 2 3,92 3 5,88
Từ Bảng 3, chúng ta nhận thấy hai nhóm điểm giảm số lượng là điểm “Dưới 5,0” (giảm 6
SV, tương đương 11,77% tổng số SV) và nhóm “Từ 5,0 đến dưới 7,0” (giảm 17 SV, tương đương
33,33% tổng số SV). So với điểm đầu vào, nhóm “Từ 7,0 đến dưới 8,5” - tức là nhóm Điểm khá,
tăng số lượng đáng kể (tăng thêm 22 SV, tương đương 43,14% tổng số).
Điều này cho thấy kết quả điểm số bài kiểm tra đầu vào và đầu ra cho thấy việc thử nghiệm
hồ sơ học tập trong quá trình dạy học đã đem lại ý nghĩa tích cực, cải thiện đáng kể kết quả điểm
số, dù việc thử nghiệm này chưa dài hơi và mới chỉ đặt những viên gạch đầu tiên.
2.3. Ưu điểm, nhược điểm của hồ sơ học tập trong quá trình dạy học ở đại học
Hồ sơ học tập giúp người học chủ động theo dõi, tự đánh giá để thấy được khả năng và
những tiến bộ rõ rệt của mình, từ đó có được sự điều chỉnh phương pháp học, xác định động cơ và
mục tiêu học tập nhằm nâng cao kết quả học tập của mỗi cá nhân. Đồng thời GV theo dõi được sự
tiến bộ và tâm tư nguyện vọng, những khó khăn gặp phải của SV để hỗ trợ kịp thời và điều chỉnh
cách dạy cho phù hợp. Hồ sơ học tập có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong với việc thể hiện sự thay
293
Nguyễn Nam Phương
đổi căn bản giữa dạy học tích cực và dạy học thụ động. Trong dạy học thụ động, người học trông
chờ vào sự đánh giá của GV, nói cách khác GV nắm độc quyền trong đánh giá [3]. Hồ sơ học tập
như một tấm gương phản chiếu về quá trình học tập để người học tự soi vào đó, tự nhìn nhận mình,
tự đánh giá và điều chỉnh việc học tập của mình một cách chủ động.
Tuy nhiên, để thực hiện cách đánh giá này, GV cần có sự quan tâm nhiều hơn, dành nhiều
thời gian cho cá nhân SV hơn (dạy học phân hoá) [2]. Nhưng trách nhiệm về kết quả học tập của
SV được san sẻ, không chỉ phụ thuộc vào sự cố gắng của GV mà người học cũng phải cố gắng đề
hoàn thành nhiệm vụ học tập của mình trên cơ sở chủ động nhìn nhận, tự đánh giá thành tích, tự
xây dựng động cơ, mục tiêu học tập. Đồng thời mối quan hệ đa chiều trong lớp học được thể hiện
một cách chặt chẽ, đa dạng hơn thông qua hồ sơ học tập của SV.
3. Kết luận
Sử dụng hồ sơ học tập được đề cập tới như một trong những công cụ hiệu quả của đánh giá
quá trình, hỗ trợ đắc lực cho SV và GV trong quá trình dạy học. Việc thử nghiệm mẫu hồ sơ học
tập cho thấy một số khía cạnh khả quan, trong nhận thức của SV về tầm quan trọng và tính khả thi,
về những tác dụng cơ bản cũng như nêu lên ưu nhược điểm chính của việc sử dụng hồ sơ học tập
trong quá trình dạy học ở đại học. Bài báo này cung cấp cơ sở dữ liệu cho việc điều chỉnh mẫu hồ
sơ học tập được thử nghiệm, hướng tới việc vận dụng nó vào thực tiễn giảng dạy.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Cổng thông tin Dạy và học tích cực - Dự án Việt Bỉ (
[2] Đặng Thành Hưng, 2002. Dạy học hiện đại - lí luận, biện pháp, kĩ thuật. NXB Đại học Quốc
gia, Hà Nội.
[3] Trần Thị Tuyết Oanh, 2007. Đánh giá và đo lường kết quả học tập. NXB Đại học Sư phạm,
Hà Nội.
[4] Trần Thị Tuyết Oanh (chủ biên), 2006. Giáo dục học (tập 1). NXB ĐHSP, Hà Nội.
[5] Nguyễn Thành Nhân, 2013. Mô hình đánh giá kết quả học tập của sinh viên trong đào tạo
theo tín chỉ. Luận án Tiến sĩ Giáo dục học.
ABSTRACT
Proposing portfolios to be used by teachers at universities
The use of portfolios by teacher has been regarded as an effective tool in process assessment
which supports both students and lecturers. Experimenting with the form of the portfolio, we see
positive aspects such as students’ awareness of the importance and feasibility of ‘these effects’ and
the basic advantages and disadvantages of using portfolios at univ