Hiện thực và huyễn tưởng trong Ổ quỷ của M.Bulgakov

Tóm tắt. Ổ quỷ là truyện đầu tiên trong chùm gồm ba truyện ngắn và vừa đặc sắc của nhà văn Nga M. Bulgakov Ổ quỷ, Những quả trứng định mệnh và Trái tim chó được viết trong nửa đầu những năm 1920. Truyện ngắn báo hiệu, xác nhận sự hình thành, phát triển và từng bước đạt tới đỉnh cao chín muồi tài năng đa dạng của Bulgakov, “đó là tài năng của nhà văn trào phúng, tài năng của nhà văn huyễn tưởng, tài năng của nhà văn hiện thực” (K. Simônôv). Bài viết đề cập đến những thủ pháp huyễn tưởng và hiện thực mà Bulgakov đã sử dụng trong truyện vừa này. Với bài viết này chúng tôi cũng muốn góp một tiếng nói vào việc khẳng định giá trị thẩm mỹ của tác phẩm mở đầu trong chùm ba truyện vừa đặc sắc nói trên, qua đó hy vọng làm sáng tỏ nét độc đáo trong sự kết hợp những yếu tố huyễn tưởng và hiện thực trong tư duy sáng tạo của Bulgakov.

pdf7 trang | Chia sẻ: thanhle95 | Lượt xem: 170 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Hiện thực và huyễn tưởng trong Ổ quỷ của M.Bulgakov, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE Vol. 56, No. 5, pp. 59-65 HIỆN THỰC VÀ HUYỄN TƯỞNG TRONG Ổ QUỶ CỦA M.BULGAKOV Đặng Đức Hiệp Công ty xuất nhập khẩu sách báo Xunhasaba E-mail: dangduchiepcuom@gmail.com Tóm tắt. Ổ quỷ là truyện đầu tiên trong chùm gồm ba truyện ngắn và vừa đặc sắc của nhà văn Nga M. Bulgakov Ổ quỷ, Những quả trứng định mệnh và Trái tim chó được viết trong nửa đầu những năm 1920. Truyện ngắn báo hiệu, xác nhận sự hình thành, phát triển và từng bước đạt tới đỉnh cao chín muồi tài năng đa dạng của Bulgakov, “đó là tài năng của nhà văn trào phúng, tài năng của nhà văn huyễn tưởng, tài năng của nhà văn hiện thực” (K. Simônôv). Bài viết đề cập đến những thủ pháp huyễn tưởng và hiện thực mà Bulgakov đã sử dụng trong truyện vừa này. Với bài viết này chúng tôi cũng muốn góp một tiếng nói vào việc khẳng định giá trị thẩm mỹ của tác phẩm mở đầu trong chùm ba truyện vừa đặc sắc nói trên, qua đó hy vọng làm sáng tỏ nét độc đáo trong sự kết hợp những yếu tố huyễn tưởng và hiện thực trong tư duy sáng tạo của Bulgakov. 1. Đặt vấn đề Truyện ngắn Ổ quỷ ra mắt bạn đọc vào tháng 3/1924, tại thời điểm đó nó hầu như không được các nhà phê bình chú ý, ngoại trừ môt đánh giá bước đầu tương đối tích cực của Evgheni Zamiatin (1884 - 1937): “Bulgakov có một linh cảm chính xác trong lựa chọn về bố cục, kết cấu câu chuyện: chất huyễn tưởng bắt rễ sâu xa trong đời thực, tốc độ linh hoạt của những bức tranh - những trường đoạn phản ánh hiện thực ngày hôm qua - những năm 19, 20 của chúng ta” [1;664, Tom 2]. Ổ quỷ tuy không lớn lắm về mặt dung lượng nhân vật và tình tiết, không thành công vang dội ngay lập tức, nhưng nó có một vai trò lịch sử nhất định, nó cho thấy một sự định hình trong phong cách và chất liệu văn học của Bulgakov. Trong phạm vi bài viết này chúng tôi đề cập đến những thủ pháp huyễn tưởng và hiện thực mà Bulgakov đã sử dụng trong truyện vừa này. Với bài viết này chúng tôi cũng muốn góp một tiếng nói vào việc khẳng định giá trị thẩm mỹ của tác phẩm mở đầu trong chùm ba truyện vừa đặc sắc nói trên, qua đó hy vọng làm sáng tỏ nét độc đáo trong sự kết hợp những yếu tố huyễn tưởng và hiện thực trong tư duy sáng tạo của Bulgakov. 59 Đặng Đức Hiệp 2. Nội dung nghiên cứu 2.1. Những yếu tố huyễn tưởng Truyện ngắn Ổ quỷ không hẳn chỉ hoàn toàn nói về những hồn ma bóng quỷ. Những yếu tố huyễn tưởng, nếu có, chỉ là thủ pháp nghệ thuật nhằm khắc họa bản chất của thực tại. Trước khi viết Ổ quỷ, Bulgakov từng sử dụng bút pháp hiện thực thuần túy để miêu tả hiện thực. Nhưng có lẽ hiện thực cuộc sống mới đòi hỏi Bulgakov phải có một cách tiếp cận mới đối với nó: bút pháp huyễn tưởng chính là sự lựa chọn mới của Bulgakov. Ở Ổ quỷ, ngay phần đầu câu chuyện, Bulgakov đã đưa người đọc vào thế giới huyền ảo, có phần ma quái: “Người thủ quỹ ra đi nhận tiền cho cơ quan vào lúc 11 giờ đêm và trở về vào lúc 4h30 chiều”. Đó là một thực tế không thể có tại một cơ quan hành chính. Nhưng cái khéo của Bulgakov là ở đây ông đã dẫn dụ người đọc vào một thế giới huyền ảo mặc định và từ đây câu chuyện bắt đầu trong một thế giới ước định là mọi điều đều có thể xảy ra. Tiếp theo, Bulgakov lại như muốn gây mê độc giả sâu hơn nữa bằng một miêu tả khác: sau khi lĩnh lương bằng hiện vật là diêm về, được một người hàng xóm cho biết là diêm chất lượng rất kém, Korotkov suốt đêm không ngủ, ngồi bật thử diêm để kiểm tra chất lượng, anh bật thử ba bao (63 que diêm). Cũng xin nói thêm là, trước đó Bulgakov đã cho chúng ta biết rằng Korotkov đã được lĩnh “4 hộp diêm lớn màu vàng, 5 hộp nhỏ màu xanh lá cây, và trong mấy túi áo túi quần khác còn 13 hộp màu xanh lơ nữa”. Theo lẽ tự nhiên trong đầu người đọc diễn ra một phép toán nhỏ: như vậy mỗi hộp có 21 que. Bulgakov đã cung cấp cho người đọc một con số chính xác rành mạch, một con số hiện thực. Ấy vậy mà chính ở đây lại xuất hiện một cảm giác mơ hồ rằng những con số rành mạch đó như có một cái gì đó mang tính chất định mệnh. Điều giả định là đã được định trước ở đâu đó gây cảm giác bất định. Chính cái cảm giác bất định ấy đã lấn át tính duy lý của tư duy hiện thực thuần túy. Hiệu quả huyền ảo được tạo ra mà không gây sốc cho độc giả. Ở một chỗ khác, cũng cùng một phương cách và hiệu quả như vậy, Bulgakov đã để cho người gác cổng chỉ đường cho Korotkov đến một phòng chức năng (phòng khiếu nại) như sau: “tầng thứ 8, hành lang thứ 9, đơn nguyên 41, phòng làm việc số 302”. Đó là những chỉ dẫn không đơn giản nhưng đầy lý tính và không thể rành mạch hơn được. Thế nhưng những con số đó cứ nhẩy múa trong đầu Korotkov và ở điểm này Bulgakov đã thành công trong việc lột tả một hiện thực khác: một mê lộ, một ma trận của các phòng ban chức năng, của tệ quan liêu thâm căn cố đế. Ở một chỗ khác ta bắt gặp sự hội tụ “tài năng của nhà văn trào phúng, tài năng của nhà văn huyễn tưởng”. Đó là khi Korotkov gặp gỡ với Ian Sobetsky - một nhà báo cũng có vai vế nhưng cũng bị Kalsoner chèn ép, bức hại và chiếm mất chỗ làm việc. Bulgakov đã để cho hai nạn nhân “vô tình” gặp nhau và Ian Sobetsky đã mừng rỡ nói với Korotkov: “Anh có thể mang tới cho chúng tôi những điều tốt lành gì? Những tiểu phẩm châm biếm? Những phóng sự, bút ký? Anh không thể tưởng tượng, chúng tôi cần những bài viết ấy đến độ như thế nào”. Bulgakov đã kết hợp những thứ không thể kết hợp được với nhau. Cái tưởng như là vô tình lại chính là cái hữu ý. Chính Korotkov cũng không 60 Hiện thực và huyễn tưởng trong Ổ quỷ của M.Bulgakov thể hiểu nổi sự tình đầu cua tai nheo ra sao. Một nhân viên văn phòng hành chính của một nhà máy sản xuất diêm và một nhà báo, trong vòng xoáy của những sự kiện tưởng như không ăn nhập, liên hệ gì với nhau bỗng dưng “vô tình”, ngẫu nhiên gặp nhau và bộc bạch với nhau những khổ đau, những bi kịch trong công việc, trong nghề nghiệp. Thật là những bất ngờ ngẫu nhiên. Nhưng vì độc giả đã bị gây mê sâu trong một môi trường huyền ảo mặc định nên những tình tiết, những miêu tả như trên là tự nhiên, là đương nhiên và do đó được chấp nhận một cách “vui vẻ”. Nhưng cũng chính chi tiết này đã dẫn người đọc tới một khám phá khác: trong chất huyền ảo của Bulgakov ẩn chứa phần chất hiện thực đậm đặc, cụ thể là chất tiểu sử tự thuật về cuộc đời của Bulgakov. “Những tiểu phẩm châm biếm? Những phóng sự, bút ký?” ngầm nhắc tới nghề viết (nghề kiếm cơm của Bulgakov vào những năm đó) cũng như khát vọng cháy bỏng của Bulgakov khắc họa hai mặt sáng - tối của hiện thực đời sống văn học nước Nga những năm 1920. Trong Ổ quỷ ta bắt gặp yếu tố huyền ảo - một hình tượng ma quái, một bóng dáng thần chết với chiếc áo dài đen rộng cánh từ trên cao xà xuống như muốn đưa tiễn trước Korotkov về nơi an nghỉ cuối cùng trong tấn công cuối cùng nhắm vào Kalsoner - thủ trưởng trực tiếp của Korotkov - kẻ trực tiếp gây ra cái chết tức tưởi và oan uổng cho Korotkov. Ở đây ta thấy rõ ảnh hưởng của Gogol đối với Bulgakov. Cái bóng dáng thần chết áo dài đen rộng cánh trong Ổ quỷ gợi liên tưởng tới bóng ma Akaki Akakievich Basmachkin đi lang thang ở khu vực đầu cầu Kalinkin và lột áo khoác của những người qua đường trong Chiếc áo khoác của Gogol. Trong Ổ quỷ ta bắt gặp mô típ “biến hình”: đó là Kalsoner - với hình dáng bề ngoài kì dị “đó là một người có tầm vóc đến nỗi đứng chỉ đến ngang thắt lưng Korotkov, vai lại quá rộng, một thân hình vuông vức đứng trên hai chân vẹo vọ, hơn thế nữa chân trái lại bị khập khiễng. Cái đầu bị hói có hình quả trứng. Cái mặt bé xíu lúc có râu lúc lại không râu. Giọng nói vang như chậu đồng. . . ”. Chính điều này đã khiến Korotkov không thể hiểu nổi, không còn tin vào đầu óc bình thường của mình nữa và. . . loạn trí. Cũng ở đây ta bắt gặp những cụm từ, những dấu hiệu của ma quỷ như: phù thuỷ, ma xó, mèo đen, những thứ khiến Korotkov nghi ngờ có một sự biến hình, biến ảo nào đó, thậm chí Korotkov còn ngửi thấy trong không khí hơi có “mùi diêm sinh” (trong Ổ quỷ Bulgakov 3 lần nhắc đến “mùi diêm sinh” vốn là chất liệu gây hiệu quả ma quái). Những dòng sau đây của Ổ quỷ: “. . . Kalsoner gào lên, đổi chất giọng kim sang chất giọng chậu đồng vốn có của hắn. Bị bước hụt, hắn ngã huỵch một cái, đập gáy xuống đất. Trong lúc biến thành con mèo đen với những con mắt màu lân tinh, hắn bay ngược trở lại, nhanh nhẹn và nhẹ nhàng cắt ngang qua khoảng trống, cuộn tròn thành một cục, rồi nhảy lên bệ cửa sổ, biến mất trong đống thuỷ tinh vỡ và mạng nhện” không khỏi làm người đọc liên tưởng tới cuộc diễn tập ảo thuật đen của con mèo Beghemot trong Nghệ nhân và Margarita sau này. Cũng ở trong Ổ quỷ ta bắt gặp mô típ “song trùng”: ta thấy có hai Korotkov tồn tại đồng thời (một Korotkov đi trong thang máy và cùng lúc một Korotkov trong gương); cũng như có hai Kalsoner - thủ trưởng trực tiếp của Korotkov. Những nhân vật này 61 Đặng Đức Hiệp đi mây về gió, thoắt ẩn, thoắt hiện. Ngoài ra, trong các tác phẩm của Bulgakov ta cũng thường bắt gặp một kiểu nhân vật huyền ảo khác, không đi mây về gió, thoắt ẩn, thoắt hiện như Kalsoner, mà có họ có tên đầy đủ, nghiêm chỉnh và đôi khi được xưng hô bằng phụ danh rất trang trọng, nhưng không kém phần ma quái, và hơn nữa lại có quyền lực rất lớn đó là những nhân vật không bao giờ thấy mặt (gợi liên tưởng đến một loại quyền lực xã hội đen). Trong Ổ quỷ là Fedor Vasilievich nào đó đã phế truất Kalsoner theo tối hậu thư của Ian Sobetsky: “Tôi (Ian Sobetsky) đặt vấn đề một cách gay gắt: hoặc tôi hoặc là hắn (Kalsoner). Thế là người ta thuyên chuyển hắn (Kalsoner) đến Công ty diêm nào đó có trời mà biết được”. Trong Những quả trứng định mệnh là một cú điện thoại, là một giấy giới thiệu gần như có sức mạnh vạn năng. Trong Trái tim chó là một Piotr Aleksandrovich nào đó chỉ bằng một cú điện thoại từ một địa chỉ không xác định nào đó đã buộc Shvonder phải “bối rối cầm ống nghe" và nói những lời nhũn nhặn và tuân phục như sau: “Chúng tôi đã dự định để lại cho ông ta (giáo sư Preobragienxki) những năm phòng. . . Vâng, được ạ. . . Nếu đã vậy. . . Được ạ. . . Mặt chín dừ, anh ta (Shvonder) treo ống nghe quay lại bàn”. Trong M.Bulgakov tuyển tập tác phẩm ta đọc được những dòng của các nhà biên soạn viết về Ổ quỷ như sau: “Toàn bộ truyện được dựng từ những cảnh ngắn sống động, đầy kịch tính, từ những mẩu đối thoại chớp nhoáng, những động từ chuyển động mãnh liệt, tất cả những cái đó dường như khiến các tình tiết câu chuyện vốn đã diễn ra với tốc độ điên cuồng càng về cuối lại càng gia tăng nhanh hơn nữa”. Ngoài ra các nhà biên soạn cũng ghi nhận rằng cuộc dượt đuổi lẫn nhau giữa Korotkov và Kalsoner gợi liên tưởng tới cuộc chạy trốn của Aleksey Turbin trong Bạch vệ viết trước đó và cuộc truy đuổi con quỷ của nhà thơ Ivan Bezdomny trong Nghệ nhân và Margarita sau này. Thủ pháp này cũng được sử dụng và trở thành nhan đề của môt vở kịch của Bulgakov - vở Chạy trốn (1928). Như vậy, bắt đầu bằng Ổ quỷ các thủ pháp huyễn tưởng dần trở thành những thủ pháp bền vững, trở đi trở lại trong các tác phẩm thuộc nhiều thể loại trong sáng tác của Bulgakov. Trong sáng tác tiếp theo của Bulgakov, những yếu tố, những thủ pháp này sẽ được sử dụng thường xuyên hơn, biến ảo hơn mà đỉnh cao nhất là trong tác phẩm cuối cùng - kiệt tác Nghệ nhân và Margarita. 2.2. Thời sự và bản chất của thực tại Truyện ngắn Ổ quỷ phản ánh những vấn đề thời sự của thời kỳ chủ nghĩa cộng sản thời chiến sau Cách mạng Tháng 10 và “những năm đói khát và sôi động sau nội chiến”. Đối với Bulgakov và những người cùng thời với ông, đó là thời đại đã qua chưa lâu và những ký ức về nó dường như vẫn còn nóng hổi. Đó là lúc lương tháng sinh hoạt của những nhân viên thư ký văn phòng và những người làm công ăn lương (như Aleksandra Fedorovna và nhân vật chính Korotkov trong truyện) được trả bằng hiện vật - diêm (mà phần lớn là chất lượng kém, bật không lên lửa) và rượu nhẹ bán chẳng ai mua. Ổ quỷ - là một truyện về tệ quan liêu nhà nước - một di sản mãn tính mà chính quyền mới - chính quyến Xô viết - không được miễn nhiễm, mà thừa hưởng của nước Nga Sa hoàng. Trong một bản mật báo, cơ quan kiểm duyệt 62 Hiện thực và huyễn tưởng trong Ổ quỷ của M.Bulgakov nhận định về về truyện Ổ quỷ của Bulgakov như sau: “. . .Một viên chức hành chính cấp thấp (Korotkov) bị mất hút trong guồng máy nhà nước Xô viết - (đó chính là) biểu tượng của Ổ quỷ. . . Thiết chế nhà nước mới - Ổ quỷ, hiện thực cuộc sống mới, sinh hoạt mới mà sự xấu xa, kinh tởm của nó đến như Gogol cũng không thể tưởng tượng hơn được”. Như chúng ta đã biết, hiện thực nước Nga nói chung và hiện thực Moskva nói riêng trong và cả những năm 20 của thế kỷ XX là một hiện thực phức tạp, hỗn độn. Chính trong những năm tháng đó, Lenin đã viết “nếu có một cái gì đó giết chết chúng ta thì đó chính là tệ quan liêu” [1;37, Tom 1] mà các biểu hiện đặc trưng của nó là nạn giấy tờ, thủ tục và những cuộc họp liên miên. Maiakovsky trong bài thơ Những người loạn họp đã phải thốt lên rằng “cần có cuộc họp cuối cùng để giải tán tất cả các cuộc họp trước đó”. Ổ quỷ phản ánh hiện thực đó. Trong Ổ quỷ cốt truyện được xây dựng dựa trên vòng xoáy của guồng máy và con người làm công tác quản lý quan liêu, cửa quyền, hách dịch, của các loại công văn và tác phong bàn giấy, của những bước chân theo quán tính và ma quái của những con người - những viên chức hành chính trong mê cung của những hành lang và các phòng ban chức năng. Nhân vật chính - “con người nhỏ bé” Korotkov trong truyện đã để xảy ra một sự nhầm lẫn trong việc soạn thảo công văn giấy tờ (mà nguyên nhân là trong lúc bật thử những que diêm phẩm chất kém được phát thay lương tháng đã bị một tai nạn nhỏ ở mắt và phải băng lại và do đó chỉ còn nhìn được một mắt) và chính vì thế mà bị buộc thôi việc. Sau đó, trên một chuyến tàu điện, Korotkov lại bị mất hết giấy tờ tuỳ thân. Anh đã trở thành tù nhân của những hoàn cảnh, trạng huống bi đát. Bị thôi việc và mất hết tất cả các giấy tờ tuỳ thân anh đánh mất cả nhân dạng và cuộc đời mình. Ở đây ghi nhận một trong những đề tài thường trực trong sáng tác của nhà văn: vấn đề vai trò hay sức mạnh huyền bí của “các loại giấy tờ” của sự tồn tại dai dẳng của tác phong bàn giấy quan liêu. Hoá ra là mấy tấm giấy tờ tuỳ thân con con đó không những có khả năng xác định những quan hệ con người mà chúng còn có khả năng ấn định những hành vi và quy định nhân thân và địa vị xã hội của con người. Ở phần đầu câu chuyện, Korotkov vẫn cho rằng, vẫn nghĩ rằng tình hình chưa đến nỗi nào, rằng “mình không thể đầu hàng chỉ vì một lý do là mình đã bị mất cắp tất cả các giấy tờ tuỳ thân”, nhưng ở phần cuối câu chuyện chúng ta lại nghe được những lời lẽ với giọng điệu khác của một Korotkov gần như cùng quẫn tuyệt vọng phát điên phát dại: “. . . thôi thì ông cứ bắn tôi ngay tại chỗ đi cũng được, nhưng xin hãy làm lại cho tôi một cái giấy tờ gì đấy gọi là có cũng được”. Chính nhân vật đã sẵn sàng đánh đổi cả tính mạng của mình để lấy một thủ tục để xác nhận mình là mình, mình là người, là một thành viên bình thường của xã hội. Korotkov với thân phận là một nhân viên hành chính đã không có một chỗ dựa thực sự và có giá trị nào trên thực tế ngoài những giấy tờ hành chính xác nhận nhân thân, xác định sự tồn tại của chính anh ta. Mất việc và mất giấy tờ tuỳ thân, chỉ riêng hai điều đó đã đủ xô đẩy Korotkov ra khỏi cuộc đời. Trong truyện Những quả trứng định mệnh người đọc cũng bắt gặp chi tiết “Đồng chí Rocc và giấy giới thiệu từ Điện Kremli . . . ”; còn trong truyện Trái tim chó thì Chủ tịch Hội đồng nhà 63 Đặng Đức Hiệp cửa và bản thân Sharikov cũng yêu cầu đủ thứ giấy tờ để có thể làm thủ tục đăng ký hộ khẩu và nghĩa vụ quân sự. Sinh thời, Bulgakov thường tự nhận là học trò của Gogol (1809 - 1852), Santykov-Shedrin (1826 - 1889) và Chekhov (1860 - 1904). Trong truỵện ngắn Ổ quỷ người đọc gặp lại đề tài và hình ảnh “con người nhỏ bé” - vốn là một đề tài quen thuộc trong các sáng tác của các bậc thầy nói trên trong văn học Nga thế kỷ XIX. Ở đây ta như gặp lại hình ảnh của nhân vật Akaki Akakievich Basmachkin của Gogol qua nhân vật chính Korotkov - một nhân viên văn phòng, một anh chàng cạo giấy hiền lành, nhút nhát, lặng lẽ, cam chịu. Nhân vật yếu ớt, bị đè bẹp bởi hoàn cảnh - một hoàn cảnh đã làm cho anh tuyệt vọng đến phát điên và một cái chết là không tránh khỏi. Ở phần giữa của câu chuyện ta đọc được những suy nghĩ an phận, buông xuôi của Korotkov: “Thôi thì ông (Kalsoner) cứ kiêm làm cả trưởng phòng và thư ký luôn đi, và tiền vé tháng tầu điện tôi cũng chẳng cần nữa. . . Chỉ có điều hãy để cho tôi yên. Ông là mèo hay không là mèo, có râu hay không râu, - thì ông cứ đi đường ông, tôi cứ đi đường tôi. Tôi sẽ đi tìm một chỗ làm khác âm thầm và nhũn nhặn hơn. Tôi sẽ không động chạm đến ai, và cũng xin đừng ai động chạm đến tôi. Tôi sẽ không có một thắc mắc nào đối với ông. Chỉ có điều, ngay ngày mai xin hãy làm lại cho tôi các giấy tờ tuỳ thân. . . Thế là đủ”. Cũng giống như nhân vật Akaki Akakievich Basmachkin của Gogol, Korotkov của Bulgakov không thể toại nguyện ước mơ, kết thúc cuộc sống một cách bi thảm. Cái chết của Korotkov, phải chăng, về thực chất chính là một ẩn dụ cảnh báo về tệ quan liêu, theo lời của Lenin, có thể “giết chết chúng ta”? Bằng thủ pháp huyền ảo, lạ hoá Bulgakov đã giúp chúng ta giải mã “ký sự về một cái chết được báo trước” như vậy! Tuy nhiên, trong tác phẩm của Bulgakov cũng như của Gogol, con người chịu áp lực của hoàn cảnh không hoàn toàn cam chịu mãi mãi. Sinh thời cả nhân vật của Gogol lẫn Bulgakov đều nhút nhát và cam phận song ở phần cuối của cuộc đời cả hai đều như lột xác hoá thân thành những con người hoàn toàn khác với những phẩm chất giầu tính “chiến đấu” hơn. Cũng giống như Akaki Akakievich chỉ chịu yên nghỉ sau khi “nổi loạn” biến thành hồn ma, lột được chiếc áo khoác của “nhân vật quan trọng” đòi lại quyền làm người, ở cuối tác phẩm của Bulgakov, nhân vật Korotkov trong cuộc rượt đuổi cuối cùng với Kalsoner - sếp cũ, người đã buộc anh phải thôi việc - dù đã thừa nhận thua cuộc, nhưng trước khi chết vẫn còn thét lên: “Thà chết chứ không chịu nhục!” Ở đây dường như đã bắt đầu manh nha hình tượng con người nổi loạn chống lại áp lực của hoàn cảnh để gìn giữ nhân cách của mình. 3. Kết luận Năm 1930, Bulgakov đã can đảm tuyên bố: “Tôi là một nhà văn thần bí”[1;36, Tom 1]. Tuyên bố đó, một mặt xác nhận rằng đã có một sự chuyển biến rốt ráo trong tư duy sáng tạo của Bulgakov, mặt khác nó cho thấy một điều cụ thể hơn rằng khuynh hướng hòa trộn những yếu tố huyền ảo với hiện thực là một sự lựa 64 Hiện thực và huyễn tưởng trong Ổ quỷ của M.Bulgakov chọn quả quyết và chính xác của ông. Và ông sẽ trung thành đến cùng với sự lựa chọn này. Sở dĩ Nghệ nhân và Margarita đã trở thành kiệt tác cũng phần lớn, nếu không nói là tất cả, nhờ vào khuynh hướng bút pháp này. Sự lựa chọn thủ pháp huyền ảo làm sáng tỏ bản chất thực tại không hẳn là sự “noi theo” Gogol, mà chủ yếu, theo chúng tôi, xuất phát từ hiện thực đương đại bề bộn đòi hỏi một phương pháp tiếp cận và giải quyết vấn đề mới. Huyền ảo, lạ hoá với những tính chất và phẩm chất riêng biệt và vốn có của thực tại là một sự mở rộng, giải phóng những khả năng, những giới hạn của ngòi bút Bulgakov, nó giúp cho nhà văn nhận thức và phản ánh những chiều kích góc cạnh phức tạp, đan xen chồng chéo của đời sống thường nhật và ở một mức độ cao hơn là tồn tại xã hội. Truyện ngắn Ổ quỷ đã cho người đọc nhìn rõ hơn, sâu sắc hơn về tệ quan liêu và đồng thời gợi suy tưởng về thân phận những “con người nhỏ bé” trong cuộc đời. Thủ pháp hiện thực kết hợp với huyễn tưởng trong truyện ngắn này báo hiệu cho sự manh nha ý đồ sáng tác Nghệ nhân và Margarita - kiệt tác tổng kết những suy ngẫm của về toàn bộ tồn tại xã hội của nhân loại trong mối quan hệ tương tác vô cùng phức tạp giữa cái Thiện và cái Ác. Có thể nói, trong sự nghiệp sáng tác của Bulgakov, Ổ quỷ là sự bắt đầu của bút pháp hiện thực - huyễn tưởng và Nghệ nhân và Margarita là sự kết tinh thành quả của bút pháp này. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] M.A. Bulgakov, 1992. Tuyển tập tác phẩm, 5 tập. Nxb Văn học, Matxcova, (nguyên bản tiếng Nga).
Tài liệu liên quan