Tóm tắt. Nghiên cứu này nhằm khám phá các mối quan hệ giữa ba biến số độc lập - các
chiến lược đọc hiểu siêu nhận thức, sự nhận thức cú pháp và kiến thức từ vựng với một biến
số phụ thuộc - thành công đọc hiểu của 107 sinh viên chuyên ngành tiếng Anh. Kết quả thu
được từ sự phân tích hồi quy bội cho thấy rằng các chiến lược đọc hiểu siêu nhận thức, sự
nhận thức cú pháp và kiến thức từ vựng có những ảnh hưởng tích cực đến thành công đọc
hiểu. Tuy nhiên, sự chuyên sâu về kiến thức từ vựng không phải là biến số dự báo mạnh
đối với thành công đọc hiểu. Kết quả nghiên cứu cho thấy rằng sự nhận thức về cú pháp là
biến số dự báo mạnh, nhưng các chiến lược đọc hiểu siêu nhận thức là biến số dự báo mạnh
nhất đối với thành công đọc hiểu.
7 trang |
Chia sẻ: thanhle95 | Lượt xem: 263 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Khám phá các yếu tố ảnh hưởng đến thành công đọc hiểu của sinh viên chuyên ngành Tiếng Anh, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE DOI: 10.18173/2354-1075.2015-0061
Educational Sci., 2015, Vol. 60, No. 6, pp. 131-137
This paper is available online at
KHÁM PHÁ CÁC YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN THÀNH CÔNG ĐỌC HIỂU
CỦA SINH VIÊN CHUYÊN NGÀNH TIẾNG ANH
Trần Văn Đạt
Phòng Quản lí khoa học & Hợp tác quốc tế, Trường Đại học An Giang
Tóm tắt. Nghiên cứu này nhằm khám phá các mối quan hệ giữa ba biến số độc lập - các
chiến lược đọc hiểu siêu nhận thức, sự nhận thức cú pháp và kiến thức từ vựng với một biến
số phụ thuộc - thành công đọc hiểu của 107 sinh viên chuyên ngành tiếng Anh. Kết quả thu
được từ sự phân tích hồi quy bội cho thấy rằng các chiến lược đọc hiểu siêu nhận thức, sự
nhận thức cú pháp và kiến thức từ vựng có những ảnh hưởng tích cực đến thành công đọc
hiểu. Tuy nhiên, sự chuyên sâu về kiến thức từ vựng không phải là biến số dự báo mạnh
đối với thành công đọc hiểu. Kết quả nghiên cứu cho thấy rằng sự nhận thức về cú pháp là
biến số dự báo mạnh, nhưng các chiến lược đọc hiểu siêu nhận thức là biến số dự báo mạnh
nhất đối với thành công đọc hiểu.
Từ khóa: Các chiến lược đọc hiểu siêu nhận thức, sự nhận thức cú pháp, kiến thức từ vựng,
thành công đọc hiểu.
1. Mở đầu
Một trong những kĩ năng quan trọng nhất đối với sinh viên đại học chuyên ngành tiếng Anh
là khả năng lĩnh hội hiệu quả các văn bản tiếng Anh học thuật [2;7]. Mức độ lĩnh hội đối với khả
năng đọc hiểu học thuật phức tạp hơn các loại đọc hiểu thông thường khác. Thành công đọc hiểu
của sinh viên chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng kiến thức từ vựng, sự
nhận thức cú pháp, và các chiến lược đọc hiểu siêu nhận thức là ba yếu tố chính ảnh hưởng đến khả
năng đọc hiểu của sinh viên chuyên ngành tiếng Anh, nơi tiếng Anh được sử dụng như ngôn ngữ
thứ nhất. Tuy nhiên, những nghiên cứu điều tra ảnh hưởng của các yếu tố này đến khả năng đọc
hiểu của sinh viên chuyên ngành tiếng Anh tại Việt Nam - nơi tiếng Anh được xem là một ngoại
ngữ - ít được nghiên cứu. Do vậy, điều tra ảnh hưởng của ba yếu tố - kiến thức từ vựng, sự nhận
thức về cú pháp và các chiếc lược đọc hiểu siêu nhận thức đến thành công đọc hiểu của sinh viên
chuyên ngành tiếng Anh có ý nghĩa khoa học và thực tiễn trong việc giúp giảng viên và sinh viên
chuyên ngành tiếng Anh thay đổi phương pháp dạy và học nhằm nâng cao năng lực đọc hiểu tiếng
Anh học thuật hiện nay.
Vai trò của kiến thức từ vựng. Kiến thức từ vựng là một yếu tố quan trọng, quyết định đến
thành công đọc hiểu của người học khi học ngôn ngữ nước ngoài [7;12]. Mối tương quan giữa kiến
thức từ vựng và năng lực đọc hiểu đối với người bản ngữ và ngôn ngữ nước ngoài được các nhà
ngôn ngữ học nhấn mạnh qua nhiều nghiên cứu. Khảo sát trên 217 học viên tham gia khóa đào
tạo tiếng Anh chuyên sâu dành cho người nói tiếng Anh như ngôn ngữ nước ngoài, Qian đã khẳng
Ngày nhận bài: 10/02/2014. Ngày nhận đăng: 20/05/2015.
Liên hệ: Trần Văn Đạt, e-mail: tvdat@agu.edu.vn.
131
Trần Văn Đạt
định rằng trong các yếu tố có ảnh hưởng đến năng lực đọc hiểu thì kiến thức từ vựng đóng vai trò
quan trọng nhất trong việc nhận biết năng lực đọc hiểu của học viên. Nghiên cứu của Qian đã xác
thực kết quả của các nhà nghiên cứu trước đây. Các nghiên cứu [15;16] đã khảo sát mức độ ảnh
hưởng của kiến thức từ vựng đối với năng lực đọc hiểu và kết quả cho thấy rằng mối tương quan
giữa kiến thức từ vựng và năng lực đọc hiểu đạt giá trị tương quan r =.41 [15] và r =.93 [16], tương
ứng. Tương tự, nghiên cứu [17] cho ra kết quả tương quan r =.50 và nghiên cứu [11] cho ra kết quả
tương quan r =.73 giữa kiến thức từ vựng và năng lực đọc hiểu của học viên.
Vai trò của sự nhận thức cú pháp. Bên cạnh kiến thức từ vựng, các nghiên cứu cho thấy sự
nhận thức cú pháp là một nhân tố ảnh hưởng lớn đến năng lực đọc hiểu [9]. Nhận thức cú pháp là
khả năng hiểu cấu trúc ngữ pháp của ngôn ngữ trong câu, là năng lực hiểu nội dung bài đọc dựa
vào sự nhận diện chức năng của cấu trúc câu được sử dụng trong bài đọc [6]. Mối liên hệ giữa
nhận thức cú pháp và năng lực đọc hiểu đã được các nhà khoa học khẳng định qua nhiều nghiên
cứu. Các nghiên cứu tương quan [13;5] điều tra về mối liên hệ giữa sự nhận thức cú pháp và năng
lực đọc hiểu của người học tiếng bản ngữ và ngoại ngữ đã cho kết quả lần lượt là r =.57 và r =.69,
tương ứng. Ngoài ra, các nghiên cứu thực nghiệm đã chỉ ra rằng năng lực đọc hiểu phụ thuộc đáng
kể vào năng lực nhận thức cú pháp [8].
Vai trò của các chiến lược đọc hiểu siêu nhận thức. Trong khuôn khổ nghiên cứu kĩ năng
đọc hiểu tiếng bản ngữ và tiếng nước ngoài, nhiều nghiên cứu cũng đã khẳng định mối liên hệ giữa
năng lực sử dụng các chiến lược đọc hiểu siêu nhận thức và năng lực đọc hiểu. Người đọc có chiến
lược đọc tốt là người biết cách sử dụng, phối hợp các nguồn lực nhận thức, các chiến thuật khác
nhau trong quá trình đọc. Trong quá trình đọc, người đọc cần tư duy để liên kết các thông tin trong
bài đọc. Quá trình tư duy là quá trình nhận thức và áp dụng các chiến lược tư duy ứng dụng cho
một tình huống học tập trong và ngoài lớp học [9]. Do đó, người đọc cần tư duy sử dụng các chiến
lược đọc để hiểu bài đọc. Sự khác biệt giữa người đọc có kĩ năng và không có kĩ năng là cách nhận
thức và sử dụng các chiến lược đọc trong thực tế. Tầm quan trọng của năng lực sử dụng các chiến
lược đọc đã được nhấn mạnh trong nhiều nghiên cứu tương quan và các nghiên cứu thực nghiệm.
Gelderen, Schoonen, Glooper, Hulstijin, Simis, Snellings, Smith & Stevenson đã thực hiện một
nghiên cứu về mối tương quan giữa năng lực sử dụng các chiến lược đọc và năng lực đọc, kết quả
nghiên cứu đã cho kết quả khá ấn tượng với chỉ số mối tương quan r =.72 [4]. Ngoài ra, các nghiên
cứu [1;14] đã sử dụng các bài đọc ngắn để kiểm tra mối tương quan giữa năng lực đọc và chiến
lược đọc. Kết quả của các nghiên cứu này khẳng định tầm quan trọng của việc sử dụng các chiến
lược đọc đối với hiệu quả đọc của học viên.
2. Nội dung nghiên cứu
2.1. Giả thuyết nghiên cứu
Tổng quan tài liệu cho thấy rằng vốn từ vựng, sự nhận thức cú pháp và các chiến lược đọc
hiểu siêu nhận thức có những ảnh hưởng đáng kể đến kết quả đọc. Nhằm góp phần cải thiện việc
dạy và học tiếng Anh chuyên ngành tại Trường Đại học An Giang, nghiên cứu này tập trung điều
tra mức độ ảnh hưởng của vốn từ vựng, nhận thức cú pháp câu, và năng lực sử dụng các chiến lược
đọc đối với thành công đọc hiểu của sinh viên chuyên ngành tiếng Anh. Với lí do đó, nghiên cứu
này được thực hiện nhằm kiểm chứng các giả thuyết sau đây:
H1: Kiến thức ngữ vựng là một chỉ báo quan trọng đối với thành công đọc hiểu.
H2: Sự nhận thức cú pháp là một chỉ báo quan trọng đối với thành công đọc hiểu.
H3: Các chiến lược đọc hiểu siêu nhận thức (phân tích và thực dụng) là các chỉ báo quan
trọng đối với thành công đọc hiểu.
132
Khám phá các yếu tố ảnh hưởng đến thành công đọc hiểu của sinh viên chuyên ngành Tiếng Anh
2.2. Phương pháp nghiên cứu
2.2.1. Mẫu nghiên cứu
Nghiên cứu này sử dụng một mẫu thuận tiện, bao gồm 107 sinh viên chuyên ngành tiếng
Anh năm thứ nhất tại Khoa Sư phạm, Trường Đại học An Giang; trong đó, có 86 sinh viên nữ
(80,6%) và 21 sinh viên nam (19,6%), với độ tuổi trung bình là 20,19 (độ tuổi thấp nhất là 20 và
cao nhất là 22).
2.2.2. Thiết kế nghiên cứu
Nghiên cứu này sử dụng thiết kế mối tương quan để điều tra ảnh hưởng của ba biến số độc
lập - vốn từ vựng, sự nhận thức cú pháp và các chiến lược đọc hiểu siêu nhận thức - đến một biến
số phụ thuộc - thành công đọc hiểu.
2.2.3. Công cụ nghiên cứu
Thang đo vốn từ vựng (DVK). Thang đo năng lực am hiểu từ vựng do tác giả biên soạn và
xây dựng, được sử dụng để đo năng lực am hiểu từ vựng của sinh viên. Mục đích của thang đo
này là kiểm tra hai phương diện am hiểu ngữ vựng: (1) nghĩa của từ (tính đồng nghĩa và tính nhiều
nghĩa) và sự kết hợp ngữ vựng, và (2) các mối quan hệ ngữ đoạn và sự biến hóa của từ. Thang đo
có 19 câu hỏi, mỗi câu hỏi có 4 sự lựa chọn, trong đó có 1 câu trả lời đúng, và mỗi câu trả lời đúng
sẽ được 1 điểm. Điểm tối đa của thang đo là 19. Sinh viên thực hiện thang đo trong vòng 25 phút.
Độ tin cậy Cronbach Alpha của thang đo được xác định là .83.
Thang đo nhận diện cú pháp (SAQ). Thang đo năng lực nhận diện cú pháp câu [8], được sử
dụng để đo năng lực nhận diện cú pháp câu của sinh viên. Mục đích của thang đo này là yêu cầu
sinh viên viết một câu hoàn chỉnh đúng ngữ pháp từ 2 đến 4 câu được cung cấp. Thang đo có 19
câu hỏi, mỗi câu hỏi có 1 câu trả lời đúng, và mỗi câu trả lời đúng sẽ được 1 điểm. Điểm tối đa của
thang đo là 19. Sinh viên thực hiện thang đo trong vòng 25 phút. Độ tin cậy Cronbach Alpha của
thang đo được xác định là .87.
Thang đo các chiến lược đọc hiểu siêu nhận thức (MRSQ). Thang đo các chiến lược đọc
hiểu siêu nhận thức [18] được sử dụng để xác định mức độ thường xuyên mà sinh viên sử dụng
khi đọc các tài liệu học thuật tiếng Anh. Thang đo này bao gồm 22 phát biểu, được nhóm thành
2 nhân tố chính, bao gồm các chiến lược đọc phân tích (analytic reading strategies) và các chiến
lược đọc thực dụng (pragmatic reading strategies). Các chiến lược đọc phân tích bao gồm 16 phát
biểu (Trong lúc đọc, tôi đánh giá bài đọc nhằm xác định xem có giúp ích cho kiến thức/ hiểu biết
về chủ đề đọc không; Sau khi đọc, tôi nghĩ cách áp dụng những kiến thức thu nhận từ bài đọc;
Tôi cố gắng mô tả kiến thức về chủ đề để giúp tôi hiểu những gì tôi đang đọc; Tôi cân nhắc và
rà soát lại kiến thức nền về chủ đề bài đọc, dựa trên nội dung bài; Tôi cân nhắc và rà soát lại các
thắc mắc trước đây về chủ đề bài đọc, dựa trên nội dung bài; Sau khi đọc, tôi suy nghĩ theo nhiều
cách hiểu khác để xác định xem mình có hiểu bài đọc không; Khi đọc, tôi phân biệt thông tin đã
biết và thông tin mới; Khi thông tin thiết yếu của bài đọc không được thể hiện trực tiếp, tôi sẽ cố
gắng suy ra từ nội dung bài đọc; Tôi đánh giá xem những gì đang đọc có liên quan đến mục tiêu
đọc hay không; Tôi tìm thông tin liên quan đến mục đích đọc; Tôi đoán xem thông tin nào sẽ xuất
hiện tiếp theo trong bài; Trong khi đọc, tôi cố gắng tìm nghĩa của các từ quan trọng chưa biết trong
bài; Khi đọc, tôi kiểm tra xem mình có nắm được nội dung đang đọc không; Trong khi đọc, tôi
khai thác thế mạnh bản thân nhằm hiểu tốt hơn. Nếu kĩ năng đọc tốt, tôi tập trung vào nội dung
bài đọc; nếu tôi giỏi về các số liệu và biểu đồ, tôi sẽ tập trung hơn vào các thông tin đó; Trong khi
đọc, tôi hình dung (hình ảnh hóa) các chi tiết để hiểu bài đọc tốt hơn; Tôi ghi chú xem bài đọc khó
hoặc dễ thế nào), và các chiến lược đọc thực dụng bao gồm 6 phát biểu (Tôi ghi chú để ghi nhớ
tốt hơn; Tôi gạch dưới và tô nổi các thông tin quan trọng để sau này dễ tìm lại; Trong lúc đọc, tôi
133
Trần Văn Đạt
viết các câu hỏi và ghi chú ra lề giấy nhằm hiểu bài đọc tốt hơn; Tôi gạch dưới khi đọc nhằm ghi
nhớ thông tin; Tôi đọc tài liệu nhiều lần để nhớ thông tin; Khi có khó khăn trong đọc hiểu một tài
liệu, tôi đọc lại lần nữa). Sinh viên hoàn thành thang đo này trong vòng 25 phút. Đối với mỗi phát
biểu, sinh viên được yêu cầu xác định trên thang đo 5 điểm. Mỗi phát biểu được cho điểm 1, 2, 3,
4 và 5, tương ứng với câu trả lời Chưa bao giờ sử dụng (1), Hiếm khi sử dụng (2), Thỉnh thoảng sử
dụng (3), Thường xuyên sử dụng (4), và Luôn luôn sử dụng (5)). Độ tin cậy của hai nhân tố được
đo lường dựa trên mẫu nghiên cứu (n = 107), sử dụng phần mềm SPSS. Mức độ sử dụng các chiến
lược đọc được xác định thông qua khoảng điểm của thang đo, khoảng 4.50-5.00 = Luôn luôn sử
dụng; 3.50-4.40 = Thường xuyên sử dụng; 2.50-3.40 = Thỉnh thoảng sử dụng; 1.50-2.40 = Hiếm
khi sử dụng; và 1.00-1.40 = Không bao giờ sử dụng. Độ tin cậy Cronbach Alpha của thang đo các
chiến lược đọc phân tích là .86, và các chiến lược đọc thực dụng là .84.
Bài kiểm tra năng lực đọc hiểu (TOEFL). Bài kiểm tra năng lực đọc hiểu (A TOEFL
Reading for Basic Comprehension) do tác giả biên soạn, dựa trên ngân hàng đề thi TOEFL, được
sử dụng để đo thành công đọc hiểu của sinh viên. Bài kiểm tra này bao gồm 5 đoạn văn học thuật
với tổng số 30 câu hỏi, mỗi câu hỏi có 4 sự lựa chọn. Mỗi câu hỏi chỉ có một câu trả lời đúng, và
mỗi câu trả lời đúng sẽ được 1 điểm. Điểm tối đa của bài kiểm tra là 30 điểm. Sinh viên thực hiện
bài kiểm tra này trong vòng 45 phút. Độ tin cậy Cronbach Alpha của bài kiểm tra này được xác
định là .89.
2.2.4. Tiến trình nghiên cứu
Tất cả 4 công cụ nghiên cứu trên được gửi đến 107 sinh viên đại học chuyên ngành Tiếng
Anh năm thứ nhất vào giữa Học kì 2 năm học 2013-2014 (tháng 04/2014). Sinh viên sẽ lần lượt
làm bài kiểm tra thành công đọc hiểu, bài kiểm tra sự am hiểu từ vựng, các chiến lược đọc hiểu và
sau cùng là bài kiểm tra năng lực nhận diện cấu trúc câu. Thời gian để sinh viên hoàn thành các
công cụ nghiên cứu này là 120 phút.
2.2.5. Phân tích dữ liệu
Dữ liệu được phân tích bao gồm dữ liệu từ (1) bài kiểm tra năng lực đọc hiểu, và (2) các
thang đo sự am hiểu từ vựng, năng lực cú pháp và các chiến lược đọc hiểu siêu nhận thức. Hệ
số tương quan (Pearson Correlation Coefficient) giữa các biến số độc lập và biến số phụ thuộc
được ước lượng. Phương pháp phân tích mối tương quan (correlation), và hồi quy bội (multiple
regression) được sử dụng để kiểm nghiệm giả thuyết. Tất cả các phân tích và kiểm định giả thuyết
được xác lập ở mức ý nghĩa p <.05.
2.3. Kết quả vào thảo luận
Để xác định biến số nào lần lược được đưa vào phương trình hồi quy, mối tương quan của
4 biến số độc lập và phụ thuộc được ước lượng. Bảng 1 trình bày các thống kê mô tả của 5 biến số
đo lường. Kết quả trình bày ở Bảng 2 cho thấy hai biến số - các chiến lược đọc phân tích (ARS)
và các chiến lược đọc thực dụng (PRS) - cần được đưa vào phân tích trước vì chúng có mối tương
quan cao nhất với kết quả đọc hiểu (TOEFL) với giá trị r =.64, p <.01 và r =.62, p <.01, tương ứng.
Hai biến số còn lại tiếp tục được đưa vào phân tích là các biến số - nhận thức cú pháp (SAQ) với
giá trị r =.58, p <.01, và kiến thức ngữ vựng (DKV) với giá trị r =.46, p <.01.
Bảng 1. Trị trung bình, độ lệch chuẩn, và hệ số tin cậy của 4 biến số đo lường
Biến số Trung bình Độ lệch chuẩn Hệ số tin cậy α
ARS* 3.40 .4616 .86
PRS* 4.57 .7020 .84
134
Khám phá các yếu tố ảnh hưởng đến thành công đọc hiểu của sinh viên chuyên ngành Tiếng Anh
SAQ* 13.60 4.356 .87
DVK* 13.15 4.153 .83
TOEFL** 17.85 7.090 .89
Ghi chú: * Biến độc lập; ** Biến phụ thuộc
Bảng 2. Mối tương quan Pearson giữa 4 biến số đo lường
TOEFL SAQ DVK ARS PRS
TOEFL 1 .581** .466** .647** .624**
SAQ .581** 1 .752** .630** .419**
DVK .466** .752** 1 .506** .496**
ARS .647** .630** .506** 1 .351**
PRS .624** .419** .496** .351** 1
Ghi chú: n = 107; **p <.01 (two-tailed)
Bảng 3. Kết quả phân tích hồi quy bội để dự đoán kết quả đọc hiểu
Model B SE B β t Sig.
ARS 3.868 1.360 .252** 2.844 .005
PRS 1.605 .801 .247** 2.148 .048
SAQ .403 .188 .232** 2.135 .034
DVK .396 .185 .159** 2.003 .035
R2 =.52; **p <.05; Biến độc lập: ARS, PRS, SAQ và DVK; Biến phụ thuộc: TOEFL
Kết quả phân tích hồi quy bội được trình bày ở Bảng 3. Kết quả phân tích ANOVA cho thấy
rằng mô hình hồi quy giải thích 52% phương sai (F(4,102) = 28.157, p <.001). Kết quả thu được
từ sự phân tích hồi quy đã xác nhận tính đúng đắn của các giả thuyết nghiên cứu, đó là kiến thức
ngữ vựng, sự nhận thức cú pháp, các chiến lược đọc phân tích, và các chiến lược đọc thực dụng là
những chỉ báo quan trọng đối với thành công đọc hiểu. Kết quả nghiên cứu cho thấy rằng các biến
số dự đoán mạnh nhất đối với kết quả đọc hiểu là chiến lược đọc phân tích (β =.252, t = 2.844, p
=.005), chiến lược đọc thực dụng (β =.247, t = 2.148, p =.048), và sự nhận thức cú pháp câu (β
=.232, t = 2.135, p =.034). Mặc dù sự am hiểu kiến thức ngữ vựng ảnh hưởng tích cực đến thành
công đọc hiểu của sinh viên nhưng yếu tố này không phải là biến số dự đoán mạnh (β =.159, t =
2.003, p =.035) đối với kết quả đọc hiểu. Thành công đối với môn đọc hiểu là nền tảng cơ bản đối
với thành công học thuật của người học ngoại ngữ với mục đích học thuật. Có nhiều yếu tố ngôn
ngữ ảnh hưởng đến thành công đọc hiểu của người học. Kết quả nghiên cứu hiện tại cho thấy rằng
sự am hiểu kiến thức ngữ vựng không phải là yếu tố dự đoán mạnh đối với kết quả đọc hiểu, trong
khi đó yếu tố nhận thức cú pháp câu là yếu tố dự đoán mạnh đối với kết quả đọc hiểu. Nghiên cứu
này cho thấy rằng yếu tố dự đoán mạnh nhất đối với kết quả đọc hiểu là các chiến lược đọc hiểu
siêu nhận thức, bao gồm các chiến lược đọc phân tích và các chiến lược đọc thực dụng. Điều này
cho thấy rằng khi sinh viên càng sử dụng thường xuyên các chiến lược đọc hiểu siêu nhận thức
135
Trần Văn Đạt
trong quá trình đọc tài liệu tiếng Anh học thuật thì thành công đọc hiểu của sinh viên càng tăng.
Kết quả nghiên cứu này tương thích với các kết quả nghiên cứu trước đây [3;10] khi đưa ra nhận
định rằng có một mối quan hệ dương giữa các chiến lược đọc hiểu siêu nhận thức và thành công
đọc hiểu của sinh viên ngành tiếng Anh.
3. Kết luận
Nghiên cứu ảnh hưởng của các yếu tố ngôn ngữ, bao gồm các chiến lược đọc siêu nhận
thức, sự nhận thức cú pháp, kiến thức ngữ vựng đối với thành công đọc hiểu đóng một vai trò qua
trọng cả về phương diện lí thuyết và thực tiễn trong việc dạy và học ngôn ngữ tiếng Anh chuyên
ngành. Kết quả nghiên cứu khẳng định rằng trong tất cả các yếu tố ngôn ngữ được điều tra thì yếu
tố các chiến lược đọc hiểu siêu nhận thức, bao gồm chiến lược đọc phân tích và chiến lược đọc
thực dụng là yếu tố dự đoán mạnh nhất đối với thành công đọc hiểu. Nghiên cứu hiện tại cung cấp
những thông tin có giá trị và ý nghĩa về việc sử dụng các chiến lược đọc hiểu siêu nhận thức của
sinh viên chuyên ngành tiếng Anh. Kết quả nghiên cứu cho thấy sinh viên thường xuyên sử dụng
các chiến lược đọc hiểu siêu nhận thức (M = 3.99; MARS = 3.40; MPRS = 4.57) trong khi đọc tài
liệu học thuật. Mối quan hệ dương giữa các chiến lược đọc phân tích (r =.64) và các chiến lược đọc
thực dụng (r =.62) với thành công đọc hiểu cho thấy rằng khi sinh viên sử dụng các chiến lược đọc
hiểu ở mức độ thường xuyên thì họ sẽ đạt kết quả cao trong môn đọc hiểu. Nhận định thu được
từ kết quả nghiên cứu cho thấy rằng giảng viên tiếng Anh chuyên ngành, bên cạnh việc giúp sinh
viên tích lũy vốn từ vựng và nâng cao năng lực nhận thức cú pháp, cần nâng cao nhận thức của
sinh viên về tầm quan trọng của của các chiến lược đọc và áp dụng thường xuyên các chiến lược
đọc này trong tiến trình giảng dạy môn đọc hiểu để năng cao năng lực đọc và thành công đọc hiểu
của sinh viên. Trong thực tế, giảng viên không chỉ dạy cho sinh viên những kiến thức cơ bản về
các chiến lược này mà họ cần phải hướng dẫn sinh viên chiếm lĩnh và sử dụng chúng một cách
hiệu quả. Mặc dù kết quả nghiên cứu trên có những đóng góp quan trọng vào khối tri thức hiện tồn
nhưng nó vẫn còn một số hạn chế. Thứ nhất, do mẫu nghiên cứu tương đối nhỏ nên những nghiên
cứu tiếp diễn cần những mẫu nghiên cứu lớn hơn để khái quát hóa kết quả nghiên cứu ở phạm vi
rộng hơn. Thứ hai, những nghiên cứu tiếp diễn cần được lặp lại đối với các đối tượng sinh viên
khác ở những địa điểm nghiên cứu khác để xem xét có hay không các chiến lược đọc hiểu siêu
nhận thức là yếu tố dự đoán mạnh nhất đối với thành công đọc hiểu.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Carrell, P. L., Pharis, B. G., Liberto, J. C., 1989. Metacognitive strategy training for ESL
reading, TESOL Quarterly 23, 647-678.
[2] Dreyer, C., Nel, C., 2003. Teaching reading strategies and reading comprehension within a
technology-enhanced learning environbment. System, 31, 340-365.
[3] Eilers, H.L., Pinkley, C., 2006.Metacognitive strategies help students to comprehend all text.
Reading Improvement, 43(1), 13-19.
[4] Gelderen, A. V., Schoonen R., Glooper, K. D., Hulstijin, J., Simis, A., Snellings, P., Smith, A.,
Stevenson, M., 2003. Roles of linguistic knowledge, metacognitive knowledge and processing
speed in L3, L2 and L1 reading comprehension: A structural equation modeling approach.
The International Journal of Bilingualism,