Khoảnh khắc khai ngộ và sự dịch chuyển nhân vật trung tâm trong truyện ngắn Raymond Carver

Tóm tắt. Raymond Carver (1939 – 1988), nhà văn Mỹ được xem là người có nhiều ảnh hưởng đến văn chương đương đại thế giới. Dẫu còn nhiều tranh cãi về khuynh hướng viết văn của ông nhưng không thể phủ nhận rằng, kiểu nhân vật trung tâm bị phá vỡ so với truyền thống là một trong những biểu hiện rất đặc trưng của lối viết mới, đem lại sự cộng hưởng và nhập cuộc đầy hứng khởi cho bạn đọc đương đại. Trong đó, việc tạo nên những khoảnh khắc để nhân vật khai ngộ và sự dịch chuyển nhân vật trung tâm là những nét làm nên dấu ấn riêng cho truyện ngắn của Carver.

pdf6 trang | Chia sẻ: thanhle95 | Lượt xem: 232 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Khoảnh khắc khai ngộ và sự dịch chuyển nhân vật trung tâm trong truyện ngắn Raymond Carver, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE Social Sci., 2014, Vol. 59, No. 10, pp. 50-55 This paper is available online at KHOẢNH KHẮC KHAI NGỘ VÀ SỰ DỊCH CHUYỂN NHÂN VẬT TRUNG TÂM TRONG TRUYỆN NGẮN RAYMOND CARVER Nguyễn Thị Hạnh Khoa Xã hội, Trường Đại học Hồng Đức Tóm tắt. Raymond Carver (1939 – 1988), nhà văn Mỹ được xem là người có nhiều ảnh hưởng đến văn chương đương đại thế giới. Dẫu còn nhiều tranh cãi về khuynh hướng viết văn của ông nhưng không thể phủ nhận rằng, kiểu nhân vật trung tâm bị phá vỡ so với truyền thống là một trong những biểu hiện rất đặc trưng của lối viết mới, đem lại sự cộng hưởng và nhập cuộc đầy hứng khởi cho bạn đọc đương đại. Trong đó, việc tạo nên những khoảnh khắc để nhân vật khai ngộ và sự dịch chuyển nhân vật trung tâm là những nét làm nên dấu ấn riêng cho truyện ngắn của Carver. Từ khóa: Raymond Carver, khoảnh khắc khai ngộ, dịch chuyển nhân vật trung tâm. 1. Mở đầu Với hơn 70 truyện ngắn được ấn hành, cái tên Raymond Carver không còn xa lạ với bạn đọc. Từ tập truyện đầu tay Em làm ơn im đi được không?, Raymond Carver đã “thổi một luồng gió mới vào thế giới truyện ngắn Mỹ, và ngay lập tức trở thành một bậc thầy về hình thức” (Philadelphia Inquire) [3], đến tập truyện Mình nói gì khi mình nói chuyện tình - “một cuốn sách ngụ ngôn cho cả thập kỉ này” (Jayne Anne Phillip) [2] và tập truyện Thánh đường “đã xây dựng danh tiếng cho tác giả của nó như một trong những giọng văn mới độc đáo nhất của thể loại hư cấu từng xuất hiện trên nước Mỹ trong suốt nhiều năm qua” (Bill Buford) [4] gần đây nhất cũng đã có mặt ở Việt Nam. Xuyên suốt trong các tập truyện ấy, chúng tôi nhận thấy nguyên tắc phi trung tâm chi phối nhất quán đến cách xây dựng nhân vật của Carver, từ việc nhân vật khai ngộ cho đến sự dịch chuyển vai trò trung tâm của các nhân vật. Từ đó, độc giả nhập cuộc và cộng hưởng theo nhiều cách khác nhau tạo nên nhiều “rễ chùm” cho chủ đề của truyện. 2. Nội dung nghiên cứu 2.1. Khoảnh khắc khai ngộ Truyện của Carver thường được chú ý nhiều vào những chi tiết, khoảnh khắc. Đây là điểm nhấn cho toàn bộ diện mạo câu chuyện. Nhà văn ít chú tâm mô tả quá trình, diễn biến mà thường dừng lại ở một thời khắc nào đó để các nhân vật “ngộ” ra, nhận diện hoặc loé lên những suy nghĩ, Ngày nhận bài 11/10/2013. Ngày nhận đăng 25/01/2014. Liên lạc Nguyễn Thị Hạnh, e-mail: hanh-thanh @yahoo.com 50 Khoảnh khắc khai ngộ và sự dịch chuyển nhân vật trung tâm trong truyện ngắn ... nhận thức mới. Những suy nghĩ được “khai ngộ” tưởng chừng đóng vai trò trung tâm để nhân vật vận động và thay đổi, đồng thời góp phần xác lập vị trí trung tâm cho nhân vật song dường như không phải. Bởi lẽ, sau mỗi “khoảnh khắc” ấy, nhân vật được “khai ngộ” bằng nhận thức còn hành động lại mang tính bỏ ngỏ, khó xác định liệu rằng nhân vật sẽ đổi thay? Khoảnh khắc khai ngộ của các nhân vật trong các truyện có thể được tạo ra từ đầu truyện và nối dài đến cuối truyện, nhưng cũng có thể “khai ngộ” ở những dòng sau chót của truyện. Tôi thấy được những thứ nhỏ nhặt nhất ghi nhận khoảnh khắc “tôi đang nằm trên giường thì nghe tiếng cổng” và “một vầng trăng to tướng lơ lửng trên rặng núi chạy quanh thành phố. Mặt trăng màu trắng và chi chít sẹo”. Thanh âm cùng ánh trăng đã khơi gợi trong “tôi” những cảm giác khác lạ. Ban đầu là “tiếng Cliff thở nghe rất kinh khủng” và sau đó là sự liên tưởng đến “thứ gì đó mắc kẹt và nhỏ dãi dớt trong ngực hắn. . . Nó khiến “tôi” nghĩ đến những thứ Sam Lawton rắc bột lên. Trong một phút tôi nghĩ đến thế giới bên ngoài ngôi nhà này. . . ”. Sống với Cliff bấy lâu nhưng “tôi” có vẻ an bài và chấp nhận. Khoảnh khắc của những thanh âm và màu sáng trắng của ánh trăng soi rọi đã giúp “tôi” thấy được “những thứ nhỏ nhặt nhất”. Cảm giác ghê khiếp tiếng thở của người bạn đời và sự liên hệ những dãi dớt trong ngực hắn ta với dãi dớt của đám sên mà tối tối, anh bạn hàng xóm Sam thường rắc vôi bột lên để tiêu diệt “bọn đểu đó”, “cái có thể gây nên tội ác”. Tất cả điều đó đưa đến kết luận cuối cùng rằng “trong một phút, tôi nghĩ đến thế giới bên ngoài ngôi nhà này. . . ”. Nhà văn kết thúc ở thời khắc “tôi” khai ngộ. Liệu “tôi” có tìm ra được một thế giới bên ngoài tốt đẹp hơn không, điều đó dường như không quan trọng. Quan trọng là lần đầu tiên “tôi” nhận thức ra sự bẩn thỉu đáng ghê tởm trong ngôi nhà này, một cuộc sống dù không được nhà văn mô tả và gọi tên cụ thể nhưng chỉ cần qua chi tiết “tôi thức” đối lập với “Cliff ngủ”, “Tôi lay nhẹ Cliff” đối lập với việc “hắn chẳng bận tâm”, “tôi ra ngoài trong đêm khuya còn hắn ta vẫn say sưa ngủ chẳng mảy may biết gì cũng đủ gợi ra độ vênh lớn trong sự hoà nhịp tinh thần. “Tôi” nhạy cảm và cam chịu bên cạnh một “hắn” vô tâm và thô tục. Lần đầu tiên trong bao nhiêu năm sống cùng, “tôi” mới có ý thức “rắc bột” lên để tẩy rửa sự ô uế từ người chồng. Sự khai ngộ ấy dẫu rằng chưa hẳn đem lại cho “tôi” một cuộc sống mới tốt đẹp nhưng ít nhiều giúp cho “tôi” nhận thức đúng đắn hơn về cuộc sống hiện tồn. Khoảnh khắc ấy ghi nhận sự nỗ lực thay đổi từ phía nhân vật của Carver. Tuy nhiên, cũng giống như những nhân vật khai ngộ khác của ông, dường như rốt cuộc nhân vật vẫn rơi vào cuộc sống tuyệt vọng tiếp sau. Bởi “thế giới bên ngoài” là cuộc sống mới khác với không gian tù túng, đặc quánh những “dãi dớt” nhưng ngẫm lại, thế giới ấy cũng chẳng tươi sáng hơn là bao. Nghĩa là “khai ngộ” chưa hẳn đã giúp cho nhân vật của Carver thay đổi. Người đọc nhận thấy rất khó xác định liệu nhân vật có thể bứt phá, thay đổi cuộc sống. “Tôi” trong Tôi thấy được những thứ nhỏ nhặt nhất nhìn thấy được những thứ nhỏ nhất song rốt cuộc có thể nhìn thấy được những thứ lớn lao liên quan đến số phận cuộc đời mình để đổi thay? Truyện của Carver chủ yếu để cho nhân vật khai ngộ vào thời khắc cuối truyện. Béo, Ý tưởng, Em làm ơn im đi được không?. . . là những truyện nằm trong nhóm thứ hai này. Đây không phải là một “đặc điểm” mang tính ngẫu nhiên. Đặt nhân vật với việc khai ngộ cuối tác phẩm ở trạng thái bỏ lửng, “nước đôi” cùng ngôn từ đã tối giản hết mức, Carver để cho độc giả thoải mái nhập cuộc cùng nhân vật của mình theo những cách cảm nhận và suy luận khác nhau. Trong Ý tưởng, “tôi” cùng chồng phát hiện ra bí mật của hai căn hộ gần đó. Thi thoảng, tối đến, người đàn ông trong căn hộ kế bên vén lưới mò sang căn hộ của người phụ nữ. “Tôi” muốn vạch bí mật này cho người phụ nữ kia biết và luôn miệng gọi cô ta là “đồ rác rưởi”. Sau đó, “tôi” phát hiện trong căn hộ của mình có rất nhiều kiến bò quanh ống nước phía bồn rửa chén và thùng rác. “Tôi” lấy 51 Nguyễn Thị Hạnh bình xịt và tiêu diệt sạch lũ kiến kia. Nhưng sau đó, khi lên giường ngủ, “tôi” lại tưởng tượng ra kiến bò khắp nhà. . . Tôi dậy đi tìm bình xịt”. Dù chẳng thấy con kiến nào nhưng tôi cứ xịt mãi. Hai khoảnh khắc được tạo dựng trong truyện: khoảnh khắc “tôi” phát hiện ra bí mật nhà hàng xóm và khoảnh khắc “tôi” tưởng tượng ra đàn kiến. Nếu khoảnh khắc thứ nhất đơn thuần chỉ mang tính phát hiện, là sự việc được nhìn thấy bằng thị giác thì khoảnh khắc thứ hai là sự việc được tưởng tượng, được cảm nhận bằng cảm giác. Khoảnh khắc thứ hai là khoảnh khắc khai ngộ. Nó giúp nhân vật liên tưởng tới khoảnh khắc thứ nhất để đi tới khẳng định “đồ rác rưởi kia”. “Đồ rác rưởi” vừa mang tính ám chỉ người đàn bà trong căn hộ gần đó vừa là để chỉ đàn kiến trong nhà. Nhân vật ‘tôi” đã khai ngộ sự việc thứ nhất nhờ có sự việc thứ hai. Quanh tôi luôn đặc quánh những thứ nhơ bẩn, rác rưởi: bên ngoài (chuyện nhà hàng xóm) và bên trong căn hộ của mình. Nếu người chồng chỉ thoả mãn đôi chút sự tò mò mang tính bản năng khi người vợ lôi kéo anh ta vào chuyện riêng nhà hàng xóm và ngay sau đó gạt bỏ mọi điều không chút bận lòng, thậm chí còn khuyên người vợ không nên xới tung bí mật ấy ngoài chợ và đánh một giấc ngủ thoải mái thì người vợ luôn ám ảnh, quẩn quanh những chuyện vụn vặt, tầm thường và thổi phồng mọi chuyện một cách thái quá. Không giống với một số truyện ngắn của những nhà văn khác, khi nhân vật khai ngộ sau một khoảnh khắc nào đó thường sẽ gợi mở có thể sẽ có một sự thay đổi nào đó, còn trong Ý tưởng, sau khoảnh khắc khai ngộ, “tôi’ vẫn không hướng tới bất kì một sự thay đổi nào mà ngược lại, càng khắc sâu hơn suy nghĩ, quan niệm, cách nhìn nhận sự việc tồn tại xung quanh theo chiều hướng tiêu cực và cực đoan hoá. Bản thân Carver, trong Gentry 80, đã từng khẳng định rằng: “Phần lớn nhân vật trong truyện của tôi giống nhau một điểm: đến lúc họ hiểu ra rằng sự thoả hiệp và nhượng bộ đóng vai trò chủ đạo trong cuộc sống của họ. Khoảnh khắc khai ngộ đó làm thay đổi cuộc sống thường ngày của họ. . . Thế nhưng sau đó họ nhận ra rằng chẳng có gì là thực sự thay đổi hết” [5]. “Tôi” luôn muốn thổi phồng mọi chuyện với thái độ tẩy chay cuộc sống. Bởi cuộc sống đôi khi vẫn phải chấp nhận sự tồn tại của những điều con người không muốn: đàn kiến kia hay quan hệ lén lút giữa người đàn ông và người đàn bà kia. Nếu có thái độ cảm thông và độ lượng, con người sẽ có tấm lòng rộng mở hơn và nhìn cuộc sống thoáng đạt hơn. Thì ra, đến lúc này nhân vật không khai ngộ nhưng lại giúp cho độc giả khai ngộ. Độc giả nhập cuộc và trở thành nhân vật ẩn tiềm trong truyện. Vì thế, vai trò của nhân vật “tôi” trong truyện và nhân vật - bạn đọc trở nên quan trọng ngang nhau, chúng cùng bổ trợ và ảnh hưởng, tác động lẫn nhau. Truyện Ý tưởng, do vậy, mở ra những chiều sâu tiếp nhận thú vị hơn. Carver ít khi đi sâu miêu tả diễn biến tâm trạng nhân vật, trừ khi đó là tâm trạng của những người đàn ông có vợ ngoại tình. Và cách miêu tả tâm trạng của Carver cũng rất đặc biệt. Ông chỉ miêu tả bằng việc lựa chọn, sử dụng một vài hình ảnh, chi tiết có sức gợi hơn là tả kĩ về nó. Truyện ngắn Em làm ơn im đi, được không? cũng vậy. Ralph trong truyện là người đàn ông mang nỗi đau bị vợ cắm sừng một lần, chuyện ấy luôn ám ảnh anh ta và khiến anh truy hỏi người vợ rất cặn kẽ từng chi tiết nhỏ. Đây là truyện ngắn duy nhất của Raymond Carver nói kĩ về việc làm tình của người đàn bà ngoại tình. Và đây cũng là truyện ngắn duy nhất của ông kể chuyện có nhiều chương, đoạn đi theo diễn biến tâm lí nhân vật. Câu chuyện ngoại tình của vợ được khai thác thông qua sự truy bức về mặt tâm lí của người chồng. Người vợ như bị sức mạnh vô hình cứ khai tuốt tuột mọi chi tiết cụ thể giống như những vòng xoắn của mũi khoan vít chặt nỗi đau vào trái tim người chồng. Bề ngoài, sự tò mò của người chồng được giải quyết nhưng bức màn câu chuyện càng được vén lên bao nhiêu thì nỗi đau trong anh càng chất chứa thêm bấy nhiêu. Anh cố bình thường trước mặt các con, nhưng khi nghe tiếng vợ, vết thương nơi trái tim anh lại rớm máu. Anh gào to: “Em 52 Khoảnh khắc khai ngộ và sự dịch chuyển nhân vật trung tâm trong truyện ngắn ... làm ơn im đi, được không?”. Người vợ cố gắng xoa dịu nỗi đau trong anh bằng hành động rất đàn bà. “Cô cởi váy, ngồi xuống bên giường. Cô luồn tay vào dưới chăn và bắt đầu vuốt ve chỗ thắt lưng anh...”. Ban đầu anh phản ứng lại nhưng sau đó anh bị quy phục trước sức mạnh rất đàn bà mà bất kì người đàn ông nào cũng khó mà thoát ra được. Và quan trọng hơn, anh “kinh ngạc về sự thay đổi không ngờ tràn ngập anh”. Khoảnh khắc Ralph kinh ngạc về sự thay đổi không ngờ gợi cho người đọc cảm giác phấp phỏng, âu lo hơn là sự bình yên, an lòng. Xét ở góc độ nào đó, truyện ngắn này có thể xem là một giải pháp khác, hữu ích nhất cho trường hợp của những người đàn ông chẳng may rơi vào hoàn cảnh oái oăm như Jack và Ralph. Nỗi đau và lòng vị tha của Ralph thật đáng ngợi ca. Truyện khép lại không hẳn là cái nhìn của niềm lạc quan vào cuộc sống. Cảm giác bản thân anh “kinh ngạc về sự thay đổi không ngờ trong anh” vừa cho phép người ta hi vọng mong manh rằng anh sẽ tha thứ, anh sẽ chấp nhận cuộc sống hạnh phúc đang có, vừa dự báo nguy cơ tiềm ẩn những cơn bùng phát giận dỗi bất cứ lúc nào của người đàn ông không được chứng kiến nhưng được nghe vợ thú tội rất tận tường hành động ngoại tình. Điều đáng ghi nhận là, để đi đến quyết định ấy, Ralph đã trải qua mấy năm trời gặm nhấm nỗi đau và một đêm dài trải nghiệm của cảm giác bị lừa dối có thể sẽ giúp anh điều chỉnh gia đình bình ổn hơn qua cơn sóng gió. Từ tiếng gào lấn át lời vợ đến hành động “gồng người lại khi cô chạm vào” lại mang tính dự báo cho hàng loạt cơn giông tố sẽ bùng phát bất cứ lúc nào. Do vậy, kiểu ngôn ngữ kể “nước đôi” ấy cùng với khoảnh khắc nhân vật người chồng khai ngộ khiến cho người đọc khó có thể tin chắc rằng anh ta sẽ trở thành người hùng đại lượng, vị tha nhưng chính nhờ thế mà người đọc lại rất dễ cảm thông với tâm trạng rất đời thường, rất người của anh. Bạn đọc trở thành người nhập cuộc và gợi mở nhiều cách hiểu khác nhau cho truyện. Có thể thấy, lựa chọn khoảnh khắc để nhân vật được khai ngộ là điều tương đối phổ biến trong lối viết của các nhà văn. Điều này, đến Carver không phải là mới. Cái mới là nếu các nhân vật của các nhà văn khác khai ngộ để thay đổi nhận thức và hành động thì nhân vật của Carver khai ngộ mà chẳng đổi thay. Cái tài của Raymond Carver là ở chỗ, dù nhân vật của ông rốt cuộc có sự thay đổi về nhận thức còn hành động dường như vẫn “giậm chân tại chỗ” thì bạn đọc vẫn được đồng sáng tạo và suy luận theo nhiều chiều hướng khác nhau cho những cấp độ chủ đề mới nảy sinh mà không bị ràng buộc vào chỉ duy nhất một chủ đề chủ đạo. Hiệu quả này là tính tất yếu của nguyên tắc phi trung tâm. Khi nhân vật không còn đóng vai trò trung tâm thì cho dù nhân vật được khai ngộ cũng vẫn sẽ khai ngộ mà không khai ngộ, từ đó độc giả lại trở thành nhân vật song hành để khai ngộ thật sự. Một sự lôi cuốn vai trò bạn đọc mà không phải nhà văn nào cũng làm được. 2.2. Sự dịch chuyển nhân vật trung tâm Nhân vật trung tâm vẫn hiện diện trong truyện ngắn của Carver nhưng khác là sự tồn tại của nó không mang tính xuyên suốt, nhất quán mà có sự hoán chuyển khéo léo, tinh tế. Nghĩa là, ban đầu nhân vật ấy có thể đảm nhiệm vai trò trung tâm nhưng sau đó, vai trò trung tâm lại được hoán chuyển khéo léo sang nhân vật khác. Kiểu hoán đổi, dịch chuyển này góp phần tạo nên tính phi trung tâm cho nhân vật của Carver và “rễ chùm” cho chủ đề tác phẩm. Tính phi trung tâm của nhân vật trong truyện Xe đạp, cơ bắp, thuốc lá (trong tập Em làm ơn im đi được không?) dường như đã có sự định hướng từ nhan đề cho đến cách luân chuyển từ từ vai trò của nhân vật. Truyện đồng thời bàn tới ba vấn đề: xe đạp (việc mấy đứa trẻ con làm mất xe đạp của bạn), cơ bắp (chuyện hai ông bố đánh nhau), thuốc lá (chuyện hút thuốc và bỏ thuốc lá của người bố và ông nội). Thật khó có thể khẳng định trong ba vấn đề được đề cập đó, vấn đề nào là quan trọng, là trung tâm hơn. 53 Nguyễn Thị Hạnh Rõ ràng là câu chuyện không còn đơn thuần chỉ liên quan đến bố con Hamilton ở thời điểm hiện tại mà là sự tái hiện đồng thời câu chuyện gợi nhớ đến quá khứ, giữa Hamilton trong vai trò là đứa con với người cha của mình trước kia. Nếu những gì anh ấn tượng sâu sắc về bố của mình là chuyện đánh nhau, hút thuốc và vẻ yếu đuối cùng sự thất bại của bố anh trước kia thì bây giờ con anh cũng rất ấn tượng về tất cả những điều này. Vậy hoá ra câu chuyện của hiện tại đóng vai trò ngang bằng với câu chuyện về bố anh trong quá khứ, dẫu chuyện quá khứ chiếm dung lượng ngắn hơn nhiều. Từ những ấn tượng giống nhau của hai thế hệ, truyện đề xuất cách giáo dục con trẻ không phải từ con trẻ như chúng ta thường thấy mà từ việc tu dưỡng của người cha, theo quan hệ kiểu như “gieo nào gặt ấy”. Tấm gương từ người cha sẽ được soi chiếu vào những dứa con. Câu chuyện, do vậy, đã có sự dịch chuyển vai trò của nhân vật trung tâm. Thay vì nhân vật Hamilton, nhân vật trung tâm đến cuối tác phẩm đã dịch chuyển về ông bố của anh. Không còn là ở mối quan hệ cha con thời hiện tại mà là quan hệ ông – cháu. Bởi hình ảnh cha của Hamilton, tức ông nội của Roger không chỉ tạo ấn tượng mạnh đến Hamilton mà còn cực kì ám ảnh Roger bằng chi tiết “cái tẩu” của ông. Vì thế, truyện ngắn Xe đạp, cơ bắp, thuốc lá gợi mở một định hướng mới về cách giáo dục con trẻ không phải là từ những bài răn dạy suông, áp đặt, nặng về lí thuyết mà từ những ấn tượng và tình cảm của cha mẹ chúng tác động đến con cái như thế nào. Điều tốt lành nho nhỏ (trong tập Thánh đường) cũng là một truyện ngắn rất tiêu biểu cho kiểu dịch chuyển nhân vật trung tâm của Carver. Thoạt tiên, nhân vật trung tâm của truyện là vợ chồng Howard và Ann, hai vợ chồng bất hạnh chẳng may đã bị mất đứa con trai vào đúng dịp nhật thằng bé. Chiếc bánh sinh nhật được chị đặt trước chưa kịp lấy thì thằng bé bị tai nạn. Người chủ hiệu làm bánh không biết đến cái chết của thằng bé nên liên tục gọi điện đến nhà chị để nhắc chị đến lấy chiếc bánh đã đặt cho con nhưng cách gọi không rõ ràng, cộc lốc khiến cho chị hiểu lầm. Hai vợ chồng chị đã tìm đến hiệu bánh để xả giận và tại đây chị mới hiểu được lí do của sự vô tâm kia. Người làm bánh khi hiểu ra chuyện đã xin lỗi hai vợ chồng. Ông mời họ ăn bánh với lời động viên hết sức chân thành: “Hai người phải ăn để sống. Ăn là điều tốt lành nho nhỏ trong những lúc như thế này”. Từ thái độ vô cùng giận dữ chỉ muốn giết ông ta, giờ đây, “bỗng nhiên Ann thấy đói bụng, thấy mấy miếng bánh ấm và ngọt ngào”. Họ ăn bánh và nghe người làm bánh kể về cuộc đời không con cái của ông ta và những tháng ngày làm việc trong lò bánh mì với rất nhiều kỉ niệm về hàng nghìn cái tên các cặp vợ chồng được đính trên bánh cưới cùng những chiếc bánh sinh nhật. Thay vì mạch chảy câu chuyện hướng về những đau khổ, mất mát của cặp vợ chồng mất con, một ngọn nguồn mới được khai lộ. Câu chuyện khép lại bằng hơi ấm cuộc sống từ câu chuyện người làm bánh kể cùng lời bình luận hoà trộn khó xác định là của nhân vật hay người kể chuyện: “Công việc của ông rất thiết yếu. Ông là người làm bánh. Ông hạnh phúc vì mình không phải là người bán hoa. Cung cấp thức ăn cho mọi người có giá trị hơn. Bất cứ lúc nào mùi bánh cũng hơn mùi hoa”. Người làm bánh còn bẻ đôi ổ bánh mì đen cho hai vợ chồng ngửi, rồi bảo họ nếm thử. “Họ nghe ông nói. Họ ăn những gì mình muốn. . . Dưới ánh sáng của đèn huỳnh quang, không gian tựa như ban ngày. Họ nói chuyện mãi cho đến rạng sáng, lúc những tia sáng yếu ớt xuyên qua cửa sổ, mà không nghĩ đến chuyện chia tay”. Đến đây, hình ảnh người làm bánh đã lấn át, toả sảng, trở thành chủ đạo và trung tâm. Người làm bánh không chỉ có sự thay đổi bản thân (từ chỗ sống ích kỉ, chỉ biết công việc) mà còn biết cảm thông, chia sẻ bất hạnh của người khác và hơn thế, trở thành chỗ dựa, thành hơi ấm lan toả cho đôi vợ chồng đang giá lạnh vì mất con kia. Ông trở thành một hiền triết, rao giảng bài thuyết lí của đời thường: con người còn sống cần phải biết trân quý cuộc đời. Đôi khi, miếng ăn không chỉ duy trì sự sống mà còn giúp họ nhận thức lại giá trị của sự sống. Sợi dây giúp con người xích lại gần nhau chỉ là một chiếc bánh và tấm lòng của người làm ra nó. Phút chốc, ánh sáng của ngọn đèn huỳnh quang có thể tạo nên cảm giác như ánh sáng ban ngày. Người 54 Khoảnh khắc khai ngộ và sự dịch chuyển nhân vật trung tâm trong truyện ngắn ... làm bánh đã khơi mở được niềm tin tươi sáng cho không chỉ hai vợ chồng Ann mà còn cho chính bản thân ông. Điều tốt lành nho nhỏ ấy hoá ra chẳng nho nhỏ chút nào. Nhân vật người bán bánh trở thành điểm sáng thâu tóm câu chuyện và tạo ấn tượng mạnh về vai trò của một nhân vật trung tâm mới. 3. Kết luận Câu chuyện về bạn đọc đồng sáng tạo hoàn toàn không có gì là mới mẻ ở truyện ngắn của Raymond Carver. Cái mới là nhà văn người Mỹ này vẫn dựa trên cái nền quen thuộc của lối viết truyện hiện đại, bắt đầu các câu chuyện tự nhiên, nội dung truyện dung dị, lựa chọn ngôn từ đời thường, ngắn gọn nhưng ông biết thổi vào đó những điểm nhấn mới. Từ khoảnh khắc khai ngộ, từ nhân vật trung tâm, ông đã tạo nên những dịch chuyển mới: nhân vật khai ngộ nhưng không hoàn toàn khai ngộ mà phần “hoàn toàn” ấy dành cho bạn đọc, vai trò của nhân vật trung tâm luân chuyển sang vị trí nhân vật khác, xoá nhoà hoàn toàn tính duy nhất, độc tôn thường thấy trong lối viết văn