Luật Manu – Bộ bách khoa thư về Ấn Độ cổ đại

1. Mở đầu Ấn Độ được biết đến với bề dày của một nền văn minh rực rỡ đã tồn tại suốt 5000 năm lịch sử và là một trong những cái nôi của văn minh nhân loại. Ở Ấn Độ còn lưu giữ được một kho tàng thư tịch cổ đồ sộ, mà thường được gọi là thư tịch cổ Hinđu. Một trong những thư tịch đó là bộ luật Manu – một trong những bộ luật cổ xưa nhất của loài người – nơi kết tinh tinh thần, trí tuệ, tư duy Ấn Độ về con người và cuộc sống. Bài viết này nhằm đánh giá giá trị to lớn của bộ luật thông qua các công trình nghiên cứu của các tác giả trong và ngoài nước.

pdf6 trang | Chia sẻ: thanhle95 | Lượt xem: 378 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Luật Manu – Bộ bách khoa thư về Ấn Độ cổ đại, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE Social Sci., 2011, Vol. 56, No. 2, pp. 3-8 LUẬT MANU – BỘ BÁCH KHOA THƯ VỀ ẤN ĐỘ CỔ ĐẠI Đinh Ngọc Bảo và Tống Thị Quỳnh Hương Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 1. Mở đầu Ấn Độ được biết đến với bề dày của một nền văn minh rực rỡ đã tồn tại suốt 5000 năm lịch sử và là một trong những cái nôi của văn minh nhân loại. Ở Ấn Độ còn lưu giữ được một kho tàng thư tịch cổ đồ sộ, mà thường được gọi là thư tịch cổ Hinđu. Một trong những thư tịch đó là bộ luật Manu – một trong những bộ luật cổ xưa nhất của loài người – nơi kết tinh tinh thần, trí tuệ, tư duy Ấn Độ về con người và cuộc sống. Bài viết này nhằm đánh giá giá trị to lớn của bộ luật thông qua các công trình nghiên cứu của các tác giả trong và ngoài nước. 2. Nội dung nghiên cứu Luật Manu là một bách khoa thư về xã hội Ấn Độ. Với 2695 điều luật, chia làm 12 chương, được trình bày dưới dạng câu song vần, Manu cho người ta thấy bức tranh lịch sử Ấn Độ cổ xưa trên mọi lĩnh vực, cả về kinh tế, chính trị, tư tưởng và văn hóa. Giống như các tác phẩm khác từ thời cổ đại của Ấn Độ, luật Manu được soạn thảo bởi các thành viên của một tổ chức xã hội gọi là Bàlamôn hay giáo sĩ và theo một phạm vi rộng hơn, nó dành cho giáo sĩ. Nhưng không giống kinh Vêđa được coi là vĩnh cửu và có nguồn gốc thần thánh, luật Manu có nguồn gốc con người và do đó dễ bị sai sót bởi con người. Nó chứa đựng các luật lệ, qui tắc ứng xử được áp dụng bởi các cá nhân, cộng đồng và quốc gia. Nó bao gồm pháp luật hình sự và dân sự, còn bao gồm cả giáo lí của nghiệp, tái sinh và sự cứu rỗi. . . Vì vậy nó vừa là một tác phẩm luật nhưng đồng thời là một tác phẩm tôn giáo. Nó vừa được coi là nền tảng pháp luật của đạo Hinđu vừa được coi là nền tảng cho sự hiểu biết xã hội Ấn Độ cổ đại. Các nhà nghiên cứu cho rằng, luật Manu có lẽ được viết vào thiên niên kỉ thứ I trước công nguyên (TCN), nhưng nội dung mà nó đề cập đến sớm hơn rất nhiều, có thể là từ thời người Aryan bắt đầu xâm nhập Ấn Độ, khoảng giữa thiên niên kỉ thứ II TCN. Ở Ấn Độ cổ đại, đây là bộ luật hoàn chỉnh nhất, là hình thức luật độc đáo nhất, điều chỉnh nhiều quan hệ xã hội quan trọng lúc bấy giờ. Được viết súc tích và cô đọng hơn nhiều so với các bản văn khác, tài liệu này cho ta một con đường 3 Đinh Ngọc Bảo và Tống Thị Quỳnh Hương thẳng trực tiếp đến với quá trình xây dựng cấu trúc thượng tầng có ảnh hưởng nhất của Ấn Độ giáo và xã hội Ấn Độ nói chung. Bộ luật Manu đề cập một cách chi tiết và tỉ mỉ mọi vấn đề trong xã hội cổ đại Ấn Độ. Nó được coi là một bản thuyết trình hoàn thiện về cuộc sống trên thế giới - cuộc sống là thế nào và phải sống thế nào. Không công trình nghiên cứu hiện đại nào về cuộc sống gia đình của người Hinđu (người theo đạo Ấn), tâm lý học, các khái niệm về thể xác, giới tính, mối quan hệ giữa con người và động vật, thái độ đối với đồng tiền và của cải vật chất, chính trị, luật lệ, đẳng cấp, lễ tẩy uế và ô nhiễm, các nghi lễ, phong tục và tư tưởng xã hội, từ bỏ thế giới và mục tiêu thế giới,. . . có thể bỏ qua luật Manu. Trong tư tưởng lâu đời của các học giả phương Tây, không có công trình nào có danh tiếng lớn hơn và được xem qua hàng thế kỉ là có căn cứ xác đáng như luật Manu. Đây là một trong những công trình bằng tiếng Sanskrit đầu tiên được dịch ra mọi thứ tiếng châu Âu. Bản dịch sớm nhất được xuất bản tại Canlcutta năm 1794, của William Jones, một trong những nhà sáng lập ra khoa Ấn Độ học hiện đại. Tượng đài của Jones ở Thánh đường St Paul’s, Luân Đôn, tạc tư thế ông cầm một tập Manu trong tay. Bản dịch ra tiếng Anh của Jones sau đó được dịch ra tiếng Đức và được J.Chr.Huttner xuất bản ở Weimar năm 1797. Sự xuất hiện nhanh chóng của các bản dịch tiếp theo sau bằng tiếng Pháp, Đức, Bồ Đào Nha và tiếng Nga, và việc nó được liệt kê vào seri bản Thánh văn đồ sộ do F.Max.Muller biên soạn đã chứng thực cho tầm quan trọng về mặt lịch sử và tôn giáo mà các nhà Đông phương học dành cho cuốn bản văn này. Trong lĩnh vực luật so sánh, cuốn bản văn tiếp tục thu hút sự chú ý của những người phương Tây, giống như Derrett, họ xem công trình này là một trong những tác phẩm hàng đầu về luật pháp cổ đại, giá trị ở mọi khía cạnh hơn hẳn Hammurabi và có thể so sánh với đạo luật Moses. Không giống với nhiều bộ luật cổ khác trên thế giới, Manu không đơn thuần là việc đưa ra các quy định, quy tắc, hình phạt nghiêm khắc mà còn là một tác phẩm Hinđu giáo mang đầy tính nhân văn, khoa học thậm chí là cả sự tiến bộ đi trước thời đại. Giá trị của luật Manu không chỉ có ý nghĩa ở thời đại của nó mà còn có tầm ảnh hưởng tới nhiều bộ luật khác sau này ở Ấn Độ. Danh tiếng của luật Manu ở châu Âu vượt qua cả ranh giới của khoa nghiên cứu về Ấn Độ. Các nhà khoa học cho rằng sự nổi tiếng của Manusmriti đã làm cho ngành Ấn Độ học trên thế giới được mở rộng. Nhiều nhà nghiên cứu đã đưa ra những đánh giá về bộ luật này trong các công trình nghiên cứu về Ấn Độ của mình. Tiêu biểu trong số đó là Friedrich Nietzsche – một học giả người Đức đã dành rất nhiều trang đề cập đến luật Manu trong tác phẩm Ánh sáng của lý tưởng, xuất bản năm 1889. Ông đã hết lời ca ngợi bộ luật Manu và những người sáng tạo ra nó: “So với luật Manu, Kinh Tân ước thật tầm thường làm sao. . . Mục đích của Thiên chúa giáo là những kết thúc tồi tệ: là sự đầu độc, là sự nói xấu, là sự phủ nhận cuộc sống, 4 Luật Manu – Bộ bách khoa thư về Ấn Độ cổ đại coi thường con người, sự phỉ báng, gièm pha và tự hành hạ con người qua những khái niệm của tội lỗi - luôn luôn là mang nghĩa xấu xa. Trái ngược với cảm giác khi tôi đọc Luật Manu, một tác phẩm thiêng liêng và cao thượng không thể so sánh được. Thiêng liêng đến nỗi gọi nó cùng một tên gọi với Kinh Thánh cũng là tội lỗi đối với tinh thần. Ai đọc nó cũng sẽ nhận ngay ra cái bản chất nhân sinh, triết học ẩn giấu đằng sau nó. . . Tất cả đã lấp đầy những lỗ thủng của Thiên chúa giáo về các hành động quan hệ vợ chồng thô tục, xấu xí, về sự sinh nở, đặc biệt là phụ nữ, hôn nhân trong Manu đều được diễn tả một cách đa dạng với sự tôn trọng, tình yêu và niềm tin” [6;57]. Như vậy, có thể thấy sự hiểu biết của Nietztche đối với luật Manu rất sâu sắc và đã chạm gần đến bản chất của xã hội Ấn Độ. Năm 1833, ở Paris, A.Loiseleur Deslongchamps xuất bản bản dịch luật Manu đầu tiên bằng tiếng Pháp là Lois de Manu. Đến năm 1893, một bản dịch khác của luật Manu bằng tiếng Pháp là Les Lois de Manu của tác giả G.Strehly cũng được xuất bản ở Paris. Tại Đức, trong cuốn Zeitschrift fur vergleichende Retchtswissenschaft được xuất bản vào năm 1882, tác giả Julius Jolly đã cho in bản dịch hai chương VIII và IX của luật Manu. Năm 1859, bản dịch luật Manu bằng tiếng Bồ Đào Nha của tác giả G.Pauthier cũng được xuất bản tại Goa. Tiếp theo đó, năm 1913, bản dịch luật Manu bằng tiếng Nga của tác giả S.D.Elmanovich cũng đã được xuất bản tại St.Peterburg. Bản dịch được coi là đồ sộ nhất vào thế kỉ XIX là của F.Max Muller in trong tuyển tập Những quyển sách tôn giáo của phương Đông (Scared Books of the East) xuất bản ở Oxford năm 1886. Tuy nhiên, bản dịch được coi là hoàn hảo bằng tiếng Anh là các bản The law of Manu của G.Buhler xuất bản lần đầu ở Oxford năm 1886 và The ordinances of Manu của A.C Burnell và E. W Hopkins xuất bản ở London năm 1891. Việc nghiên cứu và dịch luật Manu sang các thứ tiếng khác nhau ngày càng được đẩy mạnh hơn trong thế kỉ XX bởi có thêm nhiều bản dịch mới đầy đủ hơn, chi tiết hơn ngoài những bản dịch cũ được tái bản. Trong các bản dịch mới, các tác giả có thêm sự chú giải, lời đánh giá về nội dung của bộ luật, quá trình dịch và tìm hiểu bộ luật Manu. Một trong số các tác phẩm nổi bật là Manusastravivarana gồm hai tập của J.D.M Derrett xuất bản ở Wiesbaden năm 1975. Theo Derrett, cuốn văn bản là “thành tựu lớn nhất của Ấn Độ trong lĩnh vực luật học”[3]. Năm 1976, Wendy Doniger O’Flaherty (giáo sư lịch sử tôn giáo ở đại học Chicago) trong cuốn Nguồn gốc Tội lỗi trong thần thoại Ấn Độ, xuất bản tại Berkeley năm 1976 đã trích dẫn nhiều điều trong luật Manu và đánh giá: “Manu là một trong những tài liệu hay nhất của Ấn Độ khi nói đến sự mâu thuẫn không thể giải quyết được giữa tư tưởng tôn giáo (kiểu không bạo lực) và thực tại thế tục (luôn gắn với bạo lực). Là một trích đoạn trong dharma, dựa theo định nghĩa thì lại có một nghịch 5 Đinh Ngọc Bảo và Tống Thị Quỳnh Hương lý chung giữa “nên là cái gì” và “là cái gì” – vì dharma phấn đấu để vừa mang tính miêu tả lại vừa mang tính luật lệ” [4;94-99]. Sudhir Kakar trong Mối quan hệ mật thiết: Khám phá bản năng giới tính của người Ấn Độ, xuất bản tại Chicago năm 1990 đã dịch nhiều chương trong Luật Manu để minh họa cho những nghiên cứu về giới tính của người Ấn Độ “Hai mươi sáu khổ thơ tứ tuyệt đầu tiên của chương “Trách nhiệm của chồng và vợ” trong luật Manu, tạo nên cơ sở chính về quan điểm chính thống đối với phụ nữ xét về mặt văn hóa, có thể hiểu là một ý nghĩ kì quặc về đề tài sự phóng túng, buông thả, sự không chung thủy về mặt tình dục của phụ nữ trưởng thành. . . ”[7;18-19]. Năm 1991, Wendu Doniger và Brian. K. Smith (giáo sư lịch sử và nghiên cứu tôn giáo đại học California) đã cho ra đời cuốn The Laws of Manu xuất bản ở Basu Mudran, Kolkata. Trong cuốn này ngoài việc cung cấp 12 chương của luật Manu với 2895 câu dịch thì tác giả còn trình bày lịch sử quá trình dịch Manu sang các ngôn ngữ châu Âu, tầm quan trọng của bộ luật đối với những nhà nghiên cứu, về những ý kiến xung quanh bản dịch của Buhler, các ý kiến đánh giá khác nhau về bộ luật, một số ảnh hưởng về mặt chính trị của bộ luật đối với Ấn Độ cổ. Trong tác phẩm của mình, các tác giả đã đánh giá “Manu là sự kết hợp của tính vững chắc và tính thống nhất. Do đó mà tác phẩm được xem là dẫn chứng lịch sử vô giá cho sự hình thành văn hóa chung giữa những người theo đạo luật trong những trường phái khác nhau” [1]. Trong bản dịch này, các tác giả cũng lần đầu tiên chia văn bản thành nhiều đoạn văn. Bộ luật Manu đã được soạn thảo theo hình thức đoạn thơ Sloka gồm có hai dòng chữ không có vần nhưng nhịp nhàng với nhau. Gần đây nhất, vào năm 2006, Patrick Ollive công bố bản dịch luật Manu bằng tiếng Anh trong Manu’s Code of Law – A critical edition and translation of the Manava Dharmasastra tại Oxford University Press. P. Ollive giải thích về cấu trúc, nguồn gốc cũng như nền tảng xã hội, chính trị của các luận thuyết trong Manu, bàn luận nhiều vấn đề liên quan đến những mâu thuẫn trong Manu, về tính tôn giáo trong cấu trúc bộ luật chứ không chỉ là những truyền thuyết về cái tên Manu. Tác giả cũng bàn luận về việc dùng Manavadharmasastra hay Manu smriti để gọi bộ luật. . . Đây là công trình nghiên cứu tỉ mỉ 53 bản dịch và viết tay của 12 tác giả và nghiên cứu 38 bản dịch tiếng nước ngoài. Điều đáng chú ý là ngoài việc cung cấp nội dung bộ luật, tương ứng với mỗi chương tác giả đều đưa ra lời giải thích, bình phẩm, đánh giá cả 12 chương. Ở Việt Nam, Manu được dẫn giải trong các công trình nghiên cứu cả về luật học, văn học, sử học, tôn giáo. . . , được rao giảng cả trong giảng đường của các trường Đại học, trường phổ thông. Vậy mà, đáng tiếc thay, một bộ thư tịch cổ đầy giá trị như thế lại chưa được biên dịch và nghiên cứu đầy đủ. Mặc dù vậy, bộ luật Manu có được nhắc tới trong nhiều cuốn sách như Lịch sử văn minh Ấn Độ của Will Durant do Nguyễn Hiến Lê dịch; Lịch sử văn minh thế giới của GS. Vũ Dương Ninh; Lịch sử văn minh thế giới của Lê Phụng Hoàng... nhưng chỉ với vai trò là 6 Luật Manu – Bộ bách khoa thư về Ấn Độ cổ đại minh chứng cho những nghiên cứu về xã hội Ấn Độ. Cụ thể và rõ ràng hơn về Manu là trong cuốn Almanach những nền văn minh thế giới do Nhà xuất bản Văn hoá Thông tin biên soạn có nói đến thời gian tồn tại của bộ luật, số chương và nội dung khái quát của bộ luật. Nhóm tác giả Đặng Đức An, Đặng Quang Minh, Đinh Ngọc Bảo, Dương Duy Bằng trong cuốn Tư liệu giảng dạy lịch sử thế giới cổ đại, do Nhà xuất bản Giáo dục xuất bản năm 1983 đã tuyển chọn và dịch một số điều quan trọng trong bộ luật Manu sang tiếng Việt. Ví dụ, các điều luật quy định về chế độ đẳng cấp trong xã hội Ấn Độ như “Vì sự phồn vinh của thế giới, thần Bàlamôn đã tạo ra từ miệng, tay, đùi và bàn chân của mình các đẳng cấp Bàlamôn, Ksatrya, Vaisya, Sudra”; “ Thần Bàlamôn qui định cho đẳng cấp Bàlamôn nhiệm vụ giảng dạy và nghiên cứu kinh Vêda, lo công việc tế lễ cho mình và cho người khác, nhận và phân phát những ân huệ của thần”; “Người Ksatrya (được quy định) mang cung kiếm vì phương tiện sinh sống, cũng như những người Vaisya làm nghề đi buôn. Nhưng dù chăn nuôi gia súc hay làm ruộng thì nghĩa vụ (Đácma) của người Ksatrya là cúng tặng, nghiên cứu (kinh Vêda) và thực hiện các cuộc tế lễ”[5;84] . PGS.TS Doãn Chính là một trong những tác giả có nhiều công trình nghiên cứu về Ấn Độ, trong tác phẩm Lịch sử tư tưởng triết học Ấn Độ cổ đại, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia xuất bản năm 1998, ông đã đề cập đến nhiều nội dung trong bộ luật Manu để minh chứng cho những nghiên cứu về tư tưởng Ấn Độ thời cổ đại. Vài năm trước đây, Khoa Lịch sử, trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội đã dịch bộ luật Manu từ tiếng Nga sang tiếng Việt, với lời giới thiệu của nhà sử học Nga G.F.I-lin. Đây có thể coi là một trong những bản dịch luật Manu đầu tiên ở Việt Nam. Tuy nhiên, bản dịch này hiện vẫn là tài liệu lưu hành nội bộ chưa được nghiên cứu chuyên sâu. Năm 2008, Nhà xuất bản Văn hóa thông tin đã xuất bản cuốn sách Tư tưởng Ấn Độ theo dòng lịch sử của tác giả Albert Schweitzer - do Kiến Văn, Tuyết Minh dịch. Là một học giả nổi tiếng phương Tây (Nhận giải Nobel Hoà bình 1952) nghiên cứu chuyên sâu về triết lý Ấn Độ, trong tác phẩm này Albert Schweizer đã phân tích và nêu lên sự khác biệt giữa triết học Ấn Độ và tư tưởng phương Tây để người đọc nắm bắt dễ dàng những điều uyên bác trong kho tàng tư tưởng Ấn Độ suốt theo dòng lịch sử từ kinh Veda ra đời cho đến ngày nay. Trong đó, để minh họa cho những triết lý đậm chất Ấn Độ, tác giả dành một chương để nói về thế giới quan Bà La Môn trong bộ luật Manu. Năm 2009, PGS.TS Đinh Ngọc Bảo và nhóm nghiên cứu đề tài Luật Manu trong đời sống xã hội Ấn Độ xưa và nay (Mã số B2009-17-205) đã dịch toàn bộ luật Manu từ nguyên bản tiếng Anh The law of Manu, xuất bản năm 1991 ở Kolkata, sang tiếng Việt cùng với Lời mở đầu của Brian K. Smith. Trên cơ sở bản dịch đó, nhóm tác giả đã có một số bài viết đăng trên Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á và 7 Đinh Ngọc Bảo và Tống Thị Quỳnh Hương hướng dẫn thành công một số luận văn Thạc sỹ về đề tài này. Công việc chỉnh sửa bản dịch và nghiên cứu bộ luật vẫn đang được tiến hành, song có thể coi đây là một trong những bước đầu tiên của quá trình nghiên cứu chuyên sâu về bộ luật Manu ở Việt Nam. 3. Kết luận Trong nền văn minh rực rỡ của phương Đông thì Ấn Độ là một trong những cái nôi triết học, tôn giáo lâu đời và phong phú của nhân loại. Trong kho tàng các thư tịch cổ của mình, người Ấn Độ có thể tự hào về Manusmriti - một thư tịch cổ đầy giá trị, với đậm đà bản sắc Hinđu giáo. Tìm hiểu Ấn Độ thì không thể không biết về Manu và ngược lại tìm hiểu Manu để hiểu thêm Ấn Độ. Trải qua thời gian, sức ảnh hưởng của Manu vẫn còn rất sâu đậm trong lối sống, trong tâm tưởng của phần lớn người dân Ấn Độ, do đó bộ luật này xứng đáng có vị trí trang trọng hơn trong những nghiên cứu về lịch sử, văn hóa thế giới. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Wendu Doniger và Brian. K. Smith, 1991. The laws of Manu Basu Mudran, Kolkata. [2] Morit Winternitz, 1967. A history of Indian Literature, Vol.2. Pt 2, Scientific, trans, Subhadra Jha (Delhi). [3] J.D.M Derret, 1975. Manusastravivarana, 2 vol. Wiesbaden, Introduction. [4] Wendy Doniger O’Flaherty, 1976. The Origins of Evil in Hindu Mythology. Berkeley. [5] Nhiều tác giả, 1983. Tư liệu giảng dạy lịch sử thế giới cổ đại. Nxb Giáo Dục. [6] Friedrich Nietzsche, R.J. Hollingdale translated, 1889. The Twilingt of Idials. Op.cil. [7] Sudhir Kakar, 1990. Intimate Relations: Exploring Indian Sexuality. Chicago. ABSTRACT The Laws of Manu – The Encyclopedia of Ancient Indian The Laws of Manu consists of 2695 verses on topics of Hindu intimate thought – as for the social obligations and duties of various castes and individuals in different stages of life; the appropriate social relationships between men and women of dif- ferent castes, and of the husbands and wives in the privacy of their own home plus birth, death, and taxes; cosmogony, karma, and rebirth; ritual practices error and restoration. Manu shows the picture of ancient Indian history in all areas, including economic, political, ideological and cultural followings. It is an encompassing repre- sentation of life in the world - how it is and how it should be lived. Manu is a law of writing as well as religious writings. Those who want to learn about Indian culture cannot ignore this law and it’s this value. 8